Cây Bonzai Của Thầy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cây Bonzai Của Thầy

Tubida Maus

Đôi khi...

Có những kẻ tưởng chừng là người dưng...

Thì lại trở thành tất cả của một ai đó...

Còn có những người...

Dù chảy chung dòng máu... Nhưng lại chẳng là gì của nhau!

...

Cách đây nửa năm, khi ba mẹ của Trịnh đi đến quyết định ly hôn với nhau, họ đã gây cho Trịnh một cú sốc lớn, một cú sốc mà cả đời này luôn như cái dằm nhỏ trong tim Trịnh, cả đời cũng không thể nào lấy ra được.

Cấp II, Trịnh là một thằng mọt sách có tiếng của trường. Một thằng mọt sách điển trai, không quan tâm bất cứ vấn đề gì hay ai khác ngoài cuốn sách trên tay. Một khi đã dán mắt vào sách, thì chung quanh có xảy ra chuyện gì, thậm chí khi bầu trời có sập xuống, Trịnh cũng không hề hay biết.

Lên lớp mười, Trịnh biến đổi thành một người khác hẳn. Không còn dáng vẻ thư sinh trói gà không chặt như năm ngoái nữa, mà đã có cơ tay nở nang. Không còn vẻ ngô ngố như trước nữa, mái tóc vuốt gel dựng ngược lên để lộ vầng tráng cao thông minh. Và không còn suốt ngày chúi mũi vào sách nữa, mà đã bắt đầu chơi các môn thể thao cực-kỳ-nam-tính như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyển... Trịnh bắt đầu hòa nhập với lớp hơn. Cách nói chuyện tếu táo cùng nụ cười rạng rỡ luôn trực trên môi, Trịnh luôn là tâm điểm của sự chú ý, là đề tài bàn tán sôi nổi của các nữ sinh khối 10. Không một ai biết nguyên do, cũng như cách mà Trịnh đã thay đổi bản thân. Họ chỉ biết, Trịnh của hiện tại rất nổi bật, rất bắt mắt

Trịnh thường xuyên khoe nụ cười rạng rỡ với hàm răng trắng tinh, đều tăm tắp. Không có răng khểnh, không có má lúm, nhưng một cách nào đó, nụ cười của Trịnh rất đẹp, rất có hồn và có duyên. Đó là những gì mà Trịnh thể hiện ra bên ngoài. Còn những suy nghĩ, Trịnh giấu kín trong lòng không bao giờ bộc lộ.

Vừa khai giảng hai tuần, lớp của Trịnh đổi giáo viên chủ nhiệm. Nghe đâu là một thầy giáo độ trung niên, vừa chuyển từ vùng sâu vùng xa về. Thông tin chỉ có bấy nhiêu. Trịnh không quan tâm, giáo viên là ai cũng vậy, chẳng có gì quan trọng cả.

Quả nhiên là thầy giáo ở vùng sâu vùng xa có khác. Khi thầy bước vào lớp, dáng đi khắc khoải, mùi bùn tanh nồng nặc đã chứng tỏ nơi mà thầy đã ở khổ như thế nào. Có điều, dù khắc khổ nhưng gương mặt thầy lại ngẩng cao một cách hiên ngang chứ không cúi gằm xuống.

Vẻ bề ngoài của thầy gây ấn tượng đầu tiên đối với lớp không được tốt đẹp cho lắm. Đến khi thầy cất tiếng nói...

- Chào các đồng chí! - Thầy cười, gương mặt rạng rỡ hẳn lên - Bắt đầu từ bây giờ, tôi sẽ chủ nhiệm các đồng chí. Chúng ta làm quen với nhau nhé.

Thầy nói giọng Hà Nội, vừa trầm, vừa ấm rất dễ nghe, ngữ điệu dí dỏm vui tai. Biểu hiện của thầy không giống như vẻ bề ngoài, vừa đáng mến vừa dễ gần.

- Tôi là Hoàng Thủ Tín, bốn mưoi ba tuổi mười ba ngày tròn. Yêu cầu các đồng chí từ nay gọi tôi là "sư phụ". - Thầy nhướng đôi mày rậm, trán hiện lên những đường quốc lộ tuổi tác, vẫn với giọng truyền đạt dí dỏm - Đề nghị các đồng chí ban cán sự giới thiệu sơ qua về bản thân.

Cách thầy nói chuyện làm cả lớp rộ lên sự thích thú. Ba mươi chín đưa học trò lần lượt đứng lên tự giới thiệu về bản thân. "Sư phụ" nhíu đôi mày rậm, cố gắng nhớ tên từng đứa. Nhân vật số bốn mươi, ngồi cuối lớp, bên cạnh sọt rác còn đương mải mê ngắm chim chóc ngoài cửa lớp, không để ý đã đến lượt mình phải giới thiệu. Cái cách Trịnh nhìn ra ngoài, tay chống cằm, tay kia gõ bàn, đôi mắt lờ đờ xa xôi.. trông hay lắm. "Sư phụ" nhìn cậu hồi lâu, sau đó vỗ tay bôm bốp.

- Cảm ơn các đồng chí đã hợp tác. Sau này còn nhiều thời gian, chúng ta sẽ dần dần quen với nhau. Các đồng chí có quyền làm việc riêng... trong im lặng.

Thầy để ngón trỏ lên môi, ra dấu suỵt sau đó bước khỏi cửa lớp. Bấy giờ các "đồng chí" mới hò reo lên rầm rộ. Thầy chủ nhiệm mới quả nhiên là người tuyệt vời.

Thầy là giáo viên dạy toán. Toán học vốn là môn khô khan, nhưng trong tiết của thầy lại sôi nổi đến bất ngờ. Phần lớn các học sinh khi bắt đầu vào lớp mười chính là bắt đầu lười biếng. Lười học bài. Lười làm bài tập. Lười chuẩn bị bài. Và lười giơ tay phát biểu.

Nhưng không. Trong tiết của "sư phụ", mọi người thi nhau phát biểu, tiết học sôi nổi lạ thường. Riêng Trịnh, vẫn giữ thái độ lãnh cảm, không quan tâm đến thầy, giống như lúc đầu khi thầy vừa bước chân vào lớp vậy. Đối với các bạn học, Trịnh vẫn giữ thái độ hòa nhã, thân thiện và vui vẻ. Riêng đối với các thầy cô, đặc biệt là các thầy cô tổ Toán - Trịnh rất không đàng hoàng. Gặp không chào. Gọi không thưa. Nói chuyện trống không rất bất lịch sự và vô phép tắc. "Sư phụ" cũng không phải là dạng ngoại lê. Trịnh không nói ra lý do vì sao cậu cư xử như vậy, nên hầu hết các thầy cô chẳng mấy ai ưa nổi cậu. Chỉ là họ không nói ra. Thành tích học tập và thành tích ngoại khóa của Trịnh quá xuất sắc. Ngoài việc vô lễ ra, họ còn có điều gì để phàn nàn về Trịnh nữa đây?

Trịnh đi học bằng tuyến xe bus công cộng, chứ không đi xe của trường. Vừa hay, "sư phụ" cũng đi chung tuyến.

Hôm ấy là thứ năm, trời nắng và nồng, rất oi bức. Mặt được gần như bốc lửa. Trên xe cũng hầm hố không kém gì bên ngoài. Ngày quái gì mà nắng thế chứ?

Trịnh ngồi gần cửa sổ. Người ta nói, cửa sổ xe bus là nơi bạn ngẫm nghĩ và triết lý về cuộc đời. Trịnh thì... chỉ thẫn thờ nhìn dòng người tấp nập giờ cao điểm, đầu óc rỗng tuếch chẳng suy nghĩ được gì. Vẫn kiểu ngồi chống cằm, chân vắt chữ ngũ, dáng vươn thẳng ngạo nghễ. Đôi mắt Trịnh thả vào một vô định trong xa xăm hư không huyền ảo, không thể nhìn thấy được đó là nơi nào. Dòng người tấp nập quá, đông đúc quá trở nên xô bồ, bon chen. Người ta đi lướt qua nhau, thoáng thấy nhau, nhưng thậm chí còn chẳng nhớ mặt nhau mà quên ngay tức thì sau đó. Ấy là cách mà mỗi người chúng ta đối xử với cuộc đời. Hờ hững. Vô tình.

Chợt giọng bắc trầm ấm vang lên bên tai Trịnh.

- Nóng quá nhỉ? Đã tầm xế rồi vẫn còn hựng hực.

Cậu quay sang, đôi mắt vô tình lóe lên một tia khó chịu. Là "sư phụ". Trịnh đặc biệt ghét lão này. Suốt ngày gọi tên Trịnh lên bảng làm bài tập, trả bài, khảo bài... búa lua xua! Đối mặt, Trịnh tởm đến mức buồn nôn, nhưng lại không thể nôn được. Giá mà có thể sớm kết thúc mối quan hệ nhắng nhít với "sư phụ", Trịnh nhất định sẽ vui hơn nhiều.

Cậu lời đi, không đáp lời. Nhưng "sư phụ" không chịu thua.

- Hằng ngày em vẫn đi tuyến này à? Sao sư đồ ta lại không gặp nhau nhỉ?

Trịnh im lặng, không đáp. Lão "sư phụ" lại huyên thuyên.

- Đông người quá, chen lấn quá nhỉ! - Và thầy cười khì khì - Sao em không đi xe của trường mà lại đi xe bus thế?

Trịnh thoáng liếc "sư phụ", lòng thần mắng "Lắm lời quá!", sau đó vẫn là tiếp tục im lặng không đáp lời. Mặc kệ, muốn hỏi gì thì hỏi, nói gì thì nói, đây không thèm đáp.

Nhưng hình như "sư phụ" không biết khái niệm "ê mặt" là như thế nào, vẫn tiếp tục huyên thuyên những chuyện trên trời dưới đất, chuyện vui buồn đối với học trò và nghề giáo của mình. Trịnh rất khó chịu.

"Làm ơn đi, có ai hỏi đâu mà kể lể chứ?!" Trịnh thầm mắng trong lòng, đôi mắt lại lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa sổ. Người ta vẫn tiếp tục vô tình lướt qua nhau, để rồi sau đó lại quên mất nhau trong dòng xe tấp nập. Đời là thế!

- Bây giờ còn sớm, hay thầy đãi em món gì nhé? - "Sư phụ" chủ động đề nghị, vẫn gương mặt khắc khoải, nhưng rạng rỡ đáng ghen tị.

Trịnh thầm nguýt dài một cái.

- Không cần đâu!

Xe dừng đến trạm. Trịnh lách người bước xuống. Thoát khỏi lão phiền phức đó quả là một việc đáng để ăn mừng. Có điều... có tiếng hét thật to sau lưng Trịnh.

- VẬY LẦN SAU NHÉ!!!

"Sư phụ" thò đầu ra khỏi cửa kính, vẫy vẫy tay và nụ cười vẫn rạng rỡ trên gương mặt chi chít vết nứt của tuổi. Đó không phải là những vết nứt thường. Đó là điêu khắc của tạo hóa, ngành điêu khắc đánh dấu và nhắc nhở thời gian đã và đang trôi qua từng ngày, từng ngày một.

- Đáng ghét!

Trịnh thuận chân đá ống bơ lăn lông lốc dưới đường, tâm trạng không được thoải mái cho lắm. Trong lòng bực dọc, tự dưng nhìn cái gì cũng thấy bực. Đó là trạng thái tự nhiên của con người. Không ai có thể mỉm cười thoái mái khi cuộc sống cứ cố ý làm khó mình. Không ai cả!

Căn nhà nhỏ, không đến nỗi lụp xụp nhưng vô cùng không thoải mái đối với Trịnh. Cậu đương sống chung với ba. Là lựa chọn của riêng cậu thôi. Ba Trịnh là nông phu, sống bằng nghề bốc vác kiếm tiền lay lắt qua ngày. Cuộc sống hiện tại rất tệ và thảm. Mẹ Trịnh là giáo viên dạy toán. Hiện bà vẫn tiếp tục dạy ở trường Phổ Thông Quốc Gia, lương tháng rất hậu. Tiền học phí, tiền trường của cậu là một tay bà lo cả, ba Trịnh không cần phải có trách nhiệm về khoản này.

Vừa bước vào nhà, mùi cồn đã xộc vào mũi. Trịnh mặt nhăn mày nhó cởi giày ném lung tung, không xếp gọn gàng ngăn nắp như mọi ngày.

"Ổng lại tiếp tục rồi!"

Không ngày nào là ông không uống rượu, ba của Trịnh là con sâu nát rượu như vậy đấy. Nhưng là từ sau khi ly hôn mới trở nên đổ đốn bét nhè như thế. Trịnh có thể thông cảm, nhưng không thể hoàn toàn thấu hiểu. Cậu ghét người đàn ông mà cậu phải gọi là ba. Sống không nên thân thì làm sao giữ được vợ?

Trịnh khóa chặt cửa phòng, nằm sải người trên giường. Tư thế thì thoải mái, tâm tình thì không. Giống như có một mớ hỗn loạn đang chiến tranh trong óc, Trịnh nhức đầu lắm, chỉ muốn ngủ thôi. Cơ mà nhắm mắt thì lại không ngủ được, mở ra lại buồn ngủ. Đáng ghét. Những suy nghĩ luôn cất giấu sâu vào trong đã quá nhiều, khiến Trịnh như muốn mở bung cả cơ thể ra để giải thoát cho chúng. Nhưng... cậu không làm được. Mục tiêu, hoài bão, giấc mơ... tất cả những thứ Trịnh muốn, tiêu chuẩn đều rất cao, đòi hỏi cố gắng và nỗ lực. Buông xuôi là yếu, từ bỏ là hèn. Trịnh không thể sống giống như ba của mình, một người đàn ông bất tài vô dụng, ngay đến cả người phụ nữ của mình cũng không thể giữ được. Trịnh không muốn sống một cuộc sống như vậy.

Những chuyến xe bus sau, và sau nữa, lão "sư phụ" đáng ghét kia luôn chọn chỗ ngồi kế bên Trịnh. Dù cậu đã dằn cặp xuống lấp chỗ trống, lão vẫn mặt dày ngồi xuống. Dù bên cạnh Trịnh đã có người, lão vẫn đứng gần đó, huyên thuyên với Trịnh mà cứ như nói chuyện một mình. Cậu chẳng bao giờ đáp lại lão ấy cả. Một chữ cũng không. Lão mặt dày lỳ thật.

Trịnh thả cặp xuống, nằm ngửa người trên giường, tay vắt lên trán mệt mỏi. "Sư phụ" vẫn chưa chịu buông tha cho Trịnh, trên xe bus lúc nào cũng lải nhải những chuyện không đâu vào đâu. Cái gì Trịnh cũng đều không muốn nghe, chỉ thiếu điều đưa hai tay bịt tai lại và quát "Im miệng đi!" với lão ấy thôi.

Mệt mỏi.

Chán nản.

Nhưng vẫn phải tiếp tục. Nhiều khi Trịnh tự hỏi, cho dù mình cố gắng đến mấy thì liệu phía cuối con đường có thể là thứ mà mình hằng mong ước hay không? Không chắc đâu. Nữ thần vận mệnh rất biết cách chơi xỏ người ta.

Nhưng không thể vì vậy mà buông xuôi. Dù mệt, dù kiệt lực cũng phải cố gắng đến hơi thở cuối cùng.

Trịnh bị ngã từ trên cầu thang xuống, trật giò. Hôm ấy lớp Trịnh đá giải chung kết với lớp bên. Trịnh không thể tham gia. Chân băng bột to thế kia mà.

Trịnh rất muốn đá trận này. Vì trận đấu này mà Trịnh đã phấn đấu suốt mùa giải. Vậy mà... đúng là nữ thần vận mệnh rất biết cách chơi xỏ một người như thế nào, làm người ta cố gắng rồi dập tắt hy vọng của họ. Đáng ghét!

Gã lớp trưởng vỗ vỗ vai Trịnh, ánh mắt tỏ vẻ thông cảm. Cậu gạt tay nó ra. Không cần phải thương hại... Cho dù không đá được trận này, nhưng Trịnh cũng đã rất cố gắng trong suốt mùa giải. Trận này không đá, vẫn còn trận sau, trận sau nữa... Không có gì phải nhụt chí. Nghĩ vậy, tâm trạng có chút tươi tỉnh hơn.

Mặc kệ cái chân đau, hằng ngày Trịnh vẫn lên lớp đều đặn, chép bài đầy đủ, nghe giảng không thiếu một chữ. Những gì Trịnh đang cố gắng, cậu nhất định duy trì và phát huy. Cậu không muốn lặp lại cuộc sống của ba.

Hôm nay lão "sư phụ" lại huyên thuyên mãi trên chuyến xe bus. Trịnh đã quá quen với việc này rồi, nên những chữ ông nói cậu bỏ vào tai này xong lôi ra từ tai kia, quăng vào gió bay đi mất. Phải công nhận ông kiên nhẫn thật chứ. Những người khác, nói một câu mà không thấy hồi âm trả lễ là quê mặt, im lặng luôn rồi. Đằng này, "sư phụ" đã theo Trịnh nói chuyện một mình trên xe bus đã hơn cả tháng trời rồi vẫn không ngán trò đó. Những người đi cùng tuyến xe đưa mắt nhìn "sư phụ", cảm thấy ái ngại thay cho ông.

Trịnh mặc kệ. Là tự ông ta chuốc lấy chứ.

Ráng chiều tà hôm nay đỏ áu, trời nực kinh khủng. Đến trạm rồi, Trịnh với tay lấy cây nạng, từ từ di chuyển. Lão "sư phụ" nhìn theo cậu, tủm tỉm cười khó hiểu.

Ba Trịnh vẫn say bí tỉ như mọi ngày. Cậu hôm nay không muốn chạm mặt ba. Hễ cha con mà ngồi lại với nhau là sẽ cãi nhau. Chưa bao giờ ba cãi thắng Trịnh, nhìn vẻ mặt của ông Trịnh cầm lòng không đặng. Dẫu sau, người đó cũng là ba của cậu. Có đổ đốn thế nào, Trịnh cũng không thể ghét ông được. Ngược lại, người mà Trịnh căm ghét nhất là người cưu mang chín tháng mười ngày đẻ đau ra cậu. Càng ngày Trịnh càng giận bà.

Nằm một chỗ, suy nghĩ vẩn vơ, Trịnh ngồi phắt dậy, chống nạng ra ngoài đi dạo. Tiết trời giữa thu sao lại có một ngày nóng nực như hôm nay nhỉ? Trịnh chán nản, nhét earphone vào tai, bật nhạc to hết cỡ, cây nạng theo cậu lê qua từng con phố.

Qua khỏi giờ cao điểm, người không còn đông như lúc nãy nữa. Đã chập choạng rồi, trời tối xầm. Trịnh lê từng bước, khó nhọc di chuyển vô định trên đường phố, giữa dòng người hối hả.

Quanh đây, người ta sống vội quá. Vội đến nỗi, đánh rơi bản thân mình lúc nào không biết.

Đến ngã tư con đường lớn, Trịnh dừng đèn đỏ. Băng qua đường nữa là đến một công viên, nơi mà lúc bé bố mẹ thường đưa Trịnh đến chơi. Lúc ấy, cậu rất thích ra công viên. Ngoài này rất vui, có nhiều bạn, lại được bố mẹ cho ăn kem, ăn bánh, còn được uống cả nước ngọt nữa, ai mà không thích? Trẻ con, chỉ cần đơn giản như vậy là đủ.

Đèn chuyển xanh. Trịnh chậm chạp di chuyển trên vạch trắng dành cho người đi bộ, tai vẫn đeo phone bật nhạc to hết cỡ.

Tin... tin...

Một chiếc xe tải lao trên đường, xé gió. Chiếc xe bị mất thắng, phóng như điên trong khi tài xế không biết phải xử lý như thế nào. Nó đang lao thẳng vào Trịnh.

Trịnh không nghe thấy. Mắt cậu nhìn thẳng về phía công viên, các em nhỏ đang chơi đùa cùng với cha mẹ của chúng. Khung cảnh thật thanh bình, càng làm trái tim người ta siết lại.

- Cẩn thận.

Có người thét lớn sau lưng Trịnh.

Kéttttt...

Ầm!

Trịnh ngã xuống mặt đường, mắt mờ đi, đầu óc ong lên, tai ù hết cả. Chuyện gì vừa xảy ra? Chuyện gì vừa mới xảy ra vậy? Một bên dây phone rơi khỏi tai. Trịnh nghe có tiếng người huyên náo.

Máu loang lổ khắp mặt đường. Tiếng người huyên náo.

...

Mở mắt, chung quanh một màu trắng xóa. Trịnh không nhìn thấy gì ngoài một màu trắng. Võng mạc vẫn chưa thích nghi được với cường độ ánh sáng trong phòng. Trịnh cảm thấy cái chân đau của mình đau nhức dữ dội, toàn thân tê rần lên.

- Con tỉnh rồi sao? - Là giọng của ba Trịnh. Đã lâu lắm rồi... đã từ lâu lắm Trịnh không còn nghe giọng ba tỉnh táo như vậy nữa. Ba hiện ra trước mắt cậu.

- Ba? Đây là... - Trịnh gượng người cố gắng ngồi dậy.

- Nằm yên đi. Đây là bệnh viện. - Ba Trịnh xoa đầu thằng con trai, ép nó nằm xuống - Con thấy trong người sao rồi?

Trịnh mỉm cười. Câu hỏi vừa rồi của ba không lọt vào tai cậu. Trịnh đang vui. Cậu thật sự rất vui. Đã bao lâu rồi trong lòng cậu nặng trĩu những mối thắt, hôm nay cũng được gỡ ra. Chưa bao giờ ba tỉnh táo như vậy. Chưa bao giờ ba quan tâm cậu như vậy từ sau khi hôn nhân tan vỡ.

- Con không sao chứ? - Là tiếng của mẹ, tiếng mẹ lạc một chút, hình như là vừa mới khóc xong.

- Con nó không sao rồi, em đừng lo. - Ba vỗ vai mẹ, an ủi.

Trịnh cười.

Trịnh ngất lịm đi.

Cậu đang mơ. Trong giấc mơ đó có ba, có mẹ. Trong giấc mơ đó, gia đình của Trịnh thật hoàn hảo, thật đẹp biết bao. Từ khi cậu bắt đầu hiểu chuyện đến giờ, ba mẹ luôn cãi nhau, cãi nhau đến mấy năm trời rồi li dị. Chưa bao giờ Trịnh thấy gia đình mình lại hòa thuận và ấm cúng như trong giấc mơ đó. Cái chân đau, chẳng còn nghĩa lý gì cả.

Trong giấc mơ đó, Trịnh được nắm tay cả ba và mẹ, cậu như trở lại lúc nhỏ, thời mà còn chưa có đi học, chưa biết các con chữ là gì. Gia đình cậu lúc đó mới là một gia đình. Có ba, có mẹ, và cậu con trai duy nhất là Trịnh.

Trong giấc mơ đó, Trịnh nhìn thấy ba mẹ vẫn sống cùng với Trịnh dưới một mái nhà. Không có cãi nhau. Không có li dị. Càng không có sự tan tác đau thương.

Trịnh thức dậy khi gà gáy vào buổi sớm. Mở mắt ra, ba vẫn còn ngồi đó, mẹ ngồi kế bên. Họ dường như đã thức trắng đêm để trông nom cậu. Trịnh lại cười. Chưa bao giờ cậu cười mà trong lòng lại thoải mái như thế này.

Các bạn cùng lớp đến thăm. À phải rồi, hôm nay là chủ nhật kia mà.

Nhưng ô kìa, sao chẳng đứa nào vui mừng vậy cả nhỉ? Trịnh đâu hề hấn gì, thấy không? Cậu vẫn còn sống nhăn răng đây này. Sống rất khỏe mạnh nữa là đằng khác. Mặt đứa nào đứa nấy ủ dột, thấy mà ghê.

- Tụi mày sao vậy? Thấy tao sống lại mà không biết mừng cho bạn bè hả? - Trịnh nhíu đôi mày rậm, lên tiếng trách móc.

- Trịnh à...

Gã lớp trưởng đứng ra lên tiếng, tụi còn lại nín thin thít chẳng đứa nào nói gì. Giọng lớp trưởng nghèn nghẹt, cũng như vừa mới khóc.

- Sao vậy? Cảm động hả? - Trịnh cong khóe môi, trêu đùa - Đừng nói... mày yêu tao nghe?

- Trịnh, nghe tao nói nè. Sư phụ đó... - Không ai bật cười vì lời nói đùa của Trịnh cả, thằng lớp trưởng nói tiếp - Sư phụ của tụi mình mất rồi.

- Ê, đừng có giỡn chớ? - Trịnh giật thóp - Giỡn kiểu đó không có vui đâu nghen.

Ba mẹ Trịnh đánh mắt nhìn nhau, lầm lũi bước ra ngoài chưa lại không gian cho lũ trẻ. Thằng lớp trưởng đợi cánh cửa đóng sầm lại rồi tiếp tục giãi bày.

- Hôm mày bị tai nạn, là sư phụ của tụi mình đã cứu mày. Sư phụ đẩy mày ra khỏi chiếc xe đó, rồi bản thân bị tông. Tao nghe nói thầy mất trong khi được đưa vào viện.

Trịnh lặng người đi. Hôm đó... cậu còn đương mải mê ngắm lũ trẻ chơi đùa cùng với ba mẹ chúng trong công việc thì có người đẩy cậu từ phía sau. Cậu ngã chúi xuống rồi bất tỉnh. Lúc mở mắt đã thấy mình nằm ở đây, hoàn toàn không biết gì về vụ tai nạn cả.

- Là... mày nói lại coi? Tai nạn gì? - Trịnh nắm vai thằng bạn, ánh mắt tỏ rõ sự bối rối.

- ...

Tất cả im lặng. Không ai nói gì thêm. Bây giờ, tự thân Trịnh đã hiểu ra mọi thứ.

...

Hôm đưa tiễn thầy về nơi yên nghỉ cuối cùng, cả lớp cùng nhau đến viếng. Trịnh cũng đến. Cậu đem theo cây nạng, ráng lê cái chân đau của mình đến viếng tang lễ của thầy. Thực lòng mà nói, cậu chưa từng ưa lão sư phụ nói nhiều đó... Nhưng dẫu sao, đó cũng là người đã cứu mạng cậu. Trịnh cảm thấy tội lỗi.

Người nhà của thầy khóc rất nhiều. Tấm hình thờ của thầy, bên dưới là dòng chữ Hoàng Thủ Tín được khắc trên thân gỗ rất đẹp. Trong di ảnh, thầy cười một nụ cười rất thoải mái. Con tim của mỗi đứa học trò nhói lên, đau đớn khi người thầy gắn bó không bao lâu ra đi. Thầy đã chiếm một vị trí quá lớn trong lòng học sinh của mình - trừ Trịnh ra. Mấy đứa con gái trong lớp bắt đầu sụt sùi khóc. Lần lượt, từng đứa, từng đứa một vào thắp nhang cho thầy lần cuối. Trịnh là đứa đi cuối cùng.

- Xin lỗi thầy, em chưa bao giờ thích thầy. Em không đau xót nhưng em rất hối hận. Em chỉ có thể nói xin lỗi.

Trịnh lầm rầm khấn, vái đủ ba cái rồi trở ra.

Vợ thầy dẫn cả lớp ra vườn, nói thầy có quà cho cả lớp. Đứa nào đứa nấy cũng sụt sịt, mắt đỏ hoe, chỉ có Trịnh là vẫn bình thản như không.

Vợ thầy chỉ vào hàng bonzai được trồng trong các chậu, được sắp hàng đều tắp ở một góc vườn. Bà nói trên đó có tên của từng đứa, thầy định sẽ tặng cho các học sinh vào ngày cuối năm. Đây là năm đầu tiên thầy chuyển từ tỉnh về thành phố, thầy muốn làm một cái gì đó kỷ niệm. Lũ học trò im lặng một hồi, lại òa lên khóc nức nở. Đó là những cây bonzai do chính tay thầy chăm sóc và uốn nắn. Trên mỗi cây đều có treo một tờ giấy, trong tờ giấy ghi tên của mỗi học sinh.

Cả Trịnh cũng có phần.

Tô Bồi Trịnh - thằng học trò ngang bướng và gàn dở nhất. Tôi khá ấn tượng về em, muốn làm gì đó cho em nhưng tôi chỉ có thể đi cùng các em một quãng. Cuộc đời phía trước con dài, em hãy cố gắng vượt qua nỗi đau, tương lai của em đang chờ em đến. Vững tin vào bản thân, đè bẹp tất cả chướng ngại vật và vượt qua chính mình. Tôi tin, một ngày nào đó sẽ được trông thấy em trên đỉnh vinh quang. Chào em, thằng học sinh tinh quái.

...

Trịnh nằm sải người trên giường. Hôm nay tụi con gái trong lớp khóc nhiều quá. Đã mấy ngày không đi học rồi, Trịnh muốn ngày mai lại lên lớp nghe giảng. Cậu chưa bao giờ để tình cảm riêng tư xen lẫn vào việc học hành. Chậu bonzai trên bàn, xem như là một động lực để  Trịnh tiếp tục cố gắng.

- Cảm ơn thầy. - Cậu mỉm cười.

Trịnh nhìn thời khóa biểu, soạn sách vở cho ngày mai. Trong balô có gì cân cấn. Trịnh nhíu mày, lôi ra. Đó là một quả bóng. Nó ở đây từ lúc nào?

Ký ức những ngày vừa qua tràn về trong tâm trí. Tim Trịnh chợt thắt lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro