Chân Long Kiếm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tự chương:
Trên núi, tiếng chim hót ríu rít rất vui tai, cây cối to cao, rậm rạp, các tán cây đan vào nhau tầng tầng lớp lớp. Ánh nắng chiếu xuyên qua tán lá trên cao xuống dưới mặt đất tạo ra những khoảng sáng tối xen lẫn, vô cùng kỳ ảo.

Lúc này, một chàng trai chừng hơn ba mươi tuổi, tay mang túi nải, đang men theo con đường mòn trong rừng. Thân hình dong dỏng cao, khuôn mặt vuông vắn, mép thì lún phún ria. Trên người mặc bộ quần áo xanh lam, chân đi giày vải cũ đã rách. Chàng ta có lẽ đã đi lạc trong rừng nhiều ngày nên gương mặt lộ vẻ mỏi mệt.

Chàng lấy từ trong túi nải một ống tre, mở nắp ống tre, uống một ngụm nhỏ, rồi ngồi xuống một hòn đá nghỉ ngơi, bụng nghĩ thầm, "mình lạc trong rừng đã chín hôm, đây là ống nước cuối cùng, lương khô cũng gần hết, nếu qua ngày mai mà chưa tìm được đường ra thì nguy mất." Chàng thở dài chán nản, ngẩng đầu lên đưa mắt nhìn xung quanh hòng tìm hi vọng giữa không gian ánh sáng yếu ớt, bỗng thấy đằng xa bên trái có cái bóng chuyển động, phía trên lấp loáng màu trắng, giống dáng người nhấp nhổm. Chàng nheo mắt nhìn kỹ hơn thì nhận ra đó là một người đàn ông đội nón lá, lưng gùi gánh củi lớn đang đi. Chàng ta sướng hơn bắt được vàng, reo to:

- Ha ha ha, ra được đến cửa rừng rồi, ha ha ha, mình thoát nạn rồi, ha ha ha.

Chàng ta nhảy cẫng lên, đôi chân vốn rệu ra như được tiếp thêm sức mạnh, ba chân bốn cẳng đuổi theo tiều phu nọ, vừa chạy vừa hô lớn:

- Bớ bác tiều phu ơi! Đợi tôi với! Đợi tôi với!

Ban đầu bác tiều phu nghe tiếng í ới sau lưng, bác ta cứ tưởng đó là thú dữ hay sơn tặc nên hoảng sợ bỏ chạy. Chàng trai không hiểu gì nên guồng chân nhanh hơn, tiều phu càng sợ hãi, lại cố sức chạy. Bác ta muốn chạy thật nhanh nhưng lưng mang gánh củi nặng, sao bằng chàng trai được, tới khi bác ta nghe rõ lời thì mới biết mình hiểu nhầm nên dừng lại. Chàng trai chạy đến, chống tay thở hổn hển, hỏi:

- Sao bác bỏ chạy thế, tôi đâu có ý xấu.

Bác tiều phu thả gánh củi xuống nghỉ mệt, bác ta trả lời đứt quãng:

- Tôi nào biết, tôi cứ nghĩ sơn tặc hay thú dữ đuổi nên bỏ chạy thôi.

Chàng trai bật cười thú vị. Tiều phu quan sát chàng từ trên xuống dưới và hỏi:

- Anh bị lạc trong rừng phải không?

- Ơ! Sao bác biết?

Tiều phu cười khà khà đáp:

- Tôi dân vùng này mà. Quanh đây ít người nên tôi nhớ lắm. Vả lại sắc mặt anh tái xanh như vậy, nhất định thiếu nước, thiếu thức ăn và đi bộ trong rừng rất lâu rồi.

Chàng cứ thật lòng mà kể:

- Bác tinh mắt thật đấy, chả dấu gì bác, tôi là người vùng khác, đi tới đi lui trong rừng mấy hôm không biết thế nào lại bị lạc, may sao gặp được bác.

- Ra là thế.

Hai người ngồi nghỉ một lát rồi đứng dậy cùng nhau xuống núi, ra đến bìa rừng, chàng trai đứng trên lưng chừng nhìn xuống. Màu xanh của cây cối trải dài xuống tới chân núi, quả thật rất húng vĩ. Đứng giữa trời đất bao la, ngắm từng đám mây lờ lững trôi, mọi mệt nhọc muộn phiền dường như đều tan biến. Chàng nhất thời thốt lên

- Cảnh sắc ở dưới đó đẹp quá, đẹp tuyệt vời.

- Ha ha, xuống dưới còn đẹp hơn nữa kìa.

Tiều phu chỉ tay nói:

- Xuống dưới một đoạn nữa là đến nhà tôi. Trời cũng sắp tối rồi, mời cậu vào nhà dùng bữa cơm với vợ chồng tôi cho vui. Mai hẵng đi.

Chàng trai lắc đầu:

- Thôi, tôi không dám làm phiền gia đình bác, có lẽ tôi xuống chân núi tìm chỗ nghỉ ngơi.

Tiều phu đề nghị mấy lần nữa nhưng chàng trai vẫn không chịu, cuối cùng bác ta đưa chàng một cái túi và nói

- Hầy, nếu cậu không muốn thì tôi cũng không ép. Ở đây tôi còn ba gói bánh chưa bóc, tôi tặng cậu đi đường.

Giờ từ chối thì bất lễ, chàng đành cầm lấy rồi cám ơn:

- Bác thật tốt bụng quá. Cái ơn cứu mạng của bác tôi quyết không quên, mai này nhất định tôi sẽ đền đáp.

- Ơn nghĩa gì đâu, giúp người là làm việc thiện, cậu đừng lo lắng về chuyện đấy.

- Tạm biệt bác, hẹn ngày gặp lại.

Hai người chia tay nhau. Chàng trai một mình xuống núi. Đi được, chàng bỗng vỗ trán, kêu: "Thôi chết! Mình quên hỏi tên bác tiều phu đó rồi." Trời đã tối, không tiện quay trở lại nên chàng tiếp tục đi, sau đó tìm được một quán trọ nên tạm thời ghé vào rồi sáng mai lại lên đường.

Những ngày sau đó, chàng đi thăm thú khắp vùng đó. Bỗng nhiên chàng bị thu hút bởi một mảnh đất rộng rãi, khung cảnh thoáng đãng mà lại yên tĩnh, trong bụng khoái lắm, chàng tự nhủ: “Vị trí này đất bằng phẳng, từng đàn chim bay lượn quanh chân núi, đây chắc hẳn là chỗ đất tốt rồi, nếu dựng nhà ở ngay chỗ đó thì tuyệt.”

Vậy là chàng ta quyết tâm định cư ngay tại nơi vừa tìm được. Chàng bắt đầu dựng nhà, khai khẩn đất hoang, và rồi ba năm sau thành sản nghiệp, lập ra ấp Lam Sơn. Sản nghiệp về sau càng bề thế, người người đều biết tiếng.

Còn bác tiều phụ nọ đúng như lời chàng trai đã hứa, được trả ơn rất hậu, gia đình chuyển xuống đồng bằng, ăn nên làm ra.

Chương 1: Trúc Lâm Yên Tử
Yên Sơn hay Bạch Vân Sơn, quanh năm có mây phủ. Nhìn từ xa, Bạch Vân sơn trải dài năm sáu dặm, mờ ảo như chốn bồng lai tiên cảnh không nhiễm bụi trần. Đường núi hoang sơ, gập ghềnh, muốn lên núi chỉ có duy nhất một con đường mòn dẫn thẳng tới đỉnh núi, ẩn khuất dưới những tán rừng. Nhiều chỗ đi hiểm trở không thể bước đi như bình thường mà phải dùng bằng cả hai tay.

Ấy thế mà giữa lưng chừng xuất hiện một ông lão tóc bạc như cước, râu dài rủ xuống ngực, lướt đi lên đỉnh núi như trên đất bằng vậy. Ông lão quần áo phất phơ, chân đi mỗi bước xa hơn trượng, chẳng khác gì thần tiên đi mây về gió thăm thú nhân gian. Chẳng bao lâu sau ông lão đã lên được tới đỉnh. Ông lão ngẩng đầu, ngắm nhìn ngôi chùa ở ngay trước mắt. Trong đôi mắt hổ ánh lên nỗi hoài niệm. Đã lâu rồi ông không tới đây, không biết cố nhân xưa giờ thế nào.

Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi Bạch Vân quanh năm mây mù che phủ. Chùa không quá to lớn, bờ tường đã bạc màu theo thời gian, mái ngói cũng đã hằn rõ dấu vết thời gian. Trên cổng chùa có viết ba chữ theo thể chữ Nôm: Tĩnh Tâm tự. Ông lão vừa bước vào thì hai chú tiểu từ trong chạy lại, chắp tay hành lễ hỏi:

- Xin cho hỏi thí chủ là ai, đến đây làm gì?

Ông lão không để ý đến sự vô lễ của chú tiểu, chỉ cười đáp:

- Nhờ tiểu sư phụ vào thông báo với Viên Ngộ đại sư rằng có bạn cũ là Phùng Sĩ Chu đến thăm.

- Vâng, xin thí chủ đợi một lát.

Ông lão nhân cơ hội nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, thấy cảnh vật còn đẹp hơn xưa, rừng xanh núi thẳm, thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đẽ vô cùng nên tấm tắc khen ngợi không ngớt.

"Hà hà! Ông ấy đã ra rồi!" Lão nhân hướng mắt vào bên trong. Một vị sư cụ mặc áo cà xa màu đỏ, chân mang giày cỏ, bước chậm rãi, nhẹ nhàng, nhưng vô cùng trầm ổn. Ông có lẽ đã ngoài tám mươi tuổi nhưng sắc mặt vẫn hồng hào, thần khí sảng lảng. Nhà sư sắp tới gần, chú tiểu vẫn không hề hay biết, thế mà lão nhân từ xa đã nghe được rõ ràng. Nhà sư bắt gặp lão nhân đứng đó thì hồ hởi nói:

- A di đà phật! Chào Phùng huynh, đã lâu không gặp.

- A! Con chào trụ trì ạ.

Bấy giờ chú tiểu mới sửng sốt quay người lại. Thì ra đây là trụ trì của chùa. Đại sư gật đầu khẽ khoát tay:

- Ừ! Được rồi, con đi đi!

- Vâng ạ!

Ông lão họ Phùng mừng rỡ, ánh mắt lộ rõ sự kích động thậm chí, khóe mắt đã rơm rớm lệ:

- Ha ha ha, Viên Ngộ đại sư, bao nhiêu năm không gặp, đại sư vẫn tráng kiện, mạnh khỏe như xưa.

- Phùng huynh đã quá lời rồi, lão nạp thật không dám nhận. Mời vào, mời vào.

- Mời!

Chùa Tĩnh Tâm là nơi để các cao tăng Trúc Lâm Yên Tử nghỉ ngơi và nghiên cứu kinh Phật nên không khí chùa rất yên tĩnh. Viên Ngộ đại sư và Phùng lão là bạn lâu năm, nếu không muốn nói là tri kỷ. Hai người sóng đôi bước vào trong sân chùa vừa đi vừa bàn luận rôm rả. Phùng lão theo Viên Ngộ vào đến sân chùa thì bắt gặp một nhà sư trẻ tuổi, chỉ chừng mười tám mười chín đang quét sân. Đại sư Viên Ngộ gọi chàng ta lại giới thiệu:

- Giới thiệu với Phùng huynh, đây là Vô Tướng, học trò của ta. Vô Tướng, đây là Phùng tiền bối, là bạn cũ nhiều năm của thầy.

Vô Tướng chắp tay hành lễ:

- Tiểu tăng xin ra mắt tiền bối.

- Tiểu sư phụ không cần đa lễ.

Ông lão nhẹ nhàng phẩy tay một cái. Vô Tướng cảm thấy một luồng nội lực nhu hòa mà hồn hậu ùa tới nâng chàng lên. Chàng nghĩ vị tiền bối này có ý thử võ công của mình, bèn vận kình chống đỡ, ngờ đâu trước ngực bị đè nặng, hô hấp khó khăn, hai chân như muốn khuỵu xuống. Chàng hoảng hồn, vội vàng vận kình trụ vững mới không bị ngã ngửa ra nhưng trước ngực nặng nề, mặt mũi đỏ bừng, trong lòng sợ hãi. Đại sư Viên Ngộ dĩ nhiên biết xảy ra việc gì, đại sư trừng mắt nhìn Vô Tướng khiển trách:

- Vô Tướng, con không được vô lễ, con mau xin lỗi Phùng tiền bối đi.

Vô Tướng bị sư phụ mắng, giật mình tỉnh ngộ. Chàng vội cúi đầu, thành khẩn nói:

- Cháu có mắt mà không thấy Thái Sơn, mong tiền bối không chấp nhặt mà bỏ qua cho.

Ông lão xua xua tay lắc đầu:

- Ấy, không sao đâu, là ta có lỗi trước.

Thật sự tính tình ông lão không ưa mấy cái lễ tiết này nọ, thành ra gây hiểu lầm. Ông lão liếc mắt đánh giá Vô Tướng từ trên xuống dưới hồi lâu rồi gật gù:

- Ha ha, Viên huynh quả nhiên tinh mắt, thu được một đệ tử giỏi. Tiểu sư phụ đây hai mắt lấp lánh thần quang, chính khi lẫm liệt, quả là nhân tài trăm người có một.

- Cháu tài học kém cỏi, tiền bối đã khen quá lời rồi.

Vô Tướng được khen ông lão mà sợ nên càng tỏ ra khiêm tốn. Đại sư Viên Ngộ biết có nói gì nữa thì đều chỉ tô vẽ thêm đuôi, bèn sai chàng pha nước mời ông lão. Phùng lão nhìn quanh nhìn quất, chợt thấy có một bộ cờ đặt ở trong góc tường thì máu mê cờ nổi lên. Ông lúc trẻ thường hay tìm những cao thủ cờ tướng mà đánh. Đại sư Viên Ngộ tinh mắt, mỉm cười, sai Vô Tướng mang lại. Đại sư vừa xếp cờ vừa nói:

- Nào, chúng ta vừa đánh cờ vừa nói chuyện, liệu Phùng huynh có cho ta cơ hội gỡ lại ván cờ ngày nào chăng?

Phùng lão nghe thế bật cười ha hả:

- Ha ha! Không ngờ chuyện đó trôi qua đã lâu mà đại sự vẫn còn nhớ rõ như vậy.

- Ha ha, lão nạp tu hành mấy chục năm mà vẫn không sao trừ bỏ được hết tham sân si, đã khiến Phùng huynh chê cười rồi.

Đại sư Viên Ngộ cầm quân trắng nên được đi trước. Vô Tướng đứng hầu một bên quan sát. Cờ tướng biến hóa muôn hình vạn trạng, lúc thì xông lên tấn công, khi thì thu về phòng thủ, rất nhịp nhàng uyển chuyển. Chàng theo dõi cuộc đánh cờ mà cứ ngỡ đang chứng kiến hai cao thủ giao đấu võ công, chiêu thức tầng tầng lớp lớp, nhờ thế mà ngộ ra được nhiều điều tâm đắc.

Ba người say mê chơi quên hết cả thời gian, chớp mắt trôi qua hơn hai canh giờ. Lúc này cờ đang vào thế giằng co. Quân đen tuy chiếm lợi về quân số nhưng lại bị quân trắng tấn công ráo riết, Pháo trắng ở vị trí thuận lợi để chuẩn bị cho nước chiếu hết tiếp theo.

"Nếu sư phụ đưa Pháo vào giữa, tất Phùng tiền bối sẽ tiến Xe chiếu tướng sư phụ bên mạn sườn trái, bắt buộc sư phụ phải lui Xe về chống. Như thế sẽ dẫn đến đấu cờ. Sư phụ tuy ăn được Xe và Mã của tiền bối nhưng ngược lại thế công hoàn hảo sư phụ khổ công dựng nên bị phá vỡ gần như hoàn toàn. Kết cuộc vẫn không có người nào chiếm lợi thế." Vô Tướng tư chất thông tuệ, đã nhanh chóng hiểu được cục diện.

Quả nhiên đại sư Viên Ngộ nhấc Pháo trắng định đi. Không phải đại sư không biết nước cờ này nhưng đây là nước đi tốt nhất trong lúc này.

Đột nhiên chú tiểu quét sân chạy vào, vừa thở hổn hển vừa nói:

- Đại sư, có chuyện lớn... có chuyện lớn xảy ra rồi.

Đại sư đặt quân Pháo xuống vị trí cũ, ngẩng đầu lên hỏi:

- Chuyện gì mà con có vẻ hoảng hốt vậy?

Chú tiểu hít sâu một hơi rồi đáp:

- Lính Ngô... lính Ngô không hiểu vì nguyên nhân gì mà kéo đến đây quấy rối, hiện tại sư huynh Vô Ngã đang đánh nhau với bọn chúng dưới chùa Vân Yên ạ.

- Ồ! Thật sao?

Đại sư Viên Ngộ và ông lão nhìn nhau, việc này rõ ràng chẳng bình thường chút nào.

- Phùng huynh, có lẽ chúng ta tạm dừng, xuống đó xem thế nào.

- Đúng thế, việc chùa quan trọng hơn, chúng ta mau đi thôi.

Đại sư Viên Ngộ và ông lão bèn thi triển khinh công chạy vùn vụt xuống dưới. Theo sau đó khá xa là Vô Tướng và chú tiểu.

Khi Đại sư Viên Ngộ tới nơi thì thấy một nhà sư áo xám đang giao đấu với một viên tướng quân Ngô. Nhà sư tự là Vô Ngã, khoảng hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi, là sư huynh của Vô Tướng. Vô Ngã nhập môn trước Vô Tướng năm năm, nhưng vì tư chất hơi kém nên võ công chỉ bình bình. Vô Ngã có nguy cơ sắp thua rồi.

Chương 2: Biến cố trên núi Yên
Tên tướng hét lớn, hai tay tung liên tiếp ba quyền đều trúng ngực Vô Ngã. Sư hộc máu loạng choạng lùi về bốn năm bước, đứng dựa vào cột gỗ. Đối phương mừng rỡ thừa cơ xông tới. Đại sư Viên Ngộ thấy vậy, phóng vù tới đứng chắn giữa Vô Ngã và y. Tay phải đại sư gạt chưởng của y, tay kia phất nhẹ, đẩy bay ngược lại. Y cố gắng gượng nhưng chưởng lực của đại sư hùng hồn vô cùng, chân lảo đảo không vững, vội vàng nhún chân phải, tung mình nhảy vọt về sau hơn một trượng, rớt xuống đất rồi mà chưởng lực vẫn chưa tiêu giải khiến y lật đật lùi thêm bảy tám bước nữa mới dừng lại. Trong lòng sợ hãi, thầm nhủ: “Kình lực lão sư già đó dài thật, mình đã lùi hai trượng rồi mà vẫn còn khó thở, nếu lão già đó thật sự động thủ thì tiêu mạng còn gì.”

Sự xuất hiện đột ngột của đại sư Viên Ngộ làm quân Ngô im bặt, còn nhà chùa ai nấy lộ vẻ vui mừng, mặt mày tươi tỉnh hẳn. Đại sư chắp tay hành lễ, chậm rãi nói:

- A di đà phật! Các vị tướng quân đến viếng cảnh chùa, nếu chúng tôi đón tiếp có gì không tốt, các vị cứ nói, cớ sao quấy động can qua, phá hỏng sự thanh tịnh của chùa như vậy.

- Ồ! Không phải đâu, đại sư hiểu lầm rồi.

Một người chừng ba mươi lăm ba mươi sáu tuổi từ phía sau bước ra. Viên tướng nọ thấy tức thì biến sắc, lui ra sau y. Qua bộ quần áo y mặc trên người lẫn thái độ của tên tướng kia, dễ dàng đoán được y là chỉ huy của đám quân Ngô này. Y ôm quyền tiếp tục nói:

- Bản tướng là Từ Phong, một viên tướng nhỏ của Đại Minh.

“Từ Phong? Từ Đạt đưa hắn tới đây làm gì?” Phùng lão nhíu mày suy nghĩ. Ông kiến thức rộng rãi, nhận ra ngay tên tướng, có lẽ ngoài ông ra ở đây không có ai biết được thân phận thật sự của tên Từ Phong này.

Đại sư Viên Ngộ tiếp lời tên tướng:

- Ra là Từ tướng quân. Tướng quân nói hiểu lầm là nghĩa làm sao?

- Vừa rồi thuộc hạ của bản tướng chỉ đang đàm đạo võ học với vị sư phụ kia, không ngờ đã làm kinh động đến quý tự, thất kính, thất kính.

Từ Phong vừa nói xong thì các nhà sư trong chùa đều lên tiếng phản bác. Đại sư Viên Ngộ kinh ngạc hỏi:

- Đàm đạo võ học ư? Xin tướng quân đừng đùa với lão nạp như vậy.

Từ Phong lắc đầu nói:

- Bản tướng không hề có ý đùa giỡn chút nào! Bản tướng vốn hiếu võ, có duyên bái một cao nhân làm sư phụ, học được chút ít ngón nghề, lại nghe danh võ công Trúc Lâm cao thâm, huyền diệu từ lâu nên tại hạ muốn đến đây để đàm đạo mà thôi.

Tiếng là đàm đạo võ học nhưng hàm ý bên trong thì ai cũng hiểu, chúng đến để khiêu chiến và điều tra sức mạnh lực lượng của Đại Việt đấy thôi. Đại sư Viên Ngộ trụ trì Trúc Lâm Yên Tử bao nhiêu năm, có gì chưa trải qua chứ, đại sư vẫn bình tĩnh đối đáp:

- A di đà phật! Thứ lỗi cho lão nạp nói thẳng, Trúc Lâm từ đời sư tổ truyền đến nay luôn là nơi tu hành, giảng Phật pháp. Bản chùa luyện võ cốt chỉ để cuờng thân kiện thể chứ không đem ra thi thố hay tranh đấu gì cả. Đất nước chúng tôi vẫn còn nhiều nơi võ công cao siêu hơn, tướng quân có thể tìm đến nơi đó thỉnh giáo. Còn nếu tướng quân có nhã hứng với Phật pháp, lão nạp sẽ đích thân giảng cho tướng quân, âu cũng khỏi phải mất công vô ích.

Lời nói của đại sư uyển chuyển nhẹ nhàng nhưng hàm ý nặng tựa Thái Sơn, chẳng những từ chối một cách khéo léo mà còn thể hiện ra ý uy hiếp kẻ địch.

Từ Phong lửa giận bùng lên. Y thân là một tướng quân mà lại bảo y đi nghe giảng Phật pháp... đây rõ là đang cười vào mặt y. Y cười nhạt:

- Đại sư thật khiêm tốn quá, khi nãy tại hạ chứng kiến tài nghệ đại sư, quả nhiên được mở rộng tầm mắt.

Đại sư Viên Ngộ vẫn lắc đầu từ chối:

- A di đà phật! Lão nạp trước giờ chỉ biết tụng kinh niệm phật, võ công chỉ là phụ, chút võ công đó chỉ không có gì đáng nói!.

- Đại sư cứ mãi từ chối như vậy, không lẽ Trúc Lâm Yên Tử chỉ là hư danh, thật làm bản tướng thất vọng.

- A di đà Phật!...

Đại sư Viên Ngộ lòng bình lặng như mặt hồ, không hề ảnh hưởng bởi kế khích tướng của Từ Phong, nhưng Vô Tướng tuổi trẻ nóng nảy, bồng bột chứng kiến Từ Phong. buông lời khinh nhờn, chàng không kìm được chạy ra, quỳ trước mặt đại sư nói:

- Thưa thầy! Vì thanh danh của chùa, con thiết nghĩ chúng ta nên nhận lời Từ tướng quân ạ.

Từ Phong nhân cơ hội hùa theo:

- Vị tiểu sư phụ này nói đúng đấy, danh dự là vô cùng quan trọng, cần phải gìn giữ, huống chi chúng ta chỉ là đàm đạo võ học mà thôi, sẽ không có chuyện gì đâu.

Đại sư Viên Ngộ ngồi trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng gật đầu:

- A di đà phật! Xin tướng quân đừng nặng lời. Được rồi, nếu như tướng quân nhất quyết muốn tỉ thí, lão nạp chỉ còn cách nhận lời. Chi bằng thế này, chúng ta mỗi bên cử ra một người, một trận phận định thắng thua. Tướng quân thấy sao?

Từ Phong gật đầu đáp:

- Đại sư nói rất hợp ý của bản tướng.

Đại sư Viên Ngộ tiếp lời:

- A di đà phật! Vậy thì tốt lắm, chẳng hay bên tướng quân sẽ cử ai?

- Bản tướng chỉ mới học võ vẽ vài chiêu, tuy rằng không được đứng trong hàng cao thủ nhưng vẫn muốn được thỉnh giáo thần công của đại sư.

Tất cả sư tăng trong chùa ngoảnh nhìn sang đại sư Viên Ngộ. Lâu nay ai cũng biết đại sư võ công thông thần nhưng chưa được chứng kiến tận mắt, nên lúc này mọi sự chú ý đều đổ dồn vào đại sư. Đại sư nhất thời im lặng. Giữa lúc đại sư phân vân thì Vô Tướng chắp tay quỳ xuống nói:

- Sư phụ! Con xin phép người cho con thay người hầu tiếp vị tướng quân ạ.

Đại sư xua xua tay đáp:

- Sao có thể chứ, con học nghệ chưa tinh mà tướng quân võ công siêu quần, không hay đâu.

- Thưa thầy, người đã cao tuổi, sức khỏe cũng không còn được như xưa, hơn nữa, thầy lại là trụ trì của Trúc Lâm Yên Tử, không tiện cho việc này, người cứ để con ạ, dù con có thua cũng chẳng sao cả.

Đại sư lưỡng lự hồi lâu rồi đáp:

- Ừm, để ta hỏi tướng quân trước. A di đà phật! Tướng quân chắc đã nghe thấy hết rồi, không biết ý của tướng quân thế nào?

"Nếu ta đồng ý đấu, đánh thắng thì mang tiếng ỷ mạnh hiếp yếu chẳng vẻ vang gì, mà nếu từ chối chả hóa ra ta sợ hãi một thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch ư? Giỏi cho hai thầy trò nhà ngươi, dám dùng kế lừa ta, rất giỏi." Tên tướng quên bất ngờ vì bị dụ vào tròng. Trên chiến trường hắn tài nhưng đấu trí vẫn còn thua đại sư Viên Ngộ xa lắm. Y nén giận:

- Cũng được, vị tiểu sư phụ này tuổi nhỏ tài cao, bản tướng rất muốn được thưởng thức

- A di đà phật! Cám ơn tướng quân đã thông cảm cho lão nạp. Đây là nơi cảnh Phật thanh tịnh, trong lúc tỉ thí phân lấy thắng thua là đủ, xin tướng quân không nên động sát giới kẻo làm ảnh hưởng đến hòa khí giữa hai nước.

- Bản tướng biết dừng đúng lúc, đại sư yên tâm.

Đại sư Viên Ngộ quan sang chỉ bảo Vô Tướng:

- Con nghe ta dặn đây, bảo vệ bản thân cho tốt, nhưng cần phải nhớ câu dĩ hòa vi quý, nhất định không được tổn hại tướng quân, rõ chưa.

- Vâng! Con biết rồi ạ!

"Hừ! Nói móc ta hả! Cứ đợi đấy!" Từ Phong giận dữ, trong lòng thầm nghĩ cách hãm hại Vô Tướng.

Vô Tướng bước tới đứng đối diện với Từ Phong, chắp tay nói:

- A di đà phật! Tiểu tăng thực học kém cỏi, mong tướng quân nương tay.

Từ Phong cười khẩy:

- Ha ha ha, vị tiểu sư phụ này xin cho biết cao danh quý tính? Giữ chức vụ gì trong chùa? Ta không muốn đấu với một kẻ vô danh.

- A di đà phật! Tiểu tăng chỉ là một nhà sư bình thường trong chùa, không dám nhận bốn chữ cao danh quý tính. Tên tiểu tăng đơn giản hai từ... Vô Tướng.

Từ Phong rút ra một thanh đao sáng loáng, vô cùng sắc bén khiến kẻ khác nhìn vào mà cảm thấy rùng mình:

- Ra là Vô Tướng sư phụ! Bản tướng dùng đao pháp, còn tiểu sư phụ sử dụng binh khí gì?

- Tiểu tăng sẽ đem sở trường là côn pháp ra tiếp tướng quân.

- Sư đệ, cầm lấy này.

Một nhà sư khác ném cho Vô Tướng thanh côn gỗ dài sáu thước, màu vàng hai đầu bọc sắt.

- Cám ơn sư huynh.

Vô Tướng tiếp lấy rồi cầm thẳng đứng thanh côn trên đất, tay kia để trước ngực rồi nói:

- Xin mời tướng quân.

Chương 3: Tỷ thí tại chùa Vân Tiêu
Từ Phong vọt người tới rồi bổ mạnh thanh đao xuống. Y muốn kiểm tra trình độ võ công của Vô Tướng nên dùng chiêu đơn giản.

Vô Tướng bỗng nhớ tới thế cờ ban nãy, thấy cũng giống thế này, bèn lướt bàn chân lướt sang bên phải, thân mình thuận thế nghiêng về bên trái, kế tiếp tung quyền đấm vào eo đối phương, đồng thời dựng côn đứng thẳng trước ngực để bảo vệ.

Từ Phong trúng phải một quyền vào eo, biết được nội lực đối phương thâm hậu, hơn xa tên thuộc hạ khi nãy. Y dù tức giận nhưng thấy cách thức Vô Tướng sử dụng chiêu thức, kình lực hùng hồn, thân pháp trầm ổn không có chỗ sơ hở để phản công, bất giác y buột miệng khen: “hảo”

"Côn quyền phối hợp rất nhuyễn, đáng khen cho tiểu sư phụ." Phùng lão cũng gật gù đầu tỏ vẻ hài lòng.

Từ Phong đánh thêm bốn chiêu nữa đều bị Vô Tướng hóa giải. Y thấy không chiếm được lợi thế, nên nhảy lùi về chỗ cũ, lúc lắc cổ, bẻ khớp tay khớp chân rôm rốp, giả bộ nói:

- Tiểu sư phụ giỏi lắm, nhưng ban nãy ta chỉ khởi động mà thôi, giờ mới chính thức bắt đầu đây, tiếp chiêu.

Y vung đao tiếp tục tấn công như bão táp mưa sa, trong từng chiêu thức ẩn chứa uy lực mạnh mẽ. Côn pháp Vô Tướng sử dụng thì nhanh nhẹn, uyển chuyển, liên tục xuất hiện những động tác tránh né linh hoạt và đặc biệt là các chiêu thức đánh ở tầm thấp tấn công hạ bàn đối phương, mỗi lần đều khiến tên tướng quân vất vả.

Đây chính là những điểm khác biệt nhất giữa vô công Đại Việt và võ Trung Hoa.

Võ công Trung Hoa rất ít các thế tránh né, phần lớn là ra đòn liên tiếp, công kích đối phương không ngừng. Ngoài ra, các chiêu đánh tầm thấp thì không phải không có nhưng thấp đến áp sát mặt đất thì cực kỳ hiếm thấy, hầu hết là sử dụng trong cước pháp hay thương pháp.

Võ Việt thì ngược lại, bất kể môn võ nào, chưởng, quyền hay đao kiếm,... tay có hay không có binh khí, các thế tránh né và đòn đánh tầm thấp sát đất luôn chiếm tỷ lệ lớn. Điều này có thể do thể trạng, thân hình người Việt thấp bé, lại luôn luôn phải đối đầu với kẻ thù cao to hơn mình rất nhiều nên phải tìm cách biến sở đoản thành sở trường, sáng tạo ra những chiêu thức lợi hại, hạ gục kẻ thù một cách nhanh chóng.

Cuộc tỷ võ càng lúc càng gay cấn, các nhà sư đứng bên ngoài ngạc nhiên quay sang bàn tán với nhau:

- Chà, Bạch Viên Côn Pháp sư đệ thi triển tuyệt quá, ta là sư huynh mà tự thẹn không bằng!

- Đúng vậy, sư đệ giỏi quá!

- Đúng! Sư đệ cố lên!

Các sư tăng trong chùa không ngừng cổ vũ cho Vô Tướng.

Bạch Viên Côn Pháp tương truyền do sư tổ Trúc Lâm Yên Tử là Điều Ngự Giác Hoàng sáng tạo ra mấy mươi năm về trước. Trong một lần quay lên Yên Sơn sau khi vân du tứ hải, ngài bắt gặp một con vượn trắng, tay cầm cành cây nhảy nhót khắp nơi, lúc dùng nó để hái quả trên cao, lúc thì vung vẩy múa may, lúc lại lấy cành đập vào thân cây, không thì lại đâp xuống đất, nhảy nhót rất linh động. Ngài thấy là lạ nên quan sát kỹ con vượn. Sau đó ngài về thiền viên, suy ngẫm một ngày một đêm, bỗng có sở ngộ nên đã sáng tạo nên bộ côn pháp đó.

Bộ côn pháp là môn võ căn bản của Trúc Lâm Yên Tử, nhà sư nào cũng luyện, cũng biết nhưng ngoại trừ các bậc cao tăng võ công siêu phàm thì chẳng mấy ai luyện nó đến cảnh giới cao như Vô Tướng. Đáng tiếc, chàng ta đang dần bị Từ Phong dồn ép. Chợt Vô Ngã chỉ tay hô:

- Ô kìa! Sao sư đệ bỗng dưng lại thu chiêu vậy?

Có người nhìn kỹ cũng gật đầu tán đồng:

- Ừ, lạ quá, sư đệ chiêu nào cũng đánh ra nửa vời là thu lại, chả hiểu sư đệ đang nghĩ gì nữa.

"Tiểu sư phụ này vốn có thiện tâm, không ra sát chiêu nên bỏ lỡ nhiều cơ hội giành chiến thắng, xem ra lão phải giúp một tay." Phùng lão quan sát trận đấu mà trong lòng bực bội. Lão bèn kẹp một viên đá vào giữa ngón tay cái và ngón tay giữa, vận kình, búng vút đi, thế nhưng viên đá đang bay nửa đường bỗng nhiên vỡ vụn.

Ông liếc sang đại sư Viên Ngộ. "Đại sư, sao đại sư lại làm thế?" Lão biết đại sư đã ngăn cản vì ở đây, chẳng ai đủ khá năng phá tuyệt kỹ Càn Khôn Chỉ của lão.

"Ai di đà phật! Đây là chuyện riêng của chùa, lão nạp xin Phùng huynh đứng ngoài cuộc xem là được rồi."

"Nhưng mà..."

"Xin Phùng huynh chấp nhận cho."

Đại sư Viên Ngộ và Phùng lão võ công thần diệu, dùng phép Truyền Âm Nhập Mật nói với nhau mà không hề mở miệng, trong khi mắt vẫn theo dõi Vô Tướng như các nhà sư khác. Phép này đương thời hiếm người nắm rõ, huống chi muốn luyện thành phải khổ công tu tập nhiều năm.

Trong sân chùa, Vô Tướng và Từ Phong đã giao đấu ngoài trăm chiêu. Đấu mãi vẫn không thắng được, tên tướng quân bắt đầu sốt ruột. Y không nghĩ chỉ với một thiếu niên mà đã khiến y tốn sức đến vậy.

- Tiểu sư phụ hãy tiếp Hoành Đao Thất Thức của bản tướng!

Y gầm lớn một câu, vung đao chém ngang bổ dọc. Chiêu thức đơn giản, không hoa mĩ nhưng đao pháp nhanh như ánh chớp mà uy lực thì cực kỳ mãnh liệt. Vô Tướng chống đỡ vất vả, dần dần lâm vào thế nguy hiểm, mỗi lần chàng nhảy ra thì y lại áp tới như hình với bóng. Khuôn mặt của tất cả sư tăng trong chùa hiện rõ sự lo lắng, sợ hãi.

"Hoành Đao Thất Thức ư? Tiểu sư phụ lần này gặp hạn rồi." Lão nhân cau mày, hình như ông lão biết môn võ công đó.

Xét về chiêu thức và nội công, Vô Tướng vốn không kém Từ Phong là bao, nhưng kinh nghiệm giao đấu thì rõ ràng thua xa. Vô Tướng chưa một lần rời khỏi chùa, há sao bì kịp được với Từ Phong chinh chiến nhiều năm, dày dạn kinh nghiệm trận mạc.

Vô Tướng giậm chân phải lại đề khí nhảy vọt về sau một trượng, Từ Phong lại ập tới. Đao chém từ trên bên phải chéo xuống dưới bên trái, gió từ đao phả ra lạnh toát. Vô Tướng thầm nghĩ: “nếu còn tránh nữa sẽ mất mạng, dù võ công có kém hơn vị tướng quân nọ vẫn phải đánh trả.” Chàng đánh côn ngược từ dưới cản lại, ai nấy hồi hộp theo dõi chăm chú không chớp mắt. Thời gian như ngừng lại.

Từ Phong cười nhạt, y đã thi triển võ công mạnh nhất nhì của mình, há có thể dễ dàng ngăn cản.

Thanh đao đập vào côn bật ra âm thanh chát chúa. Bất quá côn không những không gãy đôi mà thanh đao còn bị dội ngược trở lại, thì ra đao đập trúng ngay đầu bịt sắt của thanh côn. Các nhà sư vui mừng hò reo đầy vui sướng, ngược lại, Vô Tướng cảm giác hổ khẩu nhức nhối, toác cả da thịt nhưng chàng vẫn cố sức giữ chặt thanh côn.

Chiêu đầu thất bại, sắc mặt Từ Phong khó coi, y thốt lên:

- Ái chà, đánh chuẩn lắm, nhưng ta vẫn chưa hết chiêu đâu.

Y lộn một vòng giữa không trung, chân vừa chạm đất, y đâm mạnh thanh đao tới trước, gió từ thanh đao tỏa ra lạnh toát, theo ngay sau là một chưởng nữa. Đao chưởng liền nhau, kín kẽ chẳng hề có sơ hở. Nếu Vô Tướng tránh đao, tất sẽ trúng chưởng.

Chàng hết cách, bèn vung côn gạt đao, đồng thời tay trái vung tay trái nửa vòng tròn phát chưởng nghênh tiếp. Thoạt tưởng côn là chính, nhưng chưởng cũng lợi hại chả kém, chưởng lực bao trùm cả một trượng, Chiêu thức này đầy mạnh mẽ mà cũng khéo léo cực kỳ.

Song chưởng đụng nhau, Vô Tướng chấn động toàn thân, loạng choạng lùi về năm bước, đồng thời tay phải trúng đại đao, hổ khẩu nhức nhối nên đánh rơi côn.

"Khá lắm! Tiểu sư phụ luyện Hoàng Giác Thần Công đã có hỏa hầu." Lão nhân thầm gật gù tán thưởng.

Tên tướng quân bị thương nhẹ hơn Vô Tướng, y chỉ rùng mình, có điều tay cầm đao ngâm ngẩm đau, không thể nâng nổi nó nên tay còn lại đưa sang cầm phụ sức. Y xoay hông, hai tay cùng cầm thanh đao dùng sống đao chém vào chiếc lư đồng lớn ở gần sát mình. Chiếc lư đồng bay vù tới Vô Tướng. Chưởng này có phương pháp vận kình, phát lực cực kỳ độc đáo, y may mắn luyện được, hôm nay bất đắc dĩ phải đem ra sử dụng.

Vô Tướng chưa kịp hoàn hồn, thấy chiếc lư ngay trước mắt tinh thần hoảng hốt, vội vàng giơ song thủ ra đỡ. Đáng tiếc lư đồng xoáy rất mạnh nên chỉ trúng mặt bên của nó, thành ra chỉ cộng thêm lực vào làm nó đổi hướng bay thẳng về đại sư Viên Ngộ. Đây mới là mục đích chính của Từ Phong.

Đại sư bình tĩnh, một chưởng đặt sau lưng chiếc lư, tay kia chụp lấy vành nhẹ nhàng nâng lên rồi để xuống lại không một tiếng động.

- A di đà phật! Xin thí chủ đừng xúc động như vậy! Võ công tập luyện chủ yếu để tăng cường sức khỏe, tránh sát thương người. Thí chủ là khách phương xa tới chơi bản tự, có lòng hướng đạo học võ, cũng đã đấu với Vô Tướng một hồi rồi... Hiện tại xem ra là không phân thắng bại, cũng nên ngừng thôi, tránh để cho đao kiếm vô tình làm tổn thương tới hòa khí.

Vô Tướng Đại sư Viên Ngộ đã nói vậy, Từ Phong cũng không tiếp tục tỷ thí nữa. Vô Tướng chống được hai chiêu Hoành Đao của y thì võ công chẳng hề tầm thường, huống chi đại sư chỉ vung tay nhẹ nhàng mà dễ dàng hóa giải độc chiêu của y, có đấu thêm cũng chỉ mất mặt, tự chuốc lấy nhục mà thôi. Y hai tay ôm quyền nói:

- Đại sư đã mở lời, bản tướng sẽ nghe theo. Hôm nay bản tướng lĩnh giáo võ công Đại Việt, bản tướng đã được mở rộng tầm mắt. bản tướng xin được cáo biệt ở đây, ngày sau sẽ còn gặp lại.

Nói đến đây Từ Phong ra lệnh cho đám binh lính rút lui, không một tiếng kèn, tiếng trống. Đám quan quân lính Ngô xuống núi một cách khẩn trương trong lặng lẽ, khác hẳn vẻ hung hăng, ầm ĩ lúc mới đến. Trong đầu Từ Phong cứ nghĩ luẩn quẩn về trận đấu với Vô Tướng, về võ công siêu phàm của đại sư Viên Ngộ. Có lẽ đã quá xem thường mảnh đất Đại Việt nhỏ bé này.

Đáng tiếc y không biết người dân Đại Việt có câu "Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!", nếu không y cũng sẽ không quay về trong hoàn cảnh mất mặt như vậy.

Mọi sư tăng của chùa vui mừng, tất cả ùa đến tung hô Vô Tướng vang như sấm dậy, duy chỉ có đại sư Viên Ngộ không vui. Vô Ngã thấy vậy bèn hỏi đại sư:

- Sư phụ, lính Ngô thất bại bỏ đi, đáng lẽ nên vui, tại sao người có vẻ lo lắng vậy ạ?

Đại sư thở dài đáp:

- A di đà phật! Hôm nay quân Ngô thất bại, bọn chúng nhất định ghi hận, rồi một ngày nào đó sẽ quay lại báo thù, đến lúc đấy, phong ba nổi lên, người vô tội khổ cực, thử hỏi sao ta không thể không lo lắng đây.

- Đại sư nói đúng lắm, đây cũng là điều lão đang lo lắng.

Phùng lão nhân đồng ý với suy nghĩ của đại sư.

- A di đà phật! Được rồi, mọi người giải tán thôi, không nên làm ồn nữa.

- Dạ vâng.

Thế là các nhà sư kéo nhau rời khỏi trả lại sự yên tĩnh cho chùa Vân Yên. Đại sư Viên Ngộ nói với Phùng lão:

- Trời đã sắp tối rồi, lão nạp nghĩ Phùng huynh đừng vội xuống núi mà ở lại cùng lão nạp dùng bữa cơm chay, nghỉ một đêm, mai hãy khởi hành.

Phùng lão cũng có ý muốn ở lại, nhưng không tiện lộ ra, nay đại sư chủ động mở lời nên Phùng lão gật đầu đáp:

- Nếu đại sư đã mời, lão từ chối thì thật thất lễ, đêm nay đành phiền đại sư vậy.

- Có gì đâu, có gì đâu, xin mời Phùng huynh.

Hai người trở về chùa Tĩnh Tâm, ván cờ còn dang dở, hai người chơi tiếp tới khi Vô Tướng bắt đầu dọn đồ ra thì mới dừng lại.

*Chú thích:
- Lời đối thoại giữa hai người trở lên mình để sau dấu "-"
- Lời độc thoại (nội tâm) trong dấu nháy kép ("")

Đợn vị trong truyện:
- Một trượng xưa = khoảng 3,3 - 4m

Chương 4: Thiên tượng
Bạn bè nhiều năm không gặp, tất có nhiều điều để nói, cho nên sau bữa ăn, hai người còn tán gẫu rất lâu. Người già thường hoài niệm về những ký ức xa xưa, thuở mà hai ông lão còn xông pha, ra sức giúp triều đình với trái tim bừng bừng nhiệt huyết của tuổi thanh niên. Phùng lão đang trò chuyện bỗng dỏng tay lên lắng nghe:

- Lão nghe có tiếng hô, là ai tập võ lúc này à?

Đại sư Viên Ngộ đáp:

- À, là Vô Tướng đấy, thằng bé rất mê tập võ, hễ rảnh rỗi không có việc gì làm là đi luyện công, luyện tới quên cả thời gian.

Phùng lão tấm tắc khen ngợi:

- Thảo nào Hoàng Giác Thần Công của Vô Tướng đạt đến cảnh giới cao như vậy. Đúng là có thầy giỏi tất sẽ có trò giỏi.

Phùng lão vừa vui vẻ đó lại buồn bã ngay, ông lắc đầu than thở:

- Chẳng bù với tôi, gần hết đời người rồi mà vẫn chưa thu được một học trò nào để truyền thụ, đáng buồn thay.

Đại sư Viên Ngộ cười tủm tỉm an ủi:

- Đó là do Phùng huynh chưa gặp người có duyên mà thôi.

- Dù gặp kẻ hữu duyên chỉ e tư chất khó mà bằng được như Vô Tướng.

Phùng lão ngẩng đầu lên nhìn trời, thở dài cảm thán. Con mắt sắc sảo phản chiếu lại ánh sáng của tinh tú trên trời cao.

Trời hôm nay đẹp lạ thường, dải ngân hà vắt ngang rực rỡ đầy màu sắc. Mấy chú tiểu lẫn nhà sư nhỏ tuổi trong chùa tụ tập trên sân chỉ trỏ lên bầu trời, bàn tán to nhỏ với nhau vô cùng thích thú:

- Nhìn kìa, nhìn kìa, sao trên trời hôm nay đẹp thật, sáng quá đi mất.

Một trong hai chú tiểu ngăn Phùng lão hôm nay ở ngoài cửa chùa, chỉ tay vào một đám sao lung linh nói lớn:

- Ừ, cũng kỳ lạ nữa! Ồ, mọi người xem, lại xuất hiện ngôi sao mới nữa, sáng rực luôn

Đại sư Viên Ngộ và Phùng lão nhìn nhau mỉm cười. Khung cảnh yên bình làm cho tâm hồn thanh thản. Cả hai ông lão cùng ngẩng đầu lên quan sát, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên.

Đột nhiên, nét mặt Phùng lão dần trở nên cứng lại, ánh mắt đăm chiêu nhìn chằm chằm lên các vì sao, mà đại sư Viên Ngộ ở bên cạnh cũng biểu hiện tương tự.

Đích thực đúng như lời chú tiểu kia nói, ngôi sao màu tím chính giữa bầu trời trước nay vẫn luôn sáng nhất thì tối hôm nay bỗng nhiên mờ đi, thay vào đó là ngôi sao xanh gần bên bỗng nhiên phát sáng rực rỡ. Ngoài ra, một ngôi sao bất chợt xuất hiện ở phương Nam cũng tỏa sáng mạnh mẽ chảng kém gì ngôi sao xanh đó. Hơn nữa, xung quanh nó còn có thêm mười tám cái khác, khiến nó trở nên nổi bật hơn cả.

“Trên trời có thiên tượng lạ, ắt dưới đất có chuyện.” Phùng lão thông hiểu thiên văn, am tường địa lý, quan sát các vì sao mà đoán sự đời.

Trời không có gió nhưng quần áo của Phùng lão tự dưng bay phần phần, ống tay căng phồng, hiển nhiên nó chứa đầy nội lực. Phùng lão đang thi triển thần thông, hai mằt sáng rực, cát bụi dưới chân ông xếp thành một vòng tròn bao quanh bàn chân và quay theo chiều từ phải sang trái, rồi sau đó là những chiếc lá rụng trên sân chùa. Phùng lão chỉ đứng im một chỗ mà khiến cho mọi vật chuyển động theo ý mình, võ công của lão đã đạt cảnh giới không thể đo lường được.

“A! Chuyện gì đang xảy ra vậy, thế này... thế này là sao?” Phùng lão trợn tròn hai mắt kinh ngạc khi nhìn thấy khung cảnh hiện ra trước mặt.

Ông nhìn thấy ba luồng long khí có màu sắc khác nhau cùng hiện trên bầu trời, một màu tím, một màu xanh lam và một màu vàng. Con rồng tím (tử long) lớn bao bọc ngôi sao tím trước đây vốn rất to giờ đã nhỏ đi rất nhiều, thay vào đó là đồng thời ở hai ngôi sao màu xanh và màu vàng lại xuất hiện hai con rồng khác. Con rồng xanh (thanh long) bé hơn một chút, nó nhe nanh múa vuốt nhăm nhe tấn công tử long, tiếc rằng sức lực chưa đủ nên vẫn bị tử long trấn áp. Còn con rồng vàng (kim long) thì nhỏ nhất và yếu nhất và đang ở trạng thái ngủ yên. Tử long và thanh long cách khá xa kim long nên kim long không bị uy hiếp bởi chúng. Nó đang không ngừng phát triển lớn dần lên.

“Long khí bị phân tán làm ba, sắp xảy ra việc động trời.” Trong lòng Phùng lão chấn động. Long khí thể hiện cho vận mệnh của một quốc gia. Xưa nay mỗi lần long khí có sự đột biến là lại xảy ra nạn binh đao, máu lửa.

“Long khí chia ba, lẽ nào không thể tránh được nạn can qua ư?” Phùng lão bấm đốt ngón tay thầm tính toán rồi khẽ lắc đầu.

- Ai di đà phật! Thiện tai! Thiên tai! Vậy là lại sắp có trường hạo kiếp ập xuống đầu người dân vô tội rồi.

Đại sư Viên Ngộ niệm kinh, tâm trạng đại sư rất buồn bã, giống như Phùng lão.

Phùng lão quay sang đùa một câu:

- Lão không biết là đại sư cũng hiểu chút đạo thuật nhỏ nhoi này đấy.

Đại sư mỉm cười đáp:

- Từ sau khi lão nạp thấu hiểu được Hoàng Giác Chân Kinh do tổ sư truyền lại thì lão nạp có học được chút ít, trước mặt Phùng huynh khác gì múa rìu qua mắt thợ, chẳng đáng để nhắc tới.

- Ha ha, đại sư quá khiêm tốn rồi.

- Ai di đà phật! Phùng huynh nhận định thế nào về điều kỳ lạ này?

Đại sư Viên Ngộ hỏi Phùng lão về thiên tượng. Phùng lão không trả lời ngay mà trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi mới nói:

- Hiện tại lão thấy ý trời vẫn chưa rõ ràng, có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa hẵng tính.

Đại sư dường như cảm giác được Phùng lão đang e ngại điều gì đó nên hỏi tiếp:

- Lão nạp chỉ sợ rằng chưa đến lúc đó mà điềm xấu đã xảy ra, bách tính lâm vào cảnh lầm than thôi, bấy giờ Phùng huynh tính sao?

Phùng lão thở dài:

- Lão hiểu đại sư muốn nói gì, nhưng nếu số trời đã định thế thì đâu thể tránh khỏi, đúng không?

- Phùng huynh, huynh có đạo thuật phi thường, thử nghĩ cách hóa giải xem.

Phùng lão gật đầu:

- Cách đương nhiên lão sẽ nghĩ, có điều lão vẫn chưa nắm bắt được hết thiên ý nên tạm thời... không có cách nào vẹn toàn, đành đi bước nào hay bước ấy.

Dứt lời, Phùng lão chắp tay sau lưng, ngước mặt nhìn trời, trầm tư nghĩ ngợi. “Sư đệ à, đệ sẽ xử lý chuyện này ra sao?” Phùng lão bất giác nhớ tới một cố nhân từ rất lâu. “Hoàng thượng nhất định sẽ phát hiện có điều bất thường, ngài sẽ đến hỏi đệ thôi. Đệ sẽ trả lời ngài ra sao? Ôi chao! Sao ta thấy bất an quá!”

Suy nghĩ của Phùng lão lại miên man ngược dòng thời gian quay về dĩ vãng, quá khứ năm xưa như một thước phim quay chậm dần dần hiện ra trong mắt lão. Đại sư Viên Ngộ thấy ông không nói nữa thì cũng lặng im đứng đó. Hai người nhất thời rơi vào trầm mặc... Mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng.

Vô Tướng luyện công xong, trở lại, bắt gặp hai lão tiền bối đứng lặng như tờ, chàng tò mò hỏi:

- Thầy, Phùng tiền bối, tại sao hai người có vẻ căng thẳng vậy ạ? Có chuyện gì không tốt sao ạ?

Giọng nói của Vô Tướng cắt dứt dòng suy nghĩ, kéo hai ông lão quay về thực tại. Đại sư Viên Ngô không muốn cho Vô Tướng biết trên trời có thiên tượng xấu nên lảng sang việc khác:

- Không có gì đâu, ta và Phùng tiền bối đang nhớ lại trận tỷ thí chiều nay thôi.

Phùng lão hiểu ý đại sư, gật đầu nói theo:

- Đúng thế! Chúng ta bàn về trận tỉ thí đó!

Vô Tướng đâu thể suy nghĩ sâu xa như hai ông lão nên chàng cười nói:

- Thầy đừng quá lo lắng, hôm nay bọn chúng bị một trận mất mặt phải bỏ đi, chắc chắn chúng không dám quay lại đây nữa đâu ạ.

- Ta cũng mong là được như thế.

Tiếng nói của đại sư Viên Ngộ nhẹ đến mức chỉ Phùng lão đứng sát cạnh là nghe được. Rồi hai lão thoáng đưa mắt nhìn nhau thấu hiểu, cả hai không mong muốn làm vấn đục tâm địa thiện lương của đứa trẻ này nên lựa chọn cách giấu đi, hy vọng duy trì cuộc sống bình yên cho nó được chừng nào hay chừng ấy!

Vô Tướng nói:

- Thầy và Phùng tiền bối vào trong nhà đi ạ, trời đã trở lạnh, hai người không nên đứng ngoài quá lâu.

Phùng lão gật đầu đáp:

- Ừ, sương rơi mỗi lúc một dày hơn rồi, chúng ta vào trong nghỉ thôi.

Thật ra với võ công của hai ông lão, thời tiết thế này có đáng kể gì, chẳng qua hai ông không muốn Vô Tướng suy nghĩ lung tung nên đồng ý.

Sáng sớm hôm sau, Phùng lão sửa soạn đồ đạc, khăn gói lên đường. Đại sư Viên Ngộ cùng Vô Tướng tiễn ông đến cổng chùa, Phùng lão nói:

- Đại sư tiễn lão đến đây được rồi, hai người quay về đi.

Bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn, cuộc gặp nào rồi cũng có lúc phải chia tay, đại sư hiểu rõ điều này, ông cười nói:

- Phùng huynh có dự định đi đâu chưa?

- Lão chưa biết nữa, có lẽ lão sẽ đi thăm một vị cố nhân trước, còn sau đó thì vẫn cứ nay đây mai đó, xem bốn bể là nhà thôi.

Hai người đều đã vào cái tuổi cổ lai hi, lần này chia tay tại chùa, không biết còn có cơ hội gặp lại nhau nữa không, trong lòng bỗng cảm thấy hụt hẫng, đại sư thở dài nói:

- Lão nạp hiểu trong lòng Phùng huynh còn vương vấn nhiều việc cần phải làm nên lão nạp không tiện giữ lại, chỉ biết chúc Phùng huynh lên đường bình an.

- Cám ơn đại sư, à phải, lão muốn khuyên Vô Tướng tiểu sư phụ một câu, tiểu sư phụ tài năng xuất chúng, tiểu sư phụ đừng để nó mai một ở chốn này, mà hãy đem ra giúp nước giúp đời.

Vô Tướng chắp tay thành khẩn đáp:

- Cám ơn tiền bối đã chỉ báo, tiểu tăng xin ghi nhớ.

- Hay lắm, ha ha, vừa rồi chỉ là ngu ý của lão, xin đại sư bỏ quá cho.

Đại sư mỉm cười lắc đầu:

- A di đà phật, lời Phùng huynh khuyên bảo Vô Tướng rất đúng, lão nạp mừng còn không kịp, sao lại trách Phùng huynh chứ.

Phùng lão ha hả đáp

- Ha ha, đại sư quả là tri kỷ của lão, ha ha ha, lão đi đây, tạm biệt, hẹn ngày gặp lại.

Đại sư và Vô Tướng cùng nói:

- Tạm biệt Phùng huynh! (Tạm biệt tiền bối!)

- Tạm biệt! Ha ha ha ha!

Phùng lão thi triển khinh công xuống núi, thoáng một cái không thấy bóng dáng đâu nữa. Người đã đi rất xa nhưng tiếng cười thì vẫn văng vẳng trong núi, vọng vào tai các nhà sư rõ mồn một, khiến cho ai nấy đều khiếp hãi lẫn thán phục.

Chương 5: Trần Thì Kiến
Kinh thành Thăng Long, nằm dọc theo bờ con sông Nhị, một nơi phồn hoa đô hội. Những đoàn thuyền nối đuôi nhau ra vào tấp nập, trên hai bờ, khung cảnh buôn bán sầm uất, chợ búa, hàng quán mọc lên khắp nơi. Hàng nghìn những mái nhà lớn nhỏ san sát nhau kéo dài vượt ra khỏi tầm mắt

Trời đã bắt đầu chuyển về chiều mà phố xá vẫn nhộn nhịp người lại qua, tiếng nói tiếng cười rộn rã. Cuộc sống đã bắt đầu trở lại với nhịp độ vốn có của nó sau khi quân Chiêm rút khỏi kinh thành.

Giữa khung cảnh tươi vui, xuất hiện 1 lão nhân tay xách túi nải, ông lão đó chính là Phùng Sĩ Chu. Quãng đường từ Yên Sơn đến Thăng Long nói gần chẳng gần, nói xa cũng không phải xa, bằng vào võ công bản thân, ông lão chưa mất đến một ngày đêm đã tới kinh thành.

Ông chọn một quán trọ nằm ở bờ Đông của Hồ Tây để nghỉ ngơi trong những ngày ở kinh thành. Ông không định sẽ ở đây lâu, bởi theo dự tính của ông thì sau khi xong việc tại kinh thành ông sẽ quay trở về bản môn, đã đi xa bản môn hơn hai chục năm, trong lòng tất nhiên sẽ nhớ nhung.

Đứng trên lầu ngắm cảnh hoàng hôn, trong lòng Phùng lão chợt dấy lên một nỗi niềm khó tả. Kí ức năm xưa chợt ùa về, nhớ ngày đó ông thường cùng vợ ra Hồ Tây ngắm cảnh, mỗi lần như thế nàng đều nói cười vui vẻ, ánh mắt long lanh, má hây hây đỏ làm ông ngây ngất. Nụ cười đó, ánh mắt đó, đôi môi đó, bòng hình thướt tha đó đã khắc sâu vào tâm khảm ông, cả đời cũng không thể nào quên được!

Ông nhìn xuống Hồ Tây, mặt hồ sóng gợn lăn tăn, nhìn sang bãi cỏ, gió thổi qua thảm cỏ có vẻ gì đó thật đìu hiu, trong lòng bỗng thấy buồn man mác. Ôi, cảnh còn nhưng người thì đã mất, cảm xúc trào dâng, bất giác ông ngâm lên:

Thập niên sinh tử lưỡng mang mang
Bất tư lượng
Tự nan vong
Thiên lý cô phần
Vô xứ thoại thê lương
Túng sử tương phùng ưng bất thức
Trần mãn diện
Mấn như sương
Dạ lai u mộng hốt hoàn hương
Tiểu hiên song
Chính sơ trang
Tương cố vô ngôn
Duy hữu lệ thiên hàng
Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ
Mịnh nguyệt dạ
Đoản tùng cương.

Dịch thơ:

Mười năm sinh tử miên man
Lòng xuân khôn dứt muôn vàn ái ân
Quan san vạn dặm cô phần
Thê lương tình ấy phân trần nơi đâu
Tương phùng chẳng nhận được nhau
Tóc xanh mặt ngọc đượm màu phong sương

Đêm mơ về lại cố hương
Thấy em hiên vắng soi gương chải đầu
Nhìn nhau chẳng nói một câu
Tóc xanh ướt đẫm lệ sầu chứa chan
Biết khi trăng sáng thông ngàn
Đoạn trường chốn ấy gặp nàng được chăng

(Vi Nhất Tiếu dịch)

Tâm trạng của Phùng lão bây giờ bảy phần giống với Đông Pha cư sĩ thời nước Đại Tống khi nhớ vợ mình, nên mới tức cảnh sinh tình, buột miệng ngâm thơ. Nỗi nhớ người thương bùng cháy làm lòng ông đau như cắt.

Trời dần về đêm, ánh mặt trời cuối cùng cũng đã lặn xuống và những người nông dân cũng lặng lẽ về nhà lặng yên nằm ngủ như quá mệt mỏi vì vất vả cả ngày.

Những vì sao lung linh như mộng ảo phủ kín bầu trời đêm, trăng trên cao tỏa sáng vằng vặc, chiếu những sợi tơ vàng xuống mặt đất như phủ lên một tầng lụa mỏng mơ hồ, tất cả tạo nên một khung cảnh đẹp đến say lòng người, đáng tiếc lúc này Trần Thì Kiến lại không có tâm tình thưởng thức. Gương mặt ông hiện rõ sự bồn chồn lo lắng: "Triều chính rối ren, vận nước bất ổn, thế cục đảo điên, lại thêm ngoại xâm đe dọa, ôi, biết bao giờ mới thấy được hòa bình." Ông lòng không yên, cứ tới tới lui lui không ngừng, những nếp nhăn do thời gian hằn sâu trên trán. Thế rồi Trần lão bỗng mỉm cười nói:

- Sư huynh, huynh nấp ở đó cũng lâu rồi, sao vẫn chưa chịu xuất hiện đi.

- Ha ha ha!

Tiếnp cười của Phùng lão vang lên sang sảng:

- Ha ha ha, ta đã vận công bế khí, không ngờ vẫn bị đệ phát hiện.

Phùng lão từ trên mái nhà phi thân xuống, râu trắng phất phơ như thần tiên hạ phàm, vẻ mặt tươi cười, ông hiện tại rất vui. Trần lão cũng vui mừng không kém, hai sư huynh đệ ôm chặt nhau, cười to đầy sảng khoái. Trần Thì Kiến cười nói:

- Sư huynh, mấy chục năm không gặp, râu tóc đã bạc trắng cả.

Phùng lão cảm thán:

- Đệ cũng giống vậy thôi, chúng ta đều già hết rồi, già hết cả rồi.

Sau phút xúc động, Trần Thì Kiến thâm tình nói:

- Sư huynh, quá lâu chúng ta chưa có cơ hội gặp nhau thế này, huynh hãy ở đây vài ngày.

Phùng lão từ chối:

- Không, ta chỉ đến thăm đệ rồi sẽ rời đi.

- Hay nói rõ hơn, huynh đến để xem đệ giải thích với hoàng thượng như thế nào đúng không?

Làm sư huynh đệ đồng môn đã mấy chục năm nên Trần lão rất hiểu Phùng lão. Phùng lão cũng không nói dối, gật đầu trả lời:

- Không sai, khi nhìn thấy thiên tượng liên tục xuất hiện, ta đã rất lo cho đệ. Làm bạn với vua như làm bạn với hổ, chỉ một lần lỡ lời thì lập tức mất mạng.

Trần lão tiếp lời:

- Nhắc đến nhiệm vụ phò tá Hoàng Thượng và triều đình, đệ xin nói thật một câu, khi xưa sư huynh đệ chúng ta từng hợp sức trợ giúp tiên đế đánh bại quân Nguyên, sau đó vài năm, sư huynh đột ngột bỏ đi, khi biết tin, đệ đã rất buồn và thất vọng.

Chuyện cũ xảy ra từ rất lâu, nhớ lại nó, trong lòng không khỏi có chút hoài niệm, Phùng lão không vì lời thẳng thắn của sư đệ ông mà giận, ông chỉ cảm khái:

- Sư huynh biết chứ, có điều chẳng phải khi xưa, trước lúc chúng ta rời sư môn đi phò tá tiên đế, sư phụ từng nói sau khi đại phá quân Nguyên lần ba thì chúng ta nhất định phải rời đi. Nếu còn tiếp tục ở lại, hậu quả khôn lường.

- Tính tình huynh thích tiêu dao tự tại, đệ hiểu rõ nên chẳng chê trách sư huynh đâu. Những lời khuyên răn của sư phụ đệ nhớ chứ, mà bản thân đệ cũng muốn được như sư huynh, chỉ là quốc gia đang trong lúc dầu sôi lửa bỏng, đệ không thể khoanh tay đứng nhìn.

Hai tay Phùng lão siết chặt đầu vai Trần lão, đôi mắt ông mở lớn, sáng rực như tóe lửa:

- Ôi sư đệ của ta, sao đệ vẫn mãi chấp mê bất ngộ như vậy, Hoàng Thượng hiện tại ngồi trên ngai vàng hiện tại có đáng để đệ ra sức phò tá hay không? Mặt khác, đệ thân là trưởng môn, đệ phải nghĩ cho tâm huyết của các bậc tiền nhân đã sáng lập ra môn phái chứ.

Trần lão vẻ mặt cứng lại, không phục, lên tiếng phản bác:

- Không, người chấp mê bất ngộ là sư huynh chứ không phải là đệ. Tuy rằng huynh nói đúng, Hoàng Thượng tửu sắc vô độ, gian thần lộng triều nhưng dù sao vẫn còn một số ít trung thần luôn luôn ra sức cố gắng vực nó dậy, trong đó cả huynh lẫn đệ, chả lẽ nó không đáng sao? Không, đệ thấy đáng lắm, và chắc hẳn các bậc tiền nhân của bản phái cũng đồng ý với việc làm của đệ.

- Chỉ sức lực của một vài người như đệ liệu có thể làm được gì? Sư đệ à, không gì cả, tất cả công sức chỉ là muối bỏ bể mà thôi, nó không tạo ra ảnh hưởng gì cả đâu.

Trần lão cương quyết:

- Nhưng nếu như có thêm sư huynh thì sẽ khác, chỉ cần hai chúng ta hợp sức thì không gì không làm được, giống như bốn mươi năm về trước vậy.

Phùng lão bất lực buông tay ,thở dài chán nản:

- Quá khứ mãi mãi chỉ là quá khứ, đệ đừng nhắc nữa! Sư đệ, ta một lần nữa khuyên đệ hãy quay về đi, đừng ở đây nữa.

Trần lão vẫn lắc đầu:

- Thôi sư huynh đừng nói nữa, xem ra cả huynh và đệ đều là những kẻ chấp mê bất ngộ, khó có thể sửa đổi, giờ lòng đệ đã quyết, dù trời có sập đệ vẫn sẽ làm.

Phùng lão định nói thêm gì nữa, sau cùng thở dài xua xua tay:

- Được rồi, ta không nói nữa. Phận làm sư huynh, ta chỉ muốn tốt cho đệ, nhưng ta cũng không muốn thấy vì chuyện này mà gây ảnh hưởng đến tình cảm của sư huynh đệ chúng ta.

Lúc này một tên nô tài của phủ đi tới thông báo cho Trần lão:

- Đại nhân, Hoàng thượng giá đáo.

Trần lão không hề ngạc nhiên, ông hờ hững nói:

- Hoàng thượng đến đây ư? Được, ta ra ngay!

Phùng lão hướng mắt ra ngoài đại sảnh, rồi quay lại bảo sư đệ ông:

- Sư đệ, Hoàng Thượng đến, ta không tiện ở đây lâu, có lẽ ta tạm lánh đi một lát.

Trần lão gật đầu đồng ý:

- Sư huynh nói cũng có lý, vậy huynh ra hậu viện ngồi đợi đệ, khi Hoàng Thượng trở về rồi chúng ta sẽ lại tiếp tục hàn huyên.

- Được

Trần lão sau khi sắp xếp chỗ cho Phùng lão thì ra ngoài đại sảnh. Ông chỉnh lại y phục rồi quỳ xuống dập đầu hành lễ:

- Vi thần bái kiến Thánh thượng, cẩn mong Thánh thượng muôn muôn tuổi.

- Miễn lễ.

- Tạ ơn Thánh thượng.

Trần Phế Đế là vị vua thứ mười của triều Trần. Ông ta là một vị vua u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, để cho uy quyền ngày càng rơi vào tay kẻ dưới, không ai khác mà chính là Lê Quý Ly. Ông ta lại có phần hơi háo sắc, không chịu tu tâm dưỡng tính nên võ công Hoàng triều của Trần gia chỉ luyện được chưa đến hai phần.

Ngay trong đêm thiên tượng xảy ra, khi vua đang say sưa với cung tần mỹ nữ thì bỗng dưng người mệt lả, cảm giác dương khí trên người thoát ra nhiều, không tự chủ được mà “thả quân”. Ông ta ở ngôi cửu ngũ chí tôn, võ công Hoàng triều có liên hệ mật thiết với Long khí, dù chỉ luyện ít ỏi nhưng nếu nó biến động, ông ta vẫn sẽ biết được. Vì thế ông ta hoảng hốt, chạy ngay đến Trần Thì Kiến hỏi.

Trần lão cứ giải thích đúng sự thật đó là do Quý Ly có ý đồ làm cướp ngôi, làm Tử Long khí suy yếu, ông bỏ qua Kim Long khí bởi sự uy hiếp lớn nhất hiện tại là Thanh Long khí. Phế Đế hỏi tiếp ông cách xử lý thì ông đáp lại rằng: “chỉ có cách duy nhất là trừ khử Quý Ly.”

Trong lòng Phế Đế e ngại quyền lực của Quý Ly trong triều quá lớn mạnh nên chưa dám quyết định, bề ngoài giả bộ nói là việc này quá lớn, cần phải xem xét kỹ lưỡng. Nhưng rồi dương khí mỗi lúc một yếu, vua càng thêm lo sợ nên hôm nay lại đến tìm Trần lão. Trần lão dù hiểu nhà vua đến đây với mục đích gì nhưng phận làm bề tôi vẫn phải hỏi:

- Đêm đã khuya, Hoàng Thượng nên nghỉ ngơi, Ngài thân chinh đến phủ của thần hẳn có việc gì gấp rút?

Vua trừng mắt nói:

- Ngươi còn giả ngốc nữa hả, đại kiếp của trẫm chưa hóa giải, ngươi nghĩ trẫm có thể ngủ yên được sao?

Ông lặp lại câu nói lần trước:

- Hoàng thượng, vi thần đã từng nói muốn hóa giải trường đại kiếp này và ngồi vững ngôi vàng, chỉ có duy nhất một cách là người phải trừ khử Quý Ly, không được để cho y tự tung tự tác, phá hoại triều đình nữa.

Phế Đế tức giận vung tay quát:

- Trẫm biết, đương nhiên trẫm biết, nhưng hiện giờ thế lực của hắn rất lớn, nhân tài của hắn nhiều vô số kể, còn trẫm chỉ có mình ngươi và tên thái giám hầu hạ bên cạnh là tâm phúc thì làm sao có thể diệt được hắn đây.

Trần lão vẫn chỉ trả lời lấp lửng:

- Hoàng thượng, chỉ cần người có lòng muốn diệt lão ta, tất sẽ có nhân tài giúp người.

Vua hiểu ý, hỏi ngay:

- Vậy ngươi có cách gì không?

- Dạ thưa Hoàng thượng, tai vách mạch rừng, vi thần khó mà nói ra được.

Rồi ông dùng phép Truyền Âm Nhập Mật truyền sang vua tâu trình kế hoạch.

***************Chú thích*******************
Năm 1165, vợ của Tô Thức là Vương Phất từ trần mới 27 tuổi. Mười năm sau (Ất Mão 1175), Tô Thức đang làm “Tri Châu” ở Mật Châu (Sơn Đông), xa cách quê hương (Tứ Xuyên) mấy ngàn dặm. Đêm mơ thấy người vợ đã khuất, ông làm bài từ điệu vong này. Tô Thức là người đầu tiên làm từ điệu vong.

Chương 6: Báu vật của Đại Việt
Trần Thì Kiến dùng phép Truyền Âm Nhập Mật nói với nhà vua:

- Hoàng thượng, hai ngày nữa là đến ngày các vì sao đổi dời, thần sẽ thi triển đạo thuật mạnh nhất của mình, trước tiên để hóa giải sự suy yếu của Long khí, Lê Quý Ly vì thế mà sẽ bị đau ốm. Sau đó, Hoàng thượng cho Cấm Vệ Quân âm thầm tới bắt Quý Ly rồi trừ khử hắn đi là ngài sẽ không cần phải lo lắng gì nữa cả.

Danh tiếng Dịch lý và đạo thuật của Trần Thì Kiến vang danh khắp nơi, những lời này tất không phải giả, nhưng ông ta vẫn tò mò muốn biết nhiều thứ nên hỏi:

- Nhưng khanh làm phép gì mà có thể khiến cho Lê Quý Ly bị đau ốm vậy?

Trần lão tâu:

- Bẩm Thánh thượng, là như thế này ạ. Trời có Thiên khí, đất có Địa khí thì người cũng có Nhân khí. Chính Nhân khí của Quý Ly đã làm suy yếu Long khí của Thánh thượng nên muốn loại trừ hắn chỉ có cách làm yếu Nhân khí của hắn.

Ông tìm lời uyển chuyển chứ nói đúng sự thật thì vua sẽ nổi trận lôi đình mà hỏng kế hoạch. Vua nghe thế gật gù bảo:

- Ra là thế, vậy cứ làm theo lời khanh.

- Thánh thượng yên tâm, nhất định lần này Quý Ly khó lòng chạy thoát.

Phế Đế bật cười to:

- Ha ha ha, hay lắm, hay lắm, Trẫm có khanh phò tá, lo gì đại nghiệp không thành.

Phế Đế sau khi có được lời đảm bảo của Trần lão thì vui mừng quay trở về và lệnh cho tên thái giám thân cận của mình:

- Ngươi hãy đi lựa chọn mười lăm mười sáu người giỏi nhất trong Cấm Vệ Quân cho trẫm.

Lão thái giám già rất ngạc nhiên bởi ông ta chưa bao giờ thấy Hoàng Đế tỏ ra nghiêm trọng như thế, bèn hỏi:

- Hoàng Thượng, ngài bỗng nhiên triệu tập Cấm Vệ Quân, không biết ngài gặp chuyện gì vậy ạ?

Phế Đế đáp:

- Không có việc gì, trẫm muốn bắt trộm.

- Hoàng thượng muốn bắt trộm? Có tên trộm nào cả gan dám trộm đồ của Ngài ư?

Lão thái giám đã sống nhiều năm trong cung nhưng đây là lần đầu tiên ông ta nghe nói có trộm.

Phế Đế gật đầu dặn dò:

- Đúng là có trộm đấy, hơn nữa y rất táo tợn và nhanh nhẹn, mấy lần trẫm cho người đuổi bắt nhưng y cũng thoát được. Lần này trẫm nhất quyết phải bắt y cho bằng được.

Lão thái giám thấy từng lời nói của Phế Đế đều chắc như đinh đóng cột, thầm nghĩ: "Hoàng Thượng không giống như đang đùa, có lẽ trong cung có trộm thật." Ông ta hỏi tiếp:

- Ngài định bắt y ngay tối nay luôn ạ?

- Không, vẫn chưa chuẩn bị chu đáo, bắt làm sao được, mà hơn nữa, trẫm đã cho người nhử mồi y vào tối mai rồi. Bây giờ ngươi đi chuẩn bị đi.

- Thần tuân lệnh!

Lão thái giám cúi đầu nhận mệnh.

Phế Đế bỗng gọi giật lại nhắc nhở.

- À này, ngươi nhớ phải chọn những ai giỏi võ và đáng tin đấy, nếu để lộ ra, coi chừng cái đầu trên cổ của ngươi đấy.

Việc này vô cùng hệ trọng nên ông ta phải cẩn thận.

Lão thái giám đáp:

- Vi thần tuân lệnh.

Lão thái giám đi rồi, Phế Đế nghĩ tới viễn cảnh tươi sáng sắp tới mà bật cười ha hả.

Về phần Trần Thì Kiến, sau khi Hoàng Đế rời đi, ông quay lại hậu viện thì không thấy Phùng Sĩ Chu đâu nữa. Phùng lão đột ngột rời đi làm cho ông hụt hẫng, cứ tưởng phen này được hàn huyên với sư huynh sau mấy chục năm xa cách. Nhưng rồi sau đó ông lại tự nhủ Phùng lão vẫn đang ở đây lâu, thể nào cũng có cơ hội. Điều quan trọng hơn là chuẩn bị cho công việc của ngày mai.

Phùng lão đang trên đường về bỗng nhiên bắt gặp một toán lính đang ngồi ăn ở trong quán. Toán lính này mặc áo màu xanh nước biển, cổ áo viền tròn màu đỏ, giữa ngực có một hình tròn to cũng màu đỏ, trong hình tròn là một chữ "tốt" khá lớn màu đen, mặc ý phục như vậy thì đích thị là quân Ngô. Ông quét mắt qua, quả nhiên đã nhìn thấy Từ Phong trong đó. Bọn chúng ngồi tụm vào một chỗ nhưng có vẻ khá yên lặng, không nói chuyện nhiều, mà cắm đầu ăn, trông qua sắc mặt có chút mệt mỏi uể oải. Sau thất bại ở chùa Vân Tiêu, bọn chúng bỏ đi đâu không rõ, hóa ra là đi đến Thăng Long, nhưng vì đi quá chậm nên phải mất hai ngày mới đến nơi.

Từ Phong cũng trông thấy ông nhưng hắn không có phản ứng gì, cúi đầu tiếp tục bữa ăn; đúng thôi, khi trên núi Yên, ông đứng ở xa quan sát nên hắn nghĩ ông chỉ là một phật tử đến nghe giảng đạo nên bây giờ dù đứng đối diện nhau thế này, hắn cũng chẳng nhớ nổi.

Phùng lão vốn chán ghét chúng nên đi thẳng luôn lên lầu, chẳng thèm liếc mắt một cái. Ông vào phòng của mình. Không bao lâu sau, ông nghe thấy âm thanh nói chuyện ở phòng bên cạnh vọng sang:

- Tướng quân, mọi mệnh lệnh của Hoàng Thượng, tìm hiểu Tứ Đại Bảo Khí (1), điều tra sức mạnh của Đại Việt ngài đều đã hoàn thành, cớ sao vẫn chưa quay về?

- Không, hiện tại ta vẫn chưa thể quay về được!

Người hỏi là tên tướng đã đánh nhau với Vô Ngã và kẻ trả lời lại là Từ Phong, không ngờ hắn lại chọn đúng ngay phòng bên cạnh phòng của Phùng lão, tiếng bọn chúng dù rất nhỏ nhưng vẫn lọt vào tai ông một cách rõ ràng. Ông thầm nghĩ: "Quả nhiên chúng đến đây chẳng có ý đồ tốt gì! Hết đi tìm hiểu Tứ Đại Bảo Khí rồi điều tra sức mạnh Đại Việt. Mình không nên manh động, để xem chúng còn âm mưu gì nữa không!" Ông lại tiếp tục lắng nghe tên cấp dưới nói:

- A, tại sao ngài chưa thể quay về? Nhiệm vụ xong hết rồi mà!

Từ Phong liếc mắt ra xung quanh rồi hạ giọng xuống đáp:

- Ngươi không biết đấy thôi, chuyến đi lần này Hoàng Thượng không chỉ ra lệnh như vậy, ngài còn một nhiệm vụ bí mật hơn lệnh cho ta đi làm và làm cho bằng được.

- Nhiệm vụ gì thế ạ?

Gã thuộc hạ càng sốt sắng, hỏi ngay lập tức, mà Phùng lão cũng tập trung lắng theo dõi câu trả lời của Từ Phong. Từ Phong dường như đã quên mất câu “tai vách mạch rừng” nên đáp:

- Vì các ngươi là thuộc hạ thân tín của ta nên ta nói cho biết. Thật ra trước khi sang Đại Việt, ngoài mấy nhiệm vụ kia, Hoàng Thượng còn lệnh ta khi quay trở về phải mang theo hai món thần khí mạnh nhất của Đại Việt.

Gã thuộc hạ kinh ngạc, Phùng Sĩ Chu thì vừa ngạc nhiên vừa tức giận, “không ngờ bọn chúng còn âm mưu cướp cả báu vật của Đại Việt, đáng chết!” Đang nghĩ thầm trong bụng thì ông nghe thấy tên thuộc hạ kia khẽ thốt lên:

- A, Đại Việt còn có thần khí ngoài Tứ Đại Bảo Khí, thật không ạ?

- Hoàn toàn thật! Nó...

- Tướng quân! Tứ Đại Bảo Khí đã to nhường vậy thì Thần khí còn lớn đến như thế nào nữa chứ, chúng ta sao có thể mang về nước được chứ.

Hai tên lính xung quanh nghe chuyện cảm thấy rất hay, quá háo hức không tự chủ được ngắt lời y, cũng may Từ Phong thấy bản thân được bọn thuộc hạ chú ý, nên tâm trạng vui vẻ, không giận mà bỗng nhiên có nổi hứng, y nói:

- Các ngươi sai rồi, Tứ Đại Bảo Khí rất lớn nhưng Thần khí thì nhỏ hơn vạn lần, chúng chỉ là một thanh kiếm và một bộ áo giáp mà thôi.

- A!!...

Gã kia vừa a một tiếng thì im bặt, suýt nữa thì gã lại ngắt lời thượng cấp. Từ Phong trừng mắt nhìn gã tỏ ý khiển trách rồi kể:

- Đó là Chân Long kiếm và Phù Đổng Thiên Vương thần giáp. Theo truyền thuyết Chân Long kiếm được thủy tổ của dân Đại Việt, Lạc Long Quân rèn. Thân kiếm dài ba thước, mặt kiếm sáng bóng, uy lực vô biên. Người ta truyền miệng nhau rằng khi Chân Long kiếm ra khỏi vỏ thì sẽ có rồng bay lên trời. Nhưng nghe nói từ sau khi Lạc Long Quân dẹp yên một trận loạn lạc lớn thì Chân Long Kiếm mất tăm tích nữa, không ai biết nó ở đâu nữa.

Bọn lính ngồi nghe, có kẻ nín thở than chuyện này quả là thần kỳ nhưng cũng có kẻ bĩu môi cho là truyện bịa đặt, cho rằng thần ở nước gã thì có thể tồn tại chứ Đại Việt thì làm sao mà có được. Từ Phong nhấp một ngụm rượu, đợi cho bọn thuộc hạ sốt ruột nhìn mình rồi mới kể tiếp:

- Phù Đổng Thiên Vương thần giáp, hay còn gọi là Phù Đổng thần giáp. Năm xưa khi nước chúng ta mới thành lập, triều đại lúc bấy giờ gọi là Ân Thương. Lúc đó chúng ta binh hùng tướng mạnh, kỵ binh cũng ra đời, bách chiến bách thắng, oai hùng bốn phương. Vua Thương có hùng tâm mở rộng bờ cõi nên đã tập hợp quân đội, ra lệnh cho quân xuôi nam. Lúc đầu quân ta đánh đến đâu thắng đến đó quân địch không cản nổi bị đánh cho chạy tan tác. Nhưng thật là đáng tiếc... khi quân ta vừa đến chân núi Vũ Ninh thì đã bị đánh thua phải chạy về.

Nói xong thì lại thở dài một hơi, nhấp ngụm rượu, mấy tên thuộc hạ thấy hắn dừng lại không khỏi buồn bực lên tiếng hỏi:

- Tướng quân, tại sao một quân đội hùng mạnh như thế kia lại có thể thua?

Phải nói rằng tên Từ Phong này khá là có khiếu kể truyện, hắn biết dùng đúng lúc, để cho người ta chờ đợi sốt ruột rồi nhao nhao lên hỏi thì hắn mới tiếp tục:

- Chính là do Phù Đổng Thiên Vương!

"Ồ!" Mọi người ồ lên một tiếng. Có người nhíu mày hỏi:

- Tướng quân, chỉ là một bộ giáp thì sao có thể đánh bại mấy vạn quân chứ?

Từ Phong bĩu môi nhìn tên lính vừa hỏi kia một cái:

- Ta có nói đó là một bộ giáp à?

Tên kia há mồm định nói gì đó nhưng cuối cùng lại nuốt xuống, trong lòng buồn bực, rõ ràng là vừa nói nó là thần giáp gì đó mà! Từ Phong không để ý đến tên thuộc hạ mà nhìn khắp mấy tên đang vây quanh mình:

- Phù Đổng Thiên Vương là thần tướng nhà trời!

Hài lòng nhìn vào vẻ mặt kinh ngạc của bọn thuộc hạ, Từ Phong chậm rãi kể tiếp:

- Theo truyền thuyết của Đại Việt kể lại thì khi quân ta quá dũng mãnh, vua Hùng thứ sáu đã kêu gọi người tài khắp cả nước đi lính. Nghe nói Phù Đổng Thiên Vương hay dân gian còn gọi là Thánh Gióng từ bé là một đứa trẻ ba tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói năng gì nhưng khi nghe tiếng sứ giả của nhà vua đi tuyển người tài thì bất ngờ lên tiếng đòi đánh trận. Phù Đổng Thiên Vương được vua Hùng ban cho một bộ áo giáp bằng sắt, một cây thiết côn và một con ngựa sắt. Ông ta lên ngựa ra chiến trường, dùng thần thông của mình, đơn thương độc mã đánh tan quân địch. Sau đó, có lẽ vì đã hoàn thành nhiệm vụ, ông ta lên đỉnh núi Sóc Sơn cởi bỏ lại bộ giáp rồi cưỡi ngựa bay về trời. Người đã đi nhưng vật còn đó, bộ giáp được những thợ rèn giỏi nhất của Đại Việt làm ra, lại được thần lực của Thánh Gióng bồi đắp,đã trở thành thần khí hiếm có trong trời đất, vì thế mà dân Việt đặt tên nó theo tên của ông ta. Sau này nó trở thành bảo vật trấn quốc, đáng tiếc do thời cuộc thay đổi, Phù Đổng Thiên Vương cũng biến mất.

Bọn lính nghe chuyện mà xuýt xoa không thôi. Thật không ngờ là Đại Việt lại có một truyền thuyết như vậy, lại có người tinh ý phát hiện ra một chuyện:

- Tướng quân, sao người lại biết rõ mọi chuyện như vậy?

Từ Phong nghe thuộc hạ hỏi thì hơi mất tự nhiên, trầm ngâm một lúc mới nói:

- Ta nghe sư phụ kể lại. Trước kia sư phụ ta từng đến đây du lịch được người ta kể lại.

Bọn lính gật gù như đã hiểu, ngược lại bên phòng kia, Phùng lão đang thắc mắc vấn đề này. Một tên tướng quân người Tàu với chức vụ nhỏ nhoi sao có thể biết truyền thuyết của Đại Việt rõ như thế được, mà cái cớ đi du lịch là do Từ Phong bịa đặt, chứ thực ra gã cũng chẳng rõ nguyên nhân làm sao mà sư phụ gã biết được mấy truyền thuyết kia.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro