câu 8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.      Phân tích 4 khía cạnh thế giới tương lai?

Có 4 viễn cảnh của thế giới trong tương lai được đưa ra: Kịch bản thứ nhất được xác định bởi sự hùng mạnh toàn diện của Mỹ, kéo dài tới vài chục năm đầu của thế kỷ XXI. Kịch bản thứ hai xuất phát từ việc trong số các đối thủ của Mỹ sẽ nổi lên những khuôn mặt đáng giá như Trung Quốc hay EU, và điều này sẽ chuyển hóa trạng thái thế giới thành lưỡng cực. Kịch bản thứ ba đưa ra sơ đồ thế giới, trong đó Trung Quốc, Nga, Ấn Độ có những khu vực ảnh hưởng riêng xoay quanh chúng. Kịch bản thứ tư của sự phát triển thế giới – giả định sự cùng tồn tại của 6 hoặc 7 nền văn minh.

a.      Thế giới đơn cực:

Những người ủng hộ sự bá quyền đơn cực kêu gọi giới lãnh đạo Mỹ tận dụng cơ hội lịch sử có một không hai và vô giá này. Cấu trúc của “tòa nhà” đơn cực sẽ được xây dựng trên “ba con cá voi”: 1. Một cơ chế kinh tế có hiệu quả nhất nhờ vào sự hoàn thiện các tổ chức công nghệ, hệ thống hối đoái, vị thế đứng đầu về thương mại thế giới và sự thâu tóm các công ty xuyên quốc gia hùng mạnh nhất; 2. Một xã hội hấp dẫn về văn hóa, cởi mở với thế giới bên ngoài – nhờ tổ hợp được các yếu tố: trình độ lãnh đạo, một xã hội biết hy sinh, một hệ tư tưởng hấp dẫn, sự thống trị trong lĩnh vực chế xuất các luồng thông tin, một vị thế của nhà lập pháp có khả năng kiến tạo các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, một người bảo vệ quyền công dân, một trường Đại học toàn thế giới, một trung tâm khoa học thế giới đầy hấp dẫn đối với thế hệ trẻ giàu nhiệt huyết; 3. Khả năng vận dụng sức mạnh ở cấp độ toàn cầu dựa trên các lực lượng vũ trang quy mô lớn và có trình độ - được hỗ trợ bởi các đồng minh lớn mạnh, mạng lưới tình báo rộng khắp và bởi một nền kinh tế quân dự đầy hiệu quả. Mỹ đang nhân lên các nỗ lực bằng cách dành ngày càng nhiều nguồn tài lực cho các cuộc can thiệp đầy tham vọng ở cấp độ toàn cầu. Sự huy động thành công các tiềm năng của Mỹ và sự suy yếu của các đối thủ tiềm tang đang đảm bảo cho Mỹ vị thế của một cường quốc đứng đầu thế giới. EU đánh giá cao mối quan hệ với Mỹ bởi sự đồng thuận về tâm lý giữa các thành viên của nó tỏ ra khá mờ nhạt. Trong khi đó, NATO – công cụ kiểm soát của Mỹ lại tỏ ra khá chắc chắn. Nhật Bản và Đức bị đều bị khống chế bởi những quan hệ chặt chẽ mang tính bắt buộc, do đó sẽ không thể trở thành các siêu cường quốc đối trọng. Trung Quốc cần thị trường, đầu tư và công nghệ của Mỹ. Nga cần sự trợ giúp của các tổ chức tài chính quốc tế, các khoản đầu tư của phương Tây, các kênh thâm nhập và thị trường Mỹ, sự đổi mới công nghệ, sự tuân thủ quy tắc cân bằng chiến lược, sự ủng hộ của Mỹ đối với các khuynh hướng riêng mang tính khu vực, sự kiềm chế xu hướng mở rộng NATO. Qua nhiều thế kỷ, Vương quốc Anh im lặng đồng nghĩa với việc chấp thuận sự vượt trội của Mỹ trong và sau chiến tranh thế giới thứ II. Anh không muốn bị hòa tan trong EU, nó đánh giá cao “mối quan hệ đặc biệt” với Washington, đồng thời tin cậy vào các cơ chế kiềm chế của Mỹ đối với Đức. Còn Pháp trông đợi vào sự trợ giúp của Mỹ như là giải pháp cuối cùng, nếu Đức trỗi dậy theo đường lối tự quyết; đồng thời, Pháp cũng không muốn bị tụt hậu về công nghệ. Áp lực của các công ty Mỹ, các công ty đa quốc gia, các ngân hàng và các quỹ đối với chính phủ Mỹ đòi mở cửa, để có thể thâm nhập được vào các thị trường đầu tư, tiêu thụ và các nguồn nguyên liệu; khát vọng mở rộng phạm vi dự báo, phạm vi có hiệu lực của quyền sở hữu… tất cả những cái đó có thể kích thích Mỹ đi đến bá quyền.

b.      Thế giới lưỡng cực:

Cộng đồng quốc tế, bằng trực cảm, đang đứng lên chống lại sự bá quyền. Một điều chắc chắn là Washington sẽ không dễ dàng chi phối được đường lối của Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp, theo xu hướng có lợi cho nó. Để tạo dựng một thế giới chịu sự kiểm soát thật sự từ một trung tâm, phải cần tối thiểu là hai tiền đề: sự gần gũi về ngôn ngữ và sự hòa hợp về tôn giáo. Sự bá quyền hay sự lãnh đạo của Mỹ đòi hỏi phải khẳng định tiếng Anh với tư cách là ngôn ngữ của toàn thế giới, nhưng thực tế số lượng người nói tiếng Anh đang giảm đi trong nửa cuối thế kỷ XX. Có liên quan đến vấn đề hòa hợp tôn giáo trong thế kỷ XX, giữa Thiên chúa giáo của phương Tây và Hồi giáo vẫn chưa có bên nào thắng thế một cách rõ rệt. Điều đó có nghĩa là một loạt nước có chủ quyền thật sự có cơ hội bứt khỏi quỹ đạo của siêu cường duy nhất, do vậy biến hệ thống đơn cực thành thế giới đa cực. Tuy nhiên, sức mạnh đơn độc của một cường quốc có lẽ không đủ để thách thức sự bá chủ của Mỹ. Tương lai sẽ hình thành nên hai khối lớn: Liên min Mỹ - Nhật chống lại liên minh châu Âu – Nga. Những quyền lợi mâu thuẫn nhau sẽ gây ra các cuộc đụng độ không tránh khỏi và có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới kéo dài. Trong vòng vài chục năm, người châu Á sẽ làm được điều mà phương Tây phải mất nhiều thế kỷ. Sự nổi lên của Trung Quốc bắt đầu làm mất đi tính ổn định của hệ thống thế giới. Sau 20 năm, GDP của Trung Quốc sẽ lên tới 20 nghìn tỷ đola, đẩy GDP của Mỹ xuống vị trí thứ 2. Các nhà nghiên cứu người Mỹ - Richard Bernstain và Robert Manro coi sự trỗi dậy của Trung Quốc như một “thách thức khó khăn nhất”. Việc Mỹ trở thành siêu cường duy nhất đã buộc các nước thuộc EU phải suy nghĩ và tìm cách khôi phục vai trò của mình trong tương lai. EU đang thực hiện cuộc bành trướng không ngừng về thương mại, ký kết hiệp định hợp tác với 80 nước. Sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu dẫn đến sự hình thành một trật tự kinh tế quốc tế lưỡng cực.

c.      Thế giới đa cực:

Các tiềm năng kinh tế phải chịu tải quá mức, giới lãnh đạo trong nước bị suy yếu, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm trên trường quốc tế làm hồi sinh thế giới đa cực. Việc quay trở lại tình trạng bình thường sẽ được đẩy nhanh nhờ vào những sự kiện có quy mô tương tự như cuộc Nội chiến ở Mỹ hay cuộc Đại suy thoái. Tính đa cực sẽ xuất hiện trong cuộc đối đầu giành bá quyền khu vực giữa EU và Nga; giữa Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Các nước có tham vọng tạo lập cực của mình sẽ tìm cách thoát ra khỏi vòng tay bảo hộ của nước đỡ đầu. Tiến trình chủ yếu của kịch bản này là sự hình thành 3 khối: EU, khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và nhóm các nước Đông Á. Việc phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ là nhân tố tác động mạnh nhất đến sự hình thành thế giới đa cực. “Châu Á, châu Âu và châu Mỹ sẽ xuất hiện với tư cách là các khối kinh tế khu vực do Nhật Bản, Đức và Mỹ đứng đầu. Trên phương diện phát triển công nghệ, phần thế giới còn lại sẽ tùy thuộc ngày càng nhiều vào ba khu vực chủ đạo đó”. Waltz dự báo rằng ảnh hưởng của Đức sẽ thay thế Nga ở Đông Âu. Nga sẽ xích lại gần Đức và Nhật Bản, còn Mỹ sẽ rời châu Âu. Nhưng chính quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản và Trung Quốc ở khu vực Đông Á sẽ là “chiếc chìa khóa của hòa bình trong thế kỷ tới, vì chính ở đó sẽ xuất hiện đối thủ chủ yếu của Mỹ”.

d.      Thế giới của 7 nền văn minh:

Sự kết thúc của trận chiến tư tưởng lại mở ra những bất đồng cơ bản, xuất phát từ sự khác nhau về truyền thống, quá khứ, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, chuẩn mực đạo đức. Thế giới đang trở nên đa văn minh và các giá trị phương Tây không còn được coi là vạn năng; hiện đại hóa không còn đồng nghĩa với phương Tây hóa. Các cuộc xung đột chủ yếu trong thể kỷ XXI sẽ diễn ra tại đường phân tuyến tạo nên bởi sự cách biệt giữa các nền văn minh. (1) Nền văn minh châu Mỹ Latinh cam chịu vai trò hạng hai của mình. Nền văn minh này hy vọng được gia nhập NAFTA; lựa chiều để thu hhuts sự đầu tư của Nhật Bản và phương Tây. (2) Khi bước vào thiên niên kỷ mới, nền văn minh Đông Âu đã cảm nhận được ý nghĩa của đạo Thiên chúa Chính thống và sự khác biệt của chủ nghĩa tập thể, của đạo đức lao động mà nó đang có so với phương Tây. Sự khác biệt về kinh nghiệm lịch sử, quan điểm của giới lãnh đạo và của quần chúng so với phương Tây là trở lực đối với Đông Âu trong công cuộc xây dựng một thứ chủ nghĩa tư bản hợp lý trong một xã hội phi lý; một thị trường tự do trong môi trường vô chính phủ, thiếu tinh thần yêu lao động và thiếu đạo đức cạnh tranh. (3)Thế giới văn minh Hồi giáo đã biến các đường biên giới bên ngoài của mình ở Cận Đông, châu Âu, châu Á, châu Phi thành các chiến tuyết thực sự. Người theo Hồi giáo đến năm 2025 dự đoán là 19,2%. (4) Nền văn minh Trung Quốc đang thực hiện sự kết hợp kỳ diệu giữa công nghệ tân tiến với chủ nghĩa khắc kỷ truyền thống, và thể hiện sự tự ý thức ngày một cao, sự đoạn tuyệt dứt khoát đối với hàng loạt những khiếm khuyết trước đây. (5) Vào năm 2025, nền văn minh Nhật Bản sẽ chiếm 1,5% dân số thế giới và 8% tổng sản phẩm thế giới. (6) Nền văn minh phương Tây sẽ tiếp tục duy trì trong một thời gian dài ưu thế của nó trong thế kỷ XXI, những sẽ mất đi quyền lực thống trị của mình. Sự tổn vong của phương Tây phần nhiều sẽ tùy thuộc vào việc họ nhận thức được tính chất đặc biệt của nền văn minh của mình; vào mức độ sẵn sàng hy sinh của dân chúng; và vào việc vạch ra được chiến lược có hiệu quả.

Sự đối đầu Hồi giáo – phương Tây sẽ đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu sự tự khẳng định của Trung Quốc đang làm Mỹ, châu Âu, Nga và Ấn Độ lo ngại, thì có thể dự đoán rằng các nước này sẽ xích lại gần nhau để đối phó với liên minh Trung Quốc – Nhật Bản – thế giới Hồi giáo. Sự tán dương chiến thắng xuất hiện sau chiến tranh lạnh hiện đang bị suy yếu dần. Thế giới cảm nhận được rằng bước phát triển tiếp theo sẽ là trạng thái khủng hoảng. Sự đơn cực và nhất là những mưu toan bá quyền chắc chắn sẽ vấp phải sự phản kháng từ phía các nguồn sức mạnh to lớn khác. Quá trình chuyển sang trạng thái đa cực của thế giới không hứa hẹn là sẽ phẳng lặng. Thế giới sẽ tiến đến điểm mà tại đó nổ ra “sự đụng độ giữa các nền văn minh”, sự trỗi dậy của các nước nghèo chống lại nước giàu và sự phân chia lại các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt dần của trái đất. Những kẻ tin tưởng những kẻ bắt chước con đường phát triển của phương Tây sẽ phải tỉnh ngộ một cách cay đắng rằng về nguyên tắc, con đường của phương Tây là độc nhất vô nhị và do đó không thể lặp lại. Vậy sự thách thức từ phía các khu vực ít được lịch sử ưu ái đối với sự thống trị toàn cầu sẽ trở thành một vấn đề nổi trội trong chương trình nghị sự quốc tế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro