"Thu điếu"- một mùa thu câu-người ẩn sĩ chờ thời

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Mùa thu tôi yêu là mùa thu Hà Nội, mùa thu của lá vàng rơi, của hoa cúc nở, của cơn gió heo may làm lòng người đằm lại, của những góc phố phường đậm gió heo may. Mùa thu tôi yêu còn hiện hữu trên những trang thơ trong dòng chảy văn học nước nhà, không mang cái gam màu ước lệ cổ điển mà là thanh sơ, đạm bạc, dung dị và yên bình gói gọn trong quê hương làng cảnh Việt Nam. Nó nhắc về "Thu điếu" của Nguyễn Khuyến - một mùa thu câu - người ẩn sĩ chờ thời. 
    Cống hiến cho nền thơ ca dân tộc một kho tàng sáng tác đồ sộ trên cả hai phương diện chữ Hán và chữ Nôm, Tam Nguyên Yên Đổ vẫn mãi là một cái tên mang đầy dấu ấn của một nhà thơ trung đại đầu tiên viết về người nông dân, về những ao làng, thôn xóm, dùng bút pháp trữ tình đầy trào phúng, chỉ trích sâu cay những thối rữa của xã hội đương thời, lại bày tỏ sự bất lực của bản thân trước thời đại, trước cảnh nước mất nhà tan của một bậc nho sĩ thanh cao và trong sạch. Thu điếu ra đời trong chùm ba tác phẩm viết về mùa thu nổi tiếng nhất của Nguyễn Khuyến đã chứng minh tài năng và sức cảm quan sâu sắc nhưng cũng đầy tinh tế của ông trước thiên nhiên, đất nước cùng với đó là thời cuộc và hiện thực nước nhà:                
     "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo.                                    
       Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.             
       Sóng biếc theo làn hơi gợn tí.                                                         
         Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo."
   Thoát ra khỏi những khuôn mẫu ước lệ trong văn thơ cổ điển với mùa thu của lá ngô đồng, của hoa cúc nở, của rặng liễu sương sa:"...Em có nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô"(Tiếng thu-Lê Trọng Lư), mùa thu của Nguyễn Khuyến lấy điểm nhìn nghệ thuật từ bao quát đến cận cảnh từ một "chiếc ao thu" ra đến "thyền câu", "sóng", "lá". Hình ảnh thơ quen thuộc mà gần gũi, đậm chất hiện thực của vùng chiêm trũng Hà Nam với những miền hồi tưởng về tuổi thơ gắn với lũy tre làng, với cánh đồng trưa nơi bao thế hệ người dân nước Việt đã trải qua và lưu giữ. Nước ao thu "trong veo" tựa như nhìn thấy đáy, lại mang cái hơi thở se lạnh của mùa thu mới chớm phả vào trong không gian một chút gì đó thật cô quạnh, hiu hắt và đơn sơ. Những tưởng sẽ chẳng có gì  làm rung động mặt nước tĩnh lặng ấy thì một "chiếc thuyền câu" xuất hiện tựa như nét chấm phá vô tình của tác giả của bức tranh thủy mặc. Cái đơn độc, bóng chiếc được đẩy lên khi số từ "một" đặt ở đầu câu kéo không gian thu nhỏ lại, chỉ bằng sự đơn điệu, quạnh hiu ấy. Đã "bé" nhưng còn "tẻo teo", cách gieo vần "eo" như một lần nữa thu gọn tầm nhìn của nhân vật trữ tình, của người đọc, những tưởng khung cảnh có lẽ chỉ bé bằng bàn tay, bó hẹp không gian trời đất bằng cái buồn man mác lặn sâu trong tâm khảm nhà thơ. Sự tĩnh lặng tuyệt đối trong mùa thu nơi làng cảnh thể hiện khi sóng chỉ "lăn tăn", "hơi gợn tí" theo cơn gió heo may, còn chiếc "lá vàng" rơi nghiêng rất nhanh nhưng cũng rất khẽ, một tiếng "vèo" nhưng chứng tỏ cảnh không hề tĩnh lại thực sự mà vẫn có động của âm thanh. Dáng đưa "vèo" của lá dường như lạc lõng trước không gian tĩnh mịch, dù không thể xé tan với cái vỏ bọc lặng lẽ bên ngoài nhưng lại là một nhãn tự mà sau này thi sĩ Tản Đà vừa tâm đắc mà thổ lộ, cả một đời thơ mới của mình cũng mới có được câu vừa ý" Vèo trông lá rụng đầy sân"(Cảm thu, Tiễn thu). Có lẽ cũng bởi chữ "vèo" trong thơ Nguyễn Khuyến ấy còn là ám chỉ sự trống vắng thay đổi thời thế c đất nước, khi nhà thơ dẫu có là "tam nguyên" đó nhưng cũng đã chẳng còn thời mà báo đáp ơn vua. Nỗi buồn chất chứa sau cảnh càng khiến bức tranh quê thêm lạnh lẽo, tiêu điều:
     "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.                                                           Ngõ trúc quanh co khách vắng teo".       
    Sang đến hai câu luận, hồn thơ của tác giả lại buộc mình trôi theo những tầng mây "lơ lửng" đọng lại chơi vơi giữa lưng chừng trời. Trời mùa thu cao xa vời vợi mang một màu "xanh ngắt" gợi một điều gì đó làm bâng khuâng, xốn xang trong tâm khảm, một nỗi buồn vô cớ xâm lấn lòng người. Sắc xanh đơn sơ không phù phiếm, quyện hòa với màu vàng của lá, trong veo của nước mùa thu tạo nên một bức tranh làng cảnh Việt Nam không hề tẻ nhạt bởi nó mang đậm cái hồn của non nước, của cái tôi trữ tình rất nhạy cảm và đầy tinh tế. Như Xuân diệu từng nói:"Cái thú vị của Thu điếu ở cái điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang chiếc lá thu rơi". Bởi xanh là màu của nỗi buồn, kết hợp với "vắng teo" càng làm cho lời thơ thêm lạnh, thêm hiu hắt, hoàng sơ. Trong thơ của Nguyễn Khuyến luôn có trúc bởi ông thích hình thể của loại cây chí khí ấy "Trúc dầu cháy đốt ngay vẫn thẳng", nó đại diện cho người quân tử nên thay vì tre luôn gắn liền với hình ảnh làng quê mình, ông tạo nên những nét trúc thẳng đối lập với nét quanh co của đường làng thật gợi cảm nhưng cũng đậm chất thi vị. Câu thơ đơn thuần có phải chỉ là gợi cái đơn độc, quạnh hiu của cảnh hay đằng sau còn muốn chỉ "khách" ấy- người cùng chung chí hướng giữa thời loạn nay đã chẳng còn ai? Cái tâm trữ tình cuối cùng đã chẳng còn dấu mà hiện hình trước nỗi buồn thời thế, là một Nguyễn Khuyến vẫn mãi nặng tình với hai chữ "nước nhà" còn dang dở: 
     " Tựa gối buông cần lâu chẳng được.                     
        Cá đâu đớp động dưới chân bèo".                                         
    Không phải là cái thế nhàn tản, thoải mái, hình tượng con người của nho gia hiện lên trong lời thơ tựa như đã hóa đá trong không gian cũng dường như đang chờ đợi một điều gì đó. Hẳn không phải là cá bởi chính nhờ tiếng" Cá đâu đớp động dưới chân bèo" nhà thơ mới giật mình ra khỏi cái không gian suy tưởng để tìm về cái cảm giác thực tại bây giờ. Nên có lẽ câu cá đối với nhà thơ dường như vốn dĩ chỉ là một thú tiêu khiển để ông tìm về với khoảng lặng trong tâm hồn mình, để tĩnh lại mà ngẫm nghĩ. Người xưa có kẻ lấy câu cá làm việc đợi thời, đợi người xứng đáng còn văn thơ truyền thống lại lấy đó để từ chối việc làm quan. Nguyễn Khuyến ở đây chìm sâu trong niềm ưu thời mẫn thế mà không xác định được nơi cá đớp mồi: "đâu", bởi từ dáng ngồi mà ông, nó cho thấy sự bất lực của nhà thơ trước vận nước lúc bấy giờ. Ấy là tấm lòng của một con người nhỏ sĩ mang cố cách thành cao, trong sạch, tuy phải "lánh đục về trong" nhưng lại chẳng bao giờ nguôi ngoai về non sông xã tắc. Như Xuân Diệu từng nói" Hai trục xúc cảm rất rõ trong thơ Nguyễn Khuyến là quê hương làng nước và đồng bào nhân dân, không phải tâm hồn nhà thơ nào cũng có hai trục như thế"
      Sử dụng nghệ thuật thơ ca cổ điển với những chất liệu truyền thống cùng biện pháp lấy động tại tĩnh và những sáng tạo riêng của chính nhà thơ, hiện thực và vẻ đẹp của mùa thu vùng quê Bắc Bộ đã hiện lên với những gam màu dung dị mà lôi cuốn, qua ngôn ngữ trong sáng, giản dị càng tôn lên cái vắng lặng, yên ả của bức tranh thủy mặc, của cái nỗi niềm ưu tư sầu cảm trong lòng người vẫn còn hiện hữu.
     Ta nhớ về lời bình của một nhà thơ đã từng khẳng định:" Nguyễn Khuyến đã dùng bình cũ Trung Hoa để chứa đựng rượu mới cất lên từ những chất men nhìn đời của dân tộc Việt Nam" để nhìn lại ngòi bút thơ ca đầy chất thi nghệ- Nguyễn Khuyến. Ông đã bỏ lại sau mình những tầm thường phù phiếm, những vay mượn ồn ào, những vần thơ tẻ nhạt để đưa văn học trở về với cội nguồn, đưa nỗi lòng đồng cảm với cái vị chua mặn của mồ hôi, vị cay đắng của sự cơ cực và cái bề bộn, bức bối của công việc đồng áng quanh năm trở thành thơ mình. Nó tạo nên một "Thu điếu" không thể khác, gói gọn trong mình tình yêu thiên nhiên sâu sắc mà cũng là cái bất lực trước thời cuộc của chính nhà thơ- con người của một lòngtrung hiếu sắc son...                  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro