Chương 8: Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Miễn mở bừng mắt, trầm mặc ngước nhìn khoảng không đen ngòm. Đã là lần thứ mười chàng tỉnh giấc trong đêm, trung bình sáu mươi giây lại mở mắt một lần, ấy vậy mà trời bên ngoài mãi chưa sáng, dù chỉ hưng hửng một chút thôi cũng không có. Miễn buồn bực kéo áo trùm kín đầu, co người ôm bụng, cố hết sức nhịn xuống "nỗi buồn đời người", thầm nhủ chừng nào trời tảng sáng hẵng đi.

Chưa được vài giây sau, chàng lại bỏ áo xuống. Chàng đã mót lắm rồi, thực sự không nhịn nổi nữa. Không gian vang vọng âm thanh lá cây xào xạc, loáng thoáng nghe ra chân ai giẫm lên sỏi đá, chắc là thay ca đi gác hoặc là đi toa-lét đêm. Chàng đảo mắt nhìn sang bên cạnh. Lơn "thiếu nặng" đang nằm ngủ lăn quay dưới đất. Vừa rồi anh xoay người một cái, bằng cách nào đó mà rơi bộp xuống, dọa Miễn sợ hết hồn. Lơn nằm úp sấp, ngáy khò khò, ngủ đến trương người, cũng không biết mình bị rơi khỏi võng. Năng lại bị ngạt mũi, sụt sà sụt sịt nằm bên kia, mơ màng dùng áo lau nước mũi. Anh Giàn thì ngủ mơ, miệng lẩm bẩm nói mớ, thi thoảng cười hềnh hệch, nhìn ngố lắm.

Thấy mấy thanh niên vẫn ngủ ngon lành, Miễn thoáng yên tâm hẳn. Có mấy người này ở đây, ma nào cũng không làm gì chàng được. Miễn nuốt nước miếng, nhỏ giọng tự an ủi:

- Không sao, không sao, nhà mi ba ba tuổi rồi, hai cái ghi-đông còn không đập được một con ma sao.

Chàng ngồi dậy, rón rén đi tới võng của Sáo, lục lọi tìm đồng hồ. Đêm nay lại đến tiểu đội của anh Giàn gác đêm, giờ này là ca của Sáo, anh đã vác súng đi gác rồi. Sáo là một trong những người hiếm hoi có đồng hồ trong cả bọn, thấy bảo là kỷ vật còn lại của anh trai Sáo, nay thành vật tùy thân của Sáo. Bình thường ai đi gác đêm cũng hay mượn đồng hồ xem giờ, nhiều quá mức khiến mấy thằng có đồng hồ khác bị làm phiền đến phát bực, mà riêng Sáo lại chẳng thấy phiền gì, cứ để bọn họ móc túi xem đồng hồ, mình thì tiếp tục gác tay lên trán ngủ li bì. Nên người trong đơn vị thích mượn đồng hồ của Sáo lắm, thậm chí có người còn luyện ra kỹ năng móc túi êm ru, đảm bảo giấc ngủ của Sáo coi như cảm ơn.

Khổ nỗi, nếu người gác đêm là Sáo thì cái đồng hồ sẽ không còn ở trên võng nữa, bởi anh mang nó cùng đi gác luôn. Miễn buồn bực ngồi xổm xuống, vò đầu bứt tai. Chàng không biết bây giờ là mấy giờ, nhỡ đâu lúc này là ba giờ sáng, chàng ra ngoài một cái rồi bị ma bắt mất hồn thì làm sao đây.

Nghĩ thôi cũng tự thấy mình nín thêm mấy tiếng nữa cũng được.

Nghĩ thì dễ, làm được lại khó. Miễn đành cắn răng về chỗ tìm đèn pin. Phóng viên chiến trường như chàng được trang bị một chiếc đèn pin cơ động bỏ túi, rất tiện cho một người sợ ma như chàng. Miễn mở đèn, nhưng vì sợ nên vẫn cẩn thận bước từng bước nhỏ, rề rà tìm chỗ để "giải quyết".

Đội của anh Giàn không dựng cầu tiêu, muốn đi đại tiện cũng phải đi ké đội bên cạnh. Ban đầu Miễn thấy phiền phức, khuyên anh em thử dựng một cái xem. Nào ngờ họ từ chối hết, ngay cả Sáo hiền lành cũng không chịu làm. Về sau Miễn trổ tài phóng viên, lân la hỏi dò mọi người mới hiểu tại sao.

Năm đó, khi anh Giàn mới vào lính, phải cùng đồng đội dựng nhà cầu. Anh không chịu, còn hùng hồn nói thế này:

- Đời tớ đây dựng đủ hai thứ rồi, dựng nhà và dựng vợ, nên tớ không dựng cầu tiêu đâu. Thằng nào thích thì dựng đi, để tớ đây hưởng sái một thể.

Hồi xưa anh Giàn có tính ngứa đòn, hình như từng làm một dân anh chị nức tiếng trong vùng. Trong một lần tình cờ, anh gặp được chị Thùy, một cô gái ế có tiếng đanh đá, chanh chua. Có lẽ nhờ sức mạnh của tình yêu mà tính anh dần dịu đi, không còn ngả ngớn khó ưa như trước nữa.

Hoặc cũng có thể do nắm tay của chị Thùy quá đáng sợ.

Có điều bản tính anh đã ăn vào máu. Lần đầu vào lính, lại còn gặp toàn đàn ông, thế là anh lại giở thói cũ. Vốn mọi việc cũng không quá nghiêm trọng, cho tới khi anh nói những lời trên. Những người khác nghe xong thì tức lắm, nhất là anh trung đội trưởng bấy giờ của anh Giàn. Anh trung đội trưởng tuyên bố trước mặt cả đội rằng:

- Thằng Giàn đã nói thế thì không cần phải dựng bất cứ cái gì với những người khác nữa. Sau này nằm ngoài lán ngủ, trời mưa thì trùm áo mà ngủ, bất kể thế nào cũng không cho vào. Có muốn đi ngoài thì chịu khó ra xa chút, giấy cũng không được dùng. Mấy đứa phải canh cho kỹ, nhất là những thằng có ca gác đêm. Tôi sẽ đề cập với các B (*) khác, không cho Giàn đi nhờ bên họ luôn.

Tuy cái hình phạt này có hơi oái oăm, được cái hiệu quả khôn kể. Sau lần đó, anh Giàn ngoan hẳn ra, làm gì cũng góp công sức đầu tiên. Không bõ công anh Giàn thể hiện trước mặt hai người trung đội trưởng và tiểu đội trưởng, anh được phép vào lán ngủ, mỗi tội những người khác vẫn bắt anh đi ra chỗ khác để đi vệ sinh. Các đồng đội mới cũng không thèm nể mặt anh, thà đi ké của đội khác còn hơn dựng cầu tiêu cho anh dùng.

Miễn thấy anh Giàn đáng bị như vậy, ai bảo tự dưng vạ mồm vạ miệng làm gì. Tính ra, so với việc nhìn người khác ăn khổ từ cái miệng thì đi thêm mấy bước chân còn hời chán.

Nhưng chỉ khi đi ngày, Miễn mới thấy hời thôi.

Tay cầm đèn pin của Miễn run rẩy, ánh đèn leo lắt dẫn trước bước chân chàng, chỉ chiếu sáng được một góc nhỏ. Đèn hơi yếu pin rồi, thỉnh thoảng chớp tắt một cái, hại Miễn cứ đi được một bước lại phải dừng một hồi.

Gió đêm vi vu, âm thanh lạo xạo dưới chân vọng lại trong quang cảnh hiu hắt. Cành lá đong đưa, nhìn không rõ còn tưởng đó là một nhóm người đang chen chúc nhau lắc lư vẫy tay. Miễn rọi đèn pin khắp nơi, bước đi trong nơm nớp lo sợ. Giả như bây giờ có một con gì xuất hiện đột ngột, chắc chàng ôm tim nằm lịm luôn mất. Chàng ngoảnh đầu nhìn xung quanh, hễ nghe ra một tiếng động nhỏ cũng phải lia đèn pin sang nhìn qua cho chắc. Đi thêm một lúc, cuối cùng nhà cầu cũng ở trước mặt. Miễn thở phào một hơi, định bụng cất đèn pin đi để ngồi.

Đêm nay mây dày, nếu đèn pin tắt đi thì cả không gian sẽ không khác nào một chiếc thùng khổng lồ đóng kín. Miễn hơi lo lắng, lưỡng lự không biết có nên tắt đèn hay không. Trong trí tưởng tượng của Miễn, bóng tối là một con quái vật khổng lồ, nó suốt ngày chỉ biết há miệng, chực chờ nhả ra những con quái vật bé hơn. Bên trong nó chứa rất nhiều loại quái vật khác nhau, loại nào cũng có thể nhảy xồ ra hù chàng một vố, loại nào táo bạo khéo còn quắp chàng đi được luôn.

Ghê rợn nhất là mấy con ma lấy hù người làm thú vui, đơn giản vì ngoại hình chúng nó rất khó tả. Không biết bao nhiêu lần Miễn bị trí tưởng tượng phong phú của mình làm hại, nằm mơ ác mộng về mấy con ma này rồi.

Đương khi chàng suy nghĩ lung tung, đèn pin trên tay nhấp nháy vài lần rồi tắt ngúm, hiển nhiên nó đã cạn sạch pin rồi. Miễn nhìn bóng đêm vô ngần trước mắt, đờ người mất một lúc. Khoảng chừng vài giây sau, chàng hốt hoảng, mặc dù đôi mắt đã kịp thích ứng với bóng đêm, chàng vẫn hết đập lại vỗ chiếc đèn pin nhỏ, hòng làm cho nó "tỉnh" thêm một lúc nữa.

Biết sao được, một mình ở chỗ tối đáng sợ lắm.

Loạt xoạt.

Miễn ngẩng phắt đầu, lo lắng nhìn quanh. Bàn tay chàng nắm chặt chiếc đèn pin, mồ hôi túa ra. Gió đêm vẫn thổi vù vù, cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng làm Miễn rùng mình. Chàng ngoảnh đi ngoảnh lại mấy lần vẫn không rõ âm thanh kia phát ra từ phía nào, lòng càng hoảng loạn hơn trước.

Rì rào.

Miễn chuyển hướng nhìn sang những bóng cây, chăm chú quan sát. Bỗng, một bóng đen hiện ra trong tầm mắt. Bóng đen đó có hình người, khập khiễng bước đi, lưng cong xuống như đang lén lút lẩn trốn sau những bóng cây đen ngòm. Những âm thanh vừa rồi nhất định là do thứ đó phát ra. Miễn sợ hãi, thầm nghĩ đó là một con ma lang thang quanh quẩn chỗ này. Chàng không ngừng liên tưởng đến mấy hình ảnh ghê rợn, lồng ngực phập phồng, cả người căng thẳng. Miễn nhìn chằm chặp bóng đen kia, rụt rè lùi lại hai bước, sau đó không nghĩ ngợi gì mà vội vã quay lưng bỏ chạy, la toáng lên:

- Á! Có ma!

Tiếng thét thất thanh vang lên trong đêm đen tĩnh mịch. Không ít người giật mình tỉnh giấc, thoạt đầu hãy còn gật gù lim dim, sau đó họ lập tức lên tinh thần. Có người nhanh chân chạy đi xem có chuyện gì, những người khác cũng ngồi thẳng dậy, duỗi cổ ra ngóng.

- Gì thế nhỉ? Không phải địch tập kích đâu đúng không?

- Ừ, không phải đâu. Tớ nghe láng máng cái gì mà ma miếc ấy.

- Giời ơi, ma nào nữa, tầm này ma cũng phải để người ta ngủ chứ. Ma như vậy là thất đức lắm đấy, sau này khó đầu thai cho xem.

- Có khi anh phóng viên lại thấy con rắn trong bụi cỏ hay thằng nào khác cũng đi đêm chứ gì, tớ thuộc bài luôn rồi.

Các anh xì xào bàn tán, chỉ cho là có vụ gì đó trong nội bộ, ví dụ như anh giai phóng viên lại gặp ma. Hồi trước cũng có mấy lần Miễn hò hét bảo có ma, dĩ nhiên chẳng có ai tin cả, chỉ khổ các anh đang ngủ mơ về người yêu (không có thật) thì bị hét cho tỉnh. Các anh cũng bực, cũng chống nạnh than phiền rồi, nhưng bản tính sợ ma của Miễn sao nói đổi là đổi được, nên các anh lính đành phải chịu thôi.

Không lâu sau anh lính hóng chuyện trở lại, tay đút vào túi quần, thong dong về võng nằm. Người nằm võng bên cạnh thấy thế, quay sang hỏi dò:

- Chuyện gì thế?

Người kia ngoác miệng ngáp dài, gác tay ra sau gáy, nhắm mắt trả lời:

- Chả có gì đâu. Ông anh phóng viên ấy, kêu là gặp ma, thực ra là có thằng đào ngũ.

Mọi người xôn xao, không biết thằng cu nào bị thần kinh, ngay lúc này lại quắp dép bỏ về quê. Thực ra không phải không có những vụ đào ngũ, chẳng qua việc đó không hay ho gì, không đáng để tuyên dương, mà cũng không bõ để bêu riếu. Dù sao riêng việc quẳng gánh giữa chừng trên chiến trường cũng khiến người ta thất vọng lắm rồi, đâu còn sức đâu mà chê bai, chế giễu nữa. Những người lính này nghe tin thì có tức giận, song cảm giác thất vọng và buồn bã nhiều hơn hẳn.

Mọi người đều là đồng đội, sao người đó lại nỡ bỏ họ lại. Mặc dù ở chiến trường, mọi người lo cho bản thân còn chưa xong, khá khó khăn để lo cho đồng đội. Thế nhưng, cả bọn đã từng cùng nói cùng cười, là đồng đội, là bạn bè, càng là chỗ dựa tinh thần khi người thân không ở bên cạnh. Một người đột ngột rời đi, người ở lại buồn cũng đúng thôi.

Mọi người đều là người lính, sao người đó lại có thể về nhà khi đất nước vẫn còn gian nguy. Thà rằng khi trở về, cả người mang đầy thương tích, có cái lớn có cái nhỏ. Đau thì đau đấy, nhưng mỗi vết là một câu chuyện, cả hành trình trên chiến trường cũng đong đầy ý nghĩa, đủ để họ trở thành mấy ông cụ ba hoa về tuổi trẻ của mình. Giờ có một người vứt lại hết thảy trách nhiệm, bảo những người khác không thất vọng sao được.

- Rồi sao, thằng đó bị tóm về rồi hả?

Một người khác hỏi. Giọng anh chàng đều đều, bình tĩnh đến lạ. Có lẽ anh chỉ thuận miệng hỏi vậy, dù là đáp án nào đi chăng nữa thì cũng không làm anh bất ngờ là bao. Người lính kia mở mắt, nhìn chòng chọc vào màn đêm vô định, vẻ như là não nề, lại như là thẫn thờ. Anh ta thở dài, đáp:

- Chứ gì nữa, thậm chí còn bị đập một trận ra trò.

- Hở? Sao bị đánh thế?

Bọn họ không được gây gổ với nhau, điều này ai cũng biết. Nếu đang đánh nhau mà bị thủ trưởng bắt gặp, kiểu gì cũng phải chịu kỷ luật. Hình phạt của các thủ trưởng rất khó diễn tả, được cái ám ảnh về lâu về dài. Do đó, nếu bọn họ muốn gây nhau, tốt nhất là cãi tay đôi một trận, đuổi nhau hai vòng, sau đó bắt tay làm hòa.

- Thiều "út tăng" lại lén đến đây, trùng hợp nghe được tiếng hét nên bắt thằng kia ngay tại trận. Các cậu cũng biết tính Thiều mà, thằng bé chúa ghét những tên đào binh, mức độ căm thù xếp sau bọn Ngụy. Nếu không có Sáo ngăn cản, khéo Thiều sẽ đánh gãy luôn cái chân còn lành của tên lính đào ngũ kia.

Người lính nọ kể. Dù anh có cố gắng tỏ vẻ không quan tâm đến thế nào, cuối cùng vẫn lộ ra vẻ rầu rĩ phiền muộn. Lúc ấy, anh tận mắt chứng kiến Thiều đè cậu lính đào ngũ xuống, tay đấm chân đá, không ngừng mắng chửi. Những lời lẽ cay nghiệt tuôn ra từ miệng người lính trẻ, bàn tay hung tàn đánh liên tiếp lên người đối phương. Cậu lính kia lại không né tránh, không đánh trả, cũng không giải thích lấy một lời, chỉ khóc sướt mướt chịu đòn.

Chắc đau lắm, anh nghĩ thế.

Anh để ý thấy một chân của cậu lính được quấn băng gạc trắng. Gạc được quấn quanh cẳng chân cậu. Hẳn vết thương trên chân đó phải to lắm, chứ không sao lại bó cả cái giò thế kia. Trong đêm tối, màu trắng cực kỳ nổi bật, tựa như giữa một tờ giấy thấm đẫm màu đen của mực nước là một vệt trắng tinh khôi vậy. Nhưng nay sắc trắng đã nhuốm sang đỏ, vết thương kia rách ra rồi.

Anh lính đau lòng, toan đi ra can ngăn thì có người nhanh hơn một bước, dùng hết sức ngăn cản Thiều. Đó là Sáo. Ngay từ lúc nghe được tiếng la của Miễn, Sáo tăng hết tốc lực chạy tới từ vị trí gác của mình. Lối đi không đẹp đẽ gì, đã vậy trời còn tối om om, anh kịp thấy cảnh Thiều ra tay đánh người khác khi vừa đến nơi đã là nhanh nhất rồi. Sáo không nghĩ nhiều, cứ thế bắt lấy hai cánh tay của Thiều. Mặc cho cậu vùng vẫy, mặc cho cậu nói những lời không hay ho, anh vẫn kiên định kéo cậu rời khỏi.

Anh lính không biết chuyện xảy ra sau đó. Chỉ biết tiểu đội trưởng của cậu kia nghe tin nên đi tới xem, quân y cũng đi theo, khiêng cậu lính trẻ kia về. Cậu lính vẫn khóc, mặt mũi nhem nhuốc đất cát cùng nước mắt, giọng khàn khàn, nói với tiểu đội trưởng:

- Anh ơi, em sợ. Em sợ lắm, em muốn về. Em nhớ nhà, anh ơi, em muốn về. Em không muốn chết, em muốn về.

Cậu lính liên tục lặp lại câu "em muốn về". Tiểu đội trưởng không khuyên nhủ cậu lính phải ở lại hay mắng mỏ gì cả, anh vươn tay vuốt tóc cậu lính, dịu dàng nói:

- Ừ, anh biết, anh thấy được mà. Chỉ là anh không ngờ nhóc sẽ chạy. Sợ không có gì sai, muốn về cũng không sai, chỉ có đào ngũ là sai. Điều này nhóc có biết không?

Đáp án quá hiển nhiên rồi. Cậu lính trẻ gật đầu, nhỏ giọng đáp:

- Em biết ạ.

- Anh sẽ không hỏi tại sao biết mà vẫn làm. Anh chỉ muốn hỏi, nhóc có biết đường về nhà không?

Anh tiểu đội trưởng hỏi tiếp. Lần này cậu lính trẻ im lặng, rất lâu sau vẫn chưa mở miệng trả lời. Cậu biết địa chỉ nhà mình ở đâu, nhưng đi hướng nào thì không rõ lắm, đã vậy cậu còn bị thương ở chân. Cậu vẫn là lính trẻ, tuổi quân chưa được bao nhiêu, đi rừng còn chưa thành thạo thì sao dễ dàng về nhà đến thế. Bỗng nhiên, một câu hỏi lóe lên trong đầu cậu, liệu việc đào ngũ có thể giúp cậu về nhà không?

Dường như chính tiểu đội trưởng cũng không cần câu trả lời của cậu. Anh chọt chọt trán cậu lính, vờ trách cứ, nói:

- Thằng nhóc này, chú mày còn non lắm. Đào ngũ chẳng những nguy hiểm, về đến nhà hay không còn phải xem chú mày có cứng không. Nhìn èo uột thế này thì chắc có khướt mới về được. Quan trọng là, chú mày có từng nghĩ đến chưa, khi trên lưng mình treo một cái danh "đào binh" ấy?

Cậu lính trẻ tiếp tục im lặng. Cậu chỉ nghĩ mình muốn về, từ khi ở trận địa, cho đến khi nằm trên giường ở bệnh xá, ý nghĩ này cứ lớn dần, lớn dần. Đến một mức độ nhất định, nó thôi thúc cậu hãy mau chóng rời khỏi đây, mau chóng về nhà. Ngoài ra, cậu không nghĩ gì khác. Cậu không biết đường nào dẫn về nhà mình, cậu sẽ đi như thế nào, rồi điều gì sẽ xảy ra nếu mình thành công làm đào binh. Cậu không nghĩ gì cả.

Cậu lính trẻ xấu hổ, nghiêng đầu sang chỗ khác, không dám nhìn tiểu đội trưởng nữa. Cậu hiểu việc mình làm là sai, nên khi bị bắt gặp, bị đánh, cậu không tránh, không đáp lại, không giải thích. Cậu đáng bị trận đòn đó.

Mình bị bắt quả tang rồi, đây là ý nghĩ duy nhất của cậu lúc bấy giờ.

Hiện tại nghe những lời tiểu đội trưởng nói, cậu càng rõ ràng hơn mình đã ngu ngốc đến nhường nào. Cậu liếc nhìn quần áo xộc xệch, mái tóc rối bời của tiểu đội trưởng, lòng nghẹn lại.

- Đừng sợ, có sai thì nhận thôi, sẽ không ai làm khó người biết sai đâu.

Tiểu đội trưởng tưởng cậu sợ, vỗ vai cậu an ủi. Thực ra cậu không còn sợ nữa, phạt gì cậu cũng chịu, cậu đã sẵn sàng rồi. Chỉ là khi thấy tiểu đội trưởng như này, cậu mới biết mình không một mình, cũng như khoảnh khắc ở trên chiến trường ấy, cậu không hề bị bỏ mặc chút nào. Cậu bị lạc mất đồng đội, hoảng loạn nhìn khung cảnh rực cháy. Không khí ngột ngạt, quanh mũi là mùi súng đạn, mùi mồ hôi và máu. Cậu run rẩy cất bước, chốc chốc tiếng pháo lại vang lên bên cạnh làm cậu càng hoảng hơn. Có người khác bước tới, nói gì đó mà cậu không còn nhớ nữa, hình như là kêu cậu đừng sợ. Rồi một người khác cũng tới, dìu cậu đi.

Nay tiểu đội trưởng cũng bảo cậu đừng sợ. Những anh khác trong đội vội tới hỏi han, không ai mắng cậu hết. Cậu lính hít mũi, lấy hết can đảm, hỏi tiểu đội trưởng:

- Anh không giận em sao?

Tiểu đội trưởng lườm cậu, hằm hè nói:

- Có chứ. Đợi chừng nào chú mày khỏe thì anh đây sẽ tính sổ cả thể.

Cậu lính nhoẻn cười, lộ ra hàm răng trắng bóc. Cậu nói, đáy mắt đỏ hoe:

- Anh ơi, em xin lỗi. Em xin lỗi, rất nhiều.

***

Chú thích:

(*) B là cách viết tắt của trung đội.

Tác giả tám nhảm: Cảm hứng của chương bắt nguồn từ vụ đào ngũ tập thể được viết trong "Hồi ức lính". Tâm trạng, hành động cùng lời nói của các nhân vật là suy nghĩ của tôi về vấn đề này, có thể đúng, có thể sai. Với tôi, sẽ có những người như Thiều, giận điên lên, đến mức đánh người. Cũng có người như anh lính hóng chuyện và các bạn của anh ấy, buồn bã cùng thất vọng là nhiều. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro