câu 12

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu 12: Ðại hội X của Ðảng với nhận thức về con đường đi lên CNXH ở nước ta.

Nhận thức về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở nước ta đã trải qua một quá trình lâu dài và không đơn giản. Trong quá trình đó Ðảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xuất phát từ thực tiễn đất nước, có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong nhận thức lý luận, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Ðại hội X của Ðảng trên cơ sở tổng kết lý luận - thực tiễn 20 năm đổi mới đã có một bước tiến mới quan trọng trong nhận thức về con đường đi lên CNXH của nước ta. Văn kiện Ðại hội X đã khẳng định "Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ hơn". Nhận thức đó được thể hiện tập trung trong Báo cáo chính trị và các Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX trình Ðại hội.

Kiên định con đường đã chọn

Trong hơn 76 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào Ðảng ta vẫn luôn kiên định con đường XHCN, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Kết hợp độc lập dân tộc với CNXH là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam. Ðường lối đó không chỉ phù hợp trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ trước đây, mà còn là đường lối chỉ đạo trong giai đoạn cách mạng XHCN, trong công cuộc đổi mới hiện nay. Ngay cả trong những năm 80, 90 của thế kỷ XX, khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Ðông Âu bị sụp đổ, Ðảng ta vẫn luôn kiên định con đường XHCN. Từ thực tiễn cách mạng thế giới và trong nước, Ðảng và nhân dân ta nhận thức sâu sắc rằng, chỉ có con đường độc lập dân tộc và CNXH, Tổ quốc ta mới được độc lập, tự do, nhân dân ta mới trở thành người làm chủ, tự quyết định con đường phát triển của mình. Ðúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "có tiến lên CNXH thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm".

Trong những năm đổi mới nhờ kiên định con đường XHCN, chúng ta vừa giữ vững thành quả cách mạng và mục tiêu cách mạng, vừa kiên quyết đổi mới, dám từ bỏ những phương pháp và mô hình sai lầm, sáng tạo phương pháp mới, cách làm mới, mô hình mới để xây dựng CNXH có hiệu quả hơn. Chúng ta vừa giữ vững ổn định chính trị - xã hội, vừa phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tương đối cao; vừa giữ vững nền độc lập dân tộc vừa chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy, sự kiên định con đường XHCN đòi hỏi phải dám đổi mới và biết đổi mới; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, cả về nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Ðiểm xuất phát và mục tiêu

Nước ta đi lên CNXH xuất phát từ một nước vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, từ một xã hội tiền tư bản, có những yếu tố giai đoạn đầu tư bản chủ nghĩa (TBCN) với nền sản xuất nhỏ là phổ biến, bỏ qua chế độ TBCN. Ðặc điểm xuất phát này quy định cả nội dung, hình thức, bước đi và thời gian của con đường đi lên CNXH ở nước ta. Khi nói về đặc điểm xây dựng CNXH ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Ðặc điểm to nhất... là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH, không phải kinh qua giai đoạn phát triển TBCN". Khái niệm "tiến thẳng" ở đây không có nghĩa là "quá độ trực tiếp" lên CNXH mà chỉ có nghĩa là "không phải kinh qua chế độ TBCN" hay "bỏ qua chế độ TBCN". Mà "bỏ qua chế độ TBCN" tức là bỏ qua việc xác lập vai trò thống trị của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng TBCN nhưng phải biết kế thừa và phát huy những nhân tố tích cực được tạo ra trong lòng CNTB để xây dựng CNXH.

Mục tiêu, lý tưởng của Ðảng ta là xây dựng thành công CNXH và CNCS, đó cũng là mục tiêu của con đường XHCN ở nước ta. Tuy nhiên, CNXH là gì? bản chất, đặc trưng của nó ra sao thì hiện nay câu trả lời không phải giản đơn và đã hoàn toàn thống nhất. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng CNXH, có thời kỳ chúng ta đã mắc phải sai lầm chủ quan duy ý chí và giáo điều trong việc áp dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và mô hình CNXH Xô-viết. Trong những năm đổi mới, Ðảng ta đã có sự nhận thức đúng hơn thực chất những tư tưởng của các nhà kinh điển mác-xít, đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên một loạt các vấn đề, vận dụng phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam.

Từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, chúng ta đã nhận thức lại ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về mục tiêu, bản chất, đặc trưng của CNXH. Cương lĩnh năm 1991 đã khái quát sáu đặc trưng của CNXH. Ðến Ðại hội X, Báo cáo chính trị đã bổ sung một số điểm mới trong mô hình CNXH ở nước ta: "Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh". Ðây chính là đặc trưng tổng quát nhất của mô hình xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng. Cụ thể hóa đặc trưng tổng quát đó, Văn kiện Ðại hội X đã nêu lên những đặc trưng cụ thể, trong đó có những đặc trưng mới chẳng hạn như "Có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản".

Tiếp tục đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng XHCN

Cương lĩnh năm 1991 đã nêu lên 7 phương hướng cơ bản chỉ đạo quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Qua thực tiễn 20 năm đổi mới, Ðảng ta đã có sự bổ sung, phát triển, cụ thể hóa những phương hướng đó. Văn kiện Ðại hội X khẳng định: "Ðể đi lên CNXH, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế".

Văn kiện Ðại hội X đã cụ thể hóa những phương hướng trên đây thành các nội dung sau:

- Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ðây là một đột phá lý luận rất sáng tạo của Ðảng ta. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Ðể tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Văn kiện Ðại hội X đã nhấn mạnh phải nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh.

- Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Từ một nền sản xuất nhỏ đi lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN, nhất thiết phải ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp. Muốn phát triển lực lượng sản xuất không có cách nào khác là phải tiến hành công nghiệp hóa và kết hợp ngay từ đầu công nghiệp hóa với hiện đại hóa, đồng thời gắn với phát triển kinh tế tri thức. Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN. - Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để làm nền tảng tinh thần của xã hội. Văn kiện Ðại hội X khẳng định: "Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội".

- Phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu và bản chất của chế độ ta. Văn kiện Ðại hội X đã nhấn mạnh vấn đề "xây dựng một xã hội dân chủ"; xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát các cơ quan công quyền; tiếp tục đổi mới hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp; tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí.

- Tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Ðại hội X đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

- Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Văn kiện Ðại hội X đã nêu bật đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác...

- Ðổi mới, chỉnh đốn Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. Văn kiện Ðại hội X coi đây là "nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Ðảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta". Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn phải được coi là quy luật tồn tại và phát triển của Ðảng. Trên ý nghĩa đó, Văn kiện Ðại hội X đã nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trong công tác xây dựng Ðảng hiện nay là:

+ Nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Ðảng.

+ Kiện toàn và đổi mới hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

+ Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Ðảng; tăng cường quan hệ gắn bó giữa Ðảng với nhân dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

+ Ðổi mới tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ.

+ Ðổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng.

Tóm lại, dựa trên tổng kết lý luận - thực tiễn 20 năm đổi mới, Văn kiện Ðại hội X của Ðảng đã góp phần làm sáng tỏ con đường đi lên CNXH ở nước ta. Con đường đó phản ánh tính phổ biến và tính đặc thù của CNXH Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những điều đã rõ vẫn còn nhiều điều cần phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để tìm câu trả lời cho những vấn đề do cuộc sống đặt ra, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thế kỷ XXI.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#63i