when ego is legal

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ngày 01/08/2018, tuần san shounen magazine chính thức đăng tải những trang truyện đầu tiên của bộ manga sẽ gây nên một cơn địa chấn toàn cầu trong giới mộ điệu văn hóa nhật bản vào thời điểm hiện tại: blue lock.

được kaneshiro muneyuki viết kịch bản và nomura yusuke đảm nhận phần vẽ minh hoạ, blue lock trở thành một tựa manga chất lượng hàng đầu nhờ cốt truyện kịch tính và cả art style đầy nội lực. nhưng điều đã khiến blue lock trở thành cơn sốt toàn cầu có lẽ không chỉ ở những nét vẽ hay cách dẫn truyện, mà là một ý tưởng đầy dị biệt, đầy tham vọng nằm vẻn vẹn trong ba kí tự "ego" - cái tôi.

dường như tất cả sport anime có một giao ước bất thành văn chính là cho người xem được thấy quá trình các nhân vật mâu thuẫn rồi lại hòa hợp, ấu trĩ rồi lại bao dung, cùng trưởng thành và ngày càng gắn bó dần về cuối đoạn hành trình để khán giả rút ra những bài học về thời thanh xuân tươi đẹp, về bạn bè và ý chí, ước mơ của mỗi người. mà trên tất cả, sport anime đề cao tinh thần đoàn kết. tác giả sẽ cho ta thấy không ai có thể đứng một mình một cõi mà phải giúp đỡ lẫn nhau, cống hiến vì một mục tiêu chung và mỗi người là một mắt xích không thể thiếu để dẫn đến bàn thắng.

nhưng trên mặt bằng chung của những tsubasa và hinata đang ra sức ghi bàn vì tập thể đó, isagi yoichi với trái bóng cướp được từ đồng đội cứ hướng về phía khung thành mà sút, bỏ mặc cả tập thể sau lưng.

điều đó có thể là gì được? ngoài một cuộc cách mạng hòng lật đổ tất cả những định kiến về sport anime? trước một bức tường cao ngất và sừng sững của thứ bóng đá xoay quanh tình bạn đã được xây cất và gia công qua bao nhiêu thế hệ, blue lock như một cái trụ phá thành hình ngũ giác hiên ngang chọc thẳng vào những gì chúng ta cho là chuẩn mực và đục khoét đến tận cùng cái lõi ô trọc bên trong.

để tóm tắt sự phá cách của blue lock trong ba từ, tôi sẽ chọn: ngang tàng, sắc sảo và độc nhất.

ngang tàng, bởi điều đó đã hiển hiện ở ngay chính hai người tác giả: kaneshiro muneyuki và nomura yusuke đang thách thức cả giới sport anime bằng thứ bóng đá mà ở đó một người vs cả sân cỏ, các cầu thủ hai người tạo nên tuyệt đối không dễ dàng giao bóng cho kẻ khác dù cho màu áo có giống nhau. và với dã tâm này, ta có thể nói kaneshiro-sensei và nomura-sensei không chỉ muốn tạo một phản ứng hóa học vô tiền khoáng hậu trong sport anime, mà thậm chí còn muốn nuốt chửng cái quan niệm tương thân tương ái "all for one; one for all" (mọi người vì một người; một người vì mọi người) trong nền bóng đá cũng như thể thao truyền thống.

cái chất ngang tàng ấy của blue lock từ huyết quản của tác giả lại tiếp tục chảy trong máu của mọi character. nhưng nếu phải chọn một kẻ tiêu biểu nhất, đương nhiên tôi sẽ gọi tên người đề xướng ra dự án blue lock, huấn luyện viên điên rồ nhất của lịch sử bóng đá 2d: jinpachi ego.

"chúc mừng các cậu, những viên ngọc thô đầy tài năng. các cậu được tuyển chọn theo sự độc đoán và thiên kiến của tôi. và tôi là jinpachi ego, người được thuê để đưa đội tuyển nhật bản vô địch world cup".

đây là những lời giới thiệu bản thân đủ khiến tất cả người nghe phải há hốc mồm. vì dù kiến thức về bóng đá ít ỏi thế nào, mọi con người hiện đại của thế kỷ 21 đều biết world cup là giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh mà các nhà vô địch hầu hết là các nước phương tây thuộc lục địa âu-mỹ. các đội tuyển của đất nước mặt trời mọc quả thực rất đáng gờm khi kì tích world cup 2018 là họ đã góp mặt trong vòng 16 đội, dù bị loại trước bỉ nhưng trong suốt thời gian thi đấu họ gần như đá ngang cơ với một đội tuyển châu âu với tỉ số chung cuộc 3-2. nhưng đó là khi ta nhìn trong phạm vi hẹp mà thôi. mở rộng tầm mắt một chút ta sẽ thấy, các samurai xanh đến từ quốc đảo ngoài khơi thái bình dương vẫn còn một đoạn đường rất dài để chạm đến chiếc cup vô địch thế giới.

ấy thế mà trước mặt những cầu thủ trẻ tiềm năng nhất nền bóng đá nhật bản, một ông chú lập dị cắt mái ngố và dáng người lêu nghêu chẳng có vẻ gì đáng tin lại tuyên bố có thể đưa đội tuyển nhật bản chạm tay tới giấc mơ gần như là cổ tích đó, còn điều gì ngang tàng hơn cơ chứ?


tôi cực ấn tượng với danh hiệu "những viên ngọc thô tài năng" mà ego dành cho những con gà của mình, hay đúng hơn là những con chuột bạch của mình (tôi luôn thấy ego nhìn lũ trẻ của hắn như nhìn một vật thí nghiệm vậy)... ông chú này không dễ dàng thừa nhận bất kì ai là thiên tài dù cho blue lock là nơi hội tụ của tất cả những người trẻ mà xã hội ngoài kia rầm rồ gọi là "thiên tài" đi nữa. tầm nhìn của ego thuộc một phạm trù khác hoàn toàn. hắn ta không đánh giá năng lực của cầu thủ dựa trên những kĩ thuật bóng đá hay thể lực trời sinh, vì những kẻ mang thiên phú trong mắt ego không khác gì một viên ngọc thô cần mài giũa. theo quan điểm của ego, thiên tài là người có thể dùng khả năng sẵn có trong gen một cách điêu luyện và am tường nhất, sau đó phát triển nó lên một tầm cao mới và sử dụng nó để chứng minh giá trị bản thân. đó mới là người được ego gọi hai chữ "thiên tài".

hà khắc trong việc đánh giá năng lực là thế, ego jinpachi còn khác thường trong cả cách nhìn nhận bản chất của bóng đá. túc cầu trong mắt ego là loại thể thao mà mỗi cầu thủ phải tự tạo cho mình bàn thắng, không phụ thuộc vào bất cứ yếu tố nào như đồng đội và may mắn - nói cách khác, đó là một bàn thắng có khả năng thiết lập trong tâm trí và tái tạo ngoài sân cỏ; một bàn thắng do bản thân, cho bản thân và vì bản thân. ngay chính cái tên của người đàn ông nguy hiểm bậc nhất blue lock này cũng đã nói lên lý tưởng của toàn bộ truyện: ego - duy ngã độc tôn, trên sân khấu này là một mình ta độc diễn, không cho phép bất cứ kẻ nào chen ngang đường bóng của mình kể cả là đồng đội.

ego xứng đáng có một bài luận khác dành riêng cho hắn ta. nếu tôi đủ thời gian, chắc chắn sẽ đào sâu hơn về nhân vật này vì dù sao đi nữa đối với tôi ego jinpachi chính là một ông trùm đầy thú vị trong thế giới blue lock. nếu mổ xẻ bộ não của ông chú thâm từ mí mắt tới lòng dạ này ra sẽ tìm thấy ty tỷ thứ hay ho đấy.

quay lại vấn đề chính, để có được sự ngang tàng mà chính ego đang làm đại diện thương hiệu ấy, blue lock cần có cả sự sắc sảo chống lưng. khỏi phải nói những khán giả vốn là fan của bộ môn túc cầu 11 người chơi này sau khi bị loại bóng đá ích kỷ của ego phá nát tam quan thì sẽ nổi trận lôi đình thế nào. nhưng tính thực tế và khoa học trong lối chơi của các cầu thủ blue lock lại chặn miệng bất cứ người nào muốn buông lời cho là anime này quá ảo, không thể áp dụng vào đời thực. vì sở dĩ blue lock nào có bài trừ những pha chuyền bóng cho đồng đội hay phủ nhận giá trị tất cả những vị trí khác ngoài tiền đạo? isagi vẫn buộc phải chuyền bóng khi cùng đường và gagamaru vẫn được đánh giá cao dù ở vị trí thủ môn cơ mà? cái blue lock hướng đến là khuyến khích cái tôi được bộc phát, không phải để mặc sự ích kỷ lộng hành đến mức mù quáng.

bằng chứng là phân cảnh isagi cố tình chen vào cuộc đấu tay đôi của noel noa và lavinho. chính cái tôi vị kỷ của isagi đã thúc giục cậu xâm nhập vào khu vực chiến tranh của "hai vị thần" sân cỏ kia mà tạo ra tình thế 2 chọi 1.


nhưng lúc này đây, cái tôi đã làm isagi mờ mắt, không thể nhìn nhận thực lực của mình chưa đạt ngưỡng có thể làm ra việc như sát cánh cùng huyền thoại sống noa chiến đấu. tất cả những gì cậu làm sau đó chỉ là ngáng chân noa, tạo ra kẽ hở cho levinho bắt lấy mà băng lên ghi bàn.

thất bại này của isagi chính là hiện thực mà tác giả muốn chúng ta nhìn nhận: cái tôi trong blue lock không phải thứ ma thuật thần diệu mà chỉ cần tự tin vào bản thân, khinh bỉ mọi người và chăm chăm ghi bàn cho chính mình là có thể một bước phi thăng, trở thành anh hùng bóng đá. mà cái tôi ấy phải kết hợp với một thể chất bền bỉ và trí tuệ sắc sảo thì mới trở thành một món vũ khí lợi hại không gì ngăn cản. phán đoán và lợi dụng triệt để tài năng của mình sau đó mới có thể vị kỷ mà tấn công như vũ bão, đó chính là nguyên lý tỏa sáng của cái tôi blue lock, rất logic và không hề ảo tưởng chút nào.

cảm giác khi xem blue lock cũng như khi ta bắt gặp một gã tài giỏi kiêu ngạo vậy. dù ta ghét cái cách gã hống hách như nào thì ta cũng không thể bắt bẻ điều gì. tại sao thế? đơn giản thôi, vì gã tài giỏi, gã được phép kiêu ngạo. blue lock đầy rẫy sự ngang tàng, nhưng biết làm sao được, đó là một sự ngang tàng có đầu óc!

thứ bóng đá của blue lock đề cao kĩ năng và chiến thuật. vậy nên xuyên suốt những trang truyện ta được thấy một lượng kiến thức có chiều rộng cũng có chiều sâu, đầy tính chuyên môn - thậm chí là bao gồm cả những góc nhìn của cá nhân tác giả về bóng đá, chứ không phải chỉ là những bình luận sơ sài của một kẻ ngoại đạo. và kết quả là những lý tưởng thoạt nghe ngang tàng qua cách tiếp cận sắc sảo ấy lại trở thành những vấn đề hợp lý cần phải lưu tâm. kể cả quan niệm bóng đá là phải ưu tiên lợi ích bản thân lên trên lợi ích toàn đội có lạ lẫm với ta đến đâu, thì sau những bài học vỡ lòng đến từ ego-san như "biến 0 thành 1" hay "phương trình của bàn thắng", ta sẽ cảm thấy lý tưởng vị kỷ này không phải hoàn toàn bất khả thi.

cái sắc sảo của tác giả là thế, còn cái sắc sảo của characters đến từ đâu? những kẻ vị kỷ của blue lock luôn đá bóng với một phong thái bất cần và chẳng quan tâm điều gì khác ngoài chiến thắng của bản thân mình, nhưng những kẻ ấy lại sở hữu một pháo đài logic không cách nào chối cãi. isagi yoichi là một ví dụ. cậu ta khôn ngoan tìm ra dụng ý của mỗi đề bài ego đưa ra, nhanh chóng xác định đáp án của mình và đưa vào thực nghiệm. cậu ta biết lợi dụng tiềm năng của mình, phát triển nó thành vũ khí tối thượng của riêng cậu. đôi khi isagi lợi dụng cả những người xung quanh: thao túng họ, rút cạn họ, đạp đổ họ.


một isagi yoichi thông minh và có tầm nhìn sẽ biến mọi trận đấu bóng đá thành một trận đấu trí, nơi tư duy cũng căng cứng theo cơ bắp. những lần đọ sức giữa các cầu thủ đều có gì đó khiến ta không thể lường trước bởi chẳng bao giờ những kẻ vị kỷ này lại buông tha cho nhau dễ dàng theo cái kiểu hồi tưởng để buff sức mạnh hay tình bạn làm nên chiến thắng cả.

đây là blue lock, không phải haikyuu. người ta không đấu với nhau bằng tinh thần đoàn kết, người ta đấu với nhau bằng thứ sức mạnh được trui rèn trong đống lửa của lòng tham và cơn phẫn nộ. thắng thì ăn mừng, thua thì bật khóc rồi lần sau cùng nhau cố gắng là sẽ thành công ư? không, ở blue lock, sau những giọt nước mắt không phải là cái vỗ vai an ủi và câu nói "thua keo này ta bày keo khác". ở blue lock, thua tức là chấm hết. chẳng có lần sau nào cả. mỗi lần ra sân là một lần đánh cược cả sự nghiệp bóng đá trên đôi chân mình.

điều đó dẫn ta đến một đặc trưng khác của blue lock: tính độc nhất.

chia sẻ câu chuyện của tôi một chút, tôi đã quyết định xem blue lock khi thấy khắp mọi diễn đàn đều nói rằng bộ anime này không giống bất kì sport anime nào trước đây, rằng "sức mạnh tình bạn không tồn tại trong vũ trụ blue lock". chính điều ấy làm tôi hiếu kì, và không phụ sự kì vọng của tôi, bộ truyện này chiêu đãi tôi bằng tất cả sự "máu lạnh" mà một trận đấu thể thao có thể mang lại. cái không khí căng thẳng mà sport anime vẫn làm rất tốt từ xưa đến nay được nâng tầm lên một đẳng cấp hoàn toàn khác.

xin phép so sánh một lần nữa vì đây là hai bộ sport anime mà tôi thích nhất: trong khi ở haikyuu, ta cảm thấy nghẹt thở vì cảm giác hai đội sắp sửa nhào vào túm cổ nhau mà đánh vật đến nơi chứ không phải đang thi bóng chuyền... còn ở blue lock, ta nghẹt thở vì thứ sát khí đã xâm lược cả không gian khi ta những tưởng mỗi trận đấu là một cuộc thanh trừng và mỗi lần ghi bàn là một lần họ đưa đối phương lên máy chém. như câu nói (hay thánh chỉ?) của michael kaiser dành cho bachira ở chap 161 khi cậu ong nhỏ làm thủng lưới bastard munchen: "tử hình".


sân cỏ bỗng chốc thành pháp trường và cầu thủ không khác gì những tên đao phủ luôn tìm cách chặn đứt đường sống của đối phương. vậy nên thực không ngoa khi một số ý kiến cho rằng trong blue lock chẳng có ai chết cả, nhưng mọi tập phim đều mang cái không khí của một trò chơi sinh tử. không phải tôi bị cuốn vào trận đấu đến mức nín thở, mà blue lock chính là khốc liệt đến mức tôi cảm thấy mình bị bóp cổ!

cái độc nhất của blue lock còn phải kể đến hình tượng "egoist" - kẻ vị kỷ, một hình tượng lần đầu tiên xuất hiện trong bộ môn cần phối hợp đồng đội như bóng đá. blue lock ép ta phải đặt câu hỏi theo hướng khác khi đứng trước tiếng hô "VÀOOOO" của bình luận viên. ta không hỏi "bàn thắng đó của đội nào?", ta hỏi "bàn thắng đó của ai?". vì mọi nhân vật đều mong muốn trở thành tiền đạo số một thế giới, tên của chủ nhân cú sút đôi khi còn quan trọng hơn tên đội đang dẫn trước tỉ số.

để tìm một ví dụ cho egoist thì isagi yoichi là rõ rành nhất, tôi biết chứ, nhưng khoan hãy réo tên nam chính. tôi cũng muốn trở thành một kẻ vị kỷ mà đem ra đây phân cảnh mình tâm đắc nhất của một egoist điển hình khác: rin itoshi.

"blue lock không hề bỏ rơi mình. mình không hề đơn độc. cảm giác gì thế này? phát tởm!"

dù đã sớm biết tác giả có trộm long tráo phượng thế nào cũng không thể biến một rin itoshi luôn làm việc một mình và khinh thường đồng đội thành loại người có thể hoạt động nhóm, nhưng tôi vẫn bị pha bẻ lái này làm cho bổ nhào, đương nhiên là theo nghĩa tích cực. ruột gan tôi đã lộn cả lên vì sự phấn khích trước cái tôi lồng lộng của rin cũng như của toàn bộ truyện. blue lock như một chữ SIKE to tướng đập thẳng vào mặt bất cứ ai tìm kiếm ở đây chút tình đoàn kết nào. vì như tôi đã nói, bộ anime này đang khởi xướng một cuộc cách mạng đòi hỏi một loại hình thể thao mới nâng cao tính cá nhân, vị kỷ trước khi vị tha và các đấu thủ ở chung một đội không cần dựa dẫm vào nhau để ghi bàn nữa.

"nghiền nát tất cả", bất kể đối thủ hay đồng đội. đó chính là tôn chỉ của egoist và cũng là thứ khiến blue lock trở nên vô nhị vô biệt.

màu xanh của blue lock không tươi tắn hay tràn đầy niềm tin và hy vọng. màu xanh của blue lock được nhuộm bằng cơn ác mộng u ám của kẻ thua cuộc và nụ cười quỷ dị của kẻ đắc thắng. nhưng sau tất cả, sắc thiên thanh ấy vẫn là màu  của bầu trời, của sự tự do không gì kiềm hãm. blue vẽ nên một đấu trường không hồi kết cho những kẻ vị kỷ thỏa sức vẫy vùng, tung hết những gì mình có mà bất cần giới hạn. đến mức chẳng ai nhận ra sự tự do ấy chưa hề có thực, thứ có thực duy nhất chính là sợi xích của tham vọng đang siết chặt lấy cổ họ theo từng nhịp chân si dại tiến tới khung thành - lock.

p/s: đấy là lý do những nhân vật của blue lock đều được vẽ với dây xích đi kèm trên mọi tấm ảnh bìa chăng? nếu thật vậy thì phải nói đây là một ý tưởng tuyệt vời đấy, hai bác tác giả đáng nể thật.




lock off.






Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro