cai cach hanh chinh, hien dai hoa & chien lc 2020

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cải cách hành chính và hiện đại hóa Ngành Hải quan 6 tháng đầu năm 2010
H.T - 14/07/2010 10:00 AM
Tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, góp phần đẩy mạnh hơn nữa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hoàn thành mục tiêu quản lý nhà nước. Qua 6 tháng đầu năm 2010, công tác cải cách hiện đại hoá đã triển khai mạnh mẽ và đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp. Điều đó được thể hiện ở một số kết quả nổi bật sau:
Thứ nhất, việc triển khai thực hiện Kế hoạch, Chiến lược phát triển cải cách, hiện đại hóa Hải quan tiếp tục được đẩy mạnh. Trong thời gian vừa qua, Ngành Hải quan đã nỗ lực đẩy mạnh việc triển khai thực hiện thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 04/08/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2009 – 2010 và Quyết định số 456/QĐ-BTC ngày 14/3/2008 về “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hoá Ngành hải quan giai đoạn 2008 – 2010”. Kết quả thực hiện Kế hoạch, Chiến lược phát triển cải cách, hiện đại hóa Hải quan đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ, làm tiền đề việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa trong các giai đoạn tiếp theo. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2011-2020.
Thứ hai, mở rộng thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử. Cho đến nay, Ngành Hải quan đã thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử được gần 5 năm, trong đó có hơn 4 năm thực hiện theo Quyết định số 149/2005/QĐ-TTg và 6 tháng thực hiện theo Quyết định số 103/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 6 tháng thực hiện thủ tục hải quan điện tử thực hiện theo Quyết định số 103/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại 10 Cục Hải quan tỉnh, thành phố với tổng số 30 chi cục đã cho kết quả hết sức tốt đẹp: số doanh nghiệp thủ tục hải quan điện tử đạt 1.111 doanh nghiệp, số tờ khai đạt hơn 73.000 tờ khai; giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 13,6 tỷ đô la Mỹ. Những kết quả bước đầu cho thấy mô hình thực hiện thủ tục hải quan điện tử đã phát huy hiệu quả; giúp giảm thời gian thông quan; thay đổi phương thức quản lý của cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp; được doanh nghiệp và cộng đồng xã hội ủng hộ và đánh giá cao. Đây chính là tiền đề để Ngành Hải quan tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình này tại 03 Cục Hải quan là: Lào Cai, Cần Thơ và Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Thứ ba, thực hiện Dự án hiện đại hóa Hải quan vay vốn Ngân hàng thế giới. Dự án hiện đại hóa hải quan vay vốn Ngân hàng Thế giới đóng một vai trò rất quan trọng đối với cải cách hiện đại hóa Hải quan. Trong thời qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai các gói thầu thuộc dự án, đặc biệt tập trung rà soát kết quả gói thầu đang triển khai; tập trung vào triển khai các gói thầu “Tái thiết kế quy trình, xây dựng hồ sơ mời thầu cho Hệ thống công nghệ thông tin” và “Chỉ số hoạt động”, “Tư vấn quốc tế về công nghệ thông tin”.
Đến nay, các kết quả đầu ra của dự án đã góp phần tích cực đối với việc hoàn thành các mục tiêu cải cách hiện đại hóa của ngành như: nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công chức, từng bước hoàn thiện quy trình nghiệp vụ; cơ sở pháp lý, v.v…
Thứ tư, làm tốt vai trò cơ quan đầu mối về Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã thực hiện tốt công tác điều phối chung cho Nhóm làm việc về Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Trong đó đề xuất Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2008 – 2012 kiện toàn Bộ máy tổ chức và quy chế hoạt động; chủ động rà soát ở mức tổng quát các quy trình thủ tục của các Bộ, Ngành theo kết quả rà soát của Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như các quy định pháp lý có liên quan trong quá trình xây dựng Khung pháp lý cho Cơ chế một cửa quốc gia; chuẩn bị các bước ký kết văn kiện tài trợ cho dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực hiện cơ chế một cửa quốc; hoàn thành công tác chuẩn bị và sẵn sàng bước sang giai đoạn đấu thầu để triển khai cấu phần hỗ trợ kỹ thuật cho triển khai cơ chế một cửa quốc gia.
Thứ năm, đẩy mạnh hiện đại hoá công tác thu nộp Ngân sách nhà nước. Trong thời gian vừa qua, công tác thu nộp ngân sách nhà nước cũng thu được những kết quả rất tốt đẹp. Việc thu nộp ngân sách nhà nước đã được triển khai bằng phương thức điện tử. Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác với Kho bạc Nhà nước và các Ngân hàng thương mại trong việc phối hợp thu ngân sách nhà nước. Các nội dung phục vụ cho việc triển khai thu nộp ngân sách bằng phương thưc điện tử đang được triển khai tích cực.
Để triển khai các nội dung này, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 2222/QĐ-TCHQ về việc ban hành quy trình tạm thời về thu nộp thuế hàng hóa xuất nhập khẩu qua ngân hàng thương mại bằng phương thức điện tử, hiện triển khai tại các Cục Hải quan Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh thông qua Kho bạc nhà nước.
Tổng cục Hải quan đã xây dựng chuẩn kết nối thông tin đối với các ngân hàng thương mại; xây dựng webservice tạm thời, phục vụ việc thử nghiệm kết nối và trao đổi thông tin; hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc thử nghiệm kết nối trao đổi thông tin.
Tổng cục Hải quan cũng đã tổ chức tập huấn cho hơn 300 cán bộ Hải quan của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố về triển khai hệ thống trao đổi thông tin thu, nộp ngân sách nhà nước giữa Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại; đang tiến hàng tổ chức thẩm định và chấm thầu đề án "Xây dựng cổng thanh toán điện tử".
Ngoài ra, công tác hiện đại hoá quy trình thu nộp Thuế giữa Hải quan - Kho bạc cũng được đẩy mạnh. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc triển khai theo đúng kế hoạch giai đoạn 1 “ Dự án hiện đại hoá quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan thuế - Kho bạc Nhà nước - Hải quan - Tài chính”.
Thứ sáu, thực hiện đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật. Tổng cục Hải quan đã tổ chức mua sắm, lắp đặt, xây dựng và ban hành các quy trình và đưa vào vận hành máy soi container tại cảng Cát Lái; tiếp tục triển khai các hạng mục mua sắm máy soi tại Cảng Hải Phòng trong khuôn khổ Dự án do JICA tài trợ; đồng thời tiến hành thủ tục mua sắm trang bị hệ thống camera giám sát, trang bị hệ thống máy soi hành lý, các máy phát hiện phóng xạ và các trang thiết bị khác.
Trong thời gian tới, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu và xây dựng địa điểm kiểm tra tập trung tại một số địa bàn trọng điểm như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Tây Ninh.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Trong thời gian vừa qua, công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/1/2010 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Tổng cục Hải quan; trình Bộ Tài chính ban hành các Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 hướng dẫn phân loại hàng hoá, áp dụng mức thuế đối với hàng hoá XK, NK; Thông tư số 74/2010/TT-BTC ngày 14/5/2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 116/2008/TT-BTC ngày 04/12/2008 của Bộ Tài chính; các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ triển khai Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành dự thảo một số thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Bộ Y tế. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2010, Tổng cục Hải quan đã ban hành 09 Quyết định quy định, quy trình liên quan tới các khâu nghiệp vụ và tiếp tục ban hành các Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thủ tục hải quan điện tử tại một số địa phương.
Ngoài ra, công tác cải cách tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực cũng được triển khai hiệu quả. Ngành Hải quan đã từng bước xây dựng và hình thành cơ cấu tổ chức bộ máy phục vụ quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát ma túy, bộ máy hải quan mới tại các địa bàn trọng điểm.
Để tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ đáp ứng công tác cải cách hiện đại hóa, Ngành đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và sự vận hành, quan hệ phối hợp trong tổ chức bộ máy tại từng đơn vị cấp Cục, Chi cục để hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới hải quan, đồng thời tiến hành điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định về quản lý cán bộ như điều động, luân chuyển, luân phiên; quy hoạch, bổ nhiệm; chính sách cán bộ; khảo sát về điều chuyển vị trí công việc trong toàn ngành Hải quan; triển khai mô tả chức danh công việc trong ngành và nâng cấp hệ thống thông tin quản lý nhân sự theo hướng tự động hoá một số công việc quản lý nguồn nhân lực.
Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất quan trọng, tạo đà cho Ngành Hải quan hoàn thành các mục tiêu về cải cách hiện đại hóa 6 tháng cuối năm 2010 và những năm tiếp theo./.
Hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2011 - 2015
 Ngày 12/5/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2011-2015. Theo đó, thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (gọi tắt là đơn vị) trực thuộc Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính trong giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 16/2011/QĐ-TTg ngày 10/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Về biên chế quản lý hành chính của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan được xác định trong phạm vi tổng số biên chế hành chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho Bộ Tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp cho Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định, trên cơ sở chủ động tổ chức, sắp xếp bộ máy quản lý và sử dụng lao động theo đúng chủ trương tinh giản biên chế của Nhà nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chủ động tổ chức, quản lý, sử dụng công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và của Bộ Tài chính. Tổng số biên chế giao cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan không vượt quá chỉ tiêu biên chế đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao. Ngoài số biên chế được giao, cơ quan Thuế, Hải quan được hợp đồng thuê khoán công việc và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Nguồn kinh phí hoạt động của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan được phân bổ hàng năm theo mức ổn định là 1,9% trên dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thực hiện và được tổng hợp trong dự toán thu - chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội quyết định.
Dự toán thu ngân sách nhà nước hàng năm làm cơ sở để xác định kinh phí hoạt động của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan gồm các khoản thuế và các khoản thu khác (theo phụ lục xác định dự toán thu kèm theo).
Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tự trang trải các khoản chi tăng thêm theo chính sách, chế độ mới do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo chủ trương và yêu cầu thay đổi chính sách hiện hành. Trường hợp do các yếu tố khách quan mà mức kinh phí được giao của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều này không đủ để bảo đảm mức chi tối thiểu duy trì hoạt động của bộ máy thì Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài nguồn kinh phí được giao hàng năm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan còn được sử dụng các nguồn kinh phí sau:
1/ Kinh phí ngân sách nhà nước giao: Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo chương trình của Nhà nước; Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác của Chính phủ ngoài nhiệm vụ thường xuyên; Thực hiện tinh giản biên chế theo chế độ do Nhà nước quy định.
2/ Phí và lệ phí được phép để lại theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, nguồn kinh phí hợp pháp khác được sử dụng theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí trên, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phải thực hiện theo đúng nội dung sử dụng, đúng chế độ định mức chi theo quy định hiện hành đối với từng nguồn kinh phí.
Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể việc sử dụng kinh phí hoạt động; Tiêu chuẩn, mức chi, chế độ chi; Sử dụng kinh phí tiết kiệm được; Kinh phí bảo đảm hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp; Lập, chấp hành dự toán và quyết toán. Theo đó, nguồn kinh phí theo quy định tại Thông tư này được phân bổ và giao dự toán cho Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đảm bảo: Chi đầu tư xây dựng tối thiểu 10%, chi mua sắm hiện đại hóa trang thiết bị tối thiểu 25% và chi hoạt động thường xuyên tối đa 65% trên tổng dự toán chi được giao.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tài chính được điều chuyển vốn đầu tư đã bố trí của dự án, công trình thuộc Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để tập trung vốn thực hiện dự án, công trình đang triển khai nhưng chưa bố trí được vốn đảm bảo đẩy nhanh tiến độ sớm đưa vào khai thác, sử dụng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc điều hành dự toán kinh phí, quản lý, mua sắm tài sản hiện đại hóa trang thiết bị nêu trên đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu hiện đại hoá của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và hệ thống Tài chính theo đúng quy định.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2011 và được áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2011 đến năm 2015. Đồng thời bãi bỏ Thông tư số 116/2009/TT-BTC và Thông tư số 117/2009/TT-BTC ngày 05/6/2009 của Bộ Tài chính./.
Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020
Ngày 25/3/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 448/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.
Với mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu tập trung, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Xây dựng lực lượng Hải quan đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu có trang thiết bị, ky thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp, phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Mục tiêu chủ yếu có 5 mục tiêu. Cụ thể:
Một là, về thể chế: xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, tuân thủ chủ trương về cải cách thủ tục hành chính và các chuẩn mực, cam kết quốc tế; xây dựng hệ thống pháp luật hải quan hiện đại.
Hai là, về công tác nghiệp vụ hải quan: Phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản các thủ tục và chế độ quản lý hải quan đơn giản, hiệu quả, hài hoà và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế…Từ năm 2012, từng bước xử lý dữ liệu thông quan tập trung tại cấp Cục Hải quan; thực hiện cơ chế một cửa hải quan quốc gia và tham gia cơ chế một cửa ASEAN. Nâng cao trình độ, năng lực quản lý thuế ngang tầm với các nước trong khu vực. Tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản và phòng chống có trọng điểm, hiệu quả hoạt động buôn lậu, vận chuyển các mặt hàng cấm qua biên giới. Đến năm 2010, hoạt động kiểm tra sau thông quan đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiệu quả đựa trên phương pháp quản lý rủi ro với quy trình nghiệp vụ được chuẩn hoá trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với các biện pháp chế tài, xử lý nghiêm minh.
Ba là, về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực: xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan hiện đại và theo nguyên tắc tập trung thống nhất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế- xã hội và tăng cường sự quản lý của Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh, an toàn quốc gia. Xây dựng lực lượng hải quan có trình độ chuyên nghiệp, hoạt động minh bạch, liêm chính, có hiệu lực, thích ứng nhanh với những thay đổi của môi trường, công nghệ và yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế.
Bốn là, về ứng dụng công nghệ thông tin: xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan hiện đại trên nền tảng tập trung hoá xử lý dữ liệu, tích hợp đầy đủ các chức năng, xử lý hồ sơ hải quan điện tử, manifest điện tử, thanh toán điện tử, giấy phép điện tử; xây dựng các trung tâm xử lý dữ liệu cấp vùng đạt mức độ 2+ trở lên, trung tâm xử lý dữ liệu ngành đạt mức độ 3+ trở lên, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn an ninh, an toàn cao (24/24 và 7/7) và quản lý theo hướng dịch vụ; xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan; thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia và một cửa khu vực ASEAN. Đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, kiệp thời của số liệu thống kê nhà nước về hải quan làm cơ sở cho việc theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình xuất khẩu, nhập khẩu và các hoạt động khác phục vụ kịp thời cho công tác hoạch định, chỉ đạo, điều hành về các chính sách kinh tế, thương mại và thuế của các cơ quan nhà nước.
Năm là, một số chỉ tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện: Thực hiện thủ tục hải quan điện tử đến năm 2015 có 100% các Cục Hải quan, 100% các Chi cục Hải quan tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, cảng hành không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm), 60% các loại hình hải quan cơ bản, 70% kim ngạch xuất nhập khẩu, 60% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Đến năm 2020 có 100% các Cục Hải quan, 100% các Chi cục Hải quan, 100% các loại hình hải quan cơ bản, 90% kim ngạch xuất nhập khẩu, 80% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Thời gian thông quan hàng hóa đến 2015 bằng với mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á tại thời điểm 2010 và đến năm 2020 phấn đấu bằng với mức của các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á tại cùng thời điểm. Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đến năm 2015 là dưới 10% và đến 2020 phấn đấu đạt dưới 7%. Tỷ lệ các giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện trong cơ chế một cửa hải quan quốc gia đến năm 2015 là 50% và đến 2020 là 90%. Tập trung hoá xử lý dữ liệu điện tử của hệ thống thông quan hải quan vào năm 2015.
Mở rộng thủ tục hải quan điện tử một năm nhìn lại
An Thông - 27/01/2011 4:00 PM
Nhằm thực hiện cải cách phát triển hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2008-2010 theo Quyết định 456 của Bộ trưỏng Bộ Tài chính, Ngành Hải quan đã chính thức mở rộng thí điểm thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) từ ngày 15/12/2009. Sau một năm thực hiện nhìn lại, bức tranh toàn cảnh TTHQĐT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Về công tác chỉ đạo và điều hành thực hiện
Quá trình triển khai thí điểm TTHQĐT tại 02 Chi cục điện tử tại Cục hải quan Hải Phòng và Hồ Chí Minh từ 2005-2009 nhận thấy mặc dù bước đầu đã đạt được những thành công nhất định nhưng khó mở rộng và tạo sức lan tỏa, vì vậy Tổng cục Hải quan đã chủ động báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thay đổi chủ trương chuyển đổi từ mô hình thí điểm hẹp tại một Chi cục HQ điện tử (chỉ thực hiện TTHQ điện tử) sang áp dụng mô hình các Chi cục Hải quan thực hiện song song 2 phương thức điện tử và thủ công tại 13 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm với phạm vi toàn quốc.
Để triển khai chủ trương về mô hình thực hiện, Ngành Hải quan đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 103/2009/QĐ-TTg, Thông tư 222/2009/TT-BTC để làm cơ sở pháp lý triển khai. Đồng thời Ngành Hải quan đã ban hành các kế hoạch để triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử trên phạm vi 13 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm trong năm 2010; chỉ đạo các Cục hải quan tỉnh, thành phố thành lập bộ máy chỉ đạo, phân công cán bộ, xây dựng các quy chế phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức triển khai TTHQĐT theo đúng kế hoạch được phê duyệt. Ngoài ra, Ngành Hải quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ, yêu cầu thực hiện TTHQĐT tại các Chi cục; tổng hợp báo cáo, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, thường xuyên tổ chức một số hội nghị chuyên đề để bàn hướng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về công tác xây dựng các quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ
Để triển khai cụ thể, ngành Hải quan đã ban hành các quy trình hướng dẫn như: Quyết định 2396/QĐ-TCHQ hướng dẫn về quy trình thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định số 1608/QĐ-TCHQ hướng dẫn quy trình thủ tục hải quan ưu đãi đối với Công ty TNHH Intel Products Việt Nam; Quyết định số 2294/QĐ-TCHQ ngày 11/9/2010 hướng dẫn quy trình phúc tập hồ sơ hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Trong lĩnh vực quản lý rủi ro, đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động quản lý rủi ro đối với thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu nói chung và hướng dẫn riêng đối với các Chi cục hải quan thực hiện thông quan điện tử. Thành lập các đơn vị chuyên trách (Phòng Quản lý rủi ro) nhằm đẩy mạnh công tác quản lý rủi ro, tập trung đáp ứng triển khai thông quan điện tử.
Về công nghệ thông tin
Để đáp ứng triển khai trên phạm vi rộng của 13 Cục hải quan với 70 Chi cục, ngành Hải quan đã trang bị máy móc công nghệ thông tin cho các Cục hải quan tỉnh, thành phố. Nâng cấp phần mềm thủ tục hải quan điện tử đáp ứng yêu cầu triển khai các loại hình mới (gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất…). Xây dựng và triển khai phần mềm giám sát, nối mạng tới các điểm giám sát để phục vụ việc việc xác nhận tờ khai điện tử qua các cửa khẩu giám sát.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Công ty tin học cung cấp phần mềm đầu cuối cho doanh nghiệp trong việc xác định các yêu cầu nghiệp vụ, công nghệ thông tin để đảm bảo sự thống nhất trong triển khai TTHQĐT.
Về công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền
Tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ, quản lý rủi ro, sử dụng hệ thống công nghệ thông tin cho các cán bộ của các Cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện TTHQĐT. Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI để tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo về thủ tục hải quan điện tử cho các doanh nghiệp tại các khu vực. Các Cục Hải quan cũng đã chủ động tổ chức nhiều khóa đào tạo cho các doanh nghiệp tham gia TTHQĐT tại địa bàn cũng như xây dựng và phát hành tài liệu, sách tuyên truyền về TTHQĐT.
Chủ động phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để viết bài, đăng tin phản ánh về các hoạt động thủ tục hải quan điện tử, góp phần nâng cao nhận thức và sự đồng tình ủng hộ của xã hội với các chủ trương này.
* Những thành tựu kết quả đạt được
Thứ nhất, Việc chuyển đổi mô hình thực hiện TTHQ điện tử từ một Chi cục HQ điện tử sang mô hình các Chi cục HQ đồng thời thực hiện 2 phương thức TTHQ điện tử và TTHQ truyền thống là một quyết định đúng đắn, đã tạo sức lan tỏa lớn, phù hợp với thực tiễn và trình độ phát triển hiện tại của Hải quan Việt Nam, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các Cục hải quan tỉnh, thành phố; tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển ở giai đoạn sau; mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp khắp cả nước cơ hội và khả năng tham gia thực hiện TTHQ điện tử rất lớn, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính hiện đại hóa hải quan theo đề án 30 của Chính phủ.
Thứ hai, qua 01 năm thực hiện mô hình mới đã đạt được những bước phát triển đáng kể về quy mô cũng như chất lượng:
13 Cục hải quan với số lượng là 70 Chi cục đã triển khai, tăng gấp 35 lần so với năm 2009. Trong đó có 08/13 Cục hải quan đã triển khai thủ tục hải quan điện tử tại 100% các Chi cục, có 11/13 Cục đạt trên 70% các Chi cục.
Số lượng loại hình thực hiện: 03 loại hình chính (kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu) và 06 loại hình khác (chế xuất ưu tiên, tạm nhập tái xuất, XNK dự án đầu tư, XNK tại chỗ, XNK trả lại, chuyển cửa khẩu).
Số lượng các doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử: 2,493 doanh nghiệp, gấp 6,2 lần so với năm 2009 (số DN tham gia TTHQĐT năm 2009 là 403 DN); chiếm khoảng 4,74 % số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trên địa bàn (tổng số DN trên 13 Cục: 52.579).
Số lượng tờ khai qua TTHQĐT đạt 254.248 tờ khai, gấp 13,76 lần so với năm 2009 (số tờ khai qua TTHQĐT năm 2009 là 18.472 TK).
Kim ngạch xuất nhập khẩu qua TTHQĐT đạt 27.926,65 triệu USD, gấp 14,27 lần so với năm 2009 (kim ngạch XNK qua TTHQĐT năm 2009 là 1.957 triệu USD), Số thu thuế qua TTHQĐT đạt 41.595 tỷ VNĐ. Các Cục Hải quan Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu có tỷ lệ kim ngạch XNK qua TTHQĐT cao, đạt trên 70% so với toàn Cục. Số thu thuế qua TTHQĐT đạt 41.595 tỷ VNĐ.
Thời gian thông quan trung bình: luồng xanh từ 3-15 phút; luồng vàng từ 10-60 phút; luồng đỏ phụ thuộc thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa.
Thứ ba, triển khai TTHQĐT trong năm 2010 đã cơ bản đạt được mục tiêu và yêu cầu đặt ra là từng bước cải cách hoạt động nghiệp vụ theo hướng phù hợp với chuẩn mực của hải quan hiện đại trong khu vực và thế giới; chuyển đổi từ TTHQ thủ công sang TTHQ điện tử. Thủ tục hải quan điện tử đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ hải quan. Tờ khai hải quan điện tử được chấp nhận và có căn cứ pháp lý để thông quan hàng hóa. Đối với lô hàng luồng xanh doanh nghiệp chỉ phải khai tờ khai điện tử. Thời gian thông quan giảm, tỷ lệ luồng xanh tăng, giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và công chức hải quan trong khâu thông quan. Xây dựng cơ sở pháp lý phù hợp với giai đoạn thí điểm trên cơ sở của Quyết định 103 bao gồm : Thông tư 222, các Quyết định hướng dẫn cụ thể các quy trình TTHQĐT do Tổng cục Hải quan ban hành, các văn bản hướng dẫn và xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
 Đã nội luật hóa và áp dụng 31 chuẩn mực quốc tế vào Thông tư 222 và các quy trình hướng dẫn; Các khâu khai, tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ điện tử, ra quyết định, phản hồi cho doanh nghiệp đã bước đầu được tự động hóa và thực hiện trên cơ sở dữ liệu điện tử; phù hợp với phương thức mà hải quan các nước tiên tiến trong khu vực đang áp dụng; 
Thứ tư, Việc triển khai mở rộng TTHQĐT đã mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thời gian thông quan đối với các lô hàng thực hiện TTHQĐT giảm đáng kể so với thủ tục thông thường và khai từ xa; danh mục các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan điện tử giảm đáng kể so với thủ tục hải quan truyền thống; các doanh nghiệp tham gia TTHQĐT đã được tạo các điều kiện thuận lợi khi thực hiện TTHQĐT, được hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc kịp thời. Qua điều tra, lấy ý kiến của các Cục hải quan tỉnh, thành phố hầu hết các doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ chủ trương mở rộng TTHQĐT và đánh giá cao phương thức này.
Mặc dù còn một số nguyên nhân tồn tại nhưng với sự quyết tâm từ Chính phủ, các Bộ ngành và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp thì việc ngành hải quan triển khai chính thức TTHQĐT sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro