tp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, tác phẩm “Chí Phèo” đã gây nhiều ấn tượng trong tôi nhất.Nam Cao đã xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo đại diện cho một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa,lưu manh. Chí Phèo là con người như thế nào? Hắn đã bị tha hóa ra sao? Rồi cuộc đời của Chí sẽ đi về đâu? 

 Chí Phèo có một cuộc đời đầy bất hạnh. Người làng Vũ Đại nhặt Chí Phèo“trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không”. Thương thay cho đứa bé mồ côi! Đứa bé ấy có tội tình gì mà con người có thể nhẫn tâm bỏ rơi? Xuất thân là đứa con rơi bên cái lò gạch hoang tàn, cuộc đời của Chí Phèo đã bất hạnh từ đấy.

 Thật may mắn là Chí Phèo đã được lớn lên trong sự cưu mang của người dân làng Vũ Đại! Hắn trưởng thành và trở thành người nông dân lương thiện,làm canh điền cho lý kiến. Tưởng rằng hắn sẽ được bình yên để thực hiện ước mơ về một 1 gia đình hạnh phúc: “một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Nhưng không! Hắn đã không thể có được một cuộc sống dù rất bình dị,đơn giản! Hắn đã phải ngồi tù chỉ vì sự ghen tuông của Bá Kiến. Đời hắn coi như kết thúc! Chẳng còn ước mơ về gia đình nho nhỏ ấy! Chẳng còn những hy vọng của thời thanh niên tràn đầy sức sống nữa… Giờ đây, bóng tối sẽ bao trùm lấy cuộc đời hắn. Không phải hắn đáng thương lắm sao? 

 Chí được ra tù. “Trông hắn đặc như thằng săn đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy”. Chí Phèo trông rất ghê rợn và đáng sợ. Ta sẽ chẳng thấy được hình ảnh Chí hiền lành, chăm làm, biết hy vọng. Từ một người nông dân lương thiện, Chí Phèo nay đã trở thành kẻ tù tội, giống như một thằng lính Tây. Không chỉ có ngoại hình, tính cách của hắn cũng thay đổi. Hắn trở thành “kẻ rạch mặt ăn vạ”, người đã gieo rắc tội ác,phá nát cuộc sống bình yên của người làng Vũ Đại. Triền miên trong cơn say và trong những tội ác,hắn làm tay sai cho Bá Kiến. Mà hắn nào có tội? Tội của hắn phải chăng là được bà Ba,vợ Bá Kiến, thích? Buổi đầu ra tù, cả làng Vũ Đại đều không nhận ra Chí, họ không công nhận là một con người. Khi Chí Phèo “vừa đi vừa chửi…Bắt đầu hắn chửi trời…Rồi hắn chửi đời…Tức mình,hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra Chí Phèo…”, chẳng ai trả lời hắn. Mà thực ra, niềm mong mỏi duy nhất của Chí bây giờ chỉ là muốn có người chửi cùng hắn, muốn được gắn bó với con người. Nhưng mọi người chỉ đẩy Chí ra xa hơn xã hội thực tại. Chí cô đơn, không ai quan tâm, chăm sóc, chẳng ai yêu thương Chí và giúp quay lại với cuộc sống. Mượn rượu… Thế là Chí cứ chửi, rồi đập phá. Tất cả mọi người đều xem Chí Phèo như “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho cường hào thâm độc để giết anh chết phần “người” trong con người Chí Phèo, biến người nông dân lương thiện ngày nào thành quỷ dữ. Đây chính là nỗi đau, nỗi thống khổ của Chí mà hắn chưa bao giờ được thổ lộ cùng ai. Đọc đến đây, cảm xúc trong tôi quá hỗn độn: vừa thấy thương Chí Phèo đã đánh mất nhân tính, vừa ghê sợ thú tính trong hắn. Đắng cay cho một số phận: lớn lên trong cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình, bị cường hào hãm hại và đánh mất chính mình. Đau đớn thay, trong cái xã hội rách nát ấy, không chỉ riêng một Chí Phèo mà còn rất nhiều người cũng bị đẩy vào vòng vây tù tội không lối thoát…

Cuộc đời hắn sẽ cứ tiếp diễn trong vòng xoáy tối tăm của tội ác, mãi mãi không dứt ra được. Nhưng không, cuộc đời hắn đã không như thế. “Chiều nay, như mọi buổi chiều, Chí Phèo lại “vừa đi vừa chửi”. Và cũng như mọi chiều, vẫn không một ai đáp lời hắn. Hắn rất tức tối, định ghé vào bất kì nhà nào đập bể một cái gì cho bõ tức…Khi đã thỏa thuê, hắn lảo đảo ra về, nhưng không về lều mà đi ra bờ sông gần nhà. Ở đó, Chí Phèo đã gặp thị Nở…”. Vâng, ông trời đã cho Chí gặp thị Nở - “người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng” nhưng có một trái tim mộc mạc, nhân hậu: “thị Nở dìu hắn vào trong lều, đặt lên chõng, đắp chiếu cho hắn rồi ra về”. Vừa sáng hôm sau, thị đã chạy đi tìm gạo, hành thì nhà thị còn để nấu cho Chí Phèo một bát cháo hành giải bệnh.

 Sau khi gặp thị Nở, qua một đêm, “hắn bâng khuâng, miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc. Hắn sợ rượu…”. Chí Phèo đã nhận thức được thế giới một cách tỉnh táo, mọi giác quan đã trở lại bình thường. Hôm nay hắn mới nghe thấy “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”…Những âm thanh quen thuộc ấy hắn chưa bao giờ nghe thấy cả. Chỉ có hôm nay, Chí mới thực sự là Chí Phèo, là một người hoàn toàn tỉnh táo. Chí Phèo không chỉ nhận thức về thế giới bên ngoài, hắn còn nhận thức về bản thân: “hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau,và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Ngạc nhiên thật! Một kẻ tứ cố vô thân, làm nghề rạch mặt ăn vạ lại có thể suy nghĩ như thế này. Chắc chắn tình yêu đã đánh thức phần “người” của Chí! Hắn sẽ còn tiếp tục nghĩ vẩn vơ như thế mãi nếu thị Nở không vào và mang cho hắn bát cháo hành. Chí Phèo rất “rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình nnhuw ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải dọa nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ” Thị Nở là người đầu tiên cảm thông cho Chí, quan tâm Chí kể từ ngày ra tù. Hắn cảm thấy ngạc nhiên rồi đến xúc động: “Nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng”. Chỉ là một bát cháo hành đơn giản, dễ nấu nhưng trước giờ chẳng ai cho hắn một bát cả. Hắn gần như cách biệt ra khỏi con người làng Vũ Đại. Nhưng hôm nay, hắn đã được gắn kết với một con người là thị Nở. Hắn thấy vừa vui lại vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn.Cũng có thể chứ! Người ta thường hay hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa. Những xúc cảm của một con người đã quay về với Chí. Hắn thôi hung tợn, thôi muốn làm mọi người phải kinh sợ. Chí Phèo yếu đuối khi sau tần ấy năm, hắn mới có được sự quan tâm, yêu thương thực sự. “Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm Chí đang yêu! Yêu người và yêu cả đời! Hắn lại nhớ về thời trai trẻ, thời mộng mơ với bao nhiêu ước vọng. Rồi hắn nhớ đến “bà ba”,ngày ấy, “bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân, hắn thấy nhục hơn là thích”. Chí cũng từng là một con người có lòng tự trọng cơ mà …Cũng may là bây giờ, Chí suy nghĩ về ngày xưa và cảm thấy hối hận.

 Và Chí Phèo bắt đầu khao khát hoàn lương. “Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền…Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện” Ôi, Chí Phèo! Đây mới chính là con người thật của Chí chứ! Một con người lương thiện đã bị vùi dập bởi cường hào và nhà tù thực dân nay đã thức tỉnh và khao khát được sống một lần nữa. Đời hắn như nở hoa, vui mừng khôn xiết, những tia hy vọng thắp lên trong lòng. Giờ đây, có lẽ hắn mới là người yêu đời nhất cái làng Vũ Đại này! 

 Tưởng đâu, từ nay, cuộc đời hắn sẽ tràn ngập hạnh phúc. Nhưng đời hắn nào được như ý hắn. Sự ngăn cấm của bà cô thị Nở khi thị đòi cưới Chí đã dẫn đến một bi kịch của Chí Phèo.Mà sự ngăn cấm ấy cũng hợp lý thôi! Ai lại có thể gã thị cho cái thằng không cha, chuyên đi rạch mặt ăn vạ, phá nát cái làng này cơ chứ? Rồi thị sẽ chỉ mang nhục nhã về cho ông cha nhà thị. Mà đâu chỉ có thế? Lý do còn tại bà cô thị cũng là số không chồng nên bà đổ lên thị. Cuối cùng thì định kiến xã hội lúc bấy giờ đã ngăn cản hạnh phúc của Chí, đã dập tắt mọi hy vọng về một cuộc sống tươi sáng hơn của Chí! Bởi ai có thể hiểu được tâm trạng của Chí Phèo? 

 Một lần nữa hắn lại tìm đến rượu để trốn tránh mọi đau đớn của một con “người”. Trong cơn say, Chí định xách dao đi giết bà cô thị Nở nhưng linh hồn đã thức tỉnh: “hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức.” Chẳng phải hắn hướng thiện rồi sao? Chẳng phải tình yêu của thị Nở đã cảm hóa hắn? Tại sao định kiến xã hội lại đè nặng lên Chí? Chí Phèo cũng là một con người mà? Vì sao mọi người lại cự tuyệt Chí? Tôi thực sự đau nỗi đau của Chí Phèo! Khao khát được hoàn lương nhưng cuối cùng cũng không được ai công nhận là một con người. Hạnh phúc giản đơn của hắn là được yêu thương, được gắn kết với cuộc sống như một con người. Hắn đã có được tình yêu nhưng chính xã hội, nơi giết chết chàng thanh niên trai trẻ ngày nào lại một lần nữa, giết chết sự trỗi dậy cuối cùng của một con người muốn hoàn lương. Kết cục là hắn lảm nhảm: “Ta phải đâm chết nó! Ta phải đâm chết nó!” và cứ thẳng đường mà đi. Rồi hắn gặp, giết Bá Kiến và tự sát . Câu cuối cùng mà hắn nói: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất đi được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thế là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách…biết không!...Chí có một cách là…cái này! Biết không!...” cũng là lời nói cuối cùng trong cuộc đời Chí Phèo. 

 Phải! Chí Phèo không thể là người lương thiện nữa! Những vết mảnh chai hay chính những định kiến xã hội đã không cho hắn một lối thoát nữa. Rồi hắn sẽ làm hại bao nhiêu con người phải vào tù và sinh ra thêm bao nhiêu thằng Chí Phèo như thế nữa nếu không có một kết cục như thế? Chí đã tự tìm lối thoát duy nhất cho mình, để trong phút cuối đời, hắn vẫn là một con người! Nhưng hắn đâu hay biết “tre già măng mọc”, rồi xã hội sẽ cứ tiếp diễn như thế… Chí Phèo rốt cuộc thì cũng vẫn là “con người” nhưng chính cường hào, nhà tù thực dân và chính những định kiến xã hội đã không cho hắn làm người lương thiện thêm một lần nào nữa…

 Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã lên án xã hội phong kiến với mâu thuẫn gay gắt giữa người nông dân và giai cấp thống trị ở nước ta trước Cách mạng tháng 8 và hành động đấu tranh tự phát của nông dân lúc bấy giờ. Bản tính con người vốn lương thiện, chỉ vì hoàn cảnh xô đẩy, chỉ vì một phút nông nỗi, con người ta có thể sẽ phạm sai lầm. Và sau mỗi sai lầm đó, thay vì chúng ta thông cảm, sẻ chia, động viên họ trở thành con người lương thiện thì rất nhiều người trong chúng ta xa lánh, đẩy họ xa rời xã hội thực tại, đẩy họ vào con đường tội ác một lần nữa. Đó chính là hiện thực của xã hội trước Cách mạng tháng tám và cũng chính là thực tại của chúng ta bây giờ!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro