Chương 12: Cháy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sáo đặt bát nước xuống đất, cắm một cành cây ngay bên cạnh rồi ngồi bệt xuống. Anh ngửa đầu, dõi mắt nhìn về phương xa. Trên những dãy núi trập trùng là bầu trời sẩm tối, những tảng mây lờ đờ kéo nhau trôi đến chân trời, loáng thoáng thấy vài bóng đen vù vù bay ngang đầu. Văng vẳng từ đâu những tiếng pháo vang, chẳng biết sẽ kéo dài đến bao giờ nữa. Những hố bom, vết đạn nối tiếp nhau. Đá sỏi như đã bị dẫm nát, vung vãi khắp trận địa hoang tàn. Máu chảy thấm đất, tay ai nằm chỏng chơ trên bãi chiến trường. Mấy bóng người đi qua đi lại, kéo từ trong đống đổ nát ra những xác người, có thể là quân mình, cũng có thể là quân địch.

Có người gào lên tên của đồng đội, có người dùng tay không bới lên ụ đất đá, lại có người đang cõng đồng đội đã bất tỉnh. Và ở một góc vắng nào đó, có ai quỳ bên một cái hố mới đào, tay nâng niu những kỷ vật của đồng đội, nhẹ nhàng đặt vào hố.

Sáo ngồi không một hồi lâu, đợi đến khi anh Giàn tới giục mới chậm rãi chống tay đứng dậy. Anh đổ hết bát nước, sau đó dùng bật lửa đốt cành cây. Ánh lửa màu cam ấm áp cháy bập bùng, hắt lên mặt anh một vầng sáng nhàn nhạt. Sáo thở dài, thủ thỉ:

- Thiều thông cảm cho các anh nhé. Các anh không có nhang khói, cũng không có gạo muối gì cho chú cả, chỉ có bát nước mưa hứng được và cành cây này thôi, chú nhận tạm vậy.

Sáo cất bước rời đi sau khi lửa tắt hẳn, nhúm tro bị gió thổi bay về trời. Cây lá chung quanh đong đưa, những tiếng rì rào kia không biết có phải đang đáp lời anh hay không nữa. Sáo thoáng dừng bước chân, ngoảnh đầu nhìn lại phía sau. Ở vị trí anh vừa ngồi đậu bốn chiếc lá nhỏ, xanh mơn mởn, hẳn mới mọc trên cây không lâu đã rụng xuống rồi. Sáo dùng tay lau mặt, khẽ nói một tiếng “tạm biệt” rồi tiếp tục bước đi.

***

Sáo vừa trở về đội liền thấy anh Lơn đang khóc sụt sùi, luôn miệng gọi tên Thiều. Miễn ở bên cạnh vỗ vai Lơn an ủi, Năng thì ngồi ngẩn ngơ, còn Sĩ ở một góc múa bút vẽ tranh. Riêng anh Giàn sa sầm mặt mày, buồn bực đi qua đi lại. Nhác thấy Sáo về, anh lập tức gọi Sáo qua, bảo Sáo ngồi xuống cạnh Sĩ.

Anh Giàn nhắc lại vài vấn đề trong chiến đấu, nghiêm giọng miêu tả tình huống hiện giờ. Địch đã phản kích lại, sư đoàn bọn họ không lập được công, quân ta mất ba pháo cao xạ cùng năm xe tăng. Bù lại, một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 258 của địch bị trung đoàn 9 (1) thuộc sư đoàn 304 (2) đánh chạy. Một tiểu đoàn của trung đoàn 48 (3) cũng thành công chiếm được Tân Vĩnh. Anh Giàn còn dặn mọi người phải giữ bình tĩnh, tự tin và quyết tâm giành chiến thắng, đừng vì hiện giờ địch đánh căng mà hoang mang. (4)

Không ai đáp lời anh Giàn, tâm trạng ai nấy đều nặng nề không thôi. Lúc nào cũng thế, khi có một người bạn, người đồng đội hi sinh, bọn họ chẳng thể vui nổi. Chính anh Giàn cũng không khác mấy, chẳng qua anh là đội trưởng, anh phải làm tấm gương, chỗ dựa cho những người khác, đâu thể cùng họ gặm nhấm nỗi buồn mãi được. Anh đứng thẳng lưng, cất giọng nói rằng:

- Anh biết mấy đứa buồn. Có lẽ vì mình chưa làm nên cơm cháo gì trong trận này, cũng có lẽ vì hôm nay nhận tin Thiều hi sinh. Nhưng dù sao đi chăng nữa, anh hi vọng mấy đứa không chán nản mà gục ngã, bởi chúng ta còn nhiều chuyện phía trước cần phải làm.

Những người ở đây đều hiểu ý anh, gật đầu đáp lại. Anh Giàn lại nói thêm mấy câu, nghe sơ qua thì thấy văn vẻ lắm. Không mấy ai chú ý anh nói những gì, tại anh nói lòng và lòng vòng quá, mãi mới thấy mấy từ trọng tâm như “cố lên”, “đừng nản chí”.

Sáo ghé đầu ngó sang trang giấy Sĩ vẽ dở. Anh cứ nghĩ Sĩ đang hoàn thiện nốt bức vẽ Thiều lon ton làm chân chạy vặt, ngờ đâu Sĩ lại đang vẽ một bức khác.

Một cậu lính tăng đội mũ bảo hiểm trên đầu, mặc chiếc áo lính rách vai, chân đi đất, ống quần xắn đến tận đầu gối. Hai tay khoanh trước ngực, cậu kiêu ngạo ngồi trên tháp pháo một chiếc xe tăng T-54, trước mặt là súng máy của xe tăng. Phần mặt trắng trơn, chỉ thấy mấy vết chì mờ mờ, có lẽ Sĩ chưa kịp phác họa lại cả gương mặt cậu. Ấy thế mà, Sáo vẫn có thể tưởng tượng ra hình ảnh của cậu, một cậu lính tăng tự tin, cười tươi roi rói sau khi chiến thắng trở về.

Lùn lùn choai choai mà oai như cóc, đây là nhận xét của hầu hết anh em về cậu lính tăng của họ.

- Anh từng đến xem đội tăng rồi à?

Sáo thắc mắc. Mặc dù đợt này anh gặp Thiều khá nhiều, nhưng lần nào cũng là Thiều chủ động tới chỗ các anh chơi, chứ anh chưa từng thấy Thiều khi ở đội tăng như thế nào. Nhìn từ trong tranh, cho dù không có gương mặt, nom Thiều ra vẻ hơn bình thường nhiều lắm.

Sĩ siết chặt cây bút chì trên tay, sau đó từ từ thả lỏng ra. Chàng gượng cười, đáp:

- Ừm, ba năm trước có ngẫu nhiên thấy một lần.

Sáo có chút ngạc nhiên, như muốn hỏi sao chàng nhớ kỹ thế. Sĩ cúi đầu vuốt phẳng trang giấy, chậm rãi đóng quyển sổ lại. Chàng ngước lên bầu trời đã tối mù từ bao giờ, rầu rĩ ngân nga câu hát đầu tiên.

- Ấn tượng khá sâu. – Một lúc sau, chàng nói.

Cũng vì hồi ấy Sĩ đang tìm kiếm ý tưởng, mới ngẫm ra được chút ít thì tình cờ gặp được đội của cậu út Thiều. Trên trận địa, một chiếc xe tăng xông xáo lao về phía kẻ địch. Gió lớn sượt qua lớp sắt thép bên ngoài, thổi bay phần lá ngụy trang, lộ ra những “vết thương lâu ngày” trên thân xe. Chiếc xe đột ngột rẽ ngoặt, quán tính làm cho xe như xoay thêm một vòng. Xích xe tăng đạp lên cây cỏ, nghiền nát mặt đất, mạnh mẽ đến tưởng chừng không gì có thể ngăn cản.

Nóc tháp pháo bật mở, lần lượt có hai người “ngoi” lên. Một người thét lên chỉ huy, người còn lại thành thạo dùng súng máy ngắm bắn. Giữa cơn mưa bom bão đạn, hai người lính tăng lạ mặt ấy kiên trì ngồi trên tháp pháo, mặt đối mặt với hiểm nguy, dường như chẳng mấy quan tâm cái chết đang lăm le đến gần. 

Cảnh tượng này thôi thúc Sĩ cất bước, mỗi lúc một nhanh hơn. Chàng phấn khởi cầm súng, chạy theo chiếc xe tăng nọ, miệng lẩm bẩm mấy ý nghĩ linh tinh trong đầu. May mà đồng đội không nghe được, nếu không họ sẽ nghĩ chàng bị hâm.

Đêm ấy trăng mờ, Sĩ lén dùng đèn pin nhỏ, trốn trong một góc cầm bút viết câu đầu tiên. Xong xuôi, chàng hài lòng ngắm nghía, lắc lư theo giai điệu mình tưởng tượng ra.

“Đời này ta có tuổi thanh xuân sáng nhất…”

***

Dạo gần đây trời nhiều mây, được một chốc sẽ có mưa rơi. Gió mùa Đông Bắc lại về đến chỗ này, chắc là đợt cuối cùng đây, đằng nào thì tháng tư rồi mà, tính theo lịch âm cũng là tháng ba, sắp sang hè đến nơi. Tiết trời ở miền trong không lạnh bằng ngoài Bắc, mà nếu không cẩn thận thì vẫn dễ ốm. Được cái trời này mát mẻ, ít muỗi, giấc ngủ cũng vì thế mà được cải thiện nhiều. Năng thích những ngày trời đầy mây như thế này nhất, chỉ vì dễ ngủ mà thôi.

Hôm nay anh Giàn hí hửng lắm, cả ngày há miệng cười hềnh hệch, lúc ăn cơm còn suýt bị sặc vì cười nữa kìa. Nhìn cái mặt gầy nhom nhem nhuốc khói đen, khi cười lên lộ ra hàm răng vẩu vàng khè trông nổi bật cực kỳ của anh Giàn, anh nào anh nấy cũng hết hồn. Được hai hôm như thế, mọi người đẩy Lơn đi hỏi thăm xem xem anh Giàn mấy hôm nay bị gì. Anh Lơn chẳng ngại điều chi, nhảy lò cò đến thẳng chỗ anh Giàn hỏi thử thì được anh đáp với cái giọng khoe khoang khoác lác, rặt vẻ đắc ý lắm:

- Chị nhà mày lại gửi thư cho anh đấy!

- Ờ, thế à. – Anh Lơn nói, tự dưng thấy là lạ. – Thế sao anh chả khoe luôn, cứ để hỏi rồi mới kể cho các anh em.

Anh Giàn toét miệng cười phớ lớ đến tít cả mắt lại, nom cái mặt như thể mưu kế đã thành công vậy, gian xảo ghê nơi. Sáo liếc mắt nhìn qua, chợt có cảm giác không ổn lắm. Quả nhiên, ngay sau đó anh Giàn vỗ vai Lơn, tỏ vẻ bất đắc dĩ:

- Chúng bay chẳng chê anh còn gì, anh giữ cho bản thân để mấy đứa vừa lòng đấy thây. Thế mà chúng mày quan tâm anh quá cơ, thôi thì để anh nói cho nghe nhé.

Lơn lắc đầu nguầy nguậy, muốn từ chối. Nhưng anh Giàn nhanh miệng, chẳng mấy mà kể hết cả cái bức thư chị Thùy gửi. Trong thư chị toàn viết mấy thứ lặt vặt trong cuộc sống, nhiều nhất là về các con. Nào là anh lớn học giỏi được khen thưởng, em gái xinh xắn hiểu chuyện. Rồi là nhà bắt đầu nuôi một con chó, gần đây cuộc sống rộn ràng hẳn. Cuối cùng chị dặn dò chồng phải biết tự chăm sóc, không phải lúc nào cũng chỉ biết gửi mấy thứ linh tinh về nhà.

- Bảo sao cứ thấy anh xin đồ thủ công tôi làm, hóa ra là gửi về nhà. Làm thế cũng được phỏng?

Sáo hỏi. Anh em chung đội đều biết Sáo là một chàng trai khéo tay, làm thủ công rất giỏi. Ai mà chẳng biết sự tích Sáo dựng được nguyên một ngôi nhà bằng cành cây chứ, còn đẹp nữa cơ, thế nên nhiều người muốn xin về làm kỷ niệm. Ngoài ra, Sáo cũng làm mấy món nhỏ nhỏ, bảo là ngứa tay thì làm chơi chơi. Anh Giàn xin mấy cái, mỹ kỳ danh là “lấy làm tài liệu học tập”. Sáo thắc mắc tại sao anh Giàn không nhờ chính Sáo chỉ dạy luôn, mà cứ nhất quyết đòi làm theo mẫu có sẵn. Khi ấy anh Giàn không đáp, cười cười đổi sang chủ đề khác.

Anh Giàn móc từ trong ba lô con cóc món đồ chơi bằng lá cây bị bép dí, nát bươm, chỉ vào nó rồi bảo:

- Đâu có, đồ chú làm anh vẫn còn giữ đây, cái thứ gửi về nhà là anh làm, cơ mà chả được đẹp như chú.

Sáo bĩu môi, làu bà làu bàu oán trách, thứ kia đã bẹp đến thế rồi, có ma mới biết đó là do anh làm hay anh Giàn làm. Thực ra, trong lòng anh cũng hiểu, nếu do anh Giàn làm thì anh ấy sẽ giữ kỹ hơn, dù sao cũng muốn gửi về cho con chơi mà.

- Thôi, của ít lòng nhiều. Bọn trẻ thích là được, không phải sao? Cứ coi như mình tạm có ngón nghề, sau này biết cách chơi với cháu rồi đấy.

Miễn cười bảo, các anh em ở quanh gật gù tán đồng, lại bắt đầu đua nhau tưởng tượng cuộc sống sau chiến tranh. Điều đầu tiên là phải cưới về một cô vợ, sống trong một mái nhà tranh đủ để che mưa chắn gió, bước tiếp theo là sinh một đàn con cho vui nhà vui cửa, rồi cả nuôi một bầy gà con bên đống rơm rạ.

Sáo hớn hở nghe họ kể về tương lai trong tưởng tượng, cũng háo hức nghĩ đến nếu có ngày mình được về nhà. Rồi anh tự hỏi, liệu mẹ ở nhà có khỏe không? Cái Sẻ làm đám cưới rồi, không biết có hạnh phúc không, với cả con bé đã có bầu chưa nhỉ? Nghĩ đến việc mình kiểu gì cũng lên chức bác, anh mừng lắm, đó giờ đã làm bác bao giờ đâu.

Sáo phấn khởi định hỏi chuyện Lơn, lại phát hiện anh Lơn đang bần thần vuốt ve nhúm cỏ dại. Trông anh hơi lạc lõng trong đám bọn họ, như là chẳng mấy để tâm đến tương lai, thế nên không cùng gia nhập câu chuyện. Có lẽ anh biết có người nhìn mình, bèn quay ra cười với Sáo. Chẳng qua, Sáo nhận ra có một nỗi buồn man mác ẩn trong nụ cười đó của anh Lơn.

Anh ấy sao thế nhỉ? Nhớ Thiều sao? Sáo nghĩ.

Đương khi cả bọn còn hăng say tán gẫu, một anh lính hối hả chạy tới, thúc giục mọi người nhanh chân chuẩn bị, lại sắp phải lên chiến trường tiếp rồi. Sáo khoác súng trên vai, quay sang dìu Lơn đứng dậy. Trong trận đánh hôm trước, một thằng địch giả chết, đùng lưỡi lê đâm bị thương chân của Lơn nhân lúc Lơn đi qua. Nếu không phải Năng ở gần đó phát hiện kịp thời, không khéo Lơn đi tong luôn cả cẳng chân mất.

- Bảo nghỉ đi thì không chịu, một mực thích làm thằng què chiến trường cơ. Đấy, thấy chưa, sướng chưa, được người dìu đi đánh nhau đấy, ngầu quá cơ.

Năng đủng đỉnh đi tới, nâng tay giúp Sáo đỡ Lơn đứng thẳng, còn không quên nói hai câu móc mỉa Lơn. Người ngoài chỉ biết Lơn “không may mắn gặp phải thằng địch khôn lỏi” chứ nào hay, Lơn đi giữa những xác người là để giúp người ta được chôn cất đàng hoàng. Tính tình Lơn chân chất, tốt bụng, chắc hẳn vì phần tính cách này nên anh mong những người ở đây, giữa chiến trường này, bất kể là bạn hay thù đều được an nghỉ.

Thiều từng nổi cáu với Lơn vì việc này, vậy mà Lơn chỉ gãi đầu gãi tai, cười hi hi nom ngờ nghệch vô cùng. Nay, Thiều mất rồi, đến lượt Năng quở anh. Năng tưởng Lơn sẽ cười cho qua như mọi khi, nào ngờ Lơn chỉ ngước mắt nhìn sang bãi đất hoang vắng, đáy lòng tràn ngập nỗi u sầu. Chẳng mấy chốc nữa, âm thanh của hỏa lực sẽ lại vang lên, gấp gáp và dồn dập. Người người tiến lên, như thể chẳng biết chết là gì. Rồi ngay sau đó, người người lại ngã xuống, nằm cách xa đồng đội, nằm tại nơi không phải quê hương mình. Người hai phe, ai cũng vậy cả. Chiến tranh chỉ thế thôi! Nó chỉ là một quá trình, quá trình mà những con người can đảm xông lên vì một mục đích nào đó, sống thì sống mà chết thì chết, không khéo còn nửa sống nửa chết.

Thiều là kiểu chết, mà bố của Lơn là kiểu nửa sống nửa chết đó.

Bọn họ vẫn còn sống đấy, nhưng cứ đà này, biết đâu được…

Lơn chớp mắt, lặng lẽ xua đi những suy nghĩ mới nổi lên trong đầu. Anh khẽ thở dài, đẩy hai đồng đội ra, chống báng súng xuống đất, lê từng bước chân đi về phía trước. Đồng đội nhìn theo bóng lưng anh, đột nhiên cảm giác anh Lơn ham ăn ngày nào đã gầy sọp đi nhiều.

Nhìn kỹ lại, bấy giờ Sáo mới hay, thật ra anh Lơn không béo, anh chỉ đầy đặn hơn những người lính khác mà thôi. Nhưng những người lính khác thì được bao nhiêu thịt, đều chỉ nặng vì xương, ngay đến Sáo cũng mới bốn mươi cân chứ mấy, chắc anh Lơn nặng đến tầm hơn năm mươi cân đã là kịch kim rồi. Sáo thấy anh đi lục lọi ba lô con cóc của mình, lôi ra một chiếc mũ nan từ thời chống Pháp. Rõ ràng giờ đây, anh chỉ cần đội một chiếc mũ cối hoặc mũ tai bèo là được, ấy thế mà anh cứ giữ khư khư cho mình một chiếc mũ nan cũ mèm, lần nào ra trận cũng đội nó lên đầu.

Sáo chỉ biết chiếc mũ đó rất quan trọng với Lơn, ngoài ra thì không còn gì khác nữa. Nhiều người hay đùa, bảo rằng chỉ cần một ngày anh Lơn còn đội mũ nan trên đầu, thể nào cũng không bao giờ lạc anh được. Vốn mọi người đùa vui thôi, ai dè mấy lần Lơn nghe thấy thế, chắc anh hiểu sai cái gì nên cười trừ đánh trống lảng sang chuyện khác. 

Anh Lơn ngâm nga một câu hát cũ, cẩn thận đội mũ nan lên. Anh bình thản nhấc súng, thử đi lại vài bước. Chân không quá đau, nhịn chút là được, mỗi tội tướng đi có hơi tập tễnh, hơi xấu nhưng không sao. Lơn giậm chân vài cái, ngoảnh đầu nói với Sáo và Năng:

- Mình đi thôi?

Sáo giật mình, gật gật đầu, vội vàng chạy đến bên cạnh Lơn. Năng thì vẫn giữ y nguyên cái vẻ mặt cáu bẳn khi nãy, không buồn động đậy. Lơn hết cách, đành phải giải thích:

- Đều cùng một giống loài với nhau, sao nỡ nhìn người ta trơ trọi nơi ấy.

Kể ra thì cũng đúng, đều là con người như nhau, chắc hẳn họ cũng không muốn chết trong cái trường hợp này đâu. Nhưng có những khi Năng biết thế, đến Thiều cũng hiểu, lại cứ nhủ trong lòng rằng sao có thể để nó nghỉ ngơi bình thản được, chúng nó là quân xâm lược mà. Nhân nhượng với chúng nó, chắc gì nó đã nhân nhượng với mình. Nghĩ thì nghĩ vậy, Năng vẫn không nói ra, tạm chấp nhận câu trả lời của Lơn. Anh điều chỉnh lại quai mũ sao cho vừa vặn, kiểm tra lại cây súng rồi mới sóng vai đi cùng Sáo. Anh vẫy vẫy tay về phía sau, dùng giọng điệu bất cần đời nói:

- Đi trước đây, anh nhớ cẩn thận đấy.

Lơn chậm rãi đi sau cùng, nhìn đến những người đồng đội chạy trong mưa đạn. Chân người rầm rập băng qua chiến hào, nhảy qua dây thép gai, mũi súng nhắm tới quân thù. Thấp thoáng đằng trước là lá cờ của quân giải phóng, hình ảnh sao vàng trên nền đỏ và xanh dương khi ẩn khi hiện sau làn khói súng. Chỉ là không biết tên ngố tàu nào cầm ngược cờ, ai đời để phần nền màu xanh phía trên bao giờ. Lơn nghe ai đó phì cười, lớn tiếng trêu chọc anh lính ngố tàu nọ một câu. Anh lính ngố tàu bị đồng đội nhắc, luống cuống xoay lại lá cờ.

- Thằng này mới vào chắc luôn. Nhìn điệu bộ nó loay hoa loay hoay kìa.

Một anh tặc lưỡi nói, những anh khác cười tủm tỉm đầy vẻ chọc ghẹo, làm anh lính ngố tàu ngượng đỏ cả mặt. Đột ngột ánh lửa lóe lên, đạn pháo rời nòng, xé không, ngân lên một tiếng dài. Hàng loạt pháo đã lên nòng, thêm một đợt, hai đợt đạn bắn ra, chúng nhanh như chớp phi thẳng đến chỗ quân giải phóng. Đạn xoáy nhanh và mạnh, đầu đạn đâm xuống, nổ ầm ầm, tạo thành những cơn rung chấn nhẹ.

Mắt thấy hỏa lực của địch đang tập trung về phía bên này, mọi người hô hào nhau mau nằm xuống tránh đạn. Những người lính đeo súng trên lưng, dùng tay và chân bò lết trên mặt đất, chốc chốc lại cúi mặt xuống, tránh để cát bụi bay vào mắt. Khi đợt pháo này tạm ngừng, họ tranh thủ nhổm dậy, hướng nòng súng đến những kẻ địch sau làn khói đạn.

Một hàng xe tăng xuất hiện, chúng gầm lên những tiếng ồm ồm đến nhức cả óc, xồng xộc chồm lên trước như những con thú săn mồi. Tháp pháo xoay vòng, toàn nhắm đến những vị trí nhiều người nhất mà bắn. Pháo đạn vẫn chưa ngừng, chúng tiếp tục khạc đạn cùng với xe tăng, cứ như thể đang “chung tay góp sức” tạo ra một hàng rào bằng đạn vậy.

Rồi thình lình, có ai gào lên thất thanh tên một người. Tiếng kêu xé lòng, dường như đã chạm tới cảm xúc của từng người có mặt ở đây. Ai nấy chợt hốt hoảng, ngoảnh nhìn về hướng âm thanh phát ra, lại thấy người lính cầm cờ lảo đảo ngã khuỵu.

Cờ đỏ thấm máu đào, cũng chẳng nhớ rõ đây là người thứ bao nhiêu.

Miễn sửng sốt một hồi, bỗng cảm thấy có một sự hụt hẫng thoáng qua. Chàng tăng tốc chạy, chật vật tránh làn mưa đạn đang vun vút lao tới. Ống kính của chàng đã bị sỏi đá dưới đất làm xước xát rồi, có dấu hiệu sắp bị vỡ đến nơi, hình ảnh chụp lên cũng chẳng ra hồn. Vậy mà Miễn không quan tâm, chỉ chăm chăm chờ lúc đạn ngừng. Ngờ đâu Sĩ vọt lên trước, hiên ngang đứng giữa chiến trường đầy khói lửa đạn mạc, một tay cầm súng, tay kia nhặt cờ lên, giơ cao.

Chú thích:

(1) Trung đoàn 9: còn có tên là trung đoàn Quang Trung, thuộc sư đoàn 304.

(2) Sư đoàn 304 (tên khác: Đoàn Vinh Quang) là 1 trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc biên chế của Quân khu 2 (theo Wiki)

(3) Trung đoàn 48: còn được gọi là trung đoàn Thạch Hãn, thuộc sư đoàn 320B.

(4) Những thông tin trong đoạn được tham khảo từ “Nhật ký Quảng Trị 1972” (Lê Quang Đạo)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro