cau16as

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu 16: Chính sách xã hội là gì? Trình bày những nội dung cơ bản của chính sách xã hội ở nước ta hiện nay?

TRẢ LỜI

1. Chính sách xã hội.

Chính sách xã hội là bộ phận cấu thành chính sách chung của một chính đảng hay một chính quyền Nhà nước hướng tới lĩnh vực xã hội, nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống con người, nhu cầu lợi ích của các nhóm người, các tầng lớp xã hội, các giai cấp, các dân tộc trong xã hội; đồng thời góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với bản chất giai cấp và những mục tiêu của chính đảng hay của chính quyền đó.

Phạm vi chính sách xã hội phải giải quyết bao trùm mọi mặt của đời sống con người như điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc...

Trong CNXH, nhân dân lao động là người làm chủ; chính xã hội đặt con người với tất cả những nhu cầu và lợi ích phong phú, đa dạng vào vị trí trung tâm của sự phát triển, lấy việc phục vụ con người, phát triển toàn diện con người là mục tiêu cao nhất của chính sách xã hội XHCN. Từ đó cho thấy, "chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc của con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH". Đồng thời đó cũng là động lực thúc đẩy mạnh việc phát triển các mặt đời sống xã hội trên đường đổi mới đất nước vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Quan hệ giữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế:

- Chính sách kinh tế và chính sách xã hội có quan hệ gắn bó với nhau là do bị quy định bởi:

+ Mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và xã hội;

+ Điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam - từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa với yêu cầu tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội;

+ Truyền thống nhân đạo "khoan thư sức dân" và từ việc tổng kết thực tiễn của cách mạng nước ta;

+ Yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Chính sách kinh tế và chính sách xã hội có quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước:

+ Chính sách kinh tế phải hướng tới mục tiêu xã hội, tạo điều kiện vật chất để giải quyết các vấn đề xã hội, tìm động lực từ các nhân tố xã hội, lấy hiệu quả phục vụ xã hội làm thước đo cao nhất để xác định phương án và kết quả hoạt động kinh tế;

+ Chính sách xã hội phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế, tạo mội trường xã hội thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, làm nảy sinh những nhân tố động lực xã hội cho sự phát triển kinh tế.

- Chính sách kinh tế và chính sách xã hội tác động lẫn nhau, thúc đẩy nhau phát triển, do đó cần phải kết hợp chặt chẽ và giải quyết hài hòa quan hệ giữa chúng phù hợp với từng thời kỳ, từng điều kiện của đất nước. Việc kết hợp chính sách kinh tế và chính sách xã hội ở nước ta hiện nay:

+ Vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển.

+ Là nét đặc trưng của định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện bản chất tốt đẹp, nhân đạo cao cả của chủ nghĩa xã hội.

+ Thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn coi con người là trung tâm, là mục đích của sự phát triển kinh tế, lấy việc phục vụ con người là mục tiêu của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

2. Nhiệm vụ chủ yếu của chính sách xã hội hiện nay ở nước ta.

a. Phương hướng của chính sách xã hội:

"Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phương hướng lớn của chính sách xã hội ở nước ta hiện nay là: Phát huy nhân tố con người trên cơ sở đảm bảo công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân. Kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể xã hội.

b. Quan điểm chỉ đạo chính sách xã hội:

Hệ thống chính sách xã hội được hoạch định phải quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau:

+ Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ở cả khâu phân phối lẫn tạo cơ hội sử dụng tốt năng lực của con người trong toàn bộ tiến trình phát triển.

+ Thực hiện nhiều hình thức phân phối, trong đó, lấy phân phối theo kết quả lao động vừa là hình thức chủ yếu lại vừa là nguyên tắc chi phối các loại hình phân phối khác nhằm điều tiết hợp lý và bảo hộ quyền lợi của người lao động.

+ Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo. Thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, tầng lớp dân cư.

+ Phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa", nhân hậu, thủy chung.

+ Các vấn đề chính sách xã hội đều phải theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước đóng vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cá nhân và các tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội

c. Các nhiệm vụ chủ yếu của chính sách xã hội:

- Khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp, thực hiện có hiệu quả chính sách xóa đói, giảm nghèo.

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách bảo đảm cung ứng dịch vụ công cộng thiết yếu, bình đẳng cho mọi người dân về giáo dục, đào tạo, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, văn hóa thông tin, thể dục thể thao...

- Phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, đảm bảo mọi người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

- Xây dựng chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi.

- Thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

- Chú trọng chính sách ưu đãi xã hội.

- Đổi mới cơ chế quản lý và phương thức cung ứng các dịch vụ công cộng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro