Câu 1. Trình bày nguồn gốc hình thành tư tưởng HCM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

câu 1


Trả lời:
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm
toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
a. Tư tưởng văn hoá truyền thống Việt Nam
- Những đặc điểm của quá trình dựng nước và giữ nước đã giúp cho dân tộc Việt Nam hình thành nên truyền thống quý báu, đó là những đặc điểm lớn cơ bản sau:
Việt Nam là một nước hình thành quốc gia độc lập tự chủ từ sớm.
Có địa hình tài nguyên đa dạng, phong phú.
Là quốc gia thuộc quê hương của cây lúa nước, yêu cầu khách quan của nông nghiệp trồng lúa nước là phải tưới nước và tiêu nước chủ động. Để đáp ứng được yêu cầu đó, phải có sự chung sức của cả cộng đồng dân tộc.
Thiên nhiên cũng thách thức rất lớn đối với con người Việt Nam, bão gió, lũ lụt, hạn hán…diễn ra thường xuyên, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đe doạ tính mạng, đời sống và sản xuất của nhân dân. Muốn khắc phục khó khăn do thiên tai gây ra, đòi hỏi cần có sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ phận dân cư của dân tộc.   
Là quốc gia có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, nhu cầu đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập chủ quyền đã dẫn đến yêu cầu cần phải có sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
Trong quá trình sinh tồn của mình, dân tộc Việt Nam thường xuyên phải chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước. Ta chống giặc ngoại xâm trong điều kiện cực kỳ ác liệt, các nước đi xâm lược đều mạnh hơn ta rất nhiều, vì thế quá trình thống nhất quốc gia, dân tộc diễn ra từ sớm để phát huy sức mạnh của cả dân tộc giữ vững được độc lập chủ quyền của quốc gia dân tộc.
Tiếp nhận sự giao lưu của nhiều luồng văn hoá lớn, trong đó tiếp nhận tư tưởng Nho giáo, Phật giáo từ rất sớm.
- Những giá trị truyền thống dân tộc:
    + Chủ nghĩa yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất để dựng nước và giữ nước. Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu chảy xuyên suốt lịch sử dân tộc, là chuẩn mực cao nhất đứng đầu bảng giá trị văn hóa, tinh thần Việt Nam, tạo thành động lực mạnh mẽ của đất nước. Chủ nghĩa yêu nước được lưu truyền trong truyền thuyết dân gian và sử sách.
     + Tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái. Được phản ánh trong văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyền thuyết), và được các nhà tư tưởng lớn của dân tộc trong các thời đại tổng kết lại thành những bài học để lại cho hậu thế.
     + Truyền thống lạc quan yêu đời: Tin vào sức mạnh của bản thân mình, tin vào sự tất thắng của chân lý, chính nghĩa mặc dù có rất nhiều khó khăn, gian khổ.
     + Một dân tộc cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo, ham học hỏi.
 Cần cù dũng cảm trong lao động, khắc phục hậu quả của thiên tai, trong những lúc khó khăn… Người Việt Nam không có tính bài ngoại, luôn tiếp thu những ảnh hưởng tích cực của những tư tưởng và văn hoá tiến bộ của các nước trong khu vực và trên thế giới vào nước ta.
Chính tư tưởng và văn hoá truyền thống đó  của dân tộc đã đã thúc giục Hồ Chí Minh  ra đi tìm tòi, học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu cho tư tưởng cách mạng và văn hoá của Người.
 b. Tinh hoa văn hoá nhân loại
Trong cuộc sống, Hồ Chí Minh luôn luôn biết làm giàu vốn trí tuệ của mình bằng cách học hỏi tư tưởng văn hoá phương Đông và phương Tây. Người tiếp thu, kế thừa các tư tưởng, học thuyết có phê phán, chọn lọc, có sự phân tích sâu sắc, lựa chọn những yếu tố tích cực để làm giàu vốn kiến thức và hành trang tư tưởng của mình.
 - Tư tưởng và văn hoá phương Đông:
+ Tư tưởng Nho giáo: Nho giáo có nguồn gốc từ Trung Quốc, người sáng lập ra nho giáo là Khổng Tử. Nho giáo không phải là tôn giáo mà là học thuyết về triết lý hành động (đạo đức và cách ứng xử). Nho giáo được truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm.
Từ nhỏ Hồ Chí Minh được các nhà nho yêu nước trang bị cho những kiến thức Nho giáo uyên thâm. Nho giáo có nhiều mặt tích cực, nhưng cũng có nhiều yếu tố tiêu cực, lạc hậu. Khai thác Nho giáo, Hồ Chí Minh đã lựa chọn những yếu tố tích cực phù hợp để phục vụ nhiệm vụ cách mạng, phê phán những mặt tiêu cực. Trong các tác phẩm Người sử dụng khá nhiều mệnh đề của Nho giáo và đưa vào đó những nội dung mang ý nghĩa mới.
Mặt tích cực của Nho giáo: triết lý hành động, nhân nghĩa; ước vọng về một xã hội bình trị, an ninh, hoà mục, thế giới đại đồng; triết lý nhân sinh: tu thân dưỡng tính; đề cao văn hoá lễ giáo. Mặt hạn chế của Nho giáo: đó là tư tưởng phân biệt đẳng cấp, coi thường lao động chân tay, coi khinh phụ nữ, xem thường thực nghiệp doanh lợi.
    + Tư tưởng Phật giáo: Phật giáo là một tôn giáo có nguồn gốc từ ấn Độ, ra đời từ thế kỷ VI trước công nguyên, do Thích-ca-mâu-ni sáng lập. Phật giáo được truyền bá vào nước ta từ thế kỷ thứ II sau công nguyên. Những mặt tích cực của Phật giáo đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tư duy, hành động và cách ứng xử của con người Việt Nam.
Hồ Chí Minh sớm tiếp thu mặt tích cực của Phật giáo: tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn, coi trọng tinh thần bình đẳng, không phân biệt đẳng cấp; nếp sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm lo làm điều thiện. Tư tưởng của Người mang những dấu ấn của Phật giáo.
     + Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn: Hồ Chí Minh tìm thấy những điều thích hợp với nước ta, đó là tư tưởng dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.
- Tư tưởng văn hoá phương Tây:
Hồ Chí Minh bước đầu làm quen với văn hoá Pháp từ khi vào học ở trường tiểu học Pháp-Việt và trường Quốc học Huế. Trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh chủ yếu sống ở châu Âu, đặc biệt sống và hoạt động ở các trung tâm văn minh của thế giới như Niuoóc, Luân đôn, Pari, Mátxcơva. Người nghiên cứu tiếp thu tư tưởng văn hoá dân chủ và cách mạng của phương Tây. Cụ thể: Nghiên cứu và tiếp thu tư tưởng của các nhà tư tưởng khai sáng của nước Pháp thế kỷ XIIX như Vônte (1694-1778), Môngtétxkiơ (1689-1775), Rutxô (1712-1778). Người chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền  năm 1791 của đại cách mạng Pháp.
Người tiếp thu tư tưởng dân chủ của cách mạng Mỹ, đó là những giá trị về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người; quyền của nhân dân kiểm soát chính phủ của Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ; tư tưởng về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân của tổng thống Lincôn.
Từ trong hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh cũng đã tiếp thu được tư tưởng dân chủ và hình thành được phong cách dân chủ của mình.
c. Chủ nghĩa Mác Lênin
    Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp, quyết định bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh .
Chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, là cốt lõi thế giới quan và nhân sinh quan Hồ Chí Minh, là kim chỉ nam cho hành động của Người. Nhờ có thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã hấp thụ và chuyển hoá được những nhân tố tích cực và tiến bộ của truyền thống dân tộc, của tư tưởng và văn hoá nhân loại để tạo ra tư tưởng của mình. Các tác phẩm, bài viết của Hồ Chí Minh phản ánh bản chất tư tưởng cách mạng của Người theo thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin .
d. Phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm hoạt động tinh thần của cá nhân, do Người sáng tạo ra trên cơ sở những nhân tố khách quan. Do đó, tư tưởng Hồ Chí Minh  phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố nhân cách, phẩm chất và năng lực tư duy của chính bản thân Người.
 - Người có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và đầu óc phê phán tinh tường, sáng suốt trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu mọi vấn đề.
 - Người có sự khổ công học tập nhằm chiếm lĩnh vốn tri thức phong phú của nhân loại, kinh nghiệm đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế.
 - Người có tâm hồn của một nhà yêu nước, sống có hoài bão, có lý tưởng; có trái tim  yêu nước thương dân, thương yêu những người cùng khổ; có bản lĩnh kiên định, sẵn sàng chịu đựng những hy sinh cao nhất vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tthcm