CCTTQT.loc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong năm 2010, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp thứ hạng 38 trên phạm vi toàn cầu và theo số liệu thống kê được phổ biến gần đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)  thì Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được vị trí thứ 5 về tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu trong phạm vi các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam thì trong năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 157 tỷ USD, tăng 23,6% so với kết quả thực hiện của năm 2009.

Nếu lấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP làm thước đo về mức độ hội nhập và phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế thế giới, thì Việt Nam là một trong những nước có mức độ hội nhập kinh tế quốc tế cao nhất so với các nước trong ASEAN cũng như trên thế giới. Nếu như năm 1990, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam so với GDP là 36%, thì đến năm 2010 con số này là 78,8% GDP. Cũng trong thời kỳ này tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam so với GDP tăng từ 45,3% lên 80,1% GDP. So với các nước ASEAN và Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nước có mức độ hội nhập và phụ thuộc của nền kinh tế thế giới đo bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở mức cao nhất, tăng từ 97% GDP năm 1998 lên 150% năm 2010 với tốc độ tăng trưởng thương mại nhanh nhất so với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippin, Thái Lan và Trung Quốc.

Phân tích cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam có thể nhận thấy, trong năm 2010, năm thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc đã chiếm tới 71% tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (Hình 5). Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào thị trường Mỹ là giầy dép, hàng dệt may và các sản phẩm về gỗ; vào EU là giầy dép, hàng dệt may và hải sản; vào ASEAN là dầu thô và gạo; vào Nhật Bản là dầu thô; vào Trung Quốc là cao su.

Thị trường nhập khẩu của Việt Nam cũng tập trung cao ở các thị trường chính như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (Hình 6). Các thị trường này chiếm tới 65% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN là xăng dầu các loại, máy móc thiết bị phụ tùng, máy vi tính và linh kiện, chất dẻo nguyên liệu; từ Trung Quốc là máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép và vải; từ Hàn Quốc và Nhật Bản là máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép. Trong thương mại nội vùng, năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam còn kém hơn rõ rệt so với các đối thủ cạnh tranh. So sánh về quy mô, Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu với các nước ASEAN và Trung Quốc. Hơn nữa, hàm lượng giá trị sản xuất gia tăng trong hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc cao hơn hẳn so với hàng hóa chúng ta xuất khẩu sang ASEAN và Trung Quốc. Hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN và Trung Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Trong khi xuất khẩu hàng hoá đã đạt được nhiều sự vượt trội và trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế nước ta thì xuất khẩu dịch vụ mặc dù cũng đã được đẩy mạnh trong mấy năm nay, nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập cần khắc phục. 

Xuất khẩu dịch vụ của nước ta (du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính…) thời gian gần đây đã đạt được một số kết quả đáng chú ý.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đã tăng gần như liên tục qua các năm, chỉ bị ngắt quãng vào năm 2009, chủ yếu do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2006 tăng 19,6%, năm 2007 tăng 26,7%, năm 2008 tăng 8,5%, năm 2009 giảm 17,7%; ước năm 2010 tăng 29,4%);  bình quân trong thời kỳ 2006- 2010 đạt 11,83%, cao hơn gấp rưỡi tốc độ tăng GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra (7,73%).

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ, dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng lớn nhất. Năm 2005 đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 53,93%; năm 2009 đạt 3,05 tỷ USD, chiếm 52,9%; ước năm 2010 đạt 4.450 triệu USD, chiếm 59,65%; bình quân 6 năm qua đạt 3.388,3 triệu USD/năm, chiếm 56,38%. Tốc độ tăng bình quân năm của dịch vụ du lịch trong 5 năm qua đạt 14,11% - cao hơn tốc độ tăng chung của xuất khẩu dịch vụ.

Xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt được kết quả tích cực như trên nhờ lượng khách quốc tế đến Việt Nam gần như liên tục tăng lên qua các năm. Năm 2009, số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 5 triệu lượt người. Như vậy, dịch vụ du lịch đã phục hồi về lượt khách và đang có xu hướng phục hồi về mức chi tiêu của khách trước khủng hoảng. Đây là tín hiệu khả quan để tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong các năm tới và tăng với tốc độ cao hơn về số ngoại tệ thu được từ khách do khách đến chi tiêu nhiều hơn, ở lại dài ngày hơn. Đây cũng là thời cơ cho ngành Du lịch Việt Nam.

Một dịch vụ khác có quy mô và tỷ trọng lớn thứ 2 là dịch vụ vận tải: năm 2005 đạt 1,167 tỷ USD, năm 2009 đạt 2,062 tỷ USD, ước năm 2010 đạt 2,306 tỷ USD.

Tuy nhiên, về xuất nhập khẩu dịch vụ cũng còn những hạn chế, bất cập. Đó là do quy mô xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam còn nhỏ. Tỷ lệ xuất khẩu dịch vụ so với GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra mới chỉ đạt trên dưới 20% (năm 2005 đạt 21,2%;  năm 2009 đạt 16,1%; ước năm 2010 đạt 19,2%, tính chung 2005- 2010 đạt xấp xỉ 20,2%). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ bình quân năm trong thời kỳ 2006- 2010 còn thấp so với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá (17,2%) và thấp hơn tốc độ tăng của kim ngạch nhập khẩu (13,3%) trong thời gian tương ứng. Do vậy, trong quan hệ xuất- nhập khẩu dịch vụ với nước ngoài, Việt Nam còn ở vị thế nhập siêu.

Lượng khách du lịch quốc tếđến Việt Nam lũy kế cả năm 2010 ước đạt trên 5 triệu lượt khách, tăng 34,8% so với năm trước. Khách quốc tếđến Việt Nam trong năm 2010 chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc (tăng 74,5%), Hàn Quốc (tăng 37,7%), Nhật Bản (tăng 24%), Mỹ (tăng 6,9%), Đài Loan (tăng 23,7%), Úc tăng (28,1%), Campuchia (tăng 115,2%),....Từ những con số so sánh như trên, trong giai đoạn tới, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu dịch vụ.

Theo báo cáo kiều hối và di trú trú toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, kiều hối chuyển về Việt Nam 2010 ước tính đạt hơn 8 tỷ USD tăng 25,6% so với năm 2009. Với gần 4 triệu Việt kiều đang sinh sống trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng vạn lao động xuất khẩu, Việt Nam đang là một trong 10 nước có lượng tiền kiều hối chuyển về lớn nhất thế giới, với bình quân tăng trên 10%/năm.

Việt Nam hiện đứng ở hàng thứ 16/30 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất và WB cũng dự báo lượng kiều hồi chảy về Việt Nam trong năm 2011 sẽ tăng thêm 6,2%.

Nói về cán cân vốn:

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2010 thực hiện đạt 11  tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009. Cả nước có 969 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tưđăng ký mới đạt trên 17,2 tỷ USD, giảm 16,1% về số dự án nhưng tăng 2,5% về vốn đăng ký cấp mới so với năm 2009; có 269 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký tăng thêm ước đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD. Như vậy, tính cảđăng ký mới và tăng vốn, tổng vốn đăng ký năm 2010 đạt xấp xỉ 18,6 tỷ USD, giảm 17,8% so với năm 2009.

Về vốn ODA: Tổng giá trị giải ngân năm 2010 ước đạt 3.500 triệu USD, đạt xấp xỉ 144,2% so với kế hoạch giải ngân của cả năm; trong đó: vốn vay khoảng 3.200 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 300 triệu USD. Tổng giá trị vốn ODA được ký kết thông qua các Hiệp định ước đạt 3.172 triệu USD; trong đó: vốn vay đạt 3.034 triệu USD, viện trợ không hoàn lại đạt 138 triệu USD.

Thâm hụt thương mại, thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao trong khi dự trữ ngoại hối vẫn ở mức thấp, gây sức ép lên tỉ giá. Nhập siêu năm 2010 đạt mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu, nhưng vẫn ở mức cao. Nếu loại trừ đá quý, kim loại quý xuất khẩu thì khả năng nhập siêu vẫn trên 23%. Đây là nhân tố chính làm cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 10% GDP và cán cân thanh toán thâm hụt khoảng 4 tỉ USD. Nhập siêu cao và kéo dài trong nhiều năm, nhất là từ năm 2007 cho đến nay đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng nợ quốc gia và gây sức ép giảm giá đồng nội tệ. Thâm hụt cán cân vãng lai lớn cùng với thâm hụt ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng nhanh sẽ là những trở ngại lớn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong những năm tới đây.

Nhập siêu trong năm 2011 dự báo tiếp tục ở mức cao khoảng 14,5 tỉ USD, trong khi dự trữ ngoại hối được IMF dự báo tăng từ mức 15,3 tỉ USD (tương đương 1,9 tuần nhập khẩu) trong năm 2010 lên 19,2 tỉ USD (2,1 tuần nhập khẩu) vào năm 2011, vẫn còn khá mỏng; các nguồn tài trợ thâm hụt như FDI giải ngân, ODA giải ngân và kiều hối được dự báo có mức tăng khá khiêm tốn. Năm 2009, cán cân thanh toán thâm hụt 8,8 tỉ USD; năm 2010, có sự cải thiện rõ rệt (theo báo cáo của Chính phủ tại cuộc họp thường kì cuối năm, cán cân thanh toán thâm hụt khoảng 4 tỉ USD, còn theo ước tính của IMF thì cán cân thanh toán thặng dư khoảng 1,2 tỉ USD trong điều kiện lỗi và sai sót bằng 0). Năm 2011, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại báo cáo trình Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2010 và dự báo kế hoạch phát triển năm 2011 ngày 17/10/2010 thì dự kiến cán cân thương mại thâm hụt 9,51 tỉ USD, cán cân dịch vụ thâm hụt 1,75 tỉ USD, thu nhập đầu tư thâm hụt 5,12 tỉ USD, chuyển tiền thặng dư 5,5 tỉ USD, và do đó, cán cân vãng lai thâm hụt gần 10,9 tỉ USD. Số thâm hụt này được bù đắp bằng thặng dư trong cán cân vốn và tài chính 11,8 tỉ USD. Cán cân tổng thể thặng dư khoảng 500 triệu USD. Còn theo dự báo của IMF, cán cân tổng thể năm 2010 thặng dư 1,2 tỉ USD và năm 2011, thặng dư khoảng 3,9 tỉ USD trong điều kiện lỗi và sai sót bằng 0. Như vậy, so với năm 2009, cán cân thanh toán năm 2010 và 2011 có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, theo chúng tôi ước tính, cán cân thanh toán trong năm 2010 vẫn thâm hụt khoảng 2,5 tỉ USD và năm 2011, cán cân thanh toán có thể đạt trạng thái cân bằng hoặc nếu có thặng dư cũng không quá dồi dào do phần “lỗi và sai sót” trong cán cân tài khoản vốn gây ra. Thực tế tình trạng căng thẳng trên thị trường ngoại hối và giá vàng liên tục leo thang khiến doanh nghiệp và người dân găm giữ đô la và vàng. Như vậy, việc bố trí lại danh mục đầu tư của doanh nghiệp và người dân sang các loại tài sản bằng ngoại tệ và vàng sẽ tiếp tục gây ra vấn đề “lỗi và sai soát” trong cán cân thanh toán.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro