Cái chết của nghệ nhân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



An đọc truyện trên máy tính. Death Note.
Cậu để ý khá nhiều vào tên thần chết. Hắn khác xa với những gì cậu tưởng tượng. Khi nói tới thần chết thì trong đầu cậu nghĩ tới một bộ xương khô trùm vải lại, là áo choàng có mũ trùm; sau lưng là đôi cánh đen tuyền, ánh lên chút màu đặc trưng của lông vũ; đôi mắt cũng màu đen, nhưng đen ngòm, sâu thăm thẳm, như nhìn thấu được mọi vật sống đang hấp hối đang ở vị trí nào trên quả đất này; trên tay cầm lưỡi hái sắc nhọn, một vật từ phương Tây vốn được dùng để gặt cỏ, chỉ một đường là sẽ trụi hết... giống như cách "gặt" linh hồn ra khỏi thân xác để kéo về cõi u âm.
Nhưng tên thần chết này còn khác hơn những gì An tưởng tượng. Thần chết mà lại có thể gần gũi và giao tiếp với con người, lại còn có cảm xúc, suy nghĩ, có cả sự tính toán, và không chỉ có một thần chết, mà là rất nhiều,...

An chuyển tab qua sử dụng mạng xã hội facebook. Cậu thấy một mẩu tin nói về việc một người đã từng từ cõi chết trở về, tường thuật lại việc họ đã gặp thần chết thế nào.
Lại thêm phần khác ! Thường thì thần chết - theo cách nghĩ của cậu - sẽ kéo linh hồn người chết đi mà không phải dẫn lối hay gì cả ( An không thích tìm hiểu thần thoại để tìm nguồn gốc hay thứ gì đạo loại thế lắm, mà thích tự mình suy nghĩ ra hơn ) nhưng theo cách tường thuật của những người này thì thần chết lại đóng vai trò như "người dẫn đường" cho những linh hồn đó đi lên thiên đàng (hoặc địa ngục).

Dù sao thì, cả 2 chuyện trên đều có điểm khác với cách nghĩ của cậu, nhưng điểm chung của 2 chuyện đó là: thần chết có thể giao thiệp với linh hồn của người chết, hoặc người sắp chết, dù vai trò thì hơi khác nhau. Những thứ đó làm An bất ngờ, bởi có vẻ An vừa thấy được thứ gì đó, khác hơn một chút.

An tắt máy tính, tựa lưng ra ghế, tính chợp mắt chút, cũng không phải là gì khi hôm nay là ngày chủ nhật của An, sáng giờ cậu chỉ ở trong phòng với máy làm những điều linh tinh như lướt mạng xã hội, đọc truyện, chợp mắt khi hơi mỏi, giống như bây giờ. An suy nghĩ mông lung trong khi loa vẫn để mở bản Molto sostenuto cổ điển. Violin là một nhạc cụ, tạo ra âm thanh, âm nhạc; nhạc là nghệ thuật; người làm ra nhạc (cũng) là một nghệ nhân. Rồi cậu nghĩ đến khái niệm "nghệ thuật", cậu tự tạo một cuốn từ điển cho riêng mình, chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hiểu. An cũng hay làm thế khi nghĩ vẩn vơ. Cậu giải thích nghĩa của từng chữ: "thuật" trong "tường thuật", tức là diễn tả, bộc lộ những thứ đã có, đang có, và sẽ có, là thứ để phân biệt được nghệ nhân và phàm nhân, là khả năng bộc lộ, diễn tả mọi thứ, đặc biệt là tâm hồn mình. Còn "nghệ"... cậu không nghĩ được nhiều, có thể đó là "kĩ nghệ", cũng có thể là "củ nghệ",... đôi lúc cậu cũng nực cười với những gì mình nghĩ ra được. Bản nhạc đang tới đoạn xxx, trông nó thật yyy và zzz... À đó ! Đúng rồi. Nó zzz giống như tiếng An đang phát ra lúc này, bởi cậu đã lỡ thiếp đi lúc nào không biết.
Tia nắng ban trưa le lói qua cửa sổ nguội dần hẳn, có lẽ đã có mây, thêm cái lành lạnh của điều hoà 18 độ và tiếng nhạc zzz này, thật là thư giãn và dễ chìm vào giấc ngủ.

Tiếng reng điện thoại làm An giật mình. Là thông báo nhắc nhở "Lâm". Cậu ngồi dậy, bật màn hình lại. Đã 2 giờ chiều, nhạc đã chuyển sang bản Caprice số 1 - người bệnh và chiếc đồng hồ, nhạc hơi buồn thảm dưới ánh đèn xanh của màn hình máy tính. An tắt máy và đứng dậy bật đèn, đi rửa mặt và lấy bộ vest ở góc phòng, như đã chuẩn bị sẵn. Chuẩn bị xong, cậu dắt xe ra khỏi nhà.
Trời không nắng, một buổi chiều Chủ Nhật không có nắng, mà lại đầy mây, mây trắng, sáng lên nhờ tia sáng từ mặt trời bị cản lại bởi một lớp, tuy mỏng, mà trải rộng ra khắp cùng mọi hướng. An hít một hơi sâu, thở mạnh rồi leo lên xe. Tới đám tang của Lâm.

Đã là năm mới, trời lạnh như cắt, đi ngoài đường tưởng như có hơi thở lạnh ngắt từ đâu thổi tận vào xương tuỷ, không phải cái lạnh se se cùng với nắng ấm khi tới Tết. Hàng cây bên đường kia vẫn um tùm lá ( như mọi khi ) nhưng đã khoác lên mình màu ảm đạm, như đang tiễn đưa ai đó trong sầu muộn.
An cố lên ga đi nhanh, một phần vì xa, cậu không muốn bị trễ; một phần vì cậu muốn tới sớm. Tới sớm bao giờ cũng sẽ tốt hơn. Để còn viếng kịp thằng bạn chí tôn là nạn nhân không đáng có của vụ tông container vài ngày trước.

Gần 3 giờ, cậu tới nhà Lâm. An tới kịp giờ, nhưng cũng đã có kha khá người, chắc là người thân bạn bè. Cờ tang đã treo sẵn trên con đường trước ngõ, tiếng kèn trống ồn ào. An thấy làm vậy chỉ tổ đinh tai nhức óc. Cậu chào hỏi nói chuyện với các viếng khách khác, một phép thường thấy ở An, người có nhiều mối quan hệ xã giao, rồi nhanh chóng đi vào trong nhà để tới phòng Lâm, nơi có nhiều người trong gia đình của Lâm.
Cả nhà Lâm ai cũng biết An, qua những lần cậu ghé chơi, từ nhỏ tới lớn. Ngày trước ba má Lâm còn ở gần nhà Lâm, ngày nào An cũng qua chơi, hay là rủ đi học, đi thực hiện mấy cái dự án tuổi thơ xa xôi chẳng bao giờ thành hiện thực. Lúc An học cấp 3, ba má An trúng đất, chuyển chỗ ở, nhưng hai đứa vẫn chơi với nhau như thường vì không cách xa nhau lắm, An vẫn đi học trường cũ vì chỉ cần chuyển sang đi xe buýt là được. Lên đại học thì An chọn trường gần nhà, Lâm ở trọ để đi học trường gần đó. Nên là An Lâm thân nhau lắm. Cả nhà Lâm ai cũng biết thế, và cả nhà Lâm ai cũng biết An.

Phòng Lâm. Một tủ sách bằng gỗ màu nâu sạm, một chiếc giường đơn màu đỏ tía, một bộ bàn ghế văn phòng. Nói thế thì cũng chỉ như bao căn phòng khác trên quả đất này. Nhưng cái làm phòng Lâm -hồi Lâm vẫn còn- khác là những gì ở trên tường. Chi chít là nhạc ! Rõ hơn thì là những mảnh giấy viết nhạc. Người ta thường nói có hai thứ thể hiện bạn là người thế nào: bạn của bạn và những thứ trên tường nhà bạn. Quả đúng thế. Toàn là những mảnh nhạc cổ điển. Bên góc còn treo một cây violin, bên dưới là giá đỡ bản nhạc và thùng rác. Rồi lại còn ảnh của những nhà soạn nhạc. Ngoài Bethoven và Mozart An từng được học trong môn Âm nhạc thì cậu chẳng còn biết ai nữa. Cậu cũng không nhớ nổi mấy cái tên Lâm từng kể cho cậu nghe, bởi cậu thường chẳng bao giờ nghe. Những bản nhạc cổ điển cậu nghe đều do Lâm giới thiệu và bắt nghe ít nhất 1 lần, những cái tên đó đều được Lâm gửi qua tin nhắn.

Cậu lướt qua tủ sách. Đầy ắp truyện tranh. Bao giờ Lâm cũng nằng nặc An đọc bằng được 1 cuốn, nhưng chẳng bao giờ An nhớ để lấy 1 cuốn, hoặc tìm đọc trên mạng. Lâm luôn bảo đọc thử một lần thì mới biết có gì hay. Lâm thích nhất Death Note, vì thằng đó luôn mồm kể về nó, nhiều hơn cả những bản nhạc cổ điển mà hắn mới đam mê từ 2 năm trước. Nào là phân tích nhân vật, phân tính tình huống, bối cảnh, tâm lí, cả những thứ siêu nhiên tâm linh... cả những lí lẽ, triết lí nhân văn của hai nhân vật chính nữa. Nếu lúc thi đại học mà ra đề văn phân tích Death Note, chắc hẳn Lâm sẽ chễm chệ ngồi trên ghế thủ khoa của một trường Văn học nào đó danh giá lắm.

Bây giờ căn phòng đã được dọn sạch, trên bàn cũng thế, dọn luôn những tấm ảnh Lâm chụp cùng, là dàn giao hưởng Lâm chơi cùng tại nhà hát, là những người Lâm gặp được khi tham gia hội truyện tranh Nhật Bản. Và, là An.

Dọn đi hết sạch, luôn những kỉ niệm.

An nhìn lại một lần mọi thứ trong căn phòng, cố mường tượng lại lúc ban đầu, trở lại thực tại rồi ra khỏi phòng, bởi An không còn nghe mùi mực, mùi giấy của những bản nhạc chi chít trên tường nữa. Như một hệ quả của việc mất đi thứ gì đó quan trọng. Khi người ta không còn thứ mình quan trọng ở nơi người ta đang đứng, thì còn ở lại làm gì ?
Người đến viếng ngày càng đông lên.

Chật ních cả.

An len lỏi lên nhà trước để viếng Lâm, theo dòng người đứng cạnh hòm để nhìn mặt tử nhân.

Đến lượt An, An đứng trên bục nhìn vào. Mắt Lâm nhắm nghiền. An không biết tại sao, dù cho đã thấy gương mặt Lâm, đang nằm trong đó. Tiếng kèn tiếng trống vẫn như vậy, nhưng bây giờ nó đã bắt đầu làm cậu rối bùng. An phải định hình sớm, bởi cậu còn phải để cho người khác viếng nữa.
Khoảnh khắc thấy gương mặt Lâm lần cuối, sao An thấy nó nhanh quá ! Nhanh hơn tất thảy những giây phút nào An từng trải qua trong đời, đến nỗi không đủ cho An để mà suy nghĩ, xúc động, hay là thương tiếc.
Sau đó, An về mà không đưa tang tiếp vì có cảm giác không cần thiết. Chào mọi người trong gia đình, An đi ngược lại dòng người đưa tang, lấy xe chạy ra phố.

Bây giờ bên ngoài đã tối, phố tan ca, đông nghịt người, đèn xe đèn đường chói chen. Tiếng còi xe ồn ào vô cảm, tiếng dòng người cũng thế, không chút cảm xúc...
An ghé vào quán . Vào chỗ ngồi, cậu gọi 2 tô phở của quán bên cạnh để họ đem qua, như thường. Trước đó cậu đã chọn sẵn một nhành cúc trắng thật đẹp ở một tiệm ven đường, để xin ông chủ lọ hoa mà cắm vào, đặt trước tô phở không người ăn. Ông chủ thấy thế, cười hỏi - một cái cười thường thấy mà luôn xuất hiện trên mặt ông khi khách quen tới:
-Cái cậu hay đi với chú mày đâu rồi ?
An cười khằn, giọng hơi cay:
-Thằng đó á ? Đi chầu trời rồi chú ạ !
Ông chủ không hỏi gì thêm, nhìn nhành hoa mà như hiểu ra, vụ việc rúng động thế cơ mà. Tội hai thằng nhóc. Hai đứa nó thành khách quen từ lúc quán khai trương, mỗi chiều cuối tuần, chỗ đó, là hai đứa đó, gọi hai tô phở của quán bên cạnh, ăn xong thì gọi chút đồ nhắm với hai chai bia. Rồi kể với nhau đủ chuyện.
Cả hai thằng cùng nói về hiện tại, kể lại về quá khứ, rồi đưa tới tương lai, có thể xa, có thể gần. Khi có men bia vô rồi thì bàn chính trị, xã hội, khoa học kĩ thuật, văn học,... như mấy ông học giả trên truyền hình, cũng giống ông cả thôi. Vì thế nên ông cũng khoái hai đứa tới mỗi cuối tuần lắm, nghe chúng nó kể lể này kia cũng vui tai cho cái quán nhậu cũ kĩ này.
Một thằng đi xa thì ông tội cả 2 thằng, bởi một phần ông biết thằng đi mất còn nhiều mơ ước, nó kể mãi đó thôi. Bây giờ để đó dang dở, cái đam mê làm nhạc công cổ điển của nó, ngày này qua tháng nọ nó than buồn với thằng còn lại, rằng nó hối tiếc thế nào khi không biết mấy thứ đó tuyệt vời đến thế nào cho tới khi nó lớn lên, nhưng ít nhất, vẫn còn thời gian mà theo đuổi. Nhờ đó mà ông biết nó mê, mê ghê lắm. Bây giờ nó đi vội vàng quá, dang dở thật... ông chặc lưỡi, rồi lại nghĩ tội cho thằng ở lại. Bao giờ là người còn lại cũng buồn. Ông biết điều đó, bởi bà cũng bỏ ông đi, bạn bè cũng có vài người... để ông một mình, trơ trọi, trống rỗng đó thôi. Ông biết những lúc như vậy thì một mình là tốt nhất, tự nhiên sau một thời gian sẽ hết. Đúng vậy, tất cả sẽ hết, nỗi buồn, sự nuối tiếc, cay đắng, cô độc,... chỉ còn lại là những kỉ niệm đẹp.

Đúng vậy, sẽ chỉ còn lại những kỉ niệm đẹp.

Vì vậy nên ông để An ngồi đó một mình với hai tô phở. Ông đem tới hai chai bia và dĩa mồi, lót dưới đó mảnh giấy nhỏ, "Hôm nay tôi chú mời", rồi làm việc tiếp.
An thấy thế, không khách sáo mà ăn như thường. Nhưng trong lòng An suy nghĩ nhiều, về lúc chiều, lúc đứng cạnh Lâm mà An không khóc. Tại sao An không khóc ? Lúc đó An không biết, và cũng không có thời gian để suy nghĩ. Nhưng bây giờ thì có rồi, dù bây giờ nước mắt đáng lẽ đã ướn ra và cậu phải sướt mướt kể lể buồn bã với ông chủ mới đúng. Khóc là cảm xúc khi thái quá sẽ bật trào thành nước mắt, nhưng An không khóc.
Tại sao lại không khóc ? An thấy xót, nhưng An không khóc. Không phải vì thể diện của con trai, bây giờ và cả lúc đó An có khóc, có kêu gào, có phá lên điên dại cũng chẳng có hề gì. Đám tang mà. Cảm xúc tới đỉnh điểm thì chẳng còn có gì ngăn được con người ta mà tuôn trào ra hết. Nhưng mà An lại không khóc. Không khóc không có nghĩa là không thương tiếc. An cũng thấy tiếc thương đó thôi, cũng thấy trống rỗng, lạc lõng trong tâm khi thấy người ta đưa tang Lâm đi đó thôi. Bởi nó quá chi là bất ngờ. Chứ còn gì nữa ! Giờ này tuần trước, chỗ này vẫn đủ hai đứa ngồi mà ăn uống nói chuyện với nhau, bây giờ chỉ còn có mình An... An lại thấy buồn.
Nhưng lúc đó An vẫn về, và không khóc.
Hay là vì An không trân trọng tình bạn này, đến nỗi không rơi nước mắt khi bạn mình nằm xuống ? Ồ, thế thì tệ thật. An thấy mình thật tệ, và thật nặng nề tâm trí. Bởi lẽ An nghĩ mình không xứng đáng là một người bạn. Lâm mà biết điều này chắc sẽ khó mà không buồn ! Mà làm sao vui được, khi đối mặt với thần chết ?
Nhắc tới thần chết, bỗng nhiên trong một khoảnh khắc, trong An lúc đang nốc được nửa chai, nhớ lại những suy nghĩ lúc trưa trước khi thiếp đi. Tiếng nhạc cổ điển nhẹ đi vào đầu cậu một cách vô thức, một bản quen thuộc cậu nghe lúc trưa, nhưng đã quên khuấy mất tên. Rồi cậu liên kết, móc xích những dữ kiện cậu soạn ra còn dang dở lại. Thần chết...nghệ thuật...nghệ nhân...cõi chết........

Cậu tìm ra một định nghĩa mới.

Để cho vào từ điển của cậu.

Bởi cậu đã có một suy nghĩ mới về thần chết.

Đó không còn là một thực thể đi kéo linh hồn người chết đi nữa.

Đó cũng không phải kẻ đi viết vào sổ tay tên của những con người để họ chết đi.

Đó cũng không còn là "người dẫn đường" đến thiên đàng (hay địa ngục) nữa.

Bởi những định nghĩa về thần chết trên đều vướng phải một khúc mắc: sự siêu thoát của linh hồn.
Tức là phải cảm thấy yên bình và thoả mãn trong tâm trí thì linh hồn mới siêu thoát được.

Và cách để được thoả mãn thì cách tốt nhất là bộc lộ nó ra, phải thể hiện ra.
Thứ được bộc có thể là bất cứ thứ gì, cảm xúc, tâm trạng, hay là một câu chuyện nào đó, mà ở đây là câu chuyện của bản thân.

Vậy nên những nghệ nhân là những con người siêu thoát và an yên nhất khi gặp thần chết.
Bởi, thần chết sẽ là người lắng nghe, để họ biểu diễn, để họ tường thuật lại cuộc đời, suy nghĩ, những khúc mắc, hối tiếc, những cảm xúc tiêu cực và tích cực,... của bản thân.

Để họ có thể "thuật" lại những gì mình có, thấy, và cảm nhận.

Và họ sẽ đi thôi, đến thiên đường, hoặc là một kiếp khác khi họ kể hết, và thoả mãn.

Nghĩ đến đó An mỉm cười, ngước lên tự nhủ:
-Mày cũng sẽ tốt thôi, nhể !
An trở về với tâm trí nhẹ nhõm, không quên để lại tiền cùng mảnh giấy khác, "Cảm ơn nhưng tôi tốt rồi".
Đêm đó, An chiêm bao mơ màng bóng dáng một con người, chơi đơn tấu khúc nhạc violin, bên cạnh là một bộ xương choàng áo, đôi cánh trắng toát, ngồi trên ghế lắng nghe nhẹ nhàng theo khúc nhạc, khung cảnh mờ dần trong sương mù và biến mất vào hư không...


......... Hết .............

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro