cau18as

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu 18: Phân tích những bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam?

TRẢ LỜI

1. Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội:

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, là ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng Việt Nam; là tư tưởng chủ đạo để xác định đúng đắn một loạt vấn đề chiến lược và phương pháp cách mạng. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là sự kết hợp vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp của giai cấp công nhân, kết hợp hai nguồn sức mạnh để tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp toàn diện và vô tận nhằm chiến thắng tất cả lực lượng phản động để đưa từng dân tộc đi đến chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội trước hết phải giành thắng lợi trong phạm vi từng dân tộc. Chủ nghĩa xã hội và dân tộc không thể tách rời nhau.

Cách mạng đã phát triển lên tầm cao mới đòi hỏi việc nhận thức và vận dụng kinh nghiệm lịch sử cũng phải đi vào chiều sâu và có sức sáng tạo mới. Những đặc điểm của dân tộc, của đất nước Việt Nam, những quy luật cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu. Vận dụng những quy luật đó vào Việt Nam để giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra, để tìm hệ thống quy luật cách mạng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đang đòi hỏi sự nỗ lực cao độ về trí tuệ của toàn Đảng và toàn dân tộc.

Những thành tựu to lớn qua hơn 20 năm đổi mới cho thấy lời giải ngày càng sáng tỏ, hướng đi ngày càng được khẳng định, nhận thức của chúng ta ngày càng nâng cao và mở rộng về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhưng trước mắt vẫn còn nhiều vấn đề nan giải. Kiên định quan điểm độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo cho chúng ta ngày càng khám phá thêm những điều cần biết về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; thực hiện CNH, HĐH đất nước bằng sức mạnh của nhân dân, bằng phát huy nội lực trong điều kiện hội nhập với khu vực và thế giới nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là biểu hiện tập trung nhất sự vận dụng kinh nghiệm lịch sử nói trên trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

2. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân:

Quần chúng nhân dân quyết định lịch sử là một nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, là quy luật phổ biến của xã hội loài người. Ở Việt Nam, một nước đất không rộng, người không đông lại phải đương đầu với những tên đế quốc lớn và từ nghèo nàn lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội thì quy luật này lại càng quan trọng.

Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Không ai có thể tạo ra cách mạng khi nhân dân không yêu cầu. Không ai có thể ép buộc nhân dân làm cách mạng. Do không chịu nỗi nhục mất nước, nên cả dân tộc đứng lên chống xâm lược. Do không chịu đói nghèo và bất công nên toàn dân thấy cần phải làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng là sự nghiệp do nhân dân làm lấy. Sức mạnh quyết định của cách mạng là ở dân. Khi toàn dân đứng dậy thì không lực lượng phản động nào có thể ngăn cản được. Không sức mạnh nào lớn hơn nhân dân.

Cách mạng còn là sự nghiệp vì nhân dân. Mục tiêu trước mắt và lâu dài của cách mạng đều vì lợi ích của nhân dân. Không vì lợi ích nhân dân cách mạng sẽ mất tính cách chính nghĩa và nhân văn. Ngoài lợi ích của nhân dân, cách mạng không vì lợi ích nào khác. Các nhà cách mạng chân chính đều luôn luôn tâm niệm vì lợi ích nhân dân mà chiến đấu, hi sinh, vì nhân dân phục vụ. Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào ngoài lợi ích của nhân dân.

Đường lối đổi mới bắt bắt nguồn từ nhân dân. Nhân dân không những đòi hỏi đổi mới mà còn tạo tiền đề cho đường lối đổi mới ra đời. Phương châm: mọi hoạt động của Đảng đều phải "lấy dân làm gốc" được nhấn mạnh là cách khắc phục thiếu sót trước đó để đi đúng quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Khẩu hiệu: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cũng được ra đời theo phương châm đó để quán triệt hơn nữa vai trò của nhân dân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đứng trước thời cơ và nguy cơ hiện nay, muốn phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, chống tham nhũng và tiêu cực để thực hiện CNH, HĐH đất nước không có cách nào khác ngoài việc Đảng phải dựa vào nhân dân. Nhân dân rất sáng suốt, nên nhân dân sẽ tìm ra hình thức, biện pháp để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển.

Đảng ta luôn luôn đứng vững trên lập trường công nhân để xem xét và giải quyết quan điểm quần chúng trong cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong lãnh đạo cần khắc phục tư tưởng theo đuôi quần chúng, hoặc coi thường quần chúng; khắc phục tính tự phát hoặc vô chính phủ trong nhóm quần chúng này hay nhóm quần chúng khác...

3. Không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại:

Đoàn kết là sức mạnh. Sức mạnh này không phải là số cộng của nhiều người mà được nhân lên tùy mức độ liên kết thành một khối thống nhất. Đây là sức mạnh của ý chí, nghị lực; sức mạnh của trí tuệ, tinh thần và cả sức mạnh vật chất. Mỗi thành viên đều thấy sức mạnh mình tăng lên khi nằm trong khối đoàn kết ấy. Sức mạnh này không thể đo, đếm định lượng thông thường; nhưng có thể nhận thức được.

Đoàn kết là bài học quan trọng trong lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam. Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh:

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công"

Đoàn kết có nhiều cấp độ khác nhau: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đoàn kết nào cũng phải xây dựng theo những nguyên tắc nhất định.

Để thực hiện đoàn kết dân tộc, trước hết Đảng phải chứng tỏ đường lối đúng đắn của mình trước quần chúng, nêu rõ nhiệm vụ cách mạng đều đáp ứng nguyện vọng cơ bản của nhân dân, phù hợp với quy luật khách quan của xã hội; phải thể hiện Đảng là người đại diện chân chính cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Đoàn kết dân tộc còn là cơ sở để mở rộng quan hệ quốc tế. Cách mạng một nước là bộ phận cách mạng thế giới nên cần sự đồng tình và ủng hộ của thế giới, cần có đoàn kết quốc tế. Do đặc điểm nước ta, đoàn kết quốc tế lại càng quan trọng. Đoàn kết quốc tế làm tăng thế và lực của cách mạng Việt Nam lên nhiều lần, làm cho cách mạng Việt Nam giảm tổn thất và thúc đẩy quá trình giành thắng lợi.

Để đoàn kết quốc tế, Đảng phải có đối ngoại phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và thế giới trong từng giai đoạn lịch sử. Trước đây, đoàn kết quốc tế để giành độc lập dân tộc. Ngày nay, đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Do hoàn cảnh thế giới và Việt Nam đã có nhiều thay đổi, do yêu cầu chiến lược cách mạng cũng khác thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nên Đảng có đường lối đối ngoại mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá, theo tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển... Nhờ đó, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước phát triển thuận lợi.

Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế tác động tích cực lẫn nhau để thực hiện kết hợp sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam. Đảng phải mạnh, phải đoàn kết chặt chẽ là điều kiện quyết định để thực hiện thành công và phát huy hiệu quả khối đoàn kết nói trên.

4. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam do nhiều nhân tố tạo nên, nhưng nhân tố hàng đầu là có sự lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là bộ tham mưu, là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và công bố Cương lĩnh cách mạng của mình thì cách mạng Việt Nam chuyển sang bước ngoặt vĩ đại. Đó là thời kỳ kết thúc cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước và mở đầu thời kỳ cả dân tộc đi theo ngọn cờ của Đảng. Điều đó chứng tỏ dân tộc ta sớm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các giai đoạn phát triển về sau, Đảng càng tỏ rõ năng lực lãnh đạo sáng suốt của mình bằng cách đưa cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều hiểm nguy tưởng như không vượt nổi để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, không có một tổ chức chính trị nào khác có thể đương đầu với kẻ thù xâm lược và với những khó khăn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Không có Đảng lãnh đạo, cách mạng Việt Nam không thể như ngày nay.

Vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện ở việc Đảng đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn; biết tập hợp, tổ chức, động viên lực lượng cách mạng; biết sử dụng những hình thức, phương pháp đấu tranh và hoạt động phong phú, linh hoạt để thực hiện đường lối thành công.

Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là quá trình khó khăn, gian khổ. Nhưng kiên trì thực hiện những nguyên tắc xây dựng Đảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng sẽ trưởng thành theo yêu cầu của lịch sử.

Yêu cầu mới mới của cách mạng đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu mới thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình, xứng đáng là nhân tố hàng đầu bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro