Chương 4 - 1: Tựa bóng tùng quân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ai xui buổi trước gặp nhau

Cho dây thiên lý quấn vào tùng quân.

- Ca dao -



Cuộc lễ lạt mà người dân làng Đọi cất công sắm sửa hàng tháng trời bắt đầu khi cỗ kiệu của đức vua hạ trên thửa ruộng rộng dưới chân núi, ngay trước đàn tế Thần Nông. Người bước xuống kiệu, rồi theo lệ thường mà đi thẳng đến đàn tế được đắp cao. Hương án đã bày biện sẵn, chiêng trống cũng theo nhịp mà gióng lên từng hồi, tạo ra cái uy của đấng cửu ngũ chí tôn, khiến cho đám đông dân chúng đứng vây quanh im bặt không dám hó hé thêm lời nào. Buổi sớm mai trong lành, thanh sạch, đức vua đứng trên đàn, người nghiêm cẩn dâng hương rồi cáo tế trời đất, thay cho chúng dân trăm họ cầu mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Lại một hồi chiêng trống vang rền nữa, chầu tế của thiên tử kết lại. Mục Huyền đứng phía dưới, chàng gật đầu ra hiệu cho Chu Cao Mân để cao niên trong làng dắt ra con trâu trắng to khỏe đã đóng sẵn cày. Theo lệ cũ, đức vua bước xuống đàn tế, người đón lấy cái cày, học theo nhà nông mà đi ba luống đầu tiên. Người không thạo việc cày cấy, nhưng nhìn mỗi đường cày lật lên những thớ đất nâu sẫm còn ẩm hơi sương lẫn nhựa cỏ non của mùa xuân, nét mặt người nom tươi tỉnh hơn vài phần. Đức vua cố đi sá cày thật chậm, xới đất thật tơi, cốt là để cho các nàng thiếu nữ khoác áo màu cánh kiến theo sau kịp gieo hạt. Khi đi xong sá cày thứ ba, vầng trán đầy những nếp nhăn đã rịn mồ hôi, đức vua giao lại cày và trâu cho kẻ dưới, người chỉnh trang y phục rồi đi lên bờ ruộng, hào hứng chờ xem con trai mình đi tiếp bảy sá cày nữa. Hoàng thái tử nhận lấy cày, chàng cũng học theo đức vua, cẩn trọng đưa lưỡi cày xới tơi mảnh đất ruộng. Thêm một đợt hạt được gieo xuống. Thế rồi lần lượt đến các quan viên theo hầu, ai nấy đều xắn tay áo mà đi vài sá cày để tỏ nghiệp nhà nông khó nhọc nhường nào. Sau cùng, lúc ruộng được cày xong xuôi, đức vua hài lòng khen ngợi tất cả quan viên. Người nhìn thửa ruộng trước mắt, tỏ ý mong chờ sang năm thóc gạo bội thu, lại căn dặn quan viên trong vùng phải chăm lo cho dân chúng. Mục Huyền đứng lẫn với bá quan, chàng chăm chú vào lời nói lẫn cử chỉ của thánh thượng và cả cách kẻ dưới đối đáp. Thật chẳng mấy khi vua tôi đều đồng lòng như thế, đến cả các võ tướng vốn quen một điệu bộ ngông nghênh thường ngày, giờ cũng lại thành những kẻ nhún nhường, biết khép nép vào lễ nghĩa. Đang lúc chàng mải mê xét nét từng vị trong đám quan lại, Huy Vũ đứng bên cạnh khẽ nghiêng đầu nhắc đến chuyện dự hội. Xong lễ thì bao giờ chẳng có hội, em họ chàng hào hứng. Năm nay người ta nghĩ ra thêm nhiều trò hay để mua vui hơn hẳn mọi các năm trước. Mục Huyền gật gù, chàng chỉ lưu tâm đến đám đấu vật mà thôi. Cái sự hờ hững ấy là Huy Vũ lại trở nên nghiêm túc, chàng ta hạ giọng hỏi đến khăn tay và miếng trầu têm cánh phượng hôm qua, hiếu kỳ không rõ người gửi khăn ấy có đi hội hay không. Hoàng thái tử chỉ nhếch miệng cười, vẻ như chắc mười phần nàng ta sẽ đến. Những gì cần an bài, chàng cũng đã an bài xong để đợi nàng. Đến giữa giờ Thìn, mặt trời nhích lên cao thêm một đoạn, nắng cơ hồ gắt hơn, đức vua lên kiệu, người lệnh cho quan nội thị cùng cấm quân khởi giá về dinh trong nghỉ ngơi. Vừa thấy hoàng thái tử muốn theo hầu, người lại xua tay, dặn chàng cứ ở lại dự hội chung vui với dân chúng. Theo tiếng hô dõng dạc của quan nội thị, đoàn rước xếp thành hàng lối nghiêm trang để rước thánh thượng hồi dinh. Năm cờ lễ đi trước, đội chiêng trống theo sát gót, rồi đến phu khuân kiệu và mấy kẻ vác lọng, tất cả đều nhất tề nghe lệnh cất bước. Cấm quân liên tục quát dân nhường đường. Đoàn rước lúc đi rộn ràng ra sao thì lúc về cũng vậy, dân chúng hai bên đường túa ra đứng san sát nhau cố chen lấn để nhìn thấy kiệu rồng được một lần, đám trẻ con là ồn ào nhất, chúng cười nói, khóc lóc lanh lảnh, những đứa to gan còn đầu têu đọc vè. Chúng đọc vè về lắm thứ, nhưng tựu trung chẳng có gì ngoài lời vần vò mà ai đấy nghĩ ra lúc rỗi rãi, lúc để khen lúc để châm biếm, trêu chọc cô ả anh chàng chẳng ai biết là ai. Thoáng trông đoàn rước đã đi được một đoạn, Chu Cao Mân cùng các quan trong vùng mới rụt rè thỉnh Mục Huyền lên ngựa đến xem sới vật của làng. Dân làng mở hội trên một khoảnh đất rộng nằm cách thửa ruộng độ vài dặm, vậy là cả người lẫn ngựa lại giục giã nhau lên đường cho kịp lúc trời còn vương hơi mát. Mục Huyền để Huy Vũ cưỡi ngựa đi ngang hàng, phía sau chàng là ngựa của Thận và vị quan huyện trẻ tuổi. Huy Vũ ngoái lại nhìn Chu Cao Mân một cái cho thỏa tính hiếu kỳ. Ra đây là cái tên ngồi lê đôi mách đã báo chuyện hoàng thái tử gặp cô Nhàn cho Đoàn Thái Úy, chàng reo lên trong lòng. Mấy ngày hôm nay mải theo hầu anh họ, lo toan làm đủ thứ lễ nghi, chàng có biết mặt anh ta nhưng không còn đầu óc nào để so đo tính toán. Giờ cúng tế đã xong, trong lòng nhẹ gánh, Huy Vũ mới nhớ đến cái tội của Chu Cao Mân. Đoạn chàng hạ giọng hỏi hoàng thái tử xem người muốn xử trí ra sao với tên quan huyện không biết điều đang đi phía sau.

"Cho anh ta về kinh, người như anh ta để lại đây đúng là phí của giời." Mục Huyền đáp trước sự ngỡ ngàng của cậu em họ. "Kể ra thì cũng là đồng môn với anh em ta đấy."

"Cái ngữ không biết giữ mồm mép như thế thì anh còn tiếc làm gì?" Huy Vũ đáp. Chàng không phải kẻ hẹp hòi, nhưng đường đi nước bước sau này của hoàng thái tử cần những người có lòng trung phò trợ. Chu Cao Mân suýt làm cho thánh thượng trách phạt thái tử vì một chuyện cỏn con, để cái tên tri huyện này theo hầu, dự vào những chuyện đại sự, thật chẳng khác nào cầm dao đằng lưỡi.

"Tiếc tài của người ta chứ sao. Cứ nhìn dân vùng này ăn no mặc ấm thì biết, đám võ tướng có làm được thế không?" Thái tử bật cười sảng khoái. Chàng nói thật những gì đang nghĩ trong đầu. Đời thái tổ và thánh thượng đều phải lo toan chiến trận nên võ tướng nhiều hơn văn quan, triều đình theo vậy trọng nhà binh mà xem nhẹ những nghiệp khác. Chẳng lẽ lại cứ như vậy mãi được? Cố nhiên là không. Từ xưa đến nay, dấy can qua nào có làm lên cảnh thịnh thế. Mùa màng tươi tốt, dân chúng hiểu lẽ đúng sai, bán buôn tấp nập, ấy mới là thịnh thế. Dù Chu Cao Mân ưa thói Nho gia gàn dở, nhưng lại cũng theo thói đấy mà một lòng chăm lo cho dân. Giả như chàng vì việc tư nên vùi dập tài hoa của người này, để anh ta chôn chân chốn quê mùa, thì hóa ra chàng cũng chẳng khác đám võ tướng huênh hoang chàng ghét là mấy.

"Nhưng còn chuyện với Đoàn thái úy?" Lời của thái tử không sai, hiềm nỗi Huy Vũ vẫn chưa xuôi khi nghĩ đến việc viên quan tri huyện đi báo tin cho Đoàn Thái Trác.

"Có công thì thưởng, có tội thì phạt, thế thôi." Thái tử điềm nhiên. Quan thái úy hẳn không để Chu Cao Mân làm được cái gì ra hồn, suy đi ngẫm lại, chàng đoán ông ta rồi sẽ bỏ mặc anh ta trong Hàn lâm viện. Người như tên quan huyện ấy phải kinh qua cảnh bị bó tay bó chân với cái chức có tiếng mà không có miếng thì mới sáng mắt ra.

Đoàn người ngựa của hoàng thái tử và các quan viên đi đến đâu, lính tráng dọn đường đến đấy nhưng cũng không ngăn được cảnh người từ khắp nơi trong vùng đổ về nườm nượp để trẩy hội. Nhập vào dải dài những người là người đi theo sau quan binh, có ông già bà cả, trẻ con, thanh niên, rồi các cô thiếu nữ xúng xính váy áo vui vẻ cười nói. Họ làm cho cái sự uy nghi của cửa quan mềm đi vài phần, lại như tô điểm thêm sắc xuân, gợi ra niềm khoan khoái trong lòng người. Huy Vũ thích cảnh tươi vui tấp nập ấy, chàng ngồi ngất ngưởng trên lưng ngựa, ngâm nga mấy câu thơ, vịnh lại cuộc bộ hành trẩy hội. Dù chỉ là tiện miệng ngâm, nhưng ý tứ nhã nhặn, khoáng đạt, khiến Mục Huyền đi bên cạnh phải khen ngợi. Con đường từ chân núi dẫn về khoảnh đất rộng mà người ta mở hội phải vòng qua một cái đầm rộng. Khi đoàn người vừa chớm bước đi qua đầm ấy, bỗng dưng con ngựa của hoàng thái tử lồng lên dữ dội, suýt thì hất văng cả chủ xuống. Những người xung quanh đều hốt hoảng, họ lùi ra xa khỏi vòng vẫy vùng của con ngựa , Huy Vũ quát gọi lính tráng hộ giá, còn Thận vội xuống ngựa, chạy đến tức thì.Viên cận hầu cố vươn tay tóm lấy phần dây cương ở miệng ngựa, đoạn anh ta dùng sức kéo ghì nó xuống.Tựa như một tay giám mã lành nghề, Thận vừa siết cương vừa vuốt ve trấn an con ngựa, cố không để nó lồng lên. Thái tử vẫn ngồi vững trên yên, chàng đợi cho người hầu thuần được con vật mới ra lệnh đổi ngựa. Các quan viên đều tái mặt, họ luống cuống dắt đến một con ngựa khác cũng đã được đóng yên. Nhưng kỳ lạ làm sao, khi vừa bước đến trước mặt Mục Huyền, con ngựa mới cũng lồng lên, hí vang một tiếng rồi cào móng liên hồi xuống mặt đất, xéo nát cả mảng cỏ non mơn mởn. Cái nhíu mày của hoàng thái tử khiến cho kẻ dưới càng thêm sợ, Chu Cao Mân nhìn sang thứ sử Phan Bình, đoạn vị quan rời yên, toan dâng con ngựa anh ta cưỡi cho chàng. Thế nhưng Chu Cao Mân lại chậm chân hơn Huy Vũ, cậu ấm phủ Đông Chính hầu nhanh nhẹn dắt con ngựa của mình đến cho thái tử. Dẫu vậy, cũng chẳng khác gì hai con ngựa trước đấy, vừa đến trước mặt Mục Huyền, con ngựa thứ ba hí vang và cào móng liên tục xuống đất. Cả đoàn người nổi lên những tiếng bàn tán, quan viên có mặt đều nhìn nhau ái ngại, ai nấy đều túa mồ hôi ướt đẫm áo. Cớ gì đã thay đến ba con ngựa mà không con nào chịu đi? Đang lúc người ta rối bời, chợt lời vu vơ bàn tán vu vơ của đám dân chúng lọt đến tai hoàng thái tử, đoán rằng quanh quẩn nơi này hẳn phải có sự lạ nên ngựa mới mãi không đi tiếp. Dễ là thế lắm, các cao niên gật gù, chuyện ngày trước vua tiền triều đi ba sá cày cũng đào được hai hũ đầy vàng bạc vẫn còn đấy. Con ngựa mà hoàng thái tử đang cưỡi lồng lên thêm phen nữa khiến quan quân lẫn dân chúng đều cả kinh. Hay dưới đầm nước có gì? Mục Huyền xuống ngựa, chàng hạ lệnh cho kẻ dưới xem xét quanh đầm. Mặt trời lên cao, nắng gắt hơn, cả đoàn người rệu rã đứng nhìn lính tráng lục lọi từng bụi cỏ trên bờ đến đám rêu dưới nước. Cứ một lúc đám đông lại đoán già đoán non ra một đằng. Mãi đến gần giữa giờ Tỵ, có tiếng người reo lên, lính tráng đem dâng hoàng thái tử cái tay nải.

"Mở ra cho ta xem." Mục Huyền nép vào trong bóng lọng che râm mát, chàng ra lệnh cho kẻ hầu mở tay nải.

Thận tháo nút vải, anh cẩn trọng lật từng lớp vải xếp phủ lên nhau. Khi lớp cuối được mở ra, cả thái tử lẫn dân chúng đều thấy một cái hài nữ. Thứ ấy được khâu bằng tơ màu đỏ, mũi hài thêu hai hàng dây hoa uốn mềm mại, điểm xuyến dọc theo dây hoa có đính mấy viên ngọc mã não bé bằng nửa hạt gạo. Mục Huyền cầm cái hài lên nhìn chăm chú, nó nom nhỏ nhắn, xinh xắn rõ thích mắt. Bên trong hài lót lụa trắng bóng, khâu kết bằng sợi bông, đều là thứ thượng hạng mà con cái nhà giàu mới có. Cái thứ nhỏ xinh này thì ai mà xỏ vừa cho được? Mà giả như có xỏ vừa, hẳn cũng phải là gót ngọc gót ngà mới không làm sờn lụa trắng. Chàng cứ cầm hài trên tay mà đăm chiêu, một hồi lâu sau, chàng bỗng rơi nước mắt. Kẻ dưới thấy sự lạ lùng ấy đều thảng thốt, chẳng ai bảo ai, tất cả đều nhất tề quỳ xuống xin xá tội.

"Các ông nào có tội gì. Ta nhìn hài này, nhớ đến giấc mơ cách đây ba hôm mà không kìm lòng được thôi." Thái tử buồn rầu nói.

"Bẩm điện hạ, chẳng hay điện hạ đã mộng thấy điều gì để đến nỗi tỉnh dậy rồi hẵng còn canh cánh trong lòng?" Trong số các quan theo hầu, có người đánh bạo thưa hỏi.

"Ta mơ thấy có người con gái ngồi khóc trên bè hoa ở giữa sông. Nàng xin ta trả lại hài đã đánh rơi. Vốn cứ nghĩ chuyện chiêm bao làm gì có thật, chẳng ngờ..." Mục Huyền thở dài, chàng tự tay gói hài vào lại tay nải. "Thôi thôi, cũng chỉ là ta đa sầu đa cảm, tìm thấy ở đâu thì lại đặt về đấy cho người ta."

Các quan nhìn nhau, riêng Chu Cao Mân nhíu mày. Vị quan trẻ định có lời can gián thái tử chớ nên để tâm để chuyện mộng mị huyễn hoặc, nhưng còn chưa kịp lên tiếng thì thứ sử Phan Bình đã tấu trước.

"Bẩm điện hạ, mơ mà ứng nghiệm ra đời thật như vậy, ắt trời ban huyền cơ. Thần trộm nghĩ hay là điện hạ cứ giữ lấy hài này, rồi tìm trong đám con gái đến xem hội có ai nhận thì trả cho họ để hợp ý trời." Vị quan nói một hơi. Thấy thái tử ngần ngừ, ông lại nói thêm. "Chẳng hay điện hạ có còn nhớ mặt mũi người con gái kia không?"

Thái tử lắc đầu. Nhưng rồi như nhớ ra điều gì hệ trọng, chàng ngập ngừng nhắc đến nốt ruồi son trên cổ tay trắng ngần, nom giống hạt đậu. Vị quan trạc ngũ tuần nghe vậy thì biết trong lòng thái tử cũng lưu luyến nàng con gái kia, ông càng vồn vã hơn, lựa lời tâu xin chàng hạ lệnh để kẻ dưới đi rao mọi ngả cho người đánh rơi hài đến nhận lại. Những người khác cũng gật gù cho là phải. Quan viên đến dân chúng đều nài nỉ thái tử cứ tuân ý trời mà tìm người trả hài. Rốt cuộc, chàng đành thuận theo, sai lính đi loan tin để con gái trong vùng biết, nếu có ai đánh rơi hài thì cứ đến nhận về. Lời thốt ra từ miệng hoàng thái tử, dẫu chỉ quyết theo cái sự chiêm bao hoang đường, đều thành việc hệ trọng mà chẳng người nào lại không muốn được can dự vào ít nhiều. Người này rỉ tai người kia, mõ rao từ làng này sang chạ khác, chuyện thái tử nhặt được hài quý lúc xa giá ngang qua đầm cứ nửa kín nửa hở mà truyền đi khắp mọi ngả. Thế rồi chẳng rõ từ đâu, các bà các cô râm ran với nhau rằng thái tử lỡ tương tư người con gái trong mơ nên mới cố sức tìm cho được nàng ngoài đời thật để kết duyên, hễ cứ ai ướm chân vừa hài sẽ được hưởng cái phúc phần tựa mạn thuyền rồng, từ con cú con quạ hóa thành con công con phượng. Đám hội cũng nhờ thế mà rộn ràng hơn hẳn. Người đến xin hài nhiều không đếm xuể, chen chúc nhau đứng trước cửa đình làng Đọi. Thoạt đầu, anh hầu Thận còn hỏi han tên tuổi từng cô, nhưng sau thì anh chỉ đứng nhìn lính đem hài cho các cô xỏ thử. Cuộc ướm chân ấy kéo dài đến tận gần trưa cũng không ai xỏ vừa được. Huy Vũ ngồi trong đình, nhìn cảnh đàn bà con gái thử hài bên ngoài mà ngáp dài. Sao lại lắm người dại thế không biết, chàng nhấp một ngụm nước chè, trong lòng nghĩ thầm như vậy. Thái tử nào có tìm người đi vừa hài, người ta tìm là tìm cái cô có nốt ruồi son ở cổ tay.

"Nhỡ thánh thượng biết được..." Huy Vũ ngáp đến chảy nước mắt, chàng hỏi dò anh họ.

"Người có biết cũng là sự đã rồi. Chẳng nhẽ người lại lỡ đi rẽ duyên?" Mục Huyền ngồi trên sập gỗ, tựa vào gối gấm mà nói.

"Nhưng mà ngộ nhỡ người làm thế thật thì sao?" Hẵng còn Đoàn thái úy lẫn Thuần Đức phu nhân ở đấy, thánh thượng nhẽ nào lại xuôi theo cái chuyện hoang đường này, cậu ấm hầu phủ nghĩ trong đầu.

"Thánh thượng không làm vậy được." Thái tử mở cơi gỗ, chàng lấy một miếng trầu đã têm sẵn ra hình cánh phượng. Bắt gặp nét mặt trân trối của Huy Vũ, chàng nói thêm. "Cứ hễ là con gái Mai Xá thì người sẽ mắt nhắm mắt mở cho qua thôi."

Huy Vũ bị sặc nước chè, chàng ho liên hồi, mặt mày đỏ au lên. Chuyện như thế mà thái tử cũng nghĩ ra được, chàng vừa vuốt ngực vừa nói. Cái người thái tử sắp lấy về nào phải dân Mai Xá, nhưng cứ để nàng ta nhận bừa như thế thì quả thực cũng chẳng ai làm gì được. Thánh thượng hẳn còn chưa quên phu nhân Trần thị, Đoàn thái úy lại càng không tiện ra mặt trách cứ, mà phu nhân Thuần Đức cũng khó mở lời oán thán. Ai chẳng biết thái tử nặng lòng với cái làng ấy, yêu đất rồi dắt díu đến người, có muốn lấy vợ lẽ quê ở đấy cũng là chuyện thường tình. Lúc trước, Huy Vũ chỉ nghĩ anh họ chàng gặp người vừa ý nhưng ngại nàng ta xuất thân quê mùa nên mới bày ra lắm chuyện, cốt sao để cho nàng theo mình được danh chính ngôn thuận. Giờ chàng mới hay, cái lòng lờ lững lạnh tanh của thái tử vẫn vậy, chỉ e nàng quý nhân trời ban này rồi cũng thành Thuần Đức phu nhân khác mà thôi. Huy Vũ thở dài thượt, mắt nhìn ra khoảng sân đình nườm nượp đàn bà con gái, khéo có khi ướm không vừa hài mới là kẻ dày phúc. Cuộc chè nước đang tạm lắng thì đột nhiên vọng vào tiếng reo lên, có người đã xỏ vừa hài. Dân chúng đều xôn xao, nhao nhao lên hỏi nhau là ai, đẹp xấu thế nào, rồi họ lại xuýt xoa ngay. Cô con gái đi vừa hài thật có quý tướng. Huy Vũ nghe không sót lời nào, đoạn len lén nhìn sang anh họ. Mục Huyền vẫn điềm nhiên nhai trầu, chẳng vẻ gì là sốt sắng. Mãi đến lúc Thận đưa cô gái đến trước ngưỡng cửa, xin được vào diện kiến, thái tử mới nhổ bã trầu vào ống mà chấp thuận. Đấy là lần đầu tiên cậu ấm Huy Vũ thấy rõ mặt mũi nàng ta. Thái tử cũng khéo chọn lắm, chọn được đúng một mỹ nhân, chàng thầm nghĩ. Nàng đã mười tám tuổi, ngấp nghé cái ngưỡng quá lứa lỡ thì, nhưng nhan sắc lẫn vóc dáng vẫn đẹp đến động lòng người. Chẳng trách sao thái tử lại quyết chọn nàng theo hầu.

"Bẩm điện hạ, hài là của tôi." Nàng run rẩy nói, rồi mở trong tay nải đeo bên người lấy ra thêm một cái hài nữa giống hệt như vậy. "Cái này cùng một đôi với cái kia."

Nàng trao hài của mình để anh hầu dâng lên thái tử. Quả là cùng một đôi, chàng nói. Mắt chàng nhìn nàng chăm chú. Mấy ngày trước gặp trên thuyền vào lúc buổi đêm đã biết nàng cũng có nhan sắc, nhưng đến hôm nay, khi trời sáng rõ thế này mới hay cái nhan sắc ấy không thua kém gì con gái nhà quyền quý trên kinh thành. Lòng chàng chợt cảm thấy hả hê đôi phần, dẫu chỉ để trưng ở trong nhà thì ai chẳng thích ngắm cái đẹp. Huống hồ, so với Thuần Đức, nàng khỏe khoắn, từ ánh mắt đến vóc dáng đều linh động, xinh tươi hơn hẳn.

"Hài của nàng thì trả cho nàng." Mục Huyền bước xuống sập gỗ, chàng tự tay đưa đôi hài cho nàng." Trong mơ người ta đã hứa đền ơn trả lại hài, chẳng biết giờ lời ấy có còn tính nữa hay không?"

Nàng cúi đầu, đôi hàng mi rủ xuống. Một hồi sau, nàng khẽ gật đầu. Chỉ chờ có vậy, Huy Vũ cất tiếng chúc mừng cho Mục Huyền được trời ban lương duyên. Thế rồi cũng rất nhanh sau đấy, cả làng cả tổng đều hay biết chuyện ướm hài tuyển vợ của hoàng thái tử. Trong những cuộc chè nước nơi quán xá, người già rủ rỉ đấy là số, là điềm lành cho vùng này, còn đám người trẻ lại bàn tán lắm sự hơn. Họ khen, họ chê cô gái, rồi quay sang tiếc rẻ thay anh con giai nhà cụ lang vuột mất mối tốt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro