Chương 8 - 2: Đãn tri kim nhật nguyệt (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đến mùa sen tàn, khắp kinh thành râm ran có tin sang tháng Chạp, nam đinh ở các lộ sẽ phải tòng quân. Chúa động họ Can dấy binh làm phản, chiếm một châu Thảng Do rồi lập thành nước riêng, ắt rằng ra Giêng có đánh nhau to trên mạn ngược. Người ta rủ rỉ thế, lại bảo nhau lo liệu đủ đường để đón lõng cái lệnh tòng quân mười mươi sắp được ban xuống, rồi cũng theo đấy, nam phụ lão ấu đều ngóng quan thái úy hồi kinh chăm chú hơn hẳn những bận khác. Ngày Thìn quan vào thành, thì từ tối hôm trước, đã có người í ới hẹn nhau đón quan lúc tinh mơ. Quan thái úy hốc hác thấy rõ, dân chúng xì xào khi thấy ông ngồi lắc lư trên yên ngựa, hai vai hơi rủ làm bộ giáp trên người trông như đang đè nặng lên ông. Rời mắt khỏi Đoàn thái úy, người ta nhìn sang vị đang cưỡi ngựa chậm rãi đi ngang hàng với ông. Chàng còn trẻ, chỉ độ ngoài hăm mươi, nhưng tướng mạo lẫn phong thái đều nghiêm nghị, đĩnh đạc hơn hẳn người thường ở cái tuổi đấy. Tấm áo màu chàm của chàng, cả khăn đội, những ngón tay đeo chồng đến hai ba nhẫn bạc, cổ tay lồng mấy cái vòng rung lên theo nhịp vó ngựa gõ xuống đường, tất cả đều khác lạ trong mắt người ở thành Thăng Long. Đâu đấy giữa đám đông đứng dạt sang hai bên vệ đường, có cụ già khẽ dạy đứa cháu nhỏ đang giơ ngón tay bé tí chỉ trỏ chàng thanh niên, đấy là chúa động trên lộ Thượng Nguyên. Giọng nói thều thào ấy lọt vào tai, chàng thanh niên hơi ngoái đầu, cặp mắt màu nâu đồng nhìn một lượt những người đang đứng lố nhố rồi dừng lại trên khuôn mặt ngơ ngác của đứa trẻ con đầu để tóc quả đào. Nó không lảng tránh đôi mắt như mắt mèo rừng của chàng, nó cứ nhìn, nhìn xong lại nhe răng sún ra. Chàng cũng hừ một tiếng, cố nén cơn buồn cười. Đúng là trẻ con, chúng nó chẳng biết uy chúa động gì cả, dẫu thánh thượng ngự ngôi cao cũng còn phải nể cái uy đấy. Lần này chàng nghe lời mẹ, theo Đoàn thái úy về kinh, tự tay giao đứa con trai lớn của Can Lộc cho thánh thượng để người biết chàng có tài thế nào, nhà chúa động Giáp một lòng với triều đình chứ không nghe theo họ Can làm loạn. Chàng từng đến đất Kẻ Chợ đôi lần, lúc còn nhỏ và lúc mãn tang bố, lần thứ ba này cơ hồ thấy cảnh trí lẫn dân ở đây cũng chẳng khác là mấy. Trừ mỗi việc tiết trời vào đông, cả kinh đô trông u ám đến buồn. Thánh thượng long thể bất an, thế nên người cho triệu cả chàng và quan thái úy lên gác Long Đồ.

"Tôi vâng lệnh thánh thượng đợi hai ông ở đây từ cuối giờ Mẹo. Sáng nay thấy long thể bất an nên người miễn chầu cho quan viên, chỉ dặn tôi bao giờ quan thái úy vào cung cùng ông Quý Thiện đây thì phải đưa đến gác Long Đồ để hai ông diện thánh." Viên nội thị phụng lệnh dẫn đường cho hai người đợi sẵn ở trước điện Thiên An vừa hơi cúi đầu vừa đưa tay ra hiệu mời đi theo.

Chúa động ngần ngừ, nhưng thấy quan thái úy đã theo bước viên nội thị, chàng cũng xuôi theo. Gác Long Đồ nằm phía sau tòa điện to, là chỗ thánh thượng hay ngự mỗi bận nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Quan viên trong triều, đến cả các cung tần lẫn hoàng nam hoàng nữ đều phải có lệnh cho vời mới được vào hầu. Lúc Quý Thiện và quan thái úy theo chân nội thị vào diện thánh, người đang ngồi nhàn nhã trên sập gỗ, tay cầm quyển, tay chống nhẹ lên gối gấm. Bên cạnh người, hoàng thái tử đứng hầu, chàng dặn dò các cung nữ sửa soạn bữa thiện và mang ra thêm hai cái áo ấm. Vừa thấy Quý Thiện, Mục Huyền đã nở một nụ cười, đoạn chàng cho tả hữu lui xuống, rồi khẽ bẩm để thánh thượng hay là người đã đến.

"Bẩm thánh thượng, Quý Thiện bắt được con trai cả của Can Lộc, nay nghe theo lời mẹ, xin giải nó về kinh để thánh thượng xử trí." Chúa động Giáp chắp tay, dõng dạc thưa.

"Giỏi, giỏi lắm. Quý Thiện càng ngày càng giống phò mã. Lại đây, trời lạnh, cháu nhai miếng trầu cho ấm người." Thánh thượng vẫy tay nhè nhẹ, bộ dạng người cơ hồ giống dỗ dành trẻ con. Nhưng ai bảo người quý đứa cháu trai này hơn hẳn những đứa khác, nên dẫu nó đã thành chúa động, cao lớn vạm vỡ, người vẫn thấy nó như chỉ mới lên chín lên mười. "Cả quan thái úy nữa, ăn lấy một miếng."

Mục Huyền bê cơi trầu đem đến mời quan thái úy. Chàng lấy làm gượng gạo khi đứng trước ông ta. Chắc cũng đã có người kịp báo cho họ Đoàn biết chuyện Thuần Đức gặp nạn.

"Công chúa dạo này có còn đau khớp nữa không?" Thánh thượng hỏi chúa động. Công chúa Ngọc Lan là chị ruột của người, tiên đế gả nàng về làm dâu động Giáp cũng ngót hai chục năm. Nghĩ đến cảnh chị gái góa bụa, bơ vơ nơi đất khách quê người, thánh thượng lòng lúc nào cũng thấy canh cánh không yên.

"Bẩm thánh thượng, đầu năm có người Tống dâng bài thuốc hay, bệnh tình của mẹ thần đã bớt được vài phần." Quý Thiện vui vẻ, nói rồi, chàng thả miếng trầu vào miệng nhai dập, nhường quan thái úy hầu chuyện thánh thượng.

"Quan thái úy, thương thế của ông nặng nhẹ thế nào?" Thánh thượng nhấc chén nước chè, người hỏi.

"Bẩm thánh thượng, thần tuổi già sức yếu, muốn đền ơn vua mà lực bất tòng tâm. Dẫn quân chưa thắng trận đã phải quay về, thật thấy thẹn trong lòng, xin người xá tội cho thần." Quan thái úy vội quỳ sụp xuống, ông đáp lại, giọng điệu thống thiết.

"Đứng dậy, Mục Huyền, con ra đỡ ông ấy dậy." Thấy họ Đoàn dập đầu tạ tội, thánh thượng đưa tay ra hiệu cho hoàng thái tử, người thúc giục chàng đỡ viên đại thần đứng lên. Đoạn, thánh thượng đưa tay lau nước trầu vừa tứa ra từ khóe miệng, rồi người ân cần trấn an. "Gọi là chưa thắng được trận to, nhưng trận nhỏ cũng nào có thua. Ông và Quý Thiện bắt được con trai của Can Lộc, công này ta ắt sẽ thưởng."

"Bẩm thánh thượng, họ Can đấy, nó ranh ma, ngông nghênh chẳng coi ai ra gì. Nó sai người sang động Giáp, đem của nả, trâu ngựa ra dụ dân đi theo. Lúc thần và mẹ hay tin, đã mất mấy mươi trai tráng bỏ theo nó, kéo nhau sang đất Thảng Do làm phản. Thần được quan thái úy đây giúp sức, đưa quân đánh vào động Hỏa Lôi, bắt được con trai, con dâu và cháu nội nó." Quý Thiện ngừng nhai trầu, chàng hăng hái kể lại chuyện đánh vào đất của Can Lộc.

"Người động Giáp với ta là chỗ người nhà, họ Can khinh nhờn quá đáng." Thánh thượng nghe xong, người nghiêm nghị. "Ông Trác, ông thấy nên xử tội con cháu Can Lộc thế nào cho phải đây?"

Quan thái úy đứng cạnh hoàng thái tử, nét mặt thất thần, nghe nhắc đến tên chợt làm ông giật mình. Đôi môi khô nứt nẻ hơi mím vào, đôi mày nhạt màu nheo lại, nghĩ một lúc, quan thái úy ngập ngừng tâu xin xử nhẹ. Tội làm phản đáng ra xử chém cả nhà, nhưng Can Lộc giờ đã xưng đế, có giết con cháu y cũng chỉ là việc cháy nhà mới đi tìm nước. Thánh thượng nghe thế, nét mặt hiện vẻ hài lòng. Người chưa vội cho truyền quan chi hậu vào truyền lệnh thảo chiếu ngay, mà hỏi han thêm vài chuyện trên lộ Thượng Nguyên và động Giáp. Đông về trời trở lạnh, việc binh đao theo đó cũng tạm ngưng, nhưng chuyện lương thảo, mộ binh thì phải suy tính trước từ bây giờ. Sang đến giữa giờ Mùi, thánh thượng mới cho cả quan thái úy, Quý Thiện và hoàng thái tử cáo lui.

"Bẩm điện hạ, xin điện hạ dừng bước, tôi có chuyện nhờ cậy." Vừa ra khỏi gác Long Đồ, quan thái úy đã vội gọi với theo Mục Huyền. Bước đi của ông gấp gáp hơn, làm thanh kiếm dắt bên hông va vào giáp loảng xoảng. Đứng trước mặt hoàng thái tử, ông chắp tay, giữ lễ nghiêm cẩn rồi dè dặt mở lời. "Còn chưa về kinh, tôi đã nghe người nhà báo tin phu nhân Thuần Đức gặp chuyện không may, ruột gan tôi giờ nóng cồn cào. Xin điện hạ cho tôi được theo về cung Long Đức, gọi là thăm nom phu nhân một lúc cho thỏa lòng kẻ làm bố này."

Mục Huyền nghe lời khẩn cầu của quan thái úy. Chàng lấy làm lạ vì cái sự dè dặt, ngần ngừ khác hẳn thói lạnh tanh ngày thường ấy.

"Thầy không nói thì ta cũng sẽ cho võng kiệu sang rước. Cơ mà thầy đang bị thương, lại lặn lội mấy ngày trời, đi từ chốn rừng thiêng nước độc về đến đây, hay là thầy cứ về phủ cái đã..." Chàng toan khuyên ông ta, nhưng chưa dứt câu đã bị cắt lời.

"Bẩm điện hạ, thân già này chỉ có hai đứa con, Ngọc Uyển đang như thế, tôi còn lòng dạ nào để nghỉ ngơi?" Quan thái úy thành thật, hai tay chấp với nhau, ông cúi người thêm lần nữa. Lần này Mục Huyền mới nhận ra, mái tóc đã điểm sương của ông cơ hồ thêm bạc đi.
Đoàn Thái Trác thương con ông ta thật. Chàng nghĩ thế mà mủi lòng. Họ Đoàn trước giờ chẳng kiêng nể ai, đến hoàng thái tử như chàng, ông ta cũng có lúc xem nhẹ. Ngang tàng, hống hách là thế, nhưng cứ nhắc đến Thuần Đức, quan thái úy lại chịu nhún nhường lắm.

"Thôi cũng đành... thầy đã không ngại thì để ta lệnh cho đứa hầu thắng yên ngựa, ta và thầy cùng hồi cung Long Đức." Nói rồi Mục Huyền quay sang cáo lỗi với Quý Thiện, người nãy giờ vẫn muốn cùng chàng đến cung Thúy Hoa bái kiến lệnh bà Đàm thị. "Ta thấy anh đi đường xa vất vả, chẳng bằng anh cứ về phủ nghỉ ngơi, ngày mai ta sẽ dẫn anh vào gặp bà ấy."

Nói rồi Mục Huyền vái chào Quý Thiện, chàng gọi một quan nội thị trẻ tuổi đang đứng gần đấy lại, sai anh ta truyền lệnh cho bọn nô đổi từ võng kiệu sang ngựa cho mình. Cung Long Đức mấy hôm ấy đang trong cảnh ảm đạm, người hầu kẻ hạ đón hoàng thái tử và quan thái uy có phần chậm chạp, nhưng chàng cũng không vì thế mà trách tội họ.

"Quan viên đáng ra không được vào nội viện, ta niệm tình thầy lo cho Thuần Đức nên hôm nay để thầy sang Thường Xuân đường thăm nàng." Nói rồi Mục Huyền ra hiệu mời họ Đoàn đi theo mình.

Nơi Thuần Đức ở sáng hôm ấy tĩnh mịch hơn mọi ngày. Nàng vẫn chưa khỏe hẳn, nên không ưa đông người ra vào, chỉ để lại hai cung nữ thân cận và Khanh cho có bạn chuyện trò. Nàng phủ thiếp vốn khéo chăm nom người ốm, nên phu nhân cũng không gặp điều gì bất tiện. Uống xong bát thuốc sắc đắng nghét, không để Khanh dọn dẹp khay gỗ bê thuốc, Thuần Đức đã níu tay nàng lại, bắt ngồi xuống ghế. Phu nhân nhìn Khanh chăm chú một hồi, đoạn hỏi han mấy chuyện trong cung. Đến tháng sen kết đài, hoàng thất có vài bận lễ lạt, giỗ chạp. Năm nay, thánh thượng long thể bất an, lệnh bà Đàm thị đã sai Bảo Quốc hầu thay người về châu Cổ Pháp dâng lễ ở thái miếu. Đại thể thế cũng là xong được nửa phần, nửa còn lại, hoàng thái tử vẫn phải gánh vác.

"Thêm dăm ngày nữa, ta xuống giường được, rồi ta sẽ dạy em cách sửa soạn thế nào. Phàm cứ là chuyện tế tự, chị em ta đều phải cẩn thận từng li từng tí một." Thuần Đức nhẹ nhàng, sắc mặt nàng hẵng còn nhợt nhạt, môi khô rốc. Thấy Khanh vâng dạ, nàng lại nhớ đến chuyện con Mộc kể tối hôm qua. Cô của nàng nóng nảy gây ra sự thất thố với Khanh, trong lòng nàng áy náy không yên. "Khanh này, đêm hôm ấy, cô của ta có không phải với em..."

"Bẩm phu nhân, sao phu nhân biết ạ?" Khanh đang têm trầu, vừa nghe Thuần Đức nhắc lại chuyện cách đây mấy hôm, nàng giật mình lúng túng.

"Người hầu kẻ hạ trong cung này nhiều như thế, sao ta lại không biết được. Ta còn biết em dặn họ không được bẩm với ta." Thuần Đức cười, nét mặt sụ ra của Khanh làm nàng buồn cười. Ngày thường Khanh lúc nào cũng dè dặt, lễ phép, nhưng giờ nàng ta đã biết dỗi, biết không vui. Nàng chợt có cảm giác như Khanh giống em gái mình. "Cô của ta là người nóng nảy, ruột để ngoài da, nhưng tâm địa không xấu. Đêm đấy nếu có lời nào không phải, thì xin em bỏ quá cho bà ấy."

"Em... em cũng chỉ là phận lẽ mọn, phu nhân nào cần phải hạ mình như thế." Tay cầm dao bổ cau của Khanh dần buông, nỗi uất ức mấy đêm trước lại dâng lên làm cổ họng nàng nghèn nghẹn.

"Điện hạ đưa cau trầu đến nhà mới đón em vào cung được, thì em cũng là vợ người. Cô của ta giận quá mất khôn, nên vạ miệng mà phi lễ với em. Ta không biết cớ sự, mãi mới nghe kẻ dưới thuật lại, trong lòng ta thật áy náy với em lắm." Phu nhân nhìn thấy nước mắt của Khanh rơi lã chã, nàng càng thêm dịu dàng, cố vươn tay ra nắm lấy tay nàng phủ thiếp mà vỗ về. "Lòng dạ em thế nào, chẳng lẽ ta lại không biết. Chuyện hoàng tôn, đều do ta phúc mỏng chứ... chứ can hệ gì đến em."

Nói đến đây, Thuần Đức cũng bật khóc. Nỗi buồn trong lòng nàng giờ bỗng hóa thành đau, xoáy vào tâm can, làm nàng không kìm nổi nước mắt. Nàng khóc theo Khanh, khóc vì tủi phận. Kể từ ngày theo hầu hoàng thái tử, nàng luôn mong có được một mụn con, nhưng ông trời trêu ngươi, chẳng lần nào nàng được bồng bế con mình trên tay. Đang lúc hai người đàn bà sụt sùi với nhau, người cung nữ bỗng hớt hải vào bẩm báo tin quan thái úy đến thăm. Thuần Đức đưa tay áo lau nước mắt, nét mặt ủ ê mấy ngày nay của nàng tươi tỉnh lên vài phần. Nàng hỏi dồn kẻ hầu, đoạn lại nhờ Khanh dìu mình xuống giường để sửa soạn quần áo, tóc tai cho đúng lễ. Thầy của nàng thế là đã hồi kinh, người ta báo tin ông bị thương nặng, nên nàng vừa vui vừa lo, nóng ruột muốn gặp ông ngay. Khanh cầm lược gỗ, nàng nhẹ nhàng chải tóc cho Thuần Đức, tay đưa lược miệng trấn an phu nhân. Quan thái úy thương con gái lắm, nàng nghe người ta kháo nhau thế, phải phụng lệnh đi xa thì thôi, chứ nếu ông ở kinh thành, cứ mấy ngày ông lại sai người sang dâng đủ thứ của ngon vật lạ, tiếng là dâng hoàng thái tử nhưng kỳ thực đều là cho phu nhân Thuần Đức. Bố con người ta như thế, chẳng trách phu nhân biết quan thái úy được vời vào cung Long Đức, nom nét mặt vui lên thấy rõ.

"Mặt ta có tiều tụy lắm không?" Thuần Đức ngó nghiêng trước gương đồng, nàng lúng túng hỏi Khanh. "Tháng trước lệnh bà trong cung ban cho ta hộp phấn ngọc trai, hay là ta phủ một ít lên mặt..."

"Phu nhân mới ốm dậy, em thấy cứ thế này cũng chả sao. Để em thay dải lụa màu khác với cài thêm hoa cho phu nhân." Khanh nghĩ một chốc rồi thật thà. Nàng không biết cớ gì phu nhân lại lo lắng quá thế.

"Em cứ lấy trong rương đằng kia ra đây, đi nhanh lên, kẻo thầy ta chờ lâu." Phu nhân đưa tay chạm nhẹ lên má mình, rồi nhất quyết nói.

Cũng vì phủ bột quý đấy, nên cả hai nàng chùng chình thêm dễ đến nửa khắc mới rời căn buồng được. Lúc Khanh dìu phu nhân sang gian tiền đường, quan thái úy và hoàng thái tử đã ngồi sẵn ở đấy, ấm chè cũng được châm sang nước thứ hai. Quan thái úy thoáng thấy con gái thì nét mặt nhẹ nhõm đi vài phần. Ông vội đứng dậy, khom người, chắp tay hành lễ với Thuần Đức. Bố con lâu ngày mới được gặp nhau, vị phu nhân mừng mừng tủi tủi, cứ lắp bắp gọi "thầy". Khanh đứng lùi lại phía sau, rồi nép sang hẳn một bên, nàng cũng bị cảnh thân tình ấy làm cho mủi lòng. Ngày trước thầy nàng còn sống, cũng có lần nàng đi chăn trâu lại để trâu phá ruộng nhà khác, bị người ta điệu về tận nhà bắt vạ. Lúc ấy, nhìn thấy thầy đủng đỉnh xin đền cho nhà người ta, nàng cũng tủi thân đến phát khóc giống như phu nhân. Quan thái úy có dáng cao lớn, cục mịch của con nhà võ, da ngăm hơi ngả bánh mật, nhưng nàng thấy lạ khi ông mở lời, giọng ông trầm thấp chứ không sang sảng, rõ là ngược với vóc người. Hoàng thái tử và nàng còn ở đấy, nên cả quan lẫn phu nhân đều giữ lễ, từ lời nói đến cái vái chào đều theo đúng quy củ trong cung.

"Tôi chẳng có gì làm quà cho bà và điện hạ, may sao nghe người ta mách thứ này, sẵn đi qua chợ gặp được hàng bán." Quan thái úy dìu con gái lên ngồi trên sập gỗ bên hữu hoàng thái tử, ông vui vẻ nhìn về phía tráp gỗ đã để ở gần đấy.

"Thầy vâng lệnh thánh thượng đi dẹp loạn, vất vả lắm nỗi, quà này..." Ánh mắt của Thuần Đức lướt sang nét mặt chồng.

"Ta trông cái tráp cũng đoán là thứ quý, người nhà với nhau cả, thầy cho thì nàng cứ nhận mới phải đạo." Mục Huyền trấn an.

Nghe thế, Thuần Đức càng thêm mừng, nàng nhắc Khanh thay ấm chè đã nguội đi, còn mình thì nhấc thử cái tráp lên. Trên nắp tráp dán một mảnh giấy điều, có viết mấy chữ tên hàng bán là Phúc Lai. Thuần Đức cẩn thận gỡ giấy, mở nắp gỗ. Thoáng một cái, nàng ngửi thấy mùi ngòn ngọt lẫn lộn với hương thuốc bắc hăng hắc, thoạt đầu nồng đậm dễ ngả sang ngai ngái, nhưng sau lại thoang thoảng thơm như quà bánh ngày tết. Quan thái úy sợ nàng không quen mùi sẽ chê thứ cao dẻo dai trong tráp, ông vội khen người thương buôn đất Tống quả thật đã giữ lời, bán loại a giao tốt. Khanh đứng bên đợi hầu chè nước cho điện hạ, nghe nhắc đến a giao cũng lấy làm hiếu kỳ. Nàng không biết đấy là cái gì, chỉ đoán nó quý. Mắt nàng len lén nhìn vào tráp trên tay phu nhân, trong đấy có dễ đến mươi miếng cắt con chì màu nâu đen, chúng xếp gối lên nhau rồi được bọc lại bằng giấy, nom như thứ quà ăn lúc rỗi rãi. Mà đúng là ăn được. Quan thái úy dặn đi dặn lại con gái, mỗi ngày ngắt một ít a giao đem pha nước ấm để làm thuốc bổ huyết, dưỡng nhan. Đột nhiên, lúc ông vừa dứt lời, Khanh chợt thấy rùng mình vì mùi thuốc bắc, cổ họng nàng nhờn nhợn. Dẫu cố kìm lại, nhưng nàng không nhịn được cơn buồn nôn đánh thốc đến. Khanh đưa tay che miệng, nuốt nước bọt liên hồi mà vẫn chẳng ăn thua. Sau cùng, khi không chịu được thêm nữa, nàng đành bỏ chạy ra khỏi gian đường, mặc cho sắc mặt phu nhân cùng điện hạ, cả quan thái úy đều như trầm hẳn đi. Khanh có mang. Ngày hôm ấy, ở cung Long Đức truyền ra một tin mừng như thế.

*
* *

Đông đến, trời giăng mưa bụi, dẫu lúc sáng hay về chiều tà, cảnh vật đều ảm đạm một màu bợt bạt làm người ta đâm lười. Nàng cung nữ rón rén bước đến trước cửa buồng ngủ của chủ, tai cố nghe xem vị đang ở bên trong đã tỉnh giấc hay chưa. Vẫn im lìm. Cũng mới là cuối giờ Mão, hẵng còn sớm, nàng ta nhủ như thế. Đoạn rảo bước lui ra xa, vẫy gọi đứa nô đang đội nón, khoác áo tơi quét sân gần đấy lại, sai nó đi giục nhà bếp sắc ấm thuốc cho bà phủ thiếp. Đêm qua hoàng thái tử sang Sùng Hoa Đường rồi nghỉ lại, ngộ nhỡ sáng ra người thấy kẻ dưới chăm nom bà ấy không lên hồn, khéo sẽ giáng tội chết mất thôi. Nhìn theo bóng lưng khoác áo tơi đi khuất, nàng cung nữ đứng nép sau cột, khuôn miệng còn vương hơi trầu thơm nồng cứ xuýt xoa vì cái rét mướt của buổi sớm mai. Nàng ta quả quyết đứng đợi chủ, nhưng rồi cũng tựa đầu vào cột mà gà gật. Bao giờ bà phủ thiếp dậy, ắt bà ấy sẽ cho vời. Nàng ta nghĩ như thế trong lúc hai mí mắt đang díu vào nhau, rồi yên tâm thả mình vào giấc chập chờn. Hiềm nỗi, lậu hồ còn chưa được một khắc, từ gian buồng đã có tiếng đàn ông hắng giọng, cả âm rì rầm trò chuyện. Khanh ngủ không được ngon giấc, từ lúc gà gáy canh ba nàng đã tỉnh, giá thử chẳng vì hoàng thái tử nằm bên cạnh thì nàng đã cho vời cung nữ vào hầu mình ngay lúc đấy. Nhưng chàng nghỉ lại ở Sùng Hoa Đường, nàng không dám quấy quả làm phiền. Thế là nàng trằn trọc hồi lâu, trở mình liên tục, trong đầu lo nghĩ đủ điều. Nàng có mang lúc này thật quá là ông trời trêu ngươi. Phu nhân còn chưa nguôi ngoai, ấy thế mà... Khanh khẽ đặt tay lên bụng, nàng ngại với phu nhân, nhưng trong lòng vẫn có một tí thinh thích, dẫu trước nay nàng không mong cầu gì nó. Một đứa con để nàng lấy làm chỗ nương tựa ở chốn xa lạ này, kể cũng tốt. Nàng chợt nhìn sang người đàn ông đang nằm bên cạnh. Nhược bằng ngày sau chàng có thêm người nâng khăn sửa túi mà nhạt tình phai nghĩa với nàng, ắt chàng cũng sẽ còn nghĩ đến đứa con, thì rồi phận nàng lẽ mọn hẳn không đến nỗi bị chàng hắt hủi. Nghĩ thế, Khanh càng thêm quý đứa con trong bụng, tay nàng vuốt ve nhè nhẹ qua lớp vải áo. Là con trai thì tốt quá, còn nếu là con gái, cố nhiên nàng cũng chẳng việc gì phải ôm rơm rặn bụng.

"Mình mẩy thấy khó chịu hử?" Đột nhiên, Mục Huyền hỏi. Giọng chàng vẫn còn ngái ngủ.

Khanh xoay người nằm đối diện với chàng, khẽ lắc đầu. Lúc mới vào cung mà như thế này, nàng sẽ ngồi dậy, cuống cuồng lo sửa soạn cho chàng, nhưng ở lâu thành quen, lại đang kỳ thai nghén, nàng đâm lười. Vừa lười, vừa bạo gan hơn. Hoàng thái tử cũng không để bụng cái thói ỷ y này của nàng, có khi còn hùa theo chiều chuộng. Chàng nhìn ra ngoài ô cửa, trời đã tang tảng sáng, tiếng chổi sể quét sân vọng vào đều đặn. Kể cũng hẵng còn sớm, chàng kê lại gối, nằm bụng bảo dạ nằm thêm một lúc. Thấy nàng phủ thiếp tỉnh như sáo, đoán là nàng vì đang có mang mà ngủ không ngon giấc, chàng kéo lại chăn đắp cho nàng. Lương thị này thi thoảng cũng như trẻ con, biết cách làm nũng, cũng biết cách quấn người lắm. Chàng vốn không ưa những trò rườm rà, vòng vo của đám đàn bà con gái, nhưng nàng ta khéo miệng, biết tiến biết lùi, dỗ cho chàng xuôi theo ý mình. Đã thế, nàng còn đang có mang. Chàng muốn chấp nhặt cũng chẳng chấp nhặt được. Mắt nhắm mắt mở, chàng ngắm khuôn mặt trái xoan của nàng. Nhìn gần càng thấy đẹp, da thịt cả tháng nay nhờ ăn toàn thứ béo bổ mà nom mòng mọng như mỡ đông, chàng không nhịn được, đưa tay vuốt ve bờ vai trần kia.

"Hôm nay không phải vào chầu, hay là ta ở bên này với mẹ con nàng." Chàng dịu giọng.

"Điện hạ thích thì thiếp nào quản được." Nàng tủm tỉm đáp.

"Thế ra chỉ có mình ta thích đấy phỏng?" Mục Huyền chống tay, nằm nghiêng hẳn sang một bên.

"Thiếp chỉ biết tận lòng hầu hạ, tuyệt chẳng dám nghĩ đến yêu ghét." Khanh ngước lên đáp, giọng nàng ngọt như mật đổ vào tai phu quân.

Đương lúc vợ chồng tình nồng ý đượm, ánh mắt Mục Huyền chợt khựng lại trên tấm áo nàng treo trên giá gỗ, chất gấm dệt đẹp hơn hẳn xiêm y nàng hay mặc.

"Của người ở thái ấp dệt đấy." Đoán là chàng định hỏi đến tấm áo đang vắt trên giá, nàng hào hứng ngồi nhỏm dậy.

"Đã dệt được ra thứ gấm tốt nhường này cơ à?" Mục Huyền buột miệng. Bấm đốt ngón tay thì cũng chỉ vừa qua mấy tháng, chàng bẵng đi không hỏi đến chuyện ở thái ấp, thế mà nay dân ở đấy đã dâng được gấm đẹp cho nàng. Cứ đà này, chỉ sang giữa năm sau, khéo là họ làm ra đủ vải vóc đem đổ cho lái buôn thật.

"Cái đứa nô người Chiêm Thành dạo trước điện hạ ban cho thiếp, nó biết dệt vải. Thiếp đem nó ra thái ấp, bắt nó dạy lại cho đàn bà con gái ở đấy. Trong đám nạn dân từ các trại, vừa khéo cũng có mấy người giỏi trồng dâu nuôi tằm. Mỗi người một chân một tay mới ra được gấm đấy." Khanh thật thà thuật cho chàng nghe. Từ lần đầu gặp May, nhìn qua tay chân nó, nàng đã đoán ra nó thạo nghề này. Con Mộc dạy bảo mấy tháng, nó đã nói sõi tiếng, cũng tháo vát hơn. Áo kia kỳ thực là thứ nó vâng lệnh nàng, dệt thử ra để xem tơ ấy, người ấy thì có làm lên cơm cháo gì không. "Thiếp nghe theo lời phu nhân, phàm làm gì cũng đều sai thư nhi ghi chép lại cẩn thận, lúc nữa điện hạ có cần thì thiếp cho người đem sổ sách của thái ấp đến..."

Mục Huyền nghe nàng phủ thiếp nói đến những chuyện làm lụng, bán buôn rành rọt, trong lòng càng thêm thích thú. Chàng chống tay vào gối làm chỗ tựa đầu, đoạn nhìn nàng chăm chú. Lương thị là con nhà hàng vải, chẳng trách nàng tinh những việc này. Kỳ thực, thỉnh thoảng chàng có nghe Thuần Đức thưa bẩm lại xem dân ở thái ấp làm ăn sinh sống thế nào, rồi cũng chẳng thiếu lúc họ đem dâng thứ này thứ kia cho cung Long Đức. Cơ hồ là cứ chiếu từ đấy mà ra thì đúng thật nàng phủ thiếp của chàng đã lo liệu cũng khéo trăm đường. Suất đinh trong thái ấp đều tăng, nàng ta còn nghĩ ra chuyện để cho đám nô ra gần sông, cắm đất lập nghiệp, trước mắt để vỗ về lấy lòng người, lâu dài thì đất mới đất cũ đều quy về của nả nằm gọn vào tay chàng. Khôn ngoan đến nhường ấy, chàng bớt được rõ lắm việc. Đương lúc Mục Huyền suy tính, Khanh nhận ra chàng đang nhìn mình. Nàng im bặt giữ kẽ, sợ nãy giờ buột miệng nói ra lời nào không phải. Đột nhiên, phía bên ngoài có giọng cung nữ vọng vào, xin chờ hầu hoàng thái tử và nàng. Mục Huyền hừ một tiếng, chàng uể oải ngồi dậy.

"Điện hạ..." Khanh nhích người vào sát góc giường.

"Trưa nay ta dùng thiện bên này, nàng thèm cái gì thì cứ sai nhà bếp làm, không cần phải chiều theo ý ta." Mục Huyền vươn vai, đám cung nữ được vời đều nhanh nhẹn, họ tự biết việc mà dâng khăn, dâng nước ấm...

Mãi khi chàng đã sửa soạn xong xuôi, Khanh vẫn ngồi ngây một chỗ. Nàng toan xuống giường lại bị chàng cản. Mục Huyền vuốt tà áo lụa mặc trên người cho phẳng phiu, đoạn chàng ngồi xuống bên nàng.

"Điện hạ có gì căn dặn ạ?" Khanh ngập ngừng.

"Ta có ăn thịt nàng đâu, ngồi gần lại đây." Bộ dạng như bị dồn vào đường cùng của nàng làm chàng muốn chòng ghẹo, nhưng thấy trời đã sáng hẳn, chàng hắng giọng giữ vẻ nghiêm nghị. "Nàng quán xuyến việc ở thái ấp được như thế cũng giỏi lắm, nhưng còn sổ sách, cứ giao cho kẻ dưới ghi chép mãi cũng không tiện. Vừa hay hôm trước ta gặp phu nhân Nguyễn thị của Bảo Quốc hầu là người hay chữ, ta sẽ nhờ cậy bà ấy đến dạy dỗ nàng."

Khanh ngơ ngác thêm. Mất một lúc nàng mới thông tỏ ý hoàng thái tử. Chàng muốn nàng học chữ Nho. Hai má nàng hây hây ửng hồng, nàng ngượng ngùng gật đầu. Ngày ở quê, nàng cũng muốn học chữ lắm, nhưng thầy mẹ đều nói con gái lấy chồng là xong, chả cần đến lắm chữ nghĩa. Thầy nàng dạy được chữ nào hay chữ nấy, hiềm nỗi chỉ mới nửa năm, thầy lại ngã bệnh rồi mất. Dì Miên không biết chữ, cũng chẳng dư dả tiền bạc để mời thầy dạy, thế nên đường học của nàng mới chẳng ra đầu ra đũa. Giờ nghe hoàng thái tử hứa hẹn bùi tai, nàng mừng đến nỗi quên cả cái rụt rè khi nãy mà nhích lại gần chàng, miệng lắp bắp nói không lên lời. Phu nhân thứ hai của Bảo Quốc hầu giỏi giang có tiếng ở kinh thành, chàng có ý vời bà ấy đến dạy nàng, ắt chẳng phải chỉ là chuyện mới nghĩ đến ngày một ngày hai. Nàng toan bước xuống giường, dập đầu cảm tạ chàng, nhưng còn chưa kịp hành lễ trọng, chàng đã đứng dậy rời đi. Dẫu gì cũng là mẹ của con ta, không biết chữ thì còn ra thể thống gì. Trước lúc chàng khuất bóng hẳn, nàng loáng thoáng nghe chàng nửa đùa nửa thật lẩm bẩm. Cả ngày hôm ấy, lời đầy cứ lởn vởn trong đầu Khanh, nàng càng thêm thấm thía đứa con quý giá đến nhường nào. Chẳng trách phu nhân phủ An Lộc hầu mới cay nghiệt với nàng như thế. Nàng không có tính thù dai, nhưng cứ mỗi bận nhớ lại nét mặt khinh khỉnh của người ta, lòng dạ đều bồn chồn khó chịu. Thôi thôi... phu nhân đã có lời, chả nên chấp nhặt bà ấy nữa. Khanh nhủ với bản thân, đoạn nàng rời giường, sai cung nữ dặn nhà bếp nấu cho mình một bát cháo cá chép. Mấy hôm nay, nàng bỗng thèm của đấy. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro