Chương IV- Thailand và những người bạn.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chúng tôi trở lại Trung Quốc trả hàng rồi lấy sắn bột sang Thái,cái thông tin sang Thái không khỏi khiến anh em bàn tán sôi nổi,lại một thiên đường mua sắm và chơi bời nữa đang chờ đợi anh em tôi đến. Ngày đó, để nhân dịp chào mừng chuyến đến Thái,anh em trên tàu còn truyền nhau một bài hát tiếng Thái,bảo nhau nghe đi cho quen, ông nào học được thì học mấy câu để đến nơi còn bập bẹ. Lần đầu tiên đặt chân đến đất Thái,chúng tôi được vào thẳng Bangkok,thủ đô của Thailand,với tâm trạng đầy háo hức,tôi cùng một cậu thợ máy,hai thằng vừa hết ca tám giờ sáng là rủ nhau đi bờ luôn. Ngày đó tôi mới chuyển sang đi ca từ bốn giờ đến tám giờ,sáng và chiều,vẫn chưa quen giấc,người lúc nào cũng mệt mỏi,nhưng nghe cậu ấy rủ là tôi xin đại phó cho đi luôn,mệt thì mệt nhưng niềm mong chờ được khám phá tiếp cho tôi thêm sức mạnh để quên đi cơn buồn ngủ. Ở Thái có một loại xe họ gọi là “tuc-tuc”,nó như chiếc xe lam ngày xưa vẫn thịnh hành ở Việt Nam,loại xe đó chở được nhiều người và hầu như đều rất rẻ,nhưng vì chưa thông thuộc đường xá,nên hai thằng bảo nhau đi taxi cho lành,thế là gọi taxi đi thẳng vào khu chợ trung tâm chơi. Điểm làm tôi thực sự ấn tượng của Thái là họ luôn yêu thích sự sặc sỡ,những chiếc xe trang trí đủ màu sắc,hình vẽ trông thực sự nổi bật và bắt mắt. Quần áo của họ cũng vậy,hai thằng thử đi thử lại mấy cái áo hoa hoét mà không nhìn vừa mắt nổi cái nào,nhưng loạt áo bò thì lại miễn chê,lần đầu đi tôi mua được một cái áo bò mặc khá hợp và vừa vặn. Món ăn của họ thì vừa cay vừa nóng,sau khi thử một số món thấy không ăn nổi vì tôi không phải người ăn được các món cay,nên đành rủ cậu bạn vào một quán Mc Donal ăn gà rán cho lành. Ở đó có ba cô gái người Thái đang ăn,thấy bọn tôi người nước ngoài,nói thứ tiếng xa lạ,họ cứ nhìn nhìn và cười. Trong ba cô,có một cô ngồi ngoài trông xinh xắn nhất,tôi hỏi cậu bạn đi cùng:
-Mày thích chụp ảnh cùng với em xinh gái kia không?
-Có,nhưng ngại bỏ xừ.
-Tao có cách để cho mày chụp ảnh cùng nó,vấn đề là mày có dám không thôi.
-Thế sao mày không chụp?
-Tao xấu trai,không gạ được,mày cao to đẹp trai dễ hỏi hơn.
Nó nghe cũng xuôi xuôi nên để tôi bày cách,tôi nghĩ ra cách bởi họ ngồi ngay trước một bức tường của quán ăn,vốn dĩ nó sẽ rất bình thường nếu không phải nó được làm bằng gỗ vân,trên đó có dòng chữ “our chickens is hand breaded and cooked by real cook in this restaurant everyday” thật đặc biệt. Chúng tôi tiến lại gần,tươi cười,tôi chào hỏi và ngỏ ý muốn chụp lại ảnh cái bức tường sau lưng họ,họ không hiểu đầy đủ những gì tôi nói nhưng thêm mấy động tác phụ họa,họ ồ lên một tiếng rồi ngồi lùi ra. Tôi bấm mấy chụp mấy tấm rồi lại quay sang bảo cậu bạn ngồi xuống bên cạnh và chụp thêm mấy tấm nữa,sau đó tôi xem lại ảnh và lắc đầu,tôi lại quay sang cô bạn xinh gái ngồi ngoài cùng và nói rằng bức ảnh trông thật đơn điệu,liệu cô ta có thể ngồi gần lại một chút để tôi có thể chụp thêm một cô gái xinh đẹp vào cùng bức ảnh này được không? Mấy cô bạn ngồi cạnh hiểu ra ý tôi liền reo hò ầm ỹ,cô bạn kia ngượng đỏ mặt nhưng cũng vui vẻ nhận lời,tôi tỏ ra đắc ý và bấm liền mấy tấm,vừa bấm vừa ra hiệu cho họ xích lại gần nhau hơn. Đến bây giờ thi thoảng tôi vẫn lôi những bức ảnh ngày đó ra xem lại và cười một mình. Sau khi kết thúc công việc chụp hình,chúng tôi đứng dậy cảm ơn họ,cô bạn xinh gái bỗng nhớ ra và hỏi tên chúng tôi,hai thằng quay sang bàn với nhau không biết nên nói tên thật hay là tên biệt danh,rồi đắn đo mãi,cậu bạn tôi thành thật “my name is Ngọc” ba cô bạn đó khó khăn nhắc lại cái tên đó rồi cười phá lên,tẽn tò,hai thằng vội rút ngay,bỏ mặc sau lưng tiếng cười của họ vẫn còn văng vẳng. Đi xa rồi,cậu bạn tôi mới quay sang nhăn nhó “biết thế tao cứ bảo bừa là tên John hay David gì gì đó cho xong”. Kinh nghiệm xương máu thật,cứ nghĩ lại cái cười của họ là tôi lại thấy ngại,họ phát âm một cách khó nhọc cái tên của bạn tôi rồi ôm nhau cười nghiêng ngả,tôi an ủi nó “mình nghe tên bọn nó thì chắc cũng cười chả kém gì đâu,thôi,kệ đi”. Kết thúc buổi mua sắm,tôi mua được một cái đồng hồ đeo tay,trông cũng khá hợp,hai cái áo và ít hoa quả, ít đường thốt lốt gì gì đó và mấy thứ đồlặt vặt. Chúng tôi ra ngoài hỏi đường đến mấy chỗ cảnh đẹp của Bangkok,nhưng không gặp ai nói được tiếng Anh, đây là điều làm tôi bất ngờ nhất,một đất nước bao năm làm cầu nối châu Á với các nước phương Tây lại không có mấy người nói tiếng Anh? Trời nóng,chúng tôi vào mua nước uống ở một cái xe đẩy,tiện mồm tôi hỏi luôn anh chàng bán hàng xem ở Bangkok này có chỗ nào đẹp đẹp để đi xem không? Anh bạn có phần hơi nữ tính trong khi cô bạn đứng bên cạnh lại khá là to cao và trông thực sự hơi…man. Cậu ta nhiệt tình đáp lời,nhưng cũng không hiểu lắm những gì chúng tôi nói, đến mức tôi phải lấy điện thoại ra,dịch sang tiếng Thái cho họ thì họ mới hiểu,nhưng hiểu rồi,muốn nói lại để bọn tôi hiểu thì lại còn khó hơn. Sau một hồi đánh vật không thành,chúng tôi lịch sự cảm ơn rồi ngán ngẩm quay đi. Hai người bạn kia nhìn nhau cười cười một lúc,rồi cậu con trai quay sang bảo với tôi “Your friend,my friend likes him”,tôi nhắc lại với cậu bạn của tôi mà không kìm nổi một cái cười nham nhở. Cậu ta nhìn về phía cô bạn kia và nuốt nước bọt đến ực một cái,hoang mang quay đi. Vì chuyện này,cả đoạn đường về,tôi trêu cậu ta giận đến tím cả mặt. Một thời gian dài sau,tôi vẫn không biết cô bạn đó là nam hay nữ,vì mặc quần áo con gái,nhưng trông to cao rắn giỏi chẳng khác gì đàn ông…
Rời xa Bangkok,chúng tôi đến Koshichang,cũng vẫn ở Thái,nhưng chỉ là khu neo tàu thôi,kể ra như Koshichang cũng hay,chả mất công xây cầu cảng nhiều làm gì,có mỗi vùng nước sâu,các tàu vào neo rồi làm hàng ở đó,vừa đỡ tốn kém tiền xây cầu bến,lại thêm công ăn việc làm cho các chủ phà chở hàng. Tàu tôi nhỏ nên được vào sâu neo,khu này lắm mực kinh khủng. Ngày trước ở Trung Quốc tôi cùng từng thử câu mực,nhưng không thành công cho lắm khi câu được mỗi con,nên không tính,nhưng lần này,tôi câu được thật sự nhiều,phần vì có thời gian,phần vì mực quá nhiều so với quy định. Cứ thả cần,thả cước rồi giật lên là lại có mực. Ngày đó tôi đi ca 4-8 mà tầm đó tàu không làm hàng nên cứ vừa trông tàu vừa câu mực,mấy lần câu được cả bát tô mực, đem vào nấu mì mà mì chẳng thấy đâu chỉ toàn mực là mực.
   Tàu có một vị khách xinh đẹp,cô gái đó lên tàu từ đêm hôm trước,sáng hôm  sau tôi mở cửa câu lạc bộ theo thói quen định vào xem xem còn chút cơm nguội nào không,làm ít vừa đi ca vừa nhấm nháp cho đỡ đói. Vừa mở cửa phòng,thấy một đống lù lù trên ghế,tưởng ông nào dở hơi đi nằm ngủ trong câu lạc bộ nên tôi lại gần,lật cái khăn chùm người ra thì thấy đó là một cô gái. Cô ta ngái ngủ,nhăn nhó trở mình,quay mặt vào trong vì ánh đèn tôi bật lên sáng quá. Tôi vỗ vỗ mấy cái cho cô ta dậy,định bảo vào phòng tôi mà ngủ cho đỡ lạnh,vì trong câu lạc bộ điều hòa luôn chạy khỏe hơn các phòng khác,có lẽ người ta để họng gió mở to vì lúc nào câu lạc bộ cũng nhiều người. Lay lay,vỗ vỗ mãi chỉ thấy cô ta lầm bầm cái gì đó rồi cuộn tròn trong cái khăn mỏng tang ngủ tiếp. Không gọi được nên tôi để kệ,ra nhận ca cho cậu em còn về ngủ,đợt đó ở Koshichang họ không làm hàng đêm,nên buổi sáng tôi cũng khá rảnh,hay câu mực giết thời gian,mải mê câu mực,tôi cũng quên luôn cô gái Thái đó. Tầm sáu rưỡi hàng ngày,tôi hay tranh thủ đi đo nước,tắt đèn,kéo cờ và nấu đồ ăn sáng luôn,chợt nhớ ra có khách,tôi rán hai quả trứng rồi đem vào,gọi cô ta dậy,chắc là đêm qua lên muộn nên giờ phải đói lắm rồi. Tôi lại lay lay người,lần này cô ta khó chịu thật,cứ làu bàu,gắt gỏng rồi lại co quắp quay người vào trong. Nghĩ thầm trong bụng “gọi dậy cho ăn,không dậy còn khó chịu,đã thế để cho đói luôn”. Thế rồi mặc kệ cô ta,tôi lại ra đi ca tiếp,buổi sáng hôm đó,cô ta trở thành chủ đề bàn tán của mọi người,cô ta mang lên ít sim thẻ và cả một quyển danh sách các món đồ để bọn tôi mua và cô ta sẽ nhờ người chở ra. Nhìn kỹ thì cô ta không được trắng trẻo cho lắm,nhưng vóc dáng gần giống người Việt lại cũng nhỏ nhắn xinh xắn nên anh em tôi có phần thiện cảm hơn. Ở đây họ làm hàng ngay tại khu neo nên đội công nhân phải ra tận tàu,làm và ăn ngủ trên tàu luôn. Tôi nghe ông trưởng nhóm công nhân kể lại rằng,ở đây,đội công nhân đến từ rất nhiều nơi trong Đông Nam Á,mỗi một đội có một người phụ trách,quản lý hoạt động của cả đội và một hai người nấu ăn. Họ làm khoán nên thường thì họ sẽ muốn làm nhanh để có thể lại đi làm ở các tàu khác. Tôi bắt chuyện được với mấy “friends” trong đó có một anh công nhân cũng khá lớn tuổi,tóc dài và cả tuần chỉ mặc mỗi bộ bảo hộ,anh ta hay nằm ngủ gần cửa ra vào,có hai con,một trai một gái,tôi ấn tượng với anh ta vì trông rất hiền và nhộn,làm ở đâu cũng hát ầm lên. Có lần tôi đang đi kiểm tra quanh tàu,thấy anh ta nằm ngủ ở cạnh cái thùng để đồ lặt vặt sau lái,tự dưng nổi hứng,tôi lấy đoạn dây chỉ nho nhỏ khẽ khàng buộc một đầu vào ngón tay anh ta,đầu kia buộc vào chân thùng. Rồi lấy một sợi tóc ngoáy mũi anh ta,anh ta ngứa mũi,định đưa tay lên ngoáy thì mãi không vung được tay,hoảng quá,giật mình tỉnh dậy la oai oái. Tôi bò lăn ra cười,cô bé người Thái đứng sau tôi cũng cười nắc nẻ,cô ta chỉ vào tôi và nói “You are mafia,mafia”. Ở đó,họ gọi những người xấu là “mafia” và những ngày sau,cái từ đó trở thành từ cửa miệng của cô ta mỗi khi nhìn thấy tôi… Cô ta ở trên tàu thêm vài ngày,thi thoảng buổi chiều ra đi ca,có người nói chuyện cũng vui,may mà cô ta nói được tiếng Anh,không thì chỉ có khua chân múa tay như nói chuyện với đội công nhân cũng đã đủ mệt rồi.
Từ ngày đi ca này,tôi hay được ngắm hoàng hôn và bình minh,cũng chụp được mấy tấm ảnh ưng ý,lắm lúc buồn buồn,ngồi ngắm biển lại thấy nhớ quê nhà hơn bao giờ hết,đang chìm đắm trong những suy tư,bỗng hai người phụ nữ trong đội công nhân ra gặp tôi,họ có vẻ ngại ngùng,đùn đẩy nhau,cuối cùng một người hỏi tôi “You have hảo-hảo in your kitchen?”. Tôi giật mình khi họ phát âm từ “hảo-hảo” còn chuẩn hơn cả từ “kitchen”,sau giât phút ngỡ ngàng,tôi bật cười hỏi lại “Hảo hảo”,họ tươi cười gật đầu. Tưởng gì chứ hảo hảo cả thùng,tôi vào lấy cho họ năm sáu gói gì đó,họ vui sướng đem đi giấu,tối hôm sau,tôi thấy họ bắt đầu ăn và thường là lên tận chỗ ngủ riêng của họ mới ăn. Chắc hàng này phải quý lắm đây. Đội công nhân đó có một ông cụ khá là già yếu,hai người phụ nữ kia bảo là ông ta là người Trung Quốc,già lắm rồi,nhưng không có gia đình gì,ông ta rất là hiền,hỏi gì nói gì cũng chỉ cười,thi thoảng hay quấn thuốc mời tôi,nhưng tôi không hút thuốc. Lúc hết thuốc quấn lại ra xin tôi,lần đầu xin,tôi chạy vào phòng cậu bạn lấy cho điếu Thăng Long,ông ấy quý như vàng,nâng niu chán chê mới châm lửa hút,người khác xin một hơi cũng không cho. Về sau xin tôi thì không được nữa,cậu bạn kia cũng hết thuốc rồi,nên trông ông ấy khá uể oải. Già rồi mà cứ đi chân đất trên mặt boong,trông rất khổ sở. Còn có một cậu trai trẻ,chắc tầm tuổi tôi,nhìn rất giống nam diễn viên Hà Nhuận Đông của Trung Quốc,nhưng anh ta bước đi tập tễnh. Tôi nhìn đi nhìn lại vẫn thấy anh ta giống thật,mấy lần đi ca,định ra bảo anh ta rửa mặt mũi chân tay cho sạch sẽ rồi ra tôi chụp ảnh cùng,chắc chắn bạn bè tôi sẽ nghĩ tôi được gặp diễn viên nổi tiếng chứ không phải là anh công nhân ở Thái. Nghĩ bụng vậy nhưng khi ra bắt chuyện,chẳng thấy anh ta nói lại câu gì nên cũng hơi ghê ghê. Ông quản lý già của đội công nhân có vẻ là người nóng tính,có lần tôi thấy ông ta quát nạt cả đội mà không ai dám ho he câu gì,ông ta dậy tôi kiểu câu mực “nhử”,bình thường thì bọn tôi hay chơi kiểu “giật mực”,tức là thả lưỡi câu mực xuống nước,tầm từ một đến hai met tùy theo vùng nước và ngày trăng,rồi giật theo phương thẳng đứng,nhưng ông ấy lại câu kiểu nhẹ nhàng hơn,ông ây quăng lưỡi câu mực ra xa,rồi nhẹ nhàng kéo về,khá nông,thế mà vẫn câu được mực,lại còn nhiều nữa. Ngày đó cứ tối đến,tàu và đội công nhân kéo nhau ra sau lái câu mực,không ganh đua đâu,nhưng cứ bên nào câu được ít hơn là lại khó chịu,riêng ông quản lý già thì ba cần,hai cần câu cá ngâm,một cần câu mực,đó chẳng khác gì một sự gian lận cả…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro