cay du cua ban mau gi!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hãy nghĩ về điều này: bạn được trang bị tất cả những kỹ năng trên đời, đã nghiên cứu công ty nọ không sót khâu nào, đã thực hành với những câu hỏi phỏng vấn nhuyễn đến mức chỉ đưa ra những câu "từ đúng trở lên" và chắc chắn là người hoàn hảo cho công việc. Ấy vậy mà vẫn xôi hỏng bỏng không chỉ vì ... hơi thở của bạn hơi có mùi. Hoặc vì một lý do vớ vẩn bé con con nào khác. Điều này cũng tựa như bạn chuẩn bị sẵn sàng để đánh nhau với một con rồng thế mà lại bị chết trong tay một con muỗi.

Đó là lý do tại sao các buổi phỏng vấn thường thất bại, và thất bại này diễn ra trong hai phút đầu tiên. Bạn tin điều đó không?

Chúng ta hãy thử tìm hiểu xem cái con muỗi "độc" ấy bay vào trong 30 giây đầu của cuộc phỏng vấn như thế nào mà để cái người có trách nhiệm phỏng vấn bạn giật mình lẩm nhẩm, "Chà, mình hy vọng ngoài kia còn có những ứng viên khác tốt hơn."

SỰ THẬT VỀ "PHỎNG VẤN TUYỂN DỤNG"

Không, tôi không biết làm cách nào mà họ đưa ra được những số liệu trên và chắc chắn sẽ có những tiếng nói phản đối! Nhưng điều quan trọng là thông tin này nhất quán với những gì mà tôi biết được về thế giới HR trong suốt 30 năm qua. Tôi đã quan sát hiện tượng các chuyên gia tuyển dụng nhân sự hoặc tổ chức cán bộ đưa ra những chọn lựa hết sức tồi tệ trong khi tuyển người cho chính văn phòng của mình và khi họ buồn rầu mà thú nhận với tôi điều ấy một vài tháng sau đó, trong một bữa ăn trưa thì tôi đã nói đùa rằng, "Nếu anh không tuyển đúng người đúng việc cho công ty anh thì làm sao có thể chường mặt ra mà làm cái công việc tuyển dụng người cho những nơi khác được?" Thế là với dáng bộ ủ ê, họ trả lời rằng, "Thì còn biết làm sao được, chúng tôi đã tiến hành một cách rất khoa học." Vì vậy để tôi nói cho các bạn đọc yêu quý của tôi rằng, phỏng vấn tuyển dụng chẳng phải khoa học gì hết. Nó là một nghệ thuật và là một nghệ thuật hết sức tù mù được thực hiện một cách kém cỏi bởi phần lớn những người đang tập tành làm ông chủ, bất chấp kinh nghiệm, mục đích tốt đẹp và cả một xe tải chất đầy "thiện chí" của họ.

Bản chất của phỏng vấn tuyển dụng không giống với cái vẻ ngoài của nó. Cứ như thể, chỉ có một mình bạn ngồi đó sợ đến chết đi được cùng với một cá nhân khác (ông chủ hoặc đại diện cho ông chủ) hết sức bình thản và tự tin.

Nhưng sự thật là cả hai phía đều có những nỗi lo sợ riêng. Chỉ có điều bên tuyển dụng họ che giấu nỗi e ngại và sợ hãi của mình tốt hơn, vì họ được thực tập nhiều hơn.

Nhưng mà họ, suy cho cùng cũng là con người như tất thảy chúng ta. Họ cũng chẳng được sinh ra để làm việc này. Nó chỉ đến cùng với tất cả những nhiệm vụ khác của họ. Và rất có thể họ biết tỏng đi rằng mình cũng chẳng giỏi khoản này nên cũng sợ lắm lắm.

Nỗi sợ của họ có thể là bất cứ (hoặc tất cả) những điều sau đây:

a. Bạn không có khả năng làm cái việc ấy: bạn thiếu những kỹ năng hoặc kinh nghiệm cần thiết và phỏng vấn tuyển dụng còn chưa đủ để phát hiện ra điều đó.

b. Nếu được tuyển, bạn không làm việc siêng năng chuyên cần với mức độ ổn định mà họ mong muốn.

c. Khi vào làm việc bạn thường xuyên "cáo ốm" hoặc vắng mặt cả ngày.

d. Dù có tên trong bảng lương rồi nhưng rất có thể chỉ vài tuần hoặc vài tháng sau bạn nghỉ việc đến rộp một cái mà không hề báo trước.

e. Phải mất một khoảng thời gian dài bạn mới làm quen được với công việc và như thế phải tốn khối cơm gạo cho bạn cho đến lúc bạn đáp ứng được yêu cầu công việc.

f. Bạn không thể hòa hợp với những người ở đây hoặc giả bạn lại là nhân tố làm phát sinh những mâu thuẫn với sếp.

g. Bạn làm chẳng được bao nhiêu mà công ty lại phải trả cho bạn quá nhiều.

h. Bạn có sức ỳ lớn, chỉ ngồi đợi người ta cầm tay chỉ việc mà không hề chủ động trong công việc - bao giờ cũng đi sau mọi người hoặc chờ cho người ta thúc vào lưng mới có bước đi tiếp.

i. Bạn sẽ là nhân tố gây ra lỗi trong một hệ thống đang vận hành trơn tru và hóa ra lại là một kẻ không trung thực hoặc hoàn toàn vô trách nhiệm, một con cú chuyên gieo rắc những mối bất hòa, một tên lười biếng, buôn chuyện, một tay biển thủ, một nhân viên hoang phí của công hoặc lạm dụng tình dục, một kẻ chích choác, một tên nghiệm rượu, hay nói dối, không có chút năng lực, nói tóm lại, một kẻ tồi tệ.

j. Nếu trong một công ty lớn và sếp của bạn không phải là người đứng đầu thì sẽ có nguy cơ bạn làm cho họ mang tiếng xấu hoặc mất điểm vì đã tuyển bạn vào làm trong bộ phận của mình, và cái giá mà họ phải trả có thể là mất việc hoặc không bao giờ được thăng tiến.

k. Họ có thể mất khối tiền vì đã trót tuyển không đúng người. Trong thời điểm hiện tại, ở nước Mỹ, một doanh nghiệp có thể mất đến 50 ngàn USD vì tuyển không đúng người đúng việc, trong đó có chi phí di chuyển, tiền lương cho khoảng thời gian tuyển mà không được việc gì và tiền đền bù hợp đồng lao động nếu họ quyết định sa thải bạn.

Chẳng có gì phải băn khoăn nữa về nguyên nhân khiến cho người tuyển dụng không ngồi trên ghế "nóng" như bạn mà vẫn toát mồ hôi hột.

Ngày xưa, cũng còn chưa lâu lắm, nhà tuyển dụng có được sự trợ giúp để đưa ra quyết định. Họ thường có được thông tin hữu ích qua việc nói chuyện với ông chủ cũ của bạn. Và chỉ thế mà thôi. Nhưng rồi việc đó không thể tiếp diễn khi vào thập niên 80 những người tìm việc đâm đơn kiện, họ viện lý do "những sự tiết lộ như vậy là bất hợp pháp" hoặc "tước đoạt khả năng kiếm sống của họ". Hầu hết các doanh nghiệp hoặc tổ chức chủ trương từ chối cung cấp bất cứ thông tin gì về nhân viên cũ của mình trừ tên tuổi, chức vụ, cụ thể là chức danh công việc và thời gian làm việc.

Vì thế mà bây giờ trong suốt quá trình tìm người, nhà tuyển dụng chỉ còn biết trông cậy vào bản thân mình để đưa ra quyết định có nên tuyển bạn hay không. Nỗi sợ của họ vì thế mà lớn hơn. Thật thế, phỏng vấn tuyển dụng ngày nay đã trở thành quan trọng ghê gớm.

Và bây giờ đến những hướng dẫn thật sự cho một cuộc phỏng vấn.

Một cuộc phỏng vấn được thực hiện một cách tốt nhất theo cách sau:

Trong quá trình phỏng vấn, hãy xác định tôn trọng quy tắc 50-50

Các nghiên cứu cho biết rằng, nhìn chung những người qua được vòng này là những người đạt được tỷ lệ nói và nghe cân bằng trong quá trình phỏng vấn. Điều đó có nghĩa là một nửa thời gian họ để nhà tuyển dụng nói, nửa thời gian còn lại họ nói. Theo các nghiên cứu, những người không đạt tỷ lệ này là người không được tuyển.2 Tôi có một linh cảm về lý do cho những chuyện này là, nếu bạn nói quá nhiều về mình thì bạn có vẻ như là người có thể phớt lờ nhu cầu của doanh nghiệp, còn nếu bạn nói quá ít thì xem ra bạn đang cố giấu diếm một điều gì đó về bản thân.

Trong khi trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng hãy tuân thủ quy tắc từ 20 giây đến 2 phút

Các nghiên cứu3 cho biết, khi đến lượt bạn nói hoặc trả lời câu hỏi thì bạn nên sắp xếp thời gian để nói không quá 2 phút một lần nếu muốn gây ấn tượng tốt nhất. Trong thực tế, một câu trả lời tốt đối với câu hỏi của nhà tuyển dụng chỉ mất khoảng 20 giây. Đó là một thông tin hữu ích mà bạn biết trong khi thực hiện một buổi phỏng vấn thành công - như một cái gì mà chắc chắn là bạn muốn làm.

Xác định mình như là một phần của giải pháp chứ không phải là một phần của vấn đề

Mỗi tổ chức hoặc doanh nghiệp đều có hai mối ưu tư chính trong công việc hàng ngày: những vấn đề mà họ phải đối mặt và giải pháp cho những vấn đề ấy do "người trong cuộc" đưa ra. Vì thế, trong phỏng vấn tuyển dụng, vấn đề chính mà người tuyển dụng phải giải quyết là trả lời cho câu hỏi: bạn sẽ là một phần của giải pháp hay lại trở thành phần thêm vào cho vấn đề còn tồn đọng của họ.

Trong khi trả lời cho mối quan tâm này, hãy hình dung giai đoạn trước khi diễn ra buổi phỏng vấn, người tìm việc sẽ ở vào tình huống tồi tệ như thế nào nếu đến muộn, chiếm quá nhiều thời gian hoặc chỉ tuân theo lịch trình của mình thay vì của nhà tuyển dụng, v.v. Sau đó, trong quá trình phỏng vấn, hãy tìm cách nhấn mạnh với nhà tuyển dụng rằng bạn hoàn toàn đối lập với cách nghĩ trên: rằng mục đích duy nhất của bạn là gia tăng tính hiệu quả của doanh nghiệp và dịch vụ cùng những điểm mấu chốt.

Hãy nhận rõ những kỹ năng mà ngày nay các doanh nghiệp thường tìm kiếm cho cái vị trí mà bạn đang nhắm tới. Nhìn chung, các ông chủ đang tìm kiếm những người có những đặc tính như sau: tôn trọng giờ giấc, đến chỗ làm đúng giờ hoặc sớm hơn; đi về đúng giờ hoặc muộn hơn; đáng tin cậy; có thái độ tốt; những người nhiệt tình, giàu năng lượng, có nghị lực; những người muốn nhiều hơn là tờ chi phiếu; những người có ý thức kỷ luật, có óc tổ chức, có động cơ tốt đẹp, có khả năng điều phối thời gian tốt; những người có thể chỉ đạo người khác; sử dụng lời nói một cách hiệu quả; những người có thể làm việc với máy tính; phối hợp tốt trong tổ nhóm; là người linh hoạt có thể ứng phó được với những tình huống mới mẻ hoặc đáp ứng hoàn cảnh mới do sự thay đổi công việc; người có thể đào tạo được và thích học hỏi; người có khả năng tự định hướng với những mục đích rõ ràng; sáng tạo và giải quyết vấn đề tốt; chính trực, trung thành với tổ chức, có khả năng nhận ra các cơ hội, thị trường và khuynh hướng sắp diễn ra.

Người ta ai cũng muốn tuyển những kẻ có khả năng mang về cho họ nhiều hơn số tiền mà họ phải trả. Hãy lên kế hoạch để tuyên bố về những điều mà bạn có thể nói một cách chính thức trong phỏng vấn tuyển dụng.

Nhà tuyển dụng cho rằng cái cách mà bạn tìm việc nói lên cung cách làm việc sau này của bạn

Hãy chứng minh bản thân mình có những đặc tính phẩm chất này nọ qua cái cách mà bạn chuẩn bị hành trang cho mình khi đi tìm việc nếu được tuyển. Ví dụ, nếu trong buổi phỏng vấn, bạn nói cho họ biết rằng mình là người rất chu toàn trong công việc, vậy thì hãy đảm bảo là bạn rất tỷ mỷ và chính xác trong khi nghiên cứu về doanh nghiệp. Bởi vì cách mà bạn tìm việc và cung cách làm việc nếu được tuyển, đối với hầu hết những nhà tuyển dụng,hoàn toàn không phải là hai chủ đề không liên quan gì đến nhau mà có quan hệ họ hàng gần với nhau. Nếu bạn tìm việc một cách cẩu thả, miễn cưỡng (Không hiểu thằng cha này làm cái gì ở đây?) thì rõ ràng đó có thể xem như dấu hiệu báo trước rằng bạn có thể tiến hành nhiệm vụ được giao một cách cẩu thả thụ động và chỉ có ngu ngốc lắm mới tuyển một người như vậy. Các nhà tuyển dụng biết một sự thật đơn giản: nhìn chung, cách mà con người ta đi tìm việc cũng giống như cái cách mà họ sống và làm việc hàng ngày.

Mang theo bằng chứng nếu có thể

Như chúng ta đã thấy trong chương trước, hãy cố gắng mang theo những bằng chứng nói lên các kỹ năng của bạn trong phỏng vấn tuyển dụng. Chẳng hạn, nếu bạn là một nghệ sĩ, nghệ nhân hay có thể tạo ra một sản phẩm thì hãy mang một vài tác phẩm của mình tới, có thể là sản phẩm thật, hoặc ảnh chụp thậm chí băng video về nó cũng được.

Xác định ngay từ đầu không nói xấu ông chủ cũ trong quá trình phỏng vấn

Trong khoảng thời gian nói chuyện với nhà tuyển dụng, bạn chớ bao giờ hé môi nói xấu chỗ làm cũ. Các nhà tuyển dụng thường có cảm giác họ là những anh em đồng đạo hoặc cùng hội cùng thuyền. Vì vậy, trong khi phỏng vấn, bạn hãy ứng xử như một người lịch thiệp nhã nhặn với tất cả các thành viên trong cái hội đoàn này. Việc nói những lời không đẹp về ông chủ cũ chỉ khiến họ e ngại rằng bạn cũng sẽ nói như thế về họ sau khi tuyển bạn vào làm việc cho họ.

Tôi học được điều này từ kinh nghiệm của bản thân. Một lần, tôi nói những lời tốt đẹp về người chủ cũ với ông chủ mới. Tôi không hề biết là người chủ mới biết rằng người chủ cũ đối xử với tôi rất tệ, vì thế ông ấy đánh giá tôi rất cao bởi vì tôi đã không để cho cái chuyện xấu đó bám theo mình. Trong thực tế, ông chủ mới còn không bao giờ quên điều đó, nhiều năm sau vẫn còn nhắc đến nó. Tin tôi đi, bao giờ bạn cũng gây được ấn tượng tốt nếu không mở miệng nói xấu người chủ cũ.

Trái lại, hãy chuẩn bị nói những lời công bằng, dễ chịu về chủ cũ; trong trường hợp bạn e ngại rằng sếp cũ của mình có thể có những nhận xét không tốt về mình thì hãy chủ động "nắm lấy sừng con bò". Hãy nói một điều đơn giản như thế này, "Tôi thường hòa hợp với mọi người, nhưng vì một vài lý do sếp cũ và tôi không được hòa thuận với nhau lắm. Tôi cũng không rõ lý do tại sao, điều này chưa xảy ra với tôi bao giờ. Hy vọng nó không diễn ra một lần nữa."

Không cần lãng phí thời gian học thuộc lòng một mớ những "câu trả lời đúng kiểu" đối với những câu hỏi mà nhà tuyển dụng có khả năng đặt ra; tất thảy chỉ có năm câu hỏi "đinh" mà thôi.

Tất nhiên, người chủ mới hoặc đại diện của họ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi để giúp họ minh định vấn đề có nên tuyển một người như thế không. Những cuốn sách về tuyển dụng có kê ra hàng loạt những câu hỏi hoặc ít nhất các dạng câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường đặt ra. Trong đó có những câu hỏi như:

· Bạn biết gì về công ty?

· Hãy cho tôi biết đôi điều về bạn.

· Tại sao bạn đăng ký làm công việc này?

· Bạn có thể miêu tả vài nét về bản thân?

· Những ưu điểm lớn nhất của bạn?

· Những nhược điểm đáng kể nhất của bạn?

· Loại hình công việc mà bạn thích làm nhất là gì?

· Những quan tâm của bạn bên ngoài công việc là gì?

· Thành quả nào của mình làm cho bạn hài lòng nhất?

· Tại sao bạn nghỉ không làm công việc gần đây nhất?

· Tại sao bạn bị sa thải (nếu có)?

· Năm năm tới bạn hình dung mình sẽ ở vị trí nào?

· Bạn có những mục tiêu gì trong đời?

· Bạn làm được những gì ở vị trí công tác cuối cùng?

Phải, danh sách này cứ thế mà dài ra mãi. Trong một số cuốn sách bạn có thể thấy 89 câu hỏi hoặc hơn

Nên nhớ, quá trình tuyển dụng giống với việc chọn bạn đời nhiều hơn là chọn mua một cái xe mới. "Chọn bạn đời" ở đây có ý nghĩa ẩn dụ nhiều hơn. Nói thêm về phép ẩn dụ một chút, nó ám chỉ cái cơ chế qua đó người ta quyết định tuyển một ai đó làm việc với mình, cũng tương tự cái cơ chế mà con người, theo bản năng, có ý muốn sống hợp thức lâu dài với một người nào đó. Sự giống nhau ở đây thể hiện trong việc sự lựa chọn này thưòng là theo cảm tính, bốc đồng, phi lý, không thể hiểu được và do tình thế bắt buộc.

Khi ấy, bạn được bảo cho mà biết rằng cần phải chuẩn bị cho buổi phỏng vấn bằng cách viết ra giấy, thực hành nói và ghi nhớ trong đầu những câu trả lời thông minh "ác chiến" nhất cho tất cả những câu hỏi trên đời - phải, có những câu trả lời rất hay mà những cuốn sách ấy dụng tâm cung cấp.

Tất cả điều đó đều có một ý định tốt đẹp và đã đạt đến trình độ nghệ thuật trong nhiều thập kỷ. Nhưng bạn thân mến của tôi, có tin tức tốt lành đây! Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới và mọi việc trở nên đơn giản hơn nhiều.

Trong một mớ hàng chục hàng trăm câu hỏi mà người ta có thể đặt ra, chúng tôi biết được rằng chỉ có năm câu hỏi cơ bản mà bạn thực sự cần chú ý đến.

Năm câu, phải chỉ có năm mà thôi. Người có quyền quyết định tuyển bạn chỉ muốn biết câu trả lời cho năm câu hỏi mà họ có thể hỏi trực tiếp hoặc tìm cách biến tướng đi một chút.

1. "Tại sao bạn có mặt ở đây?" Diễn đạt theo cách nôm na thì câu hỏi này có nghĩa là, "Tại sao bạn lại gõ cửa chỗ chúng tôi mà không phải nơi nào khác?"

2. "Bạn có thể làm gì cho chúng tôi?" Nói trắng ra là, "Nếu tuyển bạn vào làm thì bạn sẽ cộng thêm vào cái gánh nặng mà tôi đang gánh hay là giúp tôi chia sẻ bớt gánh nặng đó?

3. "Bạn là kiểu người nào?" Điều này có nghĩa là, "Tính cách của bạn có dễ chịu với đồng nghiệp không và bạn có chia sẻ cùng chúng tôi những giá trị doanh nghiệp không?"

4. "Điều gì phân biệt bạn với mười chín người khác cũng cùng làm một công việc giống bạn?" Thế nghĩa là, "Bạn có thói quen làm việc tốt hơn những người khác không, bạn có đi sớm về muộn, làm việc chăm chỉ, giải quyết công việc nhanh nhẹn, duy trì chất lượng cao, cố gắng không ngừng hoặc ... là một cái gì khác?

5. "Tôi có thể 'mua' nổi bạn không?" Điều này chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc, "Nếu quyết định tuyển bạn thì chúng tôi phải trả bao nhiêu để có được bạn, chúng tôi sẵn sàng và có khả năng bỏ ra số tiền nào đó trong phạm vi ngân sách nhưng không có khả năng trả cho bạn như cho một người có những đặc điểm hơn bạn trong biểu đồ công ty.

Đây là năm câu hỏi then chốt mà đại đa số các nhà tuyển dụng tha thiết muốn có câu trả lời. Có những trường hợp suốt từ đầu đến cuối buổi phỏng vấn, những câu hỏi này không hề được nhà tuyển dụng đề cập đến. Tuy vậy, chúng vẫn bảng lảng đâu đó trong không gian, thấp thoáng dưới bề mặt của những câu hỏi đáp đang diễn ra, lặn dưới tất cả những điều khác đang được thảo luận. Bất cứ điều gì mà bạn có thể làm trong buổi phỏng vấn để giúp nhà tuyển dụng tìm ra năm câu trả lời này đều sẽ khiến cho nhà tuyển dụng hài lòng, mãn nguyện. Bạn chẳng phải ghi nhớ một điều gì hết.

Nếu làm Bài tập Hoa (trang ) bạn sẽ biết được năm câu trả lời này.

Bạn cần tìm ra câu trả lời cho cũng những câu hỏi mà nhà tuyển dụng muốn biết.

Trong suốt buổi phỏng vấn, bạn có quyền, không, có nghĩa vụ - tìm ra những câu trả lời cho năm câu hỏi giống như nhà tuyển dụng, tuy hình thức có hơi khác một chút. Các câu hỏi bạn đặt ra có thể như thế này:

1. "Công việc này liên quan đến những cái gì?" bạn muốn hiểu chính xác nhiệm vụ mà người ta yêu cầu bạn thực hiện, vì thế bạn có thể cân nhắc xem các kiểu nhiệm vụ nào mà bạn thực sự thích làm.

2. Nhân viên cao cấp ở cương vị này cần phải có những kỹ năng gì? Bạn muốn biết xem các kỹ năng của mình có tương thích với những gì mà nhà tuyển dụng nghĩ một nhân viên ở vị trí đó phải có để thực hiện công việc hay không.

3. "Có những kiểu người mà tôi muốn làm việc, hoặc không muốn làm không?" Đừng bỏ qua tiếng nói của trực giác nếu nó nói với bạn rằng bạn sẽ không thoải mái khi làm việc với những người này. Bạn cần phải biết xem tuýp người như thế có giúp bạn dễ dàng hoàn thành công việc không và liệu họ có cùng chia sẻ với bạn những giá trị quan trọng nhất?

4. "Nếu chúng tôi đều thích và cả hai bên cùng muốn làm việc với nhau, tôi có thể thuyết phục họ rằng có một cái gì đó độc đáo về bản thân mình giúp phân biệt tôi với mười chín người còn lại cũng làm đúng cái nhiệm vụ này không?" Bạn cần phải nghĩ trước xem cái gì khiến bạn khác với mười chín người kia. Ví dụ, nếu bạn giỏi phân tích những vấn đề, bạn sẽ làm như thế nào? Một cách cẩn thận khoa học hay tin cậy vào trực giác trong một giây lóe sáng của bản năng? Bằng cách tham khảo ý kiến của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó? Bạn nhìn thấy vấn đề, chịu khó đầu tư "kiểu" hoặc "phong cách" vào cong việc mình thực hiện thì đó chính là cái tạo ra nét khác biệt và hấp dẫn đối với nhà tuyển dụng.

5. "Tôi có thể thuyết phục họ tuyển tôi với mức lương mà tôi mong muốn không?" Điều này đòi hỏi bạn phải một số kiến thức trong nghệ thuật thương lượng về lương bổng (xem chương sau).

Chắc hẳn bạn sẽ muốn hỏi một hai câu thành tiếng. Bạn hãy quan sát một cách lặng lẽ câu trả lời cho ba câu hỏi đầu. Chuẩn bị đưa ra câu hỏi thứ tư và thứ năm vào một thời điểm thích hợp khi có cơ hội (một lần nữa, xin đọc chương sau).

Làm thế nào để đưa ra những câu hỏi này? Có thể bắt đầu bằng cách nói cho họ biết một cách chính xác, bạn đã tiến hành tìm việc như thế nào, cái gì trong tổ chức của họ gây ấn tượng nơi bạn trong quá trình tìm hiểu, rằng cuối cùng bạn quyết định tìm đến tận nơi và đặt vấn đề muốn làm việc với họ. Sau đó hãy tập trung vào phần còn lại của buổi phỏng vấn để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, theo cách của bạn.4

Phải, ở đây chỉ có năm câu hỏi thực sự đáng kể trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng, nhưng chúng diễn ra như thế nào mới là chuyện đáng nói! Chúng vận hành trong một dạng thức có hơi khác (lại nữa) nếu bạn ở đấy để nói không phải về công việc tồn tại mà là một công việc khác mà bạn muốn người ta tạo ra cho mình. Trong phỏng vấn tuyển dụng loại này, hoặc khi tiếp cận với một công ty, năm câu hỏi này biến đổi thành năm câu câu khẳng định mà bạn có thể đưa ra đối với người chịu trách nhiệm tuyển dụng.

1. Điều làm bạn thích nhất về công ty này.

2. Các loại nhu cầu mà bạn thấy có sức hấp dẫn về lĩnh vực này trong công ty (trừ khi bạn nghe thấy từ "những vấn đề" từ chính miệng nhà tuyển dụng, còn không thì chớ bao giờ dùng từ này, bởi vì hầu hết các nhà tuyển dụng thích dùng những từ gần nghĩa như "thách thức" hoặc "nhu cầu" hơn).

3. Theo bạn để đáp ứng những nhu cầu đó cần có những kỹ năng nào.

4. Các bằng chứng trong quá khứ cho thấy bạn có những kỹ năng ấy. Các nhà tuyển dụng tìm kiếm những ví dụ trong các thành tựu hoặc những gì bạn đã đạt được trong quá khứ chứ không phải là những câu nói mơ hồ như: "Tôi giỏi cái này, tôi thạo cái kia ..." Họ muốn có những ví dụ chính xác, đặc biệt là những kỹ năng chuyển tiếp, kỹ năng công việc và kỹ năng tự quản trị. Nếu đọc kỹ các trang 65, 66 bạn sẽ biết rõ điều này. Đó là nguyên tắc thuộc về phỏng vấn hành vi hoặc phỏng vấn dựa vào khả năng. Người ta có thể hỏi bạn, hoặc - nếu không - bạn có thể tự đặt ra đúng câu hỏi ấy trong buổi phỏng vấn: "Đâu là ba khả năng quan trọng nhất cho công việc này?" Sau đó, tất nhiên bạn cần chứng minh ngay trong buổi phỏng vấn rằng bạn có ba khả năng ấy cho cái công việc mà bạn hứng thú.

5. Điều đặc biệt trong cách mà bạn thực hiện những kỹ năng này. Như tôi đã nói ở trước: tất cả các nhà tuyển dụng tương lai điều muốn biết bạn có gì khác với mười chín người khác cũng làm công việc giống bạn. Bạn phải biết đó là cái gì. Đừng chỉ nói suông mà hãy thể hiện một cách rõ nét nhất ngay trong buổi phỏng vấn tuyển dụng. Ví dụ, khi bạn nói, "Tôi chu đáo trong tiến hành công việc" có thể biến thành một định đề là bạn rất chu đáo trong công tác nghiên cứu về công ty họ trước khi đến với buổi phỏng vấn tuyển dụng. Đó là bằng chứng mà nhà tuyển dụng có thể mục sở thị.

Ghi chú đặc biệt cho Những Người Tự Coi Mình Là Thành Viên của Thế Hệ Được Phép Làm Tất Cả: làm ơn đừng để câu "điểm đặc biệt của tôi là" đi vào đầu mình nhé. Nếu bạn vừa mới ra trường lại đến một buổi phỏng vấn tuyển dụng với ý nghĩ bạn có thể nhảy điệu van-xơ ở đây, bảo với họ rằng bạn tuyệt vời như thế nào còn họ thì may mắn ra sao khi có được bạn rằng bạn mong muốn mức lương cao bằng với người 20 năm chinh chiến trong nghề thì lời khuyến cáo của tôi là bạn nên nghĩ lại. Người ta chỉ tìm kiếm những người khiêm tốn biết giá trị của mình và cũng biết đánh giá đúng giá trị của người khác. Giống như những thành viên trong một dàn hợp xướng.

Trong một buổi phỏng vấn, bạn phải luôn ghi nhớ trong đầu rằng: nhà tuyển dụng không thực sự quan tâm đến quá khứ của bạn, họ chỉ hỏi về nó để có thể ước đoán về tương lai (hành vi) của bạn mà thôi.

Ở Mỹ, các nhà tuyển dụng có thể chỉ hỏi bạn những vấn đề có liên quan đến các yêu cầu và kỳ vọng trong công việc. Họ sẽ không hỏi về tín ngưỡng, tôn giáo, chủng tộc, tuổi tác, giới tính hoặc tình trạng gia đình. Những câu hỏi khác về quá khứ của bạn đều đúng luật chơi. Đừng để bị đánh lừa bởi vẻ quan tâm của nhà tuyển dụng với quá khứ của mình. Bạn phải nhận ra rằng điều duy nhất mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng quan tâm đó là tương lai của bạn ... với họ. Bởi vì tương lai là cái gì không thể biết trước được họ thường phải cố gắng đo lường ước đoán bằng cách hỏi về quá khứ của bạn (hành vi).

Vì thế trong buổi phỏng vấn, trước khi trả lời bất cứ câu hỏi nào về quá khứ mà nhà tuyển dụng đặt ra hãy dừng lại suy nghĩ xem có nguy cơ nào nằm bên dưới câu hỏi ấy để hóa giải nỗi sợ ấy dù gián tiếp hay trực tiếp.

Như tôi đã nói ở trên, trong hầu hết các trường hợp, người có quyền tuyển bạn cũng sợ phát khiếp. Nếu bạn nghĩ đó là cách miêu tả quá mạnh thì có thể thay vào những tính từ như hồi hộp, e ngại hoặc lo lắng. Và cái mối lo hay nỗi sợ ấy nằm trong tất cả những câu hỏi mà họ đặt ra. Sau đây là một số ví dụ:

Câu hỏi tuyển dụng

Nỗi sợ đằng sau câu hỏi

Điều mà bạn cố gắng vượt qua

Những câu nói mà bạn có thể dùng để vượt qua

"Cho tôi biết về bản thân bạn"

Nhà tuyển dụng sợ rằng mình sẽ không thực hiện tốt buổi phỏng vấn, vì đưa ra những câu hỏi không thích hợp. Hoặc sợ rằng có điều gì đó không tốt về bạn và thầm hy vọng bạn sẽ để lộ ra.

Bạn là một nhân viên tốt, có thể chứng minh trong quá trình làm việc. (Đưa ra một bản tiểu sử ngắn gọn cho biết bạn là ai, sinh ra ở đâu, lớn lên như thế nào, những mối quan tâm, hứng thú trong cuộc sống và loại hình công việc mà bạn thích làm nhất.

Cố gắng nói tối đa trong 2 phút.

Miêu tả quá trình làm việc, dùng bất cứ cụm từ chân thực nào để nói về quá trình này, có thể là những lời tự đánh giá như: làm việc chăm chỉ, đi sớm về trễ, bao giờ cũng làm hơn những gì người khác chờ đợi ở tôi. v.v.

"Bạn tìm kiếm loại hình công việc nào?"

Nhà tuyển dụng sợ rằng bạn tìm kiếm một công việc khác với vị trí mà họ đang khuyết. Ví dụ, họ chỉ muốn tìm một thư ký trong khi bạn muốn làm công việc điều hành văn phòng v.v.

Bạn tìm đúng cái loại hình công việc mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm (nhưng đừng nói ra thế nếu đó không phải là sự thật). Hãy nhắc lại với nhà tuyển dụng bằng cách nói của bạn điều mà họ đã nói về công việc và nhấn mạnh những kỹ năng mà bạn có để thực hiện công việc đó.

Nếu nhà tuyển dụng không miêu tả công việc thì hãy nói, "Tôi rất vui khi được trả lời điều đó, nhưng trước hết tôi muốn hiểu chính xác công việc mà vị trí này đòi hỏi."

"Bạn đã làm công việc này bao giờ chưa?"

Nhà tuyển dụng sợ rằng bạn không có những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết cho công việc này.

Bạn có những kỹ năng chuyển tiếp từ bất cứ việc nào mà bạn đã làm và làm rất tốt.

"Tôi lĩnh hội rất nhanh." "Tôi nhanh chóng làm chủ được bất cứ công việc nào mà tôi đã từng làm qua."

"Tại sao bạn thôi công việc cũ." Hoặc

"Bạn có hòa thuận với sếp cũ hoặc đồng nghiệp không?"

Nhà tuyển dụng e rằng bạn không hòa thuận với mọi người, nhất là các sếp, họ chỉ đợi nghe bạn nói xấu sếp hoặc đồng nghiệp và coi đó như một bằng chứng chống lại bạn.

Nói bất cứ điều gì tích cực mà bạn có thể nghĩ ra về sếp cũ và đồng nghiệp (mà không nói dối). Nhấn mạnh rằng bạn hòa hợp với mọi người và sau đó hãy để cho thái độ khoan hòa của mình đối với sếp cũ hoặc đồng nghiệp chứng minh điều đó rồi để nhà tuyển dụng cảm nhận điều đó bằng tai và mắt.

Nếu bạn tự nguyện bỏ việc: "Cả sếp và tôi đều cảm thấy tôi sẽ vui hơn, làm việc tốt hơn ở nơi mà (miêu tả điểm mạnh của bạn) tôi có nhiều không gian hơn để sử dụng linh cảm và trí sáng tạo."

Nếu bạn bị đuổi việc: "Thường thì tôi dễ hòa đồng với mọi người nhưng riêng trong trường hợp này sếp và tôi không được ăn ý với nhau lắm. Cũng khó nói được là tại sao." Bạn không nhất thiết phải nói thêm bất cứ điều gì khác. Nếu bạn bị giảm biên chế và công việc của bạn không có ai thay: "Công việc của tôi bị cắt giảm."

"Sức khỏe của bạn thế nào?" Hoặc "Bạn có thường vắng mặt trong công việc mà bạn đảm nhiệm trước đây không?"

Nhà tuyển dụng ngại rằng bạn sẽ thường xuyên xin nghỉ nếu họ tuyển bạn.

Bạn ít khi xin nghỉ. Nếu có vấn đề về sức khỏe, bạn cần nhấn mạnh rằng nó không khiến bạn phải nghỉ việc thường xuyên. Hiệu suất làm việc của bạn so với người khác là hơn hẳn.

Nếu bạn không xin nghỉ nhiều trong công việc cuối cùng: "Tôi tin rằng trách nhiệm của một nhân viên là đi làm đầy đủ hàng ngày."

Nếu bạn nghỉ nhiều, hãy giải thích lý do và nhấn mạnh đó là vì những khó khăn đã qua.

"Bạn có thể giải thích tại sao bạn nghỉ việc quá lâu?" hoặc "Giải thích cho tôi biết tại sao có những thời kỳ gián đoạn trong quá trình công tác của bạn?"

(Thường đặt ra sau khi đọc lý lịch.)

Nhà tuyển dụng lo rằng bạn là kiểu người sẽ bỏ việc ngay vào cái phút mà bạn không thích nữa, nói cách khác bạn không có độ ổn định và vững vàng trong công việc.

Bạn thích làm việc và xem khoảng thời gian không có việc như một thách thức, trong đó bạn muốn học được cách chiến thắng thử thách.

Trong thời gian gián đoạn đó, tôi học thêm/ làm việc tình nguyện/ dành thời gian suy nghĩ kỹ về sứ mệnh trong đời/ xác định lại hướng đi và mục đích trong đời.

(Chọn một trong số đó.)

"Không biết công việc này có phải là một bước thụt lùi đối với bạn?" hoặc "Tôi nghĩ công việc này không vừa tầm với tài năng và kinh nghiệm của bạn?" hoặc "Bạn có nghĩ là công việc này dưới tầm của bạn?"

Họ sợ rằng bạn có thể đòi hỏi một mức lương cao hơn, một vị trí nào đó cao hơn và vì vậy sẽ bỏ công ty của họ ngay khi tìm được một chỗ tốt hơn.

Bạn sẽ gắn bó với công việc này chừng nào bạn và sếp đồng ý rằng đó là vị trí thích hợp với bạn.

"Công việc này không phải là một bước thụt lùi đối với tôi. Nó là một bước tiến - về mặt phúc lợi."

"Chúng tôi có mối lo ngại hiển nhiên; tất cả các nhà tuyển dụng đều sợ những nhân viên có năng lực mau chóng rời khỏi đơn vị mình, trong khi nhân viên lại sợ ông chủ sẽ đuổi mình mà chẳng có lý do chính đáng." "Tôi thích làm việc và sẽ làm hết sức đối với mỗi công việc mà tôi nhận lãnh."

Và cuối cùng, "Nói cho tôi nghe nhược điểm lớn nhất của bạn là gì?"

Nhà tuyển dụng cho rằng bạn sẽ có những khiếm khuyết nào đó trong tính cách và hy vọng trong lúc này bạn bất cẩn mà để lộ ra hoặc sẽ thú nhận.

Bạn cũng có những hạn chế như hết thảy mọi người khác, nhưng bạn ý thức được điều đó và luôn tự hoàn thiện bản thân mình để trở thành một người làm việc ngày càng hiệu quả hơn.

Nêu lên một nhược điểm sau đó nhấn mạnh mặt tích cực của nó, chẳng hạn, "Tôi không thích sự chỉ đạo quá sát sao bởi vì tôi rất chủ động và luôn lường trước được vấn đề trước khi nó nổi rõ."

Trong khi cuộc phỏng vấn diễn ra, bạn cần lặng lẽ nhận ra "mũi tên chỉ thời gian" cho những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đặt ra.

Khi cuộc phỏng vấn diễn ra thuận lợi đối với bạn, về mặt thời gian, các câu hỏi của nhà tuyển dụng thường trải qua - bất kể nó nhanh chậm như thế nào - những bước sau:

1. Quá khứ xa xưa, ví dụ, "Bạn học trung học khi nào?"

2. Quá khứ gần, ví dụ, "Nói cho tôi nghe về công việc mới đây nhất của bạn."

3. Hiện tại, chẳng hạn, "Bạn đang tìm kiếm loại hình công việc gì?"

4. Tương lai gần, có thể như, "Bạn có thể quay lại cho một cuộc phỏng vấn khác vào tuần tới không?"

5. Tương lai xa, như câu hỏi, "Trong năm năm tới, bạn muốn mình ở vị trí nào?"

Khi các câu hỏi càng chuyển dần từ thời quá khứ đến thời tương lai thì bạn càng có nhiều thuận lợi trong buổi phỏng vấn. Ngược lại, nếu câu hỏi chỉ nằm ỳ trong thời quá khứ mọi việc xem ra không tốt, bạn khó có khả năng nhận được lời mời.

Khi "mũi tên chỉ thời gian" chuyển sang thì tương lai, đó là lúc bạn nên đặt ra những câu hỏi cụ thể về công việc. Vào thời điểm này, các chuyên gia khuyên bạn nên cân nhắc đặt ra những câu hỏi có thể dưới dạng sau:

Cụ thể, tôi được bố trí làm công việc gì?

Nếu được tuyển, tôi sẽ phải thực hiện những nhiệm vụ gì?

Tôi có trách nhiệm gì?

Ông/bà tuyển tôi để đảm đương trách nhiệm gì?

Tôi có làm việc theo tổ/nhóm không? Tôi sẽ báo cáo công việc với ai?

Ai là người có trách nhiệm theo dõi tôi trong quá trình thử việc và sau đó?

Tôi sẽ được đánh giá như thế nào, trong chu kỳ bao lâu và ai là người có trách nhiệm đánh giá?

Điểm mạnh và điểm yếu của người trước đây làm việc ở vị trí này?

Tại sao ông/bà quyết định làm việc ở đây?

Ông/bà mong muốn mình biết được điều gì trước khi vào làm việc ở đây? Ông/bà cho rằng đặc điểm nào đã giúp mình thành công trong công việc ở đây?

Tôi có thể gặp người mà tôi sẽ làm việc với hoặc cho (nếu đấy không phải là ông/bà) không?

Nên nhớ, quá trình tuyển dụng giống với việc chọn bạn đời nhiều hơn là chọn mua một cái xe mới. "Chọn bạn đời" ở đây có ý nghĩa ẩn dụ nhiều hơn. Nói thêm về phép ẩn dụ một chút, nó ám chỉ cái cơ chế qua đó người ta quyết định tuyển một ai đó làm việc với mình, cũng tương tự cái cơ chế mà con người, theo bản năng, có ý muốn sống hợp thức lâu dài với một người nào đó. Sự giống nhau ở đây thể hiện trong việc sự lựa chọn này thưòng là theo cảm tính, bốc đồng, phi lý, không thể hiểu được và do tình thế bắt buộc.

Trong các buổi phỏng vấn người ta thường bị "chết" vì con muỗi chứ không phải con rồng và việc này diễn ra trong hai phút đầu tiên.

Hãy nghĩ về điều này: bạn được trang bị tất cả những kỹ năng trên đời, đã nghiên cứu công ty nọ không sót khâu nào, đã thực hành với những câu hỏi phỏng vấn nhuyễn đến mức chỉ đưa ra những câu "từ đúng trở lên" và chắc chắn là người hoàn hảo cho công việc. Ấy vậy mà vẫn sôi hỏng bỏng không chỉ vì ... hơi thở của bạn hơi có mùi. Hoặc vì một lý do vớ vẩn bé con con nào khác. Điều này cũng tựa như bạn chuẩn bị sẵn sàng để đánh nhau với một con rồng thế mà lại bị chết trong tay một con muỗi.

Đó là lý do tại sao các buổi phỏng vấn thường thất bại, và thất bại này diễn ra trong hai phút đầu tiên. Bạn tin điều đó không?

Chúng ta hãy thử tìm hiểu xem cái con muỗi "độc" ấy bay vào trong 30 giây đầu của cuộc phỏng vấn như thế nào mà để cái người có trách nhiệm kia giật mình lẩm nhẩm, "Chà mình hy vọng ngoài kia còn có những ứng viên khác."

Đây là một số câu hỏi khác mà bạn có thể đặt ra để hỗ trợ cho năm câu hỏi trên:

Có những thay đổi có ý nghĩa nào trong công ty trong vòng năm năm qua?

Những giá trị nào là thiêng liêng trong công ty?

Các nhân viên thành công nhất trong công ty có những đặc tính nào?

Trong tương lai ông/ bà nghĩ sẽ có những thay đổi gì trong công việc ở đây?

Ông/bà coi ai là đồng minh, đồng nghiệp hay đối thủ cạnh tranh trong công việc này?

Trước khi đến cuộc phỏng vấn, luôn ghi nhớ trong đầu rằng cả người có trách nhiệm tuyển bạn cũng toát mồ hôi đấy. Sao vậy? Bởi vì phỏng vấn tuyển dụng không phải là cách thức đáng tin cậy để chọn nhân viên đâu. Trong một cuộc điều tra được thực hiện mấy năm gần đây trong số những công ty hàng đầu ở Anh, người ta phát hiện ra rằng, cơ hội cho các nhà tuyển dụng tìm ra được một ứng viên tốt qua phỏng vấn tuyển dụng chỉ cao hơn 3% so với việc bốc thăm. Một phát hiện còn khôi hài hơn nữa, rằng nếu cuộc phỏng vấn này lại được thực hiện bởi người sếp trực tiếp với ứng viên thì thành công lại còn thấp hơn, chỉ cao hơn 2% so với việc bốc thăm hú họa. Và nữa, nếu cuộc phỏng vấn mà lại được thực hiện bởi người được gọi là chuyên gia về nhân sự thì tỷ lệ này có thấp hơn 10% so với việc bạn rút thăm trúng thưởng trong công ty.

1. Diện mạo và thói quen cá nhân: các cuộc phỏng vấn để lộ rằng nếu thuộc đấng mày râu, bạn dễ có khả năng được tuyển nếu:

- bạn vừa tắm rửa sạch sẽ, mày râu nhẵn nhụi, tóc tai chải mượt, móng tay sạch sẽ và có sử dụng chất khử mùi;

- áo quần được giặt sạch ủi thẳng nếp, giày thì bóng đến độ soi gương được;

- hơi thở không có mùi, không toát ra mùi hành, mùi tỏi, mùi thuốc lá khét lẹt, mùi rượu mạnh trong khoảng không gian khép kín của một căn phòng; bạn đã chải răng và súc miệng thật kỹ;

- bạn cũng không đổ đến một nửa lọ nước hoa lên người, đến mức còn cách phòng phỏng vấn đến năm mét mà thiên hạ đã ngửi thấy mùi nước hoa rồi.

Nên nhớ, vì quá trình tuyển dụng giống với việc người ta chọn bạn đời hơn là chọn xe, nên nhà tuyển dụng chỉ cố xác định xem họ có thích bạn không. Nếu bạn "phạm" vào một trong những điều "cấm" trên, người có trách nhiệm nọ sẽ dị ứng và dĩ nhiên sẽ chẳng có hứa hẹn gì, bất kể bạn có tuyệt như thế nào trên những phương diện khác. Điều tương tự cũng xảy ra với chuyện hẹn hò, một cách ngẫu nhiên như thế đấy.

Nếu thuộc phái đẹp, các cuộc phỏng vấn cho biết, bạn dễ có khả năng được tuyển nếu:

- bạn vừa tắm gội sạch sẽ, không trát một tạ phấn lên mặt, mái tóc được sấy hoặc chải gọn gàng, móng tay được cắt tỉa sạch đẹp chứ không nhọn hoắt và dài đến cả tấc, và tất nhiên có dùng chất khử mùi;

- mặc áo nịt ngực, trang phục được giặt sạch, tốt nhất nên mặc đồ vét hoặc áo dài nền nã; mang giày chứ không phải săng đan, nhất là không mặc những bộ đồ quá táo bạo hoặc hở hang khiến người hỏi xao nhãng mục đích chính. Thời buổi hiện nay đã có nhiều vụ kiện về quấy rối tình dục, nên các nhà tuyển dụng, nam cũng như nữ, đều tỏ ra thận trọng và lo lắng về vấn đề này. Tôi đồng ý với bạn rằng, vẫn có những nhà tuyển dụng thích những bộ đồ "mát mẻ" kiểu ấy, nhưng tin tôi đi trong hầu hết các trường hợp bạn sẽ không muốn làm việc với họ đâu (trong thực tế vẫn có trường hợp ứng viên được tuyển chỉ về hình thức bên ngoài, tôi chỉ có một lời về vấn đề này: nhà tuyển dụng nào bị chi phối bởi dáng vẻ bề ngoài trong quyết định tuyển người chỉ là kẻ ngu xuẩn.)

- hơi thở không có mùi, không toát ra mùi hành, mùi tỏi, mùi thuốc lá, mùi rượu mạnh trong khoảng không gian khép kín của một căn phòng; bạn đã đánh răng và súc miệng thật kỹ;

- bạn cũng không đổ đến một nửa lọ nước hoa lên người, đến mức còn cách phòng phỏng vấn đến năm mét mà thiên hạ đã ngửi thấy mùi nước hoa rồi.

2. Tác phong bồn chồn lo lắng: người tìm việc sẽ làm nhà tuyển dụng chán ngấy nếu:

- liên tục lảng tránh không nhìn vào mắt nhà tuyển dụng;

- đưa ra một cái bắt tay mềm oặt thiếu sinh khí;

- ngồi thườn thượt trên ghế, đôi tay ngó ngoáy không ngừng hoặc bẻ đốt ngón tay răng rắc hoặc thường xuyên đưa tay lên vuốt tóc trong suốt buổi phỏng vấn.

3. Thiếu tự tin: nhà tuyển dụng sẽ chẳng còn hứng thú nếu:

- ứng viên nói lí nhí trong cổ không ai nghe được, hoặc oang oang như lệnh vỡ đến người ở cách đấy hai phòng cũng nghe thấy;

- đưa ra câu trả lời với dáng vẻ cực kỳ do dự;

- trả lời tiếng một cho tất cả những câu hỏi của nhà tuyển dụng;

- liên tục cắt ngang câu hỏi của họ;

- không thể hiện được thành tích hay khả năng của mình, hoặc liên tục tự phê trong những nhận xét về mình trong buổi phỏng vấn.

1. Những gì mà bạn cư xử với người khác: nhà tuyển dụng sẽ phải chịu trận nếu

- bạn tỏ ra thiếu lịch sự đối với nhân viên tiếp tân, thư ký (hoặc trong bữa trưa) với người phục vụ nhà hàng;

- đưa ra những lời chỉ trích đối với sếp cũ hoặc nơi làm việc cũ;

- uống rượu mạnh (gọi rượu mạnh, khi nhà tuyển dụng mời bạn đi ăn trưa thì bao giờ đó cũng là một ý tồi, bởi vì nó đặt ra câu hỏi trong đầu nhà tuyển dụng, "Người này có biết cách dừng lại đúng lúc không, hay cứ "thả ga")

- quên không cảm ơn chủ nhà khi ra khỏi phòng, hoặc quên không gửi thư cảm ơn ngay sau buổi phỏng vấn.

Nói như một giám đốc nhân sự thì: "Một lá thư giao dịch ngắn gọn, kịp thời gửi đến cảm ơn tôi cùng với một bản ghi nhớ cuộc trao đổi chất lượng giữa hai người nói cho tôi biết rằng đây là người bán hàng luôn hướng tới khách hàng một cách tận tụy xác quyết, một người biết tận dụng kỹ thuật và hiểu rõ luật chơi. Đó chính là những đặc tính mà tôi tìm kiếm ... Tôi thường nhận được một lá thư như thế trong số 15 người mà tôi phỏng vấn."

- Ngẫu nhiên có những nhà tuyển dụng muốn thử xem bạn có hút thuốc trong văn phòng hoặc lúc ăn trưa không. Trong cuộc chạy đua giữa hai ứng viên ngang tài ngang sức, người không hút thuốc có cơ hội thắng người hút thuốc tới 94%, theo một nghiên cứu của một giáo sư kinh tế ở Đại học Seatle.

2. Giá trị của bạn: thật là một sự thất vọng hoàn toàn nếu nhà tuyển dụng thấy ứng viên:

- có biểu hiện ngạo mạn hoặc hung hăng quá mức; bất cứ dấu hiệu nào của sự chậm trễ, lỡ hẹn, sai giờ, trong đó có cả việc đến buổi phỏng vấn trễ giờ;

- bất cứ dấu hiệu nào của sự lười biếng hoặc thiếu động cơ làm việc;

- bất cứ dấu hiệu không trung thực hoặc dối trá - trong hồ sơ xin việc cũng như trong buổi phỏng vấn;

- vô trách nhiệm hoặc tỏ ra trì độn, chậm hiểu;

- dấu hiệu của việc không làm theo những lời chỉ dẫn hoặc không tuân thủ các quy định;

- bất cứ dấu hiệu nào của việc thiếu nhiệt tình đối với công ty và những việc phải cố gắng làm;

- dấu hiệu của tính không kiên định, hay thay đổi hoặc có những câu trả lời không thích hợp, không nhất quán;

- có những cách thức khác mà bạn có thể hiển thị giá trị của mình, như: những điều gây ấn tượng hoặc không gây ấn tượng với bạn trong văn phòng; hoặc cái mà bạn vui lòng hy sinh để có được công việc mình muốn và điều mà bạn không muốn hy sinh dù công việc có tốt đến mấy; hoặc nhiệt tình mà bạn dành cho công việc, hoặc sự cẩn thận mà trong đó bạn nghiên cứu hay không nghiên cứu công ty trước khi tìm đến nó và vân vân.

Phải, bạn đọc yêu quý của tôi, bây giờ thì bạn cũng rõ rồi đấy: người ta có thể chết vì một con muỗi trong khi chuẩn bị tất cả để nghênh chiến với một con rồng, nhất là trong quá trình tuyển dụng nghiệt ngã.

Tôi xin bạn một điều, đừng viết thư cho tôi nói rằng phỏng vấn tuyển dụng tầm thường và độc ác như thế nào nhé, bởi vì tôi biết điều đó rõ hơn ai hết. Tôi chỉ muốn nói lại những điều mà các cuộc điều tra nghiên cứu tiết lộ mà thôi.

Bạn có thể chú ý đến điều này hoặc đơn giản lờ nó đi. Tuy nhiên, nếu bạn quyết định bỏ qua những khuyến cáo này thì dù bạn có trải qua hết cuộc phỏng vấn này đến cuộc phỏng vấn khác bạn cũng chẳng bao giờ được tuyển. Hãy cân nhắc tất cả những điều này. Có thể con muỗi chứ không phải con rồng sẽ giết bạn.

Nhưng điều đáng mừng là bạn có thể dễ dàng diệt muỗi. Phải, bạn có thể kiểm soát mỗi yếu tố này.

Hãy đọc đi đọc lại những việc be bé con con này, toàn là những cái có thể tránh được nếu chú ý. Chỉ cần quyết định tắm rửa trước khi đến chỗ phỏng vấn và cùng với việc đó là đánh cho đôi giày bóng lộn lên, nhịn hút thuốc một khoảng thời gian và vân vân. Bạn hoàn toàn có khả năng hô "biến" những chuyện vặt vãnh này và thay đổi chúng, nếu chúng cản trở việc bạn được "chấm".

Có một số câu hỏi mà bạn có thể đặt ra trước khi buổi phỏng vấn kết thúc.

Trước khi đứng dậy ra về có 6 loại câu hỏi cơ bản mà bao giờ bạn cũng phải nêu ra:

1. "Ở đây có những công việc phù hợp với kỹ năng và kinh ngiệm của tôi không?" Đây là câu hỏi đặt ra nếu bạn không tìm kiếm một công việc cụ thể ngay từ đầu.

2. "Ông /bà có thể tạo cơ hội cho tôi làm việc này không?" Tôi biết điều này nghe có vẻ ngu ngốc, nhưng quả là đáng ngạc nhiên ( ít nhất là với tôi) rằng có khá nhiều ứng viên đã có được việc làm chỉ đơn giản vì họ có đủ can đảm để đưa ra một câu hỏi trực tiếp như thế vào cuối buổi phỏng vấn. Điều này cũng có thể diễn đạt theo cách thức mà bạn cảm thấy tự nhiên nhất, chẳng hạn, "Tôi có thể có được công việc này không?" Tôi không rõ lý do của chuyện này, chỉ biết nó là cái gì. Có thể nó khiến nhà tuyển dụng cảm thấy khó mà nói không với một người đã thẳng thắn nói ra điều đó. Dù sao thì, nếu sau khi đã có tất cả thông tin về công việc và bạn cảm thấy rất thích nó thế thì bạn phải nói ra thôi. Điều tệ nhất mà nhà tuyển dụng có thể đưa ra chỉ là, "Không," hoặc "Chúng tôi cần thời gian suy nghĩ về buổi phỏng vấn mà chúng ta vừa thực hiện."

3. "Ông/bà có muốn tôi quay lại trong một buổi phỏng vấn khác, có lẽ với những người khác có quyền quyết định?" Nếu bạn là một người mà nhà tuyển dụng nhắm cho một công việc nào đó, thông thường sẽ có một buổi phỏng vấn thứ hai và có thể thứ ba, thứ tư nữa. Tất nhiên bạn bao giờ cũng muốn lọt vào vòng trong.

4. "Khi nào thì tôi có thể nghe được tin từ ông/bà?" bạn không muốn để quyền điều khiển các bước quan trọng hoàn toàn nằm trong tay nhà tuyển dụng. Nếu họ trả lời lửng lơ, "Chúng tôi cần thời gian cân nhắc," hoặc, "Chúng tôi sẽ gọi cho bạn cho lần phỏng vấn thứ hai," thì bạn chớ tin ngay vào một ý định tốt đẹp chẳng có gì cụ thể ấy nhé. Hãy tìm cách "chốt" lại vấn đề.

5. "Tôi có thể hỏi, chậm nhất là bao giờ tôi có thể nghe được tin từ ông/bà?" Nhà tuyển dụng có thể đưa ra một dự đoán "khơi khơi' để trả lời cho câu hỏi trước của bạn. Bây giờ thì bạn muốn biết câu trả lời tồi tệ nhất là gì? Thật tình cờ, khi tôi hỏi một nhà tuyển dụng câu hỏi này, ông ấy trả lời, "Không bao giờ!" Tôi tưởng đâu ông ấy nói đùa nhưng hóa ra ông ta nghiêm túc chết người. tôi không nghe nói gì về ông ấy nữa, bất chấp những nỗ lực liên lạc về phía tôi.

6. "Tôi có thể liên hệ sau với ông/bà nếu vì một lý do nào đó ông/bà không trả lời tôi đúng hẹn?" nhiều nhà tuyển dụng rất ngán một câu hỏi huỵch toẹt như vậy. Bạn cũng biết có thể có trường hợp người ta quay ra nạt bạn, "Không tin tôi à?" Nhưng đa số sẽ đánh giá cao việc bạn đưa ra một câu hỏi mà về thực chất là sự bảo đảm an toàn. Họ biết mình có thể bận rộn, chìm ngập trong những việc khác mà quên đi lời hứa với bạn. Trong trường hợp này, nó làm họ vững dạ bởi vì đã có bạn cứu họ.

7. "Ông/bà có biết bất cứ nơi nào khác có thể quan tâm đến trường hợp của tôi?" Đây là một câu hỏi phụ, và chỉ nên đưa ra khi họ nói "không" với câu trả lời đầu tiên của bạn.

Ghi nhớ những câu trả lời của họ cho những câu hỏi của bạn và đứng dậy, chân thành cảm ơn họ đã dành thời gian cho mình, bắt tay một cái thật nồng nhiệt rồi ra về.

Bao giờ cũng gửi cho họ một lá thư cảm ơn ngay sau đó.

Tất cả những chuyên gia trong tuyển dụng đều sẽ nói với bạn hai điều: thứ nhất, lá thư cảm ơn bao giờ cũng phải được người tìm việc gửi đến ngay sau mỗi buổi phỏng vấn và thứ hai, hầu hết mọi người quên làm cái việc đơn giản này. Trong thực tế hoàn toàn có thể nói rằng người ta đã bỏ sót khâu này trong quá trình đi tìm việc.

Nếu bạn muốn nổi bật so với những người còn lại sao không làm một việc cực kỳ đơn giản, gửi một lá thư cám ơn đến tất cả những người mà bạn gặp trong buổi phỏng vấn?

Nếu bạn cần bất cứ một sự động viên nào (ngoài cái thực tế là nó có thể giúp bạn tìm được việc thì ở đây có 6 lý do để bạn làm việc đó, phần lớn là cho nhà tuyển dụng đã phỏng vấn bạn.

Thứ nhất, bạn thể hiện mình là người có kỹ năng giao tế nhân sự tốt. Những hành động của bạn cùng với một sự tôn trọng đối với phỏng vấn việc làm đã khẳng định điều đó. Gửi đi một lá thư cám ơn chính là việc nói lên điều đó. Nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn là người biết cách đối nhân xử thế, vì bạn nhớ đến chuyện cảm ơn người đã bỏ công sức ra cho mình.

Thứ hai, lá thư sẽ giúp họ nhớ đến bạn.

Thứ ba, nếu có nhiều hơn một người tham gia phỏng vấn ứng viên, thì một người trong số đó có lá thư của bạn để khoe với những người còn lại.

Thứ tư, nếu cuộc phỏng vấn diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp, nhà tuyển dụng dường như có hứng thú với một cuộc tiếp xúc thì một lá thư cảm ơn là cái nhắc lại mối quan tâm của đối với những cuộc phỏng vấn vòng trong.

Thứ năm, thư cảm ơn tạo cho bạn cơ hội sửa sai những ấn tượng không đúng mà bạn lỡ gây ra. Bạn có thể thêm vào đấy bất cứ điểm quan trọng nào mà bạn quên chưa nói và muốn cho họ biết. Từ những điểm này bạn có thể nhấn mạnh hai hoặc ba điểm chính mà bạn muốn nhà tuyển dụng lưu ý.

Và cuối cùng, nếu cuộc phỏng vấn không được thuận lợi và bạn mất tất cả những hứng thú làm việc ở đây, họ vẫn có thể biết một vài chỗ nào đó có thể làm bạn quan tâm. Trong thư cảm ơn, hãy nói đến điều này, nhắc nhở họ lưu tâm đến chuyện của bạn. Như vậy, từ những nhà phỏng vấn tốt bụng, bạn có thể có thêm những manh mối mới trong tìm việc.

Trong những ngày tiếp theo đó, hãy nhất nhất làm theo tất cả những gì mà bạn đã nói, không liên hệ với họ trừ lá thư cảm ơn có tính cách bắt buộc, hãy chờ cho đến thời hạn mà hai người đã đồng ý trong khi trả lời câu hỏi thứ tư ở trên. Nếu liên lạc với họ mà vẫn chẳng có thông tin gì rõ ràng hãy hỏi họ câu hỏi số 3, 4 và 5 một lần nữa và cứ thế.

Sẽ hoàn toàn thích hợp nếu bạn lồng vào những lá thư cảm ơn sau mỗi cuộc phỏng vấn hoặc liên hệ qua điện thoại trong cái dòng chảy đó. Chỉ có điều hãy viết thật ngắn gọn.

"Tôi sẽ nói cho ông rõ tại sao tôi lại muốn làm công việc này. Tôi thích các thách thức, tôi muốn có chỗ để thể hiện mình. Tôi thích giải quyết các vấn đề. Còn nữa, xe hơi của tôi sắp bị người ta cấn nợ."

Khi tất cả những điều này vô tác dụng và bạn không được mời phỏng vấn vòng trong

Không có phép màu trong tìm việc. Không có bất cứ kỹ thuật nào bao giờ cũng cho kết quả tốt với hết thảy mọi người. Kẻ nào nói với bạn hắn sở hữu một phép màu như vậy là hắn đang lừa bạn đấy. Tôi thường nghe được những lời ta thán từ những người như bạn, họ nói mình đã chú tâm đến tất cả những vấn đề được đề cập đến trong chương này và cũng đã thành công trong phỏng vấn, chỉ có mỗi một điều việc thì không nhận được. Và họ muốn biết mình đã làm sai điều gì.

Phải, thật không may, đôi khi câu trả lời sẽ là: "Bạn chẳng làm sai điều gì hết". Bản thân kẻ viết những dòng này cũng không rõ chuyện này xảy ra thường xuyên như thế nào, nhưng tôi biết nó vẫn xảy ra đấy - bởi vì có hơn một nhà tuyển dụng đã thú nhận với tôi điều đó và vào một thời điểm nào đó trong đời nó cũng đã xảy ra với moi*: cụ thể là, một số nhà tuyển dụng chơi ác, dùng những trò hèn hạ với những người tìm việc, họ mời bạn đến một cuộc phỏng vấn bất chấp sự thật là họ đã có sẵn một người cho vị trí đó và biết tỏng ngay từ đầu rằng họ hoàn toàn không có ý định tuyển bạn - không, trong cả triệu năm cũng thế!

Tất nhiên bạn rất vui vẻ, mọi chuyện trong phỏng vấn diễn ra thông đồng bén giọt. Chỉ có mình bạn là không biết rằng, cái ông kẹ đang phỏng vấn bạn (chúng ta cứ coi đó là một ông đi) có một "cái thư tay" nào đó và đã ngầm thỏa thuận là sẽ sắp xếp cho đối tượng kia việc ấy, việc nọ. Tất nhiên, có một vấn đề nhỏ tồn đọng: chính quyền tiểu bang hoặc liên bang sẽ tuýt còi doanh nghiệp hoặc tổ chức này nếu việc thuyển dụng không được thông báo trong công chúng và diễn ra công khai. Thế là ông kẹ kia phải "bày binh bố trận". Ông ta làm bộ chọn ra chừng mươi ứng viên, trong đó có cả cái người được gửi gắm, giả vờ phỏng vấn tất cả các ứng viên như thể cơ hội chia đều cho tất cả mọi người. Nhưng ngay từ đầu ông ta đã có dã tâm gạt chín người còn lại và chọn "người của mình", và bởi vì bạn có vinh dự trong danh sách chín người lẽ dĩ nhiên bạn bị gạt ra ngoài theo cơ chế "tự động", để cái kẻ thứ mười may mắn kia được vào làm một cách hợp thức. Bạn đã làm một việc mà thậm chí bản thân mình cũng không nhận ra, đó là giúp cái ông kẹ kia có cơ sở tuyên bố rằng ông ta chấp hành mọi quy định trong tuyển dụng.

Tất nhiên, bạn sẽ hoàn toàn bối rối, cố trả lời câu hỏi tại sao mình không được tuyển. Vấn đề là bạn sẽ không bao giờ có thể xác định rõ mình có gặp phải một nhà tuyển dụng chơi trò gian lận hay không. Vì thế tất cả những điều bạn biết chỉ là: bạn đang tuyệt vọng.

Nhưng nếu bạn chẳng bao giờ được mời phỏng vấn vòng trong, thì tất nhiên, không có chuyện cả bàn dân thiên hạ hùa với nhau để chơi xấu bạn đâu. Nếu bạn bị hết chỗ này đến chỗ kia từ chối thì hẳn là cái gì đó không ổn trong cái cách mà bạn thể hiện mình trong những cuộc phỏng vấn tuyển dụng.

Hiếm có nhà tuyển dụng nào sẽ nói với bạn điều đó. Chẳng ai dại gì nói toạc móng heo ra rằng, "Anh vênh váo như một con gà trống trong suốt buổi nói chuyện!" Vì thế bạn bao giờ cũng nằm trong đám sương mù dày đặc của nỗi thắc mắc không hiểu mình đã làm sai điều gì.

Nếu trong cuộc tìm kiếm của mình, bạn gặp vô số nhà tuyển dụng thì có một cách để phá tan sự im lặng chết chóc này đó là yêu cầu ý kiến phản hồi từ một nhà tuyển dụng thân thiện nhất mà bạn gặp. Bao giờ bạn cũng có thể gọi điện thoại cho cái người dễ chịu nhất ấy, nhắc họ nhớ ra bạn là ai và rồi hỏi những câu hỏi sau - cố làm sao cho câu hỏi có vẻ chung chung, mơ hồ, không liên quan đến một đơn vị cụ thể nào và trên tất cả là có tính định hướng trong tương lai. Có thể hỏi những câu sau: "Ông/bà biết đấy, tôi đã tham dự vài buổi phỏng vấn tại vài nơi khác nhau và đều bị từ chối. Từ những gì ông/ bà thấy, không hiểu ông/bà có nhận ra trong tôi có điểm gì đã khiến cho tôi không nhận được việc làm ở những chỗ này không? Nếu có, tôi thực sự đánh giá cao những ý kiến của ông/ bà, để tôi có thể làm tốt hơn trong những cuộc phỏng vấn tìm việc trong tương lai."

Nhìn chung, đa số sẽ tránh nói bất cứ điều gì khiến bạn "mất lòng" hoặc có ích cho bạn. Lý do quan trọng nhất, họ ngại "vạ miệng". Thứ hai, họ không biết là bạn có sử dụng những phát ngôn của họ hay không. Một nhân vật kỳ cựu từng nói với tôi, "Có lúc tôi đã từng nghĩ mình phải đánh nhau với mọi người để tìm ra sự thật mất. Bây giờ thì tôi chỉ nói ra cho những ai cần đến.")

Nhưng đôi khi bạn cũng gặp được một người không ngại các nguy cơ trên mà cho bạn biết sự thật, bởi vì họ nghĩ rằng nếu biết rõ, bạn sẽ sử dụng thông tin ấy một cách khôn ngoan và có lợi cho mình. Nếu thế hãy chân tình cảm ơn họ, bất kể những ý kiến của họ có thể làm bạn tổn thương như thế nào. Những "sự thật mất lòng" như thế, nếu được quan tâm một cách nghiêm túc, sẽ khiến bạn nhìn lại mình mà thay đổi cung cách trong các buổi phỏng vấn, một điều mà bạn đang rất cần để chiến thắng.

Trong trường hợp không có được những nhận xét "nặng ký" như thế, bạn có thể cần đến sự giúp đỡ của một người bạn có kiến thức về những việc như thế này, người bạn ấy đóng vai nhà tuyển dụng trong một cuộc phỏng vấn "giả" với bạn, thông qua việc làm này người bạn ấy sẽ lập tức thấy rõ có điều gì "không ổn".

Khi tất cả những điều này đều không ăn thua, bạn hãy tìm đến một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp và tin cậy giao vấn đề của mình vào đôi tay ân cần hiểu biết của họ. Hãy làm những buổi phỏng vấn thử với họ, và hãy suy nghĩ về những lời tư vấn của họ một cách nghiêm túc (vì bạn phải trả tiền cho những điều khôn ngoan đó mà).

Lên kế hoạch cho một sự thăng tiến

Tôi để lại chủ đề thương thảo về lương bởi vì chủ đề này cần được dành cả một chương.

Tuy vậy ta hãy hy vọng rằng với những lời mách nhỏ cùng với lời khuyên, bạn sẽ làm mọi việc thật tốt trong buổi phỏng vấn. Nếu bạn được tuyển hãy đưa ra một quyết định ngay tức khắc. Lên kế hoạch theo dõi những thành quả của bạn trong cương vị mới trên cơ sở hàng tuần để cuối mỗi tuần ghi vào trong nhật ký của bạn. Các chuyên gia hướng nghiệp khuyên bạn đừng bao giờ quên làm điều ấy. Sau đó bạn có thể tóm tắt những việc làm được vào cuối năm rồi trình cho sếp khi câu hỏi về một sự cất nhắc được đặt ra.5

MƯỜI LỜI KHUYÊN TRONG PHỎNG VẤN TÌM VIỆC

Nhờ đó cơ hội tìm việc sẽ được gia tăng lên nhiều

1. Tìm đến những công ty nhỏ trên dưới 20 nhân viên, vì ở đây có đến 2/3 chỗ làm mới.

2. Tìm kiếm những buổi phỏng vấn thông qua sự hỗ trợ của bạn bè, người thân bởi vì tìm việc cần cậy đến 80 đôi mắt và đôi tai.

3. Chuẩn bị chu đáo trước khi đến với nhà tuyển dụng sử dụng Phỏng Vấn Thông Tin cùng với thư viện.

4. Ở bất cứ công ty nào, hãy tìm ra người có trách nhiệm tuyển dụng cho vị trí bạn mong muốn, sử dụng các mối quan hệ của bạn bè người thân để tiếp xúc với người này.

5. Chỉ xin họ dành cho mình 20 phút cho một cuộc gặp mặt và nhớ giữ lời.

6. Đến buổi phỏng vấn với chương trình của mình, câu hỏi của mình và nỗi hiếu kỳ không biết công việc này có hợp với bạn hay không.

7. Chỉ nói về mình khi những điểm bạn nói có lợi cho doanh nghiệp hoặc có thể góp phần giải quyết những vấn đề của họ.

8. Trả lời bất cứ câu hỏi nào cũng chỉ từ 20 giây đến 2 phút mà thôi.

9. Đến với nhà tuyển dụng như thể bạn là vốn quý, có khả năng làm việc cho doanh nghiệp tốt hơn bất cứ người tiền nhiệm nào.

10. Bao giờ cũng viết thư cảm ơn vào ngay buổi tối ngày phỏng vấn và gửi đi muộn nhất là vào sáng hôm sau.

Một cuộc phỏng vấn cũng tương tự như một buổi hẹn hò, và rất khác với chuyện mua một chiếc xe cũ (bạn); trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng hai bên đều cố đi đến quyết định họ có muốn dấn thêm những bước tiếp theo không.

Phỏng vấn không nên nghĩ như một cách để tiếp thị (bản thân bạn), tức là "bán" mình cho một người mua chưa thực sự muốn mua. Thật ra, phỏng vấn là một phần của cuộc nghiên cứu của bạn, tức là quá trình thu thập thông tin mà bạn tham dự vào hoặc phải tham gia sâu trong suốt quá trình tìm việc.

Trong khi bạn ngồi đó với nhà tuyển dụng, câu hỏi mà bạn cố tìm ra là, "Liệu mình có muốn làm việc ở đây hay không?" và qua cuộc phỏng vấn bạn sẽ tập hợp dữ liệu để có câu trả lời. Chỉ đến khi bạn có được câu kết luận: "Phải, chính thế!" thì bạn mới dồn hết tâm sức cho việc "bán" bản thân mình.

Phỏng vấn không nên hiểu như một bài test. Đó cũng là quá trình thu thập dữ liệu đối với nhà tuyển dụng nữa. Họ vẫn phải cố gắng trả lời câu hỏi không biết bạn có phải là người thích hợp hay không. Thông qua buổi phỏng vấn họ trả lời cho những câu hỏi: "Không biết người này có cần cho công việc ở đây không? Họ có kỹ năng, kiến thức hoặc kinh nghiệm mà mình thực sự cần hay không? Họ có thái độ đúng đắn với công việc hay không? Họ có hợp tác được với các nhân viên khác không?"

Phỏng vấn là cơ hội để bạn giới thiệu mình không phải với tư cách của một người đi xin việc mà là một người của giải pháp. "Phỏng vấn ứng xử" là một cái gì rất lớn với các tổ chức, doanh nghiệp trong thời buổi này. Rất có thể bạn sẽ làm việc cho một công ty có hơn 250 nhân viên và đôi khi với những công ty nhỏ hơn. Nếu trong một cuộc phỏng vấn chưa đủ thời lượng mà đưa ra một tuyên bố hơi có phần mơ hồ, như: "Tôi giỏi việc này" hoặc "Tôi thích hợp với việc kia" thì sẽ chẳng ăn thua, ngày nay người ta cần bằng chứng, sự kiện và những ví dụ có thực trong những việc làm đã qua của bạn, chứng minh rõ ràng rằng bạn chính là người mà họ đang mỏi mắt tìm kiếm. Các nhà tuyển dụng ấy mà, họ rất ấn tượng với các ví dụ theo công thức "gấp bốn" với những: Mục đích, Chướng ngại, Giải pháp và Những con số. Ví dụ, "đây là nhiệm vụ mà chúng tôi cố gắng hoàn thành, đây là những chướng ngại trên con đường của chúng tôi, đây là điều mà tôi đã làm để vượt qua những chướng ngại, đây là kết quả thể hiện với những hình ảnh và các con số". Làm như vậy, bạn sẽ chứng tỏ mình là người mang đến giải pháp chứ không thuần túy là kẻ đi xin việc.

Điều này sẽ trở nên chắc chắn nếu bạn làm những bài tập mô tả trong phần sau cuốn sách này ở chương 11. Nếu không bạn sẽ gặp rắc rối.

Phỏng vấn tuyển dụng sẽ được chuẩn bị một cách tốt nhất nếu bạn đi theo ba bước sau:

1. Nghiên cứu tổ chức, hoặc công ty trước khi vào làm. Để đạt được điều này, ngay khi cuộc phỏng vấn diễn ra hãy hỏi xem họ có bất cứ văn bản nào viết về công việc kinh doanh hoặc hoạt động của tổ chức/công ty không, nếu có hãy yêu cầu họ cung cấp cho bạn một bản (nếu buổi phỏng vấn không diễn ra ngay vào ngày hôm sau). Hãy vào website của công ty (nếu có và đọc tất cả những gì được viết trong mục "Chúng tôi tự giới thiệu". Và cũng có thể hỏi những người quen xem họ có biết bất cứ ai làm việc ở đó không để bạn có thể hẹn đi ăn trưa hoặc uống cà phê nhằm tìm hiểu những câu chuyện "từ bên trong". Tổ chức hay doanh nghiệp nào cũng thích được mọi người yêu quý. Nếu bạn vượt qua những khó khăn này và biết được nhiều về họ trong khả năng có thể, họ sẽ cảm thấy được đề cao và cảm kích lắm lắm; bạn cứ tin tôi đi bởi vì đa phần những người đi tìm việc không gặp khó khăn lắm trong chuyện này đâu. Hầu hết mọi người chỉ đơn giản bước qua ngưỡng cửa một công ty mà chẳng hiểu được bao nhiêu về nó. Một lần, nhà tuyển dụng của IBM hỏi một sinh viên năm cuối của một trường đại học mà mình đang phỏng vấn, "IBM đại diện cho cái gì?" Chàng sinh viên ngớ người ra và buổi phỏng vấn kết thúc.

2. Khi dàn xếp một buổi phỏng vấn, hãy định rõ khoảng thời gian mà bạn cần. Các chuyên gia khuyên bạn chỉ nên yêu cầu 20 phút và thực hiện cam kết này một cách nghiêm túc. Trong suốt cuộc phỏng vấn hãy chú ý đến thời gian, đừng nói quá khoảng thời gian "vàng" là 20 phút quy định, trừ phi người tuyển dụng yêu cầu, tôi muốn nói khi người ta tha thiết yêu cầu. Bao giờ cũng nói một câu như thế này bạn sẽ gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, "Tôi đã nói mình cần khoảng 20 phút và tôi muốn tôn trọng thỏa thuận của mình."

3. Và phải nhớ rằng không phải chỉ có bạn hồi hộp lo sợ trong lần phỏng vấn mà cả nhà tuyển dụng cũng vậy.

Phải, trước khi đến cuộc phỏng vấn luôn ghi nhớ trong đầu rằng cả người có trách nhiệm tuyển bạn cũng toát mồ hôi đấy. Sao vậy? Bởi vì phỏng vấn tuyển dụng không phải là cách thức đáng tin cậy để chọn nhân viên đâu. Trong một cuộc điều tra được thực hiện mấy năm gần đây trong số những công ty hàng đầu ở Anh1, người ta phát hiện ra rằng, cơ hội cho các nhà tuyển dụng tìm ra được một ứng viên tốt qua phỏng vấn tuyển dụng chỉ cao hơn 3% so với việc bốc thăm. Một phát hiện còn khôi hài hơn nữa, rằng nếu cuộc phỏng vấn này lại được thực hiện bởi người sếp trực tiếp với ứng viên thì thành công lại còn thấp hơn, chỉ cao hơn 2% so với việc bốc thăm hú họa. Và nữa, nếu cuộc phỏng vấn mà lại được thực hiện bởi người được gọi là chuyên gia về nhân sự thì tỷ lệ này có thấp hơn 10% so với việc bạn rút thăm trúng thưởng trong công ty.

"Cây dù của bạn màu gì? là cuốn cẩm nang không thể thiếu trong hành trang tìm kiếm việc làm của các bạn trẻ - những người đang tìm việc hoặc muốn thay đổi nghề nghiệp. Cho đến nay, cuốn sách này đã được dịch ra 12 thứ tiếng trên thế giới với hơn 10 triệu bản được bán ra tại nhiều quốc gia và luôn đứng đầu danh sách những cuốn sách bán chạy nhất trong lĩnh vực tư vấn nghề nghiệp trên Amazon."

USA Today

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#science