Những câu đối và Thơ xướng họa liên quan đến Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cháu nội Đức ông Tuy Lý Vương, là con Hiệp tá Tiểu Thảo Hồng Thiết. Bên con đường rộng qua thôn Vỹ Dạ, gần kinh thành Huế, trước một khu vườn rậm rạp thuộc phủ Tuy Lý, trên bờ sông Hương, khách qua lại thương nhìn thấy một cái cổng xây trên đề ba chữ: "Chu hương viên", hai bên có kèm một đôi câu đối chữ Hán:

Khoái mã trưòng chu đông tây đắc lộ
Hầu môn cự thất tả hữu vi lân
Và một đôi câu đối Nôm:

Ưng học thi tiên, thẳng đó một đường lên Vỹ Dạ
Muốn nghe kinh Phật, cách đây vài cửa đến Ba La
Từ cổng vào mấy chục thước, ẩn hiện một tòa nhà ngói với sân lát bến xây, tường hoa non bộ, bên trong thì viện sách, hiên đàn, lầu thơ, đài Phật, hoành phi, câu đối, sập gụ, ghế bành. Chủ nhân chính là Thúc Giạ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, cuộc đời của ông có một chuyện vui lạ nhất, là lễ điếu sống Tiên sinh do các bạn làng thơ bày đặt vào mùa xuân năm Tân mão 1951 khi Tiên sinh 75 tuổi. Trong số đó có câu đối do cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi viết tặng như sau:

Cô Huệ, cô Na, đương học vở kép đào, họ quyết yêu cầu thầy ở lại
Ông Lý, Ông Đỗ, dẫu ngứa nghề ngâm vịnh, ai cho nghinh tiếp Cụ về chơi
Năm Bính thân 1956 là tiệc thọ 80 của Tiên sinh. Lại yến ẩm đàn ca, lại thơ tự thuật với hàng trăm bài họa lại, trong đó nổi bật nhất có bài của cụ Ngư Xuyên Hoàng Xuân Vịnh.

TÁM MƯƠI TUỔI TỰ THUẬT

Ngựa tre rong ruổi thú reo cười,
Nay đã thành ông cụ tám mươi.
Còn lắm tỉnh say theo cuộc thế,
Trải bao chua ngọt với mùi đời ;
Lựa vai quan lão thêm nghề hát,
Cắp bút thầy đồ sẵn chuyện chơi.
Già hẳn kém duyên chưa kém nợ,
Nợ thi nợ tửu vướng nhiều nơi.
Bài thơ họa sau đây là của Cụ Ngư Xuyên Hoàng Xuân Vịnh:

Còn biết bao xuân với nụ cười
Tám mươi, rồi tới chín mười mươi...
Nào thơ, nào rượu, ham vui bạn,
Vì nước, vì non, phải mến đời
Vầy tiệc đình hưu nhiều chuyện thú,
Xem tuồng sân khấu lắm trò chơi
"Thọ bôi" một chén đường muôn dặm
Mượn cánh hồng mang đến tận nơi.
Cuối mùa xuân năm Mậu tuất 1958 (82 tuổi) Tiên sinh bỗng bị đau nặng. Trong khi ngọa bịnh, Tiên sinh vẫn thiết tha với bạn thơ, cho nên đã có bài"Bệnh trung ngâm" như sau đây :

Lão phu đà vướng bệnh tương ty,
Mơ mộng khôn khuây bởi cớ gì ?
Đã biết nhà Nho theo chánh đạo
Thường mong cửa Phật đến qui y
Đường xa cậy có tin thanh điểu
Xuân muộn còn nghe tiếng tử qui
Duyên nợ văn chương tình hữu ái
Dễ gây thương nhớ bạn làng thi.
Cụ An Đình Trần Kinh đã họa lại bài thơ trên như sau:

Thiếu chi thi bá dưới âm ty
Thúc Giạ xin ông chớ vội gì
Rán ở lại đây nơi bạch xã
Để cùng vui với bạn ô y
Câu văn lành mạnh lời kim thạch
Chén rượu thơm nồng vị thục qui
"Bình phục" hôm nay mừng chúc Cụ
Tấc thành kính họa mấy vần thi
Cụ Quì Ưu Nguyễn Đôn Dư cũng họa như sau:

Mái tóc đài gương nặng tuyết ty
Phong sương dẫu nhuốm chửa can gì
Tâm hồn đau khổ nào ai biết
Dung mạo nhân từ thấy vẫn y
Mỏi gối còn đua tài thất bộ
Nhức đầu vẫn nhớ nguyện tam qui
Ơn Trời, ơn Phật phù trì Cụ
Khỏe cánh bền quai với bạn thi
Tết Kỷ hợi 1959, bên cạnh phu nhân tuổi đà tám chục, xung quanh có thứ thiếp và con cháu đầy đàn, Tiên sinh lại nhắp chén rượu mừng xuân mà ngâm câu tự thuật:

Đình hưu vách mảy lại ngâm nga
Tức cảnh câu thi Tết gọi là
Khỏe cánh tìm hương con bướm liệng
Vui lòng rủ bạn tiếng oanh ca
Ngành cây cổ thụ đương sây lá
Ngọn bút tao đàn cứ trổ hoa
Tuổi thọ trời cho ai có hỏi
Thưa rằng: nay đã tám mươi ba.
Cụ Đông Viên Phạm Huy Toại đã họa vần như sau:

Nhớ khách đêm hằng tựa bóng Nga
Tiếp thơ mừng rỡ biết bao là
Du dương án ngọc gieo vần Lý
Réo rắt oanh vàng họa tiếng ca
Nhã khúc tưởng văn Tiềụn Xích Bích
U hoài khác điệu Hậu Đình Hoa
Tao đàn nguyên soái lừng Hương Ngự
Một đấng tam tôn đủ cả ba

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro