Câu chuyện trên núi Asao

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong những ngày tháng nhàm chán chờ đợi được nhập ngũ ấy, tôi đã không làm gì khác ngoài nghỉ ngơi, dạo chơi và tối đến la cà ở những quán rượu. Giờ đây, khi cơn sốt của việc mình sắp tham gia vào một công cuộc vĩ đại còn đang hừng hực, tôi thậm chí thấy ngay cả những bóng hồng cũng trở nên vô nghĩa. Những mái tóc uốn tỉa cầu kỳ hay một làn môi đỏ thắm ẩn sau chiếc mũ gấp nếp xinh xinh... Tất cả, hầu như vô nghĩa. Tôi ưa đến các quán rượu, cà phê hay câu lạc bộ không ngoài mục đích được hòa mình vào không khí phấn khởi, hào hùng đang lan tỏa khắp muôn nơi. Nước Nhật đang chiến thắng, nước Nhật đang chuyển mình, và đế chế Mặt trời của chúng ta sẽ không bao giờ lặn. Nhất định Nhật hoàng vĩ đại sẽ đưa chúng ta tới con tàu vinh quang.

Đấy, nơi nơi người ta đều chỉ nói những điều ấy, bàn tán những chuyện như vậy. Sôi nổi và nhiệt huyết, bất kể họ đang làm gì, đang đánh bài, đang uống rượu, đọc báo, cưỡi ngựa, đi săn... hay thậm chí là tán tỉnh nhau. Đến nỗi tôi tưởng như đâu đâu cũng là quân ngũ, ai ai cũng là người lính chuẩn bị ra chiến trường tới nơi rồi.

Nhưng trong số ấy, vẫn có một vài người thật tách biệt. Ở quán rượu quen, tôi thường chú ý đến một quý ngài lịch lãm cứ đúng giờ đấy góc đấy sẽ ngồi uống một mình, và chỉ gọi đúng một ly. Một ly ấy đủ cho ông nhấm nháp cả tối, cộng với quyển sổ nhỏ và chiếc bút chì mà ông sẽ cắm cúi suốt thời gian còn lại. Nhưng đấy không phải là điều duy nhất tôi chú ý đến ông, người đàn ông bình lặng một cách kỳ lạ giữa không khí ồn ào của quán rượu, mà vì tôi biết là ông ấy không hề thờ ơ. Ông ấy vẫn lắng nghe, vẫn hòa nhập vào dòng người này, theo một cách nào đó. Thỉnh thoảng, khi có ai đó hô lên "Nhật hoàng muôn năm!" kèm theo đó là tiếng nâng cốc hưởng ứng, người đàn ông đó sẽ ngẩng đầu lên. Hay như nhóm quân nhân nào đó bàn tán sôi nổi về tình hình chiến trường, hồ hởi khoe về các chiến công, thì nhất định sẽ có ông ấy trong số vô vàn ánh mắt ngưỡng mộ hướng về. Ánh sáng sôi nổi trong thoáng chốc ấy, tôi không thể nhầm được. Điều đó khiến tôi tự hỏi, chuyện gì đã ngăn cản người đàn ông đó không trở thành một phần của thời điểm lịch sử, thay vì đứng ngoài lề như một viên đá dửng dưng. Bởi vì tuy ông đã lớn tuổi, nhưng tôi có thể thấy qua dáng đi một sự vững chãi, dẻo dai mà ngay cả tuổi thanh niên như tôi cũng phải gờm mặt. Tôi đã quên không nói rằng ông còn thường xuyên cầm theo cây gậy chống, có điều với độ đằm tay của nó và theo cách ông mang, tôi ngờ là người đàn ông ấy chỉ mang cho thêm phần đạo mạo, còn chưa chắc đã thật sự cần. Và cứ như thế, người đàn ông trung tuổi đã trở thành một nốt nhạc lạc đạo thật khó bỏ qua trong bản hùng ca cuộc sống thường nhật của tôi. 

Một buổi sáng, như lẽ thường sau bữa cà phê, tôi sẽ thong thả đi dạo quanh công viên Koie. Tình cờ tôi bắt gặp một người đang đọc sách bên chiếc ghế mình vẫn ưa thích nghỉ chân. Dù chỉ liếc mắt sơ, tôi đã nhận ra ngay kẻ chiếm chỗ. Chẳng ai khác ngoài người đàn ông đó, ăn mặc thật chỉn chu, và dưới ánh sáng ban ngày, lạ thay trông lại càng khỏe khoắn, trẻ trung hơn. Ngoại trừ mái tóc nhuốm màu và bộ râu quai nón bệ vệ, mà tôi ước đoán dưới lớp râu tóc đó, ông cùng lắm chỉ chớm tuổi năm mươi. Một ý muốn được làm quen dấy lên trong lòng, nhưng tôi không biết mở lời thế nào cho khỏi khiếm nhã. Cuối cùng tôi dằn mình lờ đi ý tưởng vẩn vơ, tiếp thêm một vòng nữa, với hy vọng quay trở lại thì người đàn ông kỳ lạ đó sẽ bỏ đi. 

Và có lẽ tôi đã rảo bước hơi mau, bởi khi xong một vòng về đúng chỗ cũ thì người đàn ông kia mới chậm rãi đứng dậy. Ông ta không nhanh, nhưng tôi cũng không vội. Từ đằng xa, chắp tay sau lưng giả tảng nhìn ngắm vườn hoa đã tàn lụi vào cuối thu, tôi chờ đợi người đó đi hẳn. Để đến khi ông ta vừa bước được tầm mười bước chân, tôi đã hồ hởi về chỗ thân quen. Nhưng lần này trên đó lại tồn tại một vật không quen, chính là cuốn sổ của người đàn ông nọ. 

Như được trời giúp, tôi tự tin đem trả lại cho người đàn ông. Đúng như tôi dự đoán, ông có một phong thái lịch sự không chê vào đâu được và một giọng nói trầm đục mạnh mẽ. Ông cảm ơn tôi rất nhiều, còn tôi nghiêng mình từ chối lời tán dương, nhân đó giới thiệu bản thân. Tôi còn ý nhị chua thêm mình rất hân hạnh được giúp đỡ ông một công việc nhỏ nhặt, bởi đã nhiều lần giáp mặt qua ở quán rượu nọ nhưng không có cơ hội chào hỏi. Mắt ông sáng lên, dường như chính ông cũng có ấn tượng không tồi về tôi. Ông giới thiệu mình tên là Tatsuya Kishimoto, một nhà sinh vật học đã về hưu. Nay nhà ông cũng gần đây nên muốn xin phép được mời tôi quá bộ một chút để thưởng trà. 

Tuy mới dùng bữa sáng chưa lâu, song có cơ hội được tiếp chuyện người đàn ông mình luôn thắc mắc, tôi chẳng thể nào chối từ. Thậm chí có phần sốt sắng là đằng khác. Trên đường đi, Kishimoto lịch sự hỏi về nghề nghiệp hiện tại của tôi. Khi được biết tôi sắp là một quân nhân, ông ấy mỉm cười nhẹ nhàng. Còn về phần tôi, vì không biết nói gì khác, lại chỉ biết chìm vào im lặng. 

Nơi ở của Kishimoto là một căn biệt thự nhìn khá bề thế. Được người hầu dẫn đường, tôi theo chân ông để bước vào một thư phòng rộng rãi và lịch sự. Biết nói gì về nó đây ngoài việc nó có vô vàn những đầu sách bọc da bìa cứng thơm phức mùi trí tuệ. Tuy nhiên, tôi chú ý đến hai chiếc súng săn được đặt trang trọng ở góc kệ, tuyệt đẹp và sáng bóng, chứng tỏ chủ nhân của chúng phải là một người sành sỏi. Thấy ánh nhìn chăm chú của tôi, Kishimoto giải thích nhẹ nhàng: "Chỉ là chút thói quen xưa. Đã lâu rồi tôi không còn dùng đến nữa."

Lòng tôi hơi thất vọng, vốn dĩ thú săn bắn cũng là niềm hứng thú của bản thân. Nay lại như vậy, tôi cảm thấy sự có mặt của mình bỗng dưng thành thừa thãi với một người đàn ông dường như chẳng có chút tương đồng gì với mình. 

Nhưng kìa trà đã đem ra rồi, và thế là chúng tôi đành ngồi với nhau thêm một lúc. 

Mở lời đầu tiên là Kishimoto, ông thắc mắc về lời tôi nói trước đó, về việc tại sao bản thân lại lưu tâm đến một "thân xác già cỗi" này - nguyên văn theo lời ông nói. Tôi chỉ bày tỏ sự ngưỡng mộ về phong thái điềm tĩnh, vẻ ngoài vững chãi, khỏe khoắn một cách đáng ghen tị. Tóm lại, tôi nhìn ông vì ao ước sau này mình có thể học hỏi được cách sống lịch lãm ấy. 

- Ồ không không, - Ông bật cười, xua tay, - Chàng trai trẻ, anh sẽ không bao giờ muốn sống như tôi đâu. 

- Sao lại không chứ, tôi thấy dường như ngài đang rất tận hưởng cuộc sống...

- Vậy ư? Sống một cuộc đời bình lặng giữa bốn bức tường, ngày ngày đi ra đi về cùng một nơi cùng một chỗ, không có gì đổi khác chăng? Không, đừng dối lòng nữa chàng trai ạ, anh sẽ chẳng bao giờ đánh đổi một tương lai đầy sôi nổi, đầy biến động trước mắt để sống như tôi đâu, bất kể có được giao cho mọi tài sản trên đời này nữa.

Khi tôi định phản bác thì ông đã giơ tay chặn lại, đồng thời nói thêm:

- Để tôi cho anh xem hàng ngày tôi đã cắm cúi làm cái gì nhé. 

Và Kishimoto giao cho tôi chính cuốn sổ mà mình vừa đánh rơi, ra hiệu cho tôi mở nó ra. 

Trong đấy tràn đầy những ký họa, rất tỉ mỉ và chi tiết, mà hầu hết là các sinh vật từ hoa lá cây cỏ cho tới côn trùng. Dĩ nhiên là chúng hoàn toàn phù hợp với điều mà ông đã nói với tôi ngay từ đầu: một nhà sinh vật học. 

Hiểu điều thắc mắc của tôi, ông hất mái đầu:

- Hãy lật ngược về phía trước đi. 

Theo lời ông, tôi giở ngược lại những trang đầu mà mình đã vô tình bỏ qua. Vẫn là những sinh vật, nhưng dần dần chúng đã đổi khác. Theo từng trang lật về trước, tôi cảm giác mình đang lùi xa khỏi thành phố sầm uất, ra khỏi ngoại thành, bước đi theo những con đường dẫn về chốn làng mạc, rồi đi xa, xa mãi... lên tận những ngọn núi cao trầm mặc, hùng vĩ; dấn thân vào từng cánh rừng âm u bí hiểm. Những nét bút ký họa cũng dường như mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, được vẽ bởi một bàn tay mạnh bạo, non trẻ, chưa biết nỗi sợ hãi trong đời là gì. Thứ bàn tay mang sức sống mà tôi rất quen, bởi tôi cũng đang chứa nó. 

Cuối cùng, tôi dừng lại ở một trang sách, bởi quá ấn tượng. Trên màu giấy đã ố vàng, vẽ một đầu sói thật lớn. Nó kỹ lưỡng đến từng sợi lông và đem lại cảm giác choán ngợp như thể con sói sắp lao ra khỏi tờ giấy để vồ lấy ta. Đặc biệt là con mắt, sống động quá! Hầu như mọi tinh lực của người họa sĩ chỉ để khắc họa lấy nó. Tôi phải thừa nhận chưa từng thấy đôi mắt nào cuốn hút đến thế. Vừa nghiêm trang, vừa uy lực lại trong suốt và tinh khiết đến kỳ lạ. Đôi mắt của một con vật đã nhìn thấu suốt mọi thứ và bình thản chấp nhận số phận. Nhưng phảng phất trong ấy - có phải là tôi tưởng tượng chăng - như thấp thoáng bóng dáng của sự oán trách. 

Tôi không giở tiếp nữa, tôi dừng lại, nhìn lên và chờ đợi câu trả lời từ người đã thôi thúc tôi dấn sâu vào quá khứ của mình. 

Và Kishimoto bắt đầu kể, một câu chuyện mà nằm ngoài sự chờ mong và tưởng tượng của tôi. 

"Con sói rất đẹp, phải không? Nhưng nó lại chính là một trong những điều đã hủy hoại cuộc sống của tôi. Vậy mà tôi cũng không thể giận dữ, trách móc gì được. Bởi xét cho cùng, con sói đó không hề kêu gọi tôi can thiệp vào cuộc sống của nó, chính chúng tôi mới là người nhảy vào và tàn phá tất cả. 

Hồi đấy, tôi cũng tầm tuổi anh, còn trẻ và ham thích phiêu lưu. Tôi chọn ngành sinh vật học để nghiên cứu chỉ vì nhà tôi giàu và bản thân tôi muốn được chơi bời, khám phá cho thỏa. Là một nhà sinh vật học, anh vừa được đi, vừa được lấy, vừa được nhân danh khoa học tự nhiên, còn gì thuận tiện hơn nữa? Vậy là tôi cứ thế mà làm thôi. 

Và phải nói rằng, trong suốt quá trình ấy, tôi và hai thứ quỷ quyệt kia (ông chỉ lên hai khẩu súng) cũng thu hoạch được không ít chiến lợi phẩm. 

Thật trớ trêu đúng không? Chúng tôi, những kẻ mang danh nghiên cứu tự nhiên, nhưng lại chính là những người phá hoại tự nhiên nhiều nhất. Có điều, hồi ấy tôi lại cứ nghĩ thế là hay, và cho rằng con người có thể điều chỉnh thiên nhiên lại cho cân bằng. Ôi, đúng là ngu muội làm sao!

Còn về mùa đông năm ấy, tôi đang cùng đoàn nghiên cứu nghỉ chân tại vùng núi Asao. Tình cờ lại đúng lúc vùng này đang bị nạn sói hoành hành. Nguyên nhân khởi nguồn từ việc người ta quyết định xuyên núi để xây đường hầm xe lửa và nó đã thẳng tay chia cắt hai bên quả núi. Với toàn bộ đời sống sinh thái của ngọn Asao, đây là một biến động lớn. Không những thế, việc chặt phá rừng để lấy nguyên vật liệu cũng phá hủy nghiêm trọng môi trường sống của nhiều loài động vật. Cộng với các kỹ sư, nhân công ùn ùn đổ tới, trong những thời gian rảnh rỗi bằng ấy người đã không có trò gì tiêu khiển ngoài việc lao vào săn thỏ, săn chồn. Họ thậm chí còn coi đây là một phương cách hiệu quả để cải thiện bữa ăn vốn nghèo nàn của nhân công lúc bấy giờ. Vậy nên, khi mùa đông kéo đến, hoàn cảnh càng thêm ngặt nghèo. Cả khu rừng chìm trong sự tan hoang. Và cả đói khát.

Những con sói vốn thống trị ngọn núi bắt đầu lâm vào tình trạng túng quẫn. Chúng cư xử liều lĩnh hơn, từ chỗ lén vào làng cướp bóc con gà, con vịt, lũ sói thậm chí dám tấn công cả con người, ban ngày ban mặt. Đến ngay cả chó cũng không có tác dụng, những con sói đói bụng giơ xương xé xác cả chó. Tuy chưa có thiệt mạng về người, nhưng không khí lo âu, bất an vẫn bao trùm những ngôi làng sống lẻ tẻ xung quanh.

Thế ban đầu thì chính quyền vẫn còn lờ đi. Họ có khối việc phải làm và không thích can thiệp vào những chuyện dọn dẹp con thú nọ con thú kia. Với họ thì vấn đề này như chuyện thường ngày ở huyện, năm nào chả có. Cứ ráng đến mùa xuân, đợi đến tuyết tan là xong chuyện.

Nhưng mùa đông năm ấy lại kéo dài một cách kỳ quặc. Và lũ sói, khi đã hết đối tượng bòn rút, thì quay sang đoàn nhân công xây dựng đường tàu - những kẻ chính yếu gây ra tình trạng khốn khổ này cho chúng. Mà đúng ra, theo ý tôi, chúng nên làm thế ngay từ đầu.

Đám người đó bắt đầu kêu la oai oái. Bọn họ từ dưới xuôi lên, kiêu căng và ngạo mạn, cứ nghĩ rằng súng ống sẽ giải quyết mọi chuyện, không hề biết súng muốn dùng được thì cũng cần phải có một đích ngắm. Trong khi ở đây, kẻ địch lại vô cùng tinh ranh, liều lĩnh, với bốn chân nhanh nhẹn và đôi mắt sắc lẻm có thể xuyên qua cả bóng tối. Chúng không bao giờ đứng yên cho anh ngắm, chúng lẩn trong bụi cây, trong đụn tuyết, và có thể bất động hàng giờ chỉ đợi anh sơ sẩy.

Lũ sói không chỉ cướp bóc, chúng còn phá hoại. Xé lều, tha mất đồ đạc, quần thảo các công trình... Đêm đêm, chúng lượn lờ ngay sát lều của họ, đánh dấu bằng mùi nước tiểu khai nồng nặc và bao vây họ trong những đợt tru dài đáng sợ. Đám công nhân hoang mang mệt mỏi, không làm được việc gì ra hồn. Các kỹ sư phụ trách công trình phát điên lên. Thời tiết ẩm ương làm tiến độ không được như mong đợi thì chớ, nay còn tình trạng ngớ ngẩn này, thật là hết chịu nổi. Vậy là họ treo thưởng. Tập hợp những tay cáu cạnh máu gan chẳng sợ gì, hứa sẽ thưởng hậu hĩnh nếu mấy tên đó săn và bắn bỏ được vài con sói. Những người kia cứ nghĩ sói như đám chó hoang ở thành thị, dọa tí sẽ tự biến mất. Làm gì có chuyện ấy. Cái căn cơ là bọn họ cần cút khỏi nơi này, nhưng không ai chịu hiểu.

Tuy nhiên, vì phần thưởng lớn quá, nên nó đã che mắt được kể cả những tâm trí tỉnh táo nhất. Thậm chí số tiền ấy còn lôi kéo được vài người dân bản địa theo đuôi, dù họ biết sự trả thù của loài sói sẽ rất khủng khiếp. Thế là cuộc săn đuổi diễn ra, và dù rằng chẳng bắt được mấy, nhưng cũng khiến trò quấy phá ngơi bớt đi chút chút.

Cho đến khi một tên đần độn trong đám ấy đã phá hỏng tất cả. Tên gã ấy là gì nhỉ? Lâu quá rồi tôi không nhớ rõ nữa. Thôi, hãy xem như hắn gọi là Shintaro, vì loại người đó cũng không đáng để nhớ. Cứ biết rằng hắn là một kẻ tởm lợm trong xã hội này, dạng mà ung thối quá không sửa chữa nổi nữa. Shintaro hăng hái trong việc truy giết những con sói nhất, với nhiệt huyết có phần hơi thái quá, mà tôi nghi chẳng qua chỉ để trốn việc và thỏa mãn chí tàn bạo. Nhưng vốn chỉ là tên võ bền ngu độn, hắn vất vả nhiều mà chưa bao giờ giáp mặt nổi một con sói thật sự, chứ đừng nói là hạ được nó. Mùi hôi thối từ bản chất con người hắn tỏa ra đến bọn sói còn khinh. 

Hẳn là Shintaro bực tức lắm. Vậy nên hắn đã làm một việc táng đởm kinh hồn. Chẳng biết nhờ đâu, Shintaro mò được một hốc sói nhỏ. Vì quá đói khát, cả sói mẹ và sói bố đều phải đi kiếm ăn, để đám sói con đã tầm một hai tháng tuổi ở lại. Shintaro đã bóp chết ngạt hết lũ sói con ấy, cả ba con, và treo lên cành cây để đùa nghịch, khoe khoang. 

Chẳng có ai mang lương tri bình thường lại có thể hưởng ứng với hành động ấy. Tin đồn lan nhanh như gió thổi, dân làng tái mặt, không còn ai muốn dây dưa với đám nhân công đường tàu nữa. Trong mắt họ, mạng mấy kẻ ấy tàn rồi. Ngay cả trong những công nhân có chút ít hiểu biết cũng ý thức được điều đó, nhưng công việc không cho họ sự lựa chọn, họ chỉ biết chằng lều thật kỹ, và không ai dám rời khẩu súng của mình. 

Nhưng việc bất hạnh vẫn xảy ra. Trước hết là với những con chó được nuôi theo để canh lều. Hằng đêm, chúng cứ bị mất tích từng con một, như có bàn tay nào đó cắt tỉa từng chút một, không ai ngăn chặn được. Ngay cả khi họ đã giằng xích lại cẩn thận, vậy mà sểnh ra một cái là có con một đi không trở về. Hay thậm chí, có con còn tự dựt xích, như có sức hút ma quái lôi cuốn chúng lao vào chỗ chết. Mãi về sau họ mới hiểu, bọn sói đã sử dụng một con chó cái để dẫn dụ những con kia vào vòng sát hại. Thỉnh thoảng trong tự nhiên, người ta sẽ vẫn thấy giữa đám sói lạc vào một hai con chó hoang.  Chúng là những con chó đói khát bị con người ruồng bỏ, không có nơi để về, đành gia nhập vào anh em họ hàng, trở về với bản năng hàng nghìn năm trước. Những con như vậy, thường không ngần ngại giết hại đồng loại, như để trả thù lòng trung thành đã bị vứt bỏ. Thật không may, trong đám sói ở ngọn núi Asao đã có một con như thế. Vì vậy, kết cục thảm thương của lũ chó là không thể tránh khỏi. 

Nhưng trong số đám nhân công, có người không chấp nhận được số phận ấy. Anh chàng trẻ tuổi Ishi, rất cưng đàn chó, không thể chịu được những đứa con yêu của mình bị cướp đi sinh mạng. Cho dù mọi người khuyên can bỏ đi, thì anh ta vẫn quyết tâm phải bảo vệ những con còn lại, sẵn sàng thức canh nhiều đêm để rình và cũng để giết cho được "con chó cái khốn kiếp ấy". Đã không ai cản được, thì họ chỉ còn trơ mắt lên nhìn số mệnh tàn khốc xảy ra.

Một đêm, những nhân công tỉnh giấc vì tiếng chó sủa ầm ĩ, tiếng súng bắn đùng đoàng và cả âm thanh chửi rủa của con người. Biết chuyện chẳng lành, họ cùng bật dậy chạy ra để ngăn Ishi làm chuyện dại dột. Nhưng không kịp, Ishi đã đuổi theo đàn sói vào tận rừng sâu. Có người định chạy theo hỗ trợ, tuy nhiên những người lớn tuổi hiểu chuyện đều lắc đầu: "Đừng! Không làm gì được đâu!". Quả nhiên, tiếng súng chỉ vang vọng được vài tiếng, cứ rời rạc rời rạc dần, rồi im bặt. Bỗng dưng mọi thứ yên ắng đến lạnh gáy, tưởng như gió cũng không thể thở. Đêm tối không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì, nhưng đám người cảm giác như những đốm sáng ma quái ấy vẫn ở đó. Chờ đợi. Theo dõi. Cả đêm. 

Hôm sau, người ta cử người đi tìm Ishi. Hay đúng hơn là những gì còn lại của Ishi. Cảnh tượng thật khủng khiếp. Cả một khu vực đất bằng quần thảo máu văng tung tóe, Ishi bị xé xác, bị cắn rời thành từng bộ phận. Những mảnh cơ thể biến dạng bởi các vết nhay cắn, rách tả tơi như thể chúng bị kéo bởi lực không khoan nhượng và ném văng ra xa. Họ thu nhặt từng phần một, ghép lại gần như nguyên vẹn. Chúng đã giết Ishi hầu như vì lòng căm thù, không hề nuốt lấy một miếng. 

Nợ máu phải trả bằng máu. Chính quyền bắt buộc phải vào cuộc. Và đấy cũng là lúc tôi bước vào cuộc chiến, vì tò mò và cũng vì sự hăng hái muốn tận mắt thấy sự hung tàn của thiên nhiên. Thanh niên mà, làm sao mà nhịn được. Không thể cưỡng lại những gì thử thách và bí hiểm, nó khơi gợi bản năng tiềm ẩn của chúng ta, bản năng muốn lao đầu vào nguy ngập. Hay nói cách khác, là lao vào chỗ chết. 

Nhưng nào, chúng ta tới đâu rồi nhỉ? À, tới phần chúng tôi quyết tâm phải diệt trừ lũ sói. Thực ra vừa rồi tôi đùa anh thôi, chứ sự thật là họ mời chúng tôi tham gia vì nghĩ rằng các nhà sinh vật học thì nhất định sẽ am hiểu về tập tính lũ sói. Có điều, đám chúng tôi toàn lũ mọc mầm trên sách vở, làm sao mà bì được với cỏ sắc, gai nhọn, đá núi gập gềnh của thiên nhiên hoang dại? Chúng tôi hiểu điều đó, nên đã khiêm tốn đề nghị nên được hỗ trợ bằng một người dân địa phương thành thạo. Vậy là, họ đã tiến cử cho chúng tôi một người thợ săn kỳ cựu, người đã có hơn bốn chục năm có lẻ lăn lộn sống bằng cung tên và khẩu súng trường. 

Chà, người đàn ông đó thật quý giá làm sao! Đúng là một ông thần rừng sống. Nói thế nào nhỉ, tôi hom hem thế này mà anh còn ngưỡng mộ, thì anh gặp ông cụ đó bây giờ chắc phải phục sát đất. Người đen đủi, nhỏ thó, tưởng như toàn xương là xương, mà rắn chắc vô cùng. Nắm cánh tay ông ta như nắm vào sợi dây thừng cuộn chặt, chẳng có chỗ cho một mẩu mỡ thừa. Cỡ anh và tôi, ông ta chỉ vờn như vờn nắm đất vụn, không đáng để vận sức. Ấy vậy mà hồi đấy nghe đâu ông lão đã sáu mươi rồi, đầu bóng lưỡng chẳng còn lấy một sợi tóc, thế nhưng còn gân guốc dai sức đến thế, hồi trẻ thật không tưởng tượng sẽ "chiến" tới mức nào. 

Quả thực, ông lão thợ săn - tên ông ta là Oiji - nắm ngọn núi Asao này trong lòng bàn tay. Oiji thuộc đến từng con đường mòn, từng ngóc ngách, từng ổ đất, gốc cây; biết đến ngay cả quả trứng mới đẻ của con chim nào, tổ nằm ở nhánh cây thứ mấy. Và đương nhiên, những con sói - thủ lãnh của vùng đất này, Oiji cũng biết luôn. Ông ta thậm chí còn đặt tên cho từng con. 

Có Oiji, chúng tôi như kẻ mù lòa lâu ngày được mở mắt. Ông ta xem xét bãi đất khủng khiếp nơi hành quyết Ishi, xem lại hố đất bị đào xới nơi chôn xác các con sói con (tôi quên không kể với anh là vài ngày sau khi đám nhân công thuyết phục được Shintaro điên rồ chôn lũ sói, thì hố chôn đã bị bới lên và xác tha đi hết); rồi lần ngược về đến tận chiếc hốc oan nghiệt. Khi xem xét xong, Oiji lắc đầu. Ông ta bảo Shintaro đã phạm đến gia đình của sói Waki, một con sói còn trẻ lại hăng máu, từng thuộc đàn của sói già Ruto. Waki vốn là con của Ruto, và tuy đã tách đàn để sống riêng, thì vẫn là máu mủ ruột thịt. Vậy nên động tới Waki, cũng tức là động tới Ruto. Con sói già Ruto bản chất tàn nhẫn, bạo gan, nhiều lần đụng độ với con người, vượt cửa tử mà trở về, chẳng có gì dọa sợ được nó. Nếu muốn, Ruto sẵn sàng kéo cả đàn đồng vu quy tận. Oiji còn nói, đám con đực của đàn ấy đã say máu rồi, chúng sẽ không dừng lại chừng nào không đạt được mục tiêu. Khi nói câu đó, cặp mắt ti hin của Oiji không che giấu mà liếc về phía Shintaro. 

Gã con hoang ấy hiểu ý của ông lão, hắn nhổ một bãi, văng tục om sòm một trận, hung hăng nói sẽ bắn hết giết hết con chó điên nào dám động vào mình, rồi cụp đuôi bỏ đi. 

Không mấy ai thèm quan tâm đến kiểu thái độ ấy. Vì bây giờ sự việc không còn nằm ở riêng mình Shintaro. Chúng tôi bèn hỏi Oiji: "Vậy bây giờ phải làm thế nào?"

Ông ta đứng dậy từ chỗ hang mình vừa xem xét, phủi quần phủi áo nói một câu lạnh tanh: "Phải giết, không còn cách nào nữa rồi. Bọn sói sẽ không từ bỏ, chừng nào không diệt đến người cuối cùng."

"Ông sẽ giúp chúng tôi chứ?"

Người đàn ông cúi đầu, đột nhiên thấy vết ố trên vạt áo trở nên thú vị hơn bất cứ thứ gì trên đời. Mãi sau, ông ta mới ngẩng lên, nói thật rành mạch: "Tôi sẽ giúp các ông, nhưng đừng ai yêu cầu tôi bắn một phát súng nào."

Chúng tôi đồng ý. 

Vậy là cuộc tàn sát bắt đầu. Gồm có mấy người dũng cảm nhất trong đoàn chúng tôi, cùng quân lính chính quyền cử xuống đâu đó tầm chục người đổ lại (sức quan tâm của họ chỉ có được đến thế), cộng thêm vài nhân công tình nguyện. Vẻn vẹn bằng ấy người săn đuổi một đàn sói theo lời chỉ dẫn của ông lão thợ săn. Ông ta lần theo dấu vết của bọn chúng, hướng dẫn chúng tôi đặt bẫy, chỉ ra phải nhử thế nào để dồn chúng vào chỗ đã định. Oiji nói đàn của Ruto tuy nhiều con đực còn non rất khỏe nhưng đấy cũng là điểm yếu. Nhiều đực thì nhiều sự cạnh tranh, con nào cũng muốn lên đầu, con nào cũng hăng máu, vì thế đông nhưng rời rạc, dễ chia rẽ. Nhất là theo Oiji tìm hiểu, đàn ấy có con đực Kota, đã ham muốn tranh giành địa vị thủ lãnh của Ruto từ lâu. Dựa theo đó, chúng tôi cứ tỉa dần tỉa dần từng con một. Oji thực hiện đúng như lời đã định, ông theo chân chúng tôi từng bước, nhưng súng luôn đeo ngay ngắn trên vai, không nổ lấy một phát đạn. Ông còn yêu cầu tuyệt đối không được đem về xác một con sói nào, nó chết ở đâu hãy để nguyên chỗ ấy. Riêng chuyện này thì ông già rất kiên định, dù việc đó làm mấy kẻ háo danh như Shintaro tức tối lắm. Hắn đương nhiên tham gia đoàn đi săn, cũng bắn hú họa được một hai phát, nay lại không được đem chiến lợi phẩm về Shintaro bực dọc vô cùng. Tuy nhiên cũng chẳng suy suyển được chủ ý của ông thợ săn. 

Còn với Oiji, ông già thực sự kính cẩn nghiêm túc với những con sói. Ông vuốt mắt cho chúng, sắp xếp cái xác ở tư thế cẩn thận như chăm sóc một con người. Nếu chẳng may có con nào hấp hối không chết ngay, Oiji sẽ cho một nhát dao trợ tử. Oiji không chôn, ông nói cái gì của rừng núi, phải để rừng núi tự giải quyết. Tuy vậy, ông thường chắp tay vài phút trước xác sói, như thể niệm kinh siêu độ. Những lúc như thế, mọi người sẽ để mặc ông lão muốn làm gì thì làm. Riêng tôi, tôi bắt đầu chú ý, và dần dần tham gia vào những nghi lễ cầu siêu ngắn ngủi ấy. Tuy rằng tôi không biết đọc kinh và bản thân cũng không tin vào sự siêu thoát, nhưng vẫn chống súng đứng yên gác cho ông lão xong suốt mọi sự. Thường sau đó chúng tôi vẫn chẳng trao đổi với nhau thêm một lời nào, nhưng trong ánh mắt Oiji nhìn tôi đã có vài phần thay đổi. 

Và nếu anh hỏi về đàn sói Ruto, rằng liệu chúng có phản ứng gì trước tình thế trên không, thì câu trả lời là có. Tất nhiên rồi, rất dữ dội là đằng khác. Bây giờ chúng thậm chí không chỉ tru lên đe dọa nữa. Đêm đầu tiên khi chúng tôi giết chết một con sói trong đàn, nửa đêm tôi thậm chỉ còn nghe được hơi thở hồng hộc của thần Chết kề ngay sát vách, chỉ cách một lần vải lều; có thể ngửi thấy cả mùi hôi nồng từ mớ lông xám đã quen với giết chóc. Giờ đây, những đốm sáng lấp lóe không còn ẩn nấp nữa, chúng sáng quắc ngay bằng mắt thường cũng nhìn thấy. Có những tối, chúng tôi thậm chí còn đếm được có bao nhiêu cặp mắt sắc lẻm đang nhìn mình. Đoàn chúng tôi bắt đầu phải thay phiên nhau canh gác. Những người nhân công vẫn lặng lẽ làm việc, nhưng không bao giờ được đi riêng lẻ dưới ba người, không được tách ra mà không có một anh lính trang bị đầy đủ súng ống đi kèm. Chẳng ai dám coi thường, nếu còn muốn giữ toàn mạng. 

Nhưng dưới sự trợ sức của Oiji, ngày tàn của đàn Ruto đã điểm. Lũ sói vùng vẫy trong tuyệt vọng, Ruto càng điên cuồng hơn bao giờ hết, có điều ngay trong hàng ngũ của chúng đã có sự chia rẽ. Bọn chúng bắt đầu nhận thấy đây là cuộc chiến vô bổ và chẳng đem lại lợi ích gì, Oiji nói như vậy. Waki đã bị giết chết, sự trả thù không còn mấy ý nghĩa. Rốt cuộc, lũ sói đã không còn tin tưởng vào sự dẫn dắt của Ruto nữa. Việc con sói Kota vùng lên tách đàn và dẫn dắt theo phần lớn đám sói trẻ đi nơi khác, chính là giọt nước làm tràn ly. Ruto chẳng còn gì để mất, nó đã làm việc thật điên rồ: dẫn đám tàn quân còn lại - mà phần lớn là sói già - tấn công con người ngay ban ngày ban mặt. Dẫu như thế thì Ruto vẫn xứng đáng là con sói dày dạn kinh nghiệm, quyết không để công sức bị hy sinh vô ích. Chúng lựa chọn khu vực làm đường tàu hiểm trở nhất, xa trung tâm và khó ứng cứu, lại đúng ngay giữa trưa - khi các công nhân thiếu đề phòng - để phát động chiến tranh. Quả thực, ban đầu đàn của Ruto cũng gây được vài tổn thất đáng kể. Một người công nhân vì hoảng hốt mà ngã lăn xuống vực, một anh lính canh phòng bị đớp ngay cổ họng mất mạng, số nhân công còn lại co cụm cố thủ bằng tất cả những gì có trong tay, giữa vòng vây của đám sói xơ xác miệng dỏ rãi ròng ròng. May mà anh lính xấu số bị tấn công vẫn kịp cướp cò bắn một phát, nhờ tiếng súng đã đánh động những toán người ở xa, để họ tới ứng cứu. Phút hỗn loạn ban đầu tan đi, con người ngay lập tức chiếm ưu thế và lũ sói ngược lại chính là con cá nằm trong lưới. Giá như là con người, thì hẳn chúng đã biết đường bắt ngay đám nhân công đang run cầm cập kia làm bia đỡ đạn để mà tẩu thoát. Đáng tiếc, dẫu khôn ngoan đến đâu vẫn là giống vật vô tri, lũ sói lao vào con người trước mặt với tất cả sự căm thù, vô tình trở thành những miếng thịt ghim đạn. Người ta dễ tưởng chúng là toán quân cảm tử, chỉ muốn tử vì đạo, lao đầu vào chỗ chết. Kết trận, còn sót lại chỉ là những xác sói nằm la liệt. Nhưng Ruto vẫn tẩu thoát, dù trọng thương.

Việc thu dọn bãi chiến trường và mai táng cho hai người xấu số đã ngăn họ truy cùng diệt tận Ruto. Tuy nhiên theo lời Oiji, dẫu không chết, thì một con sói tàn tật cũng là án khai tử cho chính nó rồi. Hơn nữa, dường như trận vừa rồi đã là dấu chấm hết. Những ngày sau đó, không khí chung quanh thật bình yên. 

Được vài ngày, bỗng dưng quanh trại luẩn quẩn một con chó lạ. Con chó giống cái, gầy gò, bẩn thỉu. Mớ lông ngắn trên người hẳn đã có thời vàng ươm đẹp đẽ, nay hủn hoẳn, xù xì, mọc lởm chởm quanh thân thể gầy trơ xương. Mà cũng nhờ thế mà người ta mới biết nó đang có bầu, với chiếc bụng căng tròn là thứ duy nhất có vẻ đầy đặn trên cơ thể nó. Vẻ khổ sở và tình trạng của con chó cái khiến họ động lòng thương. Và cũng bởi sau trận chiến dai dẳng, quanh trại đã chẳng còn con chó nào nữa. Đám nhân công muốn giữ con chó để nơi đây bớt quạnh quẽ, họ rất tích cực chia sẻ đồ ăn thừa cho nó. Nhưng con chó chỉ vẫy đuôi rụt rè đáp lại, nhận lấy thức ăn rồi bỏ đi đâu không rõ, tuyệt nhiên không nán lại vì một bàn tay vuốt ve nào.

Oiji nhìn thấy cảnh ấy thì chép miệng lắc đầu. Ông nói, bọn họ không biết, con chó cái ấy chính là nguồn cơn đã gây ra cái chết cho những con chó trước kia của đám nhân công. Oiji biết lai lịch của nó, con chó tên là Mie, cũng từng có chủ, từng có gia đình. Nó thuộc về một lão nông nghèo, sống cách đây khoảng chục dặm về phía bên kia ngọn núi. Lão ấy thì chẳng ngược đãi gì nó, nhưng cũng không yêu thương, thuần túy chỉ coi Mie hơn cái cuốc cái cày ở chỗ biết sủa. Nhưng với một con thú thì thế vẫn là nhiều, chỉ tội cái lão nông kia không muốn phiền phức gì hơn ngoài một con chó, nên hễ Mie đẻ được lứa nào là lão dìm chết, thậm chí trước mặt cả con mẹ. Cuối cùng, con giun xéo lắm cũng quằn, Mie bỏ đi hoang, khi bắt đầu chớm đẻ đến lứa thứ tư. Bẵng đi mấy năm, Oiji không ngờ lại gặp lại Mie, trong tư cách là một thành viên của đàn Ruto.

Câu chuyện của Oiji đã dừng ngay mọi bàn tay muốn cưu mang con chó. Thậm chí có người còn đề nghị giết nó, nợ máu trả máu. Nhưng Oiji ngăn cản, ông cho rằng hãy lợi dụng nó để tìm Ruto. Oiji suy đoán có lẽ nó bần cùng xin ăn là để chu cấp cho Ruto. Đám binh lính thực sự muốn diệt cỏ diệt tận gốc nên chấp nhận ngay ý tưởng. Họ vẫn ra vẻ thân thiện bình thường, ném cho Mie những tảng thịt lớn, nhưng thực chất là để giúp họ dễ lần theo dấu vết. Mie đã thực sự cắn câu, vì dù đói trơ xương, nó vẫn không xé lấy một miếng, mà vất vả vần tảng thịt trên suốt chặng đường dài. Mie say sưa tới nỗi chiếc mũi thính cũng không nhận ra những mùi lạ đang bám theo mình. Cho đến khi thấy Mie tha tới một chiếc hang nông, đám người quyết định lộ diện. Họ không muốn Mie vào tận hang rồi mới bắt, vì như thế sẽ phiền phức. Oiji đã yêu cầu họ tha mạng cho Mie, vì dù sao nó cũng chỉ là một con chó, nếu không có lũ sói dẫn dắt, nó sẽ chẳng làm được gì cả, nữa là đang có mang. Con cái và con nhỏ luôn cần được ưu tiên, dù ở giống loài nào cũng vậy. Hơn nữa, ngay từ đầu, Oiji cũng thỏa thuận họ muốn diệt trừ lũ sói làm loạn như thế nào thì mặc, nhưng tránh động đến con cái hay sói con, trừ khi bất khả kháng. Bởi ông lão đã giúp đỡ họ rất nhiều nên ai cũng tôn trọng ý kiến ấy. Chính vì vậy,  đáng lẽ chỉ một phát súng là xong, chúng tôi đã phải rất vất vả để giăng lưới bắt được Mie. Khi phát hiện ra mình bị lừa, con chó lồng lộn, hung dữ sùi bọt mép, nhe hàm răng trắng nhởn ra đe dọa. Bụng bầu nặng nề mà nó vẫn nhanh nhẹn và khỏe không tưởng. Nhưng dù né tránh tấm lưới và chiếc dây thòng lọng rất tài tình, Mie không hề có ý định tẩu thoát. Nó vẫn muốn giữ cửa hang. Thế nên mất một lúc rồi họ cũng thòng dây được vào cổ Mie, ghì nó xuống. Con chó thở hồng hộc phun cả nước qua đằng mũi, chỉ biết gầm gừ qua chiếc mõm bị bóp chặt, mọi người đã tưởng vậy là yên tâm. Nào ngờ khi thấy toán người bắt đầu tiến gần hang, đặc biệt là có Shintaro, người đang hăm hở thọc họng súng vào, thì Mie lồng lên. Không biết con chó đó lấy sức mạnh khủng khiếp thế ở đâu ra, nó vùng vẫy được chiếc mõm, cắn người giữ một cú đau điếng, để từ đó vặn mình thoát được khỏi tay của hai người còn lại. Việc xảy ra quá bất ngờ, anh chàng đang giữ cây thòng lọng cũng không phòng bị cầm lỏng tay, thế là Mie - với dây thòng lọng vẫn treo ở cổ - lao đi với cặp mắt của Tử thần. Nó chỉ nhằm tới Shintaro. Hắn ngay lập tức hướng súng lên và...

- ĐỪNG BẮN!

ĐOÀNG! ĐOÀNG

Tiếc rằng thằng đầu đất đó đã bắn trúng. Thật không may.

Mie hấp hối giữa một vũng máu. Oiji là người chạy ra đầu tiên, ông hét lên:

- Sao mày bắn nó, thằng khốn nạn! Tao đã bảo là đừng bắn cơ mà!

- Lão bị khùng à? Không nhìn thấy con điên này đang lao vào hay sao? Chẳng lẽ đây phải đứng yên cho nó cắn chết?

- Nhưng mày có thể làm cách khác! Mẹ kiếp, mày không thấy nó mang thai hay sao?

Shintaro nhổ một bãi nước bọt:

- Oiji, lão yêu bọn chó má này đến phát cuồng rồi. Nó chỉ là một con chó ghẻ, đừng nói lão thấy nó quan trọng hơn mạng người! Đây chỉ tự vệ thôi, bất cứ ai trong cảnh như tôi cũng sẽ làm vậy. Có phải không? Phải không, mọi người?

Không ai trả lời nó.

Oiji tháo khẩu súng, lần đầu tiên trong suốt chiến dịch. Ông nhằm thẳng đầu của Mie, bóp cò. Tiếng súng khô khốc, kết thúc cuộc đời con chó oan nghiệt.

Sau cùng, họ phát hiện mọi cố gắng dày công đều thừa thãi. Ruto đã chết. Chết từ rất lâu. Tận cùng trong hang là xác của nó, kiến đã bắt đầu bâu kín lấy hốc mắt vô hồn, vây xung quanh là rất nhiều mẩu thức ăn thừa mà Mie đem về. Đấy cũng là lý do mà họ quần thảo đến thế, mà không hề thấy Ruto phản ứng gì.

Anh hùng rừng núi một thời vẫy vùng, đã kết thúc cuộc đời như vậy.

Khi họ lôi xác Ruto ra, Shintaro dường như muốn rửa hận nỗi xấu hổ nhục nhã, bỗng đùng đùng lao lên bắn vào cái xác đến hai ba phát, mồm gào lên:

- Con súc vật! Mày làm bọn tao khốn khổ! Đ* mẹ mày!

Việc đó chướng mắt tới nỗi tôi cũng không thể chịu nổi. Tôi giằng súng từ tay hắn, cố tình xô mạnh để Shintaro ngã ra đất:

- Đủ rồi đấy! Nó chỉ còn là cái xác thôi!

Shintaro lại định văng tục, nhưng anh đội trưởng toán lính đã lườm hắn.

- Các anh mất người, chúng tôi cũng mất người. Con sói ấy đáng chết. Nhưng hành hạ một cái xác cũng không đáng mặt làm người đâu.

Ngượng mặt, hắn lồm cồm bò dậy, vùng vằng bỏ đi. Cũng chẳng ai quan tâm.

Anh đội trưởng quay sang nói với Oiji:

- Chuyện với lũ sói đã xong. Chúng tôi chỉ cần biết bọn chúng đã bị tiêu diệt, thế là được rồi. Còn lại tùy ông xử lý.

Ý anh ấy là để hai cái xác cho lão Oiji thích làm gì thì làm, họ không quan tâm nữa. Bọn họ lục tục rút đi hết, chỉ còn lại tôi và Oiji. Tôi ở lại theo thói quen, và cũng muốn giúp Oji trong trường hợp ông cần.

Oiji cứ ngồi mãi bên xác hai con vật, từ nãy đến giờ chẳng phản ứng gì, đột ngột nói:

- Mọi chuyện chưa kết thúc đâu.

Tôi nhíu mày khó hiểu. Oiji chỉ tay về khoảng mông lung trước mặt. Hướng theo cánh tay ấy, tôi cuối cùng cũng nhận ra. Có hai đốm nâu vàng đang nhìn về phía này. Nó đã ở đấy từ bao giờ? Chẳng ai biết được. Ngược lại khi biết chúng tôi đã phát hiện ra, con vật cũng không sợ hãi, nó thậm chí còn rời khỏi lùm cỏ cây um xùm, để hiên ngang bước ra nhìn cho rõ. 

Thật là một con vật tuyệt đẹp. Tuy trong mùa đói khát, nó cũng gầy gò như những con sói khác, nhưng bộ lông màu xám nhạt vẫn phủ dày mượt mà, với tấm lưng võng xuống thành một đường cong đẹp đẽ dẫn tới phần cổ dày dặn, phần bắp chân vững chãi và thẳng tắp. Cuối cùng đặt trên đó là chiếc đầu đẹp chuẩn mực theo tiêu chuẩn của loài sói. Đặc biệt ấn tượng là cặp mắt. Hai con mắt không sắc nhọn như thường thấy mà tròn sáng như có thần. Trong hai tinh cầu nho nhỏ đó vừa chứa đựng sức sống của tuổi trẻ mà lại vừa có sự cương nghị trải đời của những con vật đã tồn tại rất lâu đời. Quả là kỳ lạ. 

Khi đã để chúng tôi ngắm nghía đã đời, con vật bỏ đi. 

Ông Oiji đã nói đúng. Mọi chuyện chưa kết thúc. Khởi đầu bằng việc ba ngày sau, đàn gà của một hộ gia đình trong làng đã bị cắn chết không còn một con. Khung cảnh cuộc thảm sát rất kỳ quặc, con nào cũng bị xé xác nham nhở, máu đọng thành từng vũng và những mảnh máu me dính lông, dính thịt ấy được rải thành một đường ngoằn ngoèo suốt từ làng cho tới chính trại của đám nhân công đường tàu. Và nhất là, lũ man rợ ấy còn để một phần quà đặc biệt chỉ dành riêng cho Shintaro. Ngay cửa lều của gã là một con gà bị phanh thây, ruột rà lòng mề toang hoang giữa trời lạnh, vết cắn rất ngọt ở cổ vẫn còn chưa đông máu. Người ta thậm chí còn thấy bao nhiêu là vết chân sói vòng quanh lều, quần thảo tới nỗi cỏ gãy rạp hẳn đi, chứng tỏ chúng đã thám thính một lúc rất lâu mà người trong trại chẳng hề hay biết. Đấy là một tin nhắn khiêu chiến từ lũ sói. 

Chúng tôi, những người đã tưởng thế là xong và định rút đi, chứng kiến cảnh đó thì nhăn mặt. Nhưng ông Oiji mặt chỉ đanh lại như tượng đồng. 

Và mấy ngày sau, việc ấy lại tiếp tục. Từ hộ này đến hộ khác, lần nào chúng cũng giết sạch, không sót một mống, nạn nhân còn chưa kịp kêu. Và lần nào cũng đưa dấu vết đến tận cổng trại công nhân, kèm "quà" trang trọng cho Shintaro, khi là bộ lòng, khi là những phần đầu xác chết mắt thô lố nhìn vào trong lều. Hành động vờn vèo thách thức ấy khiến thằng cha võ bền cục súc như Shintaro phát điên, gã tức đỏ ngầu con mắt, suốt ngày lăm lăm khẩu súng như sẵn sàng bắn bỏ tất cả những gì chạy bằng bốn chân trước mặt. 

Dân làng thì oán giời dậy đất, và lạ thay, dồn tất cả sự căm tức sang bên đám nhân công. Từ lúc nào, bọn họ đã thành mầm tai họa. Đã có những ý nghĩ giá như đám người kia không xuất hiện, giá như bọn họ đừng có xẻ núi phá rừng làm gì, tốt đâu không thấy, chỉ thấy toàn xui rủi. Nếu những kẻ thành phố ấy mà cút thì biết đâu hận thù của lũ sói sẽ chấm dứt. 

Người dân tức giận cũng phải. Vì tuy trước giờ lũ sói nhiều, nhưng hai bên sinh sống rất hòa bình. Chỉ khi nào con người sơ sẩy vào lãnh địa của sói, vào thời điểm chúng kiếm ăn thì mới có chuyện, còn nếu không, nước sông không phạm nước giếng, hiếm khi xảy ra xung đột gì. Nữa là so với người, lũ sói vẫn tồn tại lâu đời hơn, vẫn là chủ nhân của ngọn núi này, nên trong tâm thức của người dân, chúng gần như một dạng thần thánh. Ấy vậy mà thứ văn minh đem từ nơi nào đến đã phá hoại tất cả. 

Hơn nữa, nếu không đổ mọi oán trách lên đám người kia, thì dân làng cũng chẳng biết đổ vào ai. Chống lại bọn sói ư? Bọn họ đã thử rồi, nhưng không làm nổi. Mức độ liều lĩnh của bọn sói đợt này còn trên cả thời Ruto. Có nhà đã cho người canh giữ chuồng súc vật, thủ cả súng theo, vậy mà lũ sói vẫn dám tấn công. Chúng còn khôn ngoan để một lớp cắn vách cửa trước, còn lớp khác đào ngách đằng sau. Để đến khi thằng nhóc còn đang lăm lăm khẩu súng chĩa về phía cửa, thì đã có đến mấy cặp mắt sáng quắc đằng sau lưng rồi. Kết quả là sáng hôm sau, người nhà vào chuồng thấy lũ gà vẫn chết, xác thịt vẫn tung tóe, còn thằng con thì đứng lập cập cả đêm không dám ngủ, sợ té đái ướt đẫm cả quần. Trên người nó không mảy may một vết xước, có điều người ta kể thằng bé phải mất một tháng mới hoàn hồn, nói năng được như người bình thường. Thông điệp của lũ sói quá rõ ràng, hãy để chúng làm theo ý mình, đừng dại dột chống cự. Yên là còn, cự lại là chết. Thế nên mới có chuyện, tới một đêm, chúng vây lại tấn công cả một con bò. Con vật già nua kêu gào ầm ĩ, nhưng chủ nhà chỉ biết bịt tai run cầm cập với nhau, không ai dám làm gì. Cho tới khi âm thanh tắt lịm, thì cũng là gần sáng. Và phải nói rằng, hôm ấy con đường từ làng cho tới trại nhân công đã được nhuộm một màu xứng tầm với công sức của lũ sói. 

Vậy là sự hận thù đã lan từ sói sang người. Nó nhen nhóm cho những hành vi phá hoại công trình đường tàu do chính con người gây ra. Nói cho công bằng, trước đây vốn đã có hiện tượng dân làng phụ việc rồi "lỡ tay" cầm nhầm hai ba mẩu vật liệu. Nhưng đó chỉ là dấm dúi không quan trọng, dẫu sao vẫn không bằng chính đám ở trên ăn bớt, nên họ cũng nhắm mắt nhắm mũi cho qua. Dù gì cũng là để giữ hòa khí với dân bản địa, huống chi ngay cả trong nhân công còn thỉnh thoảng tuồn ra ngoài bán tí lấy tiền uống rượu. Nói chung là chuyện thường ngày ở huyện, không mấy ai để ý. Nhưng tình hình hiện giờ đã khác rồi. Giờ thì không phải chuyện kiếm chác vặt vãnh, mà đây là phá hoại có mục đích sâu xa, phá hoại để xua đuổi, nên họ không thể nhắm mắt làm ngơ. Tuy nói là bên chúng tôi có lính canh, nhưng sự thật rõ ràng ai cũng thấy, vấn đề chỉ có thể giải quyết tận gốc là từ lũ sói. 

Đàn sói lần này, theo như Oiji kể lể (có phần bất đắc dĩ), là đàn dưới sự lãnh đạo của một con đực còn trẻ. Ông ta gọi nó là Yuto. Thực ra trong số các đàn sống rải rác ở núi Aoso mà Oiji biết, đàn của Yuto là thuần nhất. Chúng lẩn rất sâu, sống ở nơi khắc nghiệt tít trên đỉnh núi cao, nên ít khi động chạm tới con người. Đợt vừa rồi lũ sói đói tấn công làng mạc cũng không hề thấy dấu chân của Yuto, vì vậy Oiji rất ngạc nhiên khi chúng lại kích động tới mức ấy. Dường như số lượng thành viên của đàn Yuto đã tăng lên, nên Oiji đoán nó đã tiếp nhận cả những con cái, con non bơ vơ của đàn Ruto, dẫn tới việc miệng ăn nhiều, phân chia cũng khó khăn hơn, bởi thế mới phải cùng đường dứt giậu như vậy. Nhưng ai cũng ngầm hiều một điều mà Oiji chưa nói, đó là cùng với việc tiếp nhận phần còn lại của đàn Ruto, đám sói kia cũng đồng thời tiếp nối luôn cả mối thù hằn đó rồi.

Vậy là đợt săn lùng thứ hai lại bắt đầu. Nhưng lần này, mọi chuyện khó khăn hơn chúng tôi tưởng. Đàn của Yuto quá tinh ranh. Chúng chỉ đi săn và phá hoại vào ban đêm, ban ngày lẩn sâu vào địa bàn của mình, không ai làm gì được. Ngay ông Oiji cũng chịu bó tay. Mấy ngày đi săn của chúng tôi đều công cốc, đến một mẩu lông cũng không thấy, trong khi việc tàn hại vẫn tiếp tục, và bọn sói được một phen cười nhạo vào mặt con người. Bây giờ sau khi rảnh ranh làm con việc vẽ đường từ làng vào cửa trại xong, chúng còn có thì giờ tru lên vài câu báo hiệu sự tồn tại. Mà thực kỳ lạ, dù đã cắt cử lính canh gác, nhưng không hiểu sao chúng vẫn tiếp cận được lều của Shintaro. Vẫn vứt được những mẩu xác thừa, vẫn nhay cắn đồ đạc của hắn và bây giờ thậm chí còn đánh dấu bằng mùi nước tiểu. Mọi người xa lánh Shitaro, coi hắn như người đã chết. Bây giờ trong mắt tất cả, Shintaro không khác gì một tên tù nhân đã được đóng dấu "tử" chỉ chờ ngày lên đoạn đầu đài. 

Cũng bởi việc phá hoại quá dữ, chúng tôi không còn cách nào khác là phải săn đêm. Lực lượng đành chia nửa, để một phần lớn cắt cử ở làng, theo dõi hy vọng tóm được mấy cái đuôi xám. Còn lại thì sẽ ở trại bảo vệ bằng cách cài các loại bẫy bao xung quanh hàng rào. Được vài đêm yên ổn, không có động tĩnh gì, những tưởng rằng lũ sói đã sợ. Hóa ra chính chúng tôi mới là kẻ trúng bẫy thâm sâu. 

Sau mấy ngày, bọn sói có tới làng thực hiện trò tàn sát thật, nhưng chỉ có vài mống sói già không đáng kể. Chúng lượn lờ, gầm gừ vòng quanh, chứ không tấn công một nhà nào cụ thể, cuối cùng chỉ khiến đám chúng tôi tốn hàng chục viên đạn vô ích. Thực chất mục tiêu đích xác của chúng, chính là trại nhân công. Trong lúc ở làng đám chúng tôi vẫn đang bắn vào không khí, thì lũ sói trẻ khỏe nhất - do chính Yuto cầm đầu - liền xông vào trại cướp bóc một trận thật kinh hoàng. Không hiểu sao chúng né được hết tất cả cạm bẫy, và tấn công vào lũ con người đang chủ quan say ngủ, ỷ vào những chiếc bẫy vô dụng bên ngoài. Bọn chúng tấn công bài bản đến đáng kinh ngạc, né bẫy, né chỗ có lính canh, và ngay lập tức cắn đứt sạch các dây cột lều. Đám người hoảng hốt, tự nhiên trời sập xuống đầu, cứ nhặng xị lên không làm được gì cả. Và tới khi họ thoát được khỏi mớ vải lều lùng bùng, ổn định được tinh thần, cầm được khẩu súng, thì chúng đã phá tan xong mọi thứ rồi. Kết thúc cuộc tấn công, tất cả lều trong trại đều phải dựng lại, đồ đạc đổ vỡ tung tóe hết cả. Khốn khổ nhất là kho phần lương thực bị chúng cắn nát, giẫm đạp, cướp bóc chỉ còn vớt vát được phân nửa. Riêng lều của Shintaro được "chăm sóc" kỹ càng nhất, bị cắn tan tành thành mớ giẻ không ra hình thù gì. Thật may hôm đấy thằng cha lại theo chân chúng tôi đi rình ở làng, chứ nếu không ngày giỗ của hắn đã tiết kiệm được đến mấy ngày rồi. 

Tóm lại, trong cuộc chiến lần này, bên con người đã thua, thua toàn tập. Thứ duy nhất chúng tôi thu thập được, chỉ là đã xác định được trọn vẹn cơ cấu của kẻ thù. 

Sau khi thu dọn tàn quân ở trại, điểm lại quân số, mọi người mới hốt hoảng thấy thiếu mất ông lão Oiji. Ông ấy là người đã chọn ở lại trông trại. Không thể nào có chuyện ông già kiên gan ấy bỏ chạy, nên mọi người lo lắng hay lũ sói đói đã tha ông ta đi mà diệt khẩu luôn rồi. Tuy không có vết máu, nhưng tất cả đều nghiêng theo giả thuyết ấy. Đến bây giờ thì họ thực sự thừa nhận bọn sói này đã thành tinh rồi, và họ đang chiến đấu không phải với một đàn sói quèn chắp vá, mà là cả một lũ quái vật có kỷ luật, có chiến thuật lớp lang hẳn hoi. Thế nên nếu lũ sói kia mà biết đường đi tiêu diệt chính bộ não của họ thì cũng chẳng ai làm lạ. Chúng tôi ngao ngán nhìn nhau, đến nước này thì cùng đường rồi. 

Chính lúc ấy thì ông lão Oiji lại lù lù xuất hiện, bẩn thỉu, hôi hám như con khỉ lâu ngày không tắm, nhưng nguyên vẹn không khuyết thiếu một bộ phận gì và cặp mắt thì sáng quắc. Hóa ra, Oiji chẳng bị con nào bắt cóc hay thủ tiêu gì cả, là tự ông già khi thấy thế trận hỏng rồi, đã lẳng lặng theo chân đàn sói. Ông ấy quyết định ngay, vì biết để đến sáng là chúng sẽ rút vào rừng sâu, không còn kịp nữa. Và đồng thời cũng phải làm thật bí mật, vì với độ tinh ranh của kẻ thù, hai người trở lên là chúng đã biết rồi. Việc này chỉ có Oiji và duy nhất một mình Oiji làm được thôi. 

Vậy là chúng tôi cùng quây lại hỏi Oiji. Ông ta nói đúng như đã dự đoán ban đầu, đàn của Yuto hai phần ba là con cái và con non. Thành phần con đực chủ yếu là bọn lớn tuổi, có nhiều gương mặt quen thuộc Oiji đã thấy ở đàn của Ruto. Nhưng đàn này rất trung thành và quy củ, ngay cả con cái cũng chiến đấu chẳng thua kém gì con đực, cho nên mới tạo sức mạnh ghê gớm đến vậy. Chúng nhất nhất tuân theo Yuto, một con đực đầu đàn còn trẻ, khỏe và rất có uy. Hơn nữa, theo lời Oiji, sức mạnh đáng gờm của đàn Yuto là nó có hai đầu não. Yuto có một "quân sư" tham mưu tác chiến cho mình và góp phần quản lý các thành viên trong đoàn, ấy là con sói chột Naoya. Con sói này Oiji cũng biết, nó cũng là hàng có số có má. Từng bị người ta bắt để làm trò đấu đá với gấu và sói mua vui, nó đã vượt qua cái lò rèn địa ngục ấy và trở về. Tuy phải đánh đổi bằng một mắt, nhưng với loài thú sống chủ yếu bằng chiếc mũi mà nói, cũng chẳng phải vấn đề gì lớn. Oiji chỉ ngạc nhiên là tay anh chị cô độc ấy lại chấp nhận dưới trướng Yuto, vì xét ra về sức lực hai con cũng một chín một mười, nếu đấu toàn sức với nhau một trận còn chưa biết bên nào ăn bên nào...

- Rồi, rồi, chúng tôi hiểu là đàn sói ấy coi như có hai con đực đầu đàn, rất là đáng gờm đi. - Một người sốt ruột ngắt lời Oiji, - Vậy thì ông có kế sách gì khả dĩ đánh bại được bọn chúng không?

Oiji rít thêm một hơi từ điếu thuốc cuốn vội, vẫn không có ý tiến nhanh hơn. Dù gì cũng phải hưởng thụ đã, mất một tuần ông đã phải sống như con gián con bọ không biết mùi thuốc lá là gì rồi. Cuối cùng, ông mới thủng thẳng nói tiếp.

Theo ý Oiji là đường đi vào hang ổ của đàn Yuto rất độc đạo, hiểm trở. Phải đi qua một khe đá thắt cổ chày nhưng lũ sói thừa khôn ngoan để cắt cử con canh gác. Chỗ đó chỉ đi được từng người một, vào đấy thì chả khác gì nộp mạng cho sói. Cứ cho là ta có súng, có nhiều người, thì thiệt hại vẫn là năm ăn mười, không đáng. Trong khi đàn Yuto tuy mạnh thì có mạnh, nhưng chỉ cần tóm được con đầu đàn, chia cắt Yuto và Naoya, vì ông áng chừng Naoya không có nhiệt huyết bằng con kia, thì đàn ấy sẽ không đánh mà tan.

Thế nên, việc tốt nhất bây giờ là dụ được Yuto ra khỏi chốn an toàn và bắt giữ được nó. Từ đấy, các bước khác sẽ dễ thương lượng hơn.

- Thương lượng? Lão nói dễ nghe nhỉ? - Giọng Shintaro từ đâu đầy giễu cợt, -  Cứ như lũ mọi rợ ấy hiểu tiếng người mà nói chuyện với lão vậy. Mà lão tính rủ con quỷ bốn chân ra bằng cách nào mà nói mạnh miệng thế?

- Shintaro, có những lý lẽ mà cái đầu đần độn của mày không hiểu được. Về phần đó thì tao thấy thà nói chuyện với con sói điếc còn hơn. Còn về bản thân Oiji này không bao giờ đưa ra cái gì mà mình không chắc chắn làm được cả. Tuy đây là cách bất đắc dĩ tao không bao giờ muốn dùng, nhưng cũng không còn cách nào khác nữa rồi...

Vừa nói ông vừa thọc tay vào chiếc bị đeo bên lưng từ nãy giờ vẫn hơi ngọ nguậy, lôi ra cho bàn dân thiên hạ thấy. Đó là một con sói non miệng còn hôi sữa.

Trong suốt mấy ngày ăn chực nằm chờ cạnh lũ sói, Oiji đã phát hiện Yuto đặc biệt chăm sóc cho một con sói cái mới đẻ. Ông lão chẳng biết chúng có mối quan hệ gì, nhưng lạm đoán có khi là một cặp. Nên Oiji đã liều mạng cắp một con sói con về nhân lúc con mẹ sơ sẩy.

Con sói con đã ba tuần tuổi, và có vẻ được Oiji chăm sóc rất tốt, vẫn chưa hết say ngủ. Dường như cảm nhận có bao nhiêu cặp mắt đang nhìn mình, nó lim dim hai hạt đỗ tí hin ngó dáo dác, hếch hếch chiếc mõm đen mà hít ngửi khắp nơi, phát ra tiếng kêu eng éc thật yếu ớt.

Chẳng ai bảo ai, bỗng dưng trước âm thanh ấy cảm thấy thật hồi hộp.

- Bây giờ thì sao? - Ai đó nói.

- Thì chuẩn bị chờ lũ sói đến chứ sao!

- Nhưng biết bao giờ chúng nó mới tới?

- Không cần phải đợi đâu, bọn chúng đã tới rồi.

Nói rồi Oiji nhổ toẹt bã thuốc vừa nhai xuống đất nền lạnh giá.

Tối hôm ấy trời nổi gió nhẹ. Một thời tiết thuận lợi để che giấu những mùi cần che.

Toàn bộ bẫy quanh lán trại đã được gỡ ra hết. Từ xẩm tối, mọi người đã rút hết vào lều, những đống lửa đốt sưởi cũng nhanh chóng được dập, chỉ le lói được vài tia sáng trước khi tắt hẳn. Không gian mới thật yên ắng làm sao, chỉ  nghe tiếng gió thổi qua tán cây rì rầm, thì thầm những điều bí mật.

Chỉ có hai con mắt vẫn thức, và chong chong vào màn đêm...

Bỗng nhiên...

Tiếng còi ré tai vang lên.

- CHÚNG TỚI RỒI!

Lập tức đuốc đèn rực sáng khắp nơi, pháo sáng được bắn lên, soi tỏ một vùng, làm lóa mắt những chiếc bóng bốn chân bí hiểm. Chúng nhanh chóng phát hiện ra người không ở trong lều và vật chúng đang muốn lấy vốn không ở nơi đã định. Thế thượng phong đã không còn nằm ở chúng nữa. Nhưng vì không còn đường lùi và vì thời điểm ấy sự nôn nóng đã lấy hết mọi quyết định tinh khôn, lũ chó sói vẫn liều mạng xông vào. Chúng chỉ tập trung và cố tìm cách để tiếp cận Oiji, nhằm cướp lại con sói con. Thế trận giữa người với sói giằng co, vì ánh sáng nhập nhèm không dễ bắn chính xác, và cũng vì lũ sói cứ di chuyển liên tục, nhằm tìm ra điểm yếu để thọc vào.  Trong đó Oiji ở trung tâm, một tay giữ kẹp chặt con sói con, một tay kè kè con dao găm. Dù gì ông ta cũng không thể tin ai ngoài chính mình.

Số sói tham gia giải cứu lần này ít hơn Oiji tưởng. Rõ ràng Yuto vẫn rất thận trọng. Ông có thể nhận ra nó cũng có mặt, nhờ hình dáng có phần đậm người hơn cả. Và còn có cả con sói mẹ, kẻ đang bị mất con. Con sói con thèm sữa, ngửi thấy mùi mẹ cứ kêu váng lên, càng làm con mẹ bồn chồn. Nó hình như bất chấp cả mệnh lệnh của Yuto, cứ mạo hiểm lao lên.

"Hỏng rồi", Oiji lẩm bẩm.

Quả nhiên, con sói cái đã bị sa xuống bẫy, cái hố vốn được thiết kế để dành cho Yuto. Thế là hỏng bét, vì như vậy thì bao nhiêu công họ sắp đặt lại chẳng được gì. Bởi đã thấy như vậy, thì sẽ chẳng còn con thú tỉnh táo nào thèm tiến lên nữa.

Ấy vậy mà vẫn có. Con sói cái vừa tru tréo, cái bóng xám đã nhảy thẳng xuống trước sự kinh ngạc của chúng tôi. Yuto, con sói khôn ranh đến thế, đã thực sự tự chui đầu vào rọ. Nó loay hoay tìm cách đưa được con chó cái lên. Yuto còn định làm bệ đỡ để con cái kia nhảy lên lưng mình leo lên miệng hố. Tuy nhiên con cái cứ lóng ngóng mãi, có lẽ vì bối rối, hay có lẽ nó không nỡ bỏ Yuto ở lại. Con Yuto phải đớp dọa cho vài lần thì con cái kia mới quyết tâm. Cứ thế hai con sói xoay sở, khéo léo tới nỗi chúng tôi quên cả nhiệm vụ cần làm. Mãi tới khi có người nhắc: "Nhanh lên, phủ lưới lên đi chứ!", thì chúng tôi mới sực nhớ ra mà đậy lưới sắt lên che hố. Khi tấm lưới nặng đã được phủ lên trên, chấm dứt mọi hy vọng tẩu thoát của hai con sói, thì cũng là lúc Mặt trời vừa ló dạng. Những con sói còn lại hiểu rằng, trận chiến đã thảm bại, chúng lặng lẽ rút lui.

Bước đầu của kế hoạch đã thành công mỹ mãn, mà đến chính chúng tôi cũng không ngờ.

Việc bây giờ chỉ là quyết định xem, làm gì với hai con sói. Oiji thẳng thừng tuyên bố, không được giết. Cứ nhìn gương Ruto thì rõ, giết chóc chỉ khiến bọn sói thêm kích động. Và khi chúng không còn gì để mất thì hậu quả sẽ vô cùng khó lường. Chi bằng hãy giữ sói đầu đàn làm con tin để kìm giữ đàn sói, cho đến khi nào chúng ta làm xong công trình, rút hết đi rồi, thì lúc ấy chúng có quậy phá gì cũng chẳng còn liên quan đến ta nữa. Như vậy chẳng phải hay hơn sao?

Giờ thì còn ai dám cãi lời ông lão nhỏ thó ấy nữa? Ai dám bảo ông ta chỉ là một tay thợ săn nhà quê tầm thường? Oiji có nắm đầu cả lũ chúng tôi, những giáo sư, kỹ sư, cử nhân lôi đi cũng là chuyện quá bình thường. Ông ấy đã trở thành thủ lãnh của cả cái trại này rồi.

Họ bèn sao y lời Oiji, lôi hai con sói kia lên. Trước nhất là thả hai mẹ con sói cho về rừng. Vì giá trị lợi dụng đã xong và cũng vì cần có một kẻ nào đó đưa tin cho đàn kia biết, đấy là Oiji nói với chúng tôi như thế. Còn với Yuto, họ nhốt vào chuồng sắt thật nặng, thay nhau canh chừng đề phòng lũ sói kia đến cướp. Con Yuto hình như cũng biết mình đang bị giữ làm con tin, nó không chịu ăn mà cũng chẳng kêu, cứ lồng lộn đi lại trong chiếc chuồng chật hẹp, chỉ nhe nanh gầm gừ mỗi khi bóng dáng Shintaro đi qua. Thằng cha ấy cũng biết sự hằn thù con thú dành cho mình, gã chọc gậy ném đá, thỉnh thoảng lại đạp vào chiếc chuồng chửi đổng re ré. Mấy lần như vậy, tới khi ông Oiji phải đe còn làm nữa sẽ bắn lủng chân, thì thằng đấy mới thôi.

Shintaro rõ rành rành là một thằng vứt đi, nhưng nó cũng không phải không có ý đúng. Đấy là lũ sói không hiểu ý đồ tốt đẹp mà Oiji làm cho chúng. Đáng lẽ cứ yên vị ở trong núi và bầu ra một con đực mới, như bình thường loài này vẫn làm, thì chúng lại quyết chí cảm tử, chỉ để cứu Yuto. Một buổi sáng, Mặt trời vừa mới vén được vài tia sáng yếu ớt, chúng tôi tỉnh dậy và chuẩn bị cho một ngày dài mệt mỏi, nhưng ngày hôm ấy đã diễn ra rất khác. Người lính canh gác đã hốt hoảng điệu cả trại dậy, chỉ về phía cổng và nói: "Các anh hãy ra mà xem". 

Chúng tôi được thấy cảnh mà mình chưa từng thấy bao giờ. 

Cả đàn sói, hơn hai chục con, đã tập hợp trước cổng trại. Chúng đứng lố nhố, con to con bé, con già con trẻ, con đực con cái... Tập thể kỳ quặc và lộn xộn ấy giương những con mắt chằm chặp nhìn về chúng tôi. Đứng đầu là Naoya, tôi biết thế, vì mắt nó bị chột và có một dải lông trắng kéo dài suốt từ đỉnh đầu cho đến hết lưng. Lũ sói muốn đấu với chúng tôi một trận sòng phẳng, vì chúng cứ đứng yên không nhúc nhích, đợi tất cả những người trong trại tập hợp đầy đủ. Tới lúc đó, con Naoya mới ngửa cổ lên tru một hồi dài. Không có con nào hùa theo nó, nhưng đấy là lời hiệu triệu. Những con nào còn ngồi đã bắt đầu đứng lên, con nào đang đứng thì đôi mắt tập trung hơn, cả người đổ về phía trước, căng thẳng. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. 

Bọn sói lừ lừ tiến lên. Chúng thừa hiểu để không hùng hục lao tới như một cái bia hứng đạn, hoặc trở thành mồi ngon cho cạm bẫy, cả đàn tản ra như hình rẻ quạt, ép mình thật thấp và tiến lên chậm rãi như đang rình mồi. Bên phía chúng tôi, những anh lính dàn hàng ngang lên phía trước, bắt đầu ngắm bắn. Tôi cứ sợ họ sẽ tiêu diệt hết đám sói, nhưng không, đạn bắn liên tục, có điều chỉ cày những đụn đất xung quanh bọn chúng, xua đuổi lũ sói lùi lại. Hình như có thứ gì đó trong cách chúng liều mình vì đồng đội, đã làm cảm động đến những người lính này. Họ nhìn thấy sự tương đồng với loài thú nổi tiếng là hoang dại kia trong một cuộc sống lấy chính sinh mạng của mình ra đánh đổi, và điều đền đáp duy nhất chỉ là sự trung thành tuyệt đối, là tình anh em sống chết đến cùng. Vì vậy, ngay trong lúc này, giữa họ và đàn sói, không phải là kẻ bề trên với dã thú cần tiêu diệt, mà là lòng tôn trọng của những người lính ở hai bên chiến tuyến. 

Nhưng trong chiến tranh vốn không có hai chữ "nương tay". Dù họ đã có ý tốt, vẫn không thể tránh những viên đạn lạc. Đã có mấy viên đạn sượt qua người, trúng vào đuôi, găm vào chân của một vài con sói. Chúng kêu lên đau đớn. Tiếng kêu đã vang động tới Yuto. Con sói nãy giờ vẫn đứng căng người trong chuồng, căng thẳng dõi theo sự giải cứu của đàn, bây giờ không thể chịu nổi nữa. Nó cũng rên rỉ đau khổ và cuối cùng cất lên tiếng tru. Tiếng tru ấy hướng về phía đồng đội của nó, kêu gọi chúng hãy bỏ cuộc đi. 

Tôi đoán là như vậy, bởi từ xa Naoya giật nảy người. Con sói ấy nãy giờ vẫn không rời vị trí, vẫn ở nguyên chỗ cao nhất, như để quan sát tình hình. Tiếng hồi đáp của Yuto đã đánh động nó. Ngay lập tức, Naoya tru lên đáp lại. Ngay lập tức, những con sói kia cũng dừng bước. Rồi tiếp theo đó, cuộc chiến bỗng dưng bị lùi đi đâu hết, cả chúng tôi cả đàn sói cứ yên lặng lắng nghe Naoya và Yuto hồi qua đáp lại bằng những âm thanh của riêng mình. Dù chẳng hiểu gì, lũ chúng tôi đều cùng cảm thấy sự nghiêm túc của cuộc đối thoại, cùng hồi hộp chờ đợi diễn biến. Thế trận sẽ như thế nào, chính là quyết định vào những phút như thế này đây. 

Cuối cùng, có vẻ phần thắng đã về phía Yuto, vì nó gầm gừ rất to, ghiến hai hàm răng giận dữ gần như là rít lên tỏ thái độ. Xong xuôi, Yuto nằm xuống, gối đầu lên hai chân, có vẻ không còn muốn nói chuyện nữa. Phía trên kia, Naoya bất động. Không ai biết được trong cái đầu nhỏ bé ấy suy tính những gì, chỉ biết rằng một lúc sau, nó lại ngửa cổ lên tru một lượt. Đám sói lục tục thu hồi, kể cả những con bị thương nằm im re, cũng tập tễnh trở về đàn. Chúng tôi lòng thở phào, dần dần buông súng, nghĩ rằng cuộc đàm phán thế là xong. 

Không ai chuẩn bị cho việc tiếp theo sẽ xảy ra.

Khi tất cả đàn đã trở về thì Naoya lại đi xuống. Một mình nó tiến về phía trước. Vì có mỗi nó nên không người nào có hành động gì mà cũng chẳng ai biết sẽ phải phản ứng ra sao. Tất cả nín thở nhìn con sói cứ thế bình tĩnh đi qua cổng, vượt qua hàng người (thực chất là chúng tôi đã tự động né ra cho nó) rồi hướng tới chiếc chuồng nhốt Yuto.

- Cẩn thận, có bẫy! - Ai đó thốt lên khe khẽ.

Dĩ nhiên là gần chuồng của Yuto đều có bẫy. Chúng tôi đã cài nó sau khi nhốt Yuto. Con người thì biết, sói thì không biết, nhưng chắc chắn một con sói dày dạn như Naoya nhất định sẽ biết.

Thế nhưng, hoặc là nó không để ý hoặc là nó quá nôn nóng muốn cứu Yuto tới mức không buồn để ý, ngay sau câu nói vừa dứt, một tiếng đanh khô khốc vang lên. Naoya đã dính bẫy, nó loạng choạng trong giây lát, rồi lại bước tiếp. Thêm tiếng nữa, rồi tiếng nữa. Chúng tôi há hốc mồm nhìn con sói bị kẹp cả bốn chân rỉ máu, vẫn có thể lết thêm bước nữa. Nó cứ đi mãi đi mãi... Phía bên kia, Yuto như phát điên. Nó đi vòng quanh kêu rên đau đớn, cào cào vào lồng rồi ra sức húc đầu vào cánh cửa chuồng để được thoát ra. Kể từ lúc chúng tôi nhốt nó, Yuto chưa bao giờ thể hiện thái độ dữ dội đến thế.

Nhưng phút cuối cùng, Naoya đã không làm được. Nó khuỵu xuống, cách chiếc lồng của Yuto đúng chục bước chân, vừa kịp để lãnh thêm một chiếc bẫy kẹp vào vai. Con sói nằm đó, thở hồng hộc, nhưng vẫn xoay sở hướng đầu về Yuto. Con sói Yuto cũng không còn sức chộn rộn nữa, nó tuyệt vọng thò hai cẳng chân ra khỏi song sắt cào bới trên nền đất, chiếc mõm dài hếch lên ra sức hít ngửi. Chắc nó nghĩ nếu cố hết sức, nó có thể kéo chiếc lồng về phía Naoya.

Cảnh ấy đã kết thúc một ngày khó quên của chúng tôi.

Màn đêm buông xuống. Đàn sói vẫn đóng ở ngoài trại, nhưng chúng tôi cảm giác mình sẽ không phải lo lắng gì về chúng nữa. Bên trong trại, mọi người vẫn sinh hoạt bình thường, xem lũ sói ngoài kia chỉ như con thỏ con chồn, thật khó có thể tưởng tượng chỉ cách đây mấy tuần, chúng đã từng khiến họ đau đầu tới mức nào. Những câu chuyện họ bàn luận cũng quay về như cũ, nào là thời tiết, nào là tiền công, rồi chuyện nhà, chuyện cửa dưới quê. Thật tầm thường biết bao! Nhưng những phút giây bình dị ấy thật quý giá.

Chỉ thỉnh thoảng, giữa những cuộc trò chuyện, họ tự dưng im bặt và hướng mắt về nơi đó. Nơi mà mọi người đều tránh bước qua.

Chỗ của Yuto và Naoya.

Tối hôm đó, tới lượt tôi canh. Đúng ra là tôi đổi gác với một cậu, vì không thể ngủ được. Cả ngày hôm nay đã xảy ra quá nhiều chuyện, và một tâm hồn sôi nổi của tuổi trẻ cần thời gian để tĩnh tâm lại. Vả lại, với sự xúc động mạnh, tôi muốn tới thăm tình hình của những con sói.

Hình như có kẻ cũng đồng ý nghĩ với tôi. Khi sắp lại gần chuồng, tôi chợt thấy một bóng đen trùi trũi phía trước. Bóng đen ấy nhìn trước ngó sau, lần mò từng chút tới chỗ con Naoya. Phải chăng là thằng quỷ quyệt Shintaro? Tay tôi siết chặt khẩu súng. Hay là cái thằng hèn hạ ấy lại định hành hạ con sói khổ sở như cái cách nó đã làm với Yuto? Nếu thế thì tôi nhất định sẽ cho nó một bài học.

Nhưng tôi chưa kịp làm gì, bóng đen kia vừa lúi húi cúi xuống đã vội nhảy lên, miệng kêu khe khẽ. Ngay sau đó là âm thanh gầm gừ hằn học từ Naoya, khiến cho Yuto cũng nhổm dậy. Nhờ tiếng kêu phát ra mà tôi có thể thở phào buông súng, đấy là ông Oiji. Chắc hẳn ông lão đa sự ấy lại định cứu giúp cho Naoya nhưng không thành. Tôi đã định ra chào hỏi ông, nhưng nghĩ thế nào lại lùi trong bóng tối, tiếp tục quan sát thêm chút nữa. Oiji trước giờ vốn chẳng quan tâm ai đánh giá gì về mình, cũng không bao giờ che giấu sự thiên vị rõ ràng về phía loài sói, vì cớ gì phải đợi nửa đêm lén lút? Hành động đó thật khiến tôi tò mò.

Quả nhiên, ông ta cũng chẳng dừng lại ở đó. Không làm nên công chuyện gì với Naoya, Oiji chuyển sang tỉ tê cạnh chuồng của Yuto. Ông lão ngồi thụp xuống, rề rà như nói với một người bạn: "Không được rồi, Yuto ạ. Bạn mày cứng đầu quá. Tao muốn giúp mà giúp không nổi...". Tôi cười thầm vì sự chất phác của ông già, sói vẫn cứ là sói, có yêu quý đến mấy cũng đâu thể xóa nhòa ranh giới của tự nhiên với con người được? Oiji chỉ đang làm một việc vô ích thôi.

Mà ông lão thì đâu có hiểu điều đó. Lão còn liều lĩnh đưa bàn tay ra trước chuồng, không khéo lại mất cả mấy ngón bây giờ!

- Đừng! Cẩn thậ... - Tôi la lớn, quên cả việc mình đang ẩn nấp.

Vậy mà trước sự ngỡ ngàng của tôi, một chiếc mõm đen thò ra dụi vào tay lão, với phần lưỡi hồng dịu dàng liếm láp đầy trìu mến. Lão Oiji quay sang phía tôi, chỉ mỉm cười.

Đó là một câu chuyện đã xảy ra từ mấy năm trước. Yuto là con lai. Mẹ nó vốn là chó hoang, lưu lạc giữa đàn sói. Oiji không biết vì sao cha nó không còn, nhưng mẹ Yuto thì bị dân làng bắn thủng bụng sau khi liều mình vào cướp một con gà nhép. Giữa cơn đau hấp hối, con chó mẹ vẫn cố lê lết về tới ổ cho đám con bú dòng sữa cuối cùng, rồi chết. Khi con chó già của Oiji phát hiện ra, đám anh em của Yuto cố bám lấy những núm vú quắt queo của mẹ đều đã chết, chỉ có thằng nhóc Yuto, mắt mù mắt dở còn chưa nhìn rõ, chẳng hiểu sao lại lần mò ra xa. Bản thân thằng cu cũng thoi thóp tưởng đi đời, lạnh đã được một nửa rồi. Ông Oiji ấp nó vào lòng bàn tay, nhỏ hú họa cho mấy giọt cháo ấm, thế mà lại sống. Rồi từ đó, Yuto ở cùng Oiji mà lớn lên. Con sói rất thông minh, nhưng nhìn tướng tá của nó, ông biết cuộc sống của con thú đó không thể nào ở bên con người. Số phận những con lai như nó sẽ không bao giờ hòa nhập nổi với thế giới của lũ chó. Như thể có một thứ mùi phân biệt chảy sẵn trong dòng máu, cho dù Yuto có cố giống một con chó như thế nào, nó vẫn không bao giờ là chó thật sự. Ngay cả con chó già lú lẫn của ông lão Oiji cũng còn không ưa nó. Nên Oiji đã nuôi dạy Yuto theo hơi hướng của một con sói tự nhiên. Ông không bao giờ ném đồ ăn cho nó cũng như để nó ăn cùng con người. Thay vào đó, Oiji tập cho Yuto ăn đồ tươi sống, vứt đồ ăn vương vãi xung quanh và ép con sói phải tự đi tìm. Ông dạy nó đi săn, dạy nó đào đất, đào hang, dạy nó cả những cách kiếm được miếng ăn từ thực vật, côn trùng trong những ngày đói kém. Oiji thậm chí còn chỉ dẫn nó cả những cách để tránh né thợ săn, tránh né cạm bẫy. Và thực tế đã chứng minh Oiji là một người thầy quá giỏi còn Yuto cũng là một cậu học trò quá xuất sắc. Bởi nó đã đem tất cả những kiến thức ấy để chỉ dẫn cho cả đàn trong cuộc chiến với chúng tôi. Giờ thì tôi mới hiểu vì sao mỗi khi nói về Yuto, Oiji lại có vẻ mặt bất đắc dĩ đến vậy. 

Mà đáng ngạc nhiên hơn, hóa ra Oiji cũng chẳng lạ lẫm gì Naoya. Yuto - sau khi Oiji đã áng chừng cứng cáp, đủ lông đủ cánh - bị ông lão đuổi thẳng tay. Con sói có định cự lại, nhưng Oiji đã đem họng súng đen ngòm ra nói chuyện với nó. Tới lúc ấy Yuto mới chịu đi. Thế nhưng cái con cứng đầu ấy vẫn thỉnh thoảng quay lại, mà theo Oiji nói, là để nhìn xem lão già khốn nạn này đã chết thành cái xác khô hay chưa. Thường thì Yuto chỉ dám lởn vởn bên ngoài ngó ngó nghiêng nghiêng, trong khi ông chủ nhìn nó bằng ánh mắt lạnh lùng, tay vẫn lăm lăm khẩu súng. Rồi bẵng đi một khoảng thời gian rất lâu, không thấy Yuto đâu nữa, ông lão chắc mẩm nó đã đi sang ngọn núi khác rồi. Thì bỗng dưng, cách đây một năm, Yuto quay lại. Lần này nó vào tận cửa nhà ông. Con chó già chết rồi, nên chẳng còn ai ngăn cản nó nữa. Ông Oiji ngạc nhiên, có điều sớm nhận ra Yuto không phải gặp để hàn huyên chuyện cũ, mà là để nhờ vả. Nó dẫn ông đi ra khỏi nhà một đoạn, rồi dừng ở một hốc nhỏ có lẽ do chính Yuto đào. Ở đấy có một con sói, mình mẩy sứt sẹo, trên mặt loang lổ những máu. Ấy là lần gặp gỡ đầu tiên với Naoya. Ông lão Oiji hiểu ý, liền đi nhai ít lá thuốc mình vẫn thường thủ bên người, buộc vào vết thương ở mắt cho con Naoya. Nhìn tình trạng cơ thể cùng những vết sẹo chằng chịt trên người nó, ông Oiji cái gì cũng biết liền đoán ngay được mọi sự. Ông chỉ không hiểu con Yuto nhà mình thì có liên quan gì tới chuyện này. Liệu nó có tham gia vào vụ tẩu thoát của anh bạn sói, hay chỉ đơn thuần là bắt gặp anh bạn đáng thương thì ra tay tương trợ? Thật chẳng biết được, vì nó thì không biết nói còn ông thì cũng không buồn hỏi. Chỉ biết là, hai đứa có vẻ ăn tính nhau. Con Naoya bẳn tính được ông lão chữa trị mà cứ hầm hầm hè hè, may có Yuto luẩn quẩn ở bên nó mới không cho ông một tớp. Rồi xong nó cũng nguẩy đuôi đi thẳng, chẳng thèm ban ơn cho ông đến một cái nhìn cảm tạ. Yuto thì có liếm tay Oiji một tí như để bày tỏ tình cảm, sau rốt cũng đuổi theo anh bạn kia đi sâu vào rừng. Ông Oiji về sau có tình cờ thấy hai chiếc đuôi xám ấy thì chỉ biết rằng chúng vẫn sống tốt, cũng không ngờ đã phát triển tới mức cầm đầu cả một đàn có bề có thế. Và sự hùng mạnh của Yuto và Naoya, mãi cho đến những sự kiện gần đây, ông mới thực sự nếm trải. Ngay cả hành động của Naoya, cũng hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của ông. Nhưng Oiji phỏng đoán, Naoya làm thế là để thế mạng cho Yuto. Nó biết nếu nó còn, Yuto sẽ yên tâm giao phó đàn cho nó mà chịu chết rục trong chuồng. Nó cũng biết nếu nó cho cả đàn liều chết xông vào, thì dẫu có cứu được Yuto cũng sẽ ghét nó. Thế nên Naoya ngay từ đầu đi vào trại là để đầu hàng, hành động lao vào bẫy cũng chỉ là để tự hủy đi khả năng chiến đấu. Nó muốn Yuto hiểu rằng, cả đàn giờ chỉ trông cậy vào mình con sói, và cho Yuto động lực để sống, để tồn tại.

- Bởi vậy nên vừa nãy thằng nhãi ấy còn xơi lão một phát vì tội dám gỡ bẫy cho nó. - Ông lão giơ lên cánh tay còn in vết răng, - Bố khỉ cái thằng, bao nhiêu lâu vẫn không bỏ cái thói khó ở. Nhưng mà... - Oji nói chậm lại, - Nhưng mà, chúng ta cũng không nên để như thế mãi...

Ông nhìn tôi mà bỏ lửng câu nói. Nhưng tôi đã hiểu. Đêm tàn canh. Phía sau lưng chúng tôi, bình minh bắt đầu hé rạng.

Sáng hôm sau, ông Oiji đưa ra đề nghị được gỡ những chiếc bẫy ra khỏi người Naoya. Vì đằng nào con sói cũng tàn tật rồi, bốn chân của nó coi như phế, có hành hạ thêm nữa cũng chẳng ích gì. Nhưng nếu hành động cứu giúp của chúng ta mà lọt vào mắt lũ sói, thì biết đâu chúng sẽ xóa bỏ hằn thù, cảm động mà rời đi trong hòa bình thì sao? Lý lẽ thật vụng về chẳng mấy thuyết phục, vậy mà cũng xuôi xuôi được khối người. Một phần cũng nhờ chuyện xảy ra hôm qua đã gây ấn tượng mạnh với mọi người trong trại. Tuy vẫn còn một hai ý kiến phản bác, nhưng còn có tôi nói thêm vào, thế là đề nghị của ông Oiji đã được thông qua.

Còn về con Naoya, không ai thèm hỏi ý kiến nó, nên dĩ nhiên là nó không đồng ý. Cứ tưởng con sói đã sức cùng lực kiệt, không ngờ vẫn giãy giụa rất hăng. Một người phải ngồi hẳn lên người nó, một người dí đầu, một người nắm chặt mõm, thì nó mới chịu nằm yên cho chúng tôi khả dĩ làm việc. Ấy thế mà cu cậu vẫn không thôi gầm gừ. Những cái bẫy bập rất sâu, gỡ ra chỉ thấy bốn bàn chân đã méo mó dẹo dọ, không hoại tử đã là may lắm rồi, cơ hội muốn đi lại được vô cùng mong manh, chứ đừng nói là chạy. Thế nhưng Naoya vẫn không ý thức được điều đó, vừa lỏng được bốn chân là nó vận hết sức để lồng lên. Chúng tôi buông con sói ra, để nó tự quyết định với cơ thể mình, số phận mình, dẫu sao với cơ thể tàn tật bây giờ, nó chẳng là mối đe dọa của ai nữa. Và đúng như dự đoán, Naoya vẫn tiếp tục mục tiêu dang dở: đi về phía Yuto. Nhưng bốn chân bây giờ đâu còn là của nó nữa, Naoya cứ đứng lên rồi lại ngã, đứng rồi lại ngã, lảo đảo xiêu vẹo, mõm bị đập xuống không biết bao nhiêu mà lần. Nó không tiến thêm nổi nửa bước. Không đi được, Naoya chuyển sang lết, nó tiến lên phía trước bằng cả thân mình, bằng bả vai và khớp chân trước dặt dẹo, mõm ngoạm lấy điểm tựa trên mặt đất mà nhích từng chút. Chúng tôi lặng đi, chứng kiến cuộc chiến của một con sói với chính cơ thể mình.

Bỗng dưng có tiếng cười khanh khách.

Lại chẳng ai khác ngoài thằng Shintaro. Nó chỉ tay vào con sói cười ha hả:

- Chúng mày xem kìa, hài thế chứ lị! Con chó què tập đi. Ê, nó còn giỏi hơn mấy gã tàn tật ăn xin mà tao từng thấy đấy!

Cái giọng điệu ngu ngốc ấy khiến con Naoya cũng phải tạm dừng sự cố gắng mà quay sang cảnh cáo. Nó nhếch môi trên, nhe răng nanh gừ lại bằng những âm thanh trầm đục, biểu thị mọi sự khinh bỉ căm thù. Vậy mà thằng Shintaro cũng chưa biết đủ, còn đến gần thách thức thêm:

- Sao? Sao? Sợ quá nhỉ? Lại còn muốn hăng nữa à?

Tiếng gừ gừ càng gắt thêm.

- Shintaro, thôi đi...

- Kệ mẹ nó chứ! Việc đếch gì tao phải sợ? Bố nó sống lại tao còn dám bắn nữa là!

Để chứng tỏ, Shintaro lấy báng súng hẩy hẩy vào mõm con sói. Naoya không dọa nữa, nó vùng hẳn lên cố tớp vào chân hắn nhưng không thành. Shintaro chỉ đợi có thế, gã tung thẳng chân đá vào mõm con sói.

- Đ* mẹ mày, con sói ghẻ, dám cắn bố mày à!

Cú đá hình như đã làm Naoya cắn phải lưỡi, con sói nằm đơ ra, máu rỉ ra bên mép. Ở trong chuồng, con Yuto lại rít lên.

- Đủ rồi đấy, Shintaro, bỏ đi!

- Shintaro, anh quá đáng rồi đấy! - Tôi hét to, định lên lôi thằng khùng ấy lại.

Shintaro vẫn chưa hết điên, thằng đó ngồi thụp xuống, xách gáy con sói đang choáng váng, ép nó nhìn về phía cửa chuồng:

- Thế nào? Không cắn tiếp nừa à? Nhìn đi, nhìn kia kìa! Chuồng thằng bạn mày ở đằng kia đó, nếu mày muốn gần nó thì tao sẽ tác thành cho. Tao sẽ treo cả hai đứa chúng mày lên như treo một đám giẻ, rồi sẽ tha hồ được ở cạnh nhau, giống như tao đã...

- Ôi mẹ kiếp, Shintaro, tao thề nếu mày không ngậm cái mõm thối của mày lại thì tao sẽ... - Tôi không chịu được nữa, súng đã tháo ra và chuẩn bị...

Nhưng tôi đã không kịp làm bất cứ điều gì mà mình định. Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không chắc tất cả những gì mình nhìn thấy nữa. Vì nó diễn qua quá nhanh. Hình như con Naoya đã cắn áo Shintaro kéo xuống, hình như chỉ trong tích tắc nó đã vận hết sức mạnh còn lại để cắn phập vào cổ của thằng khốn đó. Mạnh và nhanh tới mức tôi còn tưởng chân nó đã lành. Shitaro kêu thét ầm ĩ, và thiếu chút nữa Naoya đã thành công, nếu như không có một gã ở gần đó đã nhanh chóng đá văng con sói ra xa. Giá là bình thường thì cổ Shintaro đã bị xé xác rồi, nhưng do thiếu điểm tựa, lực cắn của Naoya quá nông, nó chỉ đủ để làm thủng mấy lỗ rỉ máu và dứt đi một mảng da cổ. Shintaro vẫn đứng dậy được, và trong cơn điên tiết vì quá đau, hắn quên cả rịt phần cổ chảy máu, để giương súng lên:

- Con giẻ rách chó má! Được rồi, mày sẽ được như ý...

- SHINTARO!

ĐOÀNG!

Khói súng tan đi, viên đạn của thằng khốn Shintaro đã thành công cướp đi một sinh mạng, nhưng không phải của Naoya. 

- ÔNG OIJI!

Ông ấy đã lao ra chặn trước họng súng, viên đạn xuyên qua vai và chệch lên động mạch cổ. Máu phun như suối. Tôi vội vàng lấy tay ấn vào vết thương, không kịp, máu thấm đẫm cả cánh tay, cả cổ tay. Sao một con người nhỏ bé như vậy lại chứa nhiều máu đến thế? Tôi lấy thêm khăn, thêm cả vạt áo để che, vậy mà máu vẫn phun rào rào, qua kẽ ngón tay đọng thành vũng trên mặt đất. Máu văng lên khắp mặt, khắp người tôi, như thể chính tôi mới là người bị thương. 

Ông Oiji bắt đầu co giật, bàn tay run bần bật giơ lên.

- Cố lên, cố lên... ông ơi...

- C...ứu... cư...u... Yu...to...

- Tôi biết... tôi biết rồi... Oiji, ông phải sống... ông phải sống...

Tia sáng trên đồng tử của ông tắt dần, nhưng ngón tay vẫn chỉ về hướng ấy...

- THẢ RA! - Tôi hét lên, giọng vỡ òa.

TÔI BẢO THẢ RA! THẢ NÓ RA!

Không biết ai đã hiểu chuyện mà lạch cạch mở khóa. Tôi không đủ tâm trí để nhận biết nữa. Dường như một lúc sau, tôi thấy đám lông xám quen thuộc ở cạnh mình, với chiếc mõm đen kề bên. Yuto hít ngửi gương mặt già nua của Oiji, liếm giọt nước mắt hòa lẫn với màu đỏ vương trên ấy. 

- Ông ấy đi rồi... Yuto... Cha của mi đi rồi...

Tôi đặt ông ấy nằm xuống, xếp lại tay cho ngay ngắn. Yuto cũng nằm cạnh, đầu gối nhẹ lên ngực ông, chiếc mũi đen phập phồng và nó bắt đầu khóc. Khóc thật sự. Bằng tiếng không nước mắt. Chỉ có giấy phút này, nó đã trở thành con chó của riêng Oiji, trở thành đứa con thất lạc bấy lâu nay mà ông ấy luôn canh cánh trong lòng. 

Đến lúc ấy, tôi mới lảo đảo đứng lên. Quay về phía Shintaro, nơi nó đang bị giữ lại bởi hai người lính, thằng khốn tái mặt lắp bắp: "Không... Không phải lỗi của tôi... Tôi thề! Là ông ta... Ông ta đã lao ra... Tôi không biết gì cả... Không biết gì cả..."

Tôi lấy báng súng, đập thẳng mặt nó. Xong đứng đó, lừ mắt nhìn xung quanh, chờ đợi một ai đó bắt tôi lại. Chẳng có ai. Không một ai dám nhìn thẳng vào tôi hay ngăn lại. Tới khi hai người lính thả tay ra, Shintaro xuội lơ như một tấm giẻ. Nó sống hay chết, tôi cóc thèm quan tâm. 

- Chết mẹ mày đi, thằng khốn nạn... Đáng lẽ Ruto phải lấy cái mạng rách nát của mày từ ngày đó...

Shintaro bị lôi đi và giam giữ, chờ ngày xét xử. Oiji thì được đem đi mai táng, tiễn đưa ông ấy chẳng còn ai khác ngoài chúng tôi. Cả cuộc đời Oiji cô độc, không gia đình, không họ hàng thân thích, chỉ còn lại là một nấm đất con con. 

Trong suốt khoảng thời gian ấy, Yuto ở bên cạnh Naoya. 

Naoya không thể trở dậy được nữa. Nó cứ nằm yên đó bằng hơi thở thoi thóp. Yuto cố gắng cắn lông người bạn lôi đi, nhưng không nổi. Giờ thì cũng chẳng ai quan tâm đến đóng mở cửa trại hay ngăn chừa lũ sói làm gì nữa. Tôi nói với những người trong trại rằng, mối hận thù bây giờ chấm dứt rồi, máu đổ đủ rồi, họ không việc gì phải lo lắng. Đàn Yuto cũng không còn cơ hội tung hoành nữa, đàn chúng không chỉ bị thương tổn bởi cuộc chiến mà một trong hai con đực mạnh nhất bây giờ cũng thành tàn tật. Không hiểu sao nhìn Yuto và Naoya, tôi có linh cảm từ giờ cho đến hết đời, cuộc sống của Yuto sẽ chỉ còn nhiệm vụ cưu mang người bạn tàn tật, nó sẽ chẳng còn tâm trí gì quan tâm đến thời thế xung quanh. 

Cả đàn sói vẫn lảng vảng bên ngoài, chờ đợi Yuto và Naoya đi ra. Yuto cũng cố gắng vì điều đó, nhưng ấy không phải điều Naoya muốn. Nếu tôi là một con người mà còn nhận ra, thì làm sao Naoya không hiểu thấu sự thật đó? Rằng nó chính là gánh nặng của cả đàn, của Yuto? Nó không chịu nhúc nhích, mặc cho Yuto có kéo, có giật, có giận dữ gặm cắn. Cuối cùng, Yuto cũng hiểu. Nó bỏ cuộc. Đến ngày thứ hai sau đám tang của Oiji, Yuto lẳng lặng rời khỏi trại. Có lẽ nó rời đi vào lúc sáng sớm, bởi đến lúc tôi nhìn ra, đã chỉ thấy Naoya nằm đó. Lũ sói ở ngoài trại cũng không còn thấy đâu. 

Đó là một quyết định đúng đắn. Con đầu đàn thì phải làm như vậy, nhưng lòng tôi vẫn chùng xuống. Họ hỏi tôi bây giờ phải làm sao với Naoya. Tôi bảo, cứ để đấy, một con sói rốt cuộc có chiếm mấy diện tích của mọi người đâu. Họ cũng không nói gì thêm. Vả lại, muốn di chuyển nó cũng không nổi, bởi Naoya - trong hơi sức tàn - vẫn không thôi hầm hừ với bất cứ ai lại gần. Người ta ngại, không muốn dây dưa với nó nữa. Tôi bắt đầu có suy nghĩ kỳ quặc là điều duy nhất liên kết Naoya với cuộc sống này chắc chỉ có Yuto. 

Và rồi trái ngược với nỗi thất vọng của tôi, Yuto vẫn quay lại. Nó đem thức ăn cho Naoya. Vài mẩu xương, mẩu thịt con con, Yuto ẩy đến mõm của người bạn mình. Naoya quay đi, Yuto cũng không giận. Nó liếm mặt, liếm người cho Naoya, nằm bên cạnh lấy thân mình sưởi ấm. Vì mùa đông vẫn chưa dứt. Cứ như vậy, chiều Yuto xuất hiện, sáng sớm hôm sau nó rời đi. Bỗng dưng sự có mặt của hai con sói lại thành thường lệ, người ta còn không buồn thắc mắc, không quấy rầy, và coi đó như điều hiển nhiên. 

Chỉ có tôi biết rằng việc ấy sẽ không kéo dài được lâu. Naoya đang chết dần, nó vẫn không chịu ăn. Những mẩu thịt vương vãi và khô quắt khô queo, không có một vết răng chạm đến. Yuto tuyệt vọng, vào buổi đêm, chúng tôi nghe thấy tiếng nó tru thật u buồn. Nó đành phải dùng đến một phương cách cuối cùng. Rồi một hôm, chúng tôi thấy Yuto không đến một mình. Nó đi vào cùng một con sói cái và thêm con sói con lũn cũn theo sau. Tất cả đều dừng tay lại nhìn. Có thể vài người đã quên, nhưng tôi nhận ra ngay. Đấy là con sói mẹ mà ông lão Oiji quá cố đã bắt cóc đứa con từ nó. Còn con non xuất hiện hôm nay, thì tôi không chắc đó có cùng là con ông Oiji đã lôi về không, vì động vật thì đổi lông theo từng ngày lớn lên. Có điều trên chỏm đầu của con sói nhỏ có một nhúm lông trăng trắng không thể nhầm lẫn. Tôi bỗng vỡ vạc ra một điều...

Quay lại chốn cũ đã từng vây bắt mình, con sói cái có vẻ chần chừ, lo lắng. Tuy nhiên, sự hiên ngang của Yuto đã làm nó vững dạ, chắc hẳn con sói kia đã động viên nó nhiều. Yuto bình tĩnh đi trước, hai mẹ con nhà kia cũng nối gót sát rạt. Khi thấy tình trạng của Naoya, con sói cái khịt khịt mũi, nhăn nhó kêu rên, nó cũng đau lòng y như Yuto. Chỉ có con non kia là chưa đủ hiểu chuyện, cứ nhảy qua nhảy lại thân xác tàn tạ của cha nó, thậm chí còn tinh nghịch nhay nhay đôi tai như muốn kéo dậy, ý chừng muốn hỏi: "Cha ơi, sao cha không chơi cùng con?". Sự xuất hiện của hai mẹ con đã làm đôi mắt mờ đục của Naoya sáng lên một chút, nó còn hé được chiếc lưỡi yếu ớt để chạm vào đứa nhỏ, bởi giờ đây đó là những bộ phận duy nhất mà Naoya còn điều khiển được. Cảnh gia đình sum vầy sao mà đầm ấm thế! Tôi ngạc nhiên nhận thấy có tiếng sụt sịt sau lưng, một vài người đã lén lau đi giọt nước mắt thô kệch trót rỉ ra. Họ vội vã quay mặt đi, có lẽ không muốn thú nhận trái tim đã yếu mềm. Còn tôi, tôi thoải mái lắm. Tôi ngắm nhìn chúng với tâm trạng nhẹ nhàng, thú vị, khi nhận ra ngay cả Oiji - với sự trải đời thâm sâu, dày dạn dường ấy - mà cũng có lúc đoán sai. "Oiji, ông nhầm rồi. Con non mà ông bắt về ấy, nó không phải con của Yuto. Con cái đó cũng chẳng phải của Yuto. Con sói lai mà ông nuôi nấng lên, nó đã trưởng thành và sống theo cách mà không tự nhiên nào lý giải được. Một sinh vật độc nhất vô nhị..."

Và ngay cạnh đấy, cách đó không xa, Yuto cũng như tôi, thỏa nguyện ngắm nhìn cảnh êm đềm hiếm hoi, trong niềm hạnh phúc đơn giản của một con vật. 

Nhưng ngay cả cuộc đoàn tụ gia đình, cũng không cứu nổi Naoya. 

Ngày Naoya ra đi, trời bỗng nổi cơn bão tuyết. Giữa đêm, giữa những lần gió thổi, chúng tôi đã nghe tiếng núi rừng khóc. Nó bắt đầu bằng một âm điệu thật dài, thật thê lương, ai oán khóc thương quện vào hơi rít lên của làn gió. Nó vừa u sầu làm sao, mà cũng thật bi tráng làm sao, nó là bản nhạc mà một người anh hùng nào cũng muốn được cất lên trên bia mộ mình. Cứ như vậy tiếng hát ấy cứ nối tiếp, nối tiếp mãi, vọng từ nơi này sang nơi kia, là lời ca bí ẩn tiễn đưa một cuộc sống chẳng còn gì hối tiếc, để trở về với giấc ngủ vĩnh hằng. 

Tôi biết điệu ca ấy là gì, tôi biết chứ, nhưng cơn bão khủng khiếp đã ngăn trở tôi chứng kiến phút giây cuối cùng. Sáng hôm sau, dù gió tuyết vần vũ đến tối tăm mặt mũi, tôi vẫn cố trở ra. Và tôi nghĩ đó là quyết định xứng đáng. Tuyết đã phủ một lớp mỏng ở khắp nơi, làm một tấm đệm lên cơ thể bất động của Naoya và trở thành những bông hoa lấm chấm lên bộ lông tuyệt đẹp nơi Yuto. Cứ như thể con sói kỳ diệu ấy biết tôi sẽ ra, nó đã ngồi sẵn đó nhìn chăm chăm về phía trước. Chúng tôi lặng ngắm nhau, con sói trước con người - một kẻ vô cùng tầm thường, và con người trước con sói - một sinh vật minh triết tuyệt vời. Cuối cùng, trút hết những điều cần nói qua ánh mắt, Yuto rũ người xuống. Ngay cả nó, cũng quá mệt mỏi rồi. Nó cần nghỉ ngơi. Yuto thu mình lại thành một vòng tròn, và lại ấp vào Naoya. Nó muốn tìm kiếm hơi ấm...

Cơn bão tuyết kéo dài tới tận ba ngày hai đêm mới dứt. Khi nó kết thúc, nó cũng đồng thời đặt dấu chấm hết cho một mùa đông nghiệt ngã. Xuân về, nắng ấm lên, tuyết tan thành những lạch nước nhỏ, chảy róc rách qua các mầm cỏ xanh đang ríu rít trồi lên. Và ở một nơi đặc biệt, chúng tôi còn thấy những bông hoa li ti đã kịp nở bông. Cảnh sắc hồi sinh tuyệt đẹp ấy Naoya và Yuto sẽ không bao giờ được thấy nữa, nhưng chí ít hai con sói ấy đã được nằm cạnh nhau, giữa một thảm hoa màu trắng bình yên..."

Cốc trà của Kishimoto đã cạn từ lâu, nhưng của tôi không hề suy suyển lấy một chút gì. Tôi quá sửng sốt. 

Vậy nhưng ông ấy vẫn nói tiếp:

"Còn số phận của Shintaro, luật lệ con người đã không thể chạm vào hắn. Thiên nhiên có cách riêng để loại trừ kẻ tội đồ đã tàn hại đứa con cưng của mình. Khi chúng tôi nhốt hắn được một ngày thì Shintaro bỗng lên cơn sốt. Người ta chẩn đoán là hắn đã mắc bệnh dại. Vết thương ở cổ sưng tấy lên, mưng mủ, Shitaro lúc tỉnh lúc mê. Dù là lúc nào thì hắn cũng hoặc là la hét, hoặc là khóc lóc. Shintaro cứ gãi mãi vào vết cắn ở cổ khiến nó không thể ngừng chảy máu, miệng nhỏ dãi và gào lên rằng giòi bọ đang ở đấy, rằng chúng đang đến và ăn thịt hắn. Cuối cùng, cơn bão tuyết đã ngăn cản chúng tôi lấy được thuốc kháng sinh chữa trị cho Shintaro, hắn đã chết sau một cơn co giật khủng khiếp. Chà, nghe nói hắn đã giãy giụa ghê lắm, hình như tới bốn người phải túm lấy tay chân hắn, còn một người ngồi hẳn lên ngực, một người thì giữ đầu, vật vã suốt hai tiếng đồng hồ. Mãi rồi Shintaro mới chết. 

Sau này, chúng tôi đã đưa Naoya và Yuto về cùng một chỗ với ông lão Oiji. Nấm mồ ấy bây giờ cũng gần như bị san phẳng rồi, nhưng tôi đã đặc biệt cắm khẩu súng của Oiji lên đó để đánh dấu. Và nó vẫn còn đến tận ngày nay nhé! Thỉnh thoảng, cứ vài năm tôi lại quay về chốn ấy. Hiện giờ đường đi lối lại đã thuận tiện hơn rồi, nhất là khi đường tàu xe lửa có thể đi qua. Nhưng mỗi khi nhìn người ta vui vẻ, bình yên trong những toa tàu chạy trên đường ray êm ái đó, tôi không thể dừng mà không nghĩ đến sự vô thường của cuộc đời. Rốt cuộc, tất cả nỗi đau khổ triền miên của chúng ta rồi cũng sẽ trôi đi không còn dấu vết, và người đến sau sẽ thản nhiên bước chân lên đó. Câu chuyện của Ruto, của Yuto và Naoya năm đó cũng không còn ai nhắc đến nữa. Thế nên, mỗi khi nhìn khẩu súng cũ nát đơn độc trên nấm mồ ấy, tôi lại thấy thật mông lung. Kỳ lạ làm sao khi tất cả những người tôi biết liên quan đến câu chuyện ngày đó đều đã chết hoặc tha phương, khiến tôi như là kẻ duy nhất còn tỉnh táo. Hay là kẻ duy nhất còn mộng hoặc giữa cuộc đời này, tôi thật tình không thể phân biệt được...

Dĩ nhiên chẳng phải vì mỗi câu chuyện đó mà cuộc đời tôi thay đổi. Tôi như thế này, tuột dốc và chán nản như hiện nay vì còn nhiều điều khác nữa. Nhưng mỗi khi đời tôi tới điểm đáy hay khi nếm trải nỗi đau thương tột cùng, thì ánh mắt và bóng dáng tĩnh lặng của con sói dưới trời tuyết ngày ấy lại hiện lên trước mắt tôi. Nó ngăn tôi không thể dễ dàng từ bỏ cuộc sống. Và đồng thời, cũng không thể tước đoạt sinh mạng của bất kỳ sinh vật nào nữa. 

Không không, đừng hỏi tôi ý nghĩa hay bài học sâu xa nào từ câu chuyện này. Tôi không có đâu, vì vốn dĩ tôi chỉ là một người đàn ông thất bại nhàm chán, mãi mới kiếm được một người để đàm đạo và bắt họ phải nghe những thứ mà ông ta chẳng biết kể với ai. Tôi chỉ muốn nói, sau này có thể anh sẽ đi rất nhiều nơi, trải nghiệm rất nhiều thứ, nhưng dù ít hay nhiều, có phải trong số ấy nhất định sẽ có một chuyện, mà anh cảm giác chỉ cần vượt qua nó, anh dường như đã nếm đủ từng trải của cả một đời người. Anh hãy thử chiêm nghiệm xem có đúng không nhé, vì đây chỉ là chút suy nghĩ thiển cận của riêng mình tôi mà thôi. 

Tương lai của anh còn rất rộng mở, tôi xin chúc anh sắp tới lên đường nhập ngũ thuận lợi. Cầu mong mọi điều tốt lành sẽ đến với anh. Hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ lại có cơ hội tiếp chuyện cùng nhau. Và tới khi đó, biết đâu được, chính anh sẽ kể cho tôi nghe, một câu chuyện của riêng mình."

--- Hết ---

(Truyện chỉ đăng trên Wattpad và trang archiveofourown.org, mọi nơi khác đều ngoài ý muốn của tác giả)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro