cau5 abc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.     Nguyên nhân trạng thái sinh lý mệt mỏi của cơ thể trong vận động?

+      Mệt mỏi liên quan đến sự tiêu hao nhiều hay ít các khả năng dự trữ của cơ thể để duy trì công việc. Nguyên nhân của mệt mỏi rất đa dạng và không có một thuyết chung cho vấn đề này. Bởi vì các hoạt động thể lực rất đa dạng về cấu trúc, cường độ, thời gian…và mức độ tham gia của các cơ quan và hệ cơ quan cũng rất khác nhau.

+      Nguyên nhân gây mệt mỏi ở mỗi loại hình vận động có thể khác nhau, thứ nhất là ở địa điểm phát sinh mệt mỏi, nghĩa là ở hệ cơ quan đảm nhiệm vai trò chủ yếu quyết định khả năng thực hiện hoạt động của cơ thể, những biến đổi chức năng của hệ cơ quan này quyết định sự xuất hiện mệt mỏi; thứ hai là cơ chế gây mệt mỏi, nghĩa là những biến đổi chức năng trong hoạt động của các hệ thống chính quy định sự phát triển trạng thái mệt mỏi.

+      Dựa theo địa điểm phát sinh mệt mỏi có thể phân thành ba nhóm hệ thống chính:

-   Nhóm 1: Các hệ thống điều khiển bao gồm hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh thực vật (dinh dưỡng) và hệ nội tiết-thể dịch.

-   Nhóm 2: Hệ thống thực vật đảm bảo năng lượng và ổn định nội môi cho hoạt động cơ gồm hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và máu.

-   Nhóm 3: Hệ vận động- hệ thống thực hiện.

+      Về cơ chế gây mệt mỏi hiện đang có nhiều tranh cãi, có một số người ngả theo thuyết thần kinh trung ương trong cơ chế gây mệt mỏi, có một số người bảo vệ cho thuyết cục bộ thể dịch. Hiện nay mệt mỏi trong hoạt động thể lực được giải thích bằng bốn cơ chế cơ bản sau:

-   Mệt mỏi do các trung tâm thần kinh;

-   Mệt mỏi do nhiễm độc các sản phẩm chuyển hoá;

-   Mệt mỏi do thiếu oxy trong vận động; 

-   Mệt mỏi do cạn kiệt dự trữ năng lượng.

1) Mệt mỏi do các trung tâm thần kinh. Khi thực hiện bất kỳ một bài tập thể lực nào đều diễn ra những biến đổi chức năng của các trung tâm thần kinh điều kiển hoạt động cơ và hệ thống đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt là ở vỏ não. Các xung động thần kinh (với tần số cao hoặc kéo dài) từ các recepter cảm thụ bản thể ở các cơ, khớp, dây chằng, gân, ổ khớp liên tục được truyền về các trung tâm thần kinh ở vỏ não và các trung tâm vận động của tuỷ sống có thể làm cho  các trung tâm này bị hưng phấn tột độ (gây ức chế vượt giới hạn) và gây mệt mỏi. Theo Paplôp sự mệt mỏi này là biểu hiện của ức chế bảo vệ vượt giới hạn khi hưng phấn quá mức.

     Mệt mỏi có thể liên quan đến những thay đổi trong hoạt động của hệ thống thần kinh thực vật và hệ thống nội tiết. Những thay đổi trong hoạt động của các hệ thống này có thể dẫn đến rối loạn điều khiển chức năng thực vật và rối loạn đảm bảo năng lượng cho hoạt động cơ.

2) Mệt mỏi do nhiễm độc các sản phẩm chuyển hoá. Trong các hoạt động cơ với cường độ vận động cao, năng lượng được cung cấp chủ yếu bằng phân giải glucoza yếm khí, tạo ra nhiều axid lactic và làm giảm độ pH máu.  Giảm pH máu đẫn đến ức chế quá trình gluco-phân, tức là hạn chế cung cấp năng lượng cho sự co cơ - giảm khả năng hoạt động của cơ. Như vậy, sự tích luỹ các sản phẩm chuyển hoá và làm cơ thể bị nhiễm độc gây nên mệt mỏi.

3) Mệt mỏi do cạn kiệt dự trữ năng lượng. Các nguồn dự trữ năng lượng có thể bị tiêu hao đáng kể trong các loại hình hoạt động khác nhau và có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng mệt mỏi. Đối với các hoạt động yếm khí công suất tối đa, mệt mỏi do cạn kiệt ATP và CP dự trữ trong cơ, còn các hoạt động yếm khí dưới tối đa một trong các nguyên nhân gây mệt mỏi là do cạn kiệt nguồn glycogen cơ…

4) Mệt mỏi do thiếu oxy trong vận động. Trong một số loại hình vận động với công suất lớn, hệ vận chuyển oxy không có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu oxy của cơ thể. Thiếu oxy làm cho các tế bào thần kinh và tế bào cơ bị “ngạt thở”, gây ra hiện tượng ức chế thần kinh trung ương và tích tụ axid lactic hoặc cạn kiệt dự trữ năng lượng do không được tái tổng hợp kịp thời, và gây lên mệt mỏi.

     Như vậy, không thể hạn chế nguyên nhân gây mệt mỏi ở một cơ quan hay hệ thống riêng lẻ, và mệt mỏi xuất hiện trong một loại hình vận động nào đó cũng không phải chỉ theo một cơ chế nhất định.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro