câu 7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu 7:  Sự hình thành tư duy của Đảng về KTTT thời kì đổi mới ?

a. Tư duy của Đảng về kinh tế thị trường từ đại hội VI đến đại hội VIII

Đây là giai đoạn hình thành và phát triển tư duy của Đảng về kinh tế thị trường. So với thời kì trước đổi mới, nhận thức về kinh tế thị trường có sự thay đổi căn bản và sâu sắc. Cụ thể:

* Một là, KTTT không phải là cái riêng của CNTB mà là thành tựu phát triển chung của nhân loại.

+ Lịch sử phát triển sản xuất cho thấy sản xuất và trao đổi hàng hoá là tiền đề quan trọng cho sự ra đời và phát triển của KTTT. Trong quá trình sản xuất và trao đổi, các yếu tố thị trường như cung - cầu, giá cả có tác động điều tiết quá trình sản xuất hàng hoá, phân bổ các nguồn lực kinh tế và tài nguyên thiên nhiên như vốn, TLSX, sức lao động phục vụ cho sản xuất và lưu thông.

+ Thế nào là nền KTTT? Trong một nền kinh tế, khi các nguồn lực  kinh tế  được phân bổ bằng nguyên tắc thị trường thì ta gọi đó là KTTT.

 + Điểm giống nhau giữa kinh tế hàng hoá và kinh tế thị trường là có cùng bản chất:

- Đều nhằm sản xuất ra để bán, nhằm mục đích giá trị và đều trao đổi thông qua quan hệ hàng hoá - tiền tệ.

- Đều dựa trên cơ sở phân công lao động xã hội và các hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất, làm cho người sản xuất vừa độc lập, vừa phụ thuộc vào nhau.

+ Điểm khác nhau giữa kinh tế hàng hoá và kinh tế thị trường là về trình độ phát triển:

- Kinh tế hàng hoá ra đời từ kinh tế tự nhiên, đối lập với kinh tế tự nhiên, ở trình độ thấp (chủ yếu sản xuất hàng hoá tư nhân, qui mô nhỏ, thủ công, năng suất thấp).

- Kinh tế thị trường là kinh tế hàng hoá phát triển cao trên cơ sở KHCN hiện đại và nền sản xuất xã hội hoá, các yếu tố đầu ra và đầu vào của quá trình sản xuất đều do thị trường quyết định.

+  Kinh tế thị trường có lịch sử phát triển lâu dài nhưng biểu hiện và phát triển mạnh trong CNTB. Nền KTTT có mầm móng từ xã hội chiếm hữu nô lệ, hình thành trong xã hội phong kiến, phát triển rõ rệt nhất trong chủ nghĩa tư bản. Điều này khiến người ta nghĩ rằng KTTT là sản phẩm của CNTB.

+ KTTT không phải là sản phẩm riêng của CNTB mà là thành tựu phát triển chung của nhân loại. CNTB không sản sinh ra kinh tế hàng hoá. Do đó, chỉ có thể chế KTTT TBCN hay cách thức sử dụng KTTT theo lợi nhuận tối đa của CNTB mới là sản phẩm của CNTB.

* Hai là, kinh tế thị trường còn tồn tại khách quan trong TKQĐ lên CNXH, bởi lẽ:

+ Kinh tế thị trường chỉ đối lập với kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc, chứ không đối lập với các chế độ xã hội.

- Là thành tựu chung của nhân loại, KTTT tồn tại và phát triển ở nhiều phương thức sản xuất khác nhau.

- Kinh tế thị trường vừa có thể liên hệ với chế độ tư hữu, vừa có thể liên hệ với chế độ công hữu và phục vụ cho chúng.

 + Kinh tế thị trường không đối lập với CNXH, nó tồn tại khách quan trong TKQĐ lên CNXH và cả trong CNXH.

Xây dựng và phát triển kinh tế thị trường không phải là phát triển TBCN hoặc đi theo con đường TBCN, xây dựng kinh tế XHCN cũng không phủ nhận KTTT.

+ Đại hội VII của Đảng (6/1991) cho rằng sản xuất hàng hoá không đối lập với CNXH, nó tồn tại khách quan và cần thiết cho xây dựng CNXH. Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần ở nước ta là "Cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước", các đơn vị kinh tế có quyền tự chủ, cạnh tranh hợp pháp, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội.

+ Đại hội VIII (6/1996) tiếp tục đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN.

* Ba là, có thể và cần thiết sử dụng KTTT để xây dựng CNXH ở nước ta.

+ Khi kinh tế thị trường được coi là phương tiện có tính cơ sở để phân bổ các nguồn lực kinh tế thì nó có những đặc điểm sau:

- Chủ thể kinh tế có thể độc lập, tự chủ trong sản xuất kinh doanh.

- Giá cả cơ bản do cung cầu điều tiết.

- Nền kinh tế có tính mở và vận hành theo qui luật giá trị, cung cầu, cạnh tranh.

- Có hệ thống pháp quy kiện toàn và sự quản lí vĩ mô của Nhà nước.

+ Bản thân KTTT không có thuộc tính xã hội, nó có thể được sử dụng ở các chế độ xã hội khác nhau, do vậy có thể và cần thiết sử dụng KTTT để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

+ Trước đổi mới do nhận thức không đầy đủ nên chúng ta xem kế hoạch là đặc trưng quan trọng của kinh tế XHCN, thị trường chỉ là công cụ thứ yếu bổ sung cho kế hoạch. Thời kì đổi mới, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của KTTT (quan hệ  cung - cầu, quan hệ cạnh tranh đã thúc dẩy sự phát triển...)

+ Trên thực tế CNTB đã biết khai thác các lợi thế của KTTT để phát triển. Công cuộc đổi mới ở nước ta cũng cho thấy ưu thế của KTTT.

b. Tư duy của Đảng về kinh tế thị trường từ đại hội IX đến Đại hội X

* Đại hội IX của Đảng (4/2001) xác định:

+ Nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong TKQĐ lên CNXH là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Đây là bước chuyển quan trọng trong nhận thức từ chỗ coi KTTT như một công cụ, một cơ chế quản lý đến nhận thức coi KTTT như một chỉnh thể, là cơ sở kinh tế của sự phát triển theo định hướng XHCN.

+ KTTT định hướng XHCN là "một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo qui luật của KTTT vừa dựa trên cơ sở và chịu sự dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH".

- Thế mạnh của "thị trường" được sử dụng để phát triển lực lượng sản xuất, phát triển nền kinh tế, để xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật của CNXH, nâng cao đời sống nhân dân.

- Tính "định hướng XHCN" được thể hiện trên cả 3 mặt của quan hệ sản xuất: sở hữu, tổ chức quản lí và phân phối nhằm mục đích cuối cùng là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

+ Kinh tế thị trường định hướng XHCN được hiểu:

- Không phải là kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc

- Không phải là kinh tế kế hoạch hoá tập trung

- Không phải là kinh tế thị trường TBCN

- Chưa hoàn toàn là kinh tế thị trường XHCN

(Định hướng XHCN là nét khác biệt với KTTT TBCN)

* Đại hội X của Đảng ( 4 - 2006) kế thừa tư duy Đại hội IX và làm sáng tỏ thêm nội dung cơ bản của tính định hướng XHCN trong phát triển KTTT ở nước ta, thể hiện ở 4 tiêu chí:

+ Mục đích phát triển: Thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ những người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn.

Sự khác biệt với KTTT TBCN là phát triển KTTT XHCN  vì con người, vì số đông chứ không phải để phục vụ cho thiểu số.

+ Phương hướng phát triển: Phát triển các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

- Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với hình thức sở hữu là nhằm giải phóng mọi tiềm năng, phát huy tối đa nội lực để phát triển nhanh nền kinh tế quốc dân.

- Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước đòi hỏi phải nắm được các vị trí then chốt của nền kinh tế bằng trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao (không phải dựa vào bao cấp, cơ chế xin - cho hay độc quyền kinh doanh).

- Nền kinh tế dựa trên nền tảng của chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu.

+ Định hướng xã hội và phân phối

 - Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với phát triển xã hội, văn hoá, giáo dục và đào tạo, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người.

- Quyết tâm giải quyết các vấn đề xã hội thể hiện rõ định hướng XHCN, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững, phát huy mặt tích cực, hạn chế và khắc phục tác động tiêu cực của KTTT.

- Chế độ phân phối: Chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh.

+ Về quản lí:

- Bảo đảm vai trò quản lí, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò làm chủ xã hội của nhân dân.

- Sự quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước bằng pháp luật, sử dụng cơ chế thị trường để kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân lao động của toàn thể nhân dân.

Những tiêu chí nêu trên cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa KTTT TBCN với KTTT định hướng XHCN ở nước ta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro