8. Liễm vũ phiên tình hựu kỷ hồi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

— Lệnh bà đã nghĩ kỹ chưa?

Để ta ngược bắc lên Thanh Hoa tìm Cô Trung khiến Vân lo lắng không thôi. Hơn ba trăm sáu mươi dặm đường dài, bằng một nửa từ Đông Kinh về La Giang. Dạo này ta ăn ngủ không ngon, thần sắc kém đi, sức khỏe không còn, Vân sợ dọc đường đi xảy ra bề gì cũng là điều tất yếu. Thị đòi viết thư báo cho Ngọc Châu để con bé cắt cử người xuống trông chừng, bị ta càm ràm nửa buổi mới bỏ ý định ấy. Ngọc Châu biết ta đi tìm Cô Trung, đoàn người xuống La Giang chắc chắn cũng sẽ biết. Vải dệt thưa còn lọt gió, huống hồ là miệng đời. Sóng gió trên Đông Kinh chưa lui, nếu để họ biết ta đi tìm người như Cô Trung, thể nào cũng nghi ngờ rồi khép tội. Nhưng tin thì vẫn phải báo. Ta viết hai lá thư gửi đi, một cho Trịnh thị, một cho Thân. Gửi Trịnh thị để bà ấy tránh điều bất trắc, gửi cho Thân để ông giúp ta khi xảy ra chuyện.

Chuẩn bị xong xuôi trời đã sang tháng năm. Ta lên đường chỉ sau tết Đoan Ngọ một ngày, trên đường đi gặp không ít nhà còn treo lá ngải cứu kết hình con trâu treo trước cửa. Ở chợ, những quầy hàng còn nhiều dưa, dứa, chuối, đào, mận và các thứ bánh tro, bột màu sót lại từ hôm qua. Sự rực rỡ, nô nức ấy kéo dài đến hết trung tuần tháng năm, theo từ La Giang lên Thanh Hoa, khiến ta hơi chút bần thần. Hay khi dừng chân nơi quán trọ, đêm không ngủ được, ta lại mân mê chiếc vòng Trịnh thị đưa cho. Bên trong tối mờ, chỉ sờ được những hoa văn chạm trổ và thân vòng mát lạnh. Bên ngoài song, một tiếng quạ kêu tan sương lạnh, ánh đèn lồng từ hàng cơm đối diện hắt lên màu cam ấm áp, như đống lửa giữa rừng khuya, như ánh đuốc ở điền trang La Giang những ngày mới khai hoang. Tay ta siết chặt, chiếc vòng lành lạnh dần dần nóng lên, sưởi ấm cả người, đưa ta vào cơn thiêm thiếp.

Thanh Hoa là xứ ta hiếm khi đặt chân tới, dù gần bên La Giang, phần vì ký ức không vui và sức khỏe, phần vì cả Thanh Hoa lẫn Hoan Châu thường không yên ổn khiến ta không muốn đi đâu khỏi nơi đang sinh sống. Lần trước từ Kẻ Mơ xuống Trang Kè gấp gáp, ta còn chưa kịp nhìn ngắm Thanh Hoa cho kỹ. Thanh Hoa giờ thuộc đạo Hải Tây, có sông sâu uốn lượn, núi sừng sững cao, cảnh vật nên thơ lại tạo thành địa thế hiểm trở, dễ thủ khó công. Khó tránh Chiêm Thành còn day dứt mãi với vùng đất này, còn các thế lực thường âm thầm đóng quân ở đây, chờ thời nổi dậy, như nghĩa quân Lam Sơn của Thái Tổ. Nếu không bàn đến chính trị hay dùng binh, so với Đông Kinh và bốn đạo còn lại nói chung, Thanh Hoa và đạo Hải Tây hoang sơ hơn, cổ kính hơn, không nhiều chùa chiền mà vẫn đượm hơi thiền định. Quả thực, không nơi nào hợp với tính tình Cô Trung hơn nơi này.

Nơi y sống tuy là huyện nhỏ nhưng khá dễ tìm, vì không ở vùng rừng núi mà nằm sát biển. Ta hỏi thăm vài chỗ, cuối cùng cũng đến được nơi Trịnh thị chỉ điểm. Ấy là một cụm nhà ba lớp, có hàng rào thấp đắp bằng đất, quay mặt về hướng đông nam. Thoáng thấy trong sân là ao sen còn xanh lá và vài khóm hoa chi tử hương đưa ngào ngạt, có tiếng gà inh ỏi gáy trưa, có giọng đàn bà êm ái ru hờ. “Ai về nhắn với bạn nguồn, mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”.

Tay ta nắm tay Vân bỗng siết chặt, như thứ nằm trong lồng ngực bây giờ. Thị e dè nhìn ta rồi nhìn qua cánh cửa gỗ đóng chặt, mắt như có ý hỏi nên làm gì cho phải. Ta nên làm gì ư? Làm gì khi đến đây quá đường đột, khi không biết y còn hay đã mất, khi chưa rõ phải chu toàn lễ nghĩa thế nào. Mấy lần nhấc tay lên toan gõ cửa, ta lại chần chừ, nặng nề buông xuống. Nắng trưa càng gắt, đầu ta càng ong ong đau. “Hay là thôi, quay về”, ta nói nhỏ chỉ vừa đủ cho Vân nghe thấy. Thị giữ chặt tay ta như sợ ta chạy mất, cười lí nhí:

— Chúng mình từng tuổi này, chết không sợ mà còn sợ gì nữa ư.

Dĩ nhiên ở tuổi chúng ta, những điều phù phiếm mong cầu và lo sợ cho bản thân đã qua cả rồi. Giờ chỉ còn lại mình trong mối ràng buộc với người, dù muốn dù không, thế nên phải sợ phần người ta trước. Nếu Cô Trung còn sống, y có khó xử không?

Tiếng ru trong nhà đột nhiên mất hút, yên lặng. Cánh cửa trước mặt hé mở bất thình lình, để lộ gương mặt trái xoan và đôi mắt thiếu phụ to tròn, ngạc nhiên. Nhìn một lượt qua ta và hai thị nữ, nàng khẽ chào bằng giọng Thanh Hoa phơn phớt “vị” kinh thành:

— Chào cụ, cụ tìm ai ạ?

Ta ngập ngừng:

— Thưa cô… Đây có phải nhà của cụ… Nguyễn Trung không?

— Cụ quen thầy cháu ạ? — Thiếu phụ ngạc nhiên.

Ta thở phào gật đầu, nụ cười không rõ vì sao có phần bối rối:

— Chắc cũng kể như là người quen. Vậy phiền cô báo với cụ Trung, ta tên Ngọc Hiền từ… Hoan Châu tới thăm.

— Thầy cháu vừa lên đình đánh cờ mất rồi. — Thị tặc lưỡi. — Trông cụ chắc đường xa tới đây, trời đang nắng to, thôi thì mời cụ vào nhà xơi nước đã, cháu sẽ bảo con gái lên đình gọi ông cụ về. 

Thiếu phụ tên An, là con dâu của Cô Trung. Y có nhà có ruộng, con cháu tuy làm ăn xa nhưng vẫn tính là đề huề, thế thì đáng mừng. Đáng mừng nhất là y vẫn còn sống, thật như lời Trịnh thị và Hưng nói. Chỉ hiềm y không nhớ mặt hoặc không muốn gặp lại ta. Ta bồn chồn trong lòng, hết cầm chén nước An mới đưa rồi lại đặt xuống, mắt ngóng ra ngoài con ngõ xa lạ. Mặt trời đứng bóng, nắng như đổ lửa, thỉnh thoảng lại có một đợt gió nồng hương biển thổi vào khiến quần áo dấp dính vào da đến là khó chịu. Nhưng sự khó chịu của ta lại là niềm vui của y bấy nhiêu năm trường. Ta âm thầm lắc đầu, mọi thứ quả thực đã khác.

Trong lúc chờ y, ta vừa trò chuyện với An vừa nhìn quanh bày trí đơn sơ trong nhà. Lớp nhà ngoài cùng này có năm gian, hai gian bên ngăn ra thành buồng, chỉ ba gian giữa dùng để tiếp khách. Đồ đạc trong nhà đơn giản, gần như không có gì quý giá, có lẽ vì thời tiết nên không chuộng dùng đồ gỗ mà dùng tre nứa. Song nói về bày trí, nơi này không khác nhà tiếp khách ở phủ họ Hà năm xưa bao nhiêu. Sự thân thuộc lóe lên làm ta yên trí hơn, cũng mạnh dạn hỏi An:

— Nhà này do cụ nhà cháu xếp đặt cả à?

Giọng nàng ánh vẻ tự hào:

— Vâng. Từ lúc cháu gả về đây vào bảy năm trước đã thế, đến giờ không thay đổi gì…

Câu chưa dứt ngoài ngõ đã có tiếng trẻ con ríu rít. Đứa bé gái sáu tuổi lon ton kéo tay ông cụ bước qua cửa gỗ, tiến dần vào nhà. Không còn như trong trí nhớ của ta, y không thắng nổi thời gian, gương mặt đầy nếp nhăn sạm đi vì nắng gió, dáng người không còn vẻ đường bệ năm nào. Y gầy đi, thấp xuống, bước cao bước thấp vào nhà. Chỉ mấy bước nhưng y vẫn nhìn chằm chằm vào ta. Một ta đang thấy mình gượng gạo và hổ thẹn, phải mím môi để không né tránh cái nhìn quá gắt gao, khiến cổ họng ta nghèn nghẹn của y. Một ta ôm những khấp khởi dồn nén hơn ba trăm sáu mươi dặm đường và hai khắc đợi chờ, biết mấy nắng mưa, giờ chỉ còn lại cảm giác muốn trốn chạy.

Thiếu phụ có nói vài lời với y về thân phận ta trước khi xuống bếp chuẩn bị thêm chè nước, nhưng ta không nghe rõ. Có lẽ ta đang tập trung để nụ cười trên mặt không quá giả dối, gượng gạo, hoặc để phớt lờ sống mũi cay cay của  mình. Y vẫn còn đây, bằng xương bằng thịt. Ngày nghe tin y tử trận, ta ước mình được ra chiến trường tìm xác y. Ngày hay chuyện y còn sống, ta bồn chồn muốn đến Thanh Hoa tìm y cho bằng được, hỏi y giả chết để làm gì. Nhưng khi thấy y trước mặt mình, hít thở và cười nói, như chưa từng có gì xảy ra giữa hai ta trước đây và suốt ngần ấy năm, hốt nhiên ta không thiết tha gặp y nữa. Gặp, để làm gì?

Ta cúi mặt, kín kẽ lau khóe mắt, không nói với y được lời nào khiến y phải đưa chuyện. Vẫn cái giọng nhẹ nhàng xưa kia thường ngâm thơ, bàn việc nước việc binh và tâm tình hoặc giễu cợt ta dọc đường từ kinh thành xuống Hoan Châu, nhưng đã bớt khí khái và ngông cuồng thời trai trẻ. Y thản nhiên:

— Tôi cứ tưởng công chúa không biết.

— Ừ.

— Rồng đến nhà tôm, công chúa ghé tệ ấp này hay chăng có việc gì muốn hỏi? Nhưng thời này thế này, tôi còn biết gì nữa đâu. Nếu hỏi việc đi biển thì họa may…

— Ta chỉ muốn biết anh… ông còn hay không. — Ta ngắt lời y, lắc đầu. — Không có ý gì khác.

— Hà Cô Trung thì chết ở thành Đông Quan mười mấy hai mươi năm rồi. Hoặc là từ ngày Bùi Bị đến bờ bắc sông La, vời lệnh bà và công chúa đến thành Lục Niên yết kiến Bình Định vương…

Rồi y kể lại những việc xa xưa hơn, từ khi mẹ con ta đến Hoan Châu, chiêu dân lập ấp rồi bị giặc Ngô tàn phá, phải chuyển sang bờ bắc sông La, ngụ ở nơi heo hút, hiểm trở để tránh giặc thù. Suốt thời gian ấy y với ta như hình với bóng. Ta là người không ít lần gợi chuyện, hỏi y vì sao mấy năm nay còn chưa lấy vợ. Y nhìn ta lặng lẽ, đôi mắt sáng trong và ấm áp, khác với cái nhìn mờ mịt khi ngẫm nghĩ về giang sơn. Có những việc dù không rõ vẫn phải nghĩ, phải làm, và có nhưng việc dù lòng sáng như gương vẫn không thể chiều theo ý mình được. Y kể cho ta nghe, trước kia y cũng hỏi Thượng tướng quân như thế. Thượng tướng điềm tĩnh trả lời, việc người đang làm nhiều hiểm nguy, người không muốn đẩy thêm ai vào chỗ chết cùng mình. Y cho rằng mình cũng vậy, trong khi ta chỉ thấy y hèn nhát. Đến ngày Bùi Bị đưa mẹ con ta đến thành Lục Niên gặp Thái Tổ, ta mới thấy mình hèn nhát không kém, phủ nhận lòng mình, vờ như không thấy sự hèn nhát của chính mình và của y.

Chuyện giữa hai ta chỉ có bấy nhiêu, và trôi qua cũng đã nhiều năm rồi. Vùn vụt và nhẹ nhàng, như bóng câu ngoài cửa sổ. Cũng nặng nề như bước chân của y vào một chiều nắng cháy rực sông La, y khăn gói lên đường ra trận, ta vẫn còn ôm chậu gỗ đầy quần áo ra sông giặt giũ, nhìn theo bóng lưng quyết tuyệt của y, bên tai là tiếng các cô hát vừa rộn rã, vừa não nề. “Trăm quan mua lấy miệng cười, nghìn quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen”.

— Nhiều lần tôi muốn nói với người, người không nhất thiết phải theo Bình Định vương. — Giọng y trầm trầm kéo ta về thực tại. — Chẳng qua chỉ để số của cải lệnh bà góp vào có lý, có nghĩa, để Lam Sơn có cái tiếng được họ Trần ủng hộ. Nhưng họ thiếu mất một tiếng ấy cũng không sao: bao nhiêu năm nay chẳng còn ai nhắc về lệnh bà và người cả. Họ Trần càng bị lãng quên càng tốt…

— Ta không có ý tham những thứ đó, ông cũng biết mà, Trung.

Ta thở dài, xuống câu thật nặng nề. Nghe ta gọi tên, người y hơi run, đôi mắt cũng mịt mờ đi thấy rõ. Y biết ta rõ đến vậy, sao lại không hiểu ta không tham danh hão của nghĩa quân Lam Sơn hay ngài Bình Định vương kia. Chẳng qua khi kiệt sức, người ta luôn thấy mình đã đến đường cùng, bất kỳ thứ gì cũng có thể trở thành khúc gỗ cứu mạng, Ta và y, ai cũng vậy. Chỉ tiếc dù là đường cùng, hai ta cũng không thể đi cùng nhau, rồi về sau dù “yêu nhau đứng ở đằng xa” cũng chẳng lấy đâu ra tư cách nữa.

Khung cảnh mặc tưởng trầm tư kéo dài rất lâu, hoặc chỉ một thoáng thôi, rồi dừng lại khi trời bất chợt đổ mưa tầm tã. Ta chờ An quay lại để cuộc trò chuyện bớt chùng lặng, nhưng có vẻ nàng muốn để hai ta hàn huyên nên đi mất hút, cả đứa bé gái cũng không thấy đâu. Thứ duy nhất lên tiếng bây giờ là tiếng mưa tầm tã ngoài sân, kéo sự chú ý của hai ta khỏi cuộc giằng co. Ta cũng không muốn câu được câu chăng mãi, bèn gợi chuyện khác cho y:

— Thế là sau trận Đông Quan ông về đây lấy vợ, dựng nhà?

— Cũng gần như thế. — Chân mày y giãn ra đôi chút, còn ánh mắt vẫn đượm màu hoài niệm, sượng sùng. — Dựng vợ gả chồng thì không hẳn, chỉ là bèo nước gặp nhau rồi nhận đám trẻ mất thầy u trong chiến loạn về nuôi. Bà ấy ấy à… là nạn dân lưu lạc, có chồng con ở phương xa nhưng ngờ là đã chết. Sau này hỏi thăm được đằng ấy còn sống, bà ấy xin về quê rồi.

Dừng một hơi, y cảm khái:

— Người thì được hồi kinh, kể ai cũng vừa lòng đẹp ý.

Nhưng sự vừa và đẹp ấy, với ta nhiều năm nay, chỉ có day dứt, áy náy, hối hận. Ta nhoẻn cười. Thì ra bây giờ khi y cho rằng ta nếm niềm vui chứ không phải trải nỗi đau, y không còn hiểu và biết ta, ta lại thấy bình thường đến thế. Có điều, sự “bình thường” ấy lại là buồn hay vui, hay là khó xử?

Ta cúi mặt:

— Thật ra điều vừa lòng đẹp ý nhất là ông vẫn còn… vẫn còn trò chuyện được cùng ta. Trước ngày đến đây ta đinh ninh ông sẽ đuổi thẳng ta về, hoặc lạnh mặt mời nước rồi đuổi khéo.

— Làm gì có chuyện đấy! — Cô Trung cười hóm hỉnh thành tiếng, mà thứ ta thu lấy chỉ có xót xa. — Đuổi về là Cô Trung ngày trước đuổi Ngọc Hiền ngày trước, bây giờ làm sao được.

Mưa hè có giông, một luồng sét lóe lên ngoài nhà, sấm đùng đoàng dội xuống trần gian không biết để góp tiếng cười cho y hay góp lời mỉa mai với ta. Chờ cho sét qua, y thở dài, giọng như tan lẫn vào màn mưa:

— Bà cũng biết chúng mình đã già rồi.

Khoảnh khắc ấy, nước mắt ta không kìm được nữa, cứ thế lã chã tuôn rơi.

Ta thường cho rằng lòng người thay đổi, hóa ra thứ thay đổi đôi khi là thời gian và sự cố chấp. Năm dài tháng rộng, lòng vẫn còn đó, nhưng trách nhiệm với lựa chọn năm xưa và thời gian không cho phép ta chấp nhất biện minh, giải thích hay bày tỏ thêm điều bất cứ điều gì.

Ta đã đi một đoạn đường rất dài, vòng vèo và quanh co chỉ để nhận câu trả lời vốn dĩ đã tồn tại trong lòng. Chỉ khác, khi câu trả lời ấy do một người ta yêu kính đưa cho, ta không thể vờ như không biết gì và mọi chuyện chưa từng xảy ra, càng không thể chống lại bánh quay số phận. Nhưng nút thắt nhiều năm, không thể gỡ bằng hai ba câu trò chuyện vắn. Ta rời khỏi Thanh Hoa sớm hơn dự kiến cũng vì lẽ ấy: không một ai giúp ta tháo nút thắt này được ngoài bản thân.

Đêm ta ở lại, trời mưa liên miên, vừa vơi được một khắc đã lại tuôn xối trên mái ngói. Buổi sáng khởi hành, mưa còn rả rích, nhỏ dần rồi sau cùng hóa thành những làn bụi nước phơn phớt bay. Đất trời vẫn cứ đìu hiu, lạnh lẽo. Trung khoác áo dày, một tay bế đứa cháu nhỏ, một tay cầm ô theo ra tận đầu làng đưa tiễn. Ta ngồi trong xe ngựa, thỉnh thoảng vén mành che ngoái nhìn, như những ngày chúng ta còn trên Thăng Long, như thể y đang tiễn ta rời phủ họ Hà, phủ Thượng tướng hay từ nơi nào đó chúng ta vừa lén lút gặp nhau. Không có li biệt, hai con người trẻ tuổi ấy sẽ không cần ngày trùng phùng. Còn hai xác thân thời gian của chúng ta, liệu đã thực sự gặp lại nhau sau ngần ấy năm trời biệt bóng?

Xe lăn bánh đi xa, dáng hình y ngày một nhỏ dần, điểm cuối chân trời như một hạt bụi bị gió cuốn ngược lối về.

Cuối chân mây, trời nhẹ nhè sắc vàng ấm áp. Mấy lần mưa tuôn rồi tạnh, mãi rồi nắng cũng hửng qua.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro