Chương 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nước mắt từng giọt nhỏ lên mu bàn tay, vừa nóng vừa rát. Mẹ Vy lau nhanh khoé mắt, cứng rắn dạy bảo:

- Lời của bà con quên rồi? Châm ngôn của bà con là gì? Học tập là sức mạnh. Bà vừa mất con đã nằm vật ra không còn hình tượng gì rồi, con định làm bà thất vọng đúng không, Vy?! - Không đợi Vy kịp trả lời, bà đã quả quyết - Mẹ nói rồi, mẹ không quản con học trường nào, nhưng phải học ở Hà Nội, điều kiện ngoài đó tốt hơn.

Tối đó Vy mơ rất nhiều giấc mơ rời rạc về bà ngoại. Bà luôn dặn cô phải phấn đấu học hành, người ta thông minh người ta cố gắng một thì mình phải cố gắng gấp mười, gấp hai mươi lần họ. Không cần kiêu ngạo, không cần tự mãn, chỉ cần xứng đáng với sinh mệnh là được.

Bà còn nói, nếu có thích ai thì phải theo đuổi người ta.

Vy chỉ có thời gian hơn một tháng ngắn ngủi để ôn thi. Cô dốc toàn lực, nâng cao 200% so với trước kia, cô giáo đều rất hài lòng, các giáo viên khác cũng hạn chế gọi học sinh trong đội tuyển lên trả bài. Cũng trong khoảng thời gian gấp rút này, Vy nghe được một quyết định từ bên phía nhà trường, liên quan đến vụ cưỡng hiếp của Nguyên.

Khi xét nghiệm ADN, cảnh sát nhanh chóng kết luận Nguyên không trực tiếp thực hiện hành vi, nhưng hình ảnh hai người được tung lên mạng đã lan truyền đến mức không có điểm dừng, cho thấy Nguyên không thoát khỏi liên quan. Mặc dù các bên đã làm rõ ràng nhưng gia đình nạn nhân không chấp nhận. Không đồng ý đính chính, đăng hình con gái lung tung lên mạng, không đồng ý với quyết định hoà giải nhẹ nhàng của cảnh sát, đòi khởi kiện ra toà.

Vụ việc bị làm rùm beng lên, mỗi ngày trong trường đều nổi lên những lời đồn khác nhau. Một tháng này có lẽ là thời kỳ đen tối nhất của anh. Bất kể là ở trường, hay là ở tiệm bánh bao cũ, không còn có sự hiện diện của Nguyên nữa. Anh biến mất như chưa từng tồn tại, cũng biến mất của cuộc đời xám xịt của Vy. Cô chỉ có thể thỉnh thoảng nghe mấy lời đồn bậy bạ của đám con gái trong lớp.

Có người hiểu, cũng có người không hiểu. Với vẻ ngoài của Nguyên, với phong độ của anh, con gái sẽ tự động bò lên người anh chứ không cần phải làm trò hiếp dâm tung lên mạng này. Nhưng học sinh mà, thích nhất là đào bới chuyện của người khác, nói xấu, bôi nhọ, xuyên tạc, dường như đã trở thành món ăn không thể thiếu như đến ngày tết phải cắn hạt dưa vậy.

Vy mang một cái đầu tỉnh táo để đi thi. Mang tất cả kiến thức đã ôn tập vừa qua, mang theo niềm kỳ vọng của bố mẹ, mang cả sự thương yêu của bà ngoại. Khi tiếng chuông hết giờ vang lên, Vy cảm thấy mọi nỗ lực của mình đều xứng đáng. Tuy trái tim còn đang rỉ máu, nhưng đầu óc lại minh mẫn hơn bao giờ hết. Tuy không mong sẽ đạt được kết quả cao, nhưng ít nhất Vy đã cố gắng hết mình.

Hình phạt mà toà án đưa ra là phạt tù hai năm cùng với một khoảng đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thật ra trẻ vị thành niên phạm tội không đến mức phạt nặng như vậy, nhưng gia đình người ta cũng coi như có địa vị, quen biết rộng, không phạt nặng thì không cam tâm, đặc biệt nghe đến Nguyên là một học sinh cá biệt nghịch ngợm thì càng cay ghét. Nói cũng đúng, bậc làm bố mẹ không thể trách con gái mình khờ dại trao thân được, chỉ đành chuyển sang một người vô tội khác.

Có ai mà ngờ được, một ngày trước còn vui chơi hết mình, muốn đi học thì đi học, muốn nghỉ học thì nghỉ học, ngày hôm sau đã phải ngồi tù, mà còn là đi tù trong khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ. Cuộc đời anh đã bị huỷ hoại như thế đấy. Hình ảnh chàng thiếu niên co chân ngồi trên cành cây, nhìn trăng, nhìn đom đóm, nhưng không nhìn thấy Vy. Đẹp, và hoàn hảo. Chợt có nỗi niềm nghẹn ngào nào đó trào ra.

Học sinh dùng hai tháng để ôn thi Đại học, toà án dùng hai tháng để đưa ra phán xét cuối cùng cho hành vi phạm tội của Nguyên - một tội ác không phải do anh gây ra.

Vy lại ngồi nhặt cỏ trong vườn. Trời mùa hè, nắng gắt, phải tưới nước nhiều hơn cho cây. Vy quyết định nghe theo mẹ, đăng ký một trường ở Hà Nội, mà không, tất cả nguyện vọng của cô đều đăng ký ở đó. Mẹ không muốn Vy mãi chìm đắm vào quá khứ vì hình bóng của bà ngoại, cô cần phải thoát ra, phải học cách vượt qua.

Vy tự hỏi, có khi nào Nguyên cũng đang khổ sở giống như mình hay không. Chắc là không đâu, anh chưa từng có dáng vẻ sợ sệt trước ai, phạt hay không, đi tù hay không đối với anh cũng giống như đi nghỉ mát một chuyến, lâu lâu thì về thăm gia đình. Vy thấy tiếc cho Nguyên. Ngày trước, hai người bọn họ không hề liên quan gì đến nhau, bây giờ, càng ngày càng xa, thế giới thậm chí đã trở nên khác biệt.

My, cô Tâm, bà ngoại, và bây giờ là đến Nguyên. Không có ai trong đó Vy thật sự dùng khả năng của mình để giữ lại. Có người là vì hèn nhát, có người là vì vô lực. Vy thật sự không muốn Nguyên sẽ đi vào con đường không có lối về nữa. Khi mà mọi người đều đang dần vun đắp cho đôi cánh của mình, anh lại bị người khác đâm vào lưng, rạch nát đôi cánh, trong khi rõ ràng cánh của anh có thể sẽ cứng hơn, đẹp hơn người khác.

Vy mò mẫm tháo chiếc thẻ nhớ nhỏ trong máy ảnh đã hỏng của mình, mang đến tiệm rửa ảnh nổi tiếng nhất trong khu. Bấy giờ người ta vẫn chưa thịnh hành việc in ảnh, cho nên đây dường như là tiệm duy nhất. Vy chụp không nhiều, đều hy vọng cảnh sát có thể dựa vào bức ảnh này để rửa tội cho anh, người nhà nạn nhân có thể tìm đúng người mà trút giận.

Nhìn những bức ảnh trong suốt một năm qua mình chụp lại, thật ra, trong đó vẫn luôn có hình bóng của người nọ. Chỉ là cô giấu mình đi, chỉ dám nhìn những nơi anh đã đi qua, tự cho mình tư cách tồn tại ở đó, cũng xem như là hai người đã cùng đến một nơi. Chỉ vài ngày nữa là mọi người đều tốt nghiệp rồi, thành phố này cũng chẳng có kỷ niệm hay ho gì để mà lưu giữ. Huống hồ qua cú sốc của bà ngoại, Vy đã không còn lưu luyến thứ gì.

Chọn vài tấm ảnh cần thiết để in, ông chủ thấy Vy trầm ngâm lướt qua rất nhiều ảnh nhưng không yêu cầu in thêm thì mời mọc:

- Cháu bé, không in thêm à? Mấy bức kia cháu chụp cũng đẹp lắm.

- Không đâu ạ, chú in cho cháu mấy tấm kia là được rồi.

Vy mua một chiếc phong bì đẹp đẽ, bỏ hết ảnh vừa in vào trong. Cô không muốn gửi bằng đường bưu điện, sợ cảnh sát tra được gì đó, còn cẩn thận đến mức chọn một con đường không dính camera hay bất kì thứ gì có thể ghi hình lại, giao phong bì cho một cậu bé bán báo hàng rong kèm theo một ít tiền công, chỉ dặn cậu ta giao phong bì đến người cảnh sát đầu tiên gặp được trong đồn rồi thôi.

Đây coi như là một món quà mà Vy dồn hết tâm tư ba năm nay của mình, tặng cho anh, một người mà thậm chí cô còn chưa kịp giới thiệu tên. Vy không có ý gì khác, chỉ có thể mong Nguyên có thể, một lần nữa, không bỏ lỡ cuộc đời đẹp đẽ nhất của mình. Nếu thật sự có thể giúp được anh, Vy nguyện từ nay về sau sẽ không bao giờ đụng vào trà sữa nữa.

Vy không tham dự ngày bế giảng, từ chối nhận phần thưởng, sau khi có kết quả đậu Đại học, liền cùng bố mẹ bay đi Hà Nội, trở về căn nhà trước kia của mình. Ở nhà bà ngoại quen rồi, bây giờ nhìn lại nhà mình khi xưa, Vy thấy lạ lẫm hẳn.

Vy đã lựa chọn một ngành học mạo hiểm, cô đăng ký vào khoa mỹ thuật ở trường Đại học Văn Lang, chuyên ngành thiết kế nội thất. Thật ra Vy không hề có ước mơ gì cao sang, không hẳn phải làm một kiến trúc sư nổi tiếng có thể mở phòng làm việc riêng, cô chỉ muốn thử một chút, ước mơ mà chị Tâm nói là gì.

Thời gian qua đi, nỗi nhớ nhung rồi cũng sẽ nguôi ngoai, mỗi lần nhớ về cái ngày mình nghe tin bà ngoại mất mà khóc ròng, Vy thấy bản thân thật trẻ con, mất mặt không muốn thừa nhận, cô đã có những ngày thất thường như thế. Bố mẹ Vy thấy cô đã tốt nghiệp nhưng vẫn chậm chạp không chịu đi tìm công việc, tìm được rồi thì lại bảo không hợp, lại không theo xu hướng như mấy kiến trúc sư bây giờ, càng sốt ruột hơn.

Suy nghĩ một chút, Vy đặt vấn đề với hai ông bà, muốn về quê ngoại, mở một phòng tranh dạy vẽ. Phong cách vẽ của cô thật ra không hợp để thiết kế nhà cho người ta ở, chỉ vẽ bậy bạ lung tung thì được, thích gì hoặc là đột nhiên muốn vẽ gì thì sẽ vẽ cái nấy. Mẹ Vy lại một lần nữa thở dài, con gái không quên được bà ngoại thì phải làm sao.

Thật ra cũng không có gì quá đáng, Vy không đòi khóc cũng không kêu gào, chỉ bình tĩnh đón nhận, cũng đã hai mươi tư tuổi đầu rồi. Thấy cũng sắp đến ngày giỗ của bà, mẹ Vy đồng ý cho cô về quê trước, dọn dẹp sạch sẽ, năm nay đám giỗ sẽ được tổ chức trong kia luôn.

Căn nhà đã đóng bụi của bà ngoại một lần nữa mở ra, Vy có hơi cảm khái. Cổng sắt bây giờ đã gỉ một màu, lớp sơn bong tróc gần hết, Vy nhớ năm nào đến tết cô cũng phụ trách sơn lại cổng. Còn vườn rau, vườn rau mà trước khi đi mẹ Vy đã nhổ sạch sẽ, bây giờ mọc đầy cỏ dại. Bà ngoại mà ở đây chắc chắn sẽ lại nói "Trồng rau kiểu gì mà để cỏ dại mọc đầy thế kia!".

Thật tốt! Có thể lại nhìn thấy được bà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro