CÂU CHUYỆN VỀ MỘT ÁNG MÂY-ĐÔNG PHONG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CÂU CHUYỆN VỀ MỘT ÁNG MÂY

TÔI VÀ ĐÔNG PHONG

Chiều muộn Sài Gòn thong thả trôi qua trước mắt. Từng dòng xe bắt đầu giảm tốc độ, vẻ mặt người cầm lái cũng giãn ra so với giờ tan tầm cách đây chưa đầy một giờ đồng hồ. Sài Gòn hay thật, thoáng vội vã, thoáng thong thả. Náo nhiệt ồn ào đấy, cũng phút chốc lặng lẽ yên bình. Tôi thong dong đạp xe đến “lò võ Thiếu Lâm” – tên do tôi đặt cho chỗ học võ của mình. Ghi danh đã gần một tháng, mà giờ mới sắp xếp được thời gian để học. Chỉ còn vài ngày là hết học phí của một tháng. Nghĩ đến đó, bất giác phì cười: phí tiền thật!

Lần đầu tiên đi học, nên tôi đi sớm để biết chỗ và làm quen với không khí luyện tập ở đây. Khoảng sân rộng của nhà văn hóa lố nhố những bộ võ phục của các môn võ khác nhau. Nhiều nhất là võ phục màu trắng của Karatedo. Tôi rảo quanh sân tìm chỗ tụ họp của bộ võ phục màu đen, là môn mà tôi theo học. Chả thấy ma nào! Chắc minh chủ võ lâm không phải là người thuộc môn võ tôi theo học, nên ít võ sinh cũng nên. Tôi rảo bước vào căn-tin và cười thầm với suy nghĩ vớ vẩn của mình.

Bước vào căn-tin, đã thấy có một người mặc võ phục màu đen ngồi sẵn trong quán. Hắn quay lưng về phía tôi, nên không nhìn thấy mặt. Đang chán vì chưa thấy ma nào thuộc nhóm của mình, bỗng nhiên thấy tên này, tôi cảm thấy cũng vui vui. Hắn ngồi thu lu trên chiếc ghế dựa, đầu hơi cúi xuống, hình như đang chăm chú xem cái gì đó trên tay thì phải. Tôi bước tới làm quen cho đầu óc bớt tẻ nhạt.

“Chào bạn!” – tôi kéo ghế nhằm gây tiếng động để tạo sự chú ý của hắn ta

Hắn ngẩng lên nhìn tôi và gật đầu với hàm ý chào lại.

Tôi chưa thấy ai bất lịch sự như cái gã này, không nói được một câu thì ít ra cũng phải nở nụ cười thân thiện chút chứ. Nhưng hậm hực cũng chả được gì. Mà tôi thì lại đang cần biết khu vực tập võ ở đâu, nên cũng giả tảng với cái chuyện bất lịch sự của hắn ta.

“Bạn học võ Thiếu Lâm à?” – tôi hỏi

Hắn ta vẫn bổn cũ soạn lại, ngẩng lên và gật đầu. Lần này thì tôi bắt đầu sôi máu thật. Chỉ muốn tung chưởng thẳng vào mặt hắn cho bõ tức. Nhưng may sao tôi vẫn kiềm chế được, kiên nhẫn hỏi tiếp:

“Mình tên Tâm, mới vào lớp, bạn tên gì nhỉ?”

Lần này thì hắn có vẻ quan tâm hơn đến cuộc trò chuyện với tôi. Hắn gấp cuốn sách đang cầm trên tay lại, nhướng mắt nhìn tôi qua cặp kính cận. Rồi lại đưa đôi mắt sang bên trái một chút, ra chiều suy nghĩ. “Trời ạ! Tên của mình mà hắn cũng phải suy nghĩ để nhớ sao? Tên này chắc có vấn đề về thần kinh đây” – tôi nghĩ thầm. Hắn lại quay bìa cuốn sách ra mặt trước, nhìn vào và giơ lên trước mắt tôi.

Trước mắt tôi là một cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao, tựa đề: “Tôi là một áng mây”. Tôi chẳng hiểu cái hành động kỳ quặc đó có nghĩa gì, nên đằng hắng giọng và hỏi lại:

“Bạn tên gì nhỉ?”

“Một áng mây!” – hắn đáp

Tôi hơi choáng váng vì cách trả lời tỉnh queo của hắn ta. Dường như hắn nói thật chứ không có chút gì là đùa giỡn trên khuôn mặt ấy. Khi thấy vẻ mặt của hắn có vẻ thật thà chứ không có ý gì trêu đùa. Tôi bất giác nổi tính tò mò. Nên hỏi tiếp một câu vui vui:

“Thế bạn sinh ra ở đâu nhỉ?”

“Từ ngọn gió đông” – hắn đáp cụt lủn và nhoẻn miệng cười

Lần đầu tiên từ nãy giờ tôi mới thấy hắn chịu khó nhếch cái môi xếch lên một chút để lộ ra vài cái răng. Theo tôi thì cái cười đó có vẻ gượng gạo. Nhưng phải nói là hắn cười cũng có chút thiện cảm. Tôi hỏi thăm về giờ giấc và chỗ tập võ. Hỏi mãi cũng hết chuyện, đành ngồi im. Hắn lại cúi xuống chăm chú đọc cuốn sách còn dang dở. Thái độ thật đáng ghét, tôi ngồi đối diện hắn, chăm chú quan sát. Rồi nhìn hắn với con mắt thách thức. Chỉ cần hắn ngước lên, thấy tôi nhìn với cách ấy, có chút phản ứng gì là tôi lấy cớ nện cho hắn một trận ra trò cũng nên.

Bỗng dưng hắn gấp cuốn sách vào, ngước nhìn lên như tôi nóng lòng mong muốn. Nhưng thật đáng chán, hắn chẳng lộ vẻ gì là bức xúc cả. Hắn nhìn thoáng qua tôi rồi liếc cái đồng hồ treo trên tường, buông một câu gãy gọn:

“Đến giờ học rồi kìa”

Nói xong hắn thản nhiên bỏ cuốn sách vào túi, rồi ung dung bước ra ngoài, cứ như tôi là cái ghế không hơn không kém. Thật là lộn tiết với thằng điên này. Tôi bước theo hắn ra sân tập, võ sinh môn này chỉ hơn chục người, so với các môn khác thì quả là thua kém hẳn về khí thế và số lượng.

Bài tập đầu tiên tôi phải tập đó là đứng tấn. Tôi đứng mà hai chân run như cành liễu trước gió. Mỏi không chịu nổi. Liếc sang thấy “một áng mây” cũng đang thực hành bài tập giống tôi. Chắc hắn cũng mới vào lớp được vài ngày chứ không lâu. Hắn vừa đứng vừa ra chiều suy nghĩ cái quái gì đó trong đầu hay sao ấy. Nhìn vẻ mặt của hắn, tôi có thể đoán được hắn đang suy nghĩ. Bỗng nhiên hắn lên tiếng hỏi ông thầy đi ngang qua:

“Tập đứng tấn như thế này thì có ích gì thầy nhỉ?”

Tôi nghe câu hỏi mà muốn phì cười, khiến cái chân lại rung rung như muốn hạ bàn xuống đất. Thì ra hắn mải mê suy nghĩ cái vớ vẩn tùng phèo ấy. Chỉ là đứng tấn thôi mà, đơn giản quá. Thế mà hắn ta cũng thắc mắc, thật chả hiểu ra làm sao cả.

“Bạn Phong hỏi rất hay, có ai trả lời được không?” – ông thầy dừng lại vừa nói vừa nhìn quanh các võ sinh

Nghe ông thầy nói, tôi biết được “một áng mây” tên là Phong. Sau này nói chuyện với hắn, biết hắn tên đầy đủ là Trịnh Đông Phong. Ông thầy trả lời theo cách hỏi các võ sinh. Có thể thấy là vấn đề này hình như chưa có ai quan tâm bao giờ. Như tôi lúc nãy, khi nghe thằng Phong hỏi, cho là nó hỏi vớ vẩn. Sau câu hỏi của thầy độ chừng hai phút, không ai lên tiếng trả lời. Tôi cũng lọ mọ suy nghĩ xem coi nó có ích gì, thì cũng chỉ dừng lại ở chỗ tập như thế cho chân được vững vàng. Tôi đoán rằng nó còn có hàm ý sâu xa gì ở trong đó, chứ không đơn thuần như tôi nghĩ, nên cũng lặng thinh.

“Tạm thời các bạn cứ tập luyện tiếp, lát cuối giờ tôi sẽ trả lời câu hỏi này” – ông thầy nói

Sau giờ tập, tôi mới biết rõ về lợi ích của việc đứng tấn là như thế nào. Nó liên quan đến cách di chuyển và cả phương vị của các chiêu thức trong môn học. Chính vì thế nó là bài tập căn bản đầu tiên. Thằng Phong nghe thầy trả lời mà nét mặt nó chả biểu hiện vẻ đồng tình hay quan tâm gì cả. Thấy nó cứ trơ mặt ra như gỗ, tôi nghĩ chắc nó chả hiểu ông thầy nói gì cũng nên.

Bước ra bãi đỗ xe mà cái chân tôi chỉ chực nhào xuống, mỏi không chịu nổi. Tôi cố gắng lết ra lấy chiếc xe đạp cọc cạch, leo mãi mà không sao lên được cái yên. Loay hoay một lúc mới có thể yên vị trên chiếc xe cà tàng, tôi bắt đầu nghiêng mình nghiêng cổ đạp. Lần đầu tiên trong đời đạp xe mà khó khăn đến thế. Chợt nghĩ: chả biết có ích gì không, nhưng lần đầu tiên đã thấy khó khăn rồi. Tôi đạp xe ra đến cổng thì thấy thằng Phong đang tản bộ, tôi hỏi nó:

“Đi bộ à?”

Hắn quay lại mỉm cười thay cho câu trả lời. Lần thứ hai tôi thấy nó cười. Hay thật! Nó cười thì có quái gì đâu mà quan trọng. Thế mà tôi vẫn cứ đếm cả lần nó cười. Tôi lại nói tiếp:

“Nhà ở đâu, lên chở về này”

“Cám ơn! Đi bộ cho khỏe chân” – Phong đáp

Hắn đáp như thế, nhưng vẫn cứ dừng lại. Rồi nghẻo cổ đứng dòm tôi lom lom. Tôi cũng chả hiểu là nó có muốn lên xe hay không. Nên cũng dừng xe và dòm nó. Đột nhiên nó thực hành cái chiêu mà tôi đang chú ý lần thứ ba – nhoẻn miệng cười. Tôi cũng cười và nó leo lên xe tôi chở về

“Bạn tên Trần Giang Tâm đúng không?” – nó ngồi sau và hỏi tôi

Tôi thoáng ngạc nhiên, vì lần đầu tiên nó chịu mở miệng hỏi tôi, mà lại biết cả tên tôi nữa, nên tôi hỏi lại hắn:

“Sao biết đầy đủ tên họ của mình vậy?”

“Thì mấy bữa nay đi học, nhìn trong danh sách có tên mà không thấy người, nên đoán thế thôi” – hắn đáp

Tôi chợt nghĩ thằng này rảnh thật, đi học còn kiểm tra danh sách, cứ làm như nó là thầy không bằng. Nhưng dù sao, cũng phải khâm phục nó vì sự chịu khó đó. Tôi trò chuyện với hắn ta trên dọc đường đi. Hắn ta có vẻ ít nói, nhưng nói ra thì có những câu nghe buồn cười không chịu được. Cuộc trò chuyện cứ tiếp diễn, dần dần tôi cũng bớt đau chân vì mải nói chuyện. Thì ra nhà hắn cũng gần nhà tôi. Và hắn cũng bằng tuổi tôi. Sau hôm đó, ngày nào đi học tôi cũng qua chở hắn đi. Hai đứa đi chung cho đỡ chán. Có người nói chuyện thì chặng đường sẽ bớt xa hơn.

Buổi thứ hai đến võ đường. Tôi vào bãi gửi xe rồi ra ghế đá ngồi. Thằng Phong chạy vào căn-tin mua hai chai nước suối.

“Em có bạn trai rồi” – giọng thằng Phong ngay sau lưng. Hắn ngồi xuống kế bên, đưa chai nước cho tôi và cười cười

“Là sao?” – tôi hỏi vì chưa hiểu hắn nói cái gì

“Mày đang nhìn cái em mặc võ phục Judo bên kia chứ gì” – Phong vừa nói vừa chỉ con bé phía đối diện

Tôi thoáng giật mình. Đúng là đang nhìn con bé đó thật. Hắn đi từ đằng sau tới, tại sao lại biết tôi đang nhìn con bé ấy nhỉ. Tôi thắc mắc nhưng cũng không hỏi hắn vì sao mà biết. Nhưng lại hỏi cái khác

“Sao mày biết em ấy có bạn trai rồi” – tôi quay qua hỏi

“À! Tao thường thấy có thằng chở em về mà. Em tên Phượng” – hắn đáp

“Mày biết luôn cả tên em ấy à?” – tôi bắt đầu tò mò

“Ừm! Em đang học ở trường Nguyễn Thái Bình, lớp 11”

“Thế bạn trai em ấy tên gì nhỉ?” – tôi bắt đầu chuyển từ tò mò sang kinh ngạc. Không ngờ nó biết rõ như vậy

“Bạn trai Phượng á? Tên gì thì mặc hắn ta chứ. Liên can gì đến tao” – hắn ta nhướng mắt nhìn tôi và trả lời

“Hay nhỉ! Thế sao mày biết em ấy rõ vậy?” – tôi tiếp tục

“Biết rõ gì cơ?” – hắn hỏi ngược lại tôi

“Thì biết tên, học lớp mấy, ở trường nào nữa”

“À! Cái tên thì tao tự đặt ra, để nói chuyện với mày cho dễ thôi. Không lẽ tao với mày cứ nói chuyện về em, mà chỉ gọi là ‘em ấy’ à”

Tôi cầm chai nước mà cái mặt nhăn như khỉ ăn ớt với câu trả lời của hắn ta. Thật là bó tay với cái thằng này. Cứ tưởng nó ghê gớm lắm, ai dè chỉ là tự đặt cho người lạ hoắc một cái tên để nói chuyện

“Thế lớp và trường cũng là do mày tự đặt ra đấy à?” – tôi hỏi giọng nghi hoặc

“Không!” – Phong đáp gọn lỏn

“Vậy là lớp và trường là mày biết thật, mày theo dõi em ấy à?” – tôi tiếp tục

“Cũng không”

“Thế sao mày biết”

“Tao không biết và cũng không đặt ra. Mà tao đoán thế” – hắn trả lời và nhìn tôi cười ngặt nghẹo

Lần này thì tôi hoàn toàn bất lực trước cái cách nói chuyện của nó. Tôi bị nó lừa đảo những hai lần trong cùng một câu chuyện. Xem ra từ lần đầu tiên gặp nó đến giờ, chả biết nó nói chuyện mấy phần nghiêm túc. Vì đôi khi, hắn ta đùa mà cái mặt cứ tỉnh queo. Đến hết câu chuyện thì mới nhận ra là hắn đang đùa. Ngồi tán dóc một hồi, đến giờ vào lớp luyện võ. Lần này thì cái chân tôi bớt đau một chút và đứng tấn cũng lâu hơn. Thằng Phong đã chuyển sang tập quyền và cước. Tôi dòm sang thấy hắn vừa tập vừa hỏi ông thầy cái gì đó. Đúng là thằng này ưa thắc mắc thật. Tôi tò mò di chuyển đến gần chỗ hắn để nghe ngóng xem có bí kíp võ công gì hay không

“Có phải võ là các chiêu thức thực dụng không thầy?” – Phong hỏi ông thầy đang chỉ các chiêu thức

“Đúng rồi” – ông thầy đáp

“Vậy tại sao chiêu ‘Bàng long bãi vỹ’ em thấy không thực tế lắm?” – hắn tiếp tục

“Em thấy sao?”

“Chiêu này cái chân phải quét ngang, nên thời gian chạm đích sẽ khá lâu, đối phương ắt sẽ có sự chuẩn bị” – thằng Phong vừa nói vừa diễn tả.

Ông thầy thay vì trả lời câu hỏi, bảo nó đứng thủ thế. Và nói rằng sẽ dùng chiêu ‘Bàng long bãi vỹ’ đánh nó. Chân ông thầy vừa nhấc lên khỏi mặt đất, tạo thế quét ngang từ bên phải qua. Thằng Phong hạ thấp người xuống, đưa tay trái lên thủ ngang người, mắt vẫn nhìn đối phương chăm chăm. Bỗng dưng ông thầy rút chân lại, tung thẳng chiêu ‘Mãng xà xuất động’. Chiêu này phóng thẳng cước đến trước mặt thằng Phong thì đột ngột dừng lại, cách mặt nó chưa đầy một gang tay. Thế mà thằng Phong ngã dúi dụi về phía sau, rơi cả mắt kính xuống đất. Nó lồm cồm bò dậy và cười hì hì nói thầy chơi ăn gian. Ông thầy hạ chân xuống cũng cười và nói rằng:

“Lúc lâm trận, thì các chiêu thức luôn bổ sung cho nhau, không có chiêu nào tách rời cả thì mới mong thắng được đối phương. Chiêu ‘Bàng long bãi vỹ’ vừa rồi chỉ là hư chiêu. Kinh nghiệm thực chiến quan trọng lắm. Trước mắt là em cứ tập cho đúng phương vị là được rồi”

Ông thầy nói một hơi, thằng Phong vừa gật đầu lia lịa vừa lau cặp kính rồi đeo lên mắt. Đám võ sinh lúc nãy bu lại xem thầy biểu diễn, nhìn nó cười cười. Chắc chúng nó nghĩ thằng này điên nên mới dám giỡn mặt ông thầy cũng nên. Cuối buổi tập, sau giờ ngồi thiền, thầy gọi tất cả môn sinh lại và nói:

“Sau này các bạn không hiểu gì thì nên hỏi như bạn Phong. Đừng cố luyện tập mà trong lòng vẫn còn thắc mắc. Như thế thì hiệu quả chắc chắn sẽ không cao. Đành rằng chúng ta học võ không có ý muốn đánh nhau với bất kỳ ai. Nhưng đôi lúc cũng cần phải dùng đến nó trong trường hợp khẩn cấp. Vì thế các bạn cần phải hiểu và nắm rõ những điều căn yếu nhất”

Cả lớp đồng thanh dạ và xếp đồ ra về. Tôi lấy xe ra bãi và hỏi thằng Phong:

“Lúc nãy mày có bị trúng đòn đâu mà ngã dúi dụi thế?”

“Tao vừa thấy cái cạnh bàn chân của thầy phóng tới, bất ngờ quá không biết phản ứng sao. Nên tự dưng ngã xuống luôn” – nó vừa trả lời vừa cười hi hi

“Nhưng mà ổng nói hay quá. Tao thích cái gì mà ‘kinh nghiệm thực chiến’ á. Mày hiểu nó như thế nào không?” – nó quay sang hỏi tôi

“Thì là lúc đánh nhau chứ gì nữa” – tôi đáp

“Ờ! Có lẽ thế, tao cũng nghĩ như mày. Vậy muốn giỏi võ phải uýnh lộn cho nhiều vào. Ha ha”

Thế là tôi và nó bàn luận sôi nổi về cái chuyện uýnh lộn. Nào là chân đá tay đấm thế nào. Rồi di chuyển thế nào cho hợp lý. Câu chuyện đang hăng thì bỗng tôi thấy con bé Judo hôm nọ đang đứng ở trước cửa nhà văn hóa. Hình như đang chờ ai đó

“Người trong mộng của mày đứng một mình kìa” – thằng Phong khều khều tay tôi và cười nhăn nhở

“Cái gì mà trong mộng. Mà em đẹp hen mày?” – tôi đáp nó nhưng mắt vẫn cứ chăm chăm nhìn con bé

“Tới làm quen đi, tao đứng đây cổ vũ cho” – nó nói

Tôi đúng là bó tay với cái thằng bạn này thật. Nó bảo con bé đã có bạn trai. Giờ này đứng chờ ở đây thì là chờ bạn trai chứ còn gì nữa. Thế mà nó lại khích tôi nhào vô làm quen. Tôi nghe mà cứ như nó bảo tôi nhảy vào biển lửa. Tôi nghĩ đến đó và quay sang hỏi nó:

“Rủi bạn trai em ra dần tao một trận nhừ tử sao, xúi dại hả mày?”

“Em chưa có bạn trai đâu, tao nói đùa thôi. Vả lại mình có hai thằng mà mày sợ nó à. Tao đứng đây, thấy có gì nguy hiểm là bay vô tiếp chiến liền”

Nó nói với giọng cả quyết khiến tôi cũng có phần an tâm. Nhưng mà làm như thế thì kỳ kỳ sao đó, nên tôi cứ ngần ngừ mãi không thôi. Nhưng người đẹp đang đứng trước mắt, thằng bạn bên cạnh thì cứ khiêu khích mãi. Cuối cùng tôi cũng mạnh dạn bước tới chỗ người đẹp đang đứng

“Chào bạn” – tôi nói

“Chào” – con bé gật đầu

Tôi nói được đúng hai chữ, bỗng dưng ngẩn người ra, không biết phải nói gì tiếp theo. Dù rằng trước khi bước tới, tôi đã chuẩn bị cả một loạt những câu nói, rồi những tình huống thế này thế kia. Thế mà bây giờ tôi bỗng như hóa đá. Trước mắt mọi thứ mờ đi, con bé dường như mọc cánh bay bổng trước mắt. Tim tôi đập loạn xạ cả lên. Chân thì còn rung hơn là ngày đầu tiên phải đứng tấn nữa. Bỗng tiếng bô xe máy vang lên. Tôi hoàn hồn thì đã thấy con bé Judo ngồi trên yên xe một đứa con trai đi tự đời nào. Quay sang chỗ thằng Phong đứng thì thấy nó đang cười ngặt nghẹo, vừa cười vừa ôm cái xe đạp. Cái xe cứ rung bần bật theo người của nó. Tôi bỗng phát bực với nó. Rõ ràng nó cố ý chơi tôi một vố đau thấu trời.

“Cười cái gì” – tôi xẵng giọng và giật cái xe khốn khổ ra khỏi tay nó

“Ha ha…” – nó vẫn cứ ôm bụng cười như chưa bao giờ được cười

“Khùng hả mày?” – tôi vừa nói vừa đạp nó dúi vào cột điện

Thế mà nó vẫn cứ bò lăn bò càng ra cười. Tôi tức quá không biết làm gì. Mặc nó cười cho đã, tôi leo lên xe phóng về nhà. Bỗng nghe giọng thằng Phong ơi ới phía sau. Tôi tính cho nó cuốc bộ về cho bõ ghét. Nhưng nghĩ lại nó cũng chả đáng gì, nên dừng lại chờ.

Thằng Phong chạy tới, vừa thở hồng hộc vừa nói

“Tao… tao… xin lỗi. Mà… mà mày làm mắc cười quá. Tao chịu không nổi. Ha ha” – nó lại cười như muốn chọc tôi lộn mật

“Thế muốn đi xe hay đi bộ về mày?” – tôi quay lại và quăng một câu tức tối vào mặt nó

“Ê! Ê! Đi xe chứ. Đi bộ phê lắm” – nó nói rồi leo lên xe ngồi

Dọc đường tôi cứ chăm chú đạp xe, nghe tiếng nó khúc khích cười phía sau mà phát điên. Tôi thục cùi chỏ ra đằng sau chõ bõ ghét. Nghe thằng bạn trời đánh la oai oái

“Ê! Ê! Giận cá chém thớt mày. Ha ha” – nó vừa cười vừa nói

“Mày dám cười nữa là tao cho mày ăn đất ngay” – tôi xẵng giọng

“Nè…” – nó khều vai tôi

“Gì!” – tôi gạt tay nó ra và lớn tiếng

“Tao thấy nó thích mày đấy”

“Đừng có tiếp tục lừa đảo tao, rút kinh nghiệm với mày rồi”

“Không! Tao nói thật mà, lúc nó đi còn quay lại nhìn mày nữa. Tao thấy rõ ràng” – giọng nó cả quyết

“Xạo mày”

“Thiệt! Nó có nhìn mày và tao đoán là nó thích mày lắm nên mới nhìn như thế”

“Nó có bạn trai rồi còn thích cái gì mà thích”

“Trời! Sao nó có bạn trai được?” – thằng Phong lên giọng

“Thế mày không thấy thằng nào chở nó à?”

“À! Mày hiểu lầm ý tao rồi. Tao nói ‘nó’ ở đây là cái thằng chở con bé cơ. Nó thích hỏi thăm sức khỏe mày đó. Ha ha”

Tôi thiệt không biết nói gì với cái thằng bạn ba trợn này. Rõ ràng nó muốn chọc cho tôi nổi khùng đây mà. Tôi không thèm nói chuyện với nó nữa. Mặc cho nó cứ ba hoa về mọi thứ.

Tôi về nhà vắt tay lên trán mà cứ ấm ức mãi không thôi. Nhủ lòng phải tìm cách chơi lại thằng Phong một vố đau hơn mới chịu. Nằm suy nghĩ mãi mà không kiếm được trò nào để trả lễ nó. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tôi bị ức chế đến độ đêm đó còn nằm mơ thấy con bé Judo bay bổng trước mắt như trêu tức tôi, còn thằng Phong thì đang cười lăn lộn bên cây cột điện. Thật là hết nói nổi!

Ngày hôm sau đến chỗ học. Tôi và thằng Phong đang ngồi tán dóc trong căn-tin, từ xa có mấy bộ võ phục Karatedo đang bước vào quán. Thằng Phong nói:

“Bạn mày tới kìa”

Tôi ngó ra ngoài thì thấy hình như trong nhóm đó có cái thằng hôm nọ chở con bé Judo về. Rồi xong! Xem ra sắp có kinh nghiệm thực chiến đây. Tôi bỗng cảm thấy bất an. Đang không biết phải làm sao, quay sang thằng Phong thì thấy nó cứ ung dung ngồi uống chai nước ngọt. Thiệt là phát rầu với thằng này, bạn bè đang lúc nguy cấp mà nó thản nhiên như chả có gì.

“Lát nữa hẹn mày ra cổng nói chuyện” – thằng bạn trai con bé Judo lên tiếng

Tôi im lặng không nói gì. Cả đám thằng đó kéo vào, nói đúng một câu duy nhất, rồi lặng lẽ đi ra. Tai tôi cơ hồ lùng bùng không nghe rõ những gì xung quanh. Có lẽ vì hơi sợ cũng nên. Bỗng nghe giọng thằng Phong

“Nếu không ra có sao không mấy anh?”

Bọn chúng quay lại nhìn lom lom tôi và thằng Phong. Thằng bạn điên khùng của tôi lại lên tiếng

“À! Em thấy hình như thằng bạn em không có nhã hứng ra nói chuyện với mấy anh thì phải. Ha ha!”

“Vậy thì giải quyết ở đây càng hay” – một đứa trong nhóm kia lên tiếng

Sau câu nói đó, chúng nó lao vào hỏi thăm sức khỏe của tôi và thằng Phong thật. Thằng Phong hô lên: “Thế thì càng hay” và cũng nhào vào trả lễ với chúng nó. Tôi cũng nhào vào vòng “trò chuyện bằng nắm đấm” trong khoảnh khắc.

Xem ra tôi và thằng Phong không phải đối thủ của đám võ sinh này, số lượng đôi bên quá chênh lệch. Bỗng nghe “vù” một cái. Thằng Phong đã tách ra khỏi cuộc hỗn chiến từ lúc nào. Quăng cái bàn về phía tôi và nhóm kia. Cái bàn bay qua tôi và lao thẳng đến nhóm đối phương. Ngay lập tức, thằng Phong lao tới nắm tay tôi, la lên:

“Kinh nghiệm thực chiến. Chạy”

Nó vừa chạy vừa đẩy các ghế ra cản đường. Những người trong quán nháo nhác cả lên. Tôi loáng thoáng nghe bà chủ quán chửi gì đó om sòm sau lưng. Hai đứa chạy như bay ra cổng, băng sang đường phía bên kia và mất hút trong cái hẻm nhỏ xíu. Chạy được một quãng mệt đứt hơi. Tôi và thằng Phong ngồi phệt xuống đất, nhìn nhau cười ha hả. Thằng Phong nói:

“Đúng như tao đoán, thằng đó thích mày thật. Ha ha!”

“Ừm! Mày có kinh nghiệm thực chiến hay quá. Tưởng gì ai dè bỏ chạy. Bó tay!” – tôi vừa thở vừa nói

“Uýnh không lại thì bỏ chạy chứ mày. Không lẽ đưa lưng ra chịu đòn à. Hì hì” – nó lại cười nhăn nhở

Hai đứa ngồi tán một lúc thì tôi nhớ ra còn cái xe đạp gửi ở chỗ luyện võ. Không thể quay lại lấy được, biết đâu bọn chúng vẫn đứng chờ. Thế là thằng Phong bảo lát nữa nhờ thằng bạn lên lấy hộ. Bây giờ mình không quay lại được nữa. Tôi cũng yên tâm phần nào. Sau lần đó, tôi và thằng Phong nghỉ mấy buổi liền. Tuần sau lò mò lên thì biết đám kia đã bị đuổi học, tôi và thằng Phong cũng chịu chung số phận. Thế là tàn giấc mơ luyện võ!

Mấy ngày sau, thằng Phong sang nhà rủ tôi đi luyện thi Đại Học. Nó bảo đang tính thời gian rảnh rỗi, vừa luyện thi vừa học võ cho vui. Thế mà bây giờ không học võ nữa, rảnh rỗi quá chưa biết phải làm gì. Trước mắt cứ đi luyện thi buổi sáng. Thế là tôi và nó ghi danh vào trường luyện thi. Hai đứa cùng ôn thi khối C. Trường học cũng không xa nhà lắm. Mấy ngày đầu, tôi qua chở thằng Phong bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Nó bảo:

“Để mai tao lấy xe máy qua rước mày. Đạp mãi oải quá”

“Đạp cho khỏe chân. Trường đâu có xa nhà mà phải đi xe máy chi tốn xăng” – tôi đáp

Vậy mà hôm sau nó cưỡi xe máy qua rước tôi thật. Tôi không tiện từ chối, nên cũng leo lên yên xe cho nó chở. Nhập học được hơn một tháng thì lớp đông dần lên. Lúc đầu tụi tôi còn ngồi những dãy ghế trên. Sau đó lớp đông, đi trễ là phải xuống dãy dưới ngồi. Hình như lớp phân ra hai phái rõ ràng. Nhóm con trai thì ngồi ở dưới gần hết. Bên trên là lãnh địa của nhóm tóc dài. Lớp có hơn năm chục người thì nhóm con trai chỉ hơn mười tên. Đúng là khối này ít con trai đi học thật. Các giảng viên nói đùa con trai trong lớp này thuộc hàng hiếm nhưng không quý. Bọn con gái nghe thế vỗ tay rùm trời khen phải liên tục. Học được thêm vài buổi, tôi và thằng Phong quen vài đứa bạn trong lớp, cả nhóm toàn con trai. Nhóm hay đi chơi với nhau vào các buổi tối, thằng Phong có rủ mấy lần mà tôi từ chối, nên với nhóm đó tôi cũng không chơi thân lắm.

Đến gần giữa khóa học, tôi cũng tranh thủ sắm chiếc xe máy để đi học. Không thể đi nhờ thằng Phong mãi. Vì nó hay đi bù khú sau giờ học với đám bạn mới quen. Một ngày, nó đang ngồi kế tôi, bỗng khều khều tôi và nói:

“Ê mày”

“Gì?” – tôi hỏi

“Con bé ngồi bàn thứ hai dãy trong cùng nhìn hay hay nhỉ?” – nó nói và hất mặt về phía góc trái lớp học

Tôi nhìn theo ánh mắt nó, thì đoán dường như nó đang có ý hỏi con bé có mái tóc xoăn bồng, đang xoay xoay cây viết trên tay.

“Ờ! Mày lên làm quen đi” – tôi đáp hờ hững

Trong đầu tôi bỗng nhớ đến cái lần nó khích tôi làm quen con bé Judo. Lần này coi như có cơ hội chơi khăm lại nó. Vì tôi biết, có mấy đứa con trai ngổ ngáo cũng đang dòm ngó con bé. Khích thằng Phong lên làm quen, biết đâu lại có kinh nghiệm thực chiến. Và biết đâu tôi lại được cười một trận ra trò cũng nên.

“Ờ! Tao chỉ nói vậy thôi, chứ đâu có ngu. Ha ha”

Nó nói xong, ôm tập xách, lững thững đi lên phía trên. Tôi trố mắt nhìn nó, tưởng tượng ra cái cảnh của tôi dạo nọ mà chỉ chực phát cười. Thật đáng thất vọng, nó chỉ ngồi bàn kế bên con bé, rồi lại chăm chú nghe thầy giảng bài. Tưởng gì hay ho lắm. Thì ra cũng nhát gái y như tôi.

NẮNG HẠ

Nắng hạ nhạt nhòa trên dòng kênh uốn lượn theo con đường mới mở. Trong sân chùa, vài chú sẻ con con đang chơi trò đuổi bắt, những tiếng kêu chin chít liên tục như đang mời gọi thành phố bước vào nhịp sống hối hả của một ngày mới. Thiên Vân đứng lặng yên bên lan can ngôi trường Đại Học Sư Phạm, đôi mắt dõi về xa xăm như đang tìm một khoảng trống bên khung trời phố hội phồn hoa.

“Chào buổi sáng!” – bỗng một giọng trầm ấm phía sau vang lên.

Vân quay ngoắt người lại, nhoẻn miệng cười – hồn nhiên, trong suốt. “Chào anh!”

“Hì! Mới sáng sớm đã thấy người đẹp đứng riêng ở đây, là muốn làm thơ rồi.” – cái giọng thằng Phong nhăn nhở nửa đùa nửa thật

“Hay quá! Bài tập làm xong chưa mà ở đó thơ với thẩn” – cô bé nhấn mạnh 3 chữ cuối như thể không đồng ý với cách đùa của thằng bạn nham nhở trước mặt.

Con bé biết rõ, chỉ cần nhắc đến hai chữ “bài tập” là thằng Phong tiu nghỉu ngay. Vì nó có bao giờ chịu ngồi yên một chỗ mà hoàn tất các bài tập được giao về nhà đâu.

“Sao? Chưa làm đúng không? Lúc nào cũng thế cả. Hôm nay anh không có bài tập, thì tui không cho anh ngồi kế, kẻo thầy bảo tui không biết nhắc nhở anh” – Vân nói một tràng dài như dòng Trường Giang bất tận. Thằng Phong thì cứ gật gật, gãi đầu gãi tai như cậu học trò nghe cô giáo tra vấn về bài tập nhà.

“Ờ! Thì lát làm, xíu là xong chứ gì. Mấy bài bình giảng này cũng đâu có khó. Hì hì!”

“Anh hay quá! Còn chưa đầy nửa tiếng, anh mà làm xong bài trước giờ học. Tui khao anh bữa sáng liền.”

Chẳng biết câu này có phải thần chú hay khẩu quyết võ công gì không. Mà thằng Phong nghe xong nhảy tưng tưng, vừa cười vừa nói: vậy là sắp có bữa sáng miễn phí. Con bé Thiên Vân thì cứ khúc khích cười như đang xem tấu hài trên sân khấu.

Thế là thằng Phong được dịp làm cả lớp phải ngạc nhiên. Lần đầu tiên nó vào lớp trước thầy, đã thế còn chạy đôn chạy đáo mượn tài liệu, rồi bay về chỗ lật hết trang này đến trang kia như thể muốn ăn luôn mấy cuốn sách để trước mặt.

Nửa tiếng trôi qua, hắn vẫn cứ chăm chú ghi ghi chép chép.

“Reeng!” – tiếng chuông đầu giờ học vang lên, cả lớp nhốn nháo về vị trí ngồi. Thằng Phong quăng cây bút xuống bàn, tay đưa lên trán ra vẻ thất vọng

“Trời! Thiệt là một ngày xui xẻo…”

“Anh làm tới đâu rồi?” – giọng Thiên Vân lộ vẻ quan tâm

“Mới gần hết phần bình thôi à!” – Phong uể oải đáp

“Thầy chưa vào mà, anh cứ làm đi, làm được một nửa thì tui bao anh nửa bữa sáng” – con bé ngúng nguẩy khóe mắt như trêu đùa thằng bạn lười biếng ngồi cạnh.

“Được thôi! Nửa bữa cũng được, xem như hôm nay ta ăn chay vậy. Hì hì!” – thế là hắn lại chăm chú quay lại công việc đang dở dang.

Sau tiếng chuông chừng hai phút. Cả lớp bỗng ồ lên, nhốn nháo. Từ cửa lớp, thầy giám thị bước vào, tay trái nâng cặp kính trễ gọng lên sát mày. Nghiêm nghị nhìn khắp lớp. Sau màn trấn áp tâm lý, chắc chắn sẽ đến màn thông báo gì đó. Lũ học trò đã quá quen thuộc với cái chiêu này của ông thầy khó tính.

“Hôm nay thầy Hoan đi công tác. Các bạn được nghỉ…”

Câu nói còn chưa dứt, nhìn khẩu hình thì cũng nhận ra vẫn còn chữ “học” chưa thoát khỏi miệng của ông thầy khắc khổ. Thế mà đã xuất hiện những tiếng reo hò, chen lẫn tiếng huýt sáo của lũ con trai ngồi cuối lớp. Và chẳng ai đợi xem thầy giám thị sẽ đi ra cửa bằng cái chân nào, và khi đi ra có dùng tay trái nâng cặp kính lên hay không. Cả lớp như ong vỡ tổ ào ra ngoài. Trong phút chốc, chỉ còn lại hai người trong lớp: Đông Phong và Thiên Vân

Phong quay sang, gãi đầu gãi tai cười hì hì.

“Giờ tính sao?” – hắn vừa hỏi vừa nhăn nhăn cái mặt như khỉ ăn ớt

“Thầy vẫn chưa tới mà. Tui nói anh mà làm xong bài trước khi thầy tới, tui bao anh bữa sáng” – cô bé tóc xoăn quay quay cây bút trên tay, mặt nghênh nghênh như thách thức.

“Ok! Quyết định vậy đi, cứ thế mà mần, chần chừ là mất bữa” – thằng Phong tuôn nguyên một tràng khiến con bé không tài nào nhịn được cười

“Anh chỉ giỏi cái tài ba hoa, làm đi, tui cho anh 10 phút. Không thì tui về à!”

Câu nói có lẽ rất bình thường với ai đó. Nhưng với thằng Phong lại là mệnh lệnh không thể cãi. Hắn lại lao đầu vào cuốn tập, hý hoáy ghi chép. Lâu lâu lại ngước lên nhìn trộm cô bạn bên cạnh. Đến lần thứ ba, con bé phát hiện ra, liền đưa nửa con mắt tinh nghịch liếc xéo sang. Thằng Phong bị bắt quả tang nhìn trộm, bối rối cười hì hì.

“Anh mà không chú tâm làm, một lần nữa tui không thèm nói chuyện với anh” – Thiên Vân nói rành mạch từng chữ, nhưng trong ngữ điệu vẫn không giấu được sự e thẹn của một đứa con gái.

Mười lăm phút trôi qua, Phong buông viết ngẩng lên nhìn cô bạn ngồi cạnh, chăm chú. Cô bé vẫn dùng ánh mắt nghiêng nghiêng nhìn thằng Phong, ra chiều hờ hững hỏi:

“Ai cho anh nhìn tui? Anh làm xong chưa?”

“Còn một câu nữa thì xong. Hì hì!” – Phong đáp

“Vậy sao không làm cho xong đi. Bộ không muốn đi ăn sáng với tui hả?”

“À… ờ… tính làm cho xong luôn, nhưng mà…”

“Đừng nói với tui là anh không biết kết thế nào nhá!” – Thiên Vân quay mặt lại, chau mày hỏi.

“Không! Tại vì làm xong, phải ra ngoài đi ăn sáng. Còn làm chưa xong, thì cứ ngồi đây, chỉ có hai đứa… hai đứa… thấy vui vui”

Nghe đến câu này, Thiên Vân thẹn đỏ mặt, chạy ra khỏi lớp và không quên quăng lại một câu: “Không thèm nói chuyện với anh nữa”

Con bé không quên để lại câu nói giận hờn, nhưng lại quên mất cầm giỏ xách ra về. Thế là thằng Phong có dịp sắp xếp đồ, chạy như bay xuống sân trường. Đuổi theo cô bạn.

“Này… không biết có cô bé dễ thương nào để quên túi xách…” – hắn vừa nói vừa gãi đầu gãi tai, trông ngố khủng khiếp

Con bé lại nhìn thằng Phong với ánh mắt nghiêng nghiêng và nói:

“Anh mà cứ nói đùa, là tui…”

“Là tui bắt anh ăn bữa sáng phải không?” – Phong cướp lời, cười hì hì

Hai đứa ngồi trong quán bò bít tết đường Rạch Bùng Binh, cặm cụi dùng con dao cắt miếng thịt bò khó bảo và cười nói rôm rả. Tôi vừa vào quán, đã nghe thấy giọng thằng Phong đang ba hoa về thịt bò, thịt trâu gì đó, nhìn kỹ thì thấy con bé đang cười khúc khích kia là Thiên Vân, tôi chợt nghĩ: “Ui chà! Thằng này gan thật, dám quen cả con bé được liệt vào hàng hot girl của lớp kia đấy. Cứ tưởng hai đứa nó chỉ ngồi chung bàn trong giờ học thôi chứ. Thì ra…”

“Hi! Ngộ ái nị…” – tôi bước vào và chọc hai đứa nó

Nghe câu ấy, thằng Phong cười khì khì. Còn con bé người Hoa thì chau mày ra vẻ khó chịu, quay sang.

“Anh…”

“Anh nói chuyện không có duyên như thằng ngố này phải không?” – tôi hỏi giọng trêu chọc.

Thế là diễn ra màn đấu khẩu, một bên là tôi, một bên là thằng ngố tên Phong và con bé người Hoa. Dĩ nhiên là tôi phải chào thua hai đứa nó. Thằng Phong thì cái gì cũng nói được, còn con bé kia thì ăn nói sâu sắc khỏi phải nói. Tôi đâu phải đối thủ của cặp bài trùng đó. Đành cười trừ và gọi đồ ăn sáng thôi.

“Ê! Hôm nay được nghỉ học, mày có tính đi đâu chơi hông? Cho hai đứa tao đi ké với” – thằng Phong đề nghị

“Tao thấy mấy đứa trong lớp đang bàn nhau đi câu cá ở đâu đó. Mày tính đi không?” – tôi hỏi

“Ờ! Câu cá hả. Được á. Đi cho vui nhé em!” – hắn vừa trả lời tôi, vừa quay sang con bé người Hoa hỏi

“Thôi! Hai anh đi đi. Tụi nó đi đến chiều mới về, em đâu có đi được. Ba mắng em chết” – Thiên Vân lắc đầu nguậy nguậy.

Chẳng hiểu thằng Phong dỗ ngon ngọt kiểu nào, mà chưa đầy 10 phút sau, đã thấy con bé Trung Hoa ngồi sau yên xe của nó. Thế là cả nhóm phóng ra ngoại thành, tìm điểm câu cá.

“Hôm nay là ngày vui, chúng ta uống không say không về” – giọng nói phát ra từ phía góc bàn.

Cả nhóm cười sặc sụa, vì cái câu nói được phát ra từ thằng Hòa, người nhỏ thó, tóc rối bù xù, tay cầm ly nước ngọt dương dương tự đắc.

“Được lắm, cậu út nói chí phải, không say không về” – đại ca lên tiếng

Trong nhóm “thất hiền trúc lâm” – tên do con bé Thiên Vân đặt – gồm có 7 người thì Quang là lớn tuổi nhất, được cả nhóm tôn làm đại sư ca, thằng Phong là nhị sư ca. Kế đến là Vinh tam tài, Phát tứ quý, Long ngũ quỷ, Hòa lục tặc, con bé Thiên Vân được cả nhóm gọi là tiểu sư muội và dĩ nhiên đứng vị trí thứ bảy. Tôi chỉ là khách mời, đi ké cho vui. Không thuộc cái nhóm quái vật này. Sau hiệu lệnh của đại ca, cả nhóm nâng ly cụng côm cốp, nước ngọt có, bia có.

Sau chừng 2, 3 ly bia thằng Phong cao hứng, xuất khẩu thành thơ:

“Một chén trà nhạt chưa đủ tình,

Kính nhau chén tửu thành đệ huynh”

Cả nhóm vỗ tay đôm đốp, cười rôm rả. Phát tứ quý tiếp lời:

“Rượu ngon chưa chắc đưa môi nhấp, trọng cái nghĩa dày bạc tiền khinh”

Đến lúc này thì cuộc ăn nhậu biến thành cuộc tỷ thí võ mồm. Cả nhóm tranh nhau bình loạn 4 câu thơ con nhái vừa được thằng Phong và Phát tứ quý sáng tác. Sau cùng đại sư ca cất tiếng:

“Nhị đệ và tứ đệ ứng khẩu rất hay, nhưng đáng tiếc chúng ta đang uống bia và nước ngọt, không có rượu ở đây…” – đại ca còn chưa dứt lời thì thằng Hòa đã nhảy vào

“Đúng thế! Đúng thế! Cuộc vui này nhất thiết phải có rượu”

“Theo em nghĩ…” – câu nói còn nửa chừng, những tiếng cười nói bỗng im bặt, cả nhóm hướng về phía đứa con gái duy nhất trong bàn. Con bé nhoẻn miệng cười và tiếp:

“Uống rượu nhất thiết phải uống dưới ánh trăng, như thế rượu sẽ ngon hơn”

Cả nhóm đồng tình bằng một tràng pháo tay tán thưởng. Vẫn lại là thằng Hòa lên tiếng

“Chí lý! Uống rượu dưới trăng thì khi say, sẽ không ai biết ta say rượu hay say trăng. Ha ha” – hắn vừa nói vừa ra vẻ khoái chí, tay vỗ vào đùi chan chát.

“Nhưng mà bây giờ thì không có trăng, thôi em sẽ mượn khung cảnh đêm trăng, để các anh gọi rượu uống cho ngon nhé” – nghe xong câu này, cả nhóm ngẩn tò te, không hiểu con bé này nói cái gì. Riêng thằng Phong thì cứ ngồi cười khì khì, tay xoay xoay cái đồ khui bia.

“Em xin tiếp câu thơ của anh Phát” – Thiên Vân nói gãy gọn

“Cõi này anh; tôi, chỉ có một. Cùng ánh trăng trắng hội Lưu Linh” – con bé tiếp liền hai câu. Cả nhóm lại vỗ tay đôm đốp. Đại ca lên tiếng: “Hay! Hay lắm! Thêm hai câu nữa là có rượu ngon và thơ để ngâm rồi”

“Tàn đêm cô vắng rượu chưa phỉ, nâng chén nguyệt tận thắm ân tình” – giọng thằng Phong ngân nga

Lần này thì cả nhóm nhốn nháo lên.

“Ê! Hai đứa kia, tính chơi uống một mình hay sao mà chỉ có anh và tôi, rồi cái gì ân với tình hả. Ha ha!” – Vinh tam tài lên tiếng

“Đại ca phân xử việc này chứ, hai đứa nó chắc mẩm đòi uống rượu riêng đây mà” – thằng Long nãy giờ chưa nói câu nào, lên tiếng là muốn đòi lại rượu ngon cho nhóm ngay.

Đại sư ca gục gặc cái đầu, lên tiếng phân xử:

“Mọi người cứ bình tĩnh, để hai nghi can giải thích nào”

Con bé Thiên Vân nghe những câu ấy, cái mặt nghênh nghênh cười chúm chím. Còn thằng Phong thì cứ gãi đầu gãi tai như thể đầu nó có chí, rồi lại cười khì khì và nói:

“Ta và tiểu sư muội nào dám uống riêng một mình đâu. Câu anh, tôi chỉ có một là ám chỉ cả nhóm chúng ta. Còn cái ân tình chẳng qua cũng chỉ là tình nghĩa bạn bè giang hồ trong nhóm thôi. Hì hì!”

“A! Nói vậy thì được. Đại ca, gọi rượu uống thôi. Ha ha!” – thằng Hòa chả bao giờ biết uống bia rượu. Mà cứ mở miệng ra là rượu với bia, toàn khiêu khích cho người khác uống.

“Được lắm! Gọi rượu thôi, vừa uống vừa ngâm bài thơ vừa rồi. Phong sư đệ ngâm cho mọi người nghe nào” – đại ca nói

“Hay lắm! Thích nhất là nghe anh Phong…” – con bé Trung Hoa chưa kịp nói hết câu, chợt nhận ra mình lỡ lời, đột ngột mất vẻ hào hứng và cúi gằm mặt xuống e thẹn.

“Ai chả biết tiểu muội thích nhị sư huynh ngố Tàu nhà ta. Ha ha!” – giọng thằng Long trêu chọc. Thế là cả nhóm cười rôm rả. Thằng Phong thì vẫn cứ cười khì khì, còn Thiên Vân thì lắc đầu nguầy nguậy, xua tay nói không phải.

Cả nhóm ngồi đến trưa, mấy cái cần câu chẳng biết là còn mồi hay không. Mà cũng chẳng ai thèm quan tâm. Tất cả đều chú tâm nói cười nhộn nhạo. Đến gần trưa, thằng Phong cáo từ vì phải chở con bé người Hoa về. Vẫn là giọng thằng Hòa nhanh nhẩu:

“Nhị sư huynh về trước, vào ba ra bảy đi. Còn chở luôn người đẹp nhất hội đi, thì phải phạt nặng thêm. Đúng không đại sư ca?” – hắn nói xong cười hì hì và quay sang đại ca dò ý

“Đúng là thế, nhưng hôm nay tạm tha. Vì còn phải chở bé Vân về trường lấy xe nữa. Bảy ly này cho khất lại, bữa sau uống bù” – đại ca lên tiếng.

Con bé Thiên Vân vỗ tay và lộ vẻ hớn hở khen phải liên tục. Thằng Phong lại cười hì hì tiếp lời:

“Nợ ân nghĩa không trả được, nhưng nợ rượu bia thì phải trả. Có điều chỉ sợ lát về, rượu không say mà say cái khác thì không ổn, nên đành uống trước một ly, xin nhờ vả anh em còn lại sáu ly. Coi như chúng ta lại thêm chút ân nghĩa với nhau. Tình bạn càng thêm thắm thiết…” – hắn cứ từ tốn nói, mọi người dỏng tai lắng nghe. Hắn nói thế, không ai dám từ chối, vì nếu chối từ tức là chối từ luôn cái ân nghĩa càng thêm đậm đà. Thế là cả nhóm gật gù khen phải. Con bé Thiên Vân thì cứ chúm chím cười và lắc lắc cái đầu trông rất dễ thương. Phong uống cạn ly rượu rồi hắn cáo từ một lần nữa. Thiên Vân không quên để lại một câu dặn dò mọi người uống cầm chừng để lát ra về an toàn. Tôi thấy hai đứa bạn rút lui, cũng giả tảng cầm cái cần câu men theo bờ đất ra xa xa ngồi câu cá. Vì tôi cũng không thân lắm và cũng chả hiểu lũ quái vật này nói cái gì trong bàn nhậu. Toàn thơ với thẩn. Chán ngắt!

Sợi dây câu đong đưa trước gió khiến cái phao lắc lư liên tục. Trời chiều nắng hắt lên mặt hồ bàng bạc. Tôi cứ chăm chú nhìn cái phao như thể đang thôi miên nó theo ý nghĩ của mình. Mà cũng chẳng biết tôi đang thôi miên cái phao hay là ngược lại. Mặc kệ! Dù sao thì cũng cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Những ồn ào của cuộc sống dường như không tồn tại trong không gian này. Tôi bỗng cảm thấy mình trở nên trầm lắng, suy nghĩ về nhiều thứ. Và tôi nghĩ về thằng Phong. Không hiểu nó quen con bé kia bằng cách nào. Hay thật! Biết bao anh chàng tán tỉnh mà không được. Cuối cùng con bé lại phải lòng cái thằng nhìn mặt ngô ngố, đã vậy còn cái thói hay gãi đầu gãi tai, khiến cái ngố từ trên mặt tràn luôn khắp cơ thể nó. Mà cũng có thể con bé chết mê cái giọng âm ấm và cách nói chuyện có duyên của nó chăng? Chẳng biết hai chúng nó sẽ đi đến đâu. Nhưng ai cũng bảo thằng ngố ấy chắc tu mấy kiếp, mới lọt vào mắt xanh của con bé Trung Hoa. Thôi thì hy vọng nó biết rằng nó có phước.

Cứ liên miên suy nghĩ, chẳng biết nắng chiều đang dần tắt. Tôi ngẩng đầu lên thì chỉ còn vài ba người trong khu câu cá. Mà hình như chỉ toàn là nhân viên phục vụ, lũ “trúc lâm quái vật” cũng đã ra về từ hồi nào. Ngồi mãi mà chả câu được con cá nào. Uể oải đứng dậy, tôi lững thững xách cần câu ra quầy trả. Sẵn sàng trở về với cuộc sống thực tại - học hành và làm việc.

Chuẩn bị bước vào kỳ thi Đại Học – Cao Đẳng, bầu không khí Sài thành bỗng nhộn nhịp hơn hẳn. Sinh viên từ các tỉnh đổ về ngày một đông, các con đường như oằn mình trước khối lượng người và xe cộ qua lại. Lũ học trò trong lớp chúng tôi thì lao đầu vào chuẩn bị cho kỳ thi. Căn tin trường Đại Học Sư Phạm, nơi chúng tôi luyện thi, bỗng vắng hẳn so với những ngày trước. Sáng đầu tuần, vừa bước vào căn tin, tôi đã thấy thằng Phong ngồi chình ình trong đó. Trên tay là muỗng cà phê cứ nhịp nhịp, chân hắn cũng nhịp nhịp, còn cái miệng thì nhép nhép bài hát gì đó.

“Đến sớm mày?” – tôi hỏi

“Ừm! Dạo này kẹt xe dữ quá, phải đi sớm kẻo vào trễ” – Phong vừa nhịp cái muỗng vừa trả lời câu hỏi của tôi.

“Ha ha! Mày cũng biết nghĩ thế nữa cơ à? Có bao giờ thấy mày vào lớp sớm đâu. Toàn ngồi dưới căn tin, đến gần giữa giờ mới vào”

“Ờ! Thì sắp thi Đại Học rồi, nên phải vào sớm mà nghe chứ”

Ngồi trò chuyện một lúc, tôi biết hắn dự định thi vào khoa Ngữ Văn trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn. Con bé Thiên Vân thì đăng ký vào khoa Đông Phương Học. Hắn còn hỏi ý tôi, nên mua quà gì cho Thiên Vân dịp sinh nhật sắp tới. Ngày cuối tuần này, nhóm “Thất hiền trúc lâm” và tôi được con bé mời đến nhà ăn sinh nhật. Nhìn hắn vò đầu bứt tai với suy nghĩ phải mua gì để tặng người đẹp. Tôi cứ cười thầm trong bụng “Cái thằng không sợ trời, không sợ đất, cuối cùng cũng có cái làm hắn sợ – mua quà cho bạn gái. Haha”. Thế là tôi phải ngồi nặn óc suy nghĩ cùng nó, vì tôi cũng có bao giờ mua quà cho đứa con gái nào đâu. Hai thằng cặm cụi suy nghĩ, đến khi chuông đầu giờ học vang lên mà vẫn chưa ra được món quà nào phù hợp. Đành lẽo đẽo xách cặp vào lớp.

Chả hiểu thần minh chỉ bảo thế nào. Mà sáng thứ bảy, thằng Phong khoe tôi là đã mua được quà cho Thiên Vân. Hắn bảo lựa mãi mới được con mèo nhồi bông, vừa với túi tiền và hợp với cá tính của con bé người Hoa. Nghe đến đây, tôi cũng thấy mừng, vì tối nay hắn có thể ung dung đi dự sinh nhật mà không phải vò đầu vò trán như những ngày vừa rồi.

Sáu giờ chiều. Cả nhóm tụ tập trước cổng trường luyện thi. Và cùng kéo đến nhà Thiên Vân theo địa chỉ để trong thiệp mời.

Khi đến nơi, đứng trước ngôi nhà, chúng tôi đều có một tâm trạng như nhau – cảm thấy choáng ngợp trước vẻ bề thế của tòa nhà. Nó như một cái lâu đài thì đúng hơn. Không ai dám mạnh dạn bấm chuông, vì sợ lầm nhà. Chần chừ một lúc, thằng Phong với tay bấm chuông gọi cửa.

“Kính koong…”

Cánh cửa từ từ mở ra, Thiên Vân xuất hiện trong bồ đầm trắng sữa tuyệt đẹp. Cả nhóm cứ nhao nhao lên khi vừa thấy nó. Riêng thằng Phong thì cứ đứng đực ra nhìn, như thể nó đang đi trên mây và bắt gặp một thiên thần đang dạo chơi. Có lẽ hắn sắp hóa đá.

“Trời! Tiểu sư muội đây sao. Thật không thể tin được” – thằng Hòa lên tiếng đầu tiên.

“Em ơi cho anh hỏi, nhà Thiên Vân ở đây phải không em?” – Vinh tiếp lời chọc ghẹo.

“Dạ! Mấy anh là ai? Tìm công chúa nhà em có việc gì không ạ” – con bé Thiên Vân không phải tay vừa, cũng tìm cách đối lại với cả đám con trai trước mặt

Sau một hồi tay bắt mặt mừng. Cả nhóm đi vào trong. Trong sân nhà, một khu vườn được bố trí khá đẹp. Những cây cảnh bon sai và thác nước trông rất bắt mắt. Giữa vườn là bàn cờ tướng bằng đá bề thế với hai ghế ngồi và một bàn nhỏ để trà. Chúng tôi đi qua khu vườn mà như lạc vào cảnh tiên, với ánh sáng nhu hòa không quá chói mắt cũng không quá tối. Bước vào trong nhà, đã thấy có vài đứa bạn gái của Thiên Vân ngồi đó. Thế là hai nhóm sáp lại, trò chuyện rôm rả. Tôi vẫn cứ quan sát quanh ngôi nhà. Phía bên phải phòng khách là cây dương cầm màu đen rất đẹp, được bài trí trong một không gian mở. Bỗng thằng Hòa lên tiếng:

“Người đẹp nhà ta cũng biết chơi dương cầm à?”

Thiên Vân từ trong bếp đi ra, tay cầm dĩa trái cây, trả lời:

“Dạ! Em cũng mới học chút. Trong lúc đợi ba má em về, mời mọi người thưởng thức vài bản nhạc nhé” – Thiên Vân đề nghị.

Cả nhóm đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Con bé ngồi vào ghế, đặt hai tay lên cây đàn và nhoẻn miệng cười. Rồi bắt đầu dạo đàn. Tôi thì mù tịt về âm nhạc, chẳng biết con bé đang chơi bản gì, nhưng nghe giai điệu cũng thấy hay hay, lúc du dương trầm ấm, lúc lên cao vút thanh tao. Rồi đột nhiên tiết tấu nhanh dần, nhanh dần như hối thúc. Thiên Vân khép nhẹ đôi mắt, người hơi run nhè nhẹ. Như thể con bé hóa thân vào bản nhạc, toàn thân toát lên một vẻ đẹp mơ hồ ảo diệu. Cả nhóm im lặng lắng nghe. Nhìn vào mắt mọi người, tôi có thể đoán được ở trong đó là sự tán thưởng và có phần ngưỡng mộ cô bạn. Còn thằng Phong thì tôi chả thể đoán được suy nghĩ của nó qua ánh mắt. Vì nó cũng giống Thiên Vân, đôi mắt cũng khép nhẹ, tay nhịp nhịp rất nhẹ, rồi người hắn cũng hơi run nhè nhẹ. Tôi chợt nghĩ: thằng này từ khi bước vào ngôi nhà đã bị con bé hớp hồn mất rồi chăng?

Bản nhạc đang lên cao vút, với những âm thanh được nhả ra dồn dập từ cây đàn bỗng dưng dừng đột ngột. Người nghe như bừng tỉnh sau một giấc mộng đẹp. Và tất cả đều vỗ tay tán thưởng, xen lẫn là những tiếng xuýt xoa của đám con gái. Rồi những câu khen tặng của nhóm “thất hiền” khiến bầu không khí trở nên sôi động hẳn. Lại một lần nữa tôi chú ý đến sự giống nhau đến lạ lùng trong thái độ của Đông Phong và Thiên Vân: hai đứa chỉ cười, rất nhẹ nhàng.

Tràng pháo tay còn chưa dứt thì ba mẹ Thiên Vân về. Cả nhóm đứng dậy lễ phép chào hỏi. Tôi đặc biệt chú ý đến mẹ Thiên Vân. Bà có khuôn mặt phúc hậu, chào bọn tôi bằng một nụ cười chân thành cởi mở. Cha Thiên Vân thì có vẻ khó tính, nhưng ông vẫn giữ thái độ rất thân mật với mọi người. Ít phút sau, bữa tiệc được dọn ra, có cả thằng nhóc em trai của Thiên Vân xuống dự tiệc. Nãy giờ không thấy nó xuất hiện. Thằng nhóc trông có vẻ ít nói, nhưng khá hoạt bát trong công việc dọn dẹp và bày tiệc.

“Ba! Ba chưa chúc mừng sinh nhật con gái nha” – Thiên Vân lên tiếng

“Ha ha! Con bé này, cứ nhõng nhẽo thế sao mà có bạn trai đây hả?” – ông vừa nói cười vừa nháy mắt với vợ.

“Đây! Sao mà ba quên con gái cưng được” – mẹ Thiên Vân đưa cho con bé hộp quà được gói cẩn thận và khá đẹp mắt.

Con bé nhận món quà mà vẻ mặt lâng lâng hạnh phúc. Trong khi mấy đứa bạn vỗ tay ùm trời thì thằng em nhảy vô nhõng nhẽo nói ba má thiên vị chị hai hơn. Ông bố nghiêm nghị nhìn con trai

“Lớn rồi mà cứ như con nít, con trai phải ra dáng chút chứ” – ông nói xong cười xòa và bảo thằng bé vào thay đồ ra ăn tiệc.

Năm phút sau, bữa tiệc bắt đầu. Cha mẹ Thiên Vân nói vài lời và về phòng, nhường lại không gian riêng cho cô con gái và đám bạn. Sau lời chúc của mọi người, Thiên Vân thổi tắt nến và thầm nguyện gì đó. Cả nhóm nhao nhao lên đòi con bé đọc to lời nguyện cho bằng được.

“Nếu tiểu sư muội ước nguyện gì liên quan đến nhị sư huynh, để bọn ta tác thành cho. Ha ha!” – giọng thằng Hòa nhanh nhẩu

Hắn nói xong huých huých khuỷu tay thằng Phong. Cả nhóm thất hiền cười rôm rả. Còn nhóm bạn gái Thiên Vân thì chưa hiểu chuyện gì, nhưng có lẽ cũng mường tượng nhân vật “nhị sư huynh” và “tiểu sư muội” có gì “mờ ám” nên cũng nheo nheo mắt với cô bạn.

“Việc hệ trọng này phải để đại sư ca quyết định, chứ chúng ta sao dám định đoạt” – thằng Long nói ra vẻ nghiêm trọng và nhìn đại sư ca

“Hay quá! Mọi người gọi nhau là sư huynh sư muội, cho em ké một chân vào nhóm đi” – em trai Thiên Vân ra vẻ cũng hào hứng.

Sau một hồi nói cười rôm rả, mọi người bắt đầu dự tiệc. Dĩ nhiên là con bé Thiên Vân không đáp ứng yêu cầu của nhóm “thất quái”. Vì với cách ăn nói sắc xảo của mình, con bé đủ bản lĩnh để xoay chuyển đề tài.

Tiệc tàn, sau khi dọn dẹp bãi chiến trường ngổn ngang, mấy đứa con gái phụ Thiên Vân trong bếp. Nhóm chúng tôi thì ra vườn hóng mát. Bỗng thằng Tài – em Thiên Vân lên tiếng:

“Có anh nào biết chơi cờ không? Chơi với em một ván nhé!”

“Ý hay đấy! Bày cờ ra nhóc” – thằng Phong đáp

Thế là bàn cờ được dọn ra, nhóm thất hiền chỉ mỗi thằng Phong biết chơi cờ, ngồi xem mãi cũng chán nên đi ra một góc vườn ngồi tán hươu tán vượn.

Kỳ thi Đại Học cũng đã trôi qua, rồi sắp tới mọi người có lẽ phải chia tay. Không còn những ngày tháng mải miết ôn thi. Không còn những buổi trò chuyện rôm rả nữa. Đúng là lũ học trò vô lo thật, kết quả thi không lo, chỉ lo sắp tới phải chia tay nhau mỗi đứa mỗi ngả.

Thằng Phong không đạt được điểm cần thiết để bước vào ngưỡng cửa Đại Học. Nó có vẻ buồn lắm, mấy đứa bạn thân xúm vào chia sẻ, an ủi đủ thứ. Nó chỉ cười khì khì và gật gật đầu bảo hẹn năm sau. Riêng Thiên Vân thì không nói gì, nó cứ ngồi im trong căn-tin cạnh thằng Phong cho đến khi buổi họp mặt tan, lặng lẽ ra về. Không hiểu giữa hai đứa nó có việc gì. Nhưng xem chừng thái độ của Thiên Vân có vẻ không vui.

Mấy ngày sau khi có kết quả thi Đại Học, tôi gặp thằng Phong tại quán cà phê gần nhà. Hai thằng ngồi trò chuyện trên trời dưới đất một hồi lâu, tôi bất giác hỏi nó:

“Mày và em Vân có chuyện gì à?”

“Làm gì có chuyện, mày đang nghĩ gì trong đầu thế hả?” – hắn trả lời một cách yếu ớt. Khiến tôi càng thêm khẳng định rõ ràng hai đứa nó đang có vấn đề.

“Thế sao tao thấy bé Vân có vẻ buồn buồn…” – tôi gạn hỏi.

Sau một lúc lâu im lặng, nó trả lời mà không buồn nhìn lấy tôi một cái. Giọng nó cứ bình thản nhẹ nhàng, như đang tự nói với chính mình. Đại khái là sau khi có kết quả thi Đại Học, nó và Thiên Vân có cãi nhau một trận ra trò. Con bé Vân thì trách nó không lo lắng cho việc học hành. Nó thì bảo rằng học tài thi phận. Rồi cuối cùng con bé Vân nổi nóng và bảo nó không được đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà phải nhận trách nhiệm về việc đã thi rớt. Giọng nó vẫn cứ đều đều kể. Tôi ngồi nghe mà cũng chẳng biết phải nói gì cho phải. Vì con bé Vân nói đúng quá. Nó phải chịu trách nhiệm về việc này thôi.

“Thế sau đó thì sao?” – tôi hỏi.

“Sao là sao?” – nó quay sang đáp tôi bằng một giọng chưng hửng.

Tôi muốn phát tiết với cách trả lời “vô thưởng vô phạt” của thằng bạn dở người ngồi cạnh. Nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh để tiếp tục câu chuyện.

“Ý tao là tình hình giữa hai đứa mày sao rồi?”

Nó buông một câu gãy gọn: “Chả sao cả”. Tôi nghe câu trả lời mà phát ngán, đành thở dài ngao ngán và chuyển đề tài.

Sau cuộc trò chuyện, tôi nghĩ là giữa hai đứa nó chắc chắn đã có rạn nứt rồi cũng nên. Thế mà vài tuần sau, đã thấy nó chở con bé người Hoa đến trường đại học. Thoáng chút ngạc nhiên, nhưng cũng thấy mừng cho nó. Vì đó là dấu hiệu hai đứa nó đã làm hòa. Và có lẽ thằng Phong cũng nhận ra cái lỗi của nó chăng? Thế thì tốt, sai lầm biết nhận ra thì sửa chữa cũng không có gì là khó.

Đến ngày truyền thống của nhóm “thất hiền”. Cả nhóm tụ tập tại cổng trường luyện thi cũ. Tôi được mời tham gia như lần trước. Hẹn nhau chín giờ sáng, thế mà mọi người đã tề tựu đông đủ, vẫn không thấy thằng Phong và bé Vân đâu.

“Hai đứa này có nhớ hẹn không vậy trời?” – thằng Long lên tiếng sau nửa tiếng chờ đợi

“Có lẽ đợi thêm chút nữa xem sao…” – Quang đại ca lên tiếng trấn an mọi người.

Trong khi chờ đợi, cả nhóm bàn tán nhau khi hai đứa nó đến, nhất định phải phạt vì cái tội đi trễ. Vài phút sau thì thấy hai đứa đèo nhau trên chiếc xe gắn máy. Nhìn từ xa vẻ mặt hai đứa có vẻ hơi căng thẳng. Dù rằng cả hai đứa khi gặp nhóm đều tươi cười, chào hỏi và rối rít xin lỗi vì đến muộn. Nhưng ai cũng nhận ra hình như vừa có cuộc cãi nhau hoành tráng trên xe rồi. Nên cũng chẳng ai tra vấn hay đòi phạt vì cái tội đến trễ nữa.

“Vườn Cò thẳng tiến” – Quang đại ca phát lệnh

Thế là cả nhóm hào hứng lên xe, phóng ra vườn Cò. Hơn một giờ hì hục với con đường đầy bụi bặm, cả nhóm đã đến điểm du hý cho ngày cuối tuần. Và bữa tiệc được dọn ra, sau màn hỏi thăm việc học hành, sức khỏe. Cả nhóm lại quay sang những câu chuyện “thiên trời địa đất”, cười nói nhộn nhạo. Lần này thì tôi rút kinh nghiệm với cái nhóm quái đản này, nên cũng sưu tập vài câu chuyện tiếu lâm, kể pha trò. Đến lúc gần tàn tiệc, vài đứa đã rút ra ngoài tìm chỗ nghỉ sau khi đã chiến đấu với các món ăn. Trong bàn chỉ còn tôi, Quang đại ca, thằng Phong và thằng Long ngồi đấu tửu với nhau. Tôi nhìn ra ngoài thì thấy con bé Thiên Vân đang ngồi hóng mát trên cái võng cột dưới gốc dừa. Một lát sau tôi cũng cáo lui và kiếm chỗ ngả lưng. Đi vài vòng chọn một góc khuất, tôi chui vào nằm đong đưa trên võng và khép nhẹ mắt. Đang nằm tận hưởng giây phút nghỉ ngơi, thì bỗng nghe giọng thằng Phong ngay phía ngoài:

“Xin lỗi em rất nhiều về việc sáng nay nhé”

“Anh không có lỗi gì cả, việc anh chơi cờ với bố, em rất vui. Nhưng anh phải biết là chúng ta đang trễ hẹn chứ” – giọng Thiên Vân nhẹ nhàng.

Tôi bỗng thấy dở khóc dở cười. Không hiểu hai đứa nó mò đâu ra cái góc này mà ngồi tâm sự. Nằm phía trong mà cứ áy náy mãi, đứng lên bỏ đi cũng không được, vì chỉ có một lối ra duy nhất. Làm như thế thì chắc phá tan cuộc trò chuyện của hai đứa nó mất. Thế là tôi đành nằm im chịu trận.

“Ừm thì ván cờ đang dở dang…” – thằng Phong phân bua

“Em chẳng hiểu, với anh đánh cờ hay em là quan trọng nữa” – Thiên Vân đáp

Im lặng một lúc lâu, tôi nghe bé Vân tiếp tục

“Mẹ em nói với em, hình như anh chẳng có tình cảm gì với em cả”

“Em nghĩ sao, nếu không có tình cảm thì anh đi bên em làm gì?” – thằng Phong có vẻ hơi gắt gỏng

“Em không biết, nhưng mẹ em nói cũng có phần đúng. Mẹ bảo mỗi lần đến chơi nhà, anh toàn ngồi chơi cờ không với bố thì với thằng Tài. Và cái cách anh ngồi khi chơi cờ khiến mẹ rất lo lắng”

“Mẹ em nói sao?” – thằng Phong xẵng giọng

“Em đang nói chuyện rất bình tĩnh, và mong anh hiểu rằng tâm trạng của một người con gái là như thế nào đối với chuyện tình cảm. Nếu như anh cứ giữ cách nói chuyện đó, thì chúng ta chẳng thể nào tiếp tục câu chuyện được đâu”

“Ừm! Anh hơi nóng khi nghe những điều đó thôi. Có thể vì anh đã làm điều gì đó khiến mẹ em hiểu lầm. Hay cách cư xử của anh chưa tốt, khiến mẹ em không yên tâm. Em cứ nói đi…” – thằng Phong đáp.

“Mẹ em nói khi anh ngồi chơi cờ, anh dường như chẳng quan tâm gì đến xung quanh nữa. Và mẹ em nói, anh có vẻ lãng tử, không phù hợp với đứa con gái như em” – con bé Thiên Vân nói mà giọng cứ nghèn nghẹn.

“Anh cũng không biết mẹ em vì sao nói thế, nhưng anh tin rằng tất cả những gì anh đối với em đều là chân thật”

Hai đứa lại im lặng một lúc lâu, tôi không muốn nghe câu chuyện bất đắc dĩ này, nhưng dù sao thì nó cũng đã chui tọt vào tai tôi. Và tôi bị cuốn theo câu chuyện, khiến trong lúc hai đứa im lặng, tôi cố đoán vẻ mặt của hai đứa như thế nào. Đang liên miên suy nghĩ thì bé Vân lại lên tiếng:

“Em không có ý thay đổi con người anh, nếu anh có tính lãng tử thật, thì em vẫn giữ tình cảm với anh. Em tôn trọng con người anh, vì anh vẫn là anh… nếu một ngày nào đó, anh bỏ đi, em sẽ để anh đi. Nhưng nếu anh lừa dối em, thì…”

Câu nói đứt đoạn giữa chừng, tôi không thể tin con bé được cho là mạnh mẽ, bản lĩnh với mọi người, nhưng khi ngồi cạnh người thương thì mềm dẻo đến thế. Tôi nghe tiếng lá khô lạo xạo, đoán là một trong hai đứa đang đổi tư thế ngồi. Sau đó nghe giọng thằng Phong

“Anh sẽ không bao giờ lừa dối tình cảm của mình, và chắc chắn sẽ không lừa dối tình cảm của em…”

“Anh hứa đi” – Thiên Vân nhẹ nhàng.

“Anh thề với lòng, có thể đôi khi anh sẽ lừa dối em. Nhưng chắc chắn không bao giờ lừa dối tình cảm của em” – thằng Phong nói gãy gọn.

Tôi nằm trong nghe nó nói mà suýt bật cười. Tưởng hứa gì ghê gớm lắm, ai dè cũng chỉ là “có thể đôi khi anh lừa dối”. Ha ha! Thằng điên này, bản tính nó chả biết đúng là thật thà, hay nó giả vờ thật thà nữa. Tôi lại nghĩ đến những cảnh trong phim tình cảm, khi người con trai thề thốt “non xanh nước biếc” gì đó, người con gái thường ngăn lại. Nhưng con bé Thiên Vân thì cứ để bạn mình nói cho hết. Có lẽ nó muốn nghe thật chăng? Chả biết! Chỉ biết là sau câu nói của thằng Phong, hai đứa lại cười nói vui vẻ, y như chưa từng có căng thẳng gì. Thằng Phong lại “ba hoa xích đế” về áng mây trên trời, con bé Thiên Vân thì cứ khúc khích cười như đứa con nít nghe chuyện. Tôi chỉ cầu trời khấn đất sao cho hai đứa nó đừng có nổi hứng mà chui tọt vào góc tôi nằm. Nếu thế thì không biết phải chui đi đâu nữa. Tôi nằm một hồi mà tim đập loạn xạ khi nghĩ đến điều đó. Cũng thật may mắn là hai đứa nó chỉ trò chuyện, tuyệt không có ý gì tiến xa hơn, nên tôi cũng an tâm phần nào.

Người ta thường bảo con gái phức tạp. Nhưng xem ra, tôi thấy thằng bạn dở người tên Phong của tôi còn có vẻ phức tạp hơn. Cứ tưởng sau chuyện căng thẳng vừa rồi, nó biết cần phải làm gì. Ai dè đùng một cái, nó nói với tôi một điều mà tôi cảm thấy choáng ngợp.

“Hình như tao không yêu em Vân mày ạ”

“Thằng khùng” – tôi cười khẩy và vẻ mặt thì chả thèm quan tâm đến câu nói của nó. Vì làm gì có chuyện đó, hai đứa nó nói chuyện rất thân mật. Và có vẻ khá hiểu nhau mà.

“Ừ! Chắc tao khùng thật mày ạ” – nó tiếp tục

Đến lúc này thì tôi chuyển từ trạng thái dưng dửng sang ngạc nhiên. Tôi quay sang trố mắt hỏi nó:

“Mày và em lại có chuyện nữa à?”

“Không, vẫn bình thường. Nhưng tao cảm thấy… sao sao đó” – nó đáp.

“Trời đất, sao là sao? Chuyện tình cảm mà mày cứ lập lờ nước đôi thế?” – tôi vừa nói vừa cau mặt.

Thế là tôi lại một phen ngồi nghe nó giãi bày tâm sự. Nó bảo nó thích con bé Vân vì cá tính con bé giống một người mà nó từng có cảm tình. Rồi thay vì nó tâm sự cho tôi về chuyện giữa nó và Thiên Vân, thì nó lại đi kể về một con bé Hải Âu nào đó lạ hoắc. Phải công nhận là tôi cũng rảnh rỗi thật, ngồi nghe nó kể lể dông dài. Chả ăn nhập gì với cái việc hiện tại cả. Cuối cùng nó phát ra một câu mà tôi chỉ muốn nhét cái câu nói ấy ngược trở lại cái miệng vớ vẩn của nó, nếu có thể được. Nó bảo:

“Có thể tao không yêu bé Vân, mà tao yêu cái cá tính đã ăn sâu vào tim mình thôi”

“Mày đừng có vớ vẩn. Tao không cần biết cá tính gì gì cả. Tao nghĩ mày nên dẹp mẹ cái suy nghĩ trời ơi đất hỡi đó đi” – tôi phát cáu thực sự, và chẳng cần kiêng nể gì trong ngôn ngữ nữa.

Thằng Phong làm tôi phải suy nghĩ mấy ngày liền. Và tôi cũng chẳng hiểu sao tôi lại lo lắng cho chuyện tình cảm của nó đến như vậy. Cứ làm như nó là người yêu của tôi không bằng. Chỉ biết là tôi cảm thấy nó quen bé Vân là rất hợp rồi. Hai đứa nó chẳng phải như cặp bài trùng còn gì nữa.

Suy nghĩ mãi cũng chả được gì, tôi đâm ra cáu bẳn với thằng bạn. Và cũng hạn chế gặp gỡ nó. Chỉ khi nào có cuộc họp nhóm, thì tôi gặp nó và thăm hỏi vài câu xã giao. Chứ không thân thiết như trước nữa.

Thế là tôi lại gặp nó trong lần họp nhóm tiếp theo. Lần này thì tôi và nhóm bạn khá ngạc nhiên, khi thấy nó đến có một mình. Lát sau thì thấy bé Vân chạy xe đến. Thằng Hòa tính lên tiếng trêu chọc. Nhưng dường như cũng cảm nhận cái gì đó bất ổn, nên thôi. Suốt buổi họp, hai đứa không nói với nhau câu nào. Rồi ra về, lẳng lặng đường ai nấy đi, như hai người chưa từng quen biết. Cả nhóm nhìn theo mà chả hiểu chuyện gì. Quang đại ca lắc đầu nói:

“Xem ra lần này thì nặng nề rồi”

Tôi cũng quá ngán ngẩm với chuyện của hai đứa nó. Nên cũng không buồn hỏi thăm. Bỗng dưng một buổi tối, nó gọi tôi ra uống cà phê. Tôi không muốn đi chút nào, nhưng thiết nghĩ nó với tôi là bạn thân. Lâu ngày cũng không gặp, nên ra chỗ hẹn gặp nó. Vừa bước vào quán đã thấy nó ngồi vắt hai tay ra sau gáy, ngửa mặt lên trời có vẻ trầm tư.

“Dạo này khỏe mày?” – tôi vừa kéo ghế vừa hỏi thăm

“Hì! Lâu quá không gặp. Vẫn khỏe chán” – nó trả lời và hỏi thăm tôi vài câu.

Sau một hồi trò chuyện, bất giác tôi hỏi một câu mà trước khi đi đã dặn lòng là không quan tâm đến điều này nữa.

“Mày và Vân sao rồi?”

“Mới chia tay tuần trước” – nó đáp thản nhiên

Tôi không bất ngờ gì về cái câu nói đó. Chỉ hơi bất ngờ về cách nó trả lời. Nghe có vẻ lạnh lùng sao đó. Và tôi quay sang chuyện khác, hỏi nó học hành sao. Nó bảo tính đi học ngành du lịch.

“Cái gì? Du lịch á?” – tôi ngạc nhiên.

“Ừ! Tao đang tính thế, mà chưa biết học ở đâu” – nó đáp.

“Thế nhà mày nói sao?” – tôi hỏi câu này vì biết bố mẹ nó rất khó. Không khi nào chịu cho nó đi học cái ngành này.

“Thì cũng can ngăn, nhưng tao quyết tâm học. Không chỉ nhà tao can, mà Thiên Vân cũng can”

“Bé Vân biết chuyện này à?” – tôi hỏi tiếp.

“Ừ! Thì cũng vì chuyện này mà chính thức chia tay đây”

Sau đó nó kể cho tôi nghe tại sao vì chuyện này mà hai đứa chia tay. Nó quyết tâm đi học du lịch và làm nghề. Con bé Vân thì can ngăn nói nghề du lịch nay đây mai đó, sau này cuộc sống gia đình sẽ bấp bênh rất nhiều. Con bé còn nói nó có tính lãng tử, đi du lịch thì chuyện tình cảm chắc chắn sẽ không còn như lúc trước. Tôi chợt nghĩ: đúng là con gái thì lo lắng cho chuyện tình cảm nhiều hơn con trai. Thế mà chẳng hiểu sao cái thằng điên này cứ lao đầu đi như con thiêu thân lao vào ngọn lửa.

“Thế rồi khi mày quyết định như vậy, Vân nói sao?” – tôi hỏi.

“Em nói: thôi thì có lẽ mẹ em nói đúng. Anh như một áng mây, chẳng thuộc về ai”

“Rồi sau đó?” – tôi hỏi tiếp.

“Em bảo: nếu như xem trọng tình cảm của em, thì mong anh xem lại quyết định này. Còn nếu anh cứ quyết tâm, thì em nghĩ chúng ta nên dừng lại ở đây. Vì sau này sẽ còn khó khăn nhiều hơn…” – nó đáp.

“Rồi hai đứa mày chia tay, đơn giản thế thôi?” – tôi như không tin vào chuyện nó nói.

“Ừm! Và em gửi cho tao một lá thư…” – nó vừa nói vừa đưa tôi xem.

Tôi mở ra và thấy chỉ có vài dòng. Một bài thơ, tựa đề vẻn vẹn 2 chữ: gửi anh

“Mênh mênh câu hát đắng đắng lòng,

Dương cầm thênh thang ngón gầy không.

Em ở cùng em, đường anh một.

Vội vàng quay đi, bước phiêu bồng.

Xa xa vạn lý ân nghĩa tận,

Cạn cạn lời yêu, mắt cạn dòng.

Phương xa đến khi nào nắng tắt,

Trở về anh nhé! Dương cầm trông.”

Tôi đọc xong lá thư mà cũng chẳng biết nói gì. Im lặng một hồi rồi lảng qua chuyện khác. Tôi ngồi trò chuyện với nó một lúc thì cáo từ ra về. Nó muốn ngồi một mình nên chưa rời khỏi quán.

Sáng hôm sau, tôi đang ngồi trong quán cà phê thì nhận được điện thoại của nó báo là đã kiếm được chỗ học và đã đăng ký. Tôi chợt mường tượng đến những gì nó sắp trải qua trên con đường du lịch mà thấy ngao ngán. Đúng là người ta nói con người luôn luôn thay đổi. Chẳng biết nó thay đổi hay nó vẫn như xưa. Chỉ biết rằng, so với khi quen bé Vân và bây giờ, thì nó đã thay đổi quá nhiều.

Nhìn theo dòng người chạy xe ào ào qua lại như trốn cái nóng oi bức. Những áng mây mùa hạ quá nhỏ so với bầu trời xanh ngắt phía trên, nên không thể nào che bớt đi sự nồng nhiệt thái quá của mặt trời đang đổ tia nắng xuống mặt đường. Xem ra gió bụi và oi nồng nơi nào cũng có…

GIÓ BỤI GIANG HỒ

“Xong! Đi chơi mày?” – thằng Phong vừa bước ra khỏi phòng tắm vừa nói.

“Thế không nghỉ một lát à?” – tôi hỏi

“Không, mấy chú đang đợi kìa” – hắn đáp và cầm cái điện thoại quăng vào túi, bước ra cửa đứng chờ tôi.

Tôi không hiểu hắn ta có sức người hay sức trâu nữa. Vừa mới trả đoàn về khách sạn, tắm rửa xong là đi nhậu ngay. Và sáng hôm sau lại phải dậy sớm, để kiểm tra một số dịch vụ trong ngày mới, thế mà hắn dường như chẳng có vẻ gì là lo lắng. Khi tôi hỏi thì hắn bảo ngày mai nhấc điện thoại gọi, chứ giờ mà liên lạc thì không ma nào thèm trả lời. Đành là thế, nhưng tôi nghĩ hắn cũng cần phải giữ sức khỏe và đặc biệt là giữ sự tỉnh táo cho công việc ngày mai. Mà dường như đã thành thông lệ rồi, cứ đi đến đâu là nó lại đi nhậu, không đi với các hướng dẫn bạn bè hay đi với tài xế, thì lại đi với trưởng đoàn. Chắc nó đang có ý định đóng góp cho các nhà máy sản xuất bia mở rộng quy mô đây mà.

“Xin lỗi vì đến trễ nhé anh em…” -

hắn chưa nói dứt câu thì đã quay ra gọi phục vụ mang chén và ly đến.

Tôi ngồi xuống và cười chào mọi người. Trong bàn đã có 3 người ngồi sẵn, có vẻ như là cũng vừa đến nơi - toàn hướng dẫn cả. Trong đó tôi chỉ quen mỗi thằng Thiện, là bạn cùng lớp của tôi và Phong.

“Hôm nay không ngủ hả mày?” – Thiện lên tiếng hỏi thằng Phong

Nó chỉ cười và nói là hôm nay có hứa với lòng phải đưa từng đứa về tận khách sạn mới chịu. Mấy lần đầu đi hướng dẫn, nó mệt nhoài người. Vừa xong việc là bay lên giường nằm luôn cho đến sáng, không thèm tắm rửa và cũng không màng đến việc thay đồ nữa. Nhưng có lẽ đi mãi cũng quen, nên giờ hắn đủ khả năng để so sức với những đứa vào nghề trước.

Cuộc nhậu diễn ra với tốc độ chóng mặt. Chưa đầy nửa tiếng, bốn tay đã khui đến những chai cuối cùng trong két bia. Tôi thì chỉ để một chai trên bàn cho vui. Chứ không ham gì mấy cái thứ cay đắng này.

“Một két nữa em ơi!” – thằng Phong quay sang gọi phục vụ

“Ha ha! Thằng Phong mới luyện được bí kíp võ công thượng thừa hay sao mà hôm nay nó uống như voi uống nước thế nhỉ?” – một đứa trong bàn lên tiếng.

“Đã nói là hôm nay quyết tâm đưa tụi mày về mà. Ha ha!” – Phong vừa đáp vừa cười lớn tiếng.

Cuộc ăn nhậu kéo dài đến tận khuya, mà tình hình xem ra vẫn còn hăng hái lắm. Chưa có đứa nào chịu khuất phục cả. Tôi nhìn hai két bia mà rợn người. Không biết là cái bao tử của bốn đứa ngồi trước mặt to cỡ nào mới có thể nhét từng ấy cái thứ dung dịch lỏng cay xè vào nữa. Tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, vì hầu như đã đến lúc bốn người nói và chỉ có một người nghe, đó là tôi. Thế là đành cáo từ rút về khách sạn trước.

Tản bộ từ quán ăn về đến khách sạn. Tôi lan man suy nghĩ về nhiều thứ. Và không hiểu tại sao lại đồng ý đi theo thằng bạn dở hơi vào cái nghề lắm sương nhiều gió này. Tôi nghĩ đến thằng Phong, nó thay đổi nhiều quá. Từ ngày bước vào con đường du lịch, dường như nó không còn giữ được cái vẻ ngô ngố như trước kia - cái ngố rất dễ mến, theo tôi là thế. Có lẽ nó chỉ còn sót lại bản tính duy nhất, đó là khả năng tiếu lâm. Và cách giao tiếp của nó cũng khác hẳn. Nếu như trước đây, nó sẽ rất ngại khi đứng trước một đứa con gái mới quen nào đó. Thì bây giờ, trông nó có vẻ tự tin đến độ nhìn rất ngứa mắt. Có lẽ một phần do tôi chẳng có được điều đó, nên ghen tỵ với nó chăng? Cũng chẳng rõ nữa, chỉ biết rằng tôi vẫn luôn coi nó là bạn thân.

Tôi và nó vừa đi học vừa đi làm. Công việc thì có lẽ làm để kiếm kinh nghiệm là chính. Vì việc làm cũng không đều mấy trong lúc học. Nhớ lúc đầu khi hai đứa bước vào trường. Nó không thèm nhìn ai lấy một cái. Mấy đứa trong lớp nhìn nó là thấy xốn mắt. Đặc biệt là bọn con trai, chỉ muốn đập cho nó một trận ra trò. Nó cũng biết điều đó, nhưng dường như chẳng mảy may quan tâm. Tôi thì cứ lo sợ mãi không thôi. Vì không khéo đi chung với nó mà có ngày bị đòn oan. Thế mà chẳng hiểu nó làm cách nào, sau hơn nửa học kỳ, nó đã quen với hầu hết đám con trai trong lớp. Đúng là cái thằng này chắc trời phú cho nó cái biệt tài gì đó, mà lúc đầu ai cũng thấy ghét, sau đó là gần gũi. Việc nó quen thân với đám bạn trong lớp, cũng khá đặc biệt. Tôi cảm thấy dường như nó không đoái hoài gì đến bọn con gái cả. Thậm chí là đùa giỡn cũng không. Chợt nghĩ, có lẽ nó bị sốc sau chuyện tình cảm với Thiên Vân chăng? Thế mà bây giờ, nó đi làm hướng dẫn, lại quen hết cô này đến cô kia. Thật là chả hiểu nó nghĩ gì trong đầu.

“Đi nhậu mà nhìn bảnh thế mày?” – tôi nằm trên giường ngóc đầu hỏi nó.

“Không! Tao đi dạo chút, hôm nay không nhậu” – nó vừa trả lời vừa đứng trước gương chỉnh lại vai và cổ áo cho ngay ngắn.

“Đi dạo á? Rảnh mày?” – tôi há mồm hỏi nó.

“Hì hì! Người đẹp hẹn đi thì đi, chứ cái gì mà rảnh với chả rỗi” – hắn quay lại nheo mắt trả lời tôi.

Nói xong, nó bước ra cửa và không quên nhắc tôi nếu có đi đâu thì gửi chìa khóa ở lễ tân. Nó nói đi dạo với người đẹp, là tôi nghĩ ngay đến con bé trong đoàn mà suốt ngày nay, cứ rảnh ra là nó đến chỗ con bé ngồi tán dóc. Chả biết con bé hẹn nó hay nó hẹn người ta. Mà ba hoa là “người đẹp hẹn”. Mà cũng chả cần phải biết rõ ràng làm gì. Vì nếu nó có bạn gái thì tốt, có lẽ sẽ bớt nhậu nhẹt. Thế thì sức khỏe của nó không bị ảnh hưởng vì bia rượu nữa. Nhắc đến việc ăn nhậu, tôi bất giác ngán đến tận cổ cái cách nó uống. Trước đây, khi còn quen con bé Thiên Vân, nó cũng có uống, nhưng uống rất chừng mực. Và hầu như uống chỉ để vui với anh em bạn bè. Còn bây giờ, nó uống theo cái kiểu sát phạt nhau.

Tôi nằm trên giường xem tivi, chuyển hết kênh này đến kênh kia. Chẳng có gì hay ho. Bật đến kênh có trận đá banh thì dừng lại. Mở mắt nhìn chăm chăm màn hình, xem trái bóng chạy từ chân cầu thủ này đến chân cầu thủ kia. Xem mãi mà chẳng biết đây là giải bóng gì, và đội nào đá với đội nào. Vì tôi có bao giờ theo dõi giải đá banh nào đâu mà biết. Toàn nói tiếng Anh, bình luận viên nói liên tục, nói đến chóng mặt. Kể cũng hay hay. Có cái nhét vào lỗ tai, đỡ phải suy nghĩ và căn phòng cũng đỡ trống trải một ít. Cứ thế tôi thiếp đi lúc nào không

hay. Vừa mơ màng thì nghe tiếng gõ cửa. Biết là thằng Phong về tới, tôi uể oải ra mở cửa phòng

“Về trễ mày?” – tôi vừa hỏi vừa ngáp dài

“Mới có 11h00 mà trễ gì. Mày đang ngủ à?” – nó cười hì hì đáp

Tôi không buồn trả lời nó, leo lên giường và vớ lấy cái điều khiển từ xa chuyển kênh. Nó thay đồ xong leo lên giường. Sau câu nói chúc ngủ ngon. Nó đánh một giấc ngon lành. Tôi tò mò tính hỏi nó, chuyến đi dạo hôm nay sao. Nhưng chưa kịp hỏi, nó đã ngủ quên trời quên đất, đành thôi không hỏi nữa.

Ở Nha Trang 3 ngày 2 đêm, thì đêm nào nó cũng đi dạo với con bé mới quen. Kết thúc chuyến đi, khi về trường, thấy nó dường như vẫn còn liên lạc với con bé ấy. Tôi biết thỉnh thoảng hai đứa nó có gặp gỡ nhau đi đâu đó. Chắc nó quên con bé Vân thật. Hy vọng lần này thì nó biết trân trọng những gì nó đang có. Trân trọng tình cảm mà nó đang theo đuổi.

Nhưng xem ra cái kết quả không như tôi mong đợi. Vài chuyến hướng dẫn sau, nó đã có ngay một cô bé khác đi bên cạnh. Tôi thấy nó thay đổi nhanh chóng như vậy, nên thắc mắc:

“Mày không quen con bé dạo trước nữa à?”

“Xong rồi” – nó đáp tỉnh rụi

“Xong là sao? Đừng nói xong có nghĩa là chia tay nhá” – tôi hỏi

“Thì là đường ai nấy đi chứ sao”

Tôi quả thật càng ngày càng không hiểu nổi nó. Dường như nó đang thay đổi toàn diện. Thay đổi luôn trong cách suy nghĩ về chuyện tình cảm. Có lẽ với nó bây giờ, tình cảm như chiếc áo. Mặc cũ rồi bỏ cũng nên.

Tôi đi làm được vài tháng, mới nhận ra trong giới hướng dẫn thật lắm bom nhiều đạn. Tên nào bước vào nghề mà không nổ banh trời, thì dường như chưa phải là hướng dẫn thực thụ. Có những cái nổ ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người, nhưng cũng có cái nổ vô thưởng vô phạt. Thằng Phong phải nói là bậc thầy trong trường hợp thứ hai. Ngồi nói chuyện với khách hay với bạn bè, nó nói khoác không thua bác Ba Phi miệt Tây Nam Bộ.

“Bây giờ thì em đã hiểu vì sao phần lớn trẻ em dân tộc ít người không đi học” – Phong vừa quay con gà trên đống than đỏ rực vừa nói

“Thì có lẽ không có nhiều trường học ở các vùng đó chứ sao” – một vị khách lên tiếng

“Theo em nghĩ thì chưa hẳn… mà là vì các em phải lo cho miếng ăn quá nhiều thời gian” – nó đáp với vị khách

“Anh thấy không, người dân tộc thường ăn đồ nướng. Mà em nướng con gà nãy giờ cả tiếng đồng hồ chưa thấy chín. Các em dân tộc cũng phải dành nhiều thời gian cho việc nướng đồ ăn, nên đâu có đi học được” – nó nói tiếp và không quên kèm theo một nụ cười nghiệp vụ trên môi

“Ha ha, ý em là mỏi tay lắm rồi phải không? Chuyển đây anh quay tiếp cho” – vị khách nọ lên tiếng

Thế là nó bàn giao lại công việc “chiếm phần lớn thời gian” cho vị khách nọ. Rồi sau đó thủng thẳng kể chuyện tiếu lâm cho mọi người. Lâu lâu nó lại hỏi thăm vị khách đang làm nghĩa vụ cao cả

“Cảm giác sao anh?”

“Bắt đầu thấy mỏi tay. Hì hì” – khách đáp

“Nhưng rất thú vị phải không. Giữa không gian thoáng mát, ta tự tay nướng gà, khói vào mắt cay xè. Môi thì bị hơi nóng của than làm cho khô rang. Ở thành phố thì không có dịp được hành hạ thân xác như thế này nhỉ?” – nó nói nguyên một tràng như đưa vị du khách nọ theo ý nghĩ của nó

“Ừ! Thành phố thì tiện nghi, cái gì cũng có. Muốn ăn cũng chẳng cần đụng tay đụng chân. Bỏ ít tiền thì miếng ngon sẽ đến tận miệng” – một du khách khác tiếp lời

“Nhưng xem ra… miếng ngon ở thành phố không bằng miếng gà do anh chàng điển trai của chúng ta nướng rồi. Món này là món tiến vua đấy nhé” – nó tiếp tục dẫn dắt câu chuyện

“Ha ha. Vua nào ăn cái món này vậy anh?” – cô bé con trưởng đoàn lên tiếng

“Em biết món tiến vua của Trạng Trình không? Mầm đá ấy. Cái này y như mầm đá còn gì. Ha ha” – nó đáp

Cuộc trò chuyện cứ thế tiếp diễn, dường như nó nói chuyện với ai đó không bao giờ có điểm kết thúc. Khi câu chuyện đi vào ngõ cụt, nó lại dẫn dắt theo một hướng khác. Nó đúng là cao tay trong việc trò chuyện. Đến nỗi nhiều người trong đoàn phải gọi nó với biệt danh: tám trên từng cây số.

Nghề hướng dẫn khá phức tạp, “tứ đổ tường” cái gì cũng có. Đợt đi chuyến Nha Trang - Đà Lạt, khi về đến Đà Lạt, nhóm hướng dẫn rảnh rỗi vào buổi tối. Kéo nhau đi nhậu nhẹt, tàn cuộc một đứa lên tiếng:

“Đi kiếm vài em vui vẻ tụi mày”

“Nghe nói ở Đà Lạt vui vẻ không nổi đâu. Toàn là băng nhóm lừa gạt. Không khéo tiền mất tật mang” – đứa khác nói

“Tao biết chỗ này uy tín lắm, đi không tao giới thiệu” – đứa đầu tiên đáp

Thế là cả nhóm tính tiền và chuẩn bị cho cuộc du hý thâu đêm. Tôi ngồi đó mà tim đập loạn xạ. Vì tôi thì không bao giờ đụng đến thứ đó. Còn thằng Phong… dạo này nó thay đổi nhiều quá. Không chừng nó say mèm rồi đồng ý hai tay cũng nên. Tôi dù chỉ là bạn thân của nó. Nhưng cứ như kiếp trước có nợ với nó vậy, cái gì cũng lo cho nó cả.

Xem ra tôi lo lắng thừa. Khi mấy đứa kia rủ nó đi, nó một mực từ chối, bảo: “có đi nhậu nữa thì đi. Còn không thì về ngủ”. Cả nhóm tiếp tục rủ rê tôi và nó bằng những lời lẽ khiêu khích. Nó bắt đầu cọc tính và bảo: “lần sau nhậu mà lôi chuyện này ra nói thì đừng bao giờ nhậu với tao”. Nói xong nó bỏ một mạch về khách sạn. Mặc cho tôi đứng giải thích với đám còn lại là chắc nó say quá rồi, nên về nghỉ, đừng trách nó. Nói thì nói vậy, chứ tôi cũng không đồng ý với đám bạn trong việc này. Thế là sau đó tôi cũng cáo từ về khách sạn trước.

Sau lần đó, tôi phát hiện thằng Phong tính lãng tử thật. Nhưng chỉ lãng tử trong cách ăn nói hay ăn nhậu. Chứ nó không bao giờ đụng đến những vấn đề “gái gú”. Ừ thì thế cũng tốt. Mong cho nó luôn giữ vững lập trường trên con đường đầy dẫy những cạm bẫy này.

Cuộc đời thằng Phong có lẽ chỉ cần tóm gọn trong hai chữ là đầy đủ: rượu và tình. Đơn giản thật. Nó thích uống rượu, uống thưởng thức cũng có. Uống sát phạt cũng có. Tôi thì chỉ thích uống với nó với cách thứ nhất, còn cách thứ hai thì chịu. Vẫn hay khuyên bảo, nhưng nó đều bỏ ngoài tai. Ngoài rượu bia thì nó là thằng đa tình. Vừa đa tình vừa nặng tình. Thế thì nó khổ thật chứ chẳng chơi.

“Hồi còn là đứa con nít. Tao có quen một cô bé dễ thương lắm” – nó ngồi uống trà và tự sự

“Trước khi quen bé Vân à?” – tôi hỏi

“Ừ! Con bé tên Hải Âu. Ở gần nhà tao ấy” – nó tiếp tục

“Thế hai đứa mày quen nhau lâu không?”

“Nói quen thì cũng chưa hẳn, vì hồi đó còn bé xíu thôi. Nhưng tao rất thích cá tính của em. Đến giờ vẫn không quên được” – nó nói với vẻ suy tư

Tôi im lặng và nghĩ đến khoảng thời gian nó chia tay bé Vân. Nó cũng nói là thích bé Vân vì có tính cách giống Hải Âu, chứ chưa hẳn là đã yêu con người Thiên Vân.

“Hải Âu vừa nhắn tin hỏi thăm tao, cũng hơi bất ngờ, vì lâu lắm không nói chuyện dù vẫn thường gặp nhau” – nó tiếp

“Thế mày nghĩ sao về tin nhắn đó?”

“Có lẽ là bạn bè hỏi thăm nhau thôi”

“Thế nếu có cơ hội, mày sẽ quay về với em ấy chứ?” – tôi cầm chén trà nhấp nhẹ và hỏi nó

“Không có cơ hội nào đâu. Chắc em chỉ hỏi thăm tao như bạn bè thôi. Vả lại nghe nói em cũng đã có người yêu rồi”

“Mà nếu có cơ hội đi chăng nữa. Thì tao nghĩ mình cũng không xứng làm bạn trai của em. Giang hồ gió bụi bao nhiêu năm rồi. Đâu thể nói quay về là quay về dễ dàng vậy được. Vả lại…” – nó đột ngột dừng câu nói, khiến tôi thắc mắc

“Vả lại sao?”

“Tao tính dừng chân… giang hồ mỏi mệt quá. Có lẽ tao cần một người để quan tâm, lo lắng và ngược lại”

“Xem ra mày đã có dự định dừng chân bên bóng hồng nào rồi nhỉ?”

“Ừm! Đã có dự định, cũng đã có người đó”

“Tao thấy mày nghĩ thế cũng phải, đừng mải mê nữa. Và quan trọng là mày phải quên em Hải Âu gì đó đi. Chứ cứ nặng tình như vậy thì không tốt đâu”

“Thế mày tính quen ai?” – tôi tiếp tục

“Bé Kim” – nó đáp

“Kim nào mày?”

“Con bé Anh Kim ấy”

“Anh Kim trong lớp mình á? Mày có lộn không vậy?” – tôi sửng sốt

“Lộn lạo gì ở đây. Tao thấy con bé lo lắng cho tao, có cảm tình với tao. Mệt mỏi rồi thì cũng phải dừng chân đi chứ”

Tôi thật sự bất ngờ với quyết định đó của nó. Quen biết bao nhiêu đứa, nó đều lần lượt bỏ. Để rồi cuối cùng đến với Anh Kim. Con bé ngoại hình không có gì đặc sắc. Mà vẻ bên ngoài cũng không quan trọng lắm. Vì tôi biết nó không xem trọng cái bên ngoài. Nhưng theo tôi nghĩ thì con bé không hợp với thằng Phong lắm. Vì thằng Phong nói chuyện dễ lọt tai, lại cũng rất sâu xa ý nghĩa. Trước giờ tôi chỉ thấy bé Vân là nói chuyện hợp ý nó, mà nó còn chia tay. Không hiểu nó đến với Anh Kim vì lý do gì. Nó mệt mỏi thật chăng? Đúng là thằng khó hiểu.

“Trong cuộc sống thì con người ta có nhu cầu thể xác và nhu cầu tinh thần. Với tao thì nhu cầu tinh thần quan trọng hơn cả” – nó nói

“Tao hiểu cũng vì lẽ đó mà mày muốn dừng chân. Nhưng cũng phải chọn chỗ để mà dừng, chứ đâu phải bạ đâu dừng đó” – tôi khuyên giải

“Mày thì biết cái gì? Tao biết tao đang làm gì, cần phải có mày nhắc nhở sao?” – nó tự dưng nổi cáu với tôi

Tôi thấy nó nổi cáu vô cớ, cũng tự ái. Nhưng xem ra phải giúp nó hiểu được nó cần cái gì. Chứ không đơn thuần chỉ là dừng chân. Rõ ràng nó rất xem trọng nhu cầu tinh thần, và tôi đoan chắc rằng Anh Kim không thể thỏa mãn nhu cầu đó của nó. Con bé nói chuyện không phù hợp với nó lắm. Can ngăn nó giờ cũng vô ích, nên tôi đành im lặng. Thôi thì kệ, sao cũng được. Miễn là nó cảm thấy hạnh phúc với quyết định của mình là được.

Đầu năm mới, Anh Kim mời bạn bè tới nhà dự tiệc. Tôi và đám bạn vừa bước vào nhà đã thấy nó và Anh Kim loay hoay bày tiệc. Nhìn sơ qua thấy toàn món lạ hoắc. Tôi và đám bạn cũng hơi ngờ ngợ

“Sao toàn thấy cá thế này nhỉ?” – Thư vừa vào bàn đã hỏi ngay

“Mình làm vài món dân dã miền Trung, anh Phong thích mấy món này lắm” – Anh Kim đáp và quay sang thằng Phong cười nhẹ

Thằng Phong cũng đáp mọi người bằng một câu chuyện vui vui về các món ăn miền Trung. Sau đó nhập tiệc, mọi người cụng ly côm cốp, dân du lịch thì không phân biệt phái mạnh phái yếu trong bàn nhậu. Ngồi vào bàn ai cũng uống như nhau. Thậm chí tôi thấy mấy đứa con gái có vẻ còn bạo gan hơn cánh con trai. Sau vài ly “chào hỏi sức khỏe”, đến màn “kiểm tra tửu lượng”, các tay nhậu “đá” nhau khí thế. Bầu không khí trong tiệc nồng nặc mùi bia và “mùi sát phạt”. Tôi nhìn mọi người uống mà tay cầm ly bia hết nổi, quá khủng khiếp.

Tôi ngồi quan sát thằng Phong. Nó cứ ung dung ngồi uống, lâu lâu thấy Anh Kim thúc nhẹ khuỷu tay nó và lắc đầu. Tôi hiểu là con bé đề nghị thằng Phong uống ít thôi. Nhưng dường như cái đề nghị đó không ăn thua gì với thằng Phong. Nó càng uống càng hăng, con bé thấy nhắc nhở không được đành ngồi im chịu trận.

Tôi cảm thấy có cái gì đó là lạ trong cách ứng xử của thằng Phong. Nó hầu như không đoái hoài gì tới cô bạn gái đang ngồi bên cạnh đang có vẻ rất khó chịu. Cứ như là nó chỉ cần biết uống bia thôi, không cần biết cái gì đang xảy ra xung quanh. Nó thay đổi trong cách ứng xử với tình cảm, hay trong cách uống? Hay nó không thực sự có tình cảm với Anh Kim? Tôi cũng không rõ. Có thể tôi quen nó khá lâu, cảm thấy nó lạ so với lúc trước mà suy nghĩ lung tung cũng nên.

“Mày thấy thằng Phong với bé Kim hợp nhau không?” – tôi ngồi tán dóc với 2 đứa bạn thân trong lớp.

“Đến giờ này tao còn chưa tin nó quen con bé đó nữa là” – thằng Thiện vừa châm điếu thuốc vừa trả lời.

“Thế mày thấy sao?” – tôi quay sang hỏi Vũ

“Chuyện tình cảm thì không thể nói được. Cũng tùy duyên số cả” – nó trả lời lấp lửng, khiến tôi không hiểu rõ ý nó là như thế nào

“Thế theo mày, hai đứa nó có duyên với nhau à?” – tôi gạn hỏi

“Duyên hay không thì chưa biết. Nhưng theo tao cũng có vài lý do để thằng Phong đến với Anh Kim” – Vũ thủng thẳng đáp

Thế là nó ngồi kể về những gì mà nó biết về khởi đầu câu chuyện tình này. Nó vừa kể vừa phân tích. Tôi nghe mà thấy cứ như nó là một nhà tình yêu học. Chuyên gia phân tích diễn biến vậy.

Đại khái là có lần đi thực tập, thằng Phong nhậu say mèm với đám bạn. Nó lảo đảo về phòng, nôn ói suốt đêm. Mấy thằng ngủ chung thì cũng ba hồn chín vía lên mây, không nghe gì cả. Con bé Kim ở phòng kế bên nghe tiếng nôn ói suốt, chạy sang gõ cửa hỏi thăm. Thế là con bé pha mỳ gói, rồi tìm cách giải rượu cho thằng Phong. Sau việc đó, thằng Phong cảm kích con bé lắm. Rồi hai đứa cũng trò chuyện qua lại. Thế là dần dần thằng Phong có cảm tình với con bé này. Thằng Vũ cứ đều đều kể, sau đó kết luận:

“Có thể hai đứa nó có duyên…”

“Có duyên là một chuyện, còn phải xem cái nợ như thế nào nữa” – Thiện lên tiếng

Tôi chẳng hiểu nó nói cái gì, nên quay sang hỏi:

“Nợ là sao ba nội?”

“Trong tình cảm, người ta đến với nhau xem như là có duyên. Nhưng để thực sự tính đến chuyện lâu dài, thì phải có nợ. Có duyên mà không nợ, thì sớm muộn gì cũng chia tay” – nó làm nguyên một tràng duyên duyên nợ nợ mà tôi chóng cả mặt

“Thế theo mày hai đứa nó có nợ nần gì đó với nhau không?” – tôi hỏi tiếp

“Sao tao biết được. Đó là chuyện của ông trời” – nó vừa đáp vừa đưa tay khoát lên trời, như cái kiểu muốn hỏi thì hỏi ông trời ấy.

Lần đầu tiên tôi nghe trong chuyện tình cảm, có cái duyên nợ gì đó, thấy cũng là lạ. Trước giờ cứ nghĩ, người ta muốn đến với nhau thì đến, còn không muốn đến nữa thì chia tay. Chứ có ngờ đâu còn phát sinh từ cái duyên rồi cái nợ. Thế là tôi đem cái chuyện duyên nợ này hỏi thằng Phong:

“Mày nghĩ mày và Kim có duyên nợ gì không?”

“Duyên nợ gì mày?” – hắn quay sang trố mắt nhìn tôi

Tôi bỗng cười thầm trong bụng. Cứ tưởng trước giờ tôi chưa từng yêu ai, không biết cái duyên nợ gì đó. Ai dè thằng Phong quen hết con bé này đến con bé kia, cũng chả biết tuốt. Thế là tôi đem bài mới học ra giảng giải cho nó nghe. Nó nghe xong gật gù, bảo:

“Ờ thì mày nói đại là có tính chuyện lâu dài hay không đi. Bày đặt duyên nợ”

Phải nói là tôi cũng chịu thua cái thằng này, giải thích đến cỡ đó mà nó vẫn chưa hiểu. Tôi cũng không buồn giải thích thêm làm gì. Đành phải hỏi theo cái cách của nó. Nó thủng thẳng trả lời

“Nếu tìm hiểu, thấy hợp nhau thì tính chuyện lâu dài thôi, có gì đâu mà phức tạp”

“Vậy mày thấy hợp với em ấy à?” – tôi hỏi tiếp

“Bây giờ thì chưa hợp, sau này sẽ hợp” – nó đáp

Tôi cảm thấy choáng ngợp với cách trả lời của nó. Cứ làm như mọi sự sẽ theo sắp đặt của nó không bằng. Đúng là tôi thấy nó và con bé Kim không hợp nhau ở điểm nào cả.

“Ít nhất cũng phải có vài điểm tương đồng làm nền tảng chứ?” – tôi tiếp tục

“Không có thì tạo ra cho có. Cũng có thể là chưa thấy chứ không phải không có” – nó cầm cái thìa cà phê quay quay ra chiều hững hờ trả lời tôi.

Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm với thằng bạn. Rõ ràng nó thích tiếu lâm, mà lại tiếu lâm hơi sâu sắc. Con bé Anh Kim đôi khi nghe cũng chả hiểu nó nói gì. Cũng có thể vì lý do đó, mà dạo này tôi ít thấy nó pha trò.

Cuộc đời du lịch đúng là bạc bẽo. Cái nghề tuy kiếm được nhiều tiền đấy, nhưng cạm bẫy lẫn hiểm nguy luôn rình rập. Một lần tôi đang ngồi làm việc tại công ty. Tay gõ lách cách lên bàn phím máy vi tính để viết chương trình du lịch cho khách hàng. Bỗng nhận được tin nhắn qua Yahoo! Chat, tin nhắn của thằng Thiện

“Thằng Vũ mất rồi, tại Biên Hòa, anh em sắp xếp đi viếng nó nhé”

Tôi đọc dòng tin nhắn mà không tin, vì mới hôm qua thằng Vũ còn qua công ty tôi ngồi chơi đến chiều. Tập tài liệu nó còn để quên bên công ty tôi chưa lấy về. Quay sang thằng Phong, thấy vẻ mặt nó cũng có vẻ ngơ ngác. Hình như nó cũng nhận tin nhắn giống tôi. Chừng năm phút sau thì toàn công ty nhốn nháo cả lên. Phó giám đốc từ phòng bước ra, gọi toàn thể nhân viên vào họp khẩn. Trong công ty này, chỉ có giám đốc là người xa lạ với dân du lịch, còn lại thì toàn là anh em bạn bè trong nghề cả. Nên việc thằng Vũ mất ai cũng đều nhận được thông tin

“Thằng Vũ mất rồi, nghe nói bị tai nạn giao thông. Sáng mai anh em xuống Biên Hòa viếng nó” – phó giám đốc lên tiếng

Cả phòng lặng im không ai nói gì. Dường như việc xảy ra quá đột ngột, nên phản ứng của mọi người rất bối rối và có chút hoang mang. Thằng Vũ là con út trong gia đình nghèo miền Trung. Nó được xem là niềm tự hào của gia đình. Một thân một mình lên thành phố học và kiếm tiền. Trong giới du lịch, nó được biết đến như một đứa chín chắn hơn hẳn, ít nhậu nhẹt chơi bời. Nghe nói nó đang tính mở công ty, nhưng sau đó suy nghĩ sao lại dồn tiền tiết kiệm về quê để xây nhà cho ba má nó. Lại còn mua đất cho anh em nhà nó sinh sống và canh tác. Trong số tiền nó gửi về, nhờ ba má mua đất xây nhà xong, còn bao nhiêu thì giữ lại chuẩn bị tổ chức đám cưới cho nó. Còn chưa đầy hai tháng thì nó lập gia đình với Hoa, con bé cũng là dân du lịch. Thế mà giờ nghe tin nó mất, tôi bỗng thấy lạnh người.

Mấy ngày hôm đó, không khí làm việc có vẻ trầm lắng. Có lẽ ai cũng cảm thấy sự ra đi của thằng Vũ quá đau lòng. Mọi người đến công ty làm rồi ra về, vắng hẳn những tiếng cười đùa như mọi ngày. Tuy nhiên, trong cuộc sống thì ta luôn phải bước tới. Không thể đứng mãi tại chỗ. Ngày hôm qua sẽ phải là quá khứ. Thời gian vốn khắc nghiệt, nên không chờ đợi bất kỳ ai cả. Cuộc sống là thế, bạn không bước đi tức là đã chấp nhận tự đào thải mình. Chuyện thằng Vũ cũng dần được xếp vào một ngăn ký ức trong lòng mọi người. Công việc trở lại bình thường.

Vài tuần lễ sau, tôi đang ngồi tán dóc với thằng Phong, thì cái màn hình trước mắt hiện lên dòng status của Hoa, người yêu thằng Vũ: “49 ngày rồi, nhóc đang ở đâu”. Đọc dòng status này, tôi cảm thấy choáng váng. Tội nghiệp con bé. Biết bao nhiêu dự định đang dở dang. Bây giờ gần như sụp đổ hoàn toàn. Dạo này nghe nói nó như người mất hồn, cứ lang thang thơ thẩn sau giờ làm đến khuya mới về. Mấy đứa bạn thân cũng xúm vào an ủi, rồi khuyên nhủ con bé. Nhưng làm sao có thể xoa dịu nỗi đau quá lớn như vậy. Tôi bất giác ngấm ngầm thở dài. Đúng là sinh nghề tử nghiệp.

Ngồi nói chuyện với thằng Phong, nó bảo tính rời khỏi du lịch. Hỏi lý do thì nó nói con bé Anh Kim khuyên nó nên chọn nghề khác, an toàn và ít gió bụi hơn. Tôi cảm thấy lạ lùng. Nhớ hồi trước Thiên Vân ra sức khuyên can, thế mà nó quyết tâm bứt áo ra đi. Không biết con bé Anh Kim này có chiêu gì, mà thằng Phong lại bằng lòng rút khỏi chốn giang hồ này. Tôi nghi ngờ lắm, vì biết rõ bản tính nó bướng bỉnh, ít chịu nghe ai bao giờ. Tôi gạn hỏi:

“Còn lý do nào khác, chứ không phải lý do này chứ?”

Nó ngồi tâm sự một hồi lâu, tôi mới biết rằng gia đình nó cũng đang thiếu người quản lý nghề nghiệp. Rồi nó còn bảo đang có một dự định quay về để hoàn tất giấc mơ mà trước đây nó theo đuổi. Nó ước ao củng cố lại hệ thống làm việc nơi tổ chức thiện nguyện mà nó đã từng tham gia từ hồi bé.

Thế là nó rời nghề. Đúng là cái thằng này chuyên làm những chuyện động trời. Nghe việc nó bỏ nghề mà không ai tin được. Ngày liên hoan chia tay mà nhiều đứa còn đinh ninh là nó chỉ đùa, chứ không có ý định đó. Vì nó là một trong những đứa ra nghề sớm nhất trong khóa học. Và tính cách lại rất phù hợp với nghề nữa. Tương lai nghề nghiệp của nó được xem là khá ổn định. Những đứa không hiểu lý do thì cho rằng nó đi tìm một vùng đất màu mỡ nào đó để làm. Chỉ là không tiện nói lý do trong công ty, vì phó giám đốc cũng là bạn thân của tôi và nó. Sau này biết tin nó rời bỏ du lịch thật, nhiều đứa vẫn không tin. Đôi khi vẫn hỏi thăm, nhưng nó chỉ cười và bảo giang hồ nhiêu đó là đủ rồi.

Công việc mới nó làm khá nhàn. Thời gian rỗi cũng nhiều, nên nó có điều kiện để tham gia công việc thiện nguyện. Có lẽ đó là lý tưởng của nó cũng nên.

Một lần tôi đọc trong blog của nó, thấy có bài thơ, tựa đề Mùa Lạnh

“Anh về ngang phố đầu mùa lạnh,

Làn sương mơ nắng trắng hanh hanh.

Người quen năm cũ giáo đường ấy,

Nở cười xa xăm mắt tròn đầy.

Tuy rằng môi thân vẫn vời vợi,

Nhưng chừng trong ý có chút vơi”

Đọc thấy hay hay, nên tôi hỏi nó lý do xuất xứ bài thơ này. Nó bảo khi quay về, thì gặp lại người quen năm cũ, một thoáng dao động trong lòng nên viết thế thôi. Chứ không có gì đặc biệt cả. Đúng là cái thằng đa tình. Tôi hỏi nó:

“Vậy mày không nghĩ Anh Kim sẽ ghen khi đọc bài thơ này à?”

“Có gì đâu mà ghen, chỉ là tình cảm dao động thôi mà”

“Thế nhân vật ‘em’ trong bài thơ là ai mày?”

“Hải Âu!” – nó đáp gọn lỏn

Tôi nghe nó nói mà chả biết nói sao. Cái tên Hải Âu không biết tôi đã nghe bao nhiêu lần từ miệng nó nói ra. Cứ làm như suốt cuộc đời này nó gắn chết với cái tên ấy không bằng. Nhưng dù sao thì nó cũng chuẩn bị lập gia đình. Rồi đây con bé Anh Kim sẽ làm nó quên đi cái tên vốn ăn sâu vào tiềm thức nó thôi. Thế mà đùng một cái, nó lại gây một xì-căng-đan tiếp theo: rục rịch chia tay Anh Kim. Giang hồ nghe tin mà choáng váng, choáng váng hơn cả lúc nó quen Anh Kim.

Dạo này ít gặp nó hẳn, dường như nó bận rộn suốt ngày với công việc. Tôi ngồi quán trà tán dóc với thằng Thiện

“Mày biết thằng Phong và bé Kim chia tay chưa?” – tôi hỏi

“Cũng mới biết, chả hiểu nó nghĩ gì trong đầu. Nghe nói nó đang chuẩn bị cưới con bé đó mà”

“Ừm! Tao có hỏi nó, thì nó nói là dạo này chuyện tình cảm khá căng thẳng, hai đứa nó liên tục gây nhau vì chuyện lập gia đình” – tôi tiếp tục

Thằng Phong mới được mọi người tín nhiệm đề cử vào chức trưởng nơi nó đang làm công việc thiện nguyện. Công việc bộn bề liên tục, tôi gần nhà nó mà cũng hiếm khi gặp được. Nhiều đứa nói đùa gặp nó khó hơn gặp tổng thống Mỹ. Không những bạn bè khó gặp, ngay cả con bé Kim cũng ít khi gặp được nó. Cứ gặp nhau là hai đứa lại gây gổ. Anh Kim thì nói rằng nó chẳng lo gì cho việc lập gia đình, toàn lo những thứ vở vẩn gì đâu. Thằng Phong vừa nghe bạn gái nói công việc thiện nguyện của nó là “những thứ vớ vẩn”, liền nổi cơn tam bành. Thế là hai đứa nó giận nhau gần tháng trời. Thằng Phong lại lao đầu vào công việc. Dạo nó ốm nằm ở nhà, Anh Kim qua thăm. Rồi hai đứa ngồi nói chuyện, con bé bảo: “Anh làm việc như vậy, đến lúc nằm ốm ở đây, có con nào qua thăm anh không?”. Thằng Phong đang dần cảm kích, lại nghe câu ấy, nó như nổi khùng thật sự, lớn tiếng: “Anh làm việc này không vì con nào cả”. Cuộc thăm viếng của Anh Kim biến thành cuộc so tài về kỹ năng cãi vã. Sau đó, dường như hai đứa nó không thể tìm được tiếng nói chung. Thế là thằng Phong dứt áo ra đi.

MÂY

BAY

NGANG TRỜI

Phong ngồi yên bất động, hắn nhắm tịt hai mắt, vẻ mặt thản nhiên và dịu nhẹ. Hai đêm trắng và hơn một tháng làm việc cật lực dường như đã vắt kiệt sức. Có lẽ bây giờ hắn cần nghỉ ngơi. Mà kể cũng lạ, nghe thiên hạ bảo: cái thằng lúc ngủ cũng đăm chiêu, thế mà bây giờ, nhìn nét mặt hắn giãn ra, hồn nhiên như một đứa trẻ. Chả biết hắn đang nghĩ gì trong đầu, vì hắn lúc nào cũng có vẻ suy nghĩ. Cũng có lẽ lúc này hắn chả suy nghĩ gì, nhìn cái vẻ mặt hồn nhiên hạnh phúc ấy, có thể đoán được hắn chả suy nghĩ gì.

Ngồi kế bên hắn, cô bé có mái tóc được uốn xoăn một cách bướng bỉnh, rúc vào tấm áo khoác màu xanh nhạt. Chẳng biết cô ta lạnh thật hay đang cần một sự che chở dịu dàng. Cô nàng cứ loay hoay, trở mình qua lại, hết tựa đầu vào cửa kính xe, rồi lại gục đầu vào gối. Đôi khi tựa vào bờ vai tròn đầy của Đông Phong, ngủ ngon lành.

Đông Phong và Hải Âu quen nhau dễ chừng hơn mười năm. Hồi hai đứa còn bé xíu. Rồi chia tay, đường ai nấy đi, dễ dàng như người ta uống một cốc nước. Tôi biết chuyện này vì thường nghe thằng Phong kể khi ngồi uống với hắn. Hắn kể về những ngày xưa ấy một cách bình thản, nhẹ nhàng, như thể kể chuyện của một ai đó chứ không phải hắn. Nhưng nhìn sâu vào mắt hắn, tôi cảm nhận tâm trạng hắn không đơn giản như thế. Có cái gì đó chất chứa, đè nặng trong tâm hồn ấy. Nhưng chuyện đó cũng chẳng làm tôi quan tâm mấy. Vì tôi ghét nhất những chuyện tình cảm vô bổ, thế là hai đứa nốc rượu hết chén này đến chén khác. Nghêu ngao và ung dung tự tại. Thế giới này nhỏ thật.

Hồi tôi quen hắn, hắn ít nói, trầm tư. Khiến khó có ai muốn lại gần. Thế mà quen rồi, mới khám phá ở hắn bao điều thú vị. Hắn cũng tiếu lâm, tiếu lâm một cách sâu sắc, đến độ người nghe phải chú ý phân tích, kẻo rơi vào bẫy của hắn. Rồi hắn có đôi mắt thật ấn tượng (các cô bạn tôi thường nói thế). Riêng tôi thì chả thấy ấn tượng chỗ nào, vả lại, tôi ghét cay ghét đắng cái thứ ấy. Có thể tôi không có nên hơi chút ghen tỵ chăng? Chả biết được. Quan trọng là tôi và hắn là bạn thân.

Thế mà cái thằng bạn thân ấy, thời gian gần đây có vẻ khác lạ lắm. Dường như hắn ta lại thay đổi quá nhiều. Vẫn hoạt bát pha trò, nhưng ít trầm tư hơn. Vẫn cái nhìn sâu, nhưng có vẻ rộng mở hơn. Hà hà, phải ăn mừng thôi, vì theo tôi đoán, con người ta thay đổi như thế. Ắt phải có nguyên do, và nguyên do chỉ có thể là tình yêu mà thôi.

Thế là tôi điện thoại cho hắn.

“A lô! Phong không nghe” -

Cái thằng trời đánh, nó biết rõ tôi gọi, thế mà cà chớn, “Phong không nghe”. Nhưng không sao, hắn đang vui, tạm tha cho hắn, tính sổ sau.

“Hôm nay rảnh không mày?”

“Đã bảo không nghe rồi mà sao cứ nói thế”

Tôi tức muốn lộn ruột, hắn đùa mà cái giọng cứ tỉnh queo.

“Thế không nghe sao trả lời” – tôi xẵng giọng

Hắn cười hì hì hỏi nhậu phải không mày? Cái thằng suốt đời nó chỉ biết nhậu hay sao ấy, cứ gọi là nhậu.

Nửa tiếng sau, tôi đã ngồi đối diện hắn trong quán hải sản, trên bàn là 2 chai bia vừa khui. Tôi rót bia cho hắn, cũng giả vờ tếu táo.

“Sao tao thấy tao giống vợ mày quá”

Hắn mủm mỉm cười. Ôi cái thằng điên, nó cứ nghĩ cười mà nhe cái răng ra thì gió lọt vào đau bụng dễ đến tuần lễ hay sao ấy. Tôi cực ghét cái kiểu cười vô bổ như thế, nó ngụy tạo và nhìn có vẻ khó chịu sao đó.

“Thế mày không thèm là bạn nhậu của tao nữa à” – Phong vừa khui bịch đậu vừa nói

“Ừ! Tao nghĩ sắp có người thay tao rót bia rượu cho mày uống rồi, nên phải tranh giành chứ. Ha ha” – hắn có cái kiểu uống bia rượu lạ đời, chỉ có ba người có thể rót bia, rượu cho nó, 1: chính tay nó rót, 2: bạn nhậu thân thiết rót, 3: vợ nó rót. Tôi chợt nghĩ, nếu nó có vợ chưa chắc đã uống với mình, thấy cũng buồn buồn.

“Mày khéo lo, có vợ hay không vẫn nhậu với mày mà” – hắn lại tủm tỉm cười

Ừm! Nhưng chuyện đó đâu quan trọng, vấn đề là hôm nay, tôi phải khai thác xem, hắn thay đổi vì lý do gì?

“Hôm bữa tao thấy mày đi với cô bé nào nhìn cũng xinh ra phết nhỉ?” – tôi bắt đầu khai thác hắn

Phong cầm ly bia, chậm rãi uống cạn, đặt xuống một cách nhẹ nhàng như thể dìm câu hỏi của tôi xuống con kênh đen ngòm trước mặt. Bỗng hắn phá lên cười ha ha. Tôi thẹn đến đỏ mặt, trộm nghĩ hình như hắn thấy nét mặt tôi hăm hở đến khổ sở chờ câu trả lời của hắn. Hừ! Không chơi đòn tâm lý với hắn được, chiêu đầu tiên tôi đã dùng sở đoản để đánh sở trường của hắn. Tôi nổi điên với chính mình. Nhưng vẫn cứ phải cười theo hắn để tỏ lộ những bình tĩnh còn sót lại trên vẻ mặt cau có của tôi.

“Thế nghe bảo mày có người yêu à?” – lần này tôi rút kinh nghiệm, không chơi tâm lý nữa.

“Ai bảo mày thế? Hay đêm qua nằm mơ thấy tao có người yêu hả?” – hắn nhìn tôi lom lom cứ như tôi là con quái vật từ hành tinh khác đến. Tôi bất giác rùng mình, cái nhìn của hắn bao trùm toàn thân tôi, không chừa một centimet nào. Hắn đúng là một sinh vật có cặp mắt kinh dị nhất tôi từng thấy.

“Này! Mày đang muốn ăn tươi nuốt sống tao đấy à?” – tôi cố giữ bình tĩnh để nói thật trôi chảy

Hắn lại cười ha hả. Tức thật, cái thằng này, chắc kiếp trước nó là đám mây, chả thể nào nắm bắt được. Mà thôi, tôi chợt nhớ ra, cần quái gì mình phải khai thác, lát nữa cao hứng, thế nào hắn cũng nhét vào tai tôi những gì tôi cần nghe. Nghĩ đến đây tôi bỗng hào hứng hẳn, nhìn hắn với cặp mắt tinh quái. Nhưng hầu như cái nhìn ấy chả xi nhê gì với hắn. Hắn cứ điềm nhiên uống, thỉnh thoảng bốc vài hạt đậu quăng vào miệng nhai rào rạo như chung quanh chẳng có ai.

“Thực sự tao đang yêu mày ạ” – hắn buột miệng

Ha ha. Tôi đang uống ly bia mà xém nữa sặc chết. Thằng con trai 26 tuổi, nói rằng hắn đang yêu, với vẻ mặt mơ mộng, y như đứa con nít mới dậy thì. Nhưng dù sao, tôi vẫn phải giữ cái vẻ thản nhiên như chẳng nghe thấy gì, vì nếu lên tiếng hay tỏ vẻ lắng nghe, hắn sẽ quay trở về hình dáng cũ – một sinh vật không thể nào hiểu nổi.

“Chắc là mày cũng muốn biết tao đang yêu ai nhỉ?”

Tôi bắt đầu lục tung ký ức, xem có thể hắn sẽ yêu ai. Dù biết rằng lát đây hắn cũng nói thôi, nhưng tôi vẫn chạy đua cùng thời gian, đoán xem hắn đang thầm thương trộm nhớ con nhỏ nào, trước khi hắn nói tiếp. Thua! Không thể kiếm ra con bé nào. Chắc hắn yêu nàng tiên cá. Mấy thằng điên điên như nó thì chuyện gì cũng có thể.

“Hải Âu” – hắn nói rất nhỏ nhưng vẫn rõ từng chữ.

“Cái gì? Hải Âu?” – tôi xém nhảy dựng lên. Cái tên Hải Âu từ miệng hắn thoát ra như tia chớp, xé toạc trí tưởng tượng của tôi thành hai mảnh.

“Mày đừng nói là cái con bé mà mày thường kể nhé?” – tôi vẫn hoài nghi

“Ừm! Không sai” – hắn ta lại cầm ly bia lên uống một cách khoan thai.

Thôi rồi, hắn lại hiện nguyên hình là loài sinh vật khó hiểu rồi. Nhìn cái cách hắn ung dung thản nhiên là biết. Thế là hết cơ hội tìm hiểu.

Mưa vẫn lất phất ngoài trời, quán cà phê đối diện trường Du Lịch Sài Gòn hầu như chỉ còn tôi và ly cà phê loãng trắng trên bàn. Từng đợt khói cuộn tròn trước mặt rồi nhanh chóng tan ra, bay vào khoảng không vô tận. Tôi thích thú khi nhìn những giọt mưa vây lấy ánh đèn đường vàng nhạt. Những hạt mưa va vào nắp đèn, vỡ tan tạo thành một quầng khói mơ ảo. Trông cứ như ánh đèn đang bị đánh lưới bởi chính ánh sáng của nó vậy.

Tôi chợt nhớ đến Đông Phong, không hiểu cái thằng này lại ngao du phương trời nào mất rồi. Nó là tay giang hồ gốc, cái chân chả chịu ngồi yên bao giờ. Với nó có lẽ thú vui duy nhất là rong chơi. À! Mà cũng không hẳn thế, ít là trong thời điểm này. Vì nó đang yêu Hải Âu mà.

Hải Âu là con bé nào, tôi cũng chưa từng gặp mặt, chỉ biết qua câu chuyện nó kể, và khi đó tôi cũng chẳng quan tâm mấy. Vì hai đứa nó đã chia tay, và nó cũng có quen vài cô bạn, nhưng chẳng cô nào giữ được cái chân nó, con tim như áng mây của nó. Thế mà đùng một cái, nó tuyên bố một câu xanh rờn: tao yêu Hải Âu. Đúng là thằng khùng thế kỷ. Khó hiểu.

Hồi tôi và nó còn đi lại trên giang hồ – thuật ngữ dân du lịch hay dùng. Nó đi dẫn đoàn là y như rằng, buổi tối sẽ có một cô nàng mê nghe chuyện nào đó đi dạo cùng nó. Phong sở hữu một giọng nói trầm ấm đặc trưng, nghe như rót vào tai những câu chuyện thú vị. Thế mà nó lại thích kể chuyện tình yêu. Cái đó làm hại nó, đi làm hướng dẫn mà như đi tán gái. Những chuyện tình chóng vánh, không đầu không cuối, ai nhìn cũng bảo nó phong lưu. Nhưng với nó là một điều khổ sở, đau đớn tột cùng. Tôi hiểu rõ tâm trạng của nó, nó không bao giờ có thể dừng chân với bất kỳ ai, vì không thể xóa bỏ một hình bóng trong tâm hồn nó – Hải Âu.

Tôi lại loay hoay tìm ra bằng được Hải Âu là ai. Vì đó là gút mắc quan trọng trong tâm hồn thằng bạn điên điên của tôi. Nếu giúp được gì, tôi sẵn lòng hết mình.

Chịu thôi! Không tài nào lần ra được, quá mơ hồ. Tôi chợt nhớ đến hai nhân vật: Thiên Vân và Anh Kim. Hai cuộc tình có lẽ là lâu nhất của nó. Cô bé Thiên Vân đặc biệt hơn cả, cũng mái tóc xoăn, gương mặt hồn nhiên y như con bé Hải Âu thằng bạn tôi miêu tả. Con bé cứ gặp thằng Phong là đòi hắn ngâm thơ Tàu cho bằng được. Chả hiểu nổi cái sở thích kỳ quặc của phụ nữ – nghe đọc thơ thì có gì mà hay kia chứ? Thế mà cô nàng lại thích mê. Còn thằng Phong thì chưa từ chối bao giờ, dù nó phải đọc đi đọc lại những bài thơ cũ rích. Thơ đâu ra mà đọc mãi không hết.

Thằng Phong đúng là thật khó đoán. Trong khi tôi lãng quên nó thì nó lại xuất hiện, như bóng ma, đi rồi đến, không báo trước.

“A lô! Tao không thèm nghe” – tôi nhấc điện thoại khi nó gọi cho tôi, cũng bắt chước chọc nó cho vui.

“Vậy thì thôi!” – hắn cúp máy cái rụp

Ôi! Đúng là thằng này điên thật chứ không đùa. Giá như nó ở nhà thương điên thì chắc chắn dân chúng trong đó phải gọi là Phong sư thúc. Nhưng tôi không chấp cái điên điên khùng khùng đó của nó. Tôi bấm máy gọi lại.

“Tao có chuyện mày muốn nghe” – hắn nói

“À! Ờ…” – tôi giả vờ giận nó.

“Mày đang muốn gặp con bé Hải Âu phải không?” – lần này thì tôi lại phải cho hắn là sư thúc trong vấn đề tâm lý. Sao hắn hiểu rõ tôi muốn gặp con bé ấy nhỉ? Mà thôi kệ, không quan trọng, vấn đề là tôi sẽ gặp con bé đó ở đâu và như thế nào?

Hải Âu xuất hiện trước mắt tôi, nhẹ nhàng bồng bềnh như một thiên thần. Tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp cuốn hút trên gương mặt thanh tú đó.

“Chào anh!” – Hải Âu vừa nói vừa đưa tay ra về phía tôi

“Ơ! Chào…” – tôi lóng ngóng như tên trộm vừa bị bắt quả tang, quên mất những phép lịch sự tối thiểu.

“Ha ha, người ta muốn bắt tay mày kìa” – giọng thằng Phong sang sảng

Sau màn giới thiệu của thằng Phong, ba đứa chúng tôi ngồi trò chuyện. Tôi bắt đầu dần dần lấy lại bình tĩnh.

“Thế hai người đang hẹn hò đấy à?” – chữ “hẹn hò” tôi nói một cách trêu chọc.

Con bé Hải Âu cười khúc khích, còn thằng Phong thì cũng vẫn đặt trên mặt cái nụ cười nửa vời đáng ghét và đáp.

“Không! Bàn công việc thôi”

Thì ra hai đứa nó đang làm việc chung trong một tổ chức thiện nguyện. Tôi ngồi một lát rồi cáo lui, chứ ngồi mãi thì thiên hạ bảo tôi không biết lịch sự là gì. Mặc dù chưa bao giờ tôi tỏ ra là một người lịch sự.

Sau này tôi còn gặp Hải Âu một lần nữa, và đó là lần thứ hai cũng là lần cuối cùng.

Buổi sáng nắng nhạt vàng hanh hắt, cái nắng miền Trung khó chịu ngay từ lần đầu gặp gỡ trong một ngày hè. Tôi ngồi nói chuyện với Hải Âu rất lâu.

“Hình như em và thằng Phong yêu nhau à?” – tôi hỏi

“Không anh” – cô bé trả lời rành rọt, mắt dõi theo từng con sóng nhấp nhô trên biển.

Tôi không nhìn thấy vẻ mặt của cô nàng khi trả lời câu hỏi ấy, nhưng qua ngữ giọng, tôi đoán có vẻ cô ấy buồn buồn, nhưng rất kiên định. Và tôi cũng đủ hiểu rằng không nên hỏi lý do.

“Với em! Anh ấy là một người đặc biệt, nhưng mãi mãi không thể là tình yêu” – vẫn là cái giọng ấy – “Việc anh ấy có cảm tình với em, khiến em rất lo lắng. Vì rõ ràng sẽ không đi về đâu cả”

“Thế không còn cách nào sao?” – tôi tiếp tục hỏi.

Có lẽ tôi muốn giúp thằng Phong thật, giúp sao cũng được. Kết hợp nó với cô bé bướng bỉnh ngồi trước mặt, hay giúp nó quên luôn được cô nàng cũng tốt. Vì thế tôi phải hỏi cho ra nhẽ.

Không có câu trả lời, chỉ là cái lắc đầu rất nhẹ. Mặt Hải Âu cúi gằm xuống cát. Có lẽ tôi đang đụng chạm đến vấn đề rất riêng tư. Tôi phải giữ thói lịch sự, điều đó làm tôi vô cùng khó chịu. Tôi đành phải quay sang hỏi những vấn đề mà tôi chưa từng quan tâm: công việc của thằng Phong và Hải Âu. Buổi trò chuyện cứ thế tiếp diễn, tôi hiểu ra rất nhiều về những suy nghĩ đồng quan điểm giữa thằng Phong và Hải Âu. Và theo riêng bản thân tôi, chỉ có những kẻ điên mới dám hy sinh mọi thứ vì một công việc không đem lại đồng lương nào.

Thằng Phong đang ốm nằm nhà. Sau buổi rong chơi cùng tôi, hai đứa mắc mưa, thế là nó ốm la liệt. Cái thằng yếu như sên, thế mà cũng bày đặt yêu! Tôi đến thăm nó. Căn phòng bừa bộn hơn hẳn, sách và tài liệu vất lung tung. Tôi cầm từng cuốn sách đặt lên bàn, nó vẫn đang ngủ ngon lành.

Nhìn cái tựa đề: “Xin lỗi Em chỉ là con đĩ” – tôi chợt cười. Thằng này vẫn còn cái sở thích đọc tiểu thuyết của Trung Quốc. Xếp ngay ngắn cuốn truyện ngắn vào một góc bàn làm việc, bất giác ánh mắt của tôi dừng lại cuốn sổ đang mở để trên cái bàn đầy bụi.

GIẤC MƠ THIÊN THẦN

Và em gói mộng qua cầu,

Tan cơn mộng ảo, nỗi sầu Khánh Băng.

Ta ru em, ru tháng ngày thơ bé.

Bao nắng mưa cùng nhau theo về.

Xin ru em, ru thêm ngàn năm nữa,

Giấc mộng gầy ta gánh mối tình xưa.

Về đây em, ngủ bên lòng ta nhé!

Tròn giấc mơ, với đôi lời hẹn thề.

Lời ta ru cỏ hoang và nắng cháy

Gió lồng lộng triền đồi mây bay.

Lời ta ru

Tình tự bâng khuâng,

Đưa em vào… giấc mơ thiên thần…

Bài thơ trong cuốn sổ để mở, được ghi chú phía dưới: tặng Khánh Băng! Lật thêm vài trang nữa, độ đâu 3, 4 bài nó viết tặng Khánh Băng. Tôi bắt đầu tò mò, không biết Khánh Băng là nhân vật nào. Mà tôi cũng không suy nghĩ tìm tòi. Vì tôi biết thằng này rất khó đoán, chỉ khi nào nó nói ra mới hiểu, chứ suy nghĩ tổ thêm mất công.

Nó tỉnh lại, không thèm hỏi tôi đến lúc nào. Mở mắt ra là hỏi rượu ngay. Cứ làm như tôi là Lưu Linh thần tửu không bằng, người lúc nào cũng mang theo rượu. Nó bảo nếu không có thì vào trong lôi bình Kim Long ra đây. Chà! Thật là vinh hạnh, nó đãi tôi bằng đệ nhất danh tửu Việt Nam.

Thế là nó bắt đầu ngồi luận rượu. Tôi thành kính lắng nghe như một đứa học trò nghe bậc cao nhân giảng đạo.

“Trong các loại rượu ngon, có ba thứ bậc” – nó bắt đầu giảng thuyết – “thứ nhất: hảo tửu, thứ hai: mỹ tửu, thứ ba: danh tửu. Về thứ nhất và ba, là hai thứ có thật. Còn mỹ tửu, chỉ là đồn đại trên giang hồ mà ra. Mày có biết mỹ tửu là thứ gì không?”

Tôi thì mù tịt về rượu, chỉ biết uống, chứ phân tích làm gì cho mệt người, nhưng nghe nó nói có vẻ cũng thú vị. Dù rằng tôi biết, nó có thể sắp ba hoa chích chòe về cái mỹ tửu kia.

“Tao chịu” – tôi trả lời

“Mỹ tửu là thứ rượu ngon. Là hảo tửu hoặc danh tửu. Nhưng nếu để gần một người con gái đẹp nào đó thời gian quá lâu. Nó sẽ hấp thụ mùi hương cơ thể của người đó, trở thành mỹ tửu. Uống vào một ly là say túy lúy. Không nên uống cái thứ rượu vô bổ ấy” – hắn cười khà khà

Tôi nhìn cái mặt bảy phần nham nhở, ba phần bí hiểm của nó, cũng đoán ra nó đang nổ banh trời. Nhưng cũng vui vui, nên hưởng ứng.

“Đúng thế, không nên uống một giọt mỹ tửu nào”

Hắn uống đâu liền ba ly, vẻ mặt nhìn càng thêm phần khó hiểu. Đặt cái ly thứ ba xuống bàn, hắn sửa lại tư thế ngồi, ra vẻ nghiêm trọng, tuyên phán

“Đây là mỹ tửu. Do một người em xứ Quảng mang đến tặng tao, mày thấy say chưa?”

Quả tình tôi chả thấy khác lạ gì, nhưng cũng gục gặc cái đầu

“Ờ! Đúng là mỹ tửu có khác”

Hắn cười ha ha. Rồi phán tiếp:

“Cuộc đời người đàn ông có ba mầu nhiệm lớn, mày biết chứ?”

Đến lúc này thì tôi không thể nhịn cười được nữa. Hồi nhỏ học giáo lý, tôi có được học về ba mầu nhiệm lớn của đức tin Công giáo. Chứ chưa nghe ba màu nhiệm lớn của người đàn ông bao giờ. Càng nhìn cái vẻ mặt nghiêm trang của nó, tôi càng cười lăn lộn, cười muốn rụng răng. Thằng trời đánh này, tình yêu biến nó thành nhà thần học. Ha ha. Không thể tin nổi.

“Xem ra mày không biết rồi. Để tao nói cho mà biết”

Tôi cố nhịn cười để xem nó nói cái gì

“Mầu nhiệm thứ nhất: lời tỏ tình đầu tiên. Mày không thể nào hiểu nổi vì sao lúc đó mày ngu đến độ phát ra những lời đó”

Lần này thì tôi mù mờ thật, có bao giờ tôi tỏ tình với ai đâu.

“Thứ hai: đó chính là vợ mày”

Tôi cười ha hả, đánh chát chát vào đùi, bảo đúng thế. Mặc dù tôi cũng chưa hề có vợ, nhưng mấy thằng bạn tôi thường bảo: không thể nào hiểu nổi vợ. Thế là mầu nhiệm rồi còn gì.

“Thứ ba: đó là những gì người đàn ông nói khi say”

Cái này thì… tôi bắt đầu không hiểu nó muốn nói gì

“Cho nên, mày phải tin những gì tao nói lúc này, dù có thể mày không hiểu” – hắn tiếp tục.

Tôi bắt đầu bị lôi cuốn vào cái trò chơi tâm lý của hắn. Muốn tâm sự thì cứ nói đại ra, bày đặt màu nhiệm này nọ. Nhưng có vẻ thú vị, nên cũng lắng nghe.

“Tao đang yêu, và hơn nữa, yêu Hải Âu, mày biết chứ?” – hắn nhìn tôi lom lom.

Rồi! Tiêu tôi thật rồi. Không lẽ bây giờ tôi phải nói cho nó biết, là con bé Hải Âu không hề yêu nó. Có thể nó sẽ không chịu nổi. Vì tôi biết rõ, mười năm qua nó chưa bao giờ quên được con bé.

Hắn cười ha ha và nói tiếp

“Nhưng Hải Âu không yêu tao, mày biết chứ?”

Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu, ngọ nguậy trên ghế không yên. Cái câu nó nói ra nghe nhẹ như bông, không một chút luyến tiếc khổ đau nào. Điều đó sẽ làm hằn sâu vết thương vào tim nó. Tôi hiểu mười năm qua nó khổ sở thế nào với tình yêu. Giờ đây chắc nó phải điên cuồng lắm mới phải, thế mà nó vẫn cứ bình thản như không.

Tôi muốn chuyển đề tài sang chuyện khác, vì không thể để nó tiếp tục hành hạ mình mãi được, tôi hỏi:

“Khánh Băng là ai mày?”

“Là một đứa con gái!” – hắn cười khà khà

Trời. Thằng điên này, ai chả biết là con gái, không lẽ hắn viết thơ tình cho một thằng con trai.

“Thế mày yêu em ấy à?” – tôi tiếp tục

“Không! Chỉ là tình cảm đặc biệt thôi”

“Thế sao mày không yêu em ấy, mà cứ bám mãi con bé Hải Âu?”

Hắn trợn mắt nhìn tôi. Bỗng đưa hai tay lên, một tay ôm ngực và một tay che miệng. Hự một tiếng. Máu từ trong miệng hắn hộc ra, chảy qua kẽ tay thành dòng. Tôi quá sợ hãi, lao đến hắn và lắc mạnh. Hắn gạt tay tôi ra, lảo đảo đi vào nhà vệ sinh. Tôi chạy theo định giúp đỡ hắn, mặc dù tôi cũng chưa nghĩ ra cách gì. Hắn đóng cửa sầm một cái, không cho tôi vào trong.

Tôi nghe tiếng nước xả ào ào, rồi tắt ngúm. Năm phút trôi qua, mười phút trôi qua, bên trong vẫn im lặng, tôi suốt ruột cực độ, tính phá cửa xông vào. Vừa giơ chân lên thì hắn mở cửa bước ra. Nhìn tôi lom lom.

“Mày muốn đi vệ sinh thì cứ từ từ. Nóng quá, tính hành hung tao à?” – hắn vừa nói vừa cười nửa miệng.

Tôi biết hắn không bao giờ tỏ ra yếu đuối cả. Thế là tôi đành lẽo đẽo theo hắn về chỗ ngồi.

“Xin lỗi mày nhé, tao không biết câu hỏi đó làm mày sẽ như vậy?”

“Câu hỏi nào? Dạo này công việc căng thẳng quá. Tao hơi mệt thôi” – hắn đáp

“Có lẽ mày cần đi nghỉ ngơi, mai đi Đà Lạt nhé?”

Hắn ta gật đầu, cầm ly định uống tiếp, tôi cản lại

“Mày muốn chết hay sao thế hả?” – vừa nói tôi vừa cầm ly rượu quăng ra ngoài cửa sổ.

Hắn ta nằm vật xuống giường. Nhắm mắt thiếp đi.

Hôm sau, tôi đem đến cho hắn 5 triệu, bảo cầm đi đường. Vì hắn là tay giang hồ, túi lúc nào cũng rỗng tuếch, chả có cắc nào.

Trưa Sài Gòn nóng bức, mở quạt hết công suất mà mồ hôi con mồ hôi cha cứ kéo ra ào ào. Tôi ngồi làm việc mà đầu như muốn nổ tung. Quá nóng, không chịu nổi. Bỗng chiếc điện thoại để kế bên đổ chuông. Nhìn vào thì thấy hiện lên dòng chữ “KTK”. Cái tên tôi đặt cho hắn trong danh bạ – Khùng Thế Kỷ. Tôi cười thầm, thằng này đúng là có hiếu với bạn bè, lên đến nơi gọi điện về báo và cám ơn nữa.

“A lô! Sài Gòn nghe” – tôi tếu táo.

“Giang Tâm!” – đầu dây bên kia đáp

Trời! Lần đầu tiên từ khi quen hắn, hắn gọi tên tôi. Ha ha, thằng này đúng là…

“Tao đau quá, không ổn rồi” – đầu dây bên kia tiếp tục.

Tôi bất giác rùng mình. Hắn không thể đến Đà Lạt nhanh như vậy bằng xe máy.

“Mày có chuyện gì thế?” – tôi lo lắng

“Tao tông vào xe tải ngược chiều, xe còn trên đường, tao rơi xuống vực rồi”

“Ở đâu” – tôi thét lên, lạc giọng – “Tao gọi người đến giúp”

“Không kịp nữa, sâu quá. Tao bắt đầu thấy lạnh từ chân lạnh lên rồi”

“Mày cứ nói ở đâu, có thể có ai đó giúp được” – tôi bắt đầu cảm thấy kinh hoàng

“Mày phải nghe tao nói, sắp hết thời gian rồi” – hắn nói tiếp – “Nhờ mày tiếp tục công việc của tao, hứa với tao nhé”

“Ừ! Tao hứa, tao hứa mà”

“Mày hãy yêu thương những ai thuộc về mày, hứa chứ?”

Tôi không hiểu như thế nào là công việc với yêu thương, nhưng cũng đồng ý với hắn.

“Khi gặp Hải Âu, hãy nói với em rằng…”

Hắn ta hự lên một tiếng, tôi mường tượng, hắn đang dồn cái gì đó trong miệng tống ra ngoài. Những chữ sau cùng hắn nhờ tôi nói với Hải Âu, tuy rất nhỏ, nhưng vẫn rõ ràng. Nói xong, hắn ta buông điện thoại nhưng vẫn không tắt, tôi biết thế vì nghe một tiếng “bịch” trong điện thoại.

Tôi gọi hắn, nhưng không nghe tiếng trả lời. Đáp lại đầu dây bên kia chỉ nghe tiếng gió xào xạc và tiếng những hạt mưa rơi đều trên đám lá khô.

Bỗng tôi nghe giọng nó, rất nhẹ. Hắn đang ngâm bài Giang Hồ Ca do hắn viết.

“…Gió thu nghênh nghênh,

Hảo hán cười vô tận.

Lòng buốt buốt,

Giữa trời đất mênh mênh…”

Tiếng ngâm lịm dần, lịm dần rồi tắt hẳn. Chỉ còn tiếng lá khô xào xạc và tiếng mưa vẳng qua điện thoại. Tôi như phát cuồng, gọi hắn:

“Đông Phong! Đông Phong ơi…”

Hắn ta qua đời, nhẹ nhàng như một đám mây. Đứng trước hài cốt nó, chỉ có mình tôi, chợt nghĩ: đúng là hắn một đời cô đơn, đến chết vẫn không có một ai bên cạnh. Thiên Vân, Anh Kim, Khánh Băng, Hải Âu, không có một ai biết, không một ai cả. Mà như thế cũng tốt, vì như thế đúng như ước nguyện của hắn.

Có điều tôi không thể thực hiện lời hứa với hắn là nhắn đến Hải Âu. Hải Âu đã không trở về nữa, gọi điện thoại cũng không liên lạc được. Có lẽ cô bé yêu biển, biển là lẽ sống, tự do không ràng buộc. Như thế thì tốt cho thằng Phong rồi. Nó sẽ hóa thành đám mây, đúng với bản chất của nó. Khi bay ra biển, nó có thể che nắng cho cánh Hải Âu giữa bầu trời lộng gió.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#phong