3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Truyền kì mạn lục là một tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam, trong cuốn truyền kì này gồm nhiều tác phẩm hay, đặc sắc, đặc điểm chung của các tác phẩm này chính là đều thể hiện được quan điểm, tư tưởng của nhà văn Nguyễn Dữ về các vấn đề xã hội cũng như vấn đề nhân sinh. Một trong những tác phẩm hay nhất, độc đáo nhất của tập truyền kì này, đó chính là tác phẩm “Chức phán sự đền Tản Viên”, tác phẩm xoay quanh nhân vật Ngô Tử Văn, một con người có bản tính nóng nảy song rất cương trực, khẳng khái, dám đốt đền để diệt trừ những cái tà ác. Nhân vật Ngô Tử Văn được nhà văn Nguyễn Dữ xây dựng với nhiều nét đẹp về phẩm chất, thông qua nhân vật này, nhà văn như muốn thể hiện khát vọng về lẽ công bằng trong xã hội phong kiến xưa.

Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Chàng vốn là người có bản tính khẳng khái, cương trực, không chấp nhận được cái gian tà, càng không chịu luồn cúi trước cái ác: “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được”. Xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn với những đặc điểm này, chính là cách mà Nguyễn Dữ cho nhân vật của mình thực hiện một hành động vô cùng táo bạo mà không phải ai cũng làm được, không phải ai cũng dám làm, đó là đốt đền. Trong làng vốn có một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, đây cũng là nơi người dân thường xuyên lui tới hương khói để cầu những điều an lành, may mắn cho mình, cho gia đình.

Nhưng từ khi có tên tướng bại trận viên Bách họ Thôi tử trận gần đó, hắn ta đến ngôi đền tác yêu tác quái gây bao nhiêu phiền toái, tai họa cho dân làng: “Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách họ Thôi, tử trận gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian, có người dốc hết của cải, gia sản khánh kiệt cũng không đủ để cầu cúng”. Vốn là người nóng nảy, lại không thể chấp nhận được cái gian ác hoành hành trong nhân gian, Ngô Tử Văn đã có một quyết định liều lĩnh, táo bạo – Đốt đền. Ngô Tử Văn vốn là một kẻ sĩ, một người theo Nho học nên không mấy quan tâm đến những điều huyền diệu của thần linh, của Phật pháp. Nhưng hành động đốt đền của Ngô Tử Văn hoàn toàn không phải là sự coi thường thần linh mà xuất phát từ tấm lòng nhân nghĩa, vì nhân dân mà ra tay trừng trị, diệt trừ cái ác, ngăn chặn nó hoành hành gây đau khổ, phiền toái cho người dân. Theo dõi tác phẩm, ta có thể thấy rất rõ, trước khi châm lửa đốt đền, Ngô Tử Văn đã tắm rửa chay sạch, “khấn trời rồi châm lửa đốt đền”, hành động “khấn trời” của chàng thể hiện sự thành kính với bậc thánh thần và mong trời cao có thể chứng nhận cho tấm lòng trong sạch, cho hành động nhân nghĩa của mình.

Như vậy, ta có thể thấy, Ngô Tử Văn đốt đền hoàn toàn không phải do bản tính nóng nảy, càng không phải hành động ngông cuồng nông nổi, nhất thời. Chàng hoàn toàn ý thức hành động mà mình muốn làm, sẽ làm. Chính vì vậy nên chàng mới cầu khấn, mong nhận được sự chứng giám của trời xanh. Ta cũng thấy, Ngô Tử Văn là người rất cứng cỏi, có trách nhiệm với những quyết định của mình, bởi sau khi đốt đền thì ai nấy cũng lo lắng cho chàng nhưng bản thân chàng lại không hề quan tâm đến những hậu quả mình sẽ phải đón nhận sau hành động đốt đền này: “Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, họ lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng Tử Văn vung tay, không cần gì cả”. Tuy là kẻ sĩ nhưng tính cách ngang tàng, quật cường của Tử Văn không thua gì những bậc quân tử xưa.

Sau khi đốt đền về, Ngô Tử Văn bị lên cơn sốt: “Chàng thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run”. Trong cơn sốt chàng đã gặp tên tướng giặc bại trận họ Thôi. Qua cách ứng xử của Ngô Tử Văn đối với tên tướng giặc, ta còn thấy chàng là một người vô cùng can đảm, tính cách cường ngạnh, đặc biệt là đối với cái ác. Nghe tên tướng bại trận chỉ trích hành động đốt đền, yêu cầu Tử Văn dựng trả đền cũ, nếu không làm theo thì khó tránh khỏi những tai họa. Nhưng Ngô Tử Văn lại tỏ ra vô cùng hờ hững, thậm chí là coi thường đối với viên tướng giặc, chàng không những không làm theo mà còn phớt lờ hắn ta: “Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên”.

Qua đây ta thấy Ngô Tử Văn không chỉ khảng khái, can đảm mà còn có một bản lĩnh hơn người. Trong hoàn cảnh đầy hiểm nguy, có thể đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào như vậy, không phải ai cũng bình tĩnh và làm được như chàng. Ngô Tử Văn không những không run sợ trước quyền thế của tên tướng giặc bại trận mà chàng còn rất hiên ngang, trực tiếp bộ lộ thái độ chán ghét, coi thường đối với hắn ta, thậm chí bày tỏ thái độ khiêu khích, sẵn sàng đấu tranh đến cùng với hắn ta. Ta cũng có thể thấy, Ngô Tử Văn không hề hối hận về việc mình đã làm, bởi chàng không thẹn với lương tâm, mục đích của chàng là hoàn toàn chính đáng. Điều này cũng thể hiện niềm tin của nhà văn Nguyễn Dữ về những điều chính nghĩa ở đời. Khi bị ốm run người, chân tay lạnh toát, dù biết đó là sự trừng phạt của tên giặc đối với mình, và mạng sống của mình có thể mất bất cứ lúc nào nhưng Ngô Tử Văn quyết không chịu thỏa hiệp, không chịu đầu hàng trước tên tướng bại trận.Việc xây lại ngôi đền để tên tướng giặc tác oai tác quái càng là điều không thể, dù có phải hi sinh cả mạng sống, ta cũng có thể thấy Ngô Tử Văn cũng không màng. Như vậy ta có thể thấy cái chí khí hơn người, bản lĩnh vững vàng mà khó ai sánh được của chàng.

Khi bị bắt xuống địa ngục, trước mặt Diêm Vương, bản tính khẳng khái, ngay thẳng của Tử Văn thể hiện ngay trong lời nói với Diêm Vương: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo rõ chỗ, không nên bắt chết một cách oan uổng”. Chàng không hề tỏ ra nao núng, sợ hãi, dù ở một nơi đáng sợ như địa ngục, chàng vẫn tin vào hành động của mình, tin rằng hành động ngay thẳng ấy sẽ được Diêm Vương thấu hiểu, minh xét. Trước những lời cáo buộc, vu oan của tên tướng giặc họ Thôi, Ngô Tử Văn không hề buông xuôi, không chấp nhận mà phản kháng đến cùng, đấu tranh đến cùng với hắn.

Trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng Ngô Tử Văn vẫn vô cùng tỉnh táo để suy xét, để biện hộ cho mình, chàng nhớ tới lời dặn của vị thổ công: “Nếu nhà vua không tin lời tôi, xin đem giấy đến đền Tản Viên để hỏi hư thực, không có sự thực như thế, tôi lại chịu thêm cái tội nói càn”. Dù bị dồn vào thế bất lợi, nhưng vì lòng tin vào những điều chính nghĩa, tin vào sự minh xét, sáng suốt của Diêm Vương, Ngô Tử Văn đã cố gắng trình bày, đưa ra tất cả những lí lẽ có thể có để minh oan cho hành động chính nghĩa của mình. Đặc biệt, mục đích của chàng ở đây không chỉ là minh oan cho mình mà còn đòi lại lẽ công bằng cho viên thổ địa, cho nhân dân vô tội phải sống lầm than, kiên quyết bắt cái ác phải đền tội, phải quy hàng.

Sau khi đã được minh oan, tên tướng bại trận họ thôi phải chịu những trừng phạt thích đáng, Ngô Tử Văn đã được viên thổ địa đề cử làm chức phán sự ở đền Tản Viên. Đây là một phần thưởng thích đáng cho một con người ngay thẳng, khẳng khái như Ngô Tử Văn. Khi đã làm chức phán sự, chàng không hề tỏ ra kiêu căng, chàng vẫn hòa đồng, thân thiện và tỏ ra kính trọng đối với mọi người như trước đây: “…Tử Văn chỉ ngồi trên xe chắp tay thi lễ chứ không nói một lời nào, rồi thoắt đã cưỡi gió mà đi biến mất”.

“Chuyện chức phán sự ở đền Tản Viên” là một câu chuyện về tấm lòng ngay thẳng, về cuộc đấu tranh không khoan nhượng đối với cái ác, cái xấu xa. Ngô Tử Văn được nhà văn Nguyễn Dữ xây dựng như một người anh hùng với bao phẩm chất đáng quý, đồng thời, đây cũng là nhân vật tư tưởng nhà nhà văn xây dựng để thể hiện khát vọng về lẽ công bằng của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro