Calling You - 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chắc hẳn mình là nữ sinh cấp 3 duy nhất trong trường không có điện thoại di động. Thậm chí mình còn chưa đi hát karaoke, chưa đi chụp ảnh sticker bao giờ, dù khiêm tốn cũng phải tự nhận người như mình là cực kì hiếm.

Tuy trường đã quy định cấm, nhưng hầu như ai ở trường cũng có điện thoại di động. Hễ màn hình của các bạn trong lớp bật sáng, mình lại thấy lòng bứt rứt. Hễ nhạc chuông cất lên lánh lót, lại tự thấy tụt hậu. Hễ gặp ai đó thì thào vào thiết bị liên lạc be bé ấy, lại thêm một lần mình nhận thức: mình là đứa cô độc, chẳng có bạn bè gì.

Mọi người trong lớp liên lạc với nhau qua mạng, mình thì bị gạt sang một bên, giống như ai nấy đang cười vui nối vòng tay lớn, mình lại lẻ loi đứng ngoài, đá những hòn sỏi một cách tẻ nhạt.

Mình cũng muốn dùng điện thoại như họ, chỉ hiềm không ai ở bất cứ ngóc ngách nào trên đời này sẽ gọi đến cái điện thoại đó hết, đây mới chính là nguyên nhân khiến mình không dùng điện thoại. Không ai gọi điện thoại, không ai chụp sticker chung, càng không ai đi hát karaoke cùng.

Mình ăn nói vụng về, hễ có người tới gần mở lời là tự dưng mình sượng sùng, thái độ cứng nhắc, dùng giọng đối đáp lạnh lùng hầu khỏa lấp cái yếu đuối mong manh bên trong. Mình không biết nên tiếp chuyện thế nào, đành chỉ cười nhạt lấy lệ cho người ta cụt hứng. Vì sợ giẫm vào vết xe đổ, mình đành giữ khoảng cách với tất cả, cố gắng hạn chế giao tiếp với bất kì ai.

Mình đã từng phân tích nguyên nhân gây ra cảnh ngộ này, cuối cùng nhận định rằng, đều tại mình quá đặt nặng lời nói của người khác. Thật lòng thì đã đành, nhưng khi người ta chỉ xã giao, mình cũng không biết đối đáp thế nào cho qua. Gặp những câu pha trò, phản ứng của mình còn tệ hại hơn, ù lì, lúng túng, nghiêm túc tự phân tích, khi xung quanh thình lình phá lên cười giễu mới vỡ lẽ người ta đang nói đùa.

"Kiểu tóc này đẹp quá!"

Hồi tiểu học, tình cờ được một cô bạn khen tóc, mình vui gần chết, còn tự hào nữa. Hai năm tiếp theo, mình cứ cố duy trì cùng một kiểu tóc ngắn ấy mãi.

Khi lên cấp hai mình mới biết, câu nói của cô bạn chẳng qua chỉ là đãi bôi. Vì một hôm trên hành lang trường, cô ấy cùng mấy đứa bạn đi ngang qua mình, tình cờ liếc sang liền thì thào bảo chúng, "Con bé này để cùng một kiểu tóc suốt mấy năm trời, thật ra có hợp với mặt nó đâu."

Mình không cố ý nghe, nhưng câu chế giễu vẫn lọt vào tai. Niềm tự hào về mái tóc suốt bao lâu hóa ra là dở hơi, là lố bịch. Những chuyện na ná thế này nhiều lắm, dần dà giao tiếp với ai mình cũng căng thẳng đề phòng.

Đến mùa xuân đầu tiên ở cấp ba, mình đã đánh mất khả năng kết nối với xung quanh. Cuối cùng, mình trở thành một thực thể cá biệt trong lớp, ai cũng thận trọng khi tiếp xúc với mình, tuy rằng ở chung trong một không gian, mình vẫn hoàn toàn lạc lõng.

Khó chịu nhất là giờ nghỉ, các bạn túm tụm một chỗ cười đùa hi hả, mình thì tiếp tục ngồi lì ở bàn. Lớp càng ồn ào sôi nổi, mình càng trơ trọi bẽ bàng, cảm thấy bản thân bị cắt khỏi tập thể, nỗi cô độc đập phá tâm hồn.

Không có điện thoại di động là biểu hiện khó chối cãi cho tình trạng không có bè bạn. Ngoại mặt lạnh lùng nhưng trong lòng bấn loạn, thiếu khả năng giao tiếp có lẽ cũng là một căn bệnh, sống giữa cộng đồng mà không kết bạn nỗi với ai, chỉ có thể là kẻ bỏ đi.

Lên lớp, mình thường trưng ra bộ dạng tỉnh bơ, phớt lờ sự thật là chẳng ai thèm mở lời với mình. Giá trong lòng cũng thản nhiên được thì tốt quá. Nhưng nhìn đám con gái dám sticker lên điện thoại và móc thêm vài phụ kiện đung đưa đáng yêu, mình không sao chịu nổi. Chắc bọn này có nhiều bạn bè, danh bạ ăm ắp hàng dãy số đấy nhỉ! Nghĩ đến đây, lòng vừa buồn rầu vừa ganh tị, ước ao được như chúng nó.

Vào giờ nghĩ trưa, mình thường hạ trại ở thư viện, vì trong lớp không kiếm nổi chỗ dung thân.

Thư viện rất yên tĩnh, lại lắp điều hòa. Bây giờ là mùa đông, hơi nóng từ máy sưởi phả ra đúng là ân huệ lớn lao với kẻ vừa sợ lạnh vừa dễ bị cảm như mình.

Mình chọn bàn gần máy sưởi, nhưng cố tránh xa chỗ có người. Phải mấy mươi phút nữa mới đến giờ học buổi chiều, mình sẽ đọc lại vài truyện ngắn yêu thích đã đọc vô số lần, hoặc là ngủ gật để giết thời gian.

Hôm ấy, mình gục mặt xuống bàn, nhắm mắt lại, tự nhiên nghĩ đến điện thoại di động.

Gần đây mình thương băn khoăn, nếu đủ điêu kiện trang bị điện thoại di động, mình sẽ dùng kiểu dáng nào nhỉ? Chỉ nghĩ trong đầu thôi thì chẳng phiền đến ai, chẳng ngại bẽ mặt, cảm giác an toàn khiến mình say sưa chìm đắm vào suy tưởng.

Màu trắng hoặc đỏ, vỏ nhẵn nhụi... là thích nhất.

Không biết bắt đầu từ lúc nào, chỉ cần nghĩ đến chiếc điện thoại đó, khóe miệng mình đã cong lên, tâm trạng phấn khởi hẳn. Dần dà, việc thả tâm trí phiêu du theo tưởng tượng trở thành một hoạt động cực kỳ quan trọng đối với mình.

Khi các tiết học trong ngày đã hết, người ra về sớm nhất luôn là mình. Không phải vì nhanh nhẹn hay vội vàng gì, mà chỉ vì mình không tham gia CLB ngoại khóa nào cả, cũng không có bạn để nán lại chơi cùng. Tan học là không còn gì để làm ở trường nữa. Mình đút hai tay vào túi, cúi đầu cô độc bước về nhà.

Trên đường đi qua cửa hàng điện máy, mình sẽ lấy mấy tờ quảng cáo điện thoại di động. Lên xe buýt sẽ thần người ra mà xem. Lướt qua thông số các mẫu máy mới nhất, rồi lại miên man đánh giá: A... có nhiều tính năng tiện lợi quá! Cứ ngẩn ngơ như thế, xe đến bến lúc nào chẳng hay.

Mẹ thường tan làm muộn, mình là con một, có về sớm cũng lại tiếp tục nếp sinh hoạt thui thủi như ở trường, khác chăng chỉ là cái địa điểm mà thôi.

Vào đến phòng riêng, mình đặt tờ quảng cáo lên bàn, sau đó chống cằm, tập trung nhớ lại cái điện thoại đã tưởng tượng lúc ở thư viện, rồi cố sức tái hiện thật chân thực trong đầu, như thể nó đang ở sờ sờ trước mắt. Đó là một thiết bị bé nhỏ tinh xảo, màn hình tinh thể lỏng hiển thụ đồng hồ, đèn nền xanh để đến chỗ có ánh sáng yếu vẫn xem được. Còn về giai điệu khi có cuộc gọi đến, thì chọn nhạc phim mình thích đi. Nhạc phim Quán cà phê Bagdad rất hay, âm thanh diệu kỳ khiến mình rung động.

Mẹ vừa đi làm vừa phải lo việc nhà. Tiếng mở cửa lúc mẹ về cuối cùng cũng kéo mình ra khỏi những suy nghĩ lan man. Chẳng biết hai tiếng đồng hồ đã trôi qua từ lúc nào.

Cho dù là đi học, hay ăn cơm, trong đầu mình cũng nghĩ đến chiếc điện thoại mơ ước. Thân máy hình lượn sóng màu trắng trơn nhẵn như đồ sứ, nhấc lên nhẹ tênh, cần trong lòng bàn tay thật vừa vặn. Không lâu sau, mình phát hiện ra cho dù là mở mắt hay nhắm mắt, chiếc điện thoại đều hiện hữu trong đầu. Cho dù đang nhìn những đồ vặt khác, thì ở một nơi ngoài tầm nhìn, mình vẫn trông thấy món đồ nhỏ xinh trắng muốt đó. Không biết bắt đầu từ khi nào, sự tồn tại của nó đã mạnh mẽ hơn tất cả mọi thứ xung quanh, hình dáng mỗi ngày một sắc nét.

Vì phần lớn thời gian đều ở một mình, không bị ai quấy rầy, mình cứ mặc sức để tâm trí tơ tưởng đến chiếc điện thoại. Cứ nghĩ nó không thuộc về ai khác, mà chỉ riêng mình có thì thấy vui sướng vô cùng. Trong hư ảo, mình sờ mãi vào bề mặt trơn nhẵn, màn hình tinh thể lỏng không bao giờ bị lem bẩn, chức năng đồng hồ vận hành dễ dàng, điện thoại lại không cần sạc điện.

Món đồ không tồn tại trong thực tế này dần dà khảm sâu vào đầu óc mình.

************************************
Một buổi sáng tháng Giêng.

Trời rất lạnh, cảnh vật hiện lên hiu hắt bên ngoài cửa sổ, không gian âm ưu trĩu nặng, dấu hiệu của một ngày đục ngầu. Tiếng chuông báo thức kéo mình dậy, bộ não còn đang lơ mơ ngủ cố gắng sắp xếp lại suy nghĩ. Ở trong nhà vẫn phà ra hơi trắng, mình vừa run lập cập vừa lật tung đống sách ngổn ngang bên cạnh giường lần nữa, "Điện thoại của mình đâu rồi?" Mình không tại nào tìm thấy, đã đến giờ xuống nhà ăn sáng, nhưng mình vẫn rầu rĩ, giấc mơ lúc nằm trong chăn đã biến thành một dải sương tản mạn, trùm lấy đầu óc mình.

Có tiếng chân mẹ lam theo cầu thang lên gác.

"Ryo ơi, trời sáng rồi, chưa dậy à?"

"À... đợi con một chút, không thấy điện thoại đâu nữa, con đang tìm..."

Mình trả lời tiếng gõ cửa của mẹ như thế.

"Con có điện thoại bao giờ?"

Giọng ngạc nhiên của mẹ đập vào tâm trí, làm mình bừng tỉnh.

Đúng rồi, mình đang tìm cái gì chứ? Điện thoại của mình không hề tồn tại trong thực tế, làm sao mình lại nháo nhào tìm kiếm như vậy? Mình đã quên bẵng nó chỉ là đồ vật mà mình phân tích tổng hợp tiếp xúc sử dụng trong tâm trí thôi à.

"Ryo ơi, hôm nay con quên đeo đồng hồ đi học. Đợi xe buýt chắc bất tiện lắm hả?"

Đến đêm, người mẹ bận rộn của mình vừa đi làm về đã hỏi như vậy.

"Con quên đeo đồng hồ ạ?"

Cả ngày mình không hề phát hiện ra, điều lạ lùng là, cho dù không biết giờ, mình cũng không cảm thấy có vấn đề gì. Tại sao thế nhỉ? Mình rất nghi hoặc, nhưng chỉ chốc lát là sực hiểu.

Tuy rằng không có đồng hồ, nhưng trong tâm trí có điện thoại, mình đã vô thức xem giờ qua đồng hồ hiển thị trên màn hình tinh thể lỏng đó.

Nhưng, đồ vật hư cấu mà biết chỉ giờ đúng ư?

Mình xem đồng hồ tinh thể trên điện thoại trong đầu, lúc này là 8 giờ 12 phút.

Mình lại xem đồng hồ thực tế treo trên tường, kim phút chuyển động, kết hợp với kim giờ vừa vặn chỉ vào 8 giờ 12 phút.

Tim mình bỗng đập dồn dập, bàn tay trong tưởng tượng búng nhẹ vào bề mặt trơn nhẵn của chiếc điện thoại cũng trong tưởng tượng ấy, phát ra tiếng "tốc tốc", rất nhẹ, rất nhỏ, nhưng vang vọng trong đầu.

***********************************
Tan học về, trên xe buýt có tiếng chuông điện thoại di động, tiếng chuông nghe như tiếng đồng hồ báo thức. Cậu con trai ngồi trước mình hoang mang lục túi, tắt tiếng chuông điện tử khuấy động cả xe ấy đi, rồi áp lên tai nói chuyện.

Vì trong xe có lắp thiết bị sưởi ấm nên mặt ngoài kính cửa mờ hơi sương, không nhìn rõ cảnh vật. Mình vừa nghĩ ngợi lung tung vừa vô thức nhìn quanh quất trong xe. Ngoài mình và cậu con trai đó ra, chỉ có một bà thím hai nách kẹp các túi đồ mua sắm, thím đang nhìn cậu thanh niên nói chuyện điện thoại với vẻ bực bội.

Tâm trạng phức tạp của mình khó mà diễn tả thành lời, gọi điện trên xe và trong cửa hàng đúng là thường gây ra sự bất tiện cho mọi người, nhưng mình vẫn khao khát được ở vào trường hợp ấy.

Cậu con trai đã kết thúc cuộc gọi, tài xế bèn thông báo qua loa, "Để tránh gây phiền nhiễu cho các hành khách, đề nghị hạn chế sử dụng điện thoại di động trong xe."

Đây chẳng qua cũng chỉ là chuyện nhỏ nhặt. Sau đó xe buýt yên ắng di chuyển, không khí ấm áp khiến mọi người cảm thấy khoan khoái, mình bắt đầu gà gật.

Được chừng mười phút, tiếng chuông điện thoại lại đột ngột reo lên! Thoạt tiên mình vẫn còn tưởng đó vẫn là tiếng chuông của cậu con trai ngồi hàng ghế trước, bèn nhắm mắt lại không để ý tới. Nhưng chỉ chớp mắt, mình nhận ra tình hình có điểm kỳ lạ, con sâu ngủ tức thì tan biến.

Tiếng chuông đang reo này không giống ban nãy, đây là giai điệu nhịp nhàng, là tiếng nhạc phim mà mình quen thuộc, lại tình cờ khớp với tiếng chuông điện thoại mình hằng tưởng tượng là sẽ cài.

Điện thoại của ai đấy?

Mình nhìn quanh xe, tìm chủ nhân của điện thoại. Tài xế, cậu con trai, bà thím, trừ mình ra, trong xe chỉ con ba người này, nhưng họ đều không có động tĩnh gì, bộ dạng như không hề nghe thấy tiếng chuông báo gọi đến liên miên đó.

Họ không thể nào không nghe thấy, mình sinh ra nghi hoặc, cũng hơi thấp thỏm nữa. Lúc này mình đã linh tính được điều gì đó, bèn vô thức siết chặt lấy cặp sách đặt trên đầu gối. Chiếc móc chìa khóa mà mình thích nhất đeo trên quai cặp phát ra tiếng khe khẽ, leng keng, leng keng...

Mình run rẩy dùng thần kinh ngoài thị giác nhìn trộm vào não bộ mình, linh tính của mình là đúng. Chiếc điện thoại trắng mà mình hư cấu đang bắt sóng. Chuông réo trong đầu báo cho mình biết có cuộc gọi đến.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro