cau2aaaaaaaaaaaaaa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

2.2. Các biện pháp chặt nuôi dưỡng.

2.2.1. Cơ sở lý luận và tính tất yếu của chặt nuôi dưỡng.

           Chặt nuôi dưỡng là biện pháp chính để nuôi dưỡng rừng bằng cách chặt đi một số cây rừng nhằm tạo điều kiện cho những cây phẩm chất tốt được giữ lại sinh trưởng, nuôi dưỡng hình thân, tạo tán, tăng lượng sinh trưởng, cải thiện chất lượng gỗ và nâng cao các chức năng có lợi khác của rừng.

           - Cơ sở lí luận của chặt nuôi dưỡng

           Chặt nuôi dưỡng dựa trên quy luật phân hoá và tỉa thưa tự nhiên của cây rừng trong lâm phần. Ở giai đoạn tuổi nhỏ, mối quan hệ giữa các rừng thường là mối quan hệ hỗ trợ, khi cây rừng khép tan, mối quan hệ đó chuyển thành mối quan hệ cạnh tranh bởi sự thiếu hụt về không gian sống (ánh sáng, dinh dưỡng khoáng...), do kích thước của cá thể cây rừng tăng lên theo thời gian. Tại thời điểm khép tán, hiện tượng tỉa cành tự nhiên bắt đầu xảy ra. Hiện tượng phân hoá cây rừng diễn ra và kết quả cuối cùng là sự đào thải tự nhiên theo quy luật “giảm mật độ theo tuổi”.

           Vì vậy, xét trên phương diện sinh vật học, thông qua chặt nuôi dưỡng nhằm làm tăng diện tích và thời gian quang hợp cho những cây được giữ lại.

           - Tính tất yếu của chặt nuôi dưỡng.

           Trong sản xuất lâm nghiệp, chặt nuôi dưỡng là biện pháp tất yếu phải tiến hành bởi một số lí do chính như sau:

           + Chặt nuôi dưỡng sẽ thay thế những quá trình chọn lọc tự nhiên vô ý thức nhiều khi đi ngược lại với mong muốn của con người bằng tỉa thưa chọn lọc nhân tạo có tính toán theo lợi ích của con người.

           + Chặt nuôi dưỡng sẽ điều tiết mạng hình phân bố cây để cây có được không gian sống thích hợp.

           + Dựa vào nguyên lí “rừng và hoàn cảnh là một khối thống nhất”, chặt nuôi dưỡng sẽ làm thay đổi chế độ ánh sáng, chế độ nhiệt, chế độ ẩm theo hướng có lợi cho sinh trưởng của cây rừng.

           + Chặt nuôi dưỡng sẽ điều chỉnh được kết cấu rừng phù hợp với chức năng của mỗi loài rừng như: rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

           + Do chu kỳ sản xuất lâm nghiệp dài nên chặt nuôi dưỡng có thể tận thu các sản phẩm trung gian để giải quyết các lợi ích ngắn hạn.

2.2.2. Mục tiêu và nhiệm vụ của chặt nuôi dưỡng.

2.2.2.1. Mục tiêu.

           Mục tiêu chung của chặt nuôi dưỡng trước hết được quyết định bởi mục đích kinh doanh của lâm phần trong cả chu kỳ. Tuy nhiên, ở bất kỳ mục đích kinh doanh nào, chặt nuôi dưỡng cũng nhằm duy trì rừng như là một hệ sinh thái trong đó các nhân tố tự nhiên ở thế cân bằng, sức sản xuất ổn định và đáp ứng được các yêu cầu xã hội đặt ra đối với nó.

           Mục tiêu cụ thể của chặt nuôi dưỡng là nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng rừng, và các chức năng có lợi khác của rừng, chúng bao gồm:

           - Tăng khả năng chống chịu với những tác động bất lợi từ bên ngoài như (gió bão, sâu bệnh, lửa rừng,….)

           - Thu hoạch các sản phẩm trung gian (gỗ và phi gỗ)

           - Nâng cao sản lượng rừng, tăng chất lượng sản phẩm khi khai thác chính và cải thiện tình hình vệ sinh rừng

           - Nâng cao được chức năng giữ gìn bảo vệ và điều hòa nguồn nước và các lợi ích khác của rừng.

           - Tạo ra được các các tiền đề sinh thái – kỹ thuật để tạo nguồn hạt giống trước khai thác chính

2.2.2.2. Nhiệm vụ của chặt nuôi dưỡng

           Nhiệm vụ cơ bản của chặt nuôi dưỡng rừng bao gồm bốn nội dung chính sau:

           - Điều chỉnh tổ thành

           + Điều chỉnh tổ thành loài

           Nhiệm vụ này được căn cứ trên cơ sở tổ thành mục đích cần đạt được về thành phần loài cây khi rừng thành thục. Điều này cần phải được xác định trước cho từng đối tượng cụ thể trên cơ sở phân tích điều kiện tự nhiên của quần xã đó và những yêu cầu cụ thể mà quần xã này phải đáp ứng như cung cấp gỗ lớn, gỗ nguyên liệu, gỗ củi, đặc sản hay phòng hộ. Thông thường nhiệm vụ điều chỉnh tổ thành không thể giải quyết trong một lần chặt nuôi dưỡng mà phải qua nhiều lần để tránh những tổn hại do chặt nuôi dưỡng với cường độ mạnh gây ra.

           + Điều chỉnh tỷ lệ mỗi loài

           Khi điều chỉnh thành phần loài cần chú ý tới điều chỉnh tỷ lệ loài trong chặt nuôi dưỡng được dựa trên cơ sơ phân tích đặc điểm sinh trưởng, đặc tính sinh vật học, đặc tính sinh vật học, chất lượng và giá trị của những loài đó. Trong mỗi một giai đoạn phát triển khác nhau của quần xã, tỷ lệ hỗn loài có thể thay đổi, do đó nhiệm vụ điều chỉnh tỷ lệ hỗn loài cũng cần được tiến hành nhiều lần trong toàn bộ quá trình nuôi dưỡng rừng.

           + Điều chỉnh kiểu hỗn loài

           Nhiệm vụ điều chỉnh kiểu hỗn loài cũng đồng thời được chú ý với điều chỉnh thành phần và tỷ lệ hỗn loài và được xem xét theo hai chiều: chiều ngang là sự phân bố của các loài theo nhóm, theo băng,…; chiều thẳng đứng là nhằm tạo ra cấu trúc khép tán dọc để hình thành các tầng khác nhau.

           - Điều chỉnh mật độ

           Bản chất của nhiệm vụ điều chỉnh mật độ trong chặt nuôi dưỡng là thay thế tỉa thưa tự nhiên bằng tỉa thưa nhân tạo. Nhiệm vụ này được coi là quan trọng nhất trong chặt nuôi dưỡng không chỉ đối với rừng thuần loài, đều tuổi mà còn cả ở rừng hỗn loài khác tuổi, cơ sở của điều chỉnh mật độ là dựa vào việc xác định mật độ tối ưu của lâm phần. Việc điều chỉnh mật độ sao cho duy trì được mật độ lâm phần tiệm cận được với mật độ tối ưu sẽ tạo cho cây rừng tận dụng được điều kiện lập địa một cách cao nhất, qua đó cây rừng sẽ cho lượng tăng trưởng tối đa.

           - Điều chỉnh mạng hình phân bố cây

           Bản chất của nhiệm vụ điều chỉnh mạng hình phân bố cây trong chặt nuôi dưỡng là điều chỉnh không gian dinh dưỡng cho từng cá thể sao cho không gian đó phù hợp với nhu cầu ánh sáng, nước và dinh dưỡng khoáng của cây rừng trong từng giai đoạn phát triển.

           Đối với rừng thuần loài kiểu phân bố cây rừng tốt nhất là phân bố đều, với kiểu phân bố này mỗi cá thể đảm bảo có được một khoảng không gian sống giống nhau, giảm thiểu được sự cạnh tranh cùng loài.

           Đối với những quần xã hỗn loài việc điều chỉnh mạng hình phân bố cây có nhiệm vụ phức tạp hơn  không chỉ điều chỉnh không gian dinh dưỡng mà còn phải xem xét đến các mối quan hệ khác như sinh hóa (phytonxit, các chất tiết của hệ rễ, vi khuẩn hoặc nấm cộng sinh...) hoặc các mối quan hệ cơ giới  như giao tán, thành tầng.

           - Nâng cao chất lượng lâm phần

           Mọi tác động trong quá trình chặt nuôi dưỡng đều nhằm dẫn dắt sự phát triển của từng cá thể và toàn lâm phân (hay quần xã) theo hướng đạt chất lượng cao nhất. Chất lượng lâm phần trước hết được thể hiện ở chất lượng gỗ. Việc loại bỏ những cây rừng nhằm điều chỉnh tổ thành, điều chình mật độ và mạng hình phân bố cây nêu trên chính là tiền đề để đạt tới nhiệm vụ nâng cao chất lượng lâm phân trong quần xã. Chọn lọc và giữ lại các cây tốt, cây khoẻ, có giá trị trong lâm phần qua đó tăng kích thước và tỷ lệ lợi dụng gỗ là một nhiệm vụ quan trọng.

           Nhiệm vụ cụ thể của chặt nuôi dưỡng rừng là:

           + Tạo ra mật độ tối ưu ở rừng phù hợp với các đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và kiểu rừng ở từng địa phương.

           + Rút ngắn thời hạn nuôi dưỡng rừng, đưa rừng sớm đạt tuổi thành thục công nghệ và nâng cao lượng tăng trưởng của những cây để lại sau khi chặt.

           + Chọn lọc và giữ lại những cây tốt, khỏe, có giá trị nhất trong lâm phần để hấp thụ năng lượng bức xạ mặt trời và các chất dinh dưỡng khoáng.

           + Tăng tính ổn định của rừng đối với các nhân tố bất lợi từ bên ngoài như gió bão, lửa rừng, sâu bệnh hại,….

           + Cải thiện tình hình vệ sinh rừng, loại bỏ nguy cơ cháy rừng. Giữ gìn và nâng cao chức năng bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước và các chức năng có lợi khác của rừng.

           + Cải thiện điều kiện sống cho cây tái sinh ở giai đoạn nuôi dưỡng cuối hoặc tạo môi trường thích hợp cho cây ra hoa kết quả, cung cấp nguồn giống trước khi khai thác chính.

2.2.3. Các loại chặt nuôi dưỡng.

2.2.3.1. Chặt giải phóng (release cutting)

           Đồng nghĩa với chặt giái phóng còn có các thuật ngữ: chặt trừ, chặt thấu quang và chặt cải thiện. Đối tượng tác động của các loài chặt này là rừng non ở giai đoạn khép tán. Chặt giải phóng, chặt cải thiện áp dụng cho các quần xã hỗn loài; chặt thấu quang và chặt trừ là kỹ thuật xử lý cho các lâm phần đều tuổi.

           Chặt giải phóng là pha đầu tiên của quá trình chặt nuôi dưỡng. Mục đích của chặt giải phóng nhằm điều chỉnh tổ thành và cải thiện điều kiện sinh trưởng cũng như toàn bộ cấu trúc ban đầu theo những định hướng đã đặt ra (D.M.Smith -1986). Nhiệm vụ cụ thể của loại chặt này là loại bỏ những cây phi mục đích, cây phẩm chất xấu, cây bị sâu bệnh hại, và các loài cây cỏ, dây leo vô ích... thông qua đó, cải thiện điều kiện ánh sáng.

           Với ý nghĩa trên đây, thực ra “chặt thấu quang” vẫn chưa bao hàm đầy đủ ý nghĩa cho loại chặt này vì ở nhiều trường hợp, sự cạnh tranh về độ ẩm và chất dinh dưỡng từ đất mãnh liệt hơn nhiều. “chặt trừ” với ý nghĩa nhằm loại bỏ cây vô dụng ở rừng non hỗn loài và cây xấu ở rừng thuần loài. Loại chặt này, thông thường áp dụng sau khi đã chặt thấu quang nhưng đôi khi cũng tiến hành đồng thời cả hai và được áp dụng dưới dạng các biện pháp theo nguyên lý tự điều hoà, loại trừ các nhân tố bất lợi, tăng tốc độ sinh trưởng và khả năng khép tán của các cây non...

           Đặc trưng quan trọng của nhất của chặt giải phóng là cần có đầu tư về tài chính và không thu hoạch được các sản phẩm trung gian.

2.2.3.2. Chặt tỉa thưa (thinning)

           Chặt tỉa thưa được áp dụng ở giai đoạn rừng sau khép tán, nhằm điều chỉnh mật độ lâm phần luôn tiệm cận với mật độ tối ưu để thúc đầy sinh trưởng chiều cao, đường kính cho những cây để lại nuôi dưỡng nên loại chặt này còn gọi là “chặt sinh trưởng”. Theo A.B. Davudov (1971), “nếu chặt tỉa thưa với cường độ bằng lượng đào thải tự nhiên sẽ thu được năng suất lâm phần cao nhất hoặc sẽ không làm giảm năng suất và sản lượng bình thường của lâm phần khi khai thác chính”.

           Như vậy, chặt tỉa thưa là loại chặt nuôi dưỡng áp dụng cho các lâm phần đều tuổi nhằm thúc đẩy sinh trưởng cho những cây được giữ lại qua chọn lọc nhân tạo thông qua điều chỉnh mật độ lâm phần (K.Wenger – 1984; D.M.Smith -1986). Loại chặt này có tận thu sản phẩm trung gian. Vì vậy, về nguyên tắc các sản phẩm tỉa thưa phải có giá trị ít nhất đủ để bù lại kinh phí tỉa thưa.

2.2.3.3. Tỉa cành (pruning)

           Đây là loại chặt nuôi dưỡng quan trọng được áp dụng cho tất cả các đối tượng rừng trong thời kỳ nuôi dưỡng rừng. Sự cần thiết phải tỉa cành trong giai đoạn nuôi dưỡng rừng được thể hiện ở hai lý do chính:

           - Tỉa cành vì lý do làm tăng sức đề kháng và sinh lực cho cây. Đối với các cành gẫy, cành bị chết hoặc bị sâu bệnh, tỉa cành ngăn chặn được sự tấn công của các loại nấm, vi khuẩn gây tổn thương cho thân cây... Đối với các cành sống, tỉa cành sẽ góp phần cải thiện chế độ chiếu sáng, tạo hình thân và tỷ lệ lợi dụng gỗ sau này. Do đó, tỉa cành còn làm tăng được kết cấu cây và kết cấu lâm phần một cách vững chắc.

           - Tỉa cành vì lý do tạo dáng cho cây. Loại chặt nuôi dưỡng này thường áp dụng cho các khu rừng tạo cảnh quan, thắng cảnh...việc tạo cành còn được nhằm mục đích duy trì hoặc phục hồi thậm chí hình thành tán mới.

           Trong lâm phần khi đã khép tán, những cành bên dưới của tán lá ngày càng nhận được ít ánh sáng và cuối cùng sẽ bị chết do tương quan bất lợi giữa đồng hoá và dị hoá. Từ khi rừng khép tán, quá trình tỉa cành tự nhiên sẽ diễn ra đều đặn. Tuy nhiên, đối với rừng kinh doanh gỗ lớn, nếu phần thân cây không được che bóng đầy đủ, quá trình tỉa thưa tự nhiên thường không đáp ứng được yêu cầu và cần được hỗ trợ bằng tỉa cành nhân tạo.

           Tỉa cành gồm có 2 loại:

           - Tỉa cành khô: là kỹ thuật cắt cành đã chết nhưng chưa rơi rụng nhằm làm cho vết cắt cành sớm được liền sẹo nhờ sinh trưởng của thân cây phủ kín lại.

           - Tỉa cành tươi: cắt bỏ những cành còn sống nhưng hiệu quả quang hợp thấp nằm ở phần dưới tán nhằm làm tăng chiều cao dưới cành, tạo hình cho thân cây. Vết cắt cành tươi sẽ liền sẹo nhanh hơn so với cành khô.

           Thời gian tỉa cành thích hợp là trước mùa sinh trưởng hàng năm. Trong nuôi dưỡng rừng, tỉa cành cần được tiến hành khi đường kính thân cây chưa vượt quá 1/3 đường kính đạt khi khai thác.

           Hiệu quả của cắt cành được thể hiện trong giá trị sản phẩm khi khai thác chính.

2.2.3.4. Chặt tận dụng (salvage cutting)

           Nhằm thu hoạch những cây chết, những cây sinh trưởng kém ở giai đoạn rừng trung niên hoặc rừng già trước khi chúng trở nên vô dụng. Loại chặt này mang ý nghĩa cải thiện.

2.2.3.5. Chặt vệ sinh (sanitation cutting)

           Là loại chặt nuôi dưỡng nhằm loại bỏ những cây bị tổn thương, gãy ngọn, gãy cành... do các tác nhân bên ngoài và những cây mà sự có mặt của nó làm ảnh hưởng đến tình trạng vệ sinh rừng.

           Thường áp dụng ở các lâm phần bị sự phá hoại của gió bão, tuyết...

2.2.4. Các phương pháp chặt nuôi dưỡng

2.2.4.1.Phương pháp chặt nuôi dưỡng áp dụng trong chặt giải phóng hay chặt thấu quang.

           Đối tượng áp dụng cho phương pháp này là rừng non ở giai đoạn khép tán hoặc bắt đầu khép tán. Tùy theo tình hình phân hóa cây rừng, tình hình hỗn giao, đặc điểm của quần xã và khả năng đầu tư mà có thể áp dụng một trong ba phương pháp sau:

           -  Phương pháp chặt nuôi dưỡng trên toàn diện tích: áp dụng cho các đối tượng có các cây mục đích chiếm ưu thế phân bố đều trên toàn diện tích cần xử lý; đồng thời khi điều kiện địa hình cho phép, có khả năng đầu tư và nhân công thuận lợi.

           - Phương pháp chặt nuôi dưỡng theo băng: áp dụng khi những cây phi mục đích, cây sinh trưởng kém chiếm tỷ lệ nhiều, việc chặt toàn diện có thể không đủ kinh phí hoặc làm cho rừng có những xáo trộn lớn về mật độ. Rừng được chia thành các băng hẹp 2-4m, trên các băng đó người ta tiến hành loại bỏ những cây không mong muốn, khi các cây trên băng phát triển tốt, tiếp tục chặt các băng còn lại.

           - Phương pháp chặt nuôi dưỡng theo đám: được tiến hành ở những nơi cây rừng mọc dày, có chèn ép giữa cây mục đích và phi mục đích. Phương pháp này áp dụng cho các lâm phần có đặc điểm trên nhưng ở qui mô từng đám nhỏ với các cây mục đích phân bố không đều.

2.2.4.2. Chặt nuôi dưỡng áp dụng cho chặt tỉa thưa hay chặt sinh trưởng.

           Tùy theo mức độ phân hóa của cây rừng và đặc điểm cấu trúc rừng mà áp dụng một trong ba phương pháp sau:

           - Phương  pháp tỉa thưa tầng dưới.

           Là loại bỏ những cây cong queo, sâu bệnh, chất lượng kém,…ở phía dưới tầng rừng chính, kết quả là hình thành rừng một tầng. Phương pháp này thường áp dụng cho rừng thuần loài.

           Ưu điểm của phương pháp này là lợi dụng được những cá thể bị đào thải trong quá trình chọn lọc tự nhiên, thúc đẩy sinh trưởng thông qua điều chỉnh không gian dinh dưỡng cho những cây giữ lại nuôi dưỡng, cải thiện điều kiện vệ sinh lâm phần. Phương pháp này đơn giản về kỹ thuật, tạo lâm phần có cấu trúc thuần nhất.         Nhược điểm của chặt tầng dưới là chỉ thích hợp với rừng thuần loài đều tuổi và cây rừng phân bố đều trên toàn bộ diện tích.

           - Phương pháp tỉa thưa tầng trên.

           Mục tiêu cuối cùng của tỉa thưa này là tạo được rừng có kết cấu nhiều tầng. Đối tượng áp dụng phương pháp này là rừng hỗn loài khác tuổi hoặc rừng thuần loài khác tuổi hoặc các quần thể các quần thể thuần loài khác tuổi. Về nguyên tắc, chỉ loại bỏ những cây càn trở ở tầng rừng chính. Việc áp dụng kỹ thuật chặt tầng trên đòi hỏi phải hết sức thận trọng bởi kỹ thuật này can thiệp không chỉ bởi mục đích kinh doanh mà còn can thiệp vào các đặc điểm sinh vật học và quy luật kết cấu quần xã.

           Khi tiến hành tỉa thưa nhất thiết phải phân cấp cây rừng, thông thường cây rừng được phân thành cây tốt, cây có hại và cây phù trợ. Đặc trưng cuối cùng của chặt tỉa thưa tầng trên là tạo được kết cấu nhiều tầng.

           Ưu điểm của tỉa thưa tầng trên là tăng tốc độ sinh trưởng của những cây tốt được tuyển chọn qua đó tăng sản lượng gỗ có giá trị cao khi lâm phần thành thục, phù hợp với nhiều đối tượng và sản phẩm thu được qua tỉa thưa lớn. Hạn chế chính của phương pháp trên là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phải nắm chắc từng giai đoạn phát triển trong các quy luật kết cấu lâm phần, thời gian nuôi dưỡng lâm phần dài.

           - Phương pháp tỉa thưa tổng hợp.

           Đây là phương pháp sử dụng đồng thời những nguyên tắc của hai phương pháp trên và nó thường được áp dụng cho những khu rừng hỗn giao, đối tượng đào thải có thể nằm bất cứ ở vị trí nào trong từng tán rừng. Kết quả cuối cùng của phương pháp này là phải tạo được rừng có kiểu khép tán dọc (theo chiều thẳng đứng).

           Đối với phương pháp tỉa thưa tổng hợp, cường độ chặt không được quy định trước một cách cứng nhắc mà phụ thuộc vào sự cần thiết phải tác động để nuôi dưỡng cây chọn lọc. Nguyên tắc chung là chỉ chặt khi thực sự cần thiết và cần tác động nhiều lần nhưng với cường độ một lần nhỏ.

2.2.5. Một số chỉ tiêu kỹ thuật trong chặt nuôi dưỡng

2.2.5.1. Cường độ chặt

           • Phương pháp xác định cường độ chặt nuôi dưỡng

           Căn cứ để xác định cường độ chặt nuôi dưỡng là mật độ tối ưu cần giữ lại ở mỗi một giai đoạn sinh trưởng. Tùy theo sự khác nhau về đặc điểm loài cây, điều kiện đất đai, tuổi và mục đích kinh doanh, mật độ tối ưu của lâm phần sẽ khác nhau

           Trong đó: In là cường độ chặt tính theo số cây

                             N là mật độ hiện tại của lâm phần

                             Nopt là mật độ tối ưu

           Như vậy, để xác định cường độ chặt nuôi dưỡng trước hết phải tiến hành điều tra xác định mật độ hiện tại của lâm phần, tiếp đó là lựa chọn phương thức xác định mật độ tối ưu thích hợp tại thời điểm đó.

           • Một số phương pháp xác định mật độ tối ưu không dựa vào biểu cấp đất

           - Phương pháp dựa vào tán lá bình quân

           + Phương pháp P.R.Kelle (1932)

2.2.5.2. Chu kì chặt nuôi dưỡng

           Chu kì chặt nuôi dưỡng là số năm cách nhau giữa hai lần chặt kế tiếp nhau ở cùng một lâm phần. Chu kì chặt nuôi dưỡng có quan hệ chặt chẽ với cường độ chặt và phụ thuộc vào loài cây, tuổi cây, điều kiện lập địa. Loài cây mọc nhanh thì chu kì chặt ngắn, loài cây mọc chậm thì chu kì chặt dài. Điều kiện khí hậu đất đai tốt, cây sinh trưởng nhanh thì chu kì chặt ngắn và ngược lại. Cường độ chặt nuôi dưỡng cao thì chu kì chặt dài, cường độ chặt nhỏ thì chu kì chặt ngắn.

           Xét về mặt sinh vật học, chặt nuôi dưỡng với chu kì ngắn và cường độ nhỏ sẽ có lợi hơn vì lâm phần ít bị biến đổi, mật độ lâm phần luôn bám sát với mật độ tối ưu để bảo đảm lâm phần có mức sinh trưởng lớn nhất. Ngược lại, chặt nuôi dưỡng với kỳ giãn cách dài sẽ có lợi về mặt chi phí đầu tư. Do đó, khi xác định chu kỳ chặt nuôi dưỡng cần cân nhắc giữa lợi ích sinh thái và lợi ích kinh tế.

2.2.5.3. Nguyên tắc bài cây trong chặt nuôi dưỡng

          Nguyên tắc bài cây là việc xác định cây chặt, cây chừa trong một lần tác động và cần được cân nhắc đồng thời trên cả ba phương diện: Kỹ thuật, sinh vật và kinh tế. Về mặt kỹ thuật, cây tốt là cây không bị khuyết tật, thân thẳng, tán cân đối và có giá trị sử dụng vượt trội. Về mặt sinh học, cây tốt phải là cây phát huy được tiềm năng của lập địa và có ảnh hưởng tích cực cho sinh trưởng của những cây xung quanh. Còn về mặt kinh tế, cây tốt phải là cây phù hợp với mục đích kinh doanh và có triển vọng đem lại giá trị kinh tế cao. Cơ sở để để bài cây là dựa vào đặc điểm hình thái thân cây, tán cây, tình trạng sinh trưởng và vị trí cây trong lâm phần

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro