Chương 2-1: Ngô đồng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Khi mũi thuyền lướt chậm chạp trôi đến ngã ba sông Châu, con mắt nhìn của Mục Huyền như không tài nào dứt ra được khỏi cây cổ thụ mọc trên bờ. Chàng đưa tay cuộn cao mành trúc che khung cửa sổ mà hướng về phía tán cây xum xuê đứng sừng sững, vươn tán rộng án ngữ cả một góc trời. Trận rét mướt của tháng Ba kéo mây đen giăng kín vòm cao xanh, rồi nổi gió mà giũ mưa lạnh rải khắp vùng Đọi Sơn. Cổ thụ hiện lên giữa một dải cỏ cây lẫn làng mạc bị sương trắng xóa nhòa. Chàng không nhìn được ra tán cây có màu xanh thẫm hay xanh tươi mơn mởn, cũng chẳng rõ có bông hoa nào đương bung nở trên tán đấy hay không. Chàng chỉ thấy dáng dấp của cái cây ấy vươn cao, xòe rộng ra mọi hướng nom tựa như cánh chim giương lên ngông nghênh giữa nền mây xám ngoét. Đấy là cây gì? Mục Huyền hỏi anh hầu đang đứng mài mực cho chàng. Người hầu ngẩng đầu ngó ra ngoài khung cửa rồi lại cúi đầu tiếp tục miết nhẹ thoi mực xuống lòng nghiên ngọc. Anh ta tỉ mẩn với cái chất đen đặc đang hòa dần vào nước, miệng se sẽ đáp bằng giọng nghiêm cẩn. Xa quá, nhìn bằng mắt thường không đoán được. Mục Huyền tiu nghỉu, chàng đành bóng cổ thụ trôi dần qua mà quay về thư án. Mực đã mài xong, giấy bút đã bày sẵn, bên góc tả có bày thêm một tờ sớ dễ là của quan tri huyện dâng lên. Theo lệ thường, chàng đọc sớ trước. Đúng thật của quan tri huyện. Nét bút cũng khá, chàng tán thưởng, trong lòng khoan khoái mà đưa mắt lướt dọc từng hàng chữ tấu trình những sự cắt đặt của dân chúng ở xứ này cho cái lễ tịch điền sắp đến vào dăm hôm nữa. Kể từ cuối tháng Chạp, dân vùng này đã kháo nhau về cái lễ to mà sang tháng Ba năm nay đất ấy được hưởng. Vụ chiêm năm trước, khoảnh ruộng làng Đọi nhận khoán từ cửa quan gặt về hai bông lúa ba nhành vàng ruộm. Quản giáp đem trình lên thánh thượng, người cho đấy là điềm lành nên hạ chỉ chọn ruộng ở Đọi Sơn làm lễ tịch điền năm nay. Dễ phải đến cả gần chục niên thánh thượng ngự giá về Bố Hải Khẩu, mãi đến giờ vùng này mới được hưởng phúc phần ấy. Dân cả một huyện Duy Tiên nhận chiếu thì mừng, nhưng mừng rồi lại đâm lo, sợ không làm được tươm tất như người ta. Vậy là họ bận bịu sắm sửa từ tận trong năm. Mục Huyền khẽ cười, chàng lấy làm thương cho cái mối lo âu chân chất dân quê này nhưng cũng thấy đẹp lòng trước sự sốt sắng công việc như thế. Hẵng còn thiếu trâu cày, chàng chau mày khi đọc đến đây. Làng đã phân phó nhà nuôi trâu, có điều ngày hăm chín tháng trước nó lại lăn đùng ra chết rét, người nhà chủ trâu đang chạy vạy khắp nơi tìm cho được một ông trâu thế vào. Viên quan sợ bị khép tội cũng không dám giấu chuyện tày đình như thế, mới dâng sớ thỉnh ý của chàng. Mục Huyền thả tờ sớ xuống mặt bàn, chàng nghĩ một lúc mới nhấc bút thảo mấy chữ cho viên quan, dặn dò sớm lo liệu việc tìm trâu, chớ chùng chình thêm kẻo lại đến tai thánh thượng. Vừa đưa bút, chàng vừa hỏi anh hầu Thận đang đứng nghiêm cẩn ở mé bên hữu án thư về viên quan. Thận theo hầu chàng đã được chục năm, sau khi chàng nhận sắc phong, trở thành Đông Cung hoàng thái tử Duệ Văn, anh ta cũng nhận lĩnh cái chức cận hầu, làm tai mắt nghe ngóng thay chàng từng chuyện lớn nhỏ trong ngoài cung Long Đức. Trước lúc chàng phụng mệnh đến Đọi Sơn đốc thúc kẻ dưới sắm sửa cho lễ tịch điền, Thận đã dâng lên độ mươi cái tên của quan viên vùng này. Ai là hạng nhiệm tử (1), ai thăng tiến nhờ tài thi thố, anh đều bẩm lên rành rọt. Nghe chàng hỏi, Thận nhẩm lại trong đầu, đoạn chắp tay thưa viên quan ấy đỗ kỳ thi năm Kiến Hưng thứ mười chín, mới ngoài hăm lăm, từ lúc nhậm chức vẫn chưa có điều tiếng gì. Chân mày của Mục Huyền chỉ hơi nhướn lên rồi lại dãn ra như cũ. Lời anh hầu tả cũng chẳng khác mấy hình dung trong đầu chàng. Viên quan cũng là tay có tài, tính tình ngay thẳng. Chàng hỏi thêm về thân thế, anh hầu lại nhắc đến nhà thượng thư bộ hộ, Lý Khiêm. Ra là học trò của Châu Giang phu tử, nghe đến đây nét mặt Mục Huyền lộ rõ ý mừng. Chàng đoán nếu lễ này thành thì ắt viên quan trẻ tuổi cũng sẽ sớm được triệu lên kinh phụng mệnh. Đột nhiên, án thư và cả ghế chàng ngồi rung lên, rồi cả khoang thuyền chao đảo. Phía bên ngoài vọng vào tiếng phu thuyền hò nhau vững tay chèo vượt qua xoáy nước dữ. Cả con thuyền lắc lư thêm một hồi theo từng đợt, nước bị khua loạn thành sóng vỗ ào ạt vào mạn thuyền. Mục Huyền ngồi trong khoang, chàng sốt ruột mỗi bận nghe tiếng phu thuyền hò lấy sức để đẩy được mái gỗ. Cuộc vật lộn giữa đám phu với xoáy dữ nơi lòng sông giằng co quần thảo dễ đến nửa tuần hương, lúc dòng nước phẳng lặng trở lại, chàng bước đến gần khung cửa, mắt dõi nhìn về phía bờ kè đá xanh ở sát bờ. Từ đằng xa, những chiếc lọng che, cờ phướng đã được giương cao. Cả đoàn người ngựa quần là áo lượt đội mưa bụi chờ đón rước hoàng thái tử. Các quan viên đứng chỉnh tề chắp tay vái vọng lại mũi thuyền của chàng, lui về phía sau lưng họ là các cao niên, xa thêm một đoạn độ vài chục trượng nữa, lính canh chặn bước, dân chúng trong vùng đứng dàn thành hàng, chen chúc nhau cố rướn người lên, đưa mắt nhìn vượt ra con thuyền đang chậm rãi tiến lại gần. Ai nấy đều ngóng được xem tận mắt dung mạo trữ quân, trẻ con thì reo hò, người lớn lại rủ rỉ những chuyện nghe phong thanh.

"Chúng thần cung nghênh điện hạ giá đáo." Mũi thuyền còn cách bờ độ trăm trượng, quan viên cả chục miệng như một. Giọng bái lễ nghiêm cẩn, dõng dạc vang vọng át cả tiếng gió thổi tựa hồ khiến người ta dù muốn hay không đều phải khom người khiêm cung mà giữ lễ. Dân chúng đang chen lấn, trước cảnh tượng uy nghi ấy cũng chẳng ai bảo ai đều cúi đầu chắp tay vái chào, dẫu hoàng thái tử chỉ mới đặt chân lên tấm ván gỗ bắc vắt vào bờ.

Khi Mục Huyền bước lên bậc thang đá, người hầu dắt đến một con ngựa đẹp mã đã đóng yên sẵn. Quan tri châu đứng đầu lộ Hải Thanh là Phan Bình chắp tay, mở lời thỉnh chàng cưỡi ngựa về đình nghỉ ngơi. Các quan ở Đọi Sơn không đem võng đến rước vì vướng đường trơn lại gặp khi mưa bụi rét lạnh. Chàng nhìn gấu áo lấm bùn non còn chưa khô của họ, đoạn phẩy tay ra hiệu xá tội, không để tâm chuyện đi ngựa hay ngồi võng. Dẫu sao cũng chỉ là quãng đường đi từ bến ngự về đình làng Đọi Sơn, bớt rườm rà đến đâu hay đến nấy. Đợi cho quan binh và Ngự Long quân chỉnh đốn lại hàng ngũ, quất roi dẹp đường, chàng lên ngựa, còn Thận hô to truyền lệnh khởi giá. Con ngựa hí lên một tiếng, cả đoàn người nhất tề cất bước. Ngày hôm ấy và vào sáng hôm sau nữa, những ai chầu chực ở bến ngự, khi về đến làng hay lúc họp chợ, đều kháo nhau rằng trữ quân là trang nam tử tuấn tú, đức độ hiếm có. Tiếng lành đồn xa, kẻ chưa lén thấy được tướng mạo của chàng, cả lũ trẻ con nghịch ngợm ham vui, đều lũ lượt kéo nhau đến đình làng. Họ ngấp nghé quanh những bức tường chỉ vừa cao ngang đầu người lớn, hoặc lớn mật hơn thì trèo lên cây cao để nhìn cho rõ thái tử từ kinh thành ngự giá về làng này nom ra làm sao. Ngự Long quân và cả binh lính của lộ Hải Thanh cũng vì thế mà tuần tra, canh gác nghiêm ngặt bất kể ngày đêm. Cứ độ nửa canh giờ, họ lại bắt được một kẻ dân đen to gan mon men đến gần gian nhà mà Mục Huyền trú tạm trong mấy ngày chuẩn bị lễ lạt. Mỗi bận như thế, quan binh đều theo lệnh xử nghiêm, nọc cổ ra đánh trượng. Sang đến chiều ngày thứ ba, đình làng cũng thôi cảnh nhốn nháo mà khôi phục được cảnh uy nghi. Quan lại ở Đọi Sơn và cả lộ Hải Thanh suốt những ngày ấy nếu không về cửa đình đợi lệnh thì tỏa đi khắp chốn đôn đốc dân làng thiết lễ, quét dọn, cắm cờ từ đình ra đến tận bến ngự. Mục Huyền không bước khỏi ngưỡng cửa, nhưng chỉ trừ lúc dùng thiện hay đi ngủ, chàng mới được nghỉ ngơi. Mỗi ngày, từ lúc sáng sớm, quan tri huyện Duy Tiên là Chu Cao Mân đều đặn đưa đến tấu sớ, thỉnh ý từ việc nhỏ nhặt nhất. Viên quan trẻ tuổi ra vào phụng lệnh cần mẫn tận lúc xế tà.

"Ông Mân này, trâu lễ đã tìm mua lại được chưa?" Mục Huyền ngồi sau thư án, chàng nhìn vị quan tri huyện cẩn trọng xếp sớ tấu thành thếp và hỏi.

"Bẩm điện hạ, nhờ điện hạ chỉ dạy, làng đã cắt cử người sang bên Mai Xá hỏi mua trâu. Độ tối mai là họ về đến." Nét mặt Chu Cao Mân tươi tỉnh hơn, giọng nghe như mang vài phần hàm ơn. Sao mà không ơn cho được? Ngày thường làm mất trâu đã thành chuyện lớn, huống hồ là mất trâu lễ. Chàng thương cho dân làng mới đánh liều tâu lên thái tử, may mà thái tử không trách tội.

Bấy giờ đã sang giờ Mão. Các cao niên trong làng dẫn theo vài thanh niên đội mâm đến dâng cơm cho Mục Huyền. Đồ ăn thức uống mười món một mâm, đầy đủ rượu thịt. Họ sắp xếp bày biện ở gian lớn bên ngoài, trên sập gỗ kê sẵn, xong xuôi mới bẩm lên Thận để thỉnh chàng ra dùng thiện. Chu Cao Mân nghe tiếng người hầu vọng vào từ ngoài cửa, tựa như mới nhớ ra trời đã về cuối chiều. Chàng toan chắp tay bái biệt xin lui.

"Nào cần vội thế. Ông cứ ở lại đây, ta sai người hầu dọn cho một mâm rượu thịt. Ăn uống no nê rồi hẵng về. Xem như ta thưởng công cho ông." Mục Huyền hẵng còn đang nhai dở miếng trầu, chàng nhổ bã vào ống, đoạn lấy khăn lau khóe miệng và nói.

Chu Cao Mân còn ngần ngừ, thì người hầu đã biết ý mà sửa soạn, loáng cái đã xong mâm bát. Vị quan chẳng còn biết từ chối thế nào, đành thuận theo mà ngồi xuống chiếu hoa. Ăn xong cơm, chàng lại được hầu chè nước cho thái tử.

"Ông Mân này, ta thấy ông làm việc cẩn trọng như vậy là tốt lắm." Mục Huyền khen ngợi, chàng ra hiệu để Thận đưa cho Huy Mân một chén nước chè xanh.

"Bẩm điện hạ, tôi ăn lộc vua thì phải làm tròn bổn phận. Đấy là lẽ thường tình." Vị quan nhận chén nước, lại cúi người tạ ơn.

"Ta có nghe ông không phải người ở Đọi Sơn." Thái tử nói tiếp.

"Thưa vâng, tôi là người Bố Hải Khẩu, chỉ có gia đình nhà vợ là người ở đây." Chu Cao Mân thật thà.

"Ra vậy." Mục Huyền gật gù. Kỳ thực chàng còn biết nhà vợ của Chu Cao Mân là họ hàng của Châu Giang phu tử. Nếu thuộc phường khôn ranh, chắc anh ta đã biết phu tử từng dạy dỗ chàng, thầy trò đều nghĩa nặng tình thâm, chỉ cần nhắc đến ông ấy thì ắt chàng sẽ lưu tâm mà ưu ái đôi phần. Thế nhưng Cao Mân lại không làm vậy, anh ta buột miệng trả lời nhưng ý tứ nhã nhặn vừa vặn. Hẳn là thường ngày cũng hiếm khi dựa dẫm vào thanh thế của nhà vợ. Chàng nhìn viên quan trẻ tuổi bằng con mắt hảo cảm. "Ngày mai dễ là được ngày nắng ráo, ta muốn đi thăm ruộng, ông làm quan quản xứ này, cũng nên đi cùng để ta tiện bề hỏi han đôi điều."

"Bẩm điện hạ, tôi xin vâng." Vị quan điềm tĩnh đáp.

Mục Huyền lại nhấp một ngụm nước chè. Chàng còn định hỏi Chu Cao Mân về Châu Giang phu tử, nhưng còn chưa kịp mở lời, phía ngoài sân đình vẳng vào tiếng quan binh thét đuổi người. Sân đình rộng, chỉ nghe độc một tiếng quát tháo, dọa dẫm. Chu Cao Mân bồn chồn nhìn ra ngoài khoảng sân vàng ánh đuốc, vị quan sợ là dân làng lại bày ra sự gì phạm thượng. Mục Huyền ngồi trên sập gỗ, nét mặt chàng bình thản, tay chàng mở cơi trầu, nhặt miếng cau bổ sẵn rồi tự quệt vôi, cuộn lá mà bỏ vào miệng. Thận đứng hầu bên cạnh, biết ý bèn ra ngoài xem xét. Lát sau, anh hầu đi vào, dắt theo sau là một thiếu nữ vận áo nâu, tay khoác nải. Cả Mục Huyền lẫn Chu Cao Mân đều lấy làm ngạc nhiên. Người thiếu nữ tỏ ra dạn dĩ, nàng tự dừng bước ở ngay khung cửa và nhìn thẳng về phía sập. Mục Huyền nhai trầu, hơi hăng nồng xộc lên mũi, vị cay the chát ám nơi lưỡi lẫn vòm họng, dưới ánh nến, chàng cũng nhìn cô nàng. Chàng không quen biết nàng ta, có điều khuôn mặt tròn đầy đặn, cặp mày rậm kia vẻ như rất chàng đã gặp ở đâu. Một nét nhang nhác hay thấp thoáng nào đấy, mờ nhạt nhưng thân thuộc với chàng. Thận bước đến bên cạnh, anh ta hạ giọng thì thào với chàng. Còn Chu Cao Mân đột nhiên lại nhìn cả chàng lẫn người thiếu nữ đầy hiếu kỳ, ánh mắt phảng phất ý soi mói, dè bỉu. Đang lúc tối trời, lại có cô con gái xúng xính xiêm áo tìm đến tận đây đòi gặp cho kỳ được hoàng.thái tử, dám là chuyện ong bướm lắm. Nếu giả mà có điều phi lễ như thế thật, thì những kính phục chàng dành cho trữ quân suốt mấy ngày qua sẽ tan thành mây khói. Viên quan đứng như trời trồng ở một góc chờ xem. Thế nhưng, nàng thiếu nữ không khóc lóc đòi nợ phong lưu, mà chỉ nhìn hoàng thái tử trân trối. Chu Cao Mân nhận ra nét mặt nàng ta vẻ như xúc động lắm, môi mím nhẹ, còn mắt mang ánh nước, giống như lúc người ta hội ngộ với cố nhân, tuyệt không mang chút lả lơi gió trăng nào.

"Thận này, ngươi cử lấy vài người, hộ tống ông Mân đây về đến nhà. Trời cũng tối lắm rồi." Mục Huyền lên tiếng, chàng lờ đi không đả động đến nàng thiếu nữ kia.

Chu Cao Mân dẫu hẵng chưa thỏa hiếu kỳ, nhưng nghe vậy cũng hiểu ý hoàng thái tử muốn tiễn khách. Chàng chắp tay vái chào rồi chậm chạp lui ra ngoài, đi theo anh hầu.

Chỉ còn lại Mục Huyền và thiếu nữ trong gian nhà. Đèn đuốc thắp sáng trưng, chàng nhìn nàng chăm chú. Mãi một hồi lâu sau, chàng mới ngập ngừng gọi tên nàng. Nhàn đấy phải không? Nàng thiếu nữ ngẩn người. Đúng là Nhàn. Nhưng hoàng thái tử còn nhớ nàng sao? Mà giả đúng là người còn nhớ thì liệu người có gọi nó trìu mến được như thuở nhỏ? Trong một chớp mắt ngắn ngủi, nàng đã nghĩ như thế, rồi khi nghe được câu hỏi của chàng, nàng bỗng lặng đi. Đúng là cái Nhàn rồi. Mục Huyền bước xuống khỏi sập gỗ, chàng xỏ chân vào đôi guốc mộc, toan đến gần để nhìn cho rõ em gái mình. Nhưng vừa định làm thế, chàng lại nhớ ra thân phận hiện thời. Cơn xúc động dịu đi, chàng vẫn ngồi trên sập. Em Nhàn của chàng lớn rồi. Mới ngày nào nó vẫn còn lẽo đẽo theo sau chàng chạy nhảy ngoài đồng, người lùn một mẩu, vậy mà giờ đã ra dáng con gái đến tuổi cập kê.

"Tôi... em..." Nhàn khép nép, nàng lúng túng không biết nên xưng hô thế nào cho phải phép. Người ngồi trên sập kia là anh cả của nàng, nhưng cũng là con vua, còn nàng chỉ là con ông quản giáp quê mùa mà thôi.

"Ở đây không có người ngoài, em cứ gọi anh là anh như trước." Mục Huyền cười gượng, cốt để Nhàn bớt sợ.

"Thầy... Thầy em bảo em đến tìm anh... để đưa cái này." Nàng luống cuống tháo tay nải, bước gần lại, hai tay dâng lên chàng. Ông quản giáp cũng muốn đi đến đây, nhưng ông ốm yếu lắm rồi, xuống giường còn không nổi, nói gì đến đi mấy dặm đường dài.

Mục Huyền nhìn cặp mắt mở to lẫn hai tay run rẩy của Nhàn, chàng thoáng thấy chạnh lòng. Con bé đang sợ chàng, sợ như sợ cọp. Chàng nhận lấy tay nải, mở nút thắt xem trong đấy có gì mà ông quan giáp ốm liệt giường cũng bắt tội Nhàn tìm đến đây. Đèn đuốc thắp quanh gian nhà sáng trưng, chàng lật miếng vải nâu thì chỉ thấy có một manh áo lụa màu ngà, dẫu cũ kỹ nhưng được giữ phẳng phiu, còn thoang thoảng mùi hoa bưởi. Là áo của phu nhân Trần thị mặc lúc trước. Nhàn lắp bắp phân trần khi chàng ngần ngại chạm vào cái áo. Nàng hẵng còn nhớ thầy nàng đã đem hóa gần hết đồ đạc của bu, chỉ giữ lại vài món và một tấm áo này thôi. Mãi đến tối qua, nghe tin hoàng thái tử về Đọi Sơn theo hầu thánh thượng làm lễ tịch điền năm nay, thầy mới đòi nàng tìm áo rồi một hai quyết đem đến dâng cho điện hạ. Nhàn thương thầy nên đành nghe lời, dẫu nàng không rõ vì cớ gì thầy lại phải làm như vậy. Anh cả của nàng giờ đâu phải là con giai của thầy nữa, anh nào cần thứ này? Suốt cả chục năm nay, anh sống yên phận trong nhung lụa, đến ngày bu mất, anh cũng không về thì manh áo cũ có đáng để anh bận lòng? Nhưng hóa ra nàng đã nhầm. Nàng biết vậy khi nhìn anh ngần ngừ đưa tay vuốt vệt nhăn trên áo, cả cách anh toan trải nó ra mặt sập nhưng rồi lại thôi. Nét mặt anh thẫn thờ, trầm tư tựa hồ như một thoáng ấy thân xác chỉ còn là khối xương thịt vô tri. Thầy của nàng nom cũng giống thế lúc tự tay thả từ cái lược gỗ đào bu hay chải đến tấm áo tơi bu mới khoác đôi lần vào đống lửa to, rồi nhìn tất thảy hóa thành tro, thành khói cuộn bay về trời.

"Hồi ấy bu đi có nhẹ nhàng không?" Đột nhiên, Mục Huyền hỏi Nhàn, chàng gấp áo lại.

Nhàn gật đầu. Phu nhân ngủ thiếp đi một giấc miên viễn, không đau đớn gì, chỉ hiềm nỗi bà nhắm mắt lúc đang ngồi tựa đầu vào khung cửa. Mục Huyền thở dài, lòng chàng chùng xuống. Một lát sau, chàng xoay người nhìn em gái. Nhàn lớn lên rất giống phu nhân Trần thị, nhất là đôi mắt lá răm đằm thắm và khuôn mặt trái xoan phúc hậu. Toàn những tướng cao sang phú quý, nhưng cả đời phu nhân nào có được hưởng cao sang phú quý. Chàng muốn hỏi em rất nhiều điều, nhưng không thốt được thành lời. Có chuyện quá tủn mủn, lại có chuyện quá hệ trọng để nói ra ở đây. Sau cùng, chàng đành hỏi về việc chồng con của nó. Ông quản giáp đã nhắm đám nào hay chưa? Hay lọt mắt được ai rồi? Nghe chẳng ra đâu vào đâu, chàng thấy thế, có điều anh em gặp nhau lần này rồi chẳng biết ngày sau đến đâu. Ông quản giáp vẻ như cũng không gượng được thêm nữa, còn lại mỗi một mình, Nhàn biết sống làm sao? Cái sự sốt sắng, có phần vồn vã ấy của Mục Huyền khiến Nhàn hết sửng sốt lại đâm ngượng ngùng. Nàng nào có nghĩ anh cả lại đi hỏi han những chuyện lông gà vỏ tỏi thế này.

"Em... tháng sau nhà người ta đem cau trầu sang, mùng mười sẽ làm lễ đón dâu." Nàng ngập ngừng, giọng nhỏ dần. "Chúng em chạy tang."

"Nhà bên kia làm nghề gì?" Chàng hắng giọng hỏi thêm, vẻ không vừa ý khi em mình đi lấy chồng gấp gáp như thế.

"Nhà họ mấy đời đều làm nghề bốc thuốc, thầy bảo cũng là nơi đức độ cho em gửi gắm được." Nhàn đâm cuống. Giờ anh cả của nàng từ cái nhướn mày đến lời nói thốt ra đều mang phong thái uy nghi nhà quan, dẫu không mang ý đe nẹt cũng khiến nàng sợ hãi. Phong thái ấy so với những gì nàng còn nhớ trong đầu về anh khác và xa lạ vô cùng.

Vừa lúc đấy, Thận bước vào, dâng lên lá thư. Mục Huyền nhìn mấy chữ đề ngoài bèn mở ra đọc ngay, đoạn chàng ra lệnh cho anh hầu thu xếp cho Nhàn chỗ ngủ nghỉ. Đường thì xa, trời lại tối, chàng không yên tâm để con bé đi về một mình.

"Tội vạ đâu cứ nói là làm theo lệnh của ta." Thấy Thận có vẻ ngần ngại, chàng nói thêm.

Đấy quả là một cái vạ thật. Có điều vạ ấy đến chậm. Nếu có một mảy may nào gợi cho chàng nghĩ đến nó, thì ấy ắt hẳn là cách viên tri huyện họ Chu kia đối đáp với chàng vào buổi sáng hôm sau, khi họ đi về phía tây núi Đọi để thăm ruộng tịch điền. Cơn rét ngang ngược, đỏng đảnh của tháng ba như đặc quánh lại trong đêm rồi lúc ánh dương ló rạng đằng đông lại tan dần, loãng ra thành cái khí mát mẻ làm cho người ta khoan khoái. Thận đã cắt cử một đoàn người hộ tống vào từ ngày hôm trước, nhưng trong cái tiết trời dễ chịu đấy, hoàng thái tử muốn được cưỡi ngựa thong dong đi thưởng ngoạn cảnh quê. Đoàn người theo hầu vì thế mà từ mấy chục bị cắt xuống còn bốn, quan tri huyện cũng nằm trong số ấy. Mục Huyền cho phép Chu Cao Mân được đi ngang hàng với chàng để tiện bề trò chuyện. Từ đình làng Đọi ra ruộng tịch điền là một quãng đủ để người ta đủng đỉnh mà vẫn đến nơi được trước giờ Ngọ. Dọc đường đi, thi thoảng Mục Huyền hỏi han vị quan về ruộng, về vụ mùa và cả nếp ăn ở của dân trong vùng. Chu Cao Mân tỏ ra là một viên quan mẫn cán, anh ta nắm rõ mọi sự trên đất này tận đường tơ kẽ tóc để trả lời chàng. Ruộng tịch điền ở làng này đã có từ triều trước, một năm thu hai vụ nộp về cửa quan đủ cả nếp lẫn tẻ. Năm ngoái, triều đình có lệnh thay giống lúa gieo trên ruộng, đổi từ giống lúa chiêm Bồ Lộ (2) sang giống Sài Đường (3). Chu Cao Mân vươn tay chỉ vào một đám ruộng vàng ươm đương độ chín, dáng cây mọc cao thẳng, bông chia làm mấy gié đều đặn đến là thích mắt. Khoảnh này trồng là giống lúa Điền Kê (4), dễ trồng mà cơm dẻo chẳng kém gì giống Sài Đường, vụ mùa hay vụ chiêm đều thu được.

"Cơm dâng lên điện hạ hôm qua là gạo làng để dành từ vụ chiêm năm ngoái nên hạt mới thơm dẻo được như vậy. Mấy năm trước còn trồng Bồ Lộ, hạt cứng hơn nhiều." Vị quan trẻ tuổi nói, trong đầu nhớ đến bát cơm gạo trắng bông, dẻo ngọt ăn ngày hôm qua, trong lòng lấy làm đắc ý. Nhưng đắc ý rồi, Chu Cao Mân lại nghĩ về chuyện sau bữa cơm ấy. Mà tựa hồ là chẳng cứ gì anh ta, khuôn mặt hoàng thái tử cũng trở nên sượng sùng khi nghe đến.

"Hôm qua, đúng là cơm rượu của làng ta ăn đều thấy ngon." Mục Huyền nói, chàng nhìn bộ dạng lúng túng như gà mắc tóc kia thì đoán được trong lòng Chu Cao Mân xét nét điều gì. Nhưng anh ta chỉ là một viên quan tri huyện bé mọn, nhẽ gì chàng lại phải thanh minh. "Có điều Phan Bình từng dâng sớ xin thánh thượng cho đổi sang lúa Thạch. Ông có biết vì sao không?"

"Bẩm, chắc ngài ấy chê Sài Đường thân yếu, khó trồng." Chu Cao Mân đáp.

"Ông thấy thế nào? Có nên thuận theo ông ta mà đổi lại?" Chàng nhìn bóng núi Đọi nom như bát úp ngược phía đằng xa.

Chu Cao Mân ngẫm nghĩ. Vị quan nhìn nét mặt chăm chú chờ nghe câu trả lời của hoàng thái tử, ngầm hiểu được ý đe nẹt. Quan tri châu vốn không ưa Cao Mân, ông ta muốn nâng đỡ cho người khác, nhưng chàng còn sống yên ổn mà làm được tri huyện đến giờ phần nhiều vì biết giữ mình và chịu ơn Châu Giang phu tử. Giả như bây giờ khiến cho hoàng thái tử phật lòng, thì chẳng rõ sau này có còn được yên thân hay không. Con người Chu Cao Mân trọng đức khinh tài, chuyện trữ quân đêm tối gặp gỡ đàn bà con gái trong đình, dẫu không rõ nội tình, chàng vẫn cho là trái đạo, không hợp lễ. Phàm không biết tu thân, trầm mê sắc dục như vậy, chẳng những tổn đức mà còn dễ kéo sập cả cơ đồ. Vị quan nghĩ lung lắm, chàng theo học phu tử, làm quan nhờ tài học, dẫu không phải tay kiệt xuất gánh vách được vận nước hưng suy, nhưng đến cả nằm mơ cũng tâm niệm hai chữ "thanh liêm" để giúp ích cho đời. Nếu làm ngơ trước chuyện chướng tai gai mắt nhường ấy để giữ được cái mũ quan thì liệu có đành? Lại nói xưa nay, có hôn quân nào lại không đi từ thói bao che, xu nịnh của quần thần mà ra?

"Bẩm, tôi cho là mạnh có cái hay của mạnh, yếu có cái tốt của yếu. Nếu chỉ vì sợ lúa yếu khó chăm mà dâng gạo xấu, cơm cứng lên cho thánh thượng, thì xem như cũng chưa tận lòng trung." Vị quan chắp tay trả lời dành dọt.

"Chuyện nào to tát đến mức ông phải đem lòng trung ra." Mục Huyền nghe xong bèn bật cười.

Đoạn chàng siết dây cương khiến con ngựa cưỡi hí lên một tiếng rồi phi vượt lên trước, đi về hướng khoảnh ruộng tịch điền đã được dân dọn sạch sẽ dưới chân núi.


Chú thích:

(1) Người làm quan nhờ hưởng tập ấm, một hình thức làm quan phổ biến thời Đinh – Tiền Lê, nhưng vào thời Lý bị xem nhẹ vì không đáp ứng được nhu cầu sử dụng quan lại. Theo "Nguyên nhân sụp đổ của các triều đại phong kiến Việt Nam – Những bài học rút ra từ lịch sử", PGS, TS Phạm Huy Đức và PGS. TS Vũ Thị Phương Hậu đồng chủ biên, NXB Lý luận chính trị, 2019.


(2) Tên một giống lúa cổ trồng vụ chiêm, theo VĐLN, LQĐ.


(3) Tên một giống lúa cổ trồng vụ chiêm, theo VĐLN, LQĐ.


(4) Tên một giống lúa cổ trồng vụ chiêm, theo VĐLN, LQĐ.

NOTE FROM GREEN: Chương này có một bài theme song, mọi người xuống phần cmt tìm link drive nhé. YouTube không có đăng vì bản quyền =))))))))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro