Cau14 nho giao vn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CAu 14

2. Đặc điểm của Nho giáo Việt Nam

Có nhiều yếu tố của Nho giáo khi vào Việt Nam đã bị biến đổi cho phù hợp với truyền thống của văn hóa dân tộc. Chữ nghĩa có thể vẫn thế, nhưng cách hiểu đã khác đi nhiều.

Xã hội các quốc gia cổ đại vùng Trung Nguyên, với gốc gác du mục của mình luôn đầy biến động. Bởi vậy, Nho giáo muốn tạo nên một xã hội ổn định. Tuy nhiên ở Trung Hoa, các triều đại phong kiến chỉ dùng Nho giáo để giữ yên ngai vàng (giữ ổn định trong đối nội), còn với bên ngoài thì luôn chủ trương bành trướng (phát triển trong đối ngoại). Đối với Việt Nam nông nghiệp, ước mong về một cuộc sống ổn định, không xáo trộn là một truyền thống lâu đời. Ở Việt Nam, nhu cầu duy trì sự ổn định không chỉ có ở dân mà ở cả triều đình, không chỉ trong đối nội mà cả trong đối ngoại. Các cuộc chiến tranh mà người Việt Nam từng thực hiện đều mang tính tự vệ, với phong kiến Trung Hoa cũng thế mà đối với người Chiêm Thành cũng thế.

Để duy trì sự ổn định, làng xã Việt Nam đã tạo nên sự lệ thuộc của cá nhân vào tập thể cộng đồng bằng cách phân biệt dân chính cư - dân ngụ cư, cộng đồng hóa lĩnh vực hôn nhân; sử dụng hữu hiệu bộ máy dư luận. Tương tự, muốn duy trì sự ổn định của quốc gia, nhà nước Nho giáo đã tạo ra sự phụ thuộc của bộ máy quan lại vào nhà cầm quyền bằng hai biện pháp:

a) Biện pháp kinh tế là "nhẹ lương nặng bổng": Quan lại xưa sống không bằng lương mà chủ yếu bằng bổng do dưới nộp lên và lộc do trên ban xuống - cuộc sống được bao cấp theo lối ban ơn.

b) Biện pháp tinh thần là "trọng đức khinh tài": Khai thác truyền thống trọng đức của văn hóa nông nghiệp (mà "đức" là khái niệm rất chủ quan, mập mờ), nhà nước Nho giáo buộc quan lại không thể hành động mà không tính đến dư luận.

Yếu tố quan trọng thứ hai là việc trọng tình người. Vì trọng tình vốn là truyền thống lâu đời của văn hóa phương Nam, cho nên khi tiếp nhận Nho giáo, người Việt Nam đã tâm đắc với chữ "Nhân" hơn cả. Nhân là lòng thương người: Bán mình là hiếu, cứu người là nhân (Truyện Kiều). "Nhân" gắn liền với "Nghĩa": Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" (Nguyễn Trãi). Đối với người bình dân, "nhân đồng nghĩa với "Tình". Các chữ nhân tình, nhân ngãi (biến âm của nhân nghĩa), nhân duyên trong tiếng Việt đã trở lại nói về tình yêu trai gái. Khả năng đồng hóa Nho giáo một cách mãnh liệt thể hiện qua bài ca dao dí dỏm: Mình về ta chẳng cho về, Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ, Bài thơ ba chữ rành rành: Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba, Chữ trung là để phần cha, Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình!

Trong Nho giáo Việt Nam, việc trọng tình được bổ sung bằng truyền thống dân chủ của văn hóa nông nghiệp (vốn có trong Nho giáo nguyên thủy, nhưng đến Hán Nho đã bị loại trừ). Chính nhờ tính dân chủ ấy mà khi Nho giáo Trung Hoa thâm nhập vào Việt Nam nó đã được "làm mềm" đi, không quá hà khắc. Nhờ truyền thống dân chủ ấy mà Nho giáo Việt Nam, dù có giữ vị trí độc tôn nhưng cũng không dám loại trừ Phật giáo và hủy bỏ cái gốc Việt Nam là đạo Mẫu. Tiếp thu chữ "hiếu" của Nho giáo, người Việt Nam đặt nó trong mối quan hệ bình đẳng với cả cha và mẹ: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính ca, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Thứ ba là tư tưởng "Trung quân". Nho giáo rất coi trọng tư tưởng "trung quân" còn tư tưởng yêu nước thì không đề cập đến: quan lại Trung Hoa và võ sỹ Nhật Bản đều coi việc trung thành với "minh quân", "minh chúa", "Thiên Hoàng" làm trọng, sẵn sàng xả thân vì họ. Trong khi đó thì ở Việt Nam tiếp thu tư tưởng "trung quân" Nho giáo trên cơ sở tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc sẵn có, khiến cho cái trung quân đó đã bị biến đổi và gắn liền với ái quốc. Khi xuất hiện mâu thuẫn giữa vua và đất nước, dân tộc thì đất nước, dân tộc là cái quyết định.

Thứ tư là xu hướng trọng văn. Chính vì chịu ảnh hưởng của văn hóa nông nghiệp phương Nam nên Nho giáo nguyên thủy rất coi trọng văn, trọng kẻ sỹ. Tuy nhiên Trung Hoa có trọng thì quan văn cũng chỉ ngang hàng với quan võ. Ở các nhà nước Đông Nam Á, chữ Dũng vẫn được coi trọng nhưng ở những mức độ khác nhau: Trong quân đội Tưởng Giới Thạch, 5 đức tính được đề cao là Trí-Tín-Nhân-Dũng-Trực; trong quân đội Triều Tiên thời Silla thì đề cao Trung-Hiếu-Tín-Nhân-Dũng; còn trong quân đội Nhật thì ca ngợi Trung-Lễ-Dũng-Tín-Kiêm. Thứ bậc "sỹ-nông-công-thương"có ở cả Việt Nam và Nhật Bản, nhưng trong khi "sỹ" ở Việt Nam là văn sỹ thì ở Nhật Bản lại là võ sỹ. Ở Việt Nam, văn được coi trọng hơn hẳn võ: Tuy luôn phải đối phó với chiến tranh, nhưng người Việt Nam ít quan tâm đến các kỳ thi võ mà chỉ ham học chữ, thi văn: Một kho vàng không bằng một nang chữ. Người Việt Nam nhìn thấy ở Nho giáo một công cụ văn hóa, một con đường làm nên nghiệp lớn: Chẳng tham ruộng cả ao liền, Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ; Anh về lo học chữ Nhu, Chín trăng em đợi, mười thu em chờ

Thứ năm là thái độ đối với nghề buôn. Nho giáo Trung Hoa khuyến khích làm giàu nếu nó không trái với lễ: "Phú quý mà có thể cầu được thì dù làm kẻ cầm roi đánh xe hầu người, ta cũng làm" (Luận ngữ). Làm giàu không chỉ nên, mà còn là trách nhiệm của người cai trị: Mạnh Tử từng bàn đến các vấn đề trao đổi hàng hóa, giá cả, chính sách thu thuế chợ, thuế đường...; ông nói: "người ta có hằng sản mới có hằng tâm". Chính vì vậy mà ở Trung Hoa, Nho giáo không hề cản trở nghề buôn phát triển.

Trong khi đó thì ở Việt Nam với văn hóa nông nghiệp đậm nét, với tính cộng đồng và tính tự trị, lại có truyền thống khinh rẻ nghề buôn. Nó đã bám rễ vào suy nghĩ và tình cảm mỗi người, khiến cho nghề buôn trong lịch sử Việt Nam không thể phát triển được; nó còn được khái quát thành quan niệm mang tính chính thống: dĩ nông vi bản, dĩ thương vi mạt và đường lối trọng nông khinh thương. "Truyền thống" này khiến cho Việt Nam nông nghiệp vốn đã âm tính lại càng duy trì được sự ổn định lâu dài, tránh mọi nguy cơ đồng hóa.

Sở dĩ Nho giáo được Việt Nam dỡ ra, cải biến cho phù hợp với hoàn cảnh và truyền thống của mình, rồi cấu trúc lại một cách tài tình như thế là vì giữa Nho giáo Trung Hoa và văn hóa Việt Nam vốn có những nét tương đồng. Những nét tương đồng đó không phải là ngẫu nhiên. Đó không phải là cái gì khác mà chính là những tinh hoa của nền văn hóa nông nghiệp phương Nam mà Nho giáo nguyên thủy đã tiếp thu. Thành ra, khi vào Việt Nam, Nho giáo luôn phảng phất cái nét "vừa quen vừa lạ" rất đặc biệt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#afsd