Cach tan nghe thuat trong tieu thuyet To Tam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những cách tân nghệ thuật trong chương 3 của tiểu thuyết Tố Tâm – Hoàng Ngọc Phách.

Tiểu thuyết Tố Tâm được coi là một mốc son đầu tiên của quá trình hiện đại hoá thể loại. Đồng thời Hoàng Ngọc Phách cũng là nhà văn đầu tiên ở Việt Nam dám mạnh dạn dùng kiến thức tâm lý học mà khai thác chiều sâu tế vi, phức tạp của tâm hồn con người. Từ lăng kính tâm lý đó, ông đặt ra những vấn đề xã hội.

Chương 3 của tiểu thuyết kể về chặng sau của mối tình Đạm Thuỷ - Tố Tâm khi hai người đã rất gắn bó với rất nhiều kỷ niệm. Tình yêu của họ bị nhiều ngăn trở họ ít gặp nhau hơn và thường xuyên gửi cho nhau những bức thư ngọt ngào say đắm. Mẹ Tố Tâm ốm và cô bị giục chuyện gia thất. Đó là một quá trình đấu tranh tâm lý rất phức tạp là những đau đớn bất hạnh của sự chia ly. Hoàng Ngọc Phách đã thực sự thể hiện được biệt tài miêu tả tâm lý của mình khi đã lấy đi nước mắt của biết bao thế hệ bạn đọc. Qua chương 3 này chúng ta có thể thấy rõ được những cách tân nghệ thuật nổi bật trong cuốn tiểu thuyết đầu thế kỷ này.

1. Đặc điểm kết cấu và nghệ thuật kể chuyện.

Tiểu thuyết Tố Tâm có kết cấu đặc biệt, mới mẻ và hiện đại. Đến chương 3 thì kết cấu này vẫn tỏ ra có hiệu quả. Ngôi kể bao trùm toàn bộ chương 3 này là ngôi 1 của nhân vật ký giả nhưng thực chất đây là ngôi kể thứ 3 với điểm nhìn bên ngoài. Bởi vì nhân vật này chỉ mang tính chất trung gian hoàn toàn không tham gia vào cốt chuyện có nhiệm vụ kết nối các câu chuyện mà nhân vật này thu thập được thành một chuỗi thống nhất. Đây là cầu nối trung gian tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa nhân vật người kể chuyện và độc giả.

Bởi thế mặc dù được kể bằng ngôi thứ 1 nhưng giọng kể hoàn toàn khách quan như người kí giả trung thành ghi lại những gì mình đã chứng kiến kèm theo đó là những chú thích: “Những thư trong chuyện này nhiều bức rất dài, nhưng người chép chuyện không muốn bớt đi vì sợ sai sự thực nên cứ nguyên văn mà trích ra”. Người kể chuyện đứng ngoài câu chuyện vì vậy giọng kể khách quan và sự miêu tả chi tiết những biến cố, sự kiện đã tạo cảm giác hứng thú đối với người đọc. Điểm nhìn bên ngoài của của nhân vật xưng “tôi” làm nhiệm vụ của người tường thuật lại câu chuyện: câu chuyện “đến” với “anh ta” như thế nào? Câu chuyện có những tình tiết gì? Câu chuyện diễn biến ra sao? Câu chuyện kết thúc như thế nào?... Tất cả đều đem lại cho độc giả một cái nhìn khái quát nhất về toàn bộ thiên truyện. Ở chương 3 nhân vật ký giả chỉ xuất hiện trong mấy câu nhưng lại là cái khung cho cốt truyện phát triển.

Tuy nhiên điểm nhìn của nhân vật này gần như bị lấn lướt dể dành nhiều không gian hơn cho giọng kể của Đạm Thuỷ ở ngôi thứ 1 với điểm nhìn bên trong. Đây là điều kiện để Đạm Thuỷ được bộc lộ nội tâm và cảm xúc của mình một cách trực tiếp. Thông qua điểm nhìn bên trong, Đạm Thuỷ có thể soi chiếu đi sâu vào chính tâm hồn mình và cũng qua đó soi chiếu được tâm hồn người mà anh ta yêu. Một tình yêu chân thành và tha thiết do chính Đạm Thuỷ kể lại ở ngôi thứ nhất đã làm nổi bật tâm trạng phức tạp của người đang yêu. Một trái tim yêu cuồng nhiệt, lãng mạn mà cũng đầy đau đớn, hối hận, xót xa khi phải rời bỏ tình yêu. Tất cả được nhân vật “tự soi chiếu” một cách tỉ mỉ, chân thực nhất.

Đan xen với đó là điểm nhìn của nhân vật Tố Tâm. Chương 3 có 3 bức thư của Tố Tâm, 2 bức thư của Đạm Thuỷ. Hoàng Ngọc Phách đã sử dụng hình thức bức thư để truyền tải tâm tình. Đây là những cảm xúc chân thật nhất bởi nó viết là chỉ dành cho 1 người đọc là những lời muốn nói của trái tim là tâm hồn và những cảm xúc yêu thương, buồn đau chia ly. Có lẽ vì nó chân thực nên dễ đi vào lòng người và gây ra những xúc động mãnh liệt. Người đọc sẽ hiểu tâm lý nhân vật hơn hiểu nhân vật hơn và dễ dàng đồng cảm, chia sẻ.

2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.

Nếu như chương 2 chúng ta thấy được sự chân thành, đắm say trong tình yêu và sự thăng hoa trong cảm xúc của mối tình Đạm Thuỷ - Tố Tâm thì chương 3 chúng ta phải chứng kiến sự đau đớn của chia ly và xa cách trong tâm hồn của họ. Cả hai nhân vật đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc của mình qua những bức thư, thêm vào đó là sự giải thích giãi bày của Đạm Thuỷ. Bản thân những lời nói trong thư ấy đã là lời nói của tâm tình mà nhiều khi người ta không thể nói trực tiếp với đối phương. Nỗi khắc khoải của cá nhân được thể hiện một cách rõ nét. Đó là cách phô bày cái “tôi” để mọi người cùng biết nhất là tách bạch nỗi éo le từ đáy lòng của tuổi trẻ. ác giả cũng diễn tả được phần nào cái khát vọng của thanh niên vào lứa tuổi yêu đương khi họ tiếp giao với luồng gió mới từ phương Tây đưa lại; nhưng thực tiễn này bị phong tục cổ ngăn cấm. Nỗi khát vọng của tuổi trẻ bây giờ được thể hiện thành hiện thực nơi Tố Tâm, Đạm Thủy làm cho tác phẩm được nhiều người chú ý. Cái mơ mộng hão huyền, dễ cảm, dễ sầu của Tố Tâm là những căn tính của tuổi trẻ sống vào buổi con người thiếu lí tửong để hành động. Vì vậy, họ - tuổi trẻ - phải quay về tìm sự giải thoát trong tâm hồn bằng cái khắc khoải, sầu muộn của mình. Dù biết những điều đó sẽ không làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Đến nỗi ái tình họ cũng xem thường, miễn sao caho các nỗi khắc khoải, khát vọng đam mê ấy phần nào được san sẻ. Tuy họ biết được thực chất của nó mà dấn thân vào: 

“Em vẫn tự hiểu rằng: cuộc đời của em là một cuộc đời vẩn vơ, ái tình của em là ái tình vô hy vọng, nhưng vẫn đã đem lòng yêu anh thì em cứ biết yêu anh, em lấy tình luyến ái của anh em ta làm khuây khỏa, còn về sau nữa, em phó mặc khuôn thiêng”. Nói thêm ngôn ngữ hôm nay, Tố Tâm là một cô gái lãng mạn, “bụi đời” dám “đùa giỡn” với ái tình của cuộc sống cá nhân thỏa mãn trong hiện tại mà quên mất hậu quả. Qua ngòi bút của Hoàng Ngọc Phách, Đạm Thủy và Tố Tâm thực sự có đời sống nội tâm phong phú, mỗi nhân vật đã có được cuộc sống của riêng mình.

Khi xây dựng nhân vật, Hoàng Ngọc Phách cũng không phân chia nhân vật thành hai tuyến đối lập như trong văn học truyền thống. Nhà văn đã xây dựng nhân vật bằng một phương pháp mới: không tập trung vào các sự kiện, hành động bên ngoài của nhân vật mà tập trung vào các quá trình tâm lý và các trạng thái tình cảm của nhân vật. Trong tác phẩm, nhà văn đã sử dụng thành công nhiều thủ pháp miêu tả tâm lý nhân vật. Những biến thái tinh vi của tâm hồn nhân vật đã được nhà văn miêu tả trong môi trường hẹp, qua nhật ký, thư từ, qua ngoại hình và hành động… Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật là một trong những đóng góp quan trọng của Hoàng Ngọc Phách cho kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết Việt Nam đương đại. 

Xung đột chủ yếu của Tố Tâm là xung đột tình cảm và lý trí giữa Tố Tâm và Đạm Thủy. Về mặt tình cảm, Đạm Thủy tha thiết yêu Tố Tâm, nhưng lý trí lại ràng buộc anh kết hôn với cô gái mà chàng chưa hề biết mặt. Về phía Tố Tâm, mặc dù say mê Đạm Thủy nhưng lại không muốn làm tan vỡ hạnh phúc của cô gái đã có lời hứa hôn với Đạm Thủy, và sau đó là chiều theo ý mẹ lấy cậu tú B. Tuy cũng có lúc hai người định “đem nhau trốn đi một chỗ thâm sơn cùng cốc, hay chân trời góc biển nào không ai biết đến để cùng hưởng cuộc ân ái trăm năm” nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua do “chịu ảnh hưởng ở các ái tình tiểu thuyết Tây – Âu” chứ chưa đủ sức thoát khỏi sự níu kéo của “tình gia quyến” cùng với sự kiềm tỏa của chữ tín và chữ hiếu cứng nhắc của đạo lý phong kiến. Có thể nói, Tố Tâm và Đạm Thủy chưa thực sự là nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn. Tình yêu của họ chỉ mới là một thứ tình yêu nửa vời tuy có đắm say nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của lễ nghĩa. Tố Tâm tuy yêu say đắm Đạm Thủy nhưng vẫn chấp nhận lấy chồng để chiều theo ý mẹ. Đạm Thủy tuy vô cùng đau khổ vì tình yêu tan vỡ nhưng lại vẫn “cảm thấy nức lòng”, vẫn đầy hào hứng trước công danh sự nghiệp.

3. Đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện.

Tiểu thuyết Tố Tâm đạt thành công nhất định ở phương diện ngôn ngữ và nghệ thuật kể chuyện. Nhất quán trong việc sử dụng ngôn ngữ, trong chương 3 này cũng giống với toàn bộ cuốn tiểu thuyết tác giả sử dụng nhiều hình thức tổ chức ngôn ngữ: đối thoại giữa các nhân vật, độc thoại nội tâm, ngôn ngữ người kể chuyện… Ngôn ngữ trong chương truyện là một thứ ngôn ngữ chải chuốt, giàu cảm xúc, đầy chất trữ tình, chất thơ,.. Vốn dùng ngôn ngữ để viết ra tâm tình nên ngôn ngữ trong chương 3 này vô cùng uyển chuyển, mềm mại. Nó mang đặc điểm của ngôn ngữ tiểu thuyết lãng mạn. Ra đời lúc quốc văn còn trong thời kỳ phôi thai, trình độ tiểu thuyết còn thấp kém, có được một trình độ diễn đạt như thế, Tố Tâm đáng được ghi nhận công lao làm giàu chữ quốc ngữ. 

Tuy nhiên cũng phải thấy được nhiều những hạn chế cơ bản về nghệ thuật của chương truyện nói riêng và cả cuốn tiểu thuyết nói chung. một số sự kiện trong truyện còn dài dòng, dàn trải, nhất là các đoạn đối thoại, những phần trích dẫn thư từ, hay những câu thơ xướng họa,... Điều này làm giảm đi độ “căng” cần thiết của một tiểu thuyết vốn cần nhiều mâu thuẫn, xung đột, ít nhiều gây cảm giác nhàm chán cho người đọc mà những đoạn đối thoại giữa Đạm Thủy với thằng bé người ở, hay những chỗ trích thư từ, nhật ký của Tố Tâm là các ví dụ tiêu biểu.

Lời văn nghệ thuật của tác phẩm, bởi tập trung miêu tả tầng lớp thượng lưu, lại được tác giả gọt giũa quá bóng bẩy nên khó hấp thu được lời ăn tiếng nói sống động của quần chúng nhân dân. Tác phẩm hoàn toàn thiếu vắng vốn ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc, như người đọc đã từng gặp trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Nhiều đoạn văn lại theo vết mòn xưa, dùng câu văn biền ngẫu, quá đăng đối, quá ràng buộc, khiến mạch văn thiếu phần co giãn, linh hoạt, thậm chí lê thê, nặng nề. 

Mặt khác, tác phẩm kể chuyện tình yêu thời hiện đại, nhưng nhà văn lại để đôi trai gái tân thời gởi cho nhau những câu đối, dòng thơ luật Đường khuôn sáo, hình ảnh mòn cũ: “liễu ủ hoa sầu, năm canh giọt lệ, sương sa gió thổi, tuyết phủ mây mờ,...”. Điều đó khiến người đọc không khỏi liên tưởng về cuộc tình của những văn nhân tài tử thời phong kiến ngày xưa. Những nhà nho thủ cựu thấy nhân vật xa lạ với mình. Nhưng thanh niên trí thức Tây học lại thấy nhân vật dường như chưa hẳn là mình.

Ngoài ra, đôi chỗ, nhà văn, vì quá nôn nóng muốn dùng văn chương “gây nên một nền luân lý”, do đó, đã biến nhân vật Tố Tâm thành cái loa phát ngôn, thuyết lý cho đạo đức: “Em là phận gái, cái chức phẩm với đời, có cũng hay mà không cũng được, chả ai nghị luận gì, ai trách chi nữ nhi nan hóa, nhưng anh là bậc nam nhi hai vai nghĩa vụ, anh đừng làm như em mà giữ lấy một mối tình vô hy vọng. Anh là người có văn chương, có tư tưởng, anh nên nhớ rằng cái thân anh không phải của một mình anh, phải làm việc cho nhà, cho nước, cho xã hội..”. Người đọc thật khó bị thuyết phục bởi một cô gái đang đau khổ sụt sùi vì tình, lại bất ngờ tỉnh táo, nói những lời mang màu sắc giáo huấn trang nghiêm như thế!

Ngoài ra, Tố Tâm còn thể hiện thái độ nửa vời của Hoàng Ngọc Phách trong việc giải quyết mâu thuẫn, xung đột của con người trước hiện tại. Một mặt, nhà văn ca ngợi, ủng hộ tình yêu tự do của thanh niên nam nữ nhưng mặt khác lại để nhân vật của mình bị ràng buộc bởi gia đình, bởi trách nhiệm, bởi thứ đạo đức còn mang nhiều dấu tích của lễ giáo phong kiến hủ lậu.

Mặc dù vậy, nhìn một cách tổng quát, những hạn chế vừa nêu cũng không làm mờ được vẻ đẹp sáng ngời của tác phẩm bởi những khiếm khuyết ấy, dù gì, là hệ quả tất yếu của một quyển tiểu thuyết tâm lý đã xuất hiện quá sớm so với bối cảnh thời đại. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#koolstar