CẦN LẮM NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trích dantri.com(http://dantri.com.vn/c167/s167-414251/ngay-tro-lai-truong-u-am-cua-co-sinh-vien-tuoi-22.htm)

"Ngày trở lại trường u ám của cô sinh viên tuổi 22

(Dân trí) - Những giọt nước mắt lăn dài trên má của 2 mẹ con khi tôi chợt nhắc đến hoàn cảnh của họ. Hơn 3 tháng nằm viện điều trị, nhưng cái ngày xuất viện của họ thật tăm tối khi những di chứng sau tại nạn quá đỗi nặng nề...

22 tuổi, là con gái độc nhất trong nhà nên em luôn cố gắng học thật tốt để giúp đỡ bố mẹ. Đã đi được nửa chặng đường thì mục tiêu tốt đẹp của cô gái bé bỏng dường như dập tắt, sau vụ tai nạn bỏng hóa chất kinh hoàng trong giờ thí nghiệm ở lớp. Nấc nghẹn bên giường bệnh, Hằng bắt đầu kể với tôi những ngày tháng đen tối.

Em là Nguyễn Thị Thúy Hằng, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Lâm nghiệp, thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội. Hằng bị tai nạn bỏng hóa chất cách đây hơn 3 tháng, với mức độ bỏng thuộc dạng "thập tử nhất sinh": 79% cơ thể bị bỏng, trong đó sâu độ 3, độ 4 chiếm đến hơn 60%.

Để cứu được mạng sống cho Hằng, các bác sỹ đã phẫu thuật cấy ghép da ở các phần cơ thể bị hoại tử đến 9 lần, mà nặng nhất là ở cổ, tay và 2 cẳng chân. 3 tháng chống chọi với bệnh tật, có những khi khoảng cách giữa sống và chết chỉ mong manh như sợi chỉ, vậy mà em cũng vượt qua bằng tất cả những nghị lực của mình.

"Em phải sống anh à, bố đang nằm ốm ở nhà, mẹ bỏ cả đồng ruộng để ra đây nuôi em nên em không thể chết được. Dù cơ thể em có thế nào thì em vẫn còn lý trí, còn niềm tin, ông trời không thể lấy hết tất cả của em được", Hằng nghẹn ngào nói với tôi bằng đôi mắt như có chút cầu cứu nhưng lại toát lên niềm tin về tương lai.

Để cứu được mạng sống cho con mình, bà Lê Thị Hợp, ở khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là mẹ của em Hằng bỏ nhà, bỏ đồng ruộng, bỏ lại cả ông chồng đau ốm vì căn bệnh thần kinh tọa để một mình chăm con. Bà đã phải bán cả 2 con bò, vay mượn anh em họ hàng, bà con lối xóm được gần 50 triệu cho con qua những lần phẫu thuật. "Giờ tôi cũng đang rao bán nhà để chạy chữa cho con. Nó có khỏi thì không biết có theo học tiếp được không. Mà không học nữa thì rồi nhà đâu mà về...", bà Hợp vỡ òa tiếng khóc.

Nghe mẹ khóc, Hằng cũng òa khóc theo khiến căn phòng thêm phần ngột ngạt. Không lo làm sao được, khi ngày mai đã đến ngày thanh toán viện phí mà hai mẹ con chỉ lận lưng còn được hơn 1 triệu đồng. Không lo làm sao được, khi đã trải qua hơn 3 tháng điều trị bệnh, Hằng vẫn mang trên người những di chứng nặng nề do bỏng: tay phải và tay trái đều bị sẹo co rút, khiến các ngón tay cầm nắm cực kỳ khó khăn.

Cánh tay phải của Hằng, khi nằm em đều phải hướng thẳng lên trời do phần sẹo ở cổ vai co cứng, không hạ xuống được nữa. Theo các bác sĩ, để tay trở lại như bình thường thì em Hằng phải điều trị phục hồi chức năng, trải qua các lần phẫu thuật cắt bỏ phần sẹo co cứng trong thời gian dài.

"Đây là cánh tay để em có thể viết, có thể giúp đỡ bố mẹ nên em ngày nào cũng cố gắng tập, chỉ hôm nay mới thôi do em tập nhiều làm sẹo nứt ra và chảy máu", Hằng kể. Không phải ở mỗi tay phải, cả cổ, bụng, bẹn và cẳng chân của Hằng chi chít sẹo lồi, co cứng cả lại. Mái tóc dài óng ả của Hằng giờ lởm chởm như trái chôm chôm qua những lần tiêm thuốc kháng sinh khiến tóc rụng gần hết.

Chỉ còn ít tuần nữa Hằng sẽ phải trở lại trường để tiếp tục họp tập. Cái ngày đó Hằng vẫn chưa hình dung nổi em sẽ học làm sao khi hai cánh tay cầm bút còn rơi lên rơi xuống huống hồ là viết. Em cũng không thể tự mình đứng dậy, cảm giác như việc đi lại của em còn khó hơn trẻ lên ba.

Nhưng hôm nay Hằng có vẻ vui hơn, vì cuối tuần các bạn bè ở lớp kéo nhau đến thăm và động viên, an ủi. Có điều tôi biết chắc, mỗi người đến thăm chỉ giúp em chút niềm vui thoáng chốc, rồi để lại nỗi buồn đằng đẵng dài. Một tương lai không lấy gì tươi sáng em sẽ phải vượt qua trước mắt, mà lúc ra về tôi cũng chỉ động viên được em mỗi một câu: "em ơi, còn sống là còn niềm tin, còn lý trí là còn được làm người"... "

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro