cau 9(cnxh)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.Định nghĩa gia đình

Gia đình là một trong những hình thức tổ chức cơ bản trong đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hoá - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục... giữa các thành viên.

2. Vị trí gia đình trong xã hội

a) Gia đình là tế bào của xã hội

Có thể ví xã hội là một cơ thể sống hoàn chỉnh và không ngừng biến đổi được "sắp xếp, tổ chức" theo nhiều mối quan hệ trong đó gia đình được xem là một tế bào.Mỗi một chế độ xã hội với một phương thức sản xuất xác định và có vai trò quy định đối với gia đình. Nhưng xã hội ấy lại tồn tại thông qua các hình thức kết cấu và quy mô gia đình. Mỗi gia đình hạnh phúc, hoà thuận thì cả cộng đồng và xã hội tồn tại và vận động một cách êm thấm. Mục đích chung của sự vận động biến đổi của xã hội trước hết vì lợi ích của mỗi công dân, mỗi thành viên xã hội và mỗi gia đình.Nhưng lợi ích của mỗi công dân, mỗi thành viên xã hội lại chịu sự chi phối của lợi ích các tập đoàn giai cấp thống trị trong xã hội, trong điều kiện xã hội phân chia thành giai cấp.

b) Trình độ phát triển kinh tế - xã hội quyết định quy mô, kết cấu, hình thức tổ chức và tính chất của gia đình

Quan điểm duy vật lịch sử đã chỉ ra rằng, gia đình là những hình thức phản ánh đặc thù của trình độ sản xuất, của trình độ phát triển kinh tế-xã hội.Trong tiến trình lịch sử nhân loại, các phương thức sản xuất cộng sản nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa đã lần lượt thay thế nhau, kéo theo và dẫn đến sự biến đổi về hình thức tổ chức, quy mô và kết cấu cũng như tính chất của gia đình.Từ gia đình tập thể - quần hôn bước sang hình thức gia đình cá thể, một vợ một chồng; từ gia đình một vợ, một chồng bất bình đẳng, chỉ về phía người phụ nữ, người vợ sang gia đình một vợ, một chồng ngày càng bình đẳng giữa nam-nữ,giữa các thành viên trong gia đình. c)Gia đình là một thiết chế cơ sở, đặc thù của xã hội, là cầu nối giữa cá nhân với xã hội . Trong hệ thống cơ cấu tổ chức của xã hội, gia đình được coi là thiết chế cơ sở, đầu tiên, nhỏ nhất. Sự vận động biến đổi của thiết chế tuân theo những quy luật chung của cả hệ thống. Nhưng thiết chế ấy vận động biến đổi còn trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống của mỗi nền văn hoá, mỗi vùng và địa phương khác nhau và còn được bộc lộ, thể hiện ở mỗi thành viên và thế hệ thành viên trong sự "giao thoa" của mỗi cá nhân và mỗi gia đình. Thông qua các hoạt động tổ chức đời sống trong gia đình và của gia đình, mỗi cá nhân, mỗi gia đình tiếp nhận, chịu sự tác động và "phản ứng"lại đối với những tác động của xã hội, thông qua các tổ chức, các thiết chế, chính sách... của xã hội. Sự đồng thuận hay không đồng thuận của những tác động từ xã hội, nhà nước với những hình thức tổ chức, sinh hoạt trong thiết chế gia đình sẽ tạo ra kết quả tốt hay xấu của mỗi chế độ xã hội, mỗi thời đại.

d) Gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hoà trong đời sống cá nhân của mỗi thành viên, mỗi công dân của xã hội

Từ thuở lọt lòng cho đến suốt cuộc đời, mỗi thành viên được nuôi dưỡng, chăm sóc để trở thành công dân của xã hội, lao động cống hiến và hưởng thụ, đóng góp cho xã hội trước hết và chủ yếu là thông qua gia đình và với gia đình. Sự yên ổn, hạnh phúc mỗi gia đình là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách, bảo đảm đạt hiệu quả cho các hoạt động lao động của xã hội. Rõ ràng là, muốn xây dựng xã hội phải chú ý xây dựng gia đình. Xây dựng gia đình là trách nhiệm, là một bộ phận cấu thành trong chỉnh thể các mục tiêu phấn đấu của xã hội, vì sự ổn định và phát triển của chính xã hội.

3.Những định hướng cơ bản xây dựng gia đình mới ở nước ta hiện nay

a) Xây dựng gia đình mới ở nước ta hiện nay phải trên cơ sở kế thừa, giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam, đồng thời tiếp thu những giá trị tiến bộ của thời đại về gia đình

Bên cạnh tính chất phụ quyền, gia trưởng, gia đình truyền thống có những giá trị tốt đẹp cần được kế thừa, phát huy trong điều kiện mới. Trong số các giá trị đó phải kể đến truyền thống vừa cố kết trong gia đình lại vừa đoàn kết tình làng nghĩa xóm; tình yêu gia đình gắn chặt với tình yêu dân tộc. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng gia đình mới cũng cần chú ý từng bước khắc phục, loại bỏ các giá trị không còn hợp lý của gia đình truyền thống: tính cục bộ theo họ tộc, địa phương, những nghi lễ rườm rà, tốn kém trong ma chay, cưới hỏi, sự bất bình đẳng về giới, bất bình đẳng giữa các thế hệ...

Trong điều kiện hiện nay, sự chuyển đổi hệ giá trị từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại đang đòi hỏi phải tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hoá của nhân loại.Những giá trị văn hoá ấy chỉ có thể được chọn lọc, được tiếp thu một khi các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống được bảo tồn, được phát huy dung nạp những nội dung giá trị mới phù hợp với văn hoá và đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam.

b) Xây dựng gia đình mới ở nước ta hiện nay được thực hiện trên cơ sở quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, bảo đảm quyền tự do kết hôn và ly hôn

Hôn nhân tự nguyện tiến bộ là bước phát triển tự nhiên của tình yêu chân chính. Từ chỗ yêu thương nhau và thấy cần gắn bó với nhau xây dựng cuộc sống gia đình một cách tự nguyện, họ tình nguyện đến với nhau và được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Sự thừa nhận của pháp luật, một mặt giúp cho mỗi người khi bước vào hôn nhân, ý thức rõ hơn trách nhiệm công dân của mình trong cuộc sống gia đình; đồng thời pháp luật bảo vệ mỗi người khỏi những sự cám dỗ, lợi dụng đối với những người thiếu chín chắn, nhẹ dạ. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ không hề bác bỏ sự quan tâm, hướng dẫn, chia sẻ tâm tư tình cảm của các bậc cha mẹ. Sự quan tâm đúng mức của cha mẹ thường là giúp cho con cái có trách nhiệm hơn, sống đúng mực hơn trong tình yêu, ý thức được đầy đủ hơn về trách nhiệm mỗi người trong hôn nhân và gia đình.

Hôn nhân tự nguyện tiến bộ bao giờ cũng gồm hai mặt tự do kết hôn và tự do ly hôn. Nếu tự do kết hôn được xây dựng và là sự phát triển của tình yêu chân chính, thì ly hôn là kết cục khó tránh khỏi khi tình yêu không còn nữa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ly hôn dù bất cứ lý do nào, thì hậu quả xã hội của nó cũng hết sức nặng nề. Hơn thế, hôn nhân dựa trên tình yêu chân chính, nhưng tình yêu chân chính bao hàm cả nghĩa vụ trách nhiệm cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng nhau vượt qua những thử thách, những trở ngại... trong cuộc sống chung. Vì vậy, ly hôn chính đáng là cần thiết, nhưng cần có sự bảo đảm của pháp lý, có sự hỗ trợ, hoà giải của các đoàn thể xã hội, của cộng đồng làng xóm, dân phố.

c) Gia đình mới ở Việt Nam được xây dựng, trên cơ sở các quan hệ bình đẳng, thương yêu, có trách nhiệm cùng chia sẻ, gánh vác công việc của các thành viên để thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình và nghĩa vụ xã hội

Trong số các quan hệ giữa các thành viên gia đình, cần đề cập hai quan hệ cơ bản nhất: quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ - các con. Việc hình thành và từng bước phát triển gia đình mới, cần đặc biệt chú ý đến bình đẳng trong quan hệ vợ - chồng. Kết hợp nhiều giải pháp, biện pháp, trong đó sự đồng bộ của việc đề ra và thực hiện các chính sách kinh tế, văn hoá, giáo dục... góp phần quan trọng tạo ra và từng bước củng cố quan hệ bình đẳng vợ - chồng trong tham gia quyết định các vấn đề trọng đại của gia đình cũng như tham gia các hoạt động xã hội.

Cùng với quan hệ vợ chồng, trong xây dựng gia đình mới cần chú ý đến quan hệ cha, mẹ - con cái, quan hệ giữa anh, chị - em, quan hệ ông, bà - các cháu trong các gia đình nhiều thế hệ. Trong xây dựng các quan hệ này, sự tác động của xã hội đóng vai trò quan trọng, thông qua các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục, tuyên truyền vận động. Trong đó cần lưu ý là những tác động ấy sao cho trở thành các nhân tố và điều kiện khách quan, bên ngoài cho quá trình thực hiện tốt các chức năng cơ bản của gia đình (chứ không thể và không được thay thế việc thực hiện các chức năng đó) và làm tốt trách nhiệm xã hội.

d) Xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay gắn liền với hình thành và củng cố từng bước các quan hệ gắn bó với cộng đồng, với các thiết chế, tổ chức ngoài gia đình

Đoàn kết, tương trợ thương yêu đùm bọc nhau là một giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và con người Việt Nam, của gia đình truyền thống Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng gia đình mới cần chú ý trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống ấy. Các gia đình đoàn kết động viên giúp đỡ nhau cùng thực hiện các chủ trương chính sách mới, thực hiện những quy ước, phong tục tiến bộ của gia đình, làng xóm, thực hiện từng bước quy chế dân chủ trong mỗi làng, xã, trong mỗi gia đình... đó chính là một phương hướng quan trọng của xây dựng gia đình mới ở nước ta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#authority