Chương 3-2: Trầu têm cánh phượng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Cầm này, nếu tao đi lấy chồng xa thì sao?"

Khanh ngồi trùm chăn kín mít, lí nhí hỏi em gái, giọng nàng lẫn cả tiếng thở hắt nặng nề. Chậu nước lá xông nóng hôi hổi bốc hơi nghi ngút làm cả mình nàng ướt đẫm. Cầm cẩn thận giém chăn cho chị, nó giả vờ không nghe thấy gì. Phải đến khi Khanh cất tiếng lần nữa, Cầm mới mím môi ngẫm nghĩ. Con bé mười ba tuổi đoán được chị nó không nói vu vơ mà là đang ướm hỏi, trong lòng chị hẳn đã quyết sẽ theo ai rồi. Đôi mắt nhãn lồng của Cầm cứ nhìn chằm chằm vào tấm chăn bùng nhùng trước mặt, nó cố nuốt câu hỏi đang chực chờ thoát khỏi khuôn miệng xuống bụng, nhưng khốn nỗi càng cố nén vào thì câu hỏi ấy lại muốn bật ra. Chị nó định theo ai mới được? Sau trận ầm ĩ với nhà ông cụ trưởng họ, chị Khanh của nó lạ lắm. Chị nom trầm hẳn đi, rồi đầu buổi chiều chị lại gọi nó vào buồng nhờ đem khăn thêu đến tận đình làng Đọi. Phải đưa tận tay cho một vị tên là Thận, chị khăng khăng như thế. Cầm ngần ngừ mãi mới nhận lời đi, nó không dám hỏi chị về vị kia, cũng không dám thọc mạch chị can hệ gì đến cửa quan, nhưng nó biết cái khăn ấy bọc miếng trầu đã têm. Con gái trong làng đều chờ đến hội mới đem trầu mời người khác, hễ trao cho ai thì ắt là có ý muốn theo về làm vợ người ta. Chị Khanh không ưng con giai cụ lang, cả dì Miên và nó đều rõ thế. Chị đẹp người đẹp nết, nên trong lòng chỉ chuộng người có tài, nếu không phải làm quan thì cũng phải là văn nhân nho nhã như ông Nhữ Dương, còn trai làng tầm thường chị chẳng để vào mắt. Dì Miên hay chê chị kén cá chọn canh, dọa chị trèo cao ngã đau, nhưng chị vẫn một hai nuôi mộng làm bà lớn. Cầm không giống như dì, nó đã lén rình ông Nhữ Dương vài lần lúc đội gạo lên chùa, rồi cũng quả quyết rằng ông là người tốt lắm. Giống như ông huyện Mân. Dân cả vùng này đều hay tiếng tốt của ông huyện lẫn chuyện vợ chồng ông ăn ở tình nghĩa với nhau. Chị Khanh của nó cũng giống như bà huyện, đẹp người mà đa đoan, lại cả nghĩ, bắt chị làm vợ người cục mịch chỉ biết võ vẽ giống con trai cụ lang thì chẳng khác nào đem ngọc ngà ném xuống ao tù. Đấy đâu phải lẽ? Các cụ chẳng đã nói màn hoa phải trải chiếu hoa đấy còn gì? Cầm lại nhớ đến dáng vẻ của cái người tên Thận kia, kể cũng hơn ông Nhữ Dương đến vài phần. Anh Tân đi cùng với nó còn khen vị ấy chân đi êm nhẹ nhưng vững chãi, tựa hồ là con nhà võ, tài cung kiếm đủ khiến kẻ khác nể phục đôi phần. Vị ấy theo hầu hoàng thái tử, sai bảo được lính tráng, chắc cũng làm quan to ở trên kinh. Chị Khanh theo vị ấy là thỏa lòng bấy lâu. Có điều... Cầm buồn buồn đưa tay lật mảnh chăn xuống, nó không nỡ xa chị. Từ nhỏ đến lớn, nó biết gọi thầy gọi dì thì đã thấy chị Khanh trong nhà rồi. Giờ giả như chị lấy chồng, theo người ta lên kinh, đường xá xa xôi, biết đến thuở nào nó mới gặp được chị?

"Chị lấy anh Tân cách nhà mình có mấy bước chân chứ xa xôi gì." Cầm nói, giọng hơi giận dỗi. Nó vờ như không biết chị định lấy chồng xứ khác. Con bé thương chị, quý chị, nhưng từ nhỏ đến lớn chị chẳng mấy khi thân thiết với nó nên những chuyện tính toán của người lớn, nó không dám nói thật với chị mà toàn phải giả vờ như thế.

"Tao... chắc tao không lấy anh ấy đâu." Khanh nhìn Cầm, nàng lưỡng lự mãi mới nói được một câu. Mồ hôi túa ra ướt đẫm áo váy, giọng nàng nghe hụt hơi.

"Chị định theo cái ông ở đình chứ gì?" Đến đây Cầm xẵng giọng, trong lòng chùng xuống như người mất của.

Khanh không đáp. Nàng rũ mi nhìn xuống chậu nước xông đã nguội đi vài phần, xác lá lắng dưới đáy, ngổn ngang, rối mù chẳng rõ hình cây cỏ. Bỗng dưng nàng thèm được tỏ lòng với người khác, có như vậy thì cơn bức bối đang dày vò nàng suốt hai hôm nay mới dịu đi. Vậy là vừa nghe Cầm hỏi, Khanh vội nói ra những khổ sở trong lòng, như thể muốn thanh minh lại như thể cho bõ ấm ức. Nàng nào muốn như thế, theo cái vị kia về làm lẽ, thì chẳng thà nàng làm lẽ cho Nhữ Dương rồi yên phận chăm chồng nuôi con cũng xong một đời. Nhưng người ta có quyền có thế, còn nàng chỉ là phận ngắn tay với chẳng đến trời, gây thù kết oán rồi thì liệu sống yên được ở cái làng này được nữa hay không? Huống hồ miệng đời ác độc, thầy bu của nàng đã khuất núi cũng bị đào mả lên nhiếc móc.

"Thôi thì cái duyên cái số nó vồ lấy nhau." Cầm thở dài như bà cụ non. "Thế... bao giờ nhà bên ấy sang thưa chuyện với dì?"

Khanh lắc đầu buồn bã. Nàng nào định đoạt được chuyện gì nữa. Đến tên tuổi người ta nàng còn không biết thì hòng gì đến việc giục người ra đem cau trầu sang dạm hỏi đàng hoàng. Trước cái sự im lặng ấy, Cầm trợn cả mắt lên. Nó không hình dung ra được có đám nào dựng vợ gả chồng lại không đủ lễ nghĩa như vậy. Thế rồi con bé hỏi dồn dập chị mình xem cái người sắp rước chị về rốt cuộc có thật lòng muốn kết nghĩa phu thê với chị hay không.

"Không dạm hỏi đàng hoàng thì dì không cho đâu." Cầm ái ngại.

"Lúc mày đưa khăn cho người ta, có nghe thấy người ta nói gì không?" Khanh hỏi.

"Ông ấy cầm khăn vào trong đình một lúc, sau đấy trở ra chỉ dặn em đưa cho chị cái này." Cầm chạy đến chỗ cái thúng ở góc buồng, lật mấy lần vải lên rồi lấy ra chiếc hài thêu. Nó đưa chiếc hài tơ đỏ ấy cho chị, dưới ánh đèn dầu nhờ nhờ, dây uốn lại còn cả hoa nom rõ thích mắt. Nếu xỏ đi hội, mặc thêm cái áo lụa mới cắt năm ngoái, thì đám con gái trong làng chắc tị đến đổ máu mắt. Nhưng đang mải mê ngắm hài, nó bỗng nhớ ra người ta còn gửi lời dặn chị sáng mai phải đi dự hội. "Hay là ông ấy cho hài này để mai chị đi hội?"

"Thế thì tao đi chân có chân không à?" Nàng miết nhẹ đầu ngón tay xuống những đường thêu đẹp như vẽ dọc thân hài, buột miệng hỏi lại em gái.

"Thôi em chả nói nữa." Cầm rụt cổ, lè lưỡi trách cái ông Thận rõ đoảng, ai lại đưa cho con gái nhà người ta mỗi một cái hài. Con bé kéo tấm chăn đang ngổn ngang trên giường, nhanh nhẹn gấp gọn rồi bê chậu nước xông đặt xuống dưới đất. Dọn dẹp xong xuôi, Cầm xếp ra một bộ yếm và váy mới để chị Khanh thay. Nghe tiếng trống điểm canh vẳng lại từ xa, dì Miên giục cả hai chị em đi ngủ.

Cầm là đứa dễ nuôi, nó ăn khỏe, làm khỏe mà ngủ thì lại càng khỏe hơn, hễ đặt lưng xuống giường sẽ ngủ say như lợn con no sữa. Khanh thì khác, nàng bồn chồn, trằn trọc mãi không sao chợp mắt được. Nàng cứ nghĩ về cái hài lẫn vị kia, trong lòng mơ hồ một nỗi sợ. Có một thoáng nàng thấy hối vì đã sai con Cầm đem trầu đến chỗ vị ấy, nhưng rồi lại tự nhủ mình nào còn đường khác để đi. Đêm dài đằng đẵng, Khanh trở mình thao thức, có lúc nàng thiêm thiếp được trong chốc lát chỉ để giật thót tỉnh dậy thức trắng. Mãi đến khi nghe trống điểm canh, nàng mới quyết ngồi dậy, lén xuống giường. Trời bên ngoài đã tảng sáng, màu đen kịt của ban khuya nhòa thành một màu nhàn nhạt, đủ rọi sáng mặt người. Khanh nhấc rương gỗ lên, nàng lục đến tận đáy, cố sức moi ra cái tay nải đã lén giấu từ hôm qua. Nàng mở tay nài, nhét thêm vào cái hài thêu mà Cầm đem về. Sửa soạn xong xuôi, Khanh rón rén ra khỏi buồng, nàng nhẹ nhàng mở then cài cửa, sau đấy rời khỏi nhà. Trước lúc đi, nàng ngoái đầu lại nhìn mấy bát hương cắm chi chít chân nhang, trên những bó chân nhang ấy toàn là vòng tro uốn cong xoắn lại như dây leo bủa tua tủa ra tứ phía. Hôm nay, hình như là giỗ của thầy nàng. Khanh xoay người quỳ mọp xuống nền đất, nàng lạy ba lạy trước bàn thờ rồi vội vã lách người qua khe cửa rời đi trước khi dì Miên thức giấc.

Cô Khanh có biết thế nào là nước chảy bèo trôi không?

Vào cái đêm cách đây hai hôm, Nhữ Dương đã hỏi Khanh như vậy. Nàng lắc đầu không biết. Thế nhưng, khi bước đi thất thểu trên bờ ruộng vào lúc đất trời còn chưa sáng tỏ, nàng mới hay bèo nước trong lời chàng là nghĩa làm sao. Khanh không ngoái lại nhìn làng Khương Xá, đôi mắt nàng chú mục về phía quả núi nom như bát úp phía đằng xa. Làng Đọi ở đấy, cả kiếp vợ lẽ mà nàng cố trốn chạy cũng đang ở đấy. Cánh đồng lúa đang độ chín lay mình reo lên theo mỗi bước chân trần của nàng, hơi lạnh sớm mai thấm qua lớp áo vải phong phanh, làm cho nàng nổi gai ốc từng đợt. Khi còn cách làng Đọi độ vài trăm trượng, nàng đã thấy thấp thoáng nào cờ phướng, nào tiếng lợn kêu, tiếng người í ới gọi nhau lo việc chung. Cái không khí rộn rã, tất bật ấy bỗng dưng lại gieo vào lòng Khanh nỗi sợ hãi mơ hồ. Nàng sợ giáp mặt với người làng họ, sợ gặp phải người quen. Đúng rồi, bên Khương Xá cũng cắt vài người sang bên này, hình như có cả anh con trai cụ lang trong đội vật nữa. Bước chân Khanh díu lại với nhau, đã có một hai người vác cuốc vác thuổng đi cắm cờ lướt ngang qua nàng. Họ xầm xì vài câu mà nàng nghe không rõ. Hay là họ nhận ra nàng rồi? Hai làng giáp nhau, cũng có khi thế lắm. Khanh mím môi, quang cảnh người ngợm đứng lố nhố lo quét tước, dọn sạch con đường đi đến dinh vua nghỉ ngơi càng như dọa cho nàng thêm sợ. Đột nhiên, nàng đứng sững lại, trong đầu tựa hồ có lời xui khiến quay về nhà, về làng Khương Xá, về làm vợ lẽ cho Nhữ Dương mà ăn trắng mặc trơn. Chàng là thương buôn đi khắp nam bắc, đến tận đất Tống rồi xuôi xuống đất Chiêm, dẫu không phải quan thì của nả cũng chất đầy nhà. Nàng còn mơ gì hơn thế nữa? Ý ấy lóe lên trong đầu cũng vừa lúc nàng nhìn thấy đình làng Đọi. Lính tráng dàn thành hàng canh nghiêm ngặt, thi thoảng có người dân chạy đến thưa bẩm vài câu, xong xuôi lại vội vã đi ngay. Hay là cứ về nhà? Khanh nhủ như thế, nàng dùng dằng mãi ở trước cửa đình khiến lính gác phải quát hỏi muốn đi đâu, cần gặp ai. Giọng người ta nghiêm nghị, cục mịch còn nét mặt thì hung, nàng càng sợ hơn. Đoạn chẳng nói chẳng rằng Khanh quyết xoay người bỏ chạy, cắm đầu cắm cổ chạy ngược theo hướng về làng Khương Xá. Thình lình từ đâu có con ngựa lao ra trước mặt người thiếu nữ, tiếng móng phi nước đại và cả cái thân mình đồ sộ của nó khiến cho nàng cả kinh. Chân tay nàng bủn rủn, thốt nhiên cứng đờ ra cả, dẫu trong lòng biết rõ phải dẹp sang một bên tránh đường. Khi con ngựa chỉ cách vài bước chân, Khanh ngã lăn ra đất, nàng nhắm tịt mắt chờ đôi móng sắt bổ vào người mình...

"Cái nhà cô kia, đi đứng kiểu gì thế hả?" Tiếng người quát ầm lên bực bội, ngựa hí vang một tiếng.

Khanh không thấy đầu mình chân tay bị sứt mẻ gì, nàng mở mắt he hé ngước lên nhìn người đang ngồi trên lưng ngựa. Ông huyện vừa thấy rõ mặt nàng thì nghiến răng ghì cương ngựa. Đôi mắt tinh tường của ông nhìn vào tay nải nằm lăn lóc trên mặt đất, đôi mày rậm nhíu lại với nhau ra chiều ngẫm nghĩ lung lắm. Đoạn ông bước xuống ngựa, toan nhặt cái tay nải ấy đưa trả cho nàng nhưng chưa kịp làm thế thì nàng đã nhoài người nhặt lên trước.

"Cô đi đâu mà sang đây?" Ông hỏi.

"Bẩm quan, tôi có việc không tiện nói ra." Khanh luống cuống phủi sạch bụi đất bám trên váy áo, nàng tránh né cái nhìn của ông.

"Mai là thằng Nhữ Dương đến nhà người ta rước dâu rồi, cô có sang tìm thì nó cũng không tiếp đâu." Chu Cao Mân chẳng buồn vòng vo, ông đe luôn một câu.

"Quan bỏ quá cho, tôi sang đây có công có việc thật, không phải để tìm ông ấy." Nàng hiểu ra ông huyện sợ mình đến nhà ăn vạ em trai ông. Cả nhà ông đều chê nàng không môn đăng hộ đối nên mới can Nhữ Dương lấy nàng.

"Ta thấy cô cũng còn trẻ, đẹp người đẹp nết như cô lấy đâu chẳng được tấm chồng, cớ gì cứ phải đèo bòng thằng Dương nhà ta?" Nhìn cô con gái đang cúi gằm mặt, chân trần còn lấm tấm bùn non, Chu Cao Mân lại dịu giọng, không muốn làm cho nàng sợ. Chuyện em trai ông phải lòng nàng cũng không phải lỗi của nàng, huống hồ cái thằng ngang như cua ấy còn đòi hỏi lấy người ta trước.

"Bẩm quan, quan nói như vậy là đổ tiếng oan cho tôi. Em trai quan với tôi đã dứt duyên, làm gì còn ai đèo bòng ai. Tôi cũng đã có chốn gửi gắm, anh em quan không phải sợ tôi tìm đến nhà ăn vạ." Giọng của Khanh run run như chực vỡ ra, nàng cố nuốt cơn nghẹn xuống. Dẫu hai mắt đã ầng ậng nước, nàng vẫn cố nói thật dõng dạc.

"Cô được thế thì ta với thằng Dương cũng mừng cho cô. Chỗ này là chốn cửa quan, nghiêm lắm, không có công việc gì thì cô chớ nán lại lâu kẻo lại gặp tai bay vạ gió." Chu Cao Mân thở dài, đoạn leo lên ngựa. Vị quan định thúc ngựa đi thẳng cho kịp giờ phụng mệnh thánh thượng và hoàng thái tử, nhưng thoáng thấy cô gái lén lau mắt, ông lại thấy thương tình. "Cô có tự về được không? Hay là vào trong kia rồi ta gửi mấy bà cụ đi chợ sớm cho theo một đoạn."

"Bẩm quan, tôi không dám." Nói rồi Khanh khoanh tay cúi chào.

Chu Cao Mân cũng không dám nán lại lâu, ông phi ngựa đi tiếp. Chỉ còn Khanh đứng ngây người, nàng nhìn mũi hài thêu nhô ra từ tay nải. Mặt trời ló rạng, ửng hồng cả một mảng đằng đông theo tiếng gà gáy sáng. Khanh nhớ lại lời quan huyện vừa nói khi nãy, ngày mai Nhữ Dương đón dâu rồi, nàng biết mở lời với chàng thế nào đây? Lúc trước, chàng hỏi lấy nàng làm lẽ, nàng dứt khoát khướt từ. Chuyện ấy chẳng giống như bát nước đã hắt đi. Giờ nàng hẳn phải là đứa mặt dày mày dặn mới dám đến gặp chàng xin được theo về làm lẽ. Khanh thở dài, nàng nhìn về phía làng Đọi, đôi chân hẵng còn đau vì cú ngã tập tễnh đi theo hướng ngựa vừa phi. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro