CÁC VẤN ĐỀ VỀ MÔI TRƯỜNG TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG I: CÁC VẤN ĐỀ VỀ MÔI TRƯỜNG TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP

1. Một số khái niệm

1.1. Thương mại: là hoạt động trao đổi hàng hoá và dịch vụ diễn ra ở các cấp độ khác nhau trong xã hội giữa các cá nhân, các nhóm, các khu vực và các quốc gia. Thương mại có thể diễn ra trong một số giai đoạn của vòng đời một sản phẩm (trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, kể cả khi sản phẩm đã bị loại bỏ và được tái chế).

1.2. Hàng hoá môi trường và dịch vụ môi trường

a. Hàng hoá môi trường

Có thể hiểu là hàng hoá phục vụ bảo vệ môi trường (nghĩa tích cực) hoặc có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường (nghĩa tiêu cực). Dưới góc độ pháp luật về môi trường, hàng hoá môi trường là những hàng hoá mà công dụng cuối cùng của chúng là làm sạch môi trường hoặc ngăn ngừa ô nhiễm.

Hàng hoá môi trường thường bao gồm một số nhóm sau:

Nhóm hàng hoá phục vụ cho việc kiểm soát ô nhiễm (nước, không khí, suy thoái rừng...). Ví dụ: Hệ thống xử lý nước thải được đầu tư và vận hành để đảm bảo xả thải trong tiêu chuẩn cho phép.

Nhóm các công nghệ và sản phẩm sạch, như công nghệ sạch, công nghệ ít chất thải...

Nhóm hàng hoá phục vụ cho việc quản lý tài nguyên, như hệ thống quan trắc môi trường (thu thập các thông số, xác định hiện tượng môi trường và dự báo tác động của môi trường đến sức khoẻ con người), búa bài cây (đánh giá cây gỗ rừng được phép khai thác)...

b. Dịch vụ môi trường

Dịch vụ môi trường là loại hình dịch vụ phục vụ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, bao gồm 4 phân ngành chính: Dịch vụ nước thải, dịch vụ rác thải, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ bảo vệ môi trường khác (giảm tiếng ồn, bảo vệ cảnh quan môi trường...).

1.3. Sản phẩm liên quan đến môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường

a. Sản phẩm liên quan đến môi trường

Sản phẩm liên quan đến môi trường là những sản phẩm mà quá trình sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ chúng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, làm suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc gây tác hại cho sức khoẻ của con người, động thực vật và đòi hỏi nhiều nguồn lực để xử lý những tác hại đó (nguồn lực tài chính, nhân lực, thời gian...). Những sản phẩm này còn được gọi là sản phẩm nhạy cảm với môi trường.

Để đánh giá mức độ liên quan đến môi trường hay nhận biết một sản phẩm liên quan đến môi trường, cần phải căn cứ vào các tiêu chí sau:

- Độ nguy hại của chất thải đi kèm hoặc tồn tại trong sản phẩm;

- Ảnh hưởng tiêu cực của sản phẩm hoặc quá trình sử dụng sản phẩm tới môi trường (ví dụ việc sử dụng tủ lạnh làm phát sinh khí CFC gây thủng tầng ozon);

- Ảnh hưởng tiêu cực của sản phẩm tới đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái (ví dụ trong quá trình tự do hoá thương mại, đã làm xuất hiện ở Việt Nam những hạt giống theo cơ chế "kết thúc nảy mầm", với việc cấy các đoạn ADN làm cây trồng chỉ sử dụng được một thế hệ, dẫn đến việc lây lan sang các giống cây trồng khác, đe doạ đa dạng sinh học);

- Quy trình sản xuất sản phẩm có tác động tiêu cực đến môi trường (ví dụ sản xuất đồ gỗ sử dụng nguồn gỗ khai thác từ tự nhiên).

b. Sản phẩm thân thiện với môi trường

Sản phẩm thân thiện với môi trường là nhóm sản phẩm mà quá trình sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ chúng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường (nếu có thì cũng nhẹ hơn so với các tác động tới môi trường của các sản phẩm cùng loại). Trong một chừng mực nhất định, các sản phẩm thân thiện với môi trường còn có tác động tích cực tới môi trường.

Một sản phẩm chỉ được coi là hoàn toàn thân thiện với môi trường khi nó đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn về tính thân thiện với môi trường từ giai đoạn sản xuất cho tới giai đoạn đưa vào tiêu dùng, sử dụng và cuối cùng là thải bỏ sau sử dụng. Trên thực tế hầu như các quốc gia chưa sản xuất được các sản phẩm chỉ tạo tác động tích cực đến môi trường. So với các sản phẩm liên quan đến môi trường, mức độ tác động đến môi trường của sản phẩm thân thiện với môi trường là thấp hơn.

Pháp luật Việt Nam đã đưa ra những chính sách để khuyến khích sản phẩm thân thiện với môi trường và hạn chế sản phẩm liên quan đến môi trường. Cụ thể, đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, có các quy định tại Điều 117, như trợ giá đối với sản phẩm tái chế từ chất thải, ưu đãi đất đai, miễn hoặc giảm thuế... Đối với sản phẩm liên quan đến môi trường, Điều 112 quy định về việc đánh thuế môi trường làm thay đổi hành vi của người sản xuất...

2. Mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường và thương mại

2.1. Quan hệ giữa môi trường và thương mại

a. Tác động tích cực

Ràng buộc doanh nghiệp vào việc thực hiện các hoạt động thương mại theo hướng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, bởi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí là mục tiêu và xu hướng chung của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, vì vậy họ có thể bỏ qua những lợi ích và sự an toàn cho người tiêu dùng để đạt được lợi nhuận ở mức cao nhất. Trong trường hợp đó, các quy định về bảo vệ môi trường là cơ sở pháp lý để điều chỉnh và ngăn ngừa tình trạng đó, bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ của người tiêu dùng. Ví dụ như đưa ra các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, doanh nghiệp xả thải phải trong giới hạn cho phép.

Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về bảo vệ môi trường góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho họ vay vốn ngân hàng hoặc huy động vốn để mở rộng sản xuất, tham gia đấu thầu quốc tế. Ví dụ như việc thế giới áp dụng các loại quy chuẩn như ISO 14000 hay HACCP, tuy không bắt buộc phải có được nhưng các doanh nghiệp muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh đều phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn này.

Tạo ra cơ cấu sản xuất phù hợp và khuyến khích các hoạt động thương mại bền vững. Việc đưa ra các quy định nhằm bảo vệ những nguồn tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt sẽ ảnh hưởng tích cực đến thương mại, đặc biệt đối với những quốc gia mà các hoạt động kinh tế - thương mại chủ yếu dựa vào tài nguyên. Các quy định về bảo vệ môi trường có thể hạn chế đầu vào của một số ngành sản xuất dẫn tới sự thay đổi cơ cấu đầu vào hoặc điều chỉnh sản xuất theo hướng ít phụ thuộc hơn vào nguồn tài nguyên khan hiếm. Ví dụ như ở Việt Nam có chủ trương "cấm khai thác gỗ tự nhiên" đã có tác động trước mắt tích cực đến môi trường là buộc các doanh nghiệp phải thay đổi nguồn nguyên liệu, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ nhân tạo, không phụ thuộc vào tài nguyên.

b. Tác động tiêu cực

Các quy định khắt khe về môi trường có thể dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn và làm giảm kim ngạch xuất khẩu của các nước xuất khẩu, tác động này có ảnh hưởng đặc biệt lớn đối với các nước đang phát triển, nơi có năng lực sản xuất và trình độ công nghệ hạn chế.

Gia tăng áp lực đối với hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển (rào cản xanh) và dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế. Ví dụ, Áo đưa ra nhãn sinh thái đối với sản phẩm gỗ làm ngăn chặn sản phẩm gỗ của nước khác nhập khẩu vào Áo; ở Hoa Kỳ (1990) có quy định những loại xăng sử dụng ở Mỹ phải theo tiêu chuẩn riêng của Mỹ đồng thời với tiêu chuẩn chung của thế giới... các nước đang phát triển phải gánh chịu thiệt hại nhiều nhất từ những chính sách này.

2.2. Quan hệ giữa thương mại và môi trường

Xuất phát từ các chính sách thương mại sẽ tác động đến hoạt động thương mại và từ đó có tác động nhất định đến hoạt động bảo vệ môi trường. Ví dụ, chính sách cấm buôn bán động thực vật quý hiếm tác động làm cho việc khai thác, buôn bán động thực vật quý hiếm giảm, từ đó có tác dụng bảo vệ môi trường; chính sách cho phép xuất khẩu than tác động làm cho các hoạt động khai thác than diễn ra nhiều hơn, từ đó gây ra nguy cơ suy thoái tài nguyên thiên nhiên.

a. Tác động tích cực

Nhân rộng việc sử dụng các công nghệ mới góp phần bảo vệ môi trường, vì ba lý do sau đây: (1) Do đòi hỏi của thị trường là các hàng hoá phải đáp ứng những tiêu chuẩn về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã, thậm chí là tiêu chuẩn về tính thân thiện với môi trường mới đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường; (2) Cơ hội tiếp cận với máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại của nước ngoài được mở rộng khi một nước mở cửa thị trường của mình, do đó, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội để chịu chi phí thấp hơn khi đầu tư vào những máy móc, công nghệ mà họ cần; (3) Tự do hoá thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, mở rộng các mặt hàng xuất khẩu và tăng kim ngạch xuất khẩu, nhờ đó, nguồn cung ngoại tệ gia tăng nên học có điều kiện để nhập khẩu các công nghệ, máy móc ít độc hại, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng.

Làm thay đổi cơ cấu sản xuất trong nước theo hướng có lợi hơn cho môi trường. Lý do: Tự do hoá thương mại là điều kiện để phát triển phân công lao động và chuyên môn hoá sản xuất. Trong quá trình đó, các nước tiến hành điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất theo hướng sao cho có hiệu quả hơn. Việc chấm dứt sản xuất những mặt hàng nhạy cảm với môi trường và thay thế bằng hàng nhập khẩu sẽ có ý nghĩa tích cực trong trường hợp sản xuất trong những không hiệu quả hoặc gây ảnh hưởng xấu cho môi trường do điều kiện sản xuất hạn chế. Ví dụ, ở Trung Quốc, sản xuất giấy và bột giấy là tiêu tốn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường nên chính phủ đã xem xét việc nhập khẩu hàng hoá cùng loại đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và bảo vệ môi trường.

Tự do hoá thương mại làm cho quy mô sản xuất gia tăng, hiệu quả sản xuất cao hơn, dẫn đến giảm thiểu những tác động tiêu cực cho môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường của cộng đồng. Thể hiện trên hai khía cạnh: (1) Tự do hoá thương mại kéo theo thị trường tiêu thụ hàng hoá được mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại sản xuất cho hợp lý hơn. Sự phân công lao động và chuyên môn hoá được áp dụng hiệu quả, nhờ đó, có thể sử dụng ít hơn nguồn tài nguyên đầu vào và tạo ra ít chất thải hơn trong quá trình sản xuất; (2) Kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, kéo theo như cầu bảo vệ môi trường sống cũng cấp bách hơn với những đòi hỏi cao hơn, vì vậy, phát triển thương mại cũng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

b. Tác động tiêu cực

Làm tăng nguy cơ lưu thông những sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường dưới hai khía cạnh: (1) Những sản phẩm không thân thiện với môi trường có thể dễ dàng "di cư" sang các nước đang phát triển, nơi có cơ chế quản lý, nhập khẩu và đầu tư lỏng lẻo, nơi người tiêu dùng chưa đặt ra các đòi hỏi cao đối với sản phẩm thân thiện với môi trường; (2) Nước nhập khẩu, đặc biệt là các nước đang phát triển thường không có đủ thông tin và năng lực công nghệ cần thiết để đánh giá mức độ ảnh hưởng với môi trường của sản phẩm nhập khẩu và xây dựng cơ chế quản lý thích hợp. Ở Việt Nam, Chính phủ chỉ mới khuyến cáo người tiêu dùng đối với với những sản phẩm biến đổi gen để người tiêu dùng xem xét chứ chưa có được một cơ chế kiểm soát thích hợp.

Lợi nhuận thương mại và áp lực cạnh tranh của thị trường buộc các nhà đầu tư sử dụng nhiều quy trình sản xuất, công nghệ không thân thiệc với môi trường để giảm chi phí sản xuất. Tác động này càng trở nên nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển.

Tự do hoá thương mại và sản xuất quy mô lớn có thể dẫn đến khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo ra nhiều tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Tự do hoá thương mại tạo điều kiện thuân lợi cho tình trạng dịch chuyển nguồn ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Lý do: (1) Các ngành công nghiệp thải bỏ nhiều chất thải (dệt may, da giầy, hoá chất) thường là những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ thấp, tốn nhân công, nguyên nhiên vật liệu nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên không được các nước phát triển lựa chọn. Trong khi đó, các nước đang phát triển có thể dễ dàng chấp nhận những ngành công nghiệp này để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế của mình; (2) Nhận thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng ở các nước phát triển tương đối cao nên đã tạo ra sức ép về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp ở đó, vì vậy những doanh nghiệp gây ô nhiễm khó tìm được chỗ đứng của mình, song họ lại có thể dễ dàng tồn tại ở các nước đang phát triển, nơi nhận thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng không cao và lợi ích về kinh tế là yêu cầu hàng đầu của họ.

3. Các vấn đề môi trường ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập

3.1. Cơ hội và thách thức

a. Cơ hội

Cơ hội trong ứng dụng khoa học kỹ thuật để bảo vệ môi trường, tạo ra những thuận lợi sau: sử dụng và tiếp cận với các quy trình, công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu chất thải; ứng dụng các quy trình công nghệ hiện đại để cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Cơ hội về thông tin và kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường: Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam có nhiều điều kiện để tiếp cận thêm với các thông tin mới cũng như tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm quản lý môi trường của các nước trên thế giới để duy trì hài hoà lợi ích giữa bảo vệ môi trường và phát triển thương mại.

Cơ hội về đầu tư tài chính trong bảo vệ môi trường.

Cơ hội thúc đẩy việc thay đổi nhận thức và hành vi xử sự của doanh nghiệp cũng như cộng đồng theo hướng có lợi cho môi trường.

b. Thách thức

Làm tăng nguy cơ suy thoái tài nguyên, suy thoái đa dạng sinh học: Cho phép xuất khẩu gỗ, than dẫn đến khai khác nhiều hơn, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; nhập khẩu các sản phẩm không thân thiện với môi trường, sinh vật lạ, sản phẩm biến đổi gen xâm nhập; khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

Nạn ô nhiễm môi trường gia tăng và khó kiểm soát: (1) Trong công nghiệp, thương mại quốc tế phát triển dẫn đến quá trình công nghiệp hoá nhanh nhưng các điều kiện về kinh tế, khoa học kỹ thuật của Việt Nam chưa theo kịp với sự phát triển đó nên sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng; (2) Trong nông nghiệp, chuyên canh và sức ép tăng năng suất phục vụ xuất khẩu làm gia tăng việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ con người; (3) Trong hoạt động quản lý, các hoạt động thương mại diễn ra từ nhiều phía làm cho các cơ quan nhà nước không thể kiểm soát hết được những tác động tiêu cực tới môi trường, từ đó làm gia tăng những nguy có rủi ro đối với môi trường và sức khoẻ con người.

3.2. Việt Nam với việc đáp ứng các yêu cầu hội nhập và bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh nghiên cứu tác động của chính sách thương mại quốc tế đối với môi trường. Trong thời gian tới cần tập trung nhiều nguồn lực để nghiên cứu các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường trong các hiệp định thương mại về môi trường.

Chuẩn bị các điều kiện để vượt qua rào cản thương mại gắn với bảo hộ kinh tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá: Chủ động tham gia vào quá trình xây dựng các yêu cầu kỹ thuật ở các thị trường xuất khẩu và nắm vững các thông tin cũng như xác định cơ chế để tham gia vào quá trình đó; Tổng hợp và phân loại các biện pháp liên quan đến môi trường mà doanh nghiệp phải đáp ứng để có những giải pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp; Nâng cao ý thức cho doanh nghiệp về bảo vệ môi trường và giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ môi trường: Đánh giá lợi ích của việc mở cửa thị trường với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; Xây dựng các biện pháp cần thiết để hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm không thân thiện với môi trường.

Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về thương mại gắn với bảo vệ môi trường: Quy định cụ thể các hoạt động kinh tế trong nước theo hướng thúc đẩy sử dụng tối ưu tài nguyên thiên nhiên, đồng thời hỗ trợ hàng hoá trong nước xâm nhập các thị trường khó tính; Ban hành các quy định về quản lý một số lĩnh vực thương mại nhạy cảm, ví dụ như thương mại đối với các sản phẩm đa dạng sinh học, thương mại đối với các sản phẩm có nguồn gốc độc hại, thương mại năng lượng...

Tăng cường năng lực hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#mnmn