cau hoi muon thuo kho

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu hỏi muôn thuở... khó

(Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ 02/08/2008)

Có một câu hỏi mà rất nhiều đôi tình nhân đặt ra cho nhau, nhiều đến nỗi mà những chuyện phát sinh quanh nó còn trở thành đề tài màu mỡ cho các ca tư vấn tâm lý tình cảm. Ấy là câu "Anh/ em là người thứ mấy?". Thật chưa thấy câu nào oái oăm và ẩn chứa lắm nguy cơ như câu này!

Bất kể nó được nói ra với thái độ nào, vui vẻ, ngọt ngào hay sưng sỉa, nghiêm trọng, người nhận nó cũng phải vò đầu bứt tai ra trò. Đừng tưởng chỉ cần nhẩm đếm rồi nói ra một con số thuần tuý một hai ba bốn mà xong. Nếu đơn giản như vậy thì các tổng đài 1900 tám bao nhiêu đấy hay chị Thanh Tâm, anh Bồ Câu đã rảnh rang quá! Ẩn chứa sau nó là cả một trời nghĩ ngợi, một biển nghi ngờ và một núi... những câu hỏi tiếp theo, dù câu trả lời của bạn có thuộc dạng nào thì cũng thế mà thôi!

Trường hợp phổ biến nhất, bạn thật thà cho biết anh hay cô ấy là người thứ hai thứ ba gì đó. Thì trong thời buổi hiện đại, nam nữ nhiều cơ hội giao tiếp kết bạn, đến trẻ con lớp 6 cũng biết viết thư tình thề non hẹn biển ngon lành, bạn lại phong độ hoặc duyên dáng ngời ngời nhường này, chẳng nhẽ không có mảnh tình nào vắt vai! Nhưng hãy coi chừng, thứ tự của anh ấy (cô ấy) càng to thì cái hỗn hợp trời biển núi ở đoạn trên càng lớn đấy. Bạn sẽ nhận được những câu hỏi tiếp theo, đi thẳng thọc sâu vào chi tiết như (những) người trước tên là gì, nhà ở đâu, có đẹp không, hai người quen nhau thế nào, đi chơi với nhau ra sao, chia tay vì lý do éo le hay lãng xẹt... Đến đây, trăm phần trăm là bạn lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Trả lời qua loa thì sẽ bị căn vặn thêm nhiều lần nữa, mà trả lời kỹ lưỡng thì còn lắm hậu quả khó tưởng tượng hơn. Ai mà đoán được người ta sẽ làm gì với những tư liệu quá khứ kia, biết đâu lại ngấm ngầm giận dỗi, hờn ghen, lúc bình thường thì không sao, khi cãi nhau lại đem ra đay nghiến...

Trường hợp lý tưởng nhất, bạn kiên quyết bảo rằng "Anh/ em là người đầu tiên" thì cũng đừng tưởng sẽ được yên nhé. Nhiều khả năng, đối phương sẽ nghi ngờ "sao đến tuổi này mà..." rồi hoặc âm thầm tìm hiểu hoặc công khai yêu cầu bạn chứng minh. Với các bạn nam, việc chứng minh sẽ vô cùng khó khăn khổ sở, vì nàng sẽ thấy chẳng ai đủ uy tín để xác nhận từ trước đến nay bạn không rung động tán tỉnh em nào. Với các bạn nữ, việc chứng minh thường được quy về một hành động cụ thể mà nếu làm theo, bạn sẽ rất có thể là người chịu thiệt thòi, thậm chí mang thai ngoài ý muốn, lỡ dở cả cuộc đời. Còn khi người ta tin tưởng yên tâm hoàn toàn rồi thì lại đến lượt bạn nghi hoặc, đặt câu hỏi ngược cũng nên. Vì ngoài những đôi tình nhân học trò vụng dại, mấy ai được biết một cặp hoàn toàn mới toanh bỡ ngỡ như nhau trong kinh nghiệm yêu đương.

Trong các trang báo, các buổi chuyện trò về tình yêu - hôn nhân, người ta thường đưa ra nhiều cách trả lời êm đẹp cho câu hỏi này. Đó có thể là một câu đầy ve vuốt như "Anh/ em là người cuối cùng, người chiến thắng" hay vài lời hài hước rằng "Xem nào, xoè tay đếm đã, mà ngón tay chưa đủ, chắc phải thêm ngón chân". Nhưng những cách trả lời không đi thẳng vào vấn đề như vậy thường chỉ mang tính đối phó nhất thời mà chẳng giải toả những thắc mắc trong lòng người hỏi. Nếu lựa chọn cách này, bạn cứ chuẩn bị tinh thần là sẽ còn bị "tra khảo" dài dài. Và liệu bạn có dám chắc một ngày nào đó mình sẽ không mệt mỏi với những câu hỏi lặp đi lặp lại kia rồi phải đi tìm một người cuối cùng khác hay phải đếm thêm một ngón tay hay ngón chân nữa? Bạn thấy đó, đã bao nhiêu cuộc tình tan vỡ chỉ vì những dằn vặt quá khứ như vậy rồi...

Tại sao khi đến với nhau, người ta cứ phải hỏi về những gì xảy ra khi người ta chưa xuất hiện? Do thói tò mò, ưa suy diễn chăng? Cũng có thể, quá khứ dù đã ngủ yên vẫn luôn là một tấm màn lay động trước mắt như mời gọi người ta hé vén. Chỉ cần một câu nói vô tình nhắc về kỷ niệm cũ hay một ánh mắt xa xăm cũng đủ để bày ra vô số những thắc mắc trong lòng. Nhưng nếu chỉ giải thích những vấn đề rắc rối nảy sinh quanh câu hỏi về thứ tự đến trước đến sau trong tình yêu bằng thói tò mò ưa suy diễn thì không đủ.

Việc hỏi thẳng xem mình là người thứ mấy của đối phương ít nhiều thể hiện sự thiếu tỉnh táo và thiếu kiên nhẫn. Đặt một câu hỏi mà gần như biết chắc câu trả lời sẽ không bao giờ làm mình hài lòng, người hỏi có lẽ đã chẳng còn lý trí (cũng phải, làm gì có ai lý trí khi đã vướng lưới tình). Đặt một câu hỏi không dễ trả lời mà lẽ ra nên giữ trong lòng chờ đối phương tự nguyện tâm sự giãi bày, người hỏi có lẽ đã hơi nôn nóng. Quan trọng nhất, với cả hai phái, khi hỏi câu này và lặp đi lặp lại nó nhiều lần, người hỏi đang thể hiện rằng mình thiếu tự tin vào tình yêu hiện tại. Với phái mạnh, việc hỏi và lặp đi lặp lại còn mang một ý nghĩa tiêu cực hơn: anh đang cho thấy một tính cách nhỏ nhen, chấp nhặt, kém bao dung, không xứng mặt đàn ông.

Tất nhiên, những nhận xét không mấy tốt đẹp trên chỉ đúng trong một số trường hợp, mỗi người lại có lý do riêng cho quyết định của mình. "Anh/em là người thứ mấy?" là một câu hỏi muôn thuở khó, vì một khi đã được đặt ra nó bắt cả người hỏi lẫn người trả lời đều phải ngoái về phía sau. Nhưng tình yêu cũng giống như một con đường dẫn về phía trước. Nếu cứ mải nhìn phía sau, biết đâu người đi đường sẽ vấp ngã, hụt chân...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro