Câu 5 : Trình bày nội dung tt HCM về Đại đoàn kết dân tộc.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu 5 : Trình bày nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết dân tộc.

a) Đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân

          Xuất phát từ nhận thức cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, muốn có sức mạnh của lực lượng quần chúng đông đảo nhất tham gia vào tiến trình thay đổi xã hội cũ bằng một xã hội mới tiến bộ, không thể để quần chúng hành động tự phát, ngược lại đòi hỏi lực lượng quần chúng đông đảo ấy phải có hành động tự giác. Muốn quần chúng hành động tự giác, họ phải được giác ngộ, phải được giác ngộ giáo dục và tổ chức lại thành một khối. Đó là đại đoàn kết.

          Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đoàn kết ở đây là đoàn kết rộng rãi và lâu dài. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập cho Tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài có đức, có sức phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta phải đoàn kết với họ. Nhưng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ, đồng thời, phải củng cố và phải giữ vững nguyên tắc. Các tầng lớp nhân dân ta: công – nông, lao động trí óc, các nhà công thương, đồng bào thiểu số, tôn giáo, tín ngưỡng… ai nấy hãy làm tròn nghĩa vụ của người công dân, người chủ nước nhà, giúp chính quyền giữ trật tự an ninh, tăng cường đoàn kết.

b) Thực hiện đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước – nhân nghĩa – đoàn kết của dân tộc; đồng thời, phải có tấm lòng khoan dung, độ lượng, tin vào nhân dân, tin vào con người.

          Có thể nói, tình cảm yêu nước luôn đứng đầu bảng giá trị trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tình cảm yêu nước tạo nên ý chí kiên cường bất khuất, đã trở thành chủ nghĩa yêu nước mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước bao giờ cũng được xuất phát từ tình cảm cố kết cộng đồng dân tộc, tình thương yêu con người và hướng con người đến đến cuộc sống đạo lý. Truyền thống đó, được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành một tình cảm tự nhiên đi vào trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam, trở thành một triết lý nhân sinh. Hồ Chí Minh được nuôi dưỡng từ truyền thống đó, ngay từ lúc còn nhỏ được sự giáo dục của gia đình, trong tình cảm của quê hương. Truyền thống đoàn kết chống giặc giữ nước của dân tộc đã hình thành trong Hồ Chí Minh bài học về lịch sử giữ nước của dân tộc. Khi trở thành lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào: “Sử ta dạy cho ta một bài học này: Lúc nào toàn dân ta đoàn kết trăm người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại, lúc nào dân tộc ta không đoàn kết thì nước ngoài xâm lấn. Truyền thống đó là cội nguồn sức mạnh vô địch để cả dân tộc chiến đấu và chiến thắng mọi thiên tai địch họa, làm cho đất nước được trường tồn, bản sắc dân tộc được giữ vững.

          Để thực hiện đoàn kết cần phải có lòng khoan dung độ lượng đối với con người, Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong mỗi cá nhân cũng như mỗi cộng đồng đều có những ưu điểm, khuyết điểm, mặt tốt, mặt xấu. Cho nên, vì lợi ích của cách mạng, cần phải có lòng khoan dung độ lượng, trân trọng cái phần thiện dù nhỏ nhất ở mỗi con người có thể tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. Người viết: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn”[1].

          Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta phải đoàn kết một cách thực sự, Người viết: “Trong mấy triệu người cũng có người thế này hay thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy, nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”[2].

          Đoàn kết là sự tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc, thể hiện sự khoan dung độ lượng đối với con người, chứ không phải là một sách lược nhất thời, hay một thủ đoạn chính trị mà đó là chiến lược của cách mạng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc là nhất quán, được thể hiện trong đường lối, chính sách của Đảng đối với những người làm việc dưới chế độ cũ và những người đã từng lầm đường lạc lối, nay đã biết ăn năn hối cải. Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta phải đánh thức họ, giúp họ hướng thiện và hoàn lương. Người nói: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”[3]. Người tha thiết kêu gọi tất cả những ai có lòng yêu nước, không phân biệt tầng lớp, tín ngưỡng, chính kiến và trước đây đã từng đứng về phe nào, hãy cùng nhau đoàn kết vì nước, vì dân. Để thực sự đoàn kết cần xóa bỏ hết mọi thành kiến, cần phải thật thà hợp tác và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro