chi so va phuong thuc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chỉ số chứng khoán Việt Nam ký hiệu là VN-Index. VN-Index xây dựng căn cứ vào giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu được niêm yết. Với hệ thống chỉ số này, nhà đầu tư có thể đánh giá và phân tích thị trường một cách tổng quát.

VNIndex được tính theo công thức sau:

• Chỉ số chứng khoán (VN-Index) = (P1i x Q1i)/(P0i x Q0i) x 100

Trong đó:

P1i : Giá hiện hành của cổ phiếu i

Q1i: Khối lượng đang lưu hành của cổ phiếu i

Poi : Giá của cổ phiếu i thời kỳ gốc

Qoi : Khối lượng của cổ phiếu i tại thời kỳ gốc.

Các trường hợp điều chỉnh và cách điều chỉnh:

1/ Khi trên thị trường xảy ra trường hợp niêm yết mới hay tổ chức niêm yết tiến hành tăng vốn, hệ số chia sẽ được điều chỉnh như sau:

D1 = (D0 x V1)/(V1 - AV)

Trong đó:

D1: Hệ số chia mới

D0: Hệ số chia cũ (D0 = Tổng( Poi x Qoi))

V1: Tổng giá trị hiện hành của các cổ phiếu niêm yết (V1 = Tổng(P1i x Q1i))

AV: Giá trị điều chỉnh cổ phiếu

2/ Khi hủy niêm yết hay tổ chức niêm yết tiến hành giảm vốn, hệ số chia mới sẽ được tính như sau:

D1 = (D0 x V1)/(V1 + AV)

Hai phương pháp tiếp cận đầu tư chứng khoán

Theo các nhà đầu tư tài chính có kinh nghiệm thì không nên chăm chăm vào mua bán giao dịch, mỗi người phải xác định cho mình một chiến lược và có biện pháp thực hiện chiến lược đó.

Lấy ví dụ đơn giản, một người xác định đầu tư một khoản tiền và chỉ cần thu lợi ở mức 20%/năm. Đạt được mức kỳ vọng đó, anh ta có thể bán chứng khoán để hiện thực hoá lợi nhuận và chờ đợi cơ hội đầu tư tiếp theo. Thời điểm thị trường hiện nay, nhiều nhà đầu tư bắt đầu để tâm dành thời gian nghiên cứu các kiến thức về chứng khoán và đầu tư để tìm cơ hội đầu tư mới.

Phương pháp tiếp cận từ trên xuống

Với phương pháp này, nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ có sự phân tích vĩ mô từ bức tranh kinh tế tổng thể của thế giới, khu vực và lựa chọn những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, chính trị ổn định... Sau đó đánh giá xu thế của thị trường chứng khoán thông qua các chỉ số tiêu biểu trên biểu đồ dài hạn, như ở Việt Nam là VN-Index... Xu thế thị trường tăng giá sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư hơn cả.

Tiếp theo là phân tích sâu về nền kinh tế: Lãi suất, lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp... Trong đó, việc tìm ra những ngành có tốc độ phát triển cao của nền kinh tế giúp nhà đầu tư tập trung thời gian và công sức vào mục tiêu hơn. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, một số ngành được coi là có nhiều tiềm năng phát triển cao hơn như tài chính ngân hàng (45%/năm), bất động sản, thủy sản, dầu khí, dược...

Bước cuối cùng, chính là việc giới hạn sự quan tâm vào ngành đã chọn, tìm kiếm những công ty hoạt động tốt trong ngành và tiến hành những phân tích cơ bản. Những tiêu chí vẫn được các nhà đầu tư quan tâm nhiều là tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và một số chỉ tiêu đặc thù tuỳ theo ngành.

Cần phải lưu ý rằng giữa điều kiện kinh tế và các chỉ số chứng khoán không phải bao giờ cũng trùng khớp với nhau, theo kinh nghiệm thì thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế, tức là nó mang tính dự báo. Do đó việc phân tích các hệ số giá/thu nhập (P/E), hệ số giá/doanh thu (P/S), cổ tức/giá (Dividend Yield) so với quá khứ giúp nhà đầu tư đánh giá được phần nào thị trường đang mua hay bán quá mức.

Nếu đánh giá tổng quan về thị trường cổ phiếu là tốt thì nhà đầu tư nên dành phần lớn tài sản của mình cho thị trường này, nếu không thì có chiến lược phân bổ tài sản hợp lý vào những công cụ có thu nhập ổn định (trái phiếu) hay thị trường tiền tệ.

Phương pháp tiếp cận từ dưới lên

Phương pháp này, ngược lại, gần như bỏ qua các điều kiện kinh tế vĩ mô và ngành, chỉ chú trọng tới việc tìm kiếm doanh nghiệp hoạt động tốt. Phương pháp này dựa trên quan điểm cho rằng bất kỳ ngành nào, kể cả đang trong chu kỳ suy thoái hay kém hoạt động đều có những doanh nghiệp tốt nhất. Các nhà đầu tư sẽ tiến hành so sánh các chỉ tiêu cơ bản của các công ty dựa trên những báo cáo tài chính để lựa chọn một công ty tốt.

Những chỉ tiêu cần đánh giá:

1) Quy mô thị trường tiềm năng - là chỉ tiêu khó đánh giá và hiện còn thiếu thông tin thống kê, tuy nhiên cố gắng nắm bắt được thị trường tiềm năng cho sản phẩm dịch vụ sẽ giúp chúng ta có ước tính được về lợi nhuận của công ty.

2) Doanh thu và lợi nhuận cao-hiện tại và tiềm năng.

3) Bảng cân đối kế toán "sạch"- thể hiện được hiệu quả quản lý và sử dụng vốn một cách đáng tin cậy, những công ty nợ nần chồng chất và quản lý dòng tiền kém sẽ bị loại ra.

4) Dòng tiền - dòng tiền tự do nhiều thể hiện khả năng tự tài trợ cho các hoạt động của mình mà không phải tăng nợ hay cũng chính là tiền đề tăng cổ tức chi trả trong tương lai.

5) Thị phần - những công ty tốt liên tục tăng thị phần và mở rộng sang cả những thị trường mới với tốc độ tăng trưởng vững chắc.

Lấy ngành thủy sản làm ví dụ, cụ thể với 3 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE là AGF, ABT và TS4. Trong điều kiện hiện nay thì nhu cầu và sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thủy hải sản ngày càng lớn, thị trường tiềm năng cho mặt hàng này khẳng định là rất lớn. Năm 2006 doanh thu và lợi nhuận của 3 doanh nghiệp này tăng mạnh.

Một điểm cần lưu ý, AGF trong năm 2006 đầu tư mở rộng sản xuất lớn khoảng 150 tỉ đồng cùng với việc chú trọng khâu nguyên liệu là một trong những lý do khiến cho chi phí sản xuất của AGF chiếm tỉ trọng cao trong doanh thu, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không tăng mạnh bằng ABT. Là doanh nghiệp lớn hơn so với 2 doanh nghiệp còn lại, lại đang liên tục đầu tư mở rộng sản xuất, với ưu thế sẵn có của mình - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa lớn thứ 2 Việt Nam, AGF có nhiều khả năng mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.

Đây chỉ là những phân tích sơ lược về 2 cách tiếp cận đầu tư, thực tế việc tiến hành còn đòi hỏi nhiều kiến thức và tính linh hoạt cao. Phương pháp tiếp cận từ trên xuống có ưu điểm là nắm bắt được tình hình chung của thị trường, do đó không đầu tư thái quá vào cổ phiếu cho dù cổ phiếu đó tốt (độ chênh lệch giữa điều kiện kinh tế và thị trường chứng khoán).

Phương pháp tiếp cận từ dưới lên nhiều khi đem lại cho nhà đầu tư cơ hội bình thường khó thấy, dễ bị bỏ qua có thể bởi doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động trong ngành kém "hấp dẫn". Mặc dù phương pháp tiếp cận này dường như khó hơn, nhưng nếu nhà đầu tư có hiểu biết chuyên môn về một lĩnh vực, ngành nào đó thì biết tận dụng kiến thức và kinh nghiệm này có thể đem lại cơ hội đầu tư tốt.

Đầu tư chứng khoán

ĐTCK-online, 2009-07-24 11:06:02

Đầu tư chứng khoán là một loại hình đầu tư tài chính. Theo mục đích đầu tư, hoạt động đầu tư có 4 loại là Đầu tư ngân quỹ; Đầu tư hưởng lợi; Đầu tư phòng vệ; và Đầu tư nắm quyền kiểm soát. Đầu tư chứng khoán có 3 đối tượng là Nhà đầu tư; Nhà phát hành; và Trung gian tài chính.

Khái niệm

Đầu tư chứng khoán là một loại hình đầu tư tài chính. Trong hoạt động này, NĐT bỏ tiền để mua chứng khoán (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu...). Giá trị của chứng khoán phụ thuộc vào giá trị kinh tế cơ bản của các quyền được bao hàm trong mỗi loại chứng khoán, hay phụ thuộc vào năng lực tài chính của nhà phát hành. Đồng thời, giá chứng khoán phụ thuộc vào quan hệ cung cầu chứng khoán trên thị trường. Đầu tư chứng khoán giúp NĐT có thể thu được lợi nhuận từ phần lợi tức được chia và phần tăng giá chứng khoán trên thị trường. Mặt khác, NĐT có thể được hưởng quyền quản lý, quyền kiểm soát doanh nghiệp từ việc nắm giữ cổ phiếu.

Phân loại đầu tư chứng khoán

Có nhiều cách phân loại đầu tư chứng khoán. Ở đây chỉ đề cập đến việc phân loại theo mục đích đầu tư. Theo đó, hoạt động đầu tư chứng khoán có thể chia thành:

Đầu tư ngân quỹ

Hoạt động đầu tư ngân quỹ thường được thực hiện bởi các tổ chức kinh tế và NĐT lớn. Xuất phát từ nhu cầu thanh toán chi trả, nhu cầu dự phòng và dự trữ, các tổ chức kinh tế và NĐT lớn thường phải nắm giữ một lượng tiền khá lớn. Tuy nhiên, tiền không phải là tài sản sinh lời, nên các đối tượng này thường có xu hướng tăng cường đầu tư vào các tài sản sinh lời, giảm dự trữ tiền, do vậy tiềm ẩn khả năng phá sản lớn do khả năng thanh toán kém. Để khắc phục điều này, các nhà quản trị tài chính thường đầu tư vào chứng khoán ngắn hạn, có khả năng chuyển đổi nhanh thành tiền như tín phiếu kho bạc, kỳ phiếu ngân hàng... Bên cạnh khả năng sinh lời, các chứng khoán này có vai trò như là các dự trữ thứ cấp khi nhu cầu thanh toán chi trả phát sinh.

Đầu tư hưởng lợi

Khác với đầu tư ngân quỹ nhằm đáp ứng khả năng thanh toán, hoạt động đầu tư hưởng lợi nhằm mục tiêu lợi nhuận. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư có thể có được từ lợi tức, từ tài sản đầu tư như cổ tức hàng năm, hay từ lợi tức của trái phiếu. Bên cạnh đó, NĐT có thể thu được chênh lệch giá chứng khoán và các quyền lợi khác nếu có. Hoạt động đầu tư hưởng lợi gồm kinh doanh chênh lệch giá, hoạt động đầu cơ, kinh doanh giảm giá, tạo lập thị trường.

Đầu tư phòng vệ

Hoạt động đầu tư có khả năng mang lại lợi nhuận lớn, song cũng hàm chứa rủi ro rất cao. Vì vậy, công cụ phòng vệ xuất hiện ngày càng nhiều nhằm giúp NĐT phòng tránh rủi ro, như: hợp đồng giao sau, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền mua..., các công cụ này được sử dụng cho cả nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch giá, nghiệp vụ đầu tư và nghiệp vụ phòng vệ.

Đầu tư nắm quyền kiểm soát

Cổ phiếu cho phép chủ sở hữu có quyền kiểm soát công ty phát hành thông qua quyền nhận thông tin, quyền tham dự và biểu quyết tại ĐHCĐ. Số lượng cổ phiếu nắm giữ thường quyết định khả năng biểu quyết, kiểm soát của NĐT. Một số NĐT lớn, thường là NĐT tổ chức như doanh nghiệp hoặc ngân hàng lớn thường thực hiện hoạt động đầu tư nắm quyền kiểm soát.

Một hình thái khác của đầu tư nắm quyền kiểm soát phát triển trong những năm gần đây là hoạt động đầu tư mạo hiểm. Một số tổ chức đầu tư lớn tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các công ty chưa phát triển, đặc biệt yếu kém về công nghệ quản lý. Thông qua nắm quyền kiểm soát, họ thực hiện tái cấu trúc công ty, thay đổi quản lý, công nghệ, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện hình ảnh trong công chúng đầu tư và sẽ thực hiện bán cổ phiếu trên thị trường tập trung hoặc thị trường OTC khi cổ phiếu tăng giá.

Đối tượng tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán

1. Nhà đầu tư

NĐT bao gồm NĐT có tổ chức như ngân hàng, CTCK, công ty bảo hiểm, DN. Đặc điểm cơ bản của nhóm NĐT này là quy mô vốn đầu tư lớn, có tính tập trung hoá hoạt động đầu tư cao, hoạt động chuyên nghiệp với danh mục đầu tư đa dạng và linh hoạt. Đặc biệt, các tổ chức kinh doanh chứng khoán như ngân hàng, CTCK có thể đảm nhận vai trò tạo lập thị trường.

Các DN cũng là đối tượng đầu tư quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của đối tượng này thường kém chuyên nghiệp hơn, chủ yếu tập trung ở hoạt động đầu tư ngân quỹ nhằm đáp ứng khả năng thanh toán chi trả và hoạt động đầu tư nắm quyền kiểm soát.

Bên cạnh NĐT có tổ chức, các NĐT cá nhân có vai trò quan trọng trong việc làm tăng tính sôi động của thị trường. Nhiều nước trên thế giới cho phép NĐT được ký hợp đồng và mở tài khoản tại nhiều CTCK. Biện pháp này giúp NĐT có thể thực hiện phân tán đầu tư, tận dụng lợi thế của từng CTCK trong việc thực hiện giao dịch, đồng thời các CTCK buộc phải cạnh tranh với nhau, từ đó làm tăng chất lượng dịch vụ cung cấp. Ở Việt Nam, phương thức quản lý chưa hoàn thiện, chưa thực sự kiểm soát chặt chẽ các giao dịch, đặc biệt là giao dịch nội gián và thao túng thị trường, do vậy hiện mới chỉ cho phép mỗi NĐT được mở 1 tài khoản tại một CTCK.

Các NĐT cá nhân thường gặp bất lợi về quy mô, do vậy chi phí đầu tư cao, khả năng phân tán rủi ro và đa dạng hoá đầu tư kém, tính chuyên nghiệp thấp. Danh mục đầu tư của các NĐT cá nhân ở Việt Nam thường đơn giản, chủ yếu là cổ phiếu. Hơn nữa, việc hoạch định danh mục đầu tư còn thiếu khoa học và quản lý thụ động. Chứng khoán được lựa chọn còn theo cảm tính, do vậy chất lượng đầu tư thường không cao.

2. Nhà phát hành

Nhà phát hành lớn nhất trên thị trường là các tổ chức kinh tế, bao gồm Chính phủ và chính quyền địa phương, DN, ngân hàng thương mại và các trung gian tài chính khác. Hoạt động phát hành chứng khoán của các trung gian tài chính làm tăng khả năng tích tụ và tập trung vốn trên thị trường. Chính phủ và chính quyền địa phương phát hành trái phiếu và công cụ nợ ngắn hạn nhằm huy động vốn để bù đắp thiếu hụt ngân sách và chi đầu tư.

Các DN phát hành cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ nợ ngắn hạn nhằm huy động vốn đáp ứng nhu cầu hoạt động. Phần lớn lượng vốn này được dùng để đầu tư mua sắm các tài sản thực, do vậy làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Các trung gian tài chính như ngân hàng thương mại có thể phát hành chứng khoán để huy động vốn. Chứng khoán do đối tượng này phát hành có khối lượng lớn và độ an toàn khá cao, do vậy thường hấp dẫn công chúng đầu tư.

3. Trung gian tài chính

Các tổ chức trung gian đầu tư bao gồm CTCK, công ty quản lý quỹ, tổ chức bảo hiểm, ngân hàng và trung gian đầu tư khác. Các CTCK thường thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, tự doanh...

Khác với CTCK, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hoạt động uỷ thác đầu tư hoặc phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán và thực hiện quản lý danh mục đầu tư chứng khoán cho khách hàng (những người sở hữu chứng chỉ quỹ).

Công ty bảo hiểm là trung gian đầu tư điển hình. Thông qua hoạt động khai thác bảo hiểm, các công ty này thu hút lượng vốn lớn trong nền kinh tế và thực hiện hoạt động đầu tư vốn nhàn rỗi, chủ yếu vào các chứng khoán.

Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#quynh