CÂU 17:GIỐNG KHÁNG SÂU BỆNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong cùng một điều kiện gieo trồng, mức độ bị nhiễm sâu bệnh của các giống, các cây trồng không giống nhau. Mỗi loại cây trồng đều có những giống không bị sâu hại và vi sinh vật gây bệnh tấn công, hoặc bị ở mức rất nhẹ. Đó là những giống kháng sâu bệnh. Từ xưa con người đã nhận biết được điều này và chọn tạo những giống cây trồng kháng sâu bệnh. Ngày nay, giống kháng sâu bệnh được sử dụng rộng rãi và đây là biện pháp BVTV rất hiệu quả. Lampe (1994) đã nhận định: “Giống kháng là hòn đá tảng để phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả. Kết hợp giống kháng với biện pháp sinh học và kỹ thuật canh tác là chiến lược phòng trừ sâu bệnh hại lý tưởng đối với những nông dân nghèo ít vốn”.

Tính kháng sâu hại là đặc tính của giống cây trồng có khả năng chống lại sự tấn công của một loài sâu hại nào đó hoặc làm giảm tác hại do sâu hại gây ra. Tính kháng bệnh hại là khả năng của cây trồng chống đối, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của vật gây bệnh vào trong cây. Tính kháng bệnh hại sẽ biểu hiện cây trồng không bị nhiễm bệnh hay có thể bị nhiễm bệnh ở mức rất thấp, không gây ảnh hưởng tới sinh trưởng, năng suất của cây trồng. Tính kháng sâu bệnh của cây trồng còn gọi là tính miễn dịch của cây trồng. Tính miễn dịch là khả năng kháng của cây trồng đối với các tác động gây hại của sâu hại và vật gây bệnh.

 Tính mẫn cảm với sâu hại (tính nhiễm sâu hại) là đặc tính của cây trồng hoàn toàn không có khả năng chống lại sự tấn công của một loài sâu hại nào đó, biểu hiện có tỷ lệ bị hại và mật độ sâu hại cao. Tính mẫn cảm với bệnh hại (tính nhiễm bệnh hại) là đặc tính của cây trồng hoàn toàn không có khả năng chống lại sự xâm nhập, lây lan của vật gây bệnh trong mô cây. Tính kháng và tính nhiễm sâu bệnh không phải là những đặc tính bất biến, chúng có thể thay đổi phụ thuộc vào điều kiện gieo trồng, thời tiết và nhiều yếu tố ngoại cảnh.

Dùng giống kháng sâu bệnh vừa cho hiệu quả kinh tế cao, ít tốn kém chi phí, dễ áp dụng trong các điều kiện, các hoàn cảnh, mọi trình độ sản xuất. Sử dụng giống kháng sâu bệnh phù hợp với nguyên lý IPM, góp phần làm giảm đáng kể việc sử dụng thuốc hóa học BVTV, tránh ô nhiễm môi trường, bảo vệ thiên địch, góp phần xây dựng nông nghiệp bền vững và sản xuất nông sản an toàn.

Tuy nhiên, không phải cây trồng nào cũng có giống kháng sâu bệnh. Giống cây trồng kháng với sâu bệnh này nhưng không kháng với sâu bệnh khác. Chưa có những giống cây trồng cùng kháng nhiều loài sâu bệnh. Giống lúa CR-203 kháng rầy nâu, nhưng nhiễm bệnh khô vằn, rầy lưng trắng. Giống bông lá nhẵn kháng sâu xanh nhưng lại nhiễm nhện đỏ son, rệp muội, rầy xanh hai chấm. Khó kết hợp đặc tính kháng sâu bệnh với đặc tính nông học tốt. Các giống kháng sâu bệnh thường chỉ có năng suất ở mức khá. Việc dùng giống kháng sâu bệnh thì dễ, nhưng tạo ra một giống kháng sâu bệnh phải mất thời gian khá dài. Tạo giống lúa mì kháng sâu bệnh phải mất 15-20 năm. Sử dụng giống kháng sâu bệnh rộng rãi làm xuất hiện biotyp/nòi mới của sâu hại hoặc của vật gây bệnh và dẫn tới giống cây trồng bị mất tính kháng. Đây là hạn chế lớn nhất đối với biện pháp sử dụng giống kháng sâu bệnh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro