CH11 - CNH- HIỆN ĐẠI HÓA NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CNXH Ở VN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 11 - CÔNG NGHIỆP HÓA HIỆN ĐẠI HÓA NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

1. Nội dung của CNH, HĐH ở Việt Nam:

1.1. Nội dung cơ bản:

1.1.1. Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất - cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, trên cơ sở thực hiện cơ khí hoá nền sản xuất và áp dụng những thành tựu cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại.

            Cơ khí hóa nền kinh tế quốc dân: thay thế lao động thủ công, lạc hậu bằng lao động sử dụng máy móc. Đi liền với cơ khí hoá là điện khí hóa và tự động hóa sản xuất từng bước và trong toàn bộ nền kinh tế.

            Đối tượng CNH là tất cả các ngành kinh tế nhưng trước hết và quan trọng nhất là ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất bởi vì việc tái sản xuất mở rộng của khu vực sản xuất tư liệu sản xuất (đặc biệt là của ngành sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sản xuất) quyết định quy mô tái sản xuất mở rộng (hay tốc độ tăng trưởng) của toàn bộ nền kinh tế. Ngành này còn là cơ sở để cải tạo phát triển nền kinh tế quốc dân, phát triển khu vực nông - lâm - ngư nghiệp.

            Mục tiêu của CNH, HĐH còn là sử dụng kỹ thuật, công nghệ ngày càng tiên tiến hiện đại nhằm đạt NSLĐ xã hội cao. Khoa học - công nghệ phải là động lực của CNH, HĐH vì đó là nhân tố quyết định chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất, khả năng cạnh tranh của hàng hoá... Phát triển khoa học công nghệ trong điều kiện Việt Nam hiện nay cần chú ý tới những vấn đề sau:

                 Thứ nhất, phải xác định được phương hướng đúng đắn cho sự phát triển khoa học công nghệ: sở dĩ như vậy là vì khoa học công nghệ là lĩnh vực hết sức rộng lớn; trong đó đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ nước ta còn nhỏ bé, chất lượng thấp; khả năng của đất nước ta về vốn liếng, phương tiện nghiên cứu... rất hạn hẹp. Do đó chúng ta không thể cùng một lúc đầu tư để phát triển tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ, mà phải chọn lựa những lĩnh vực nhất định để đầu tư. Việc lựa chọn đúng sẽ tạo ra điều kiện cho KHCN phát triển và ngược lại nếu việc lựa chọn không đúng thì không những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của KHCN mà còn ảnh hưởng không tốt đến CNH, HĐH. Phương hướng chung cho sự phát triển khoa học công nghệ ở nước ta: Phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến nhiều hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước phát triển kinh tế tri thức.

                 Thứ hai, phải tạo điều kiện cho sự phát triển của khoa học - công nghệ như cán bộ khoa học công nghệ có số lượng đủ lớn, chất lượng cao, đầu tư ở mức cần thiết, chính sách kinh tế xã hội phù hợp... Trong quá trình CNH, HĐH, người lao động không những cần được nâng cao trình độ văn hóa và khoa học công nghệ mà còn phải được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến. Họ vừa là kết quả sự phát triển lực lượng sản xuất, vừa là người tạo ra sự phát triển đó.

1.1.2. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, hợp lý và hiệu quả:

            Quá trình CNH, HĐH cũng là quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế của nền kinh tế quốc dân là cấu trúc của nền kinh tế, bao gồm các ngành kinh tế, các vùng kinh tế, các thành phần kinh tế... và mối quan hệ hữu cơ giữa chúng. Trong đó cơ cấu ngành giữa công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ là quan trọng nhất, quyết định các hình thức cơ cấu khác. Cơ cấu kinh tế hợp lý là điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng, phát triển. Vì vậy CNH, HĐH đòi hỏi phải xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại.

            Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế được coi là hợp lý, tiến bộ khi tỷ trọng công nghiệp và xây dựng và đặc biệt là dịch vụ ngày càng tăng, tỷ trọng nông lâm, ngư nghiệp và khai khoáng ngày càng giảm trong tổng giá trị sản phẩm xã hội.

            Cơ cấu kinh tế hợp lý đòi hỏi công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ phát triển mạnh mẽ, hợp lý và đồng bộ. Xây dựng cơ cấu kinh tế cần thiết là yêu cầu khách quan của mỗi nước trong thời kỳ công nghiệp hóa. Yêu cầu về 1 cơ cấu kinh tế hợp lý là:

                 Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng, tỷ trọng nông lâm, ngư nghiệp và khai khoáng ngày càng giảm trong tổng giá trị sản phẩm xã hội.

                 Trình độ kỹ thuật không ngừng tiến bộ phù hợp với xu hướng của tiến bộ khoa học - công nghệ thế giới.

                 Cho phép khai thác tối đa mọi tiềm năng của đất nước, của các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế.

                 Thực hiện sự phân công và hợp tác quốc tế theo xu thế toàn cầu hóa kinh tế, do vậy cơ cấu kinh tế được tạo dựng phải là "cơ cấu mở".

            Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta được thực hiện theo phương châm: kết hợp công nghệ với nhiều trình độ, tranh thủ công nghệ mũi nhọn, tiên tiến vừa tận dụng được nguồn lao động dồi dào, vừa cho phép rút ngắn khoảng cách lạc hậu vừa phù hợp với nguồn vốn có hạn ở trong nước; lấy qui mô vừa và nhỏ là chủ yếu, có tính đến qui mô lớn nhưng phải là qui mô hợp lý và có điều kiện; giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, tạo ra sự cân đối giữa các ngành, các vùng, các lĩnh vực kinh tế...

            Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta trong những năm trước mắt cần thực hiện theo định hướng chung sau đây: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư dựa trên việc phát huy các thế mạnh và lợi thế so sánh của đất nước, tăng cường sức cạnh tranh, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài, nhu cầu đời sống người dân và an ninh quốc phòng. Tạo thêm sức mua của thị trường trong nước và mở rộng thị trường ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

1.1.3. Thiết lập quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa:

      CNH, HĐH không chỉ là phát triển lực lượng sản xuất mà còn là quá trình thiết lập, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng CNXH. Tiêu chuẩn căn bản để xét quan hệ sản xuất nhất định có phù hợp với tính chất và trình độ lực lượng sản xuất hay không, có đúng với định hướng XHCN hay không là ở chỗ nó có thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân, tạo điều kiện thực hiện công bằng xã hội tốt hơn hay không.

1.2. Những nội dung cụ thể trong những năm trước mắt:

1.2.1. Đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn:      

            Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đa dạng của nông, lâm, ngư nghiệp bảo đảm vững chắc yêu cầu an toàn lương thực cho xã hội; tạo nguồn nguyên liệu có khối lượng lớn, chất lượng cao, giá thành hạ, đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến, mở mang thị trường sản phẩm và dịch vụ cho công nghiệp. Coi trọng đến các vấn đề thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa. Phát triển mạnh công thương nghiệp, dịch vụ, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng.

1.2.2. Phát triển công nghiệp:

            Ưu tiên phát triển các ngành chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin.

1.2.3. Cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới có trọng điểm kết cấu hạ tầng vật chất của nền kinh tế:

            Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đi lên CNXH, kết cấu hạ tầng ở nước ta hết sức thấp kém, không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất kinh doanh và đời sống của dân cư à Do vậy việc xây dựng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế được coi là một nội dung của CNH, HĐH.

1.2.4. Phát triển nhanh du lịch, các ngành dịch vụ:

            Mức thu nhập, mức sống càng cao nhu cầu về dịch vụ của dân cư càng lớn. Phát triển dịch vụ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư, góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất kinh doanh, mở rộng giao lưu phát triển kinh tế đối ngoại, mở cửa nền kinh tế.

1.2.5. Phát triển hợp lý các vùng lãnh thổ:

            Phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm có mức tăng trưởng cao, tích lũy lớn đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng khác trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng vùng, liên kết với trọng điểm tạo mức tăng trưởng khá. Có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho các vùng khó khăn để phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, đưa các vùng này vượt qua giai đoạn kém phát triển.

1.2.6. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại:

            Mở cửa nền kinh tế là nhu cầu cấp bách đối với nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên mở cửa hội nhập như thế nào cũng cần được cân nhắc kỹ càng nhằm tranh thủ những tác động tích cực, hạn chế tiêu cực với tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế. Trong việc mở cửa, hội nhập phải đẩy mạnh xuất khẩu, coi xuất khẩu là hướng ưu tiên và trọng điểm. Điều chỉnh cơ cấu kinh tế vừa hội nhập khu vực vừa hội nhập toàn cầu.

2. Những tiền đề để thực hiện thắng lợi tiến trình CNH, HĐH ở nước ta:

2.1. Huy động vốn và sử dụng vốn có hiệu quả:

            CNH, HĐH đòi hỏi nguồn vốn rất to lớn. Có 2 nguồn vốn chính:

            Vốn trong nước: đóng vai trò quyết định vì đó là nhân tố bên trong đảm bảo cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, là tiền đề để huy động và sử dụng hiệu quả vốn bên ngoài. Vốn trong nước gồm:

                 Ngân sách Nhà nước, tài sản cố định tích lũy từ nhiều thế hệ, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý và nhiều loại tài sản hữu hình và vô hình khác, tiền tiết kiệm của dân cư... Nguồn vốn trong nước được tích lũy từ nội bộ nền kinh tế dựa trên cơ sở hiệu quả sản xuất, là lao động thặng dư của người lao động. Con đường cơ bản để tích lũy vốn trong nước là tăng năng suất lao động xã hội trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hợp lý hóa sản xuất.

                 Thứ hai là tỉ lệ tiết kiệm, coi tiết kiệm là quốc sách, đấu tranh chống tham ô, lãng phí.

                 Thứ ba, nguồn vốn trong nước còn phụ thuộc vào các chính sách kinh tế như: chính sách thuế, chính sách lãi suất, chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, chính sách phân phối lợi nhuận... Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với yêu cầu nền kinh tế trong từng giai đoạn là yêu cầu khách quan. 

            Vốn nước ngoài gồm: FDI và ODA. Trong điều kiện nền kinh tế thấp kém cần tận dụng mọi khả năng để thu hút nguồn vốn bên ngoài. Đây là nguồn vốn có vai trò quan trọng không những giúp các nước nghèo khắc phục khó khăn về vốn ở giai đoạn đầu mà còn tạo thuận lợi về kỹ thuật công nghệ quản lý... Vì thế tranh thủ nguồn vốn bên ngoài là 1 nhân tố đẩy nhanh thành công của công nghiệp hoá.  Sử dụng vốn nước ngoài phải chấp nhận bị bóc lột, tài nguyên bị khai thác, nợ nước ngoài... nên cần cân nhắc, lựa chọn.

            Huy động vốn và sử dụng có hiệu qủa nguồn vốn cần xây dựng và phát triển thị trường  vốn, xây dưng môi trường vĩ mô thuận lợi cho thu hút đầu tư, chống tham ô, lãng phí, thực hành tiết kiệm...

2.2. Đào tạo nguồn nhân lực:

            Công nghiệp hoá đòi hỏi năng lực lao động của người lao động phải tương xứng với quá trình hiện đại hoá tư liệu sản xuất, có như thế người lao động mới sử dụng hiệu quả phương tiện kỹ thuật được trang bị.

            Quá trình công nghiệp hoá không chỉ cần 1 người lao động có trình độ chuyên môn mà còn có đức, có sự sáng tạo, linh hoạt, làm việc quên mình vì nền độc lập và phồn vinh của đất nước. Trong đó việc xây dựng  giai cấp công nhân là nhiệm vụ trọng tâm. Vì chỉ có 1 đội ngũ giai cấp công nhân trưởng thành về chính trị, có trình độ làm khoa học - kỹ thuật công nghệ mới mới có thể làm nòng cốt để liên minh với nông dân, trí thức, tập hợp và đoàn kết các thành phần khác phấn đấu đưa CNH, HĐH đến thành công.

            CNH, HĐH đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe và thể lực tốt. Muốn vậy phải đảm bảo dinh dưỡng, y tế, cải thiện môi trường sống... cho người lao động. Để có nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá phải đầu tư cho giáo dục và đào tạo trở thành quốc sách hàng đầu. Bố trí và sử dụng tốt nguồn nhân lực đã được đào tạo.

2.3. Phát triển  khoa học - công nghệ:

            Khoa học và công nghệ được coi là động lực của CNH, nó có vai trò quyết định lợi thế cạnh tranh và tốc độ phát triển kinh tế. Vì khoa học và công nghệ ngày nay đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp tạo điều kiện phát triển đi tắt, đón đầu những công nghệ mới.

            Khoa học công nghệ tập trung đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đi thẳng vào công nghệ hiện đại ngay từ đầu đối với những ngành mũi nhọn, đồng thời lựa chọn các công nghệ thích hợp, không gây ô nhiễm và cho phép khai thác lợi thế về lao động.

2.4. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại:

            Thực chất của việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại là việc thu hút nhiều nguồn vốn bên ngoài, là tiếp thu nhiều kỹ thuật và công nghệ hiện đại, là mở rộng thị trường cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

            Cuộc cách mạng khoa học công nghệ và xu thế tòan cầu tạo ra khả năng cho chúng ta mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại để tranh thủ các lợi thế từ bên ngoài (như vốn, công nghệ, khoa học quản lý...). Song ta cần có một đường lối kinh tế đối ngoại đúng đắn, hiệu quả để kết hợp được sức mạnh bên trong với sức mạnh của thời đại, thực hiện nhanh quá trình CNH, HĐH.

2.5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước:

            CNH, HĐH là sự nghiệp của toàn dân của mọi thành phần kinh tế. Đây là 1 quá trình lâu dài, gian khổ có nhiều mâu thuẫn phức tạp và cả nguy cơ chệch hướng. Cần đảm bảo mục tiêu XHCN. Do đó quá trình CNH phải do 1 Đảng Cộng Sản tiên phong, dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo và 1 nhà nước của nhân dân, vì nhân dân, quản lý mới có thể thành công.

            Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị, trong đó ĐCSVN là người lãnh đạo duy nhất, trực tiếp và toàn diện mọi hoạt động. Hai là CNH, HĐH phải tiến hành theo đường lối, quan điểm của Đảng. Nhà nước có sứ mệnh tổ chức thực hiện đường lối CNH của Đảng. Đây là nhân tố trực tiếp đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp CNH ở nước ta.

            Công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ, sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước là nhân tố quyết định sự thành công của công nghiệp hóa đất nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro