Cau 27

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

27 Câu hỏi: Hãy nêu một cách tóm tắt các tác động của môi trường vĩ mô đối với doanh nghiệp.

Môi trường vĩ mô, được biết đến như là môi trường chung nhất bao gồm tất cả các điều kiện và các yếu tố có ảnh hưởng tới tất cả các doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trong nền kinh tế. Sau đây em xin phân tích một cách tóm tắt những tác động của môi trường vĩ mô đối với doanh nghiệp.

1. Môi trường nhân khẩu

Nhân khẩu mô tả đặc điểm dân cư rộng mà nó hình thành lên bất kỳ đơn vị địa lý phân tích nào như quốc gia, bang hoặc hạt, quận,... Khi xem xét đến môi trường nhân khẩu, cần phải xem xét đến các yếu tố như: tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động, tuổi thọ trung bình, tốc độ gia tăng dân số,... Tầm quan trọng của sự thay đổi nhân khẩu có ảnh hưởng đến sự hình thành của nguồn nhân lực, đặc điểm của nguồn nhân lực, thị trường và sự phát triển của doanh nghiệp. Đối với một quốc gia có tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động lớn sẽ có nguồn nhân lực dồi dào và doanh nghiệp dễ dàng có được nguồn nhân lực phù hợp với chi phí thấp. Ngược lại, một quốc gia có tỷ lệ dân số già cao, nghĩa là có nhiều người sẽ dành nhiều thu nhập cho đi nghỉ và các dịch vụ y tế, sẽ phù hợp đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế và phục vụ người già, ngoài ra, với các quốc gia này, những doanh nghiệp cần nhiều nhân lực thì phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và chi phí nhân công sẽ cao.

2. Môi trường kinh tế

Thực trạng của nền kinh tế và xu hướng trong tương lai có ảnh hưởng đến thành công và chiến lược của một doanh nghiệp. Các nhân tố chủ yếu cần xem xét là: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, lãi suất, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ lạm phát,...

- Với một quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao như Việt Nam hiện nay sẽ là môi trường lý tưởng cho các nhà đầu tư mới cũng như các doanh nghiệp hiện tại có dự kiến mở rộng đầu tư bởi tăng trưởng cao thì phải đi đôi với tiêu dùng tăng và khi đó doanh nghiệp sẽ tiêu thụ được nhiều sản phẩm và dịch vụ với mức tăng trưởng hàng năm cao.

- Lãi suất cũng có tác động đáng kể đến doanh nghiệp do nó là 1 thành phần cấu thành trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãi suất còn tác động đến nhiều yếu tố khác và những yếu tố này lại tác động trở lại doanh nghiệp. Tháng 9-2007, cục dự trữ Liên Bang Mỹ cắt giảm lãi suất cơ bản từ 5.25% xuống 4.75% đã thúc đẩy sự tăng trưởng của hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng tổng thể đến nền kinh tế cũng như đến từng doanh nghiệp.

- Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trong các ngành xuất nhập khẩu. Giả định nếu tiền đồng Việt Nam tăng giá so với tiền nước ngoài sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam do giá bán sản phẩm ở nước ngoài quy đổi theo tiền đồng sẽ giảm xuống, trong khi giá thành sản xuất không thay đổi làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.

- Tỷ lệ lạm phát cũng có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế do lạm phát làm tăng giá các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp.

3. Môi trường chính trị

Các nhân tố chính phủ, luật pháp và chính trị tác động đến các doanh nghiệp theo nhiều hướng khác nhau, chúng có thể tạo ra cơ hội, trở ngại và thậm chí là rủi ro cho doanh nghiệp. Một chính sách kinh tế có thể tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp. Ví dụ, tăng thuế nhập khẩu xe hơi sẽ gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xe hơi nhưng đồng thời lại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lắp ráp trong nước tăng cường sản xuất, tăng giá bán tạo ra lợi nhuận. Sự ổn định về chính trị, hệ thống luật pháp được xây dựng hoàn thiện là cơ sở để các doanh nghiệp được kinh doanh ổn định.

4. Môi trường công nghệ

Đây là môi trường có ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp do sự thay đổi của công nghệ ảnh hưởng đến chu kỳ sống của một sản phẩm hoặc một dịch vụ. Hơn nữa, sự thay đổi của công nghệ cũng ảnh hưởng đến phương pháp sản xuất, nguyên vật liệu, giá thành sản phẩm,... Với một công nghệ cũ kỹ lạc hậu sẽ làm giá thành sản phẩm cao, chất lượng sản phẩm kém, dẫn đến doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh trên thương trường.

5. Môi trường văn hoá - xã hội

Môi trường văn hoá - xã hội thể hiện lối sống, phong tục tập quán của xã hội. Điều này ảnh hưởng đến thái độ tiêu dùng, sự thay đổi của tháp tuổi, tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ, vị trí và vai trò của người phụ nữ tại nơi làm việc và gia đình,... Các yếu tố này có tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp.

6. Môi trường tự nhiên

Các doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đến môi trường này bởi lẽ môi trường này có tác động đến các tầng lớp người dân trong xã hội. Ví dụ hiện tượng ELINO làm cho nhiệt độ trung bình trái đất nóng lên, ở miền Bắc Việt Nam các đợt rét kéo dài của những mùa đông gần đây có xu hướng giảm xuống sẽ là nguy cơ đối với các doanh nghiệp sản xuất quần áo đông nhưng lại là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất quần áo xuân thu. Ngoài ra, việc phát triển bền vững có nghĩa là phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường là mục tiêu đặt ra của hầu hết các nước trên thế giới, nên hầu hết các nước đều có Luật bảo vệ môi trường hoặc các chế tài bảo vệ môi trường, vì vậy để tồn tại và phát triển các doanh nghiệp phải có chiến lược hoạt động theo hướng này.

7. Môi trường toàn cầu

Khu vực hoá, toàn cầu hoá đã, đang và sẽ là xu hướng tất yếu của mọi doanh nghiệp, mọi ngành, mọi chính phủ phải tính đến. Hiện tại, Việt Nam đã là thành viên của WTO, ASEAN nên các doanh nghiệp trong nước ngày càng phải đương đầu với nhiều thách thức cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên cũng có nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#cau