Cái "Tôi" trong Thơ mới (1932 - 1945)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Ngày nay, khi nhắc đến hai từ Thơ mới, ngay lập tức người ta liên tưởng đến một thời kì trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc. Người ta lại biết đến Thơ mới qua các bài thơ tiêu biểu của các tác giả nổi danh như Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Chế Lan Viên, Đông Hồ, Nguyễn Nhược Pháp, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính... mà ít ai biết được rằng, để có được một phong trào thơ với đúng như tên gọi của nó, thế hệ văn nghệ sĩ thời bấy giờ đã trải qua những bước thăng trầm như thế nào.


Thật vậy, phong trào Thơ mới (1932 – 1945) khi đang còn trong thời kì “trứng nước” đã phải đối mặt với không ít những ý kiến, quan điểm phản đối gay gắt , mạnh mẽ của “thơ cũ”. Xã hội truyền thống Việt Nam chưa “cho phép”, chưa “chuẩn bị” để làm một cuộc “cách mạng trong thi ca”. Vì vậy khi vào một ngày nọ (10 – 3 – 1932) “Cuộc cách mạng trong thi ca đã nhóm dậy” (Hoài Thanh – Hoài Chân). Lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng với bài thơ “Tình già” của Phan Khôi trên tờ Phụ nữ tân văn.
Nói như Huy Cận trong bài phát biểu nhân kỉ niệm 60 năm phong trào Thơ mới (15 – 02 - 1992) “Bây giờ đây, Thơ mới đã nghiễm nhiên nằm trong văn mạch dân tộc và là một chương rất quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà. Nhưng hồi đó (1932) Thơ mới là nỗi niềm, thái độ , là một cuộc ra trận của cả một thế hệ văn chương, một lực lượng trẻ văn hoá dân tộc quyết đổi mới cả một nền văn thơ, văn chương đã mỏi mòn, khô cứng, bạc màu”.
Tổng kết về Thơ mới, Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã khẳng định: “Không lấy một người so sánh với một người, hãy lấy thời đại so sánh với thời đại. Tôi quyết rằng chưa có thời đại nào phong phú như thời đại này trong lịch sử thi ca Việt Nam. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”.
Thơ mới tạo lập và chứa đựng nhiều nỗi niềm, là một phong trào thơ, một nền thơ, các nhà Thơ mới có quan điểm thẩm mĩ, có những cách thể hiện riêng được định hình thông qua các nhà thơ tiêu biểu, từ đó chi phối cả nền thơ. Trước hết, Thơ mới thể hiện cái tôi cá nhân (In-di-vi-du) một cách rõ rệt. Cái tôi trong thơ mới có cái tinh tươm, tinh tường của nó và cái lớn muốn hoà vào đại dương, muốn đẩy xa không ngừng cả lớp sóng của cả trường giang. Cái tôi khi vừa mới phát hiện ra, nó đã đem lại cho ta nhiều giá trị mới. Nó thể hiện sự cách tân của thơ vì cuộc đời và lẽ sống. Cái tôi trong Thơ mới xuất hiện gắn liền với từng lớp thị dân, gắn với nền văn minh công nghiễp, đó vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền văn hoá mới. Các nhà Thơ mới đều có ý thức khẳng định mình như một thực thể duy nhất không lặp lại. Bởi vậy, Lưu Trọng Lư đã “mỉm cười trong thú đau thương”. Đồng thời, các nhà Thơ mới quan niệm rằng cô đơn, buồn chính là cái đẹp. Huy Cận đã từng bảo rằng “Cái đẹp bao giờ cũng hơi buồn”. Những quan niệm ấy có lẽ được khởi nguồn từ phương Tây khi nhà thơ Mĩ Edgar Allan Poe đã từng nói: “Giọng điệu buồn là giọng điệu thích hợp với thơ ca”.
.Rõ ràng, khi quan niệm như vậy thì việc thể hiện thế giới tự nhiên cũng đồng thời cho việc bộc bạch tâm trạng. Huy Cận đã phải thốt lên:
“Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển”
Cả một thiên cổ sầu ngìn năm dồn chất vào trong một tâm hồn thơ. Hoài Thanh đã nhận xét trong Thi nhân Việt Nam rằng: “ Các cụ nhà ta khi nhìn thấy một cô gái xinh đẹp thì có cảm giác tội lỗi”. Nhưng xã hội đã đổi mới rồi, “Một xã hội mới hình thành thay thế cho xã hội truyền thống. Một ý thức hệ mới đang hình thành thay cho ý thức hệ cố hữu. Một con người mới – dầu chưa phải là đa số quốc dân đang muốn hướng cuộc sống theo ý của họ. Những con người “ở nhà Tây, đội mũ Tây, đi giày Tây, mặc áo Tây...”.
Các nhà Thơ mới say sưa viết về những mối tình dang dở. Họ quan niệm:
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”
(Hồ Zếnh)
Vũ Hoàng Chương như mất hết cả niềm đam mê khi:
“Em ơi lửa tắt bình khô cạn
Đời vắng em rồi say với ai?”
Hàn Mặc Tử cũng “hoá dại khờ” khi:
“Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi hóa dại khờ”
Chủ nghĩa lãng mạn thường viết về những đề tài thiên nhiên và tình yêu, hay thiên nhiên và tình yêu là đề tài rất phù hợp với các nhà thơ. Bởi vậy, Hoài Thanh đã từng khen hai câu thơ hay nhất trong nền thơ ca viết về đề tài mùa thu của Bích Khê:
“Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.”
Thơ mới nói chung thường thích những cảnh “sông dài trời rộng”, những cảnh gợi cho người ta cảm giác bâng khuâng, man mác, cô đơn... Các nhà Thơ mới thích những đêm trăng lạnh, những buổi chiều tà mà tiêu biểu là Huy Cận với bài Tràng giang.
Nói chung,Thơ mới thể hiện nỗ lực sáng tạo hình thức thơ ca. Có thể nói trong Thơ mới, có nhiều câu thơ rât mới lạ so với thơ ca truyền thống. Cái mới ấy được biểu hiện trong cách thể hiện của các nhà thơ chịu ảnh hưởng bởi Baudelaire và trường phái tượng trưng Pháp, với những câu thơ đầy tính “nổi loạn” như:
“Ô kìa! Bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”
(Hàn Mặc Tử)
Và đây là những câu thơ hoàn toàn mới lạ của Xuân Diệu:
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh”
Điều quan trọng là Thơ mới có “nhạc tính”, đặc sắc trong cách cấu tạo từ:
“ái ân bờ cỏ ôm chân trúc”
(Thế Lữ)
Điểm hay nhất của Thơ mới là chấp nhận cái “phi lí”. Theo quan niệm mĩ học thì cái đẹp là chấp nhận cái phi lí, đó mới là nghệ thuật. Nhưng trong Thơ mới, cái phi lí lại trở nên rất có lí (Phạm Hổ đã nghe thấy “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”)
Xuân Diệu thì lại khẳng định:
“Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta”
Cái tôi thường được biểu hiện trước hết là ở cách xưng hô và các đại từ nhân xưng. Chỉ riêng một mình Thế Lữ mà cái tôi cá nhân ấy được biểu hiện thật là đa dạng, thể hiện ra dưới nhiều “vai”, lúc thì “người bộ hành phiêu lãng”
“Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi”
Là một khách tình si, có khi nhà thơ tự coi mình là “người mơ ước hão”!
“Tôi chỉ là người mơ ước thôi
Là người mơ ước hão! Than ôi!”
ý thức rõ về cái tôi càng mạnh mẽ bao nhiêu thì chỉ khiến cho con người ta đau buồn, và có khi lại quá nhỏ bé giữa một thực thể quá ư rộng lớn của vũ trụ. Xuân Diệu đã từng ví mình như một “cây kim bé nhỏ”:
“Tôi chỉ là cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm”
Rõ ràng, con người không thể đứng ngoài dòng chảy của cuộc sống, nhưng có lúc chính cái dòng chảy thời gian ấy, chính cái thực thể ấy đã khiến cho con người ta cảm thấy mình như người xa lạ, muốn được tự do:
”Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hót chơi!”
Cái tôi cá nhân không phải đến thời gian này mới xuất hiện, thực tế trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, cái tôi cá nhân đã ít nhiều xuất hiện vào thời kì trung đại (từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX) với các đại biểu như Đặng Trần Côn, Nguyuễn Gia Thiều, Nguyễn Du và tiêu biểu hơn cả là bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Thời kì này, cái tôi cá nhân đã phát triển lên thành một thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện – Chủ nghĩa Nhân dạo. Nhưng rõ ràng, sang thế kỉ XIX. Đúng vậy, sang đầu thế kỉ XIX thôi, văn học Việt Nam cũng đã xuất hiện một hiện tượng lạ lùng, đương nhiên đó không phải là Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu mà đó chính là Tú Xương:
“Khi cao lâu, khi cà phê, khi nước đá
Khi thuốc lá, khi đủng đỉnh ngồi xe”
“Hẩu lố, méc – xì thông mọi tiếng
Không sang Tỗu thì cũng tích sang Tây”
Vì vậy, GS. Trần Mạnh Hảo nhận xét: “Thơ Tú Xương tuy còn mặc áo the khăn đóng nhưng chất thơ đã Tây lắm rồi”
Thực tế cuộc sóng cho thấy, để phát sinh ra cái mới cần phải có hai điều kiện: nội sinh và ngoại nhập. Khi hai yếu tố này phát triển mạnh mẽ và tác động tương trợ lẫn nhau ắt sẽ tạo nên cái mới. Vì vây, không phải ngẫu nhiên mà có người đã nhận định: “Văn học trung đại Việt Nam thai nghén cả nghìn năm, sang đầu thế kỉ XX mới bắt đầu trở dạ”
Từ những tiền đề ấy, với sự xuất hiện những gương mặt Thơ mới tiêu biểu như Thế Lữ, xuân Diệu, Lưu Trọng Lư... Và đặc biệt khi bài “Tình già” của Phan Khôi “trình làng”, bắt đầu từ năm 1930 phong trào Thơ mới phát triển một cách rầm rộ, ồ ạt. Người nắm bắt được cái tinh tuý, người có con mắt tinh tường trong việc phát hiện ra những giá trị quý báu của phong trào này là hai anh em Hoài Thanh – Hoài Chân, trong đó công đầu phải kể đến thuộc về Hoài Thanh. Ông đã tập hợp những tác giả nổi danh với những bài thơ được xem là những tuyệt tác của mọi thời đại vào trong cuốn Thi nhân Việt Nam.
Ngày nay, đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển, việc giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các quốc gia cũng ngày càng được mở rộng. Chính vì vậy, quan niệm về thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung rất thoải mái, mới mẻ. Nhưng dù có phát triển đến đâu thì chúng ta cũng không thể phủ nhận những thành tựu, những đóng góp mà phong trào Thơ mới mang lại, đặc biệt là việc khẳng định cái tôi cá nhân một cách mạnh mẽ đầy cá tính, tô điểm thêm cho gương mặt của nền thơ ca Việt Nam vốn đã tươi tắn, xinh đẹp lại càng xinh đẹp và tươi tắn hơn! 
♥ Smile ♥

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro