Chia Tay Ấu Thơ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Con người ta, sống trên đời, ai cũng sẽ phải lớn lên. Nhưng dường như sự trưởng thành của mỗi người không chỉ dựa vào sự nhiều lên của tuổi tác, mà được đo bằng những trải nghiệm âm thầm mà sâu sắc trong tâm hồn".

Chap 1 : Cô Bé Mưa Rào

"Cậu bạn thân hồi nhỏ, cô bạn gái đầu tiên chúng ta thích, những trò đùa tai quái, những trò nghịch dại, liệu có bao giờ sau này giữa dòng đời ngược xuôi, ta bất giác nhớ lại những hình bóng thân thương ấy và thấy môi mình mỉm cười. Hay ta sẽ tiếc nuối bởi những giấc mơ thêu dệt nên một thời hoa mộng ấy đã trôi xa mãi chẳng bao giờ quay lại". 

  Tuổi thơ tôi gắn bó với con phố nhỏ nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Nói là con phố cũng không đúng, thật ra đó chỉ là một cái ngõ nhỏ mà thôi. Nhà trong ngõ nên mỗi lần trời đổ cơn mưa lớn một chút là lại bị lụt. Hồi còn bé, tôi chẳng thấy những cơn mưa rào mùa hạ có hại gì. Chỉ thấy vui vì sẽ được lội bì bõm trong ngõ. Rồi tôi và thằng bạn thân chí cốt, có khi cả em gái tôi nữa, sẽ té nước lên nhau.   Hồi tiểu học, rồi cấp hai, mấy lần liền tôi và nó bị bố mẹ đánh cho mấy cái roi vào chân vì tôi thích nghịch nước. Nhưng phạt thì phạt thế chứ tôi chẳng bao giờ thôi cái trò đùa nghịch chỉ dành riêng cho bọn con trai nhà trong ngõ này. Về sau, tôi còn có thêm cái thú là ngồi cạnh chậu hứng nước mưa rơi tí tách xuống từ cái mái hiên bị dột. Đến khi bố tôi sửa lại mái nhà, không còn những ngày thỉnh thoảng có giọt mưa rơi xuống mâm cơm, tôi buồn đi một nửa. Rồi tới lúc con đường trong phố được phường nâng cấp, làm lại, không bị ngập nước nữa, lòng tôi lại thêm một nỗi buồn tê tái, cứ như có thứ gì đó bị mất đi trong mình.  

Nhưng vì là trẻ con, nên dù có buồn, thì cũng hết nhanh thôi. Những mùa hè cứ thế trôi qua, vào kì nghỉ ba tháng cuối cùng trước khi tôi vào lớp 10, mỗi ngày trôi qua với tôi đều nhàm chán vô cùng bởi bạn bè tôi đều bận ôn thi vào cấp ba, chỉ có tôi, đã được bố mẹ chuẩn bị cho cái tinh thần sẽ học đúng tuyến nên coi việc ôn thi vào cấp 3 khá nhẹ nhàng. Dù sao thì tôi cũng là học sinh giỏi suốt 9 năm đi học cơ mà. Bạn bè bình thường từ chối đi chơi với tôi đã đành, cái thằng Lâm - bạn chí cốt từ thuở nhỏ của tôi tuần trước nghịch dại trèo lên cái xe máy của bố nó, định chụp mấy tấm ảnh lấy le, thế mà xe đổ, nó bị gãy chân phải bó bột nên cũng ở nhà suốt, bỏ tôi một mình. Thấy tôi ngày nào cũng nằm ườn ra, học bài rồi lại nằm ngủ, mẹ bảo tôi được nghỉ rảnh rỗi thì ra phụ giúp bán hàng ở cái cửa hàng tạp hóa của bác tôi. Bác đây là anh trai ruột của mẹ tôi, nhưng nhà tôi nhỏ còn nhà bác thì to. Nhà tôi năm trong ngõ còn nhà bác nằm đường hoàng ngoài mặt phố, có gắn cả biển hiệu lớn, đèn điện sáng trưng. Bác không kết hôn nên rất quý hai anh em tôi. Lúc trước tôi và em gái, còn cả thằng Lâm hay ra cửa hàng bác mua kem ăn. Lần nào bác cũng không lấy tiền nên thằng Lâm thích nhất. Cửa hàng nhà bác lúc nào cũng bật điều hòa, kể ra mùa hè ngồi ở đó thay vì nằm tự kỉ trong cái căn phòng chật hẹp của tôi thì cũng thích thật đấy. Đấy là chưa kể nếu ra ngồi ngoài cửa hàng của bác phụ giúp có khi tôi còn thoát được mấy lời cằn nhằn không dứt của mẹ. Mà với thằng cháu là đích tôn thế này thì chắc bác cũng chẳng nỡ giao cho mấy việc nặng nhọc đâu mà. Thế là tôi gật đầu cái rụp, và ngay ngày hôm sau thì được mặc chiếc áo đồng phục màu xanh lá cây cho giống với các anh chị khác trong cửa hàng.  

Ngày đầu tiên ngồi làm nhân viên bán hàng, tôi thấy công việc khá nhẹ nhàng bởi mọi người chưa thực sự tin tưởng một thằng nhóc chuẩn bị lên cấp ba lắm, nên cứ có khách tiến về phía bàn tôi định thanh toán thì lại có một anh hoặc chị nào đó chạy ra giúp đỡ. Ngày thứ 2 tôi được cất nhắc lên một chút khi có một đứa trẻ con hỏi quầy kem ở đâu thì tôi đã dẫn thằng bé ra tận nơi. Thật ra tôi cũng khá rành chỗ quầy kem và các loại kem trong đó bởi hầu như ngày nào cũng chạy ra đây ăn. Ngày thứ 3 trời mưa tầm tã nên vắng khách. Bác tôi sợ trời mưa càng lúc càng lớn nên cho mấy anh chị nhân viên nhà xa về sớm. Thành ra trong cửa hàng chỉ con mình tôi và một anh cao gầy tên Thành.  

Anh Thành là sinh viên từ Vinh lên Hà Nội học đại học, học ngành cơ khí nhưng lại rất mê văn thơ. Vắng khác, anh lôi tập thơ bỏ túi bé bằng lòng bàn tay ra đọc chăm chú. Thấy anh chẳng có vẻ muốn nói chuyện tán phét, tôi lên mạng thử coi có đứa bạn nào đang online không. Nhưng khốn nỗi đứa nào cũng bảo đang bận học, hay như cái thằng Lâm-mang tiếng bạn thân nhất của tôi thì nói thẳng thừng: “Tao đang bận chơi Game. Sắp phá đảo rồi mày ạ”. Ngao ngán bởi những câu chuyện về cái đảo tưởng tượng trong game của nó, tôi offline rồi đi lại gần cửa sổ, ngắm mưa. Được một lúc, đột nhiên tôi chú ý tới một cái bóng áo mưa màu vàng vẫn đứng trước mái hiên của cửa hàng, chiếc xe đạp còn dựng bên cạnh.  

Lúc đầu tôi cứ nghĩ người đó chỉ đứng ở đó một lúc thôi, tới khi ngớt mưa sẽ đi, nhưng kì lạ thay, người này đứng rất lâu, và không hề giống những người trú mưa bình thường, người này không hề sốt ruột hay than thở gì. Tôi dí sát mặt hơn vào cửa sổ để nhìn cho rõ. Đó là một cô gái, chỉ nhìn được nửa bên khuôn mặt nhưng có vẻ còn rất trẻ, trông chiều cao thì chắc cũng ở tầm tuổi tôi mà thôi. Một bên gương mặt với gò má bầu bĩnh, lấm tấm những giọt nước mưa, một vài sợi tóc mái còn vương bên thái dương, “cô bé này nhìn khá dễ thương”, tôi lẩm bẩm.   

-  Đâu đâu, ai dễ thương?  

Tôi giật mình quay sang bên cạnh. suýt hét toáng lên khi thấy mặt anh Thành đang kề sát. Anh chàng này tưởng mọt sách với mơ mộng mà hóa ra cũng dại gái ra phết. Tai thính vừa nghe thấy nói có người dễ thương là nhào tới liền. Tôi hất nhẹ cằm một cái:   

- Kia kìa, cô bé mặc áo mưa vàng ấy.  

Anh Thành nhìn theo hướng tôi chỉ, tặc lưỡi: “Ui dào, cũng bình thường, không mua hàng mà cứ đứng đó đọc truyện tranh mãi”. Lúc này tôi mới nhận ra cô bé “áo mưa vàng”, cứ tạm gọi thế đi đang đứng đọc say sưa một cuốn truyện nào đó. Thỉnh thoáng bắt gặp một điều thú vị trong truyện, “áo mưa vàng” lại cười khúc khích. Tôi quay lại chiếc ghế của mình, để cô ấy thoải mái sử dụng mái hiên chắn mưa của cửa hàng. Sáu giờ chiều, trời nhá nhem tối, tôi ngó ra ngoài, “áo mưa vàng” vẫn đứng đó đọc truyện, chắc định đợi tới khi trời tạnh hẳn mới về. Tôi ra công tắc điện gần chỗ cửa rồi bật đèn ngoài hiên lên. Anh Thành hỏi tôi:  

- Không có khách mà em bật đèn làm gì cho tốn điện vậy Khoa?  

Tôi chẳng đáp lại anh, còn đang mải nhìn xem “áo mưa vàng” có tinh ý nhận ra sự quan tâm nho nhỏ của tôi không. Nhưng đúng là ông trời khéo trêu đùa, đèn vừa bật lên thì “áo mưa vàng” nhìn đồng hồ đeo tay, cất quyển truyện vào chiếc túi nhỏ đeo bên sườn rồi lên xe đạp đi thẳng.  Mấy ngày hôm sau trời vẫn cứ mưa liên tiếp, cái này chắc là mưa do bão tháng 7 ở vịnh Bắc Bộ. Tôi vẫn cứ suy nghĩ lởn vởn về “áo mưa vàng”, về cái khung cảnh lãng mạn như phim Hàn khi hai đứa chỉ đứng cách nhau một cánh cửa kính. Một tuần, rồi hai tuần, “áo mưa vàng” không trở lại, tôi tạm chấp nhận sự thật phũ phàng rằng cô bé chỉ là một người khách trú mưa mà thôi, có khi hôm đó còn là lần đầu tiên cô vào cửa hàng này, có khi sau này cô cũng chẳng ghé vào nữa. Thằng Lâm đã đỡ hơn trước một chút, thỉnh thoảng nó lại lê cái chân bó bột ra ngoài cửa hàng chơi với tôi. Chắc vì mẹ nó vẫn kêu suốt là nếu nó nằm lì một chỗ như thế thì vòng bụng sẽ ngày càng trồi lên và hai chân nhỏ xíu lại mất thôi. Mà thằng Lâm lại là đứa rất coi trọng ngoại hình nên nó vội vận động ngay. Ra cửa hàng của bác tôi, thằng Lâm hớn hở lắm. Mấy chị nhân viên trong cửa hàng vừa khen nó trông sáng sủa là nó đã vội vàng kể ngay câu chuyện về dòng họ nó có một chú làm diễn viên kịch nói nổi tiếng. Tôi chẳng biết chú nó nổi cỡ nào nhưng tôi thấy nó tự hào ghê lắm. 

- Mày làm ở cái chỗ này sướng quá còn gì, có điều hòa, máy vi tính, lại còn được giao thiệp rộng, chả bù cho tao.   

Ông nội Lâm là đại tá về hưu, hồi trẻ từng tham gia kháng chiến cứu nước nên được rất nhiều người kính trọng. Bây giờ ông nó già rồi còn mở cửa hàng thuê truyện tranh ở tầng một nên bọn trẻ con trong phố lại càng thêm quý ông. Chúng tôi ai cũng thích cửa hàng thuê truyện. Tôi nghĩ cửa hàng tạp hóa của bác tôi đóng cửa một ngày thì còn có những cửa hàng khác. Nhưng hàng thuê truyện của ông nội thằng Lâm mà đóng cửa thì tụi trẻ con chỉ có đường khóc thét thôi. Từ hồi bị gãy chân, thằng Lâm thường xuyên ngồi dưới tầng một để ông nội còn trông nom nó. Còn nó thì than thở ngoài việc ông nó cho chơi game thoải mái ra thì tầng một vừa nóng lại chật hẹp, chẳng thích chút nào. Lâm đến chơi một lúc rồi về, trước khi đi nó còn vỗ vai tôi châm chọc:  

- Làm việc chăm chỉ đi nhé, tao có cảm giác hôm nay là ngày may mắn của mày đấy.   

Lâm ngày thường hay khoác lác nhưng hôm đó thì đúng là ngày may mắn của tôi thật. Tôi gặp lại “áo mưa vàng” một lần nữa. Chúng tôi hội ngộ khi bác bảo tôi ra ngoài ghi vé xe cho khách. Lúc đi ngang qua bãi gửi xe, tôi chú ý ngay tới một chiếc xe đạp có một cái áo mưa màu vàng xếp ngay ngắn nơi giỏ xe. Đúng là chiếc xe đạp của cô bé ấy, đúng là áo mưa của cô bé ấy, vậy là cô ấy hẳn đang ở trong cửa hàng. Tôi chạy vội vào trong, đi nhanh qua các dãy đồ để xem cô bé đó đâu. Kia rồi, một cô gái dáng người dong dỏng, mái tóc đen dài tết thành một bím vắt gọn gàng lên vai đang đứng đợi thanh toán ở quầy anh Thành. Căn cứ vào dáng người thì không thể nào sai đi đâu được. Tôi cũng ra đứng gần chỗ Thành, vờ đang tìm kiếm gì đó trong ngăn tủ, cố tình đợi cho tới khi đến lượt “áo mưa vàng”.   Đây rồi, cô bé cầm tập vở trên tay, tôi cố ngẩng lên liếc nhìn nhãn vở nhưng những ngón tay cô bé đã che mất rồi. “Áo mưa vàng” mua một hộp kẹo cao su và một vài cái kẹo mút. Xong việc cô đi ra ngoài nhanh chóng, chẳng hề để ý tới tôi đang thất thểu ngồi bệt xuống đất phía sau quầy trả tiền. Cả ngày hôm đó tôi cứ thẫn thờ tiếc nuối mãi. Nghĩ tới cái bóng dong dỏng của cô bé đạp chiếc xe đi là tôi lại mong sẽ được sớm gặp lại cô. Cuối giờ làm, lúc đang chuẩn bị dọn dẹp đóng cửa hàng, anh Thành ra khoác vai tôi nói:   

- Anh biết tên người làm chú em mất hồn rồi nhé”.  

- Anh nói vớ vẩn gì thế? Tôi gạt tay anh sang một bên.   

- Thôi anh biết tỏng rồi, cái đứa con gái mặc áo phông màu hồng nhạt mua kẹo cao su hôm nay chứ gì?  

Tôi giật mình hỏi:   

- Ơ sao anh biết?  

Anh Thành nháy mắt nói:  

- Anh thấy em cứ loay hoay đứng đó, mắt thì liếc ngang liếc dọc là anh biết rồi. Lúc cô bé ấy để tập vở xuống bàn để lấy tiền, anh thấy rõ họ tên luôn.   

Tôi vội hét toáng lên:  

- Tên cô ấy là gì, nói cho em nghe đi.   

Anh Thành lắc đầu một cách đáng ghét:   

- Không được, hôm nay em đổ rác hộ anh đi thì anh nói cho.  

Dù vốn ghét nhất công việc đổ rác của cửa hàng nhưng vì sự nghiệp tình yêu của mình, tôi đành chấp nhận. Dọn dẹp đâu đó sạch sẽ, cuối ngày, tôi tạm hài lòng với cái tên mình nhận được. Và đêm hôm ấy, tôi ngủ rất ngon, trong giấc mơ, tôi nhìn thấy một cơn mưa và cô bé mặc áo mưa vàng đứng bên cạnh. Tôi chỉ biết rụt rè gọi nhỏ tên cô ấy: Hạ Quyên   Mấy ngày sau đó, tôi như người trên mây, lùng sục tìm trên blog cái tên Hạ Quyên, có tới 3.000 kết quả. Đúng là chuyện hoang đường, thường thì người ta hay đặt tên con gái là Đỗ Quyên hay Ngọc Quyên, sao cái tên lạ thế mà lại có nhiều người trùng thế nhỉ. Nhà chỉ có một cái máy tính, hai anh em thay phiên nhau dùng hai tiếng buổi chiều và một tiếng buổi tối. Thấy tôi sắp dùng quá sang giờ của nó, cái Phương em gái tôi cằn nhằn:  

- Anh Khoa, anh dùng nhanh lên. Cho em còn dùng nữa, em sắp phải đi học rồi.   

- Chờ anh tí, tôi nài nỉ.   

- Anh làm gì đó? Cái Phương vừa hỏi vừa chạy lại đứng phía sau tôi. Thấy trên màn hình hiện ra hàng loạt blog của Hạ Quyên, nó thở dài:  

- Anh tìm như vậy đến bao giờ mới xong. Ít ra anh phải có họ mới tìm được. Mà nhỡ bạn anh không để tên blog là tên thật của mình thì sao?   

Lời nhận xét của cái Phương làm tôi chột dạ. Lại còn có cái trường hợp đó nữa à. Công nhận tôi cứ lao vào tìm kiếm như này không phải là cách. Dù sao, đây có phải là bài học thử lòng kiên trì đâu cơ chứ. Hết cách, tôi đứng lên nhường chỗ cho đứa em gái. Tôi toan định chạy sang nhà Lâm nhờ nó tư vấn, dù sao nó cũng thuộc dạng nhanh trí, nhưng lại sợ nó biết lại trêu chọc, tôi đành thôi. Tối hôm đó đi ngủ tôi đã chắp tay cầu trời cho tôi gặp lại Hạ Quyên một lần nữa. Tôi vốn không tin chỉ cầu nguyện xuông thế mà cũng thành. Nhưng lần này, tôi đã được đáp lại. Hai ngày sau, bạn của cái Phương bị ốm nên không qua đèo cái Phương đi học piano được. Bố mẹ đều bận đi làm nên mẹ bảo tôi nghỉ làm ở cửa hàng một buổi để đèo em đi học. Bị đánh thức vào lúc giữa trưa, lại còn bị đứa em gái có cái giọng cao vút hét vào tai, tôi đâm phát cáu:  

- Sao em không tự đi đi, đi bộ ấy, cũng gần thôi chứ xa xôi gì?  

Cái Phương ngúng nguẩy, dậm chân:  

- Không, trời nắng đi bộ đen da lắm, anh đèo em đi cơ. Không em mách mẹ đấy.  

Cái Phương cứ lấy mẹ ra dọa là kiểu gì tôi cũng phải theo. Tôi đành lủi thủi đứng dậy mặc đồ rồi đèo con bé đi. Trên đường đi, tôi cứ nghĩ mông lung mãi sao bố mẹ tôi lại cho cái Phương đi học piano làm gì, lẽ ra miệng lưỡi như nó phải cho đi học hát opera mới đúng. Trưa hè, ánh nắng gắt chiếu vào mắt kính làm tôi thấy mọi thứ lóa lóa, lúc rẽ vào ngõ nhà cô giáo Phương, tôi nhìn không rõ nên loạng choạng bị mắc luôn tay lái vào chiếc xe đạp đi ngược chiều. May mà em gái tôi kịp nhảy xuống nên tôi mới giữ được thăng bằng. Cái Phương vội xin lỗi người kia rối rít. Người lái xe là một thanh niên trẻ, trông dáng chắc chỉ hơn tôi vài tuổi. Cái Phương giải thích gì đó với người thanh niên kia, còn tôi, tôi chẳng để ý gì, còn đang mải nhìn cô bé đang đi bộ trên vỉa hè vừa bị hai chiếc xe đâm vào nhau làm cho giật mình. Chính là Hạ Quyên, sao tôi lại toàn gặp cô bé ấy trong những tình huống bất ngờ thế này. Sau khi nghe cái Phương giải thích, người thanh niên kia đạp xe đi mất, lúc này, con bé đột ngột hét lên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Nó gọi rất lớn:  

- Chị Quyên.   

Nó chẳng thèm chào tôi, chạy ngay ra chỗ người trong mộng của tôi rồi hai người cùng đi vào lớp học, vừa đi vừa trò chuyện có vẻ thân thiết lắm. Cái Phương này, hóa ra nó học cùng người tôi đang tìm kiếm, thấy tôi khổ sở suốt hai ngày nay mà không nói gì, con bé gian thế không biết. Tí nữa đi học về thì nó biết tay tôi. Tôi hét lớn, cố để cả Hạ Quyên cũng nghe thấy:  

- Tan học anh đón em nhé.   

Hí hửng đạp xe về nhà, tôi nghĩ chỉ cần vào blog cái Phương rồi tìm trong đám bạn của nó cái tên Hạ Quyên là sẽ ra ngay. Thật không ngờ trong đám bạn đanh đá của cái Phương lại có một Hạ Quyên hiền lạnh nhẹ nhàng thế. Bình thường cứ hôm nào cái Phương rủ bạn về nhà học nhóm là tôi lại ngao ngán tìm cớ chạy sang trú ẩn nhờ ở nhà thằng Lâm. Mấy đứa bạn của cái Phương đứa nào tính cũng giống nó, tức là hay theo dõi, xách mé, và bắt bẻ tôi. Như cái Lan Anh thì chê tôi quá gầy, cái Trà My thì kêu phòng tôi bừa bộn quá, nhưng trong đám bạn của nó hay tới nhà tôi chơi thì tuyệt nhiên không có Hạ Quyên. Hẳn là hai đứa mới quen nhau. “À”, tôi chợt nhớ ra Phương gọi Hạ Quyên là chị, như thế tức là hơn tuổi con bé rồi. Cứ chốc chốc, tôi lại liếc nhìn đồng hồ một lần, mong tới 3 giờ chiều cho nhanh để còn đi đón em gái.   

Cái Phương tan học, tôi đến sớm trước 10 phút, nhìn xung quanh xem có thấy Hạ Quyên không. Phương đến hù tôi từ phía sau một tiếng rồi trêu đùa:   - Anh đang ngắm ai đó?   Nói rồi con bé ngồi luôn lên xe làm tôi loạng choạng suýt ngã. Tất cả cũng chỉ vì dù chỉ kém tôi ba tuổi nhưng cái Phương rất nặng xương nên lần nào đạp xe đèo nó là tôi cũng mệt muốn xỉu. Nhưng hôm nay tôi phải chiều lòng con bé thôi mới mong có được danh tính người đẹp. Nó ngồi phía sau hí hửng kể với tôi đủ thứ chuyện, nào là cô giáo nó biết tự sáng tác nhạc, nào là hôm nay có hai anh em sinh đôi tới xin học. Bình thường tôi rất thờ ơ với những chuyện của nó, nhưng hôm nay tôi hưởng ứng rất nhiệt tình. Con bé không nghi ngờ gì. Về gần tới nhà, tôi hỏi nó, vờ như buột miệng:

  - Phương ơi, cái bạn Quyên đó học lớp mấy thế? Có biết học trường nào không?.  

Cái Phương suy nghĩ một lúc rồi nó bảo tôi:  

- Năm nay lên cấp 3, chắc là bằng tuổi anh đó. Mà sao anh hỏi nhiều vậy, thích chị đó hả?

  Bị con bé em bắt trúng tim đen, tôi đáp lửng lơ:  

- Ừ thì nhìn cũng dễ thương đó. Nhưng mà không biết có kiêu không?  

Cái Phương nghe tôi nói rồi phán một câu tỉnh bơ:  

- Không kiêu. Nhưng người như anh thì không cua được đâu.   

Cái con bé này, đâu cần phải nói thẳng toẹt ra như thế. Như em gái nhà khác thì chắc sẽ động viên anh trai, hoặc nếu không thì cũng tìm lời an ủi cho anh đỡ tuyệt vọng, còn em tôi thì không. Đã thế nó ám chỉ “người như anh” làm tôi cứ thắc mắc mãi người như tôi là người như nào.  

Từ lúc tìm được blog Hạ Quyên, tôi cứ khấp khởi mãi chờ ngày cô bé đồng ý làm bạn với tôi. Rồi ngày đó cũng đến, tôi nhảy khắp phòng vì sung sướng. Từ nay có thể chia sẻ với người tôi thương thầm rồi. Tôi định viết gì đó lên blog của Hạ Quyên, nhưng viết gì bây giờ. Suy nghĩ suốt cả ngày trời vẫn không nghĩ ra, buổi tối, tôi nhanh nhảu rửa bát hộ cho cái Phương, rồi còn quét nhà hộ nó, chỉ mong con bé hiến kế hay tiết lộ ít thông tin cho. Cái Phương vốn nhanh nhẹn nên hiểu ý tôi luôn, lúc hai anh em đang đứng trên sân thượng phơi đồ, nó lại gần tôi khoác vai có vẻ rất thân thiết rồi bảo: 

  - Chị Hạ Quyên tháng 9 tới vào học cùng trường anh đó.   

Chỉ vừa nghe thấy tin này, tôi hét toáng lên. Ôi trời ơi, một cái tin quý giá như thế mà con bé này lại giữ trong lòng bây giờ mới nói cho tôi biết. Tôi cuống quýt, hỏi vội:  

- Thật không? Thật không? Sao em biết?  

- Thì em hỏi chị ấy mà.  

Ôi thật là một đứa em ranh mãnh, hóa ra Phương đã hỏi được Hạ Quyên cả tỉ thứ nhưng cứ im ỉm không nói. Tôi hỏi liên tục xem em gái tôi còn biết chuyện gì về Hạ Quyên không. Quả nhiên là rất nhiều. Nào là chuyện Hạ Quyên là con nhà gia giáo đúng nghĩa vì cả bố lẫn mẹ cô bé đều là giáo viên. Hạ Quyên đã học piano từ lúc 7 tuổi nên trong lớp có thể coi là cao thủ rồi, thường được giao đánh bài mẫu cho cả lớp. Có một chuyện tôi đặc biệt chú ý. Đó là chuyện trong lớp piano có một thằng nhóc cũng thích Hạ Quyên. Nghe cái Phương kể thì thằng nhóc này ngày nào đi học piano cũng ngồi cạnh Hạ Quyên và đề nghị đèo về nhà nhưng chưa lần nào có được sự đồng ý của người đẹp.  Những ngày sau đó tôi sống như người trên mây, ngày nào cũng mở lịch xem sắp tới ngày tựu trường chưa. Tôi vẫn xung phong đèo cái Phương đi học làm mẹ tôi không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên chẳng ai biết tôi đã phải tiết kiệm tiền tiêu vặt của mình để đổi lấy thông tin về Hạ Quyên từ đứa em gái. Một hôm, thằng Lâm tới thăm tôi ở cửa hàng, vừa nhìn thấy tôi nó đã cười như nắc nẻ:  

- Cái đầu, cái đầu của mày bị sao thế kia?  

Tôi gãi đầu ngán ngẩm, tất cả chỉ vì cái Phương muốn mua một cái bút phát sáng nên tôi phải tiết kiệm tiền mẹ cho cắt tóc để mua cho con bé. Tôi không vào hàng có anh thợ cạo răng khểnh như mọi lần nữa mà ra chỗ vỉa hè dưới gốc cây nhờ một ông già cắt cho. Không biết có phải vì già rồi tay run mắt mờ không mà ông già cắt cho đầu tôi nham nhở vô cùng, trông bộ dạng tóc tôi thật thảm hại. Tôi đã định sẽ không ra khỏi nhà cho tới khi tóc mọc dài lại nhưng công việc ở cửa hàng của bác tôi thì không thể bỏ được. Thằng Lâm đã đi được, tôi thấy nó cởi bó bột ở chân rồi. Nó bảo tôi, vẫn cười không ngớt:  

- Tao tính tới rủ mày đi đá bóng mà đi với đứa trông như mày tao ngại quá. Nhỡ có ai nhìn thấy thì mang tiếng chết.   

Tôi lắc đầu:   

- Hôm nay tao không đi được đâu, hay chiều thứ 6 nhé.  

- Thứ 6 không được.  Tới lượt Lâm lắc đầu.  

Tôi ngạc nhiên, bình thường bảo đi đá bóng có bao giờ cái thằng này từ chối đâu. Lúc nào nó chả ưu tiên việc trở thành tiền đạo số một lên hàng đầu.   

- Sao mày không đi được?

  Lâm đưa mắt nhìn xung quanh cửa hàng một cái rồi chạy tới nói khẽ với tôi:  

- Tao nói cho mày nghe nhé, ở cửa hàng của ông tao ấy, mới có một cô bé xinh cực. Thứ 6 tuần nào cũng đến thuê truyện. Tao phải ở đấy để còn gặp bạn ý.   

Tôi ngán ngẩm. Cửa hàng thuê truyện tôi đi qua mấy lần, những đứa con gái đến đấy đa số đều là hạng mọt sách, à không, "mọt truyện" mới đúng. Kính thì đeo dày đến cả tấc, cả ngày chẳng nói được một câu. Thằng Lâm thấy tôi chẳng có vẻ gì đến chuyện tình yêu của nó liền bảo:  

- Mày không tin thì thứ 6 này tới nhà tao đi, tầm 2 giờ chiều ấy. 

_________________________________

"Dù tôi với nó hay đấu khẩu nhưng nó vẫn là thằng bạn thân thiết, là chiến hữu tốt nhất của tôi. Sự xuất hiện của Hạ Quyên có nguy cơ làm nó thành tình địch của tôi..."

 

Chap 2 : Thầm Thương Trộm Nhớ

Chiều thứ 6, tôi đạp xe sang nhà Lâm, trời thì nắng mà nó dặn tôi đi từ rõ sớm, buồn ngủ nên tôi ngáp dài suốt đoạn đường. Đến nơi Lâm kéo tôi vào đứng sau cái quầy tính tiền rồi bảo:   

- Mày đứng đây, đợi tí.  

Rồi nó chỉ cho tôi một cô bé vừa mới dựng xe trước thềm nhà và đi thẳng vào quầy truyện tranh quen thuộc. Thằng Lâm nói lảm nhảm bên tai tôi rất nhiều thứ, nhưng tai tôi ù đi, chẳng để tâm xem nó nói gì nữa. Lúc sau, tôi ngẫm lại thấy mọi người nhận xét đúng thật. Tôi với Lâm từ bé tới lớn có rất nhiều sở thích giống nhau. Bây giờ đến nỗi mà hai đứa cũng thích chung luôn một cô gái. 

Về tới nhà, tôi thấy người mệt mỏi như bị say nắng, tôi leo lên giường nằm suy nghĩ. Nhưng yên lặng chưa được 5 phút thì có tiếng chạy rầm rập dưới cầu thang, rồi có người xô cửa chạy vào phòng tôi. Đó là cái Phương, nó kéo tay tôi, nói gấp gáp:  

- Anh Khoa, anh Khoa, anh xuống nhà đi, cái Hạnh mang quà từ quê lên kìa.   

Hạnh là đứa bạn học cùng từ hồi mẫu giáo với em gái tôi. Cả nhà tôi chẳng lạ gì Hạnh vì nhà gần nhau nên nó rất hay chạy sang nhà tôi cho cái Phương chè với kem. Mẹ cái Hạnh là người gốc Huế nên nấu chè rất ngon. Chè xoài, chè khoai môn, chè đậu đỏ, cái nào tôi cũng thích cả. Tôi không phải người háo ngọt lắm nhưng cũng phải hâm mộ tài nghệ của cô ấy. Nhưng chẳng hiểu sao một người đảm đang như thế mà lại có một đứa con gái hậu đậu, đụng đâu vỡ đấy. Đúng là quy luật bù trừ. Hè nào Hạnh cũng theo mẹ về quê ngoại một tháng, lúc ra mang đến nhà tôi bao nhiêu là quà. Tôi giằng tay cái Phương lại:  

- Đợi anh thay cái quần dài đã, đang mặc quần đùi mà.  

Cái Phương liếc nhìn xuống chân tôi một cái rồi cười khẩy:  

- Ui dào Hạnh chứ có phải khách đâu, anh sợ gì.  

Rồi tôi bị Phương kéo xuống dưới nhà. Đúng như tôi dự đoán, trên bàn chất đầy mấy quả mãng cầu, hồng xiêm, thanh long, toàn là quả của miền trong. Tôi còn đang đếm xem có bao nhiêu quả mãng cầu tất cả thì con bé Hạnh từ đâu nhảy xổ ra trước mặt tôi khua khua con dao trước mặt, miệng nhanh nhảu nói:  

- Anh Khoa ơi, em bổ mít cho anh ăn nhé.  

Tôi nhìn về phía tay Hạnh chỉ, một quả mít to đùng, gai nhọn nằm lù lù nơi góc nhà. Rồi tôi nhìn sang Hạnh, nó thấp hơn tôi hai cái đầu, người cũng tròn trịa mũm mĩm y chang quả mít kia, đôi mắt một mí lúc nào cũng nheo nheo. Hạnh bảo tôi nó có đôi mắt cười còn tôi chỉ thấy mắt nó lúc nào cũng nhắm híp tịt lại. Tôi nhìn quả mít rồi lại quay sang nhìn Hạnh, tự dưng bật cười khanh khách. Cái Hạnh khoe:  

- Năm sau đi học tớ sẽ đi bằng xe đạp, hè vừa rồi tớ mới tập đi xe đạp đó.   

Mẹ tôi và Phương cùng cười theo cái Hạnh, còn tôi chỉ thấy thương cho cái xe đạp của nó. Con bé tròn trịa thế kia mà leo lên xe thì chắc ngày nào cũng phải bơm bánh trước mất. Mẹ tôi đột nhiên quay sang nói làm cắt ngang hình ảnh tôi đang tưởng tượng trong đầu:  

- Nếu mà cháu muốn tập đi xe đạp vững thì qua bảo anh Khoa kèm cho nè. Anh Khoa ngày xưa tập đi xe đạp nhanh lắm.   

Cái Hạnh gật đầu lia lịa, miệng cười toe toét, còn tôi chả hứng thú gì. Trong đầu tôi chỉ nghĩ đến Hạ Quyên, tôi mà được kèm cô bé đi xe đạp thì có phải là hạnh phúc nhất đời rồi không.   

Tôi hôm đó, tôi vạch ra một kế hoạch chu đáo. Thằng Lâm có lợi thế hơn tôi là nhà nó có hàng thuê truyện tranh nên tuần nào nó cũng sẽ gặp Hạ Quyên. Nhưng tôi lại có cái Phương là gián điệp tay trong rồi. Hạ Quyên sẽ học cùng trường với chúng tôi, vậy là tôi phải tìm cách để quen được cô bé, và nhất là giữ Lâm ở càng xa càng tốt. Nghĩ tới đây, tự dưng tôi thấy mình xấu xa quá. Tôi với Lâm là hai thằng bạn chí cốt, mỗi lần bị điểm kém sợ không dám mang về cho mẹ thì nhà Lâm là địa điểm cất giữ của tôi. Có lần sang nhà Lâm chơi tôi lúi húi nghịch thế nào mà làm hỏng mất cái radio nhà nó, Lâm nhận tội với mẹ thay tôi, lúc tôi hỏi sao nó làm thế thì Lâm chỉ nói:   

- Vì tao sợ mẹ tao không cho mày sang chơi nữa. Dù tôi với nó hay đấu khẩu nhưng nó vẫn là thằng bạn thân thiết, là chiến hữu tốt nhất của tôi. Sự xuất hiện của Hạ Quyên có nguy cơ làm nó thành tình địch của tôi quá. Buổi tối, mẹ bảo tôi là Lâm gọi điện nhắn tôi sang học nhóm, tôi biết tỏng cái trò này của nó, cứ mỗi lần có đĩa trò chơi gì mới là nó lại rủ rê tôi sang học nhóm. Lâm có người bác ở nước ngoài, cứ mỗi lần về nước lại mang cho nó mấy đĩa trò chơi rất hay. Trong nhà tôi thì giữa hai anh em, cái Phương mê chơi game hơn và cũng chơi giỏi hơn tôi. Nghe mẹ tôi nói vụ học nhóm, nó theo lệ cũ lập tức đi xếp mấy quyển vở vào cái balo rồi xin phép mẹ:  

- Mẹ ơi cho con sang học cùng hai anh nhé, con có bài Mĩ Thuật cần hỏi anh Lâm.  

Đấy, cái thằng Lâm vừa được cái mã ngoài bảnh bao lại vừa khéo ăn nói, nó học giỏi môn gì không giỏi lại giỏi Mĩ Thuật nên bọn con gái quý nó lắm. Tôi thì thấy mấy cái bức vẽ của nó chả có gì hay mà đám con gái lớp tôi cứ mỗi lần trả bài vẽ lại xúm xít xung quanh nó. Sang đến nhà Lâm, cái Phương nhìn thấy hai đĩa game mới cứng còn nguyên lớp vỏ nilon bên ngoài đặt trên bàn thì ùa tới. Cả buổi tối Lâm và Phương cứ mải mê chơi cái đĩa game mới, tôi thì ngồi xem ti vi trong phòng nó. Nhìn mấy cô ca sĩ hát đi hát lại mấy bài, tôi chợt nghĩ nhìn Hạ Quyên còn xinh hơn ca sĩ nhiều lần, mà Hạ Quyên có biết hát không nhỉ? Không biết cô bé thích bài hát nào nhỉ? Tôi tự dưng thấy cái bệnh tương tư của mình bắt đầu nặng hơn. Lúc ngồi ở nhà Lâm tôi chỉ nơm nớp lo sợ cái Phương sẽ buột miệng nhắc đến Hạ Quyên.   Buổi sáng trời thu Hà Nội có những cơn gió nhè nhẹ, nắng vẫn còn nhưng bầu trời đã trong xanh hơn. Hôm nay là ngày học sinh khối 10 tập trung. Từ sáng sớm mẹ đã phải rất khó khăn, bao gồm cả những lời nói nhẹ nhàng và la hét mới lôi được tôi ra khỏi chiếc giường yêu quý. Cũng tại mùa hè nghỉ ngơi nhiều quá nên tôi mới khó dậy thế này. Tới trường mới, tôi nháo nhác nhìn xung quanh xem có ai mình quen không. Hình như hôm nay chỉ toàn học sinh lớp 10, những gương mặt non choẹt, ngây ngô trước quang cảnh của ngôi trường cấp 3, đâu đó có tiếng làm quen, hỏi tên nhau giữa những người bạn mới. Tôi còn đang bỡ ngỡ nhìn xem có thấy biển lớp 10A5 không thì có đứa từ đâu nhảy đến khoác vai tôi, cười vang trời, thì ra đó là Lâm:  

- Này này, sao nhìn mày ngơ ngơ vậy? Mày vừa dắt xe qua cổng trường là tao nhận ra liền. Lớp mình ở đây cơ mà.   

Tôi biết là Lâm bảo mẹ nó xin cho vào học cùng lớp với tôi, từ cấp một tới giờ lúc nào chúng tôi cũng học cùng lớp. Lẽ ra lên cấp ba thì mỗi đứa một trường, gia đình Lâm tính cho nó thi vào trường điểm thành phố nhưng đùng một cái, nó bị gãy chân nên phải nằm nhà, bao nhiêu kế hoạch đi ôn thi với vào trường điểm đổ xuống sông xuống biển cả. Bố mẹ nó thì tiếc mà tôi thấy nó vẫn nhởn nhơ lắm. Nó xin ngay mẹ nó cho vào học đúng tuyến với tôi, lại còn cùng lớp. Tôi với nó, đúng là chẳng bao giờ tách nhau ra được. Lớp tôi có 54 học sinh, mọi người gần như đã đến đủ, tôi nhìn xung quanh rồi giật mình vội quay đầu lại. Hạ Quyên đang chỉ đứng cách lớp tôi có hai hàng học sinh nữa. Đúng rồi, cô bé cùng trường với tôi mà, tôi chạy ra khỏi hàng nhìn xem biển lớp đó là gì: “10A7”. Lâm thấy tôi tách hàng nhưng cũng chả hỏi gì, chắc nó còn đang mải làm quen với mấy bạn nữ cùng lớp. Lúc sau nó ghé tai tôi thì thầm:

  - Các bạn lớp mình đang định tiến cử tao làm lớp trưởng mày à, thích thế. Nhưng làm lớp trưởng lại phải học tập chăm chỉ với làm bài tập đầy đủ nên tao tính tiến cử mày.

Tôi chẳng để ý lời Lâm nói, trong lòng vẫn còn đang vui sướng âm ỉ vì Hạ Quyên đang ở rất gần tôi. Lúc vào trong lớp, cô giáo đọc tên cho chúng tôi vào ngồi theo thứ tự, tôi ngồi sau Lâm ba bàn, lại đúng chỗ cửa ra vào. Ngồi cạnh tôi là một đứa con trai đeo kính dày cộp, trông có vẻ mọt sách. Bằng chứng rõ nhất là nó còn đang cầm quyển sách trên tay. Tôi hỏi nó:  

- Cậu có biết lớp bên cạnh lớp mình là lớp nào không?  

Nó ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi tôi:  

- Trường mình có hai tầng cho lớp 10, tầng này là số lẻ thì lớp bên cạnh là 10A3 và 10A7.

Tự dưng tôi thấy quý đứa bạn cùng bàn quá, tôi lại được ở cạnh lớp của Hạ Quyên. Buổi học đầu tiên trôi qua trong bình lặng, chỉ là thầy cô điểm danh rồi dặn dò những học sinh mới. Tan học, tôi và Lâm cùng mấy đứa bạn mới quen lững thững đi bộ ra nhà gửi xe. Ngó thấy có chiếc xe đạp đặt áo mưa vàng ngay ngắn gần xe mình, tôi quay sang bảo Lâm:  

- Mày ơi, tao nhớ ra phải lên văn phòng nộp mấy cái giấy, mày về trước đi.  

- Giấy gì thế? Lâm hỏi:  

-Hồi đầu năm nộp hồ sơ mẹ tao quên không nộp bản photo giấy khai sinh ấy mà. 

Lâm nghe vậy thì giơ tay chào tôi rồi đạp xe về trước. Nó đi rồi tôi mới ngẫm nghĩ sao mình lại nói dối nó nhỉ. Mà thôi cũng chỉ là lời nói dối vô hại, coi như là tôi đùa nó vậy. Chỉ một lát sau thì lớp 10A7 cũng tan. Từ xa tôi đã thấy Hạ Quyên đi chầm chậm. Lúc cô bé đi qua tôi, có một mùi hương thơm nhè nhẹ như là mùi cỏ may tỏa ra. Hạ Quyên lấy xe xong là đạp đi thẳng luôn, tôi vội đạp xe đi theo phía sau. Ra hẳn tới ngoài đường lớn tôi mới thấy là nhà tôi và nhà Hạ Quyên đi về hai phía khác nhau. Thôi kệ, về muộn một tí cũng chẳng sao. Tôi đạp xe theo sát Hạ Quyên. Qua mấy lần đèn đỏ rồi lại xanh, hình như cô bé nhận ra có người đi theo nên quay lại liếc nhìn tôi mới cái. Cái nhìn đó chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi mà tôi thấy tim mình như đập chậm lại, tôi hơi xấu hổ nên tới chỗ ra tiếp theo thì quay lại đường cũ. Vừa về tới nhà tôi đã nghe thấy tiếng nói râm ran trong phòng bếp. Mẹ, cái Phương và cả cái Hạnh đang ngồi ăn cơm. Mẹ hỏi tôi:  

- Sao về muộn thế con?  

Tôi lại nói dối tiếp:  

- Dạ hôm nay đường tắc mẹ ạ.  

Phải nói thế thôi chứ nếu để mẹ biết là tôi đi theo con gái nên mới về nhà muộn thể nào mẹ cũng mắng tôi một trận té tát. Rồi cái điệp khúc ai đời mới bảnh mắt ra mà đã yêu với đương sẽ được ca đi ca lại mỗi ngày. Vừa ngồi xuống mâm cơm, cái Hạnh đã lanh chanh kéo ghế ra cạnh tôi, nó nói:

  - Anh Khoa anh Khoa, em xới cơm cho em nhé.  

Trên đời này tôi sợ nhất là cái Hạnh xới cơm. Lúc nào nó cũng lấy một bát đầy cơm lẫn thức ăn cho tôi. Tôi vội nói:  

- Thôi thôi, để anh tự lấy cũng được.  

Hạnh đặt bát cơm xuống bàn, hai tay chống cằm. Nhìn nó tiu ngỉu như con mèo cụt đuôi, tôi lại phải nhượng bộ:  

- Em cứ lấy cho anh đi vậy.   

Hạnh reo lên:   

-  A, thích quá. Em yêu anh Khoa nhất.   

Mẹ tôi và cái Phương đã quen với cảnh này. Cả nhà thì chỉ có mình tôi là đủ can đảm đưa bát cho cái Hạnh xới cơm. Thật ra tôi cũng khá chiều nó, có khi còn hơn cả em gái ruột vì cái Phương thì hay chí chóe với hay mách mẹ tội của tôi còn Hạnh thì lúc nào cũng tỏ ra thán phục những việc tôi làm. Ăn cơm xong, Hạnh đi bộ về nhà con cái Phương chạy lại tôi hỏi thăm:  

- Sao, hôm nay anh có gặp chị Hạ Quyên không?

Hóa ra nó vẫn còn nhớ tới người anh này cơ đấy, tôi gật gật đầu:

  - Gặp rồi, nhưng học khác lớp anh.  

- Anh nghĩ ra cách gì làm quen chưa?  

Tôi lắc đầu, vẻ mặt rầu rĩ:  

- Vẫn chưa.   

Cái Phương nhìn tôi tỏ vẻ ngao ngán rồi đi ra phòng ngoài. Suốt mấy ngày đi học tiếp theo, tôi chỉ dám nhìn Hạ Quyên từ xa chứ không lại gần đứng bao giờ. Tôi vẫn mong chờ một cơ hội để được làm quen với cô bé. Rồi thì trời cũng không phụ người có lòng, cơ hội của tôi cũng đến. Tôi hụt mất chức lớp trưởng nhưng lại được phân công làm sao đỏ chấm thi đua ở lớp Hạ Quyên. Tôi hí hửng trong lòng, hóa ra thành tích học tập không tệ hồi lớp 9 cũng giúp tôi có được sự tín nhiệm của những đứa bạn mới. Được đeo băng sao đỏ, tôi thấy oai hẳn ra dù nhận thức rõ công việc sao đỏ thường bị coi là xoi mói, xách mách. Làm sao đỏ được một tuần, tôi thấy cơ hội để được ở gần Hạ Quyên vẫn xa vời như trăng sao trên trời.   Thứ nhất Hạ Quyên rất gương mẫu, luôn đi học đúng giờ và chẳng bao giờ nói chuyện trong hàng. Thứ hai, đã không được nói chuyện với cô bé thì chớ, tôi còn chẳng được đứng ngắm Hạ Quyên nữa vì mấy đứa cùng lớp cô bé lại nói chuyện rõ nhiều làm tôi phải nhắc nhở liên tục.   

Thằng Lâm xem ra còn tiến với tốc độ nhanh hơn tôi. Nó khoe với tôi là đã tìm ra được lớp học thêm tiếng Anh của Hạ Quyên và sẽ xin bố mẹ nó cho đi học lớp đó.   

- Tao sẽ đi học lớp đấy. Hạ Quyên học giỏi nhất nhì lớp, kiểu gì mà tao chả có cớ để hỏi bài chứ.  

Tôi thấy Lâm có vẻ nhiều kinh nghiệm, chiến lược của nó nghe rất rành mạch bài bản. Tôi cũng không hiểu sao bố mẹ nó lúc nào cũng bảo là nó kém tư duy logic nhỉ?  Một tháng trôi qua, việc học tập trở nên vất vả hơn, cuốn tôi vào cái vòng quay bài tập, rồi kiểm tra không ngừng, tôi tạm dẹp chuyện tìm cách chinh phục Hạ Quyên sang một bên, nhưng vẫn ngấm ngầm ngắm cô bé mỗi buổi xếp hàng đầu giờ. Lúc tôi đã định can tâm an phận thủ thường làm một sao đỏ, chỉ lặng lẽ ngắm cô bé từ xa thì lại có một chuyện bất ngờ xảy ra. Tất cả cũng chỉ vì cái kế hoạch của Lâm. Nó đi học với Hạ Quyên nhưng ở lớp đó lại quá nhiều người hay hỏi bài Hạ Quyên nên nó chỉ mới dừng ở bước làm quen chứ chưa gọi là thân thiết gì được. Tuy nhiên Lâm chẳng phải đứa mới gặp tí khó khăn đã bỏ cuộc ngay.

Nó tìm hiểu được là Hạ Quyên rất thích đọc sách thơ văn, nghe bạn bè kể là cô bé có một chồng toàn tiểu thuyết lãng mạn ở trong phòng. Lâm quyết định sẽ viết thư cho Hạ Quyên, nó say sưa bắt tôi đọc đi đọc lại để lọc lỗi chính tả. Thật không chấp nhận được là nó lại giao cho tôi cái công việc nhàm chán thế. Xong nó còn bắt tôi phải mang sang đưa cho Hạ Quyên.   

- Sao mày viết mà mày không tự đưa? - tôi vặn vẹo:

- Thôi, tao ngại lắm. Mày chấm sao đỏ lớp đó mà, mày đưa giùm tao đi. Với cả…  

- Với cả sao?  

- Bọn con gái hay thích tưởng tượng còn gì. Tao muốn Hạ Quyên tưởng tượng về tao một chút. 

Cái thằng này, làm người quang minh chính đại không thích lại thích làm anh hùng trong bóng tối. Tôi thấy nó giống anh hùng núp hơn, lại nhớ tới cái câu người ta hay nói “Anh hùng núp cho một mồi lửa đốt rơm anh hùng”.  

Tôi chẳng từ chối được bởi nó đã nhét lá thư vào túi áo tôi. Khi kể lại chuyện này cho em gái tôi nghe, nó phán luôn một hơi rằng tôi là đồ ngốc, còn cái Hạnh ‘hột mít’ nghe Phương kể lại thì lại khen tôi là người tốt. Tối đó, tôi nằm trằn trọc mãi không ngủ được, tôi liền tỉnh dậy, mở lá thư ra ngồi đọc lại. Chữ thằng Lâm xấu quá, viết xiêu vẹo nhìn như gà bới vậy. Trời tối đọc chữ nó viết còn hại mắt nữa. Tôi đọc một lúc, thấy nó viết không ổn chút nào. Cái thằng này viết thư làm quen với người ta mà đúng theo kiểu “bấu chỗ này một tí, véo chỗ kia một chút”.   Bình thường nó hay mượn bài tập của tôi với một đứa nữa để chép so le, bây giờ đến cái phong cách chép bài mà nó cũng đưa luôn vào thành phong cách viết thư. Cả bức thư toàn đạo văn thơ là những lời hay ho từ mục Cà phê chiều thứ bảy trong báo Hoa học trò. Có một đoạn nó chép nguyên xi mà còn chưa thay tên Hạ Quyên vào nữa. Sao chiều nay tôi lại không phát hiện ra nhỉ?   Tôi quyết định viết lại hộ đoạn này cho nó. Nhưng rồi đoạn tôi viết rất chân thật thì lại không hợp với đoạn trên của Lâm, thế là tôi lại ngồi sửa lại đoạn phía trên của nó. Xong đâu đấy, đến gần sáng, tôi đọc lại cả lá thư, thấy toàn ý của mình, vẫn phải dằn lòng viết tên Lâm ở người gửi. Là con trai với nhau, lại là bạn, phải cạnh tranh đàng hoàng chứ ai lại làm thế.   

Ngày hôm sau tôi mang sang lớp Hạ Quyên nhưng nào dám đưa trực tiếp cho cô bé. Tôi nhờ một đứa tôi quen mang vào đưa hộ. Hạ Quyên quay lại nhìn tôi, miệng cười chúm chím. Tôi lại thấy lòng mình xao xuyến. Một nụ cười của Hạ Quyên dường như có thể làm tôi thấy vui vẻ suốt cả ngày. 

_______________________________

Lâm không đến, tôi và Hạ Quyên thì cùng đứng im lặng bên cạnh nhau. Chẳng ai nói với ai câu nào, ánh mắt thả vào sân trường thưa người. Tôi không biết cô bé cạnh tôi đang nghĩ gì.

Chap 3: Những Ngày Bình Yên

  Một tuần sau thì Lâm nhận được thư hồi âm của Hạ Quyên, lớp trưởng lớp cô bé, một đứa con gái trông rất nghiêm nghị mang sang đưa cho nó. Vừa nhìn thấy tên người gửi, thằng Lâm mừng quýnh cả lên. Nó chạy ngay ra chỗ tôi giờ giải lao, hua hua lá thư trên cao:  

-  Đấy mày thấy chưa, Hạ Quyên rồi cũng bị tao chinh phục thôi.   

Tôi không quan tâm tới mấy lời ba hoa của Lâm. Tôi chỉ đòi nó cho xem thư Hạ Quyên viết. Chữ cô bé thẳng hàng, ngay ngắn, chỉn chu. Tôi đưa tờ giấy lên sát mũi mình, có một mùi hương nhè nhẹ của trang giấy mới. Trong thư Hạ Quyên nói là có lẽ Lâm chính là người mà Hạ Quyên đã biết từ lâu. Hạ Quyên thích học Văn học và Lịch Sử, không thích học Toán và Vật Lí, nếu Lâm học giỏi những môn này thì lúc nào đó hãy giảng bài cho Hạ Quyên nhé. Tôi thở dài. Thằng Lâm kiểu gì cũng copy bài tập về nhà của tôi. Nếu cô bé muốn nó giảng bài cho thì chắc phải đợi tới nhiều năm tháng nữa. Và rồi ở cuối thư đột nhiên Hạ Quyên hỏi Lâm nó đã đọc quyển “Kiêu hãnh và Định kiến” của Jane Eyre chưa? Lâm nhìn tên cuốn sách rồi gãi đầu:  

- Đây là quyển gì hả Khoa?  

- Là tiểu thuyết đó. Nhà tao có, mày đọc không ?  

- Thôi, tao bận lắm, mày đọc rồi kể lại cho tao nghe.   

Tôi đã đọc cuốn sách này lâu rồi. Câu chuyện kể về tình yêu tuyệt đẹp giữa cô nàng Lizze có tính cách cương nghị , thẳng thắn và chàng quý tộc Darcy có cái nhìn đầy định kiến. Họ như hai thỏi nam châm bị hút vào nhau. Tôi liên tưởng tới Lâm và Hạ Quyên, có khi nào hai người không có điểm chung như vậy cũng sẽ bị hút vào nhau không? Chắc là không đâu, tình yêu thời hiện đại chứ có phải vật lí ứng dụng đâu. Tôi lại giúp Lâm viết thư trả lời cho Hạ Quyên, mỗi lá thư qua đi qua lại, tôi biết thêm nhiều điều về Hạ Quyên, và tôi có cảm giác mình ngày càng dành nhiều tình cảm hơn cho cô bé.  

Một hôm, giờ ra chơi, Lâm kéo tôi ra hành lang, nó bảo đã hẹn Hạ Quyên giờ ra chơi ra nói chuyện. Chưa bao giờ tôi đứng ở một khoảng cách gần như thế này với cô bé. Lâm kể chuyện cười cho Hạ Quyên nghe, cô bé cười rất tươi. Họ nói chuyện như thể tôi không hề có mặt ở đó. Tôi lặng lẽ nhìn Hạ Quyên, chợt nhớ tới hình ảnh cô bé mặc áo mưa vàng đứng đọc truyện tranh trước mái hiên vào một ngày mưa rào, trong bộ đồng phục đơn giản, nhìn cô ấy vẫn đáng yêu như ngày nào.  Theo như cái Phương chẩn đoán thì tôi không chỉ bị bệnh tương tư mà còn bị ngớ ngẩn nặng. Chẳng có ai lại đi giúp đỡ tình địch của mình như thế cả. Nó gán cho tôi những mỹ từ như “Cao thượng hão”, “Quân tử bại trận”. Tôi mặc kệ cái Phương cứ ngồi phàn nàn, leo lên giường trùm chăn nằm nghĩ. Nó không hiểu, tôi không muốn vì một đứa con gái mà làm mất đi tình bạn giữa tôi và Lâm. Dù thằng bạn tôi có khả năng thích nhiều cô gái cùng một lúc và với ai cũng tốt cả nhưng lần này tôi thấy nó có vẻ thích Hạ Quyên thực sự. Bằng chứng nó không làm quen thêm ai nữa dù trong lớp Hạ Quyên cũng có rất nhiều cô bé dễ thương. Đang miên man suy nghĩ, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi:  

- Khoa, con đưa Hạnh về nhà đi. Hôm nay mẹ em bận không đón được.   

Tôi nhìn cái Hạnh “hột mít” rồi lại thấy thương cho cái xe đạp mới bơm của mình. Trên đường, tôi gò lưng đạp, còn con bé vẫn líu lo kể đủ thứ chuyện đằng sau xe. Tôi toát hết mồ hôi và thấy hơi xấu hổ vì có vài người đi qua tôi rồi quay lại cười khúc khích. Rồi đến chỗ đèn đỏ, tôi tự dưng thấy xe mình nhẹ hẳn đi. Tôi quay lại thì thấy cái Hạnh đã leo xuống từ lúc nào. Nó bảo tôi:  

- Anh Khoa, anh không cần đèo em đâu, để em đi bộ cũng được.

Tôi nói thế nào nó cũng cương quyết không nghe. Thế là tôi cũng xuống xe, dắt bộ cạnh Hạnh. Tôi liền hỏi:  

- Em vẫn chưa đi được xe đạp à?   Con bé gật đầu.

Tôi nghĩ tới lời hứa với mẹ là sẽ kèm Hạnh đi xe đạp từ mấy tháng trước, thấy hơi xấu hổ vì vẫn chưa thực hiện được. Thôi, thà muộn còn hơn là chưa bao giờ, tôi nói:  

- Từ mai anh sẽ kèm em đi xe đạp nhé.   

Cái Hạnh vỗ tay đen đét, gật đầu sung sướng. Còn tôi dẫu biết việc dạy cái Hạnh đi được xe đạp là khó vô cùng nhưng vẫn sẽ cố gắng.   

Lâm đã thân hơn nhiều với Hạ Quyên nhưng mỗi lần đi chơi nó vẫn rủ tôi đi cùng. Ba người đạp xe cùng nhau, nó và Hạ Quyên nói chuyện vui vẻ làm tôi thấy chạnh lòng nhưng chẳng biết làm sao. Nó cứ nhắc đi nhắc lại là cần tôi đi theo để nhỡ nó có nói gì sai tôi còn “chữa cháy” giúp. Mà tôi thấy nó có vẻ ăn nói rất linh hoạt, không cần gì đến tôi cả. Hạ Quyên vẫn vô tư ban tặng những nụ cười như xát muối trái tim tôi. Tôi vẫn len lén nhìn cô bé những lúc Lâm không để ý.    

Một buổi chiều tan học, trời đổ cơn mưa rào bất chợt. Vì còn bận đi học thêm một ca nữa nên dù không mang theo ô dù gì tôi vẫn phải đội mưa chạy ra phía nhà gửi xe. Đang chạy thì dây giày tôi bị tuột, tôi dẫm lên dây giày và ngã oạch một cái. Nước bắn lên người tôi tung tóe. Tôi lúi húi cúi xuống buộc lại dây giày của mình, trong lòng thầm than trách cho mái tóc và cả cặp kính ướt nhèm nhẹp nước của mình. Rồi đột nhiên tôi không cảm thấy nước mưa lạnh buốt rơi lên đầu mình nữa, lại có bóng ai đó từ phía sau, tôi ngẩng đầu lên, dường như không tin nổi vào mắt mình. Hạ Quyên đang căng chiếc áo mưa vàng trên đầu che cho tôi. Cô bé nhìn tôi, mỉm cười rất nhẹ, rồi nhẹ nhàng đưa một bàn tay ra, ý bảo tôi đứng dậy. Tôi nắm lấy tay Hạ Quyên, ngại ngùng đứng lên và lúng túng nói:  

- Ừm, cảm ơn ấy.  

- Không có gì. Cậu cũng đi ra nhà xe à?  

Tôi gật đầu và rồi tôi đưa tay đỡ hộ lấy áo mưa cho Hạ Quyên, tôi nói:  

- Để mình giữ cho.   

Thấy Hạ Quyên nhìn chăm chú những vết bùn bắn lên gấu quần mình, tôi thấy ngại quá. Rồi cô bé hồn nhiên nói:  

- Vết bùn này bám chặt lắm, nếu mà không giặt sạch được thì cậu lấy bàn chải đánh vào nó sẽ trôi đi hết.

Tôi ngỡ ngàng, chỉ biết gật đầu lia lịa. Tôi còn tưởng cô bé sẽ giống như mấy đứa con gái cùng lớp, trêu tôi có cái gấu quần cũng để bị bẩn.  

Ra tới nhà xe, vừa đưa trả áo mưa cho Hạ Quyên là tôi đạp vội xe đi. Trời vẫn mưa không ngừng nhưng không hiểu sao tôi không cảm thấy lạnh nữa, chỉ thấy ấm áp trong lòng, và con đường về nhà chưa bao giờ dễ đi đến thế.   

Tháng 2.  

Gần ngày Valentine, Lâm lùng sục quà khắp nơi để tỏ tình với Hạ Quyên. Nó nhờ tôi cố vấn cho đủ kiểu. Bọn con gái tôi quen đều hào hứng và bàn tán sôi nổi về ngày lễ này, chỉ có duy nhất hai đứa con gái là cái Phương và Hạnh là không thấy đề cập gì. Tôi chú ý ngay bởi hai cái đứa nhiều chuyện số một này mà không nhắc gì tới ngày đấy thì hẳn là có chuyện gì đáng ngờ đây. Rồi tôi cũng nghe ngóng được qua cuộc điện thoại của cái Phương với Hạnh. Hai đứa bảo nhau cứ để mặc không khí ngày Valentine đi vì sẽ không có ai tặng quà đâu.  

Đêm đó, tôi nằm suy nghĩ mông lung. Nghe giọng em gái tôi có vẻ hơi buồn. Tôi vẫn luôn coi nó là đứa trẻ con, bình thường nó ngang ngạnh hay cãi lại tôi nên tôi thấy nó giống em trai mình hơn. Nhưng có những ngày lễ như thế này, tôi mới thấy nó dù ương bướng đến mấy cũng vẫn là một đứa con gái. Sáng hôm sau, trời vừa sáng là tôi lôi ống heo tiết kiệm ra đếm thử. Tiền mừng tuổi từ tết và cả tiền tiêu vặt mẹ cho, cũng không phải là ít. Tôi quyết định mua quà cho em gái mình. 

Lâm còn bận rộn thăm dò món quà mơ ước của Hạ Quyên nên cuối tuần duy nhất trước Valentine, tôi phải tự đi tìm quà một mình. Nghe bọn con gái hay rủ rỉ nhau về khu Khương Thượng gần trường Y có rất nhiều đồ đẹp mà rẻ, tôi đạp xe lên. Một đứa con trai như tôi có vẻ lạc lõng giữa dòng người hăng hái chọn quà, gói quà trong cửa hàng. Đang bị kẹt cứng trong đám người thì tôi thấy có một ngón tay gõ nhẹ lên vai mình. Quay lại, tôi ngạc nhiên. Là Hạ Quyên. Cô bé hỏi tôi:  

- Cậu đi mua quà cho ai à?  

- Ừ, thế còn cậu?  

Mọi người vẫn chen lấn, xen vào giữa chúng tôi. Không nghe thấy tiếng trả lời của Hạ Quyên, tôi bất giác kéo mạnh cánh tay cô bé về phía mình.   

- Mình cũng đi mua quà sinh nhật bạn?  

- Tớ mua quà Valentine cho em gái.

  Thấy Hạ Quyên có vẻ không hiểu, tôi vội giải thích:  

- Mình sợ em mình không có ai tặng quà mà những đứa con gái khác lại nhận được.

Hạ Quyên bụm miệng cười. Cô bé hồn nhiên nói:  

- Thế cậu đã chọn được chưa?  

- Vẫn chưa.

Tôi đột nhiên nảy ra ý định nhờ Hạ Quyên chọn giúp. Dù sao cùng là con gái có lẽ sẽ hiểu nhau hơn.  

- Cậu chọn giúp mình được chứ?  

Hạ Quyên vui vẻ gật đầu. Cô bé tận tình chỉ cho tôi nên mua cái này, nên mua cái kia. Cuối cùng tôi quyết định mua cho Phương một cái cốc có rất nhiều họa tiết trang trí. Lúc ra thanh toán tiền, tôi nhìn vào tủ kính sau lưng chị bán hàng rồi chợt nói:  

- Chị ơi, cho em xem nhờ cái khung ảnh kia?  

Hạ Quyên ngó thứ tôi hỏi xem, hỏi dò:  

- Cậu định mua cho ai nữa à?  

- Ừ, cho đứa bạn thân của em gái mình.  

- Thế chọn cái màu hồng kia kìa, nhìn đẹp hơn.  

Tôi lắc đầu:   

- Nhưng nó không thích màu hồng đâu.  

- Thế thì chọn cái bằng thủy tinh ấy.

Hạ Quyên nhiệt tình tư vấn.  

- Nó hậu đậu lắm, chọn cái bằng nhựa có làm rơi cũng không vỡ được.   

Hạ Quyên mỉm cười:    

- Cậu chu đáo thật đấy.  

Trả tiền xong, vẫn còn thừa lại một ít, tôi quyết định mời Hạ Quyên một cốcchè thay cho lời cảm ơn. Đang ngồi ăn cạnh nhau ở một quán vỉa hè, tôi chợt thấy có cái gì đó rớt xuống làm ướt vai áo mình. Trời lại bắt đầu mưa. Tôi với cô bé này, cứ lúc nào gặp nhau là trời lại phải mưa hay sao ấy. Tôi và Hạ Quyên vội chạy vào chỗ có ô ngồi. Thật ra tôi thầm cảm ơn ông trời vì nhờ có mưa mà tôi được ở cạnh Hạ Quyên lâu hơn chút nữa. Đang ăn, cô bé hỏi tôi:  

- Thế cậu không mua quà cho người cậu thích à?  

- À, mình không thích ai cả. Tôi nói dối trơn tuột.  Đúng Valentine, tôi sang trường cái Phương rồi nhờ một đứa lớp dưới mang hộ quà lên đưa cho nó và Hạnh, nhưng nhất định phải đưa vào lúc hai đứa không ở cùng nhau. Cái Phương không giấu nổi niềm vui khi về nhà. Tôi thấy nó cứ cầm cái hộp, nhìn ngắm mãi, tự cười một mình rồi đóng cửa phòng lại để mở ra. Nhìn thấy nó vui tự dưng tôi cũng thấy như mình được vui lây.   

Kế hoạch tỏ tình ngày Valentine của Lâm hình như không như nó muốn. Sang ngày 15/02, nó thất thểu bảo tôi:   - Hạ Quyên hình như không thích tao mày à. Tao đưa quà mà nhận rồi không nói gì nữa.   Tôi giảng giải cho thằng Lâm nghe là phải bình tĩnh chờ đợi. Cá nhân tôi cũng không hiểu được hành động của Hạ Quyên nghĩa là chấp nhận hay không chấp nhận tình cảm của Lâm. Cô bé gặp nó vẫn cười, vẫn nói chuyện, nhưng tuyệt nhiên không nhắc gì tới bông hoa hồng và chú gấu bông ôm hình trái tim kia. Lâm nghĩ Hạ Quyên muốn giữ thể hiện cho mình nên cũng đành lờ đi. Tâm tư con gái thật khó hiểu, thế mà chẳng hiểu sao tôi vẫn cảm thấy những cô bé như Hạ Quyên đáng yêu đến kì lạ.   

Tháng 4.

Chúng tôi rục rịch chuẩn bị cho ôn thi thì tôi nghe được hai tin có thể coi là sét đánh ngang tai. Một là cái Hạnh chuẩn bị theo gia đình vào Sài Gòn vì bố nó chuyển cơ quan. Tin thứ nhất này có tác động mạnh đến tinh thần của em gái tôi. Còn tin thứ hai còn khủng khiếp hơn vì tôi biết là Hạ Quyên sắp đi du học. Thằng Lâm buồn, nó thể hiện nỗi buồn ra mặt. Còn tôi, cũng buồn nhưng giấu vào trong. Làm sao tôi yêu thầm mà dám thể hiện ra ngoài mặt nỗi buồn của mình được.   

Tôi và Lâm giờ ra chơi vẫn hay ra đứng ở hành lang nói chuyện với Hạ Quyên. Cô bé hào hứng kể về những dự định sắp tới, khấp khởi nghĩ tới bầu trời nước Mĩ, còn tôi với thằng Lâm thì buồn quay quắt trong lòng.  

Tháng 5.

Hoa phượng trong sân trường bắt đầu nở, báo hiệu một mùa hè lại sắp đến. Cái Hạnh mỗi ngày đều sang nhà tôi chơi với Phương. Nó bảo phải chơi bù vì sau này hai đứa sẽ ít có dịp được chơi với nhau hơn.  

Nhìn chúng nó quấn quýt, tôi cũng muốn dành thêm nhiều thời gian rảnh chơi với hai đứa. Mỗi một ngày, khi cái Hạnh chào tạm biệt tôi và cái Phương ra về, tôi lại nhìn lên lịch, âm thầm đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa thì sẽ là lần chào tạm biệt cuối cùng. Lâm quyết định gặp Hạ Quyên ít hơn để khi cô bé đi thì không bị sốc quá.  

Thế là mỗi giờ ra chơi nó cương quyết không đi ra ngoài, chỉ còn mình tôi vẫn ra hành lang đứng nói chuyện với Hạ Quyên. Có đôi lần tôi muốn hỏi Hạ Quyên cô bé đi du học liệu chúng tôi có giữ liên lạc được với nhau không, nhưng rồi tôi vẫn im lặng. Có lẽ vì tình bạn của chúng tôi quá trong sáng, tựa như pha lê đặt giữa ánh mặt trời, nên tôi không muốn biến nó thành cái gì đó nhiều hơn hay ít hơn chăng?  

Ngày sinh nhật Bác Hồ, trường tôi tổ chức đại hội thể thao cho học sinh toàn trường. Lớp tôi tham gia kéo co, lại bốc thăm đúng lượt đấu với lớp Hạ Quyên. Mỗi đội 10 người, chẳng hiểu có phải ông trời run rủi không hay lớp 10A7 tính chơi chiêu mỹ nhân kế mà để cho Hạ Quyên đứng đầu. Bên lớp tôi đùn đẩy nhau một lúc, cuối cùng tôi phải đứng đầu vì bọn còn lại không ai muốn “đứng mũi chịu sào” cả. Hai lớp kéo co ngang tài ngang sức, mãi mà chưa phân thắng bại. Nhưng khi nhìn thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán Hạ Quyên, thấy cô bé cố nghiến răng giữ dây thừng, tôi đột nhiên lơ đễnh mà buông lỏng tay ra, thế là lớp tôi bị thua. Sau đó tôi bị cả lớp mắng cho té tát nhưng tôi cũng chẳng bận lòng. Nhìn thấy Hạ Quyên vui thì tôi cũng vui. Đúng là lúc đó, niềm vui đối với tôi đơn giản lắm.  

Tháng 6.  

Các bài thi đều đã hoàn thành, chỉ còn một tuần nữa là chúng tôi chính thức được nghỉ hè. Một ngày, Lâm ra vỗ vai tôi nói:  

- Chiều nay Hạ Quyên làm tiệc chia tay, 4 giờ ở lớp kia nhé.  

Tôi dành buổi trưa đi chuẩn bị một món quà cho Hạ Quyên. Tôi mua tặng cô bé một cuốn sách dày, và ở trang cuối cùng của cuốn sách, tôi dồn hết sự can đảm để viết ba từ quan trọng nhất: “Tớ thích cậu”.    Nếu Hạ Quyên đọc cuốn sách này kiên trì thì sau một thời gian sẽ biết được tình cảm của tôi. Đúng 4 giờ, tôi tới lớp bên cạnh thì thấy không có ai ngoài Hạ Quyên cả. Cô bé đứng tựa nhẹ vào một chiếc bàn, và khi nhìn thấy tôi thì điềm tĩnh bước đến, tôi hỏi:  

- Lâm bảo là hôm nay cậu muốn chào tạm biệt bọn mình. Lâm chưa đến à?   Hạ Quyên lắc nhẹ đầu, đôi mắt cô bé vẫn nhìn chằm chằm vào tôi. Hơi ngại ngùng, tôi đứng lại gần cạnh Hạ Quyên rồi nói:

  - Chắc nó lại đến muộn rồi. Thôi mình chờ nó tí vậy.  

Chiều muộn, ánh hoàng hôn tím ngắt buông nhẹ xuống sân trường, hoa phượng vẫn nở rực rỡ ngoài sân, cái màu đỏ của từng chùm phượng vĩ hòa lẫn vào màu tím ngăn ngắt của buổi chiều tà càng làm cho tôi thấy nỗi buồn man mác hiện hữu rõ hơn. Lâm không đến, tôi và Hạ Quyên thì cùng đứng im lặng bên cạnh nhau. Chẳng ai nói với ai câu nào, ánh mắt thả vào sân trường thưa người. Tôi không biết cô bé cạnh tôi đang nghĩ gì. Nhưng tôi biết có lẽ đã đến lúc tôi phải tạm biệt cô ấy, rung động đầu tiên trong đời của tôi.   

- Mình có chuyện này muốn nói với cậu.

Hạ Quyên bỗng nhiên phá vỡ sự im lặng giữa hai chúng tôi.  

- Ừ.  

- Thật ra, mình… mình nghĩ là mình thích cậu.   

Tôi giật người cái thót. Có phải là Hạ Quyên đang nói là cô bé thích tôi không? Tôi theo phản xạ liền hỏi:  

- Tại sao cậu lại nói vậy?  

Hạ Quyên quay lưng lại phía tôi, ngồi hẳn lên một chiếc bàn rồi giải thích:  

- Lúc đầu mình quý Lâm hơn vì những bức thư cậu ấy viết cho mình. Nhưng khi tiếp xúc nhiều với Lâm, mình lại có cảm giác cậu ấy và người viết thư cho mình là hai người khác nhau. Mình đã hỏi và Lâm đã cho mình biết cậu mới thực sự là người đã viết những bức thư cho mình. Chính Lâm đã từ chối đến hôm nay để mình có thể gặp riêng cậu.  

Tôi thấy tim mình đập nhanh, và tai tôi như ù đi. Hạ Quyên không để lãng phí thêm một khoảng lặng nào giữa hai chúng tôi nữa. Cô bé hỏi:  

- Khoa, cậu có thích mình không?  

Lẽ ra tôi đã nói có, lẽ ra tôi phải nói, nên nói có vì đúng là như thế. Vì đúng là tôi đã thích Hạ Quyên từ ngày đầu tiên cô bé mặc chiếc áo mưa vàng đứng đọc truyện dưới ánh đèn mờ mờ ở mái hiên. Nhưng rồi có thứ gì đó chèn chẹn ở cổ họng tôi, có lẽ đó là nụ cười hạnh phúc của thằng Lâm mỗi lần nó kể với tôi về Hạ Quyên, tôi đã không nói thật với Hạ Quyên:  

- Mình cũng không biết.  

- Thích là thích. Không thích là không thích. Sao lại không biết?

Tôi im lặng trước cái lí lẽ của Hạ Quyên. Có lẽ cô bé đang cảm thấy rất thất vọng với tôi, nhưng vẫn cố kiềm chế những giọt nước mắt nơi khóe mi, thở dài một cái rồi nói nhỏ:  

- Thôi mình không ép cậu trả lời nữa.   

Tôi len lén nhìn Hạ Quyên, trong lòng tôi cũng cảm thấy rất bức bối, tôi muốn nói với cô bé là tôi thích cô bé biết bao. Nhưng rõ ràng là tôi sợ mình sẽ làm Lâm buồn. Nó là bạn của tôi và tôi nghĩ nó sẽ rất buồn nếu biết thằng bạn thân nhất và cô bé nó thích lại đang thích nhau. Bình thường nó có vẻ hay khôn lỏi nhưng hôm nay nó lại chịu hi sinh cho tôi gặp Hạ Quyên, đúng là một hành động cao cả. Hạ Quyên đặt nhẹ tay lên vai tôi nói:  

- Mình về đây. Tạm biệt Khoa nhé.  

Rồi cô bé đi, tôi nhắm mắt lại, lặng lẽ đếm theo từng tiếng bước chân của cô cho tới khi tiếng bước chân nhỏ dần, nhỏ dần rồi tôi không còn nghe thấy gì nữa. Sân trường vắng lặng như tờ, dường như chỉ còn mình tôi với nỗi niềm chất chứa trong lòng. Những lần Lâm cướp công tôi trước mặt Hạ Quyên tôi cũng buồn, những lần Hạ Quyên cười với đứa con trai khác tôi cũng buồn nhưng lần này có lẽ là buồn nhất thật. Có lẽ tôi bị thất tình thật. Cái khung cảnh nắng nhuộm đỏ cả một khoảng trời càng làm cho lòng tôi buồn tê tái.

Về tới nhà, tôi lôi cuốn sách trong cặp ra cất lên giá sách. Tôi cất vào sâu trong cùng, rồi lại xếp rất nhiều sách che phía ngoài để mình không tình cờ nhìn thấy cuốn sách đó nữa. Vì cứ mỗi lần nhìn thấy, tôi lại nhớ tới Hạ Quyên.   Ngày hôm sau, được nghỉ học vì là cuối tuần, Lâm chạy sang nhà rủ tôi đi đá bóng. Trên sân, nó kể nhiều chuyện vui cho tôi, còn tôi, chẳng còn lòng dạ nào để nghe cả. Về đến nhà, tôi chui vào nhà tắm đứng một lúc dưới vòi hoa sen. Người vẫn còn mồ hôi mà đã đi tắm nên tôi bị cảm nặng. Tôi nằm bẹp dí ở nhà mất một tuần. Mấy hôm sau tôi vẫn còn yếu thì nhận được tin Hạ Quyên đã bay sang Mĩ rồi từ Lâm. Qua điện thoại, bằng cái giọng thều thào của mình, tôi an ủi Lâm đừng buồn trong khi trong lòng cũng buồn bã chẳng kém. Vừa buông ống nghe điện thoại xuống, tôi mệt quá nên ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn tôi lại nhìn thấy hình ảnh cô bé mặc áo mưa vàng đứng đọc truyện tranh, rồi hình ảnh ấy cứ mờ dần, mờ dần.  

Hạ Quyên bay rồi thì lại đến lượt cái Hạnh cũng vào Nam nốt. Khi biết chỉ còn 1 tuần nữa là nhà Hạnh chuyển đi, mẹ tôi và cái Phương liền bàn nhau nấu một bữa cơm toàn những món Hạnh thích và mời cả bố mẹ nó sang ăn, gọi là liên hoan chia tay. Cái Hạnh mang sang cho cái Phương một thùng giấy nhỏ đựng rất nhiều đồ. Tôi ngó thấy toàn là mấy thứ đồ của Hạnh mà cái Phương khá thích: mấy quyển truyện cổ tích, con búp bê mặc váy hoa, bộ hộp nặn nhiều màu. Nó giải thích là chuyển nhà nên phải bỏ lại những thứ không cần thiết. Trong lúc cái Phương đang xếp những thứ Hạnh cho vào tủ, nó chạy sang phòng tôi, ngồi lên cái ghế gần bàn học của tôi rồi hỏi:  

- Anh Khoa, em sắp đi rồi đó.  

- Ừ.  

- Nhưng mà anh đừng buồn, em sẽ quay lại.  

Tôi cười trừ cho cái sự ngây thơ của Hạnh. Sài Gòn và Hà Nội, nói gần thì không đúng, nói xa cũng chẳng phải xa lắm. Chỉ mất hơn một tiếng ngồi máy bay hay hơn một ngày ngồi tàu hỏa là đến rồi, nhưng vào Nam rồi, có khi nào cái Hạnh còn nhớ tới anh em tôi. Thấy nét mặt tôi buồn thiu, Hạnh lắc lắc khủyu tay của tôi, cười nói:  

- Anh Khoa, nếu sau này lớn lên em mà xinh đẹp tài giỏi anh có thích em không?

Tôi hơi bất ngờ vì câu hỏi của cái Hạnh. Hỏi được câu này xem ra nó cũng bạo dạn quá. Mà những cô bé xung quanh tôi hình như đều rất thẳng thắn, từ cái Phương toàn nói những lời làm mất lòng tôi, tới Hạ Quyên tự thú nhận có tình cảm với tôi, bây giờ lại là cái Hạnh. Cái thời đại gì mà mấy cô bé e thẹn ngại ngùng trốn ở đâu hết, sao cuộc đời tôi chẳng gặp ai thế này. Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi của Hạnh. Tôi nhìn nó, tròn tròn bụ bẫm từ lần đầu tiên em gái dẫn nó qua nhà tôi ăn chè xoài, tôi không hình dung được nó có thể trở nên xinh đẹp như thế nào. Cái đứa tập đi xe đạp mãi không xong, lại hậu đậu hay va vào chỗ này chỗ kia, tôi cũng chẳng nghĩ sẽ có ngày Hạnh trở nên tài giỏi như những cô gái khác. Nhưng dù sao Hạnh cũng sắp đi rồi, không muốn làm con bé buồn, tôi gật đầu:  

- Ừ có. 

Hạnh tủm tỉm cười, nó leo xuống ghế rồi nhảy chân sáo ra khỏi phòng tôi. Thứ 6, buổi chiều tôi đi học về thấy cái Phương ngồi một góc trong phòng, mắt đỏ hoe mới nhớ ra trưa nay nhà cái Hạnh đã bay rồi. Tôi an ủi nó vài câu nhưng thấy nó vẫn buồn, tôi liền bảo:  

- Thôi lên phòng anh ngồi, hai anh em làm một ván cờ cho đỡ buồn vậy.  

Mặc dù tôi được đi học cờ vua trước cái Phương nhưng nó lại có năng khiếu đặc biệt hơn tôi. Ngày thường nó rất hay rủ tôi chơi cờ vì lúc nào tôi cũng chơi thua nó. Hôm nay thấy nó buồn như vậy tôi đành hi sinh thân mình chơi cờ cho em gái tôi vui lên vậy. Lúc đang loay hoay tìm xem bàn cờ ở đâu, đập ngay vào mắt tôi là một cái khung ảnh đặt nằm ngang trên giá sách. Đó là cái khung ảnh tôi đã mua tặng Hạnh hồi trước. Trong khung có một tấm ảnh tôi chụp chung với Hạnh hồi gia đình nó sang chúc Tết gia đình tôi. 

  - Sao cái khung ảnh của Hạnh lại ở đây nhỉ?  

Cái Phương có vẻ như biết trước chuyện, nó nói:  

- Trưa nay trước khi ra sân bay Hạnh chạy qua đây chào em, nó bảo cho nó lên phòng anh một tí. Chắc nó để lại đó.  

Có vật gì đó ở đằng sau, tôi quay ngược khung ảnh lại. Là một mảnh giấy nhỏ dán vào phía sau. Trên đó chỉ có vẻn vẹn vài chữ:  

- Giữ hộ em nhé. Em sẽ quay lại lấy.   

Tôi đưa mảnh giấy cho cái Phương xem:

  - Hạnh nói là sẽ quay lại lấy sau.  

Cái Phương đọc mảnh giấy từ tay tôi, rồi nó vừa bước chân ra khỏi phòng vừa phán một câu xanh rờn:

- Anh đúng là đồ ngốc.  

Chiều chủ nhật, Lâm sang nhà tủ tôi đi đá bóng nhưng kế hoạch đổ bể vì trời lại mưa tầm tã. Theo lệnh của mẹ tôi, hai đứa leo lên sân thượng rút quần áo. Thấy tôi chẳng có vẻ gì hào hứng với mấy câu chuyện nó kể, Lâm hỏi:  

- Sao vậy? Mày lại nhớ ai à?  

Tôi chẳng đáp lại câu trả lời của nó, nhìn trời mưa và cứ nghĩ hoài về hai cuộc chia tay xảy ra gần đây với tôi. Hình như tôi cũng có nhớ một ai đó, nhưng người đã đi rồi, nhớ nhung thì cũng có đưa người ta quay lại đâu.

Hai đứa đang tán dóc trên sân thượng thì cái Phương chạy lên, con bé từ đằng sau dí hai lon coca vào má tôi và Lâm, làm hai đứa kêu ré lên vì lạnh. Tôi hỏi:  

- Mang lên có hai lon thì ai uống ai nhịn?  

Cái Phương nhanh nhảu nói:  

- Đương nhiên là em uống một lon còn hai anh chia nhau rồi.   Tôi lắc nhẹ đầu, bật cười. Lần nào cũng thế, cái Phương chỉ cầm được hai lon nên lúc nào tôi với Lâm cũng chia nhau. Rồi tôi với nó lại chí chóe xem đứa nào uống nhiều hơn đứa nào. 

Có những năm tháng trôi đi, chúng tôi quên không để ý, mà nó đã thành kỉ niệm mất rồi. _________________________________

Có cái gì đắng ngắt lại nơi cổ họng của Khoa. Cô bé áo mưa vàng đã làm cậu rung động, đã khiến cậu tìm kiếm vất vả vậy mà cậu lại chọn rời xa cô ấy quá dễ dàng.

Chap 4: Rồi Ta Cùng Lớn Lên

  Sáng thứ bảy của một mùa hè, tiếng máy khoan kêu ầm ầm của tòa chung cư đang xây dở, tiếng xe cộ kêu ầm ầm làm cho cái ngõ nhỏ như bị rung chuyển. Phương đứng gõ cửa một lúc rồi không đủ sự kiên nhẫn nên mở luôn cửa chạy vào. Nhìn cái chăn lùm xùm phủ trên giường, Phương kéo mạnh cái chăn một cái, nói lớn:  

- Biết ngay mà. Cả nhà đợi anh xuống ăn sáng nãy giờ đó.

Khoa lồm cồm ngồi dậy, gãi gãi mái tóc bù xù rồi với tay lấy chiếc đồng hồ đặt ở cái tủ nhỏ cạnh giường:  

- Anh xuống ngay đây. Em xuống trước đi.

Phương khoanh tay trước ngực, hoạnh họe:  

- Không được. Em phải thấy anh đi đánh răng xong mới xuống. 

  Khoa biết tính Phương đã nói là làm nên đành nhượng bộ đứng dậy. Lúc sau, thấy cậu uể oải nhai chiếc bánh mì, mẹ hỏi:  

- Sao trông con mệt mỏi vậy? 

Khoa chưa kịp trả lời thì Phương nhanh nhảu:  

- Tối qua anh ấy thức khuya lắm mẹ ạ.  

- Con học à? Mẹ hỏi tiếp:  

- Dạ không. Con đọc sách thôi.   -

Anh đọc sách gì thế?  

Khoa uống một ngụm sữa tươi rồi đáp:  

- À anh tìm được quyển nhật kí hồi cấp 3 nên mở ra đọc lại ấy mà.  

Bữa ăn sáng trôi qua nhanh chóng vì mẹ Khoa đã có lịch đi tập yoga, bố đi công tác chưa về, Phương thì cũng hẹn đi xem phim với bạn. Chỉ còn một mình trong nhà, Khoa định bụng quay trở về chiếc giường thân yêu làm thêm một giấc nữa nhưng tiếng sửa chữa từ khu nhà bên cạnh như khoan thẳng vào tai, không thể nào nhắm mắt lại được. Khoa liền cầm laptop đi bộ ra quán cà phê có wifi miễn phí gần nhà. Chỉ một cốc cà phê đậm đặc là Khoa có thể ngồi cả ngày ở đây. Đang nhâm nhi vị đắng chát của cà phê thì Khoa nghe thấy tiếng trò chuyện khe khẽ của hai cô bé phục vụ sau quầy pha chế:  

- Này cậu đọc báo sáng này chưa? Có tin diễn viên Thiên Lâm “bắt cá hai tay” đấy”.  

- Thật á? Sao Thiên Lâm lắm scandal thế? Tuần trước vừa có tin Thiên Lâm tự động bỏ phim đã kí hợp đồng.  

Khoa chú ý ngay tới câu chuyện của hai cô gái và vội mở ngay báo mạng ra. Diễn viên Thiên Lâm mà họ nhắc đến đối với Khoa chẳng lạ gì. Đó là người bạn thân nhất thời thơ ấu của cậu. Học hết cấp ba, Khoa thi đỗ vào trường Luật còn Lâm không được may mắn trong con đường học hành như thế. Cậu thi trượt nhưng cuộc đời cậu lại nhờ thế mà rẽ sang một lối khác. Lâm thử vận may của mình lần nữa bằng cách tham gia một cuộc thi tìm kiếm diễn viên trẻ.  

Nhờ có ngoại hình sáng sủa, Lâm được chọn đóng phim và rồi nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Lúc đầu Lâm còn hay mời Khoa tới trường quay xem mình đóng nhưng rồi cậu bận dần và Khoa cũng bận học nên hai người ít gặp nhau hơn. Lâm được mời đi đóng quảng cáo khắp nơi còn Khoa là cậu sinh viên trường Luật ngày hai buổi đến trường, khoảng cách tình bạn cứ thế hình thành. Tiền đóng phim nhiều, Lâm mua được một căn hộ chung cư gần hồ Tây, còn Khoa vẫn sống ở con ngõ nhỏ cũ. Ban đầu mẹ và em gái Khoa đều rất ngạc nhiên khi thấy cậu và Lâm không đi chơi với nhau nữa. Nhưng bây giờ thì cả hai đã quen, thậm chí Phương còn đùa rằng nếu muốn gặp Lâm thì cứ tối 8 giờ mở tivi lên sẽ thấy. Không còn gặp nhau thường xuyên nữa nhưng Khoa vẫn quan tâm tới tình hình của bạn.  

Dạo gần đây, càng ngày Lâm càng dính vào nhiều tai tiếng hơn. Lúc thì có tin Lâm mua giải thưởng, lúc thì tin yêu người này, bỏ người kia. Có lẽ cuộc sống nghệ sĩ trong giới giải trí thực sự rất phức tạp. Khoa nhìn chiếc điện thoại nằm trên bàn như trêu ngươi mình. Khoa vẫn còn số điện thoại của Lâm, dù đã lâu không gọi. Hôm nay đọc một mẩu phỏng vấn trên báo, thấy Lâm tâm sự là nhiều lúc rất cô đơn, chỉ muốn có một người lắng nghe mình, tự nhiên Khoa nhớ lại những cuộc tán gẫu dài không dứt của hai đứa thuở bé, và Khoa nghĩ mình nên gọi cho Lâm.  Kiên trì gọi đến lần thứ năm thì số điện thoại mới có người nhấc máy. Lâm nhận ngay ra giọng nói của Khoa và đồng ý hẹn gặp, nhưng phải gặp vào buổi tối vì cánh phóng viên bám theo Lâm rất sát. Khoa bật cười trước giọng điệu của Lâm. Điểm hẹn vẫn là sân bóng đá cả hai từng chơi. Lâm tới muộn nửa tiếng. Mặc dù gặp nhau buổi tối nhưng Lâm vẫn mặc đồ rất chỉn chu, giày dép, quần áo bóng lộn tươm tất. Hai đứa chẳng chơi bóng được vì từ lúc bước xuống taxi Lâm liên tục nhắn tin, rồi lại gọi điện, rồi lại nhắn tin tiếp. Những câu hỏi của Khoa, Lâm trả lời qua loa. Rồi Lâm lấy trong cái túi xách theo hai gói quà, bọc cẩn thận, từ gói giấy còn tỏa ra một mùi hương thơ nhè nhẹ dễ chịu:  

-  Đây là quà đi quay ở châu Âu tao mua cho mày và Phương đấy.  

Nhận gói quà từ tay Lâm, Khoa có cảm giác khang khác. Chả biết từ bao giờ thằng bạn thân của Khoa đã trở nên khách sáo như thế. Từ bé tới giờ quà sinh nhật Khoa phải nhắc mãi Lâm mới thèm tặng, mà cũng chẳng bao giờ gói gém lại cả. Tặng quà xong, Lâm nghe điện thoại rồi chào Khoa về trước vì có việc bận. Nhìn Lâm leo lên xe taxi, dáng vẻ vội vã, Khoa chạnh lòng, có cảm giác có cái gì đó vuột mất qua, hay có cái gì dường như đã biến mất.  

Gói quà của Phương là một chiếc khăn thêu rất đẹp, còn của Khoa là cái bật lửa. Khoa nhìn chiếc bật lửa chạm trổ tinh vi rồi cất vào ngăn kéo. Khoa không hút thuốc, có dùng bật lửa làm gì đâu. Lâm từng kể với Khoa rằng trong giới giải trí việc giao tiếp được đánh giá rất cao nên người quản lí thường giúp cậu mua sẵn rất nhiều quà tặng rồi để đó, khi có dịp phải tặng ai thì Lâm tự lấy một gói. Khoa nằm đặt tay lên trán, suy nghĩ không biết có phải gói quà tối nay cũng là Lâm lấy đại từ cái đống đó không?  

Sau buổi gặp ngắn ngủi với Lâm hôm nay, Khoa không thể ngăn mình có những sự so sánh ngầm mang tính chất đầy tiêu cực. Lúc nhỏ đi học cùng nhau, Khoa lúc nào cũng là tấm gương sáng mà mọi người thường nói với Lâm. Vậy mà bây giờ Lâm đã là một ngôi sao nổi tiếng, còn Khoa đã sắp tốt nghiệp mà vẫn chật vật không tài nào xin nổi một chân thực tập trong văn phòng Luật, cuối cùng vẫn phải nhờ tới một người bạn của mẹ xin giúp. Đúng là cuộc sống không ai lường trước được điều gì. Nhưng rồi Khoa cũng chìm vào giấc ngủ, trong lòng mang theo một chút hi vọng ngày thực tập đầu tiên sẽ tốt đẹp.   

Ông trời có lẽ muốn làm khó Khoa hay sao mà ngày ngày đầu đi thử việc đã làm ra một cơn mưa lớn, tưởng chừng như dài bất tận. Đi xe máy tới chỗ làm, dù đã mặc áo mưa Khoa vẫn có cảm giác chiếc áo sơ mi của mình trông nhăn nhúm vô cùng. Vẫn còn sớm, chưa tới giờ hẹn, Khoa đứng trước cửa công ty căn chỉnh lại chiếc áo cho ngay ngắn. Có một vài người, hình như là nhân viên của công ty, bước qua Khoa. Cậu nhìn họ với ánh mắt đầy ngưỡng mộ, trông họ thật thành đạt. Mải nhìn xung quanh nên Khoa không để ý có tiếng mở cửa sau lưng mình. Và người mở cửa cũng không thấy Khoa đang đứng bên ngoài nên cánh cửa va vào lưng làm cậu loạng choạng suýt ngã. Người vừa mở cửa thấy vậy cuống quýt xin lỗi Khoa. Rồi đột nhiên khi Khoa ngẩng mặt lên, ánh mắt hai bên chạm vào nhau, cả Khoa và người kia đều im lặng.   

- Hạ Quyên?  

Cô gái đứng trước mặt Khoa gật nhẹ đầu. Nét mặt dịu hiền của cô ấy vẫn không hề thay đổi dù năm năm đã trôi qua. Chỉ cần nhìn thoáng qua là cả hai đã nhận ra nhau ngay. Hạ Quyên hơi đứng lùi lại một chút, cô nói:  

- Không ngờ lại gặp cậu ở đây.  

- Mình thực tập ở đây. Còn cậu?  

Hạ Quyên vẫn nói nhẹ nhàng:  

- Lát nữa cậu sẽ gặp lại mình.  

Cô bước đi tự tin. Khoa thầm nghĩ chắc Hạ Quyên cũng là sinh viên tới xin thực tập. Mà không biết cô ấy về nước nghỉ hè từ lúc nào.  

Khoa đã nhầm. Hạ Quyên không đến xin việc, cô là thư kí của văn phòng luật sư. Cô đã từng làm ở đây. Nói cách khác, cô là người hướng dẫn công việc cho Khoa. Gặp lại nhau trong phòng thư kí, Hạ Quyên ôn tồn giải thích:  

- Mình đã đi làm ở văn phòng này từ hè năm ngoái rồi. Lúc đó mình cũng là sinh viên thực tập. Năm nay mình vẫn được làm tiếp.  

Qua lời nói của Hạ Quyên, Khoa chỉ chú ý tới chuyện cô đã về nước vào mùa hè, vậy sao trong suốt cả bốn mùa hè trước không lần nào liên lạc với Khoa nhỉ. Khi Hạ Quyên đi du học, cả hai có nick chat của nhau nhưng chưa từng nói chuyện. Khoa nghĩ Hạ Quyên sang Mĩ rất bận, không muốn làm cô phân tâm nên dù rất muốn cũng không hỏi thăm gì. Chỉ có Lâm là giữ liên lạc với Hạ Quyên và hay kể cho Khoa nghe. Nhưng Lâm bây giờ quá bận nên nguồn thông tin duy nhất của Khoa về cô đã bị cắt đứt.  Ngày đầu tiên đi thực tập cũng không có gì nhiều. Tuy nhiên Khoa thấy mình như kẻ ngốc vì không biết sử dụng máy photo. Hạ Quyên là người chỉ Khoa cách làm. Tới đầu giờ chiều, một chị trong công ty lại nhờ Khoa đi xuống căn tin của công ti mua hộ bánh cho cả phòng. Mọi người làm việc hăng say quá quên cả ăn trưa. Lúc đưa bánh cho Hạ Quyên, Khoa thấy cô vẫn tập trung đọc tài liệu, không hề ngẩng lên chút nào. Tan sở, Khoa vừa chạy xe máy vừa nghĩ về Hạ Quyên. Ngoại hình của cô không thay đổi nhiều. Nhưng ở cô có cái gì đó hơi lạnh lùng, hơi xa cách. Hình như Khoa và cô không còn nhiều điểm chung như trước đây nữa.  

Về tới nhà, mẹ Khoa nhắc phải gọi điện cho bác ngay. Bác Khoa đã không còn kinh doanh cửa hàng nữa mà sửa thành căn hộ cho thuê. Đã nửa tháng nay đăng báo mãi bác mới tìm được người thuê nhà. Thật ra không phải không có ai muốn thuê mà cơ bản là bác khá khó tính không muốn cho thuê bừa bãi. Mấy cậu thanh niên thì bị bác chê là trông lôi thôi luộm thuộm, sợ không giữ nhà cửa sạch sẽ, mấy cô sinh viên tính tình cởi mở thì bác kêu là con gái vừa nói vừa cười vô duyên, mấy anh công nhân ít nói thì bác phán là trông như có hành động ám muội. Cuối cùng tuyển đi tuyển lại bác của Khoa mới tìm được một người cho thuê nhà thích hợp.  

Người này chỉ nói chuyện với bác qua điện thoại chứ chưa hề tới xem nhà. Nhưng người ta bảo đồng ý chuyển tới luôn, hôm chuyển nhà sẽ kí hợp đồng và trả tiền nhà tháng đầu. Mang tiếng học luật nên Khoa được bác tin tưởng ủy thác cho việc soạn thảo hợp đồng thuê nhà cho bác. Tất nhiên việc soạn thảo hợp đồng Khoa đã học từ hồi năm một nên không có gì khó khăn. Buổi chiều tối, Khoa mang theo bản hợp đồng sang nhà bác. Cửa nhà không khóa, có một chiếc xe tải còn đậu trước nhà. Mấy thùng giấy đặt la liệt bên ngoài căn phòng cho thuê. Nghe thấy tiếng bác mình trong phòng, Khoa cũng đẩy cửa bước vào.  

- Cháu đến rồi đấy à? Để bác giới thiệu với cháu. Đây là cô bé thuê nhà của bác.  

Có vài cái thùng giấy xếp chồng lên che khuất đi nhưng Khoa nghe thấy có một tiếng nói lanh lảnh cất lên:   

- Em chào anh ạ.  

Rồi từ đằng sau những chiếc thùng một cô gái, mái tóc nhuộm vài sợi nâu vàng chạy ra, chìa tay trước mặt cậu. Khoa không dám nhìn thẳng vào cô gái, nhưng thấy cô mặc chiếc áo phông khá là bó và cái quần sọc hơi ngắn, cậu càng chẳng dám nhìn xuống. Thế là cậu bị đứng trong một tư thế nhìn lên không được, nhìn xuống cũng không xong. Nhưng không cần phải ở trong tư thế đó lâu bởi cô gái tự cúi đầu xuống, bật cười:  

- Anh Khoa, anh không nhận ra em à?  

Lúc này Khoa mới ngẩng đầu lên. Bốn mắt nhìn nhau, cậu vẫn không nhận ra mình có quen biết cô gái này. Cậu ấp úng nói:  

- Xin lỗi, chắc bạn nhầm người rồi.  

Cô gái phá lên cười, âm thanh giòn tan:  

- Anh nhớ kém quá. Em là Hạnh đây mà, hồi trước em sống gần nhà anh, rồi em vào Sài Gòn.  

Đến lúc này thì Khoa đã nhớ ra được. Cậu ngạc nhiên. Cái Hạnh hột mít ngày nào tròn vo bây giờ lại thành cô gái cao ráo mảnh dẻ thế này. Cậu vẫn lúng túng:  

- À, chào em. Trông em bây giờ khác thế.   

Hạnh gật gật đầu, nhoẻn miệng cười:  

- Vâng, ngày xưa em xấu hoắc mà. Anh vẫn thế. Vừa nhìn thấy anh là em nhận ra ngay.  

Rồi Hạnh kể cho Khoa nghe tại sao Hạnh lại có mặt ở đây. Cô bé đăng kí học đại học ở Hà Nội. Hạnh còn mở cả shop bán quần áo online nữa. Cô bé học về thời trang nên tự thiết kế mẫu cho shop của mình. Khoa không hiểu lắm về thời trang, nhưng thấy Hạnh say sưa kể cũng không nỡ cắt ngang. Khoa nhận ra Hạnh đã xinh đẹp hơn xưa nhiều, cô cũng tháo vát nữa. Khoa thấy bản thân mình chẳng có gì để kể cả, Khoa vẫn là một cậu sinh viên sống dựa vào gia đình, mới đây vừa có công việc thực tập. Một công việc bao gồm rất nhiều việc lặt vặt nên còn không biết chính xác nó là việc gì, đấy là còn chưa kể tới chuyện cậu phải làm việc dưới trướng người mình từng yêu mến.   Ngồi một lúc, đợi Hạnh kí xong hợp đồng, Khoa xin phép về. Hạnh tiễn cậu ra tận cửa, cô bé còn nói vọng theo:  

- Anh, lúc nào em lại tới nhà anh ăn cơm nhé.  

Khoa gật nhẹ đầu. Trên đường về, cậu cứ nghĩ không biết Hạnh bây giờ có còn thích ăn đồ ngọt như ngày xưa không. Cả Hạnh, Hạ Quyên và Lâm đều đã phần nào đổi khác, có người thay đổi ít, có người thay đổi nhiều, chỉ có Khoa là dường như vẫn còn dậm chân tại một chỗ, vẫn chưa thay đổi gì nhiều ngoại trừ việc cao và gầy hơn trước.   

Phương đã biết chuyện Hạnh ra Hà Nội học, nhưng chính Hạnh lại muốn giấu chuyện này, biến đó thành một điều bất ngờ đối với Khoa. Tối hôm sau thì Hạnh được mời qua nhà Khoa ăn cơm. Mẹ và em gái Khoa vẫn rất quý Hạnh, liên tục gặp thức ăn cho Hạnh. Còn Khoa, cậu không nói nhiều vì hơi mệt sau một ngày làm việc, nhưng lặng lẽ ngắm Hạnh trong suốt bữa ăn, thỉnh thoảng cậu cười thầm thấy cô dù đã lớn nhưng cái tính nói lanh chanh vẫn chưa bỏ. Cô vẫn như lúc trước, thích ăn tráng miệng. Chỉ có điều bây giờ ăn xong hai bát chè bưởi là cô đòi đi chạy bộ ngay vì lo sẽ tăng cân.  

Ăn tối xong, mẹ bảo Khoa tiễn Hạnh về nhà bác. Trên đường Hạnh hỏi Khoa đủ thứ chuyện, nhưng tuyệt nhiên không nhắc gì tới cái khung ảnh vẫn nhờ Khoa giữ hộ. Khoa mỉm cười, có lẽ cô bé đã quên rồi. Lúc về đến trước cửa nhà bác, Hạnh nhẹ nhàng nhấc một bàn tay của Khoa lên, cô đặt vào trong lòng bàn tay cậu cái gì đó rồi xấu hổ chạy luôn vào trong nhà. Khoa mở lòng bàn tay mình ra, một chiếc kẹo màu hồng nhỏ nhỏ xinh xinh nằm giữa bàn tay. Cậu nghĩ tới Hạnh, bất giác cảm thấy cô giống như một nữ sinh trung học lần đầu có cảm tình với một chàng trai nào đó. Tối hôm đó, Khoa không ăn cái kẹo nhưng đặt nó nằm nhẹ nhàng bên cạnh khung ảnh của Hạnh. 

  Một tuần sau, công ty luật nơi Khoa làm việc có một vụ kiện ở Đà Nẵng cần phải giải quyết. Trưởng phòng được giao phó vụ kiện này đã quyết định mang theo hai trợ lí là Hạ Quyên và Khoa. Tất nhiên những thông tin của vụ kiện hay khách hàng thì chỉ có Hạ Quyên được biết còn Khoa chỉ có việc đứng ngoài phòng làm việc chờ đi scan giấy tờ này, photocopy giấy tờ kia. Khách sạn nằm bên cạnh biển nên cảnh nhìn từ ban công phòng xuống vào buổi tối rất đẹp và thanh bình. Sau một ngày làm việc, Khoa đi lững thững dọc bãi biển, thả hồn mình vào những con sóng bạc đầu đang xô đẩy nhau, đập tới tấp vào bờ cát trắng. Đi qua một chiếc xích đu, Khoa dừng lại. Hạ Quyên đang ngồi trên xích đu, đôi chân trần thỉnh thoảng lại đá nhẹ một cái để chiếc đu bay lên. Cô mỉm cười với Khoa. Một nụ cười xã giao. Khoa nửa muốn nán lại nửa muốn đi tiếp. Cậu có rất nhiều chuyện muốn hỏi cô, nhưng nhìn thái độ của cô những ngày làm việc chung, cậu cũng không biết liệu cô có hứng thú trả lời những câu hỏi của mình không. Hạ Quyên thấy Khoa vẫn không hề bước tiếp, cô luôn nói:  

- Cậu đẩy hộ mình vài cái được không?  

Khoa tất nhiên không thể từ chối lời đề nghị của Hạ Quyên. Cậu đứng dịch sang một bên, đẩy nhẹ chiếc xích đu. Gió biển thổi mạnh làm mái tóc Hạ Quyên tung bay về phía sau, cô lấy tay vén nhẹ những sợi tóc mai bám vào hai bên má, rồi vẫn đôi mắt nhìn xa xăm về không trung, cô hỏi Khoa:  

- Tại sao trong suốt mấy năm vừa rồi, cậu không hề liên lạc với mình?  

Bị bất ngờ vì cậu hỏi của Hạ Quyên, Khoa thấy hơi lúng túng, nhưng cô đã nhìn sâu vào đôi mắt của cậu, và Khoa biết mình không thể không trả lời. Cậu đành nói úp mở:  

- Mình nghĩ cậu học hành rất bận nên không muốn làm phiền cậu.  

Hạ Quyên cúi xuống, đá đá những hạt cát bằng bàn chân trần, rồi cô lại nhìn ra xa xăm, tiếng nói nhẹ như tiếng lá rơi:  

- Suốt 5 năm cậu có số điện thoại của mình nhưng không hề gọi, có địa chỉ email nhưng không gửi một lá thư nào. Mùa hè nào mình cũng về Việt Nam, lần nào cũng tưởng cậu sẽ tìm cách liên lạc với mình”.   

Khoa im lặng. Cậu cảm nhận được sự trách cứ trong giọng nói của Hạ Quyên thì ít mà sự nuối tiếc thì nhiều. Có cái gì cũng đắng ngắt lại nơi cổ họng của Khoa. Cô bé áo mưa vàng đã làm cậu rung động, đã khiến cậu tìm kiếm vất vả vậy mà cậu lại chọn rời xa cô ấy quá dễ dàng. Ha Quyên đứng lên khỏi xích đu, cô gật nhẹ đầu chào Khoa rồi đi về phía phòng khách sạn.  

Khoa nhìn những bước chân Hạ Quyên mong manh còn in trên cát, cậu cũng muốn chạy theo cô nhưng chẳng biết sẽ phải nói gì, phải giải thích gì. Cậu đã có rất nhiều cơ hội để có thể liên lạc với Hạ Quyên, nhưng chính bản thân cậu lần lượt tự mình bỏ qua những cơ hội ấy.   

Đi đến tiền sảnh khách sạn, Hạ Quyên quay nhìn về phía bờ biển một lần nữa. Khoa giờ chỉ là một chấm nhỏ xa xôi. Những con sóng vẫn dâng lên, cuộn tròn, rồi vỗ mạnh vào bờ biển. Cô cảm thấy bản thân mình vừa chiêm nghiệm ra một điều gì đó. Có lẽ nào những tình cảm thời niên thiếu chỉ như một con sóng, đến rồi đi rất nhanh, kỉ niệm cũng như những dấu vết trên cát, đi theo cùng sóng, tình cảm đi rồi thì kỉ niệm cũng trôi tuột theo. 

Sau chuyến đi thực tế đầu tiên, cả Khoa và Hạ Quyên đều được sếp khen ngợi. Được nhận tháng lương thực tập đầu tiên do mình làm ra, Khoa quyết định mua món vịt quay đãi cả nhà. Khoa hí hửng nghĩ cả nhà sẽ bất ngờ lắm đây, từ trước tớ giờ toàn mẹ hoặc Phương đi chợ mua thức ăn chứ Khoa đã bao giờ mua đâu. Nhưng vừa mở cửa bước vào nhà, Khoa bất ngờ vì trên bàn, những món cậu thích ăn nhất đã được bày ra. Bố mẹ và Phương trông không có vẻ gì ngạc nhiên với tin Khoa được nhận lương hôm nay. Họ còn ấn Khoa ngồi xuống ghế trước. Vừa ngồi xuống, Khoa đã thấy từ dưới cầu thang có tiếng bước chân người đi lên. Đó là Hạnh. Cô bé hua hua một cái túi giấy ra đằng trước rồi hồ hởi:  

- Cháu phải chạy thật nhanh vì sợ kem chảy mất. May quá.   

Phương đón lấy cái túi từ tay Hạnh cất vào tủ lạnh còn mẹ thì nhanh miệng xếp cho Hạnh ngồi cạnh bên Khoa. Bữa ăn chúc mừng trôi qua vui vẻ dù Khoa cảm thấy như là mẹ và Phương liên tục hỏi về sở thích, thói quen của Hạnh và so sánh với cậu. Giữa bữa, Khoa nhờ Hạnh gắp cho một món ở phía xa mình, cô đón cái đĩa từ tay Khoa nhưng lúng túng thế nào lại va cái đĩa vào một góc của cạnh bàn, làm mẻ mất một miếng. Hạnh xấu hổ, mặt đỏ lựng lên vội xin lỗi mọi người, còn Khoa nhìn bộ dạng của cô, bất giác cảm thấy trong lòng rất thoải mái. Cô đã trưởng thành nhưng ở đâu đó trong cô vẫn còn hình ảnh của cô bé hột mít hậu đậu ngày xưa. Ăn cơm xong, Hạnh đứng lên chia kem trong tủ cho mọi người. Cô đưa kem đậu xanh cho mẹ, kem cốm cho Phương, kem ca cao cho bố và cuối cùng là kem dừa cho Khoa. Cậu ngạc nhiên, cô chia cho từng thành viên trong gia đình Khoa đứng loại kem mà người đó thích. Và nhất là chuyện Khoa thích ăn kem dừa, rất ít người nhớ mà Hạnh vẫn còn nhớ. Lúc sau khi Hạnh và Phương đang tíu tít xem tạp chí ngoài ghế, mẹ bảo Khoa:  

- Cái Hạnh thật dễ thương. Hồi nhỏ nó đã tốt tính rồi, bây giờ lại còn xinh đẹp hơn trước nữa.  

Khoa nhìn Hạnh, không có ý kiến gì chuyện hồi nhỏ cô không được duyên dáng như bây giờ, nhưng cũng cảm thấy dễ chịu với sự có mặt của cô ở đây, cô làm gia đình cậu nhộn nhịp và nhiều tiếng cười hẳn lên. Trời tối, Khoa lại tiễn Hạnh về nhà. Khi đi ngang qua một bến xe buýt trên đường, Hạnh chỉ vào tấm áp phích to đùng dán ở chỗ đợi:  

- Ủa, đó là anh Lâm hồi trước chơi thân với anh đúng không?  

Khoa gật đầu.  

- Nghe Phương bảo em là bây giờ hai người không chơi thân với nhau nữa à? Sao vậy?  

Khoa không muốn giải thích cho Hạnh nhiều, sợ cô bé sẽ hiểu sai sang hai hướng, một là nghĩ cậu đang kể xấu Lâm vì ghen ăn tức ở, hai là thấy cậu quá tự ti về bản thân mình. Con đường về nhà Hạnh mỗi lúc một ngắn hơn. Đột nhiên, Khoa có cảm giác như Hạnh vừa làm một động tác gì đó, cậu quay sang thì thấy cô bé đang khoác nhẹ cánh tay mình. Thấy Khoa dừng hẳn lại, Hạnh bỏ tay ra, ngượng ngùng giải thích:  

- Ăn no xong đi bộ mệt quá. Anh cho em bám nhờ một tí nhé.

Khoa gật đầu. Một lúc sau quay sang thấy Hạnh đang tủm tỉm cười. Còn cậu chẳng cảm thấy có gì đáng cười. Cậu chỉ nghĩ đơn giản giúp người là chuyện nên làm. 

Buổi tối, cái Phương nghe lời mẹ mang xuống cho Khoa bộ chăn ga mới, nó vừa giũ giường vừa nói:  

- Con trai đúng là giống nhau cả, đều ưa vẻ bề ngoài.  

- Sao em lại nói vậy?  

- Còn không đúng à? Ngày xưa cái Hạnh mập ú anh có thích chơi với nó đâu. Bây giờ thì anh còn đưa về tận nhà.  

Khoa định lên tiếng bênh vực mình nhưng nghĩ lại thấy Phương nói không phải không có lí. Con người ai chả yêu cái đẹp, nhất lại là con trai. Đêm hôm đó Khoa có một giấc mơ kì lạ, cậu nhìn thấy Hạ Quyên đang đứng ở phía xa, rồi lại cả Hạnh nữa, hai người hai hướng khác nhau và cùng đang vẫy Khoa. Cậu không thể chạy lại cả hai cùng một lúc, cậu cứ thể đứng ở giữa ngã ba con đường, không tiến lên mà cũng không lùi lại.  Sáng hôm sau Khoa đến văn phòng luật một lúc thì Hạ Quyên tới. Cô lại gần bàn của cậu, rồi nói nhỏ bảo cậu ra đợi ngoài cửa. Khoa hơi ngạc nhiên, thông thường nếu có chuyện gì thì Hạ Quyên hay nói thẳng luôn trong phòng. Ra tới ngoài, cô đưa cho cậu một tờ báo đã mở sẵn:

“Diễn viên Thiên Lâm bị tố cáo uống rượu say rồi gây thương tích”.

  Khoa đọc bài báo rồi lắc đầu ngán ngẩm. Là anti-fan tìm cách chọc tức Lâm mới bị cậu ta cho một cú đấm, tiền bồi thường đã nhận được rồi nhưng báo chí cứ thích làm rùm beng. Khoa nói:  

-Những tin như thế này mình đọc nhiều rồi. Mấy ngày nữa là lại có tin đính chính hay họp báo ấy mà.   Nói xong, Khoa đột nhiên cảm thấy lời nhận xét của mình về Lâm sao giống như những lời bình phẩm về mấy diễn viên truyền hình xa lạ, thật không giống một người đang nói về thằng bạn thân thiết của mình.   

Hạ Quyên giật lại tờ báo trên tay Khoa, nói:  

- Cậu thay đổi nhiều quá. Sao cậu lại bình thản như vậy? Đó là bạn của cậu mà.  

Khoa bao biện:  

- Cậu yên tâm đi, không có chuyện gì với Lâm đâu.  

Hạ Quyên nuốt nhẹ một cái rồi nói:  

- Mình cứ tưởng cậu sẽ rất lo lắng, thật không ngờ, cậu cũng đọc tin tức về bạn mình với thái độ thờ ơ như những người khác. Mình thật thất vọng về cậu.   

Nói rồi, Hạ Quyên bỏ đi. Khoa đứng chết lặng một lúc, nhìn chằm chằm vào tờ báo đã rơi xuống sàn nhà từ bao giờ. Cái tựa đề, hình ảnh phóng viên chụp được Lâm nằm chềnh ềnh trên mặt báo như trêu ngươi cậu. Hạ Quyên vừa nói những lời làm cậu thấy cay đắng vô cùng. Nhưng cô đã nói đúng. Có lẽ ai cũng nhìn thấy là Khoa đã tự để tuột mất người bạn thân của mình nhưng không ai muốn nói với cậu điều ấy. Chỉ có cô, là không hài lòng vì đã chứng kiến tình bạn của hai người.

_____________________________

Khi còn nhỏ, tất cả chúng ta đều mong sẽ lớn thật nhanh, để rồi khi lớn lên, người ta lại chỉ mong mình được quay về với thời thơ ấu mà thôi.

Chap cuối: Câu Trả Lời

  Phải rồi, vì Lâm mà Khoa đã che giấu đi tình cảm mình dành cho Hạ Quyên, thế mà bây giờ Khoa không còn tình bạn mà tình yêu thì quá xa xôi. Nửa buổi làm hôm ấy trôi qua thật nặng nề. Ánh mắt thất vọng của Hạ Quyên cứ ám ảnh cậu. Tranh thủ một tiếng nghỉ trưa, Khoa vào mạng đọc tin tức về Lâm, cảm thấy lo ngại thực sự vì không ai biết Lâm ở đâu, cậu đã không tới gặp người nhà nạn nhân. Tan giờ làm, Khoa không về nhà ngay mà chạy xe lòng vòng quanh khu phố nhà mình, cậu tình cờ gặp Hạnh. Cô phải vẫy tay một lúc thì cậu mới giật mình nhận ra. Thấy Khoa có vẻ mất tập trung, Hạnh hỏi:  

-Anh làm sao vậy?  

Khoa không giữ trong lòng được nữa. Có lẽ đôi lúc có những chuyện người ta không nói được cho người thân của mình những lại có thể nói cho người khác rất dễ dàng. Cậu kể lại cho Hạnh nghe chuyện đã đọc báo sáng nay, nhưng tuyệt nhiên không nhắc tới Hạ Quyên. Nghe xong, Hạnh hỏi:

  - Anh đã gọi cho anh Lâm chưa?   Khoa lắc đầu.   

- Thế anh tìm đến nhà chưa?  

Khoa lại lắc đầu tiếp, Hạnh cau mày:  

- Thế anh cứ đi xe lòng vòng thế này thì có ích gì. Nếu là em, em sẽ gọi điện.   

- Đã lâu rồi anh không nói chuyện với Lâm nên anh không biết phải bắt đầu thế nào - Khoa ấp úng.   Hạnh lắc nhẹ đầu, rồi cô nói, giọng đầy dứt khoát:  

- Chả thế nào cả. Nghĩ gì nói nấy. Anh gọi luôn đi, trước mặt em đây này.  

Cậu không hiểu sao những lời nói của cô có sức mạnh kì lạ, cậu vội vàng làm theo. Tiếng chuông đổ đến lần thứ tư thì Lâm nghe máy. Nhưng thay vì hỏi về vụ tai nạn hay bài báo, Khoa lại nói:  

- Mày ơi, đi đá bóng không?  

Lâm ngừng giây lát rồi nói “Ừ” một cái. Khoa hỏi tiếp:  

- Thế hẹn ở sân cũ nhé. Mấy giờ mày ra được?  

- Thật ra tao đang ở sân bóng sẵn rồi.  

Khoa hẹn Lâm sẽ ra ngay. Cất điện thoại vào túi, anh thấy Hạnh đang nhìn mình nhoẻn miệng cười:  

- Đấy, thấy chưa, anh chỉ cần hỏi là được mà. Lần sau anh đừng do dự nữa nhé.  

Khoa cảm ơn Hạnh rồi đề nghị đèo cô về nhà, nhưng cô nhẹ nhàng từ chối anh:  

- Thôi, anh đi đi kẻo Lâm chờ. Em tự về nhà được. Với cả không có mũ bảo hiểm thế này, ngày mai em không muốn đến lượt mình lên báo đâu.  

Khoa phóng xe đi, trong lòng cảm thấy như trút được một hòn đá to. Hóa ra mọi việc đều có thể giải quyết dễ dàng, chỉ cần cậu chịu dằn sự kiêu hãnh của mình xuống trước. Gặp Lâm ở sân bóng, Khoa vừa thấy Lâm hôm nay mới lạ mà lại quen thuộc làm sao. Mới lạ vì đã từ lâu rồi mới thấy Lâm không mặc toàn đồ hiệu, không hai tay hai điện thoại, vừa gọi điện vừa nhắn tin liên tục. Còn quen thuộc vì cái hình ảnh Lâm mặc quần jeans, áo phông thể thao và đội mũ lưỡi chai ngược đã gắn bó với Khoa từ thuở ấu thơ. Thấy Khoa tới, Lâm chủ động chạy lại gần và nói:  

- Này, tao vừa chỉ dạy cho mấy em kia vài đường cơ bản. Hóa ra bọn nó học trường cấp 3 của mình ngày xưa đấy, gia nhập cùng tụi nó đi.  

Hai người hòa vào mấy cậu học sinh cấp ba đang đá bóng trên sân. Chơi hăng say như những ngày còn bé. Và mỗi khi ghi được bàn thắng, Lâm lại cởi phắt mũ ra chạy quanh sân. Mấy cậu bé này hình như không nhận ra mình đang chơi bóng cùng diễn viên Thiên Lâm nổi tiếng. Cuối buồi chiều, đám học sinh tản về nhà, chỉ còn Lâm và Khoa ngồi lại trong sân. Khoa nhìn Lâm nhắm mắt lại, miệng khe khẽ huýt sáo, bỗng thấy người ngồi cạnh mình như thực sự là thằng bạn thân thời thơ ấu, chứ không phải là anh chàng diễn viên có cuộc sống xa hoa hào nhoáng kia. Có một sự im lặng dễ chịu giữa hai người. Rồi Lâm nói:  

- Lâu lắm rồi tao mới lại chơi vui như thế này.   

- Ừ đúng là lâu rồi thật.   

Khoa thấy ánh mắt Lâm xa xăm, rồi không cần cậu hỏi, Lâm tự nói tiếp:  

- Mày có nhớ hồi bé lúc nào tao cũng mơ ước được nổi tiếng, giàu có không?  

Khoa gật đầu.   

- Lúc đấy tao cứ nghĩ chỉ cần nổi tiếng, chỉ cần có nhiều tiền là tao sẽ hạnh phúc. Nhưng bây giờ, tao có tất cả mọi thứ, mà lại không thấy hạnh phúc.   

Khoa im lặng, không biết bình luận gì. Cậu có một cuộc sống bình lặng trái với Lâm, chỉ là một sinh viên trường Luật kín tiếng, và cậu hiển nhiên là cũng không hài lòng với hiện tại của mình.   

- Khi chúng ta còn nhỏ, mọi thứ đều đơn giản nhỉ?

- Lâm cười buồn.   

Có một nghịch lí trong cuộc sống là khi còn nhỏ thì tất cả chúng ta đều mong sẽ lớn lên thật nhanh, người ta đặt quá nhiều hi vọng vào tương lai. Để rồi khi lớn lên rồi thì người ta lại chỉ mong mình được quay về với thời thơ ấu mà thôi. Trong thế giới của những người trưởng thành, tình bạn thì ít, mối quan hệ thì nhiều, sự thành đạt được đo bằng số tiền kiếm ra được hàng tháng và sự lãng mạn thì như một thứ xa xỉ bị thực tại dồn ép vào một góc. Nhất là với một người thấy những gì mình muốn và những gì mình cần cứ mơ hồ như Khoa thì cái quá trình trường thành này thật vất vả. Và ngay bây giờ, cậu cũng ước mình sẽ được quay lại thời thơ ấu, thêm một lần nữa, giống như câu nói trong một bộ phim mà cậu đã xem đi xem lại nhiều lần: “Tuổi trẻ giống như một cơn mưa rào, dù bị cảm nhưng vẫn muốn quay lại để bị ướt thêm một lần nữa”.   

Khoa đột ngột quay sang hỏi Lâm:  

- Chuyện trên báo mày đã giải quyết được chưa?   

Lâm gật đầu:   

- Ừ quản lí của tao đã lo ổn thỏa rồi.   

Tối hôm đó, Khoa rủ Lâm về nhà chơi. Lâm ăn cơm cùng ba mẹ Khoa. Cả bốn người đang dùng bữa thì Phương đi học thêm về. Trong bữa cơm Khoa nhận ra em gái mình có cái gì đó không thoải mái với sự hiện diện của Lâm. Thật ra biểu hiện của Phương không có gì quá cả nhưng lại cung kính như khách, mà ngày trước Lâm giống như một người anh trai của Phương, chứ đâu có xa lạ thế này. Ăn cơm xong, Phương chạy ngay lên tầng. Lúc sau đi xuống đã thay bộ đồ khác, không mặc đồ ở nhà nữa, đầu tóc cũng tự dưng chải gọn gàng. Khoa còn tưởng Phương định ra ngoài chơi với bạn, hóa ra nó thay bộ đồ khác chỉ để đứng rửa bát. Tuy bình thường Phương đọc mấy tin tức về Lâm thì hay tỏ vẻ khó chịu, gọi Lâm là “công tử bột” nhưng hôm nay rõ ràng Khoa thấy Phương len lén nhìn Lâm mấy lần. Cậu suy nghĩ rồi cười nhẹ một cái “Mình đúng là vô tâm thật. Em gái mình cũng lớn rồi”. 

  Những ngày sau đó thật sự là khoảng thời gian đẹp nhất của mùa hè. Lâm và Khoa thỉnh thoảng lại đi đá bóng, và họ còn hội ngộ cả với Hạ Quyên nữa. Cả ba người đi ăn hết các quán vỉa hè nổi tiếng ở Hà Nội. Những tin tức về diễn viên Thiên Lâm vẫn xuất hiện đều đặn trên mặt báo, nhưng chủ yếu là lời khen ngợi cho sự thân thiện và lối sống mới lành mạnh. Những lúc nói chuyện tâm tình, Khoa lại có cảm giác như họ là ba cô cậu học trò cấp ba đang cười đùa. Thời gian đã trôi qua bao lâu mà tình bạn vẫn trong trẻo như viên thủy tinh. Nhưng rồi mùa hè cũng phải kết thúc, tháng 8, khi Hạ Quyên thông báo với Khoa và Lâm mình sắp phải quay lại Mĩ hoàn tất việc học, lời cô thông báo một tin dữ với cậu mà ngữ điệu lại nhẹ nhàng, thanh thoát làm sao. Buổi tối Lâm nhắn tin cho Khoa:  

- Mày định thế nào? Có nói cho Hạ Quyên biết tình cảm của mày không?  

-Thôi, tao không nói đâu, cũng chẳng dẫn tới đâu cả.   

Lâm vẫn chưa chịu từ bỏ ý định thuyết phục Khoa:  

- Mày nói đi, hồi trước mày vì tao mà không chịu nói. Bây giờ tao không tranh với mày nữa đâu, mày nói đi.

Khoa đặt điện thoại qua một bên, đứng lên đi đi lại lại trong phòng. Suốt mấy năm nay, cũng không phải là cậu không để ý tới người con gái nào khác, nhưng những kỉ niệm về Hạ Quyên thì thực sự không ai có thể thay thế được. Tháng ngày được ở bên cô không nhiều nhưng cứ mỗi lần trời đổ cơn mưa rào, cứ mỗi lần thấy ai mặc áo mưa vàng trên phố là cậu lại thấy bồi hồi. Đã bao lần cậu lấy ra cuốn sách định tặng cô ngày xưa, mở tới trang cuối cùng rồi đóng lại. Những lúc đó trong lòng cậu chỉ có sự nuối tiếc vì những lời chưa kịp nói. Ngày trước thì tình bạn với Lâm là vật cản. Còn bây giờ, chính tình bạn mới nối lại giữa Khoa và Hạ Quyên làm cho Khoa thấy sợ. Cậu hiểu hơn ai hết mình sợ nếu Hạ Quyên không chấp nhận tình cảm này, hai người có thể không còn làm bạn được nữa.   

- Tình bạn của chúng là thật đẹp. Được làm bạn với cậu thật vui, mình biết làm thế nào bây giờ?  

Khoa đến quán cà phê khu phố cổ muộn 20 phút vì tắc đường. Cậu hơi ngạc nhiên vì không thấy có cuộc gọi nhỡ nào của Lâm. Bình thường Lâm rất hay mất kiên nhẫn, cậu chỉ muộn chút xíu thôi là điện thoại sẽ bị dội bom tới tấp. Nhưng bây giờ vẫn thấy im hơn lặng tiếng, trong lòng Khoa tràn đầy nghi hoặc. Bước vào quán, chỉ nhìn thấy Hạ Quyên đang ngồi lặng im một góc, Khoa lắc đầu: “Lúc nào cũng chơi trò này”.   

Hạ Quyên cảm thấy có một cảm giác rất khác lạ khi Khoa bước tới. Cô chỉ muốn nhìn Khoa thật lâu, để ghi nhớ hình ảnh của cậu. Cô không chỉ chờ cậu có 20 phút của ngày hôm nay, suốt những năm tháng xa gia đình học tập nơi xứ người, cô vẫn chờ cậu. Câu hỏi ngày xưa Hạ Quyên từng hỏi Khoa, bây giờ cô đã biết lí do vì sao cậu không cho cô một câu trả lời. Nếu không phải là Lâm tìm đến Hạ Quyên và kể cho cô nghe thì chắc cô sẽ cứ thế chia tay Khoa như một người bạn thân. Khi Khoa đã ngồi yên vị, Hạ Quyên lấy hết tất cả sự can đảm, nói nhẹ:  

-Lâm đã kể cho mình nghe vài chuyện.   Khoa chột dạ. Cái thằng bạn này, ai đời lại để cậu vào thế bị động thế này. Không biết Lâm đã kể với Hạ Quyên những gì mà trông cô rất nghiêm nghị. Cậu muốn gượng cười cũng khó. Thôi, nhìn ánh mặt cương quyết của cô thì cậu có muốn trốn cũng không được. Khoa tự thấy thân mình lúc này giống như “cá nằm trên thớt”, như “ngọn đèn trước gió”.    Những ngón tay Hạ Quyên đặt trên bàn hơi dịch chuyển về phía Khoa, nhưng rồi cô khép bàn tay lại, cô nói:  

- Mình không phải là cô bé đó đâu. Mình không phải là cô bé trong cơn mưa rào mà cậu đã gặp đâu. Mình chỉ tình cờ tới mua đồ trong cửa hàng bác cậu, rồi cũng tình cờ có áo mưa màu vàng thôi. 

Khoa nhíu mày, cậu vẫn chưa bắt kịp những lời của Hạ Quyên.   

- Nếu mình không phải là cô bé đó, thì cậu có thích mình không?  

Khoa thấy mọi chuyện đột nhiên trở nên hơi rối. Hình ảnh cô bé mặc áo mưa vàng đứng đọc truyện dưới mái hiên mà cậu nhìn thấy và hình ảnh Hạ Quyên lúc đầu là một, rồi đột nhiên bị chia làm hai, lúc rõ ràng lúc mờ ảo. Hạ Quyên muốn hỏi là cậu thích cô bé áo mưa vàng không? Hay là thích Hạ Quyên? Hay là giữa hai người thì thích ai nhiều hơn?  

Hạ Quyên nhìn Khoa chăm chú, chờ đợi câu trả lời của cậu. Còn Khoa, trong đầu vẫn đang sắp xếp lại từ ngữ để có một câu trả lời rõ ràng nhất. Hạ Quyên uống thêm một ngụm cà phê nữa, rồi cô bình thản đứng lên:

- Cậu lúc nào cũng thế. Cứ liên quan tới chuyện tình cảm, là cậu lại không dứt khoát. Mình ghét điều đó lắm, vì nó làm mình cứ hi vọng, cứ chờ đợi. Cậu chẳng bao giờ chịu nghĩ cho người khác cả.   

Hạ Quyên bước nhanh ra khỏi quán, Khoa định chạy theo giữ cô lại nhưng cậu tự cảm thấy hành động đó thật vô ích vì cậu đã có câu trả lời cho cô đâu. Trên đường chạy xe về nhà, cậu miên man trong dòng suy nghĩ, cố gắng lắp ghép những hình ảnh của 4 năm trước và hiện tại lại với nhau. Phải rồi, cậu chưa từng hỏi Hạ Quyên có phải là cô bé đã làm trái tim cậu loạn nhịp trong cơn mưa rào không. Cậu chỉ dựa vào hình dáng mà tự ngộ nhận hai người là một mà thôi. Cậu thật ngốc, người điềm đạm từ thuở nhỏ như cô, sao lại hấp tấp đứng đọc truyện dưới mái hiên trong một cơn mưa chứ. Nhưng Khoa thấy mình thật oan ức khi bị Hạ Quyên quy kết là không chịu nghĩ cho người khác. Năm năm trước, cậu vì nghĩ cho Lâm nên mới không thổ lộ tình cảm với cô. Năm năm sau, cậu vì sợ cô khó xử nên mới lưỡng lự một lần nữa. Tối hôm đó, sau khi nghe Khoa kể lại mọi việc, Phương chép miệng:  

- Hóa ra tất cả đều bắt đầu từ một sự hiểu lầm. Bây giờ anh định thế nào?   Khoa đang tự đặt ra trong đầu những giả thiết. Nếu Hạ Quyên không phải là cô bé áo mưa vàng đứng trú mưa mùa hè năm đó thì cô chỉ đơn giản là người bạn gái học lớp bên. Cô chỉ là người đã viết nắn nót từng bức thư cho cậu, chỉ là người đã không cười lớn khi cậu bị ngã mà kéo cậu đứng dậy. Như thế có đủ để cậu thích cô không?  

Ngày cuối cùng của tháng 8, trời Hà Nội dở chứng đổ cơn mưa rào không dự báo trước. Không mang theo áo mưa nên về đến nhà thì Khoa đã ước lướt thướt. Cậu vừa mới lê được cái xe máy vào nhà thì nghe thấy có tiếng chuông cửa. Vừa mở cửa ra, Khoa hơi bất ngời bởi hình ảnh cậu nhìn thấy. Có một chiếc xe đạp dựng ở vỉa hè nhà cậu. Và có một cô bé mặc áo mưa vàng chóe đứng trước cửa nhà cậu. Đó là Hạnh. Vừa thấy Khoa, cô bé cười thật tươi, nói lớ:  

- Em cầu mãi cuối cùng trời cũng mưa rào rồi.   

Khoa nhìn Hạnh từ đầu tới chân rồi hỏi đầy nghi ngờ:  

- Em không tình cờ mà mặc thế này chứ?  

Trong đời mình đã trải qua vài lần tình cờ nên Khoa thấm thía hậu quả của nó lắm rồi.   

- Em cố tình mặc thế này đấy.   

Rồi Hạnh hạ giọng, nói nhát gừng:  

-Phương nói với em là anh thích cô bé mặc áo mưa vàng trong kí ức của anh. Nhưng mà hóa ra chị ấy lại không phải là người đó.   

Hạnh vừa nói vừa tiến thêm một bậc cửa lại gần Khoa hơn:  

- Nhưng mà em có thể làm người đó mà. Anh chỉ cần tìm một cô bé mặc áo mưa vàng khác thôi.   Khoa nhìn Hạnh chăm chú. Đứng gần thế này mới thấy Hạnh hình như còn giống với cô bé trong kí ức của Khoa hơn Hạ Quyên rất nhiều. Nhưng có gì đó không đúng ở đây. Cái câu hỏi căng lên như bong bóng trong đầu Khoa suốt mấy ngày nay dường như đã có câu trả lời. Hạnh đã cho Khoa biết câu trả lời rồi. Cậu hơi đẩy cô lùi lại một chút, rồi nói:  

- Anh xin lỗi. Nhưng anh, anh không thể chấp nhận tình cảm của em được.  

Câu trả lời của Khoa đã làm tan vỡ hết những hi vọng trong Hạnh. Cô bặm môi lại, rồi đột ngột quay đi và đạp nhanh xe về. Hạnh vừa đi, Khoa quyết định phải làm luôn cái việc mà cậu đáng lẽ phải làm từ bốn năm trước. Khoa chạy vào nhà lấy chìa khóa xe, trời vẫn mưa rào ồ ạt, gió tạt mạnh vào mặt nhưng Khoa không cảm thấy gì cả, cậu chỉ thấy trong lòng tràn ngập một sự vui sướng phấn khởi mà thôi. Cậu chạy xe một mạch tới nhà Hạ Quyên, khi cô vừa ra mở cửa, không để cô nói gì, cậu bất chấp những giọt nước mưa còn dính đầy trên mặt, trên tóc mình, nói quả quyết:  

- Nếu không phải là cậu thì mình không thích đâu. Nếu cô bé áo mưa vàng đó không phải là cậu thì mình bỏ cô ấy chứ không bỏ cậu. Hạ Quyên, cậu không mặc áo mưa vàng cũng được, cậu mặc áo mưa màu gì thì mình sẽ thích màu đấy.  

Hạ Quyên đưa một bàn tay lên chạm vào má Khoa, ngắt lời cậu:  

- Đừng nói nữa, mình hiểu rồi. Cậu có lạnh không?  

Khoa giữ lấy tay Hạ Quyên, cậu vẫn còn chưa hỏi cô điều quan trọng nhất:  

-Vậy, cậu có còn thích mình không?  

Hạ Quyên vừa lấy tay gạt nhẹ nhưng sợi tóc mai dính nước mưa của Khoa sang một bên, vừa nói:

  - Đồ ngốc. Từ lúc cậu đạp xe đi theo mình qua mấy con phố, từ lúc cậu làm sao đỏ lớp mình, từ lúc cậu nhường cho mình thắng cuộc thi kéo co, thì mình đã thích cậu rồi.  

Khoa nắm chặt bàn tay Hạ Quyên. Cậu muốn ôm lấy cô nhưng lại sợ mình sẽ làm cô bị ướt. Hạ Quyên cảm nhận được bàn tay run rẩy lạnh lẽo vì nước mưa của Khoa. Cô nhìn sâu vào mắt chàng trai đứng trước mặt mình, trong lòng tự nhủ:  

- Từ nay cứ lúc nào trời mưa, thì mình sẽ mặc áo mưa màu vàng.   

Sau khi về tới nhà, Khoa gặp ai cũng cười, nghe chuyện gì cũng cười. Đúng là khi đang yêu thì con người ta lúc nào cũng vui ra. Buổi tối, khi về phòng và nhìn thấy khung ảnh trên giá sách của mình, Khoa mới chột dạ nghĩ tới Hạnh. Cậu đã hơi vô tâm mà quên đi mất cảm xúc của cô bé. Bây giờ làm sao mà giải thích đây. Hay là cứ im lặng để mọi chuyện dần dần trôi qua. Vừa nghĩ tới đó, Khoa đã thấy khuôn mặt “nặng như chì” của Phương đứng ở cửa. Cứ như thể giữa hai anh em có thần giao cách cảm hay sao ấy. Nhưng dù sao chuyện của Hạnh cũng là chuyện sớm muộn Khoa phải giải quyết, không thể né tránh được. Nếu đã vậy giải quyết sớm thì hơn.  

Biết Hạnh không chịu gặp mình, Khoa phải nhờ Phương giúp đỡ. Bây giờ thì Khoa đã hiểu tại sao Lâm lại hay bày ra cái trò hẹn rồi vắng mặt, đặt đối phương vào cái sự đã rồi. Vì cái trò đó, thực ra là rất hiệu quả. Hạnh cũng chịu mở cửa cho Khoa vào nhà. Cậu vừa đặt được cả hai chân vào thì cô lớn tiếng hỏi:  

- Anh đến đây làm gì?  

Khoa rút cái khung ảnh trong túi ra, nói lí nhí:  

- Anh mang trả em cái này.   Hạnh giật lấy cái khung ảnh từ tay Khoa, nói cộc lốc:  

- Em cầm rồi, anh về đi.    Khoa nhìn biểu hiện của Hạnh, hiểu rằng cô đang cố kìm những giọt nước mặt, nhưng cái giọng nói nghèn nghẹn của cô, và cái nhìn né tránh, thì cậu hiểu là mình đã làm cô bị tổn thương. Cậu cũng từng có mối tình đầu, và cậu hiểu nó bị từ chối thì sẽ buồn thế nào. Bây giờ Hạnh đứng trước mặt Khoa, không phải là cô gái vừa bị cậu từ chối, mà chỉ là cô em gái “hột mít” hậu đậu ngày nào. Khoa muốn an ủi Hạnh, giống như một người anh trai an ủi đứa em gái của mình.   

- Anh… anh chỉ muốn em hiểu rằng… anh từ chối em không phải vì em không xinh đẹp hay không tài giỏi.   Hạnh ngước lên, có vẻ muốn nghe Khoa nói hết câu.  

- Trong số những người anh quen thì em là người xinh đẹp nhất. Nhưng từ lúc trước, em không xinh đẹp, hay làm đổ vỡ các thứ thì anh vẫn quý em. Suy nghĩ của anh về em không thay đổi dựa vào ngoại hình của em.   

Hạnh ngập ngừng:  

- Em muốn biết anh nghĩ gì về em?  

Khoa bình thản đáp:  

- Em đối với anh như là cô em gái thứ hai của anh.  

Hạnh im lặng rồi đi vào nhà. Mấy ngày sau Khoa cố tình đi ngang qua nhà bác, nơi Hạnh thuê trọ nhưng thấy nhà cả cổng chính lẫn cửa sổ đều đóng im lìm, không có tiếng động gì. Thấy lạ, cậu về hỏi Phương thì mới biết Hạnh đã tìm thuê một căn phòng khác, đã chuyển đi rồi. Trước khi đi, Hạnh có chạy sang nhờ Phương đưa cho Khoa một món quà. Cậu nhìn chiếc hộp được bọc kĩ lượng, đắn đo không biết có nên mở ra không. Lần trước Hạnh đã để lại một vật để Khoa nhớ tới cô, thế còn lần này? Nằm gọn trong chiếc hộp là một cái thiếp và khung ảnh mà Khoa đã mang trả lại Hạnh, nhưng tấm ảnh cũ không còn ở đó nữa. Cậu mở tấm thiệp ra:  

“Anh Khoa!

Sau khi anh tìm đến gặp em thì em đã suy nghĩ rất nhiều. Anh hãy tha lỗi cho em nhưng em không thể cứ bỏ qua mọi chuyện mà tiếp tục vui vẻ cười nói với anh như trước được. Em chưa sẵn sàng làm em gái thứ hai của anh. Cái khung ảnh này đã để ở chỗ anh lâu quá rồi, em cũng không muốn lấy lại. Anh hãy để ảnh của anh và chị ấy vào đây nhé”.  

Gập đôi lại tấm thiệp của Hạnh, Khoa nằm ngả lên giường, tay gối sau đầu. Cậu biết rằng những câu chữ này rồi sẽ đọng lại trong tâm trí cậu thêm một thời gian nữa. Phương đi vào phòng từ lúc nào và ngồi xuống bên cạnh Khoa:   

- Hạnh đi rồi nhưng anh vẫn có chị Hạ Quyên. Anh được lời quá rồi còn gì.  

Cậu đáp lại em gái bằng sự im lặng. Khoa không băn khoăn gì về chuyện được lời hay không, chỉ cảm nhận được một nỗi buồn man mác đang xâm lấn tâm hồn mình. Người đến với cuộc đời ta, rồi người lại ra đi, hình như là điều không thể tránh khỏi. Nếu ta không cần họ, thì cũng không giữ họ lại được. Kì lạ làm sao, chỉ trong một mùa hè ngắn ngủi mà Khoa đã học được rất nhiều thứ. Người bạn thuở ấu thơ, cô gái của quá khứ, cô bé hàng xóm vô tư một thời, họ đã làm thay đổi những nhận thức của cậu.   

“Ở thế giới người lớn họ không được phép quá tham lam, trẻ con có thể được nhường tất cả nhưng người lớn thì bị buộc phải lựa chọn. Những chọn lựa trong tình cảm, vì một người mà làm tổn thương một người khác là điều không thể tránh khỏi.

 

Có lẽ vì thế mà người ta cần phải có trách nhiệm với lời nói của mình. Một lời nói đúng lúc có thể đưa người bạn đang tuột dốc trở lại, có thể mang tới cuộc đời ta một cô gái tuyệt vời. Và tất nhiên, một lời nói cũng có thể mang đi xa mất cô em gái mà ta yêu mến vô cùng”.

                                                              - - - The End - - -

  Mí bạn vào ủng hộ giúp mình những truyện khác nhé! Thanks All

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro