Chương 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Rút kinh nghiệm lần trước, lần này Thùy đội cái nón rơm rộng vành lên đầu cho chắc ăn. Còn Châu, cậu ta tròng vào cổ cái máy chụp hình tự động mà ông Đặng thưởng cho cậu sau khi cậu nhận bằng tốt nghiệp cấp hai, loại giỏi.
Ba bạn trẻ theo con đường mòn thẳng sâu vô trong rừng. Nghe tiếng suối chảy róc rách đâu đây, tự nhiên Phan nổi hứng muốn tham quan. Cậu lưỡng lự nhìn Châu rồi đề nghị:
- Hay là tụi mình vọc nước suối một lát. Cậu chụp hình cho mình một "pô" đứng bên suối được không?

Thùy vỗ tay, nhảy nhảy lên:
- Đúng rồi đó. Anh Châu chụp hình mở hàng đi. Nhà nhiếp ảnh đại tài sắp có hình đăng báo rồi.

Châu "kê tủ đứng"(*):
- Hình thú vật hoang dã thì họ mới đăng, chớ hình cậu Phan ai mà thèm đăng? Lỡ đăng lên, độc giả tưởng quái vật rừng chồi thì sao?
(*) Ý nói châm chọc

Nhưng Châu sẵn sàng bấm một "pô" cảnh Phan đứng gác chân rất điệu trên tảng đá nhỏ bên bờ suối. Thêm một "pô" nữa cảm Thùy ngồi nghiêng nghiêng trên tảng đá đó, và Phan đứng cười toe toét bên cạnh.

Tiết mục chụp hình chấm dứt. Châu hướng dẫn mọi người tới thẳng bụi cây có nhiều hang thỏ.

Rừng chồi đã có hàng trăm năm nay nên tụ hội rất nhiều loại cây cổ thụ và cây lớn. Cây mọc theo tầng. Nhô lên bầu trời cao vẫn là những loại gỗ quý có thân to, như gõ, cẩm lai... Thâm thấp hơn một chút là bằng lăng, căm xe, huỳnh đàn... Rạp xuống đất thì có vô khối những loại cây nhỏ tạp nhạp mà ba bạn trẻ chịu thua, không tài nào biết được chúng tên gì. Tàn của chúng xòe ra ngay trên đầu người qua, kẻ lại. Hoa và trái của chúng thì ngay tầm tay với.

Mặt đất mọc đầy các bụi cây thâm thấp.Rừng mà không có vô vàn những bụi cây rậm rạp này thì không có dáng vẻ của rừng. Cành cây đan vào nhau chằng chịt. Đây là nơi ẩn náu an toàn nhất cho loài thú nhỏ. Nếu nghe tiếng động khả nghi nào đó, con thỏ chỉ cần phóng nhanh vào trong một bụi rậm, coi như thợ săn trắng tay ra về.

Đó là nơi thỏ đào hang trú ẩn nhiều nhất.
Châu nói với Phan:
- Cậu vẹt cái cánh lòa xòa kia lên đi. Mình chỉ cho.

Phan làm theo lời Châu hướng dẫn. A, ngộ ghê ta ơi. Một cái hang thỏ đen thui lộ ra bên ngoài rễ cây. Cái hang xiên xiên, sâu xuống lòng đất. Miệng hang vừa vặn với thân mình con thỏ, nhưng bên dưới có vẻ rộng rãi hơn để nó dễ dàng xoay trở.

Châu giải thích:

- Hang thỏ có nhiều nhánh. Có nhánh dẫn lên một miệng hang khác, cách đó năm,bảy thước. Có nhánh cụt - chắc là con thỏ lơ đãng quên đào tiếp. Có nhánh thông qua một nhánh khác. Thành ra, nhiều khi ngay trong hang nó mà nó còn đi lạc.

Phan nói:

- Cậu giỡn hoài. Làm gì có chuyện thỏ đi lạc trong hang của nó.

Châu chỉ cười hề hề. Chợt Thùy nói nhỏ:

- Anh Châu, anh nhìn sang bên trái kìa.

Châu và Phan cùng nhìn sang. Một con hoẵng non đang đứng ngơ ngác. Châu vội vàng ra hiệu cho Phan và Thùy ngồi thụp xuống. Cậu ta đưa ngón trỏ lên môi và nhẹ nhàng đưa máy chụp hình lên mắt. Con hoẵng non vẫn đứng yên, không tỏ vẻ cảnh giác hoặc hoảng hốt. Châu bấm liền ba "pô" với dáng điệu lành nghề của tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Ánh sáng Flash nhá lên làm con hoẵng giật mình. Nó quay đầu nhìn về phía ba bạn trẻ rồi thủng thỉnh bỏ đi. Ý muốn nói: Mấy anh chị ồn ào quá, em không thể nào đứng yên suy nghĩ được. Thôi em đi chỗ khác đây.

Thùy vỗ nhẹ vào cái máy chụp hình trước ngực Châu, chọc:

- Thế là có một trăm ngàn rồi nhé

Phan mỉm cười, khen ngợi thật lòng:

- Cậu kiếm ra tiền dễ thật. Cậu làm mình cảm thấy ganh tị.

Châu hơi khiêm tốn:

- Đâu phải ngày nào mình cũng gặp được những cảnh này. Với lại, muốn trở thành một người chuyên chụp cảnh thiên nhiên, cậu cũng cần có tình yêu thiên nhiên. Và đó là nguồn cảm hứng duy nhất.

Thùy bụm miệng cười. Phan đập đập lên vai Châu đồng cảm và Châu chỉ biết nhún vai.

Ba bạn trẻ đi tiếp. Khu rừng im ắng. Thỉnh thoảng có tiếng chặt cây, chặt cành từ đâu đó vọng lại. Phan chợt nói to như diễn đạt ý nghĩ trong đầu mình bằng lời:

- Nếu ở đây có rừng, thì một trăm năm trước, ở đây cũng phải có rừng, chớ không thể chỉ là bãi đất hoang được. 

Châu đồng ý với Phan:

- Đúng vậy. Nhưng nó có thể chỉ là rừng non mới được trồng thôi.

Thùy hớn hở lên tiếng đề nghị:

- Vậy bữa nào rãnh, tụi mình nhờ chị Sông Hương dẫn tụi mình vào trong rừng non chơi đi. Tụi mình sẽ chụp hình nó. Khu rừng cổ cách đây một trăm năm. Nghe "chảnh" thiệt há.

Thích thú trước sáng kiến của Thùy, ba bạn trẻ rủ nhau quay về nhà.

Trên đường về, Châu còn chụp được cảnh một hai con sóc đang chụm đầu vào nhau, rù rì trò chuyện. Một "pô" hình độc đáo. Phan khuyên Châu nên gởi tới báo Kiến Thức Ngày Nay, biết đâu tiền nhuận bút có thể cao hơn.

Dì Ngọc đang ngồi nói chuyện điện thoại tại quầy tiếp tân. Giọng dì thay đổi hẳn. Nó eo éo lên như một nghệ sĩ hài đóng vai "pê đê":

- Trời ơi, sao dzậy? Em đã nói cưng đừng đi bơi mà cưng cứ đi bơi hoài. Bây giờ nghẹt mũi rồi phải hôn? Tối nay không được đi nhảy với mụ Loan nữa. Mụ ta chỉ ham moi tiền cưng thôi. Hết tiền là mụ ta cho cưng ''de'' ngay. Được rồi. Cuối tuần này em sẽ về mà. Em sẽ mang theo một ''món quà cực kỳ" dành cho cưng. Bai nghen.

Dì Ngọc cúp máy, vươn vai, há miệng ngáp to rồi ngoắc Châu:

- Ê Châu, ở trên gác xép có một chiếc gương khá cổ.Chiếc gương đó khoảng mấy trăm năm vậy? Của mẹ Cháu hả? Sao mẹ cháu lại cất kỹ trên gác xép vậy? Cháu bưng xuống đây cho dì. Dì muốn đặt nó lên quầy tiếp tân này.

Ba bạn trẻ đứng chết trân. Rồi Thùy hoảng hốt chen vào:

- Í, không được đâu dì ơi. Chiếc gương đó xui lắm. Người chủ trước nói, chiếc gương đó không thể bán được, không thể cho được,không thể đập bể được, không thể dời nó ra khỏi chỗ đó. Người nào đụng tới nó, người đó sẽ gặp mọi điều xui xẻo!

DÌ Ngọc cau mày, nhìn ba bạn trẻ với vẻ mặt nghi ngờ:

- Làm gì có chuyện đó? Thời buổi Internet mà còn tin vô ba cái mê tín dị đoan đó hả? Được rồi. Khỏi nhờ mấy cháu nữa. Để bữa nào tự tay dì bưng nó xuống đây, coi thử dì ra đường có bị ai tạt nước sình nước cống lên đầu không.

Ba bạn trẻ không nói gì hết, ai nấy lẳng lặng trở về phòng riêng.

Ngồi phịch xuống giường, Châu tức tối:

- Dì Ngọc dám lên trên gác xép lục lọi đồ của nhà mình. Ai cho phép bả làm như vậy? Phụ nữ phụ niếc gì mà bất lịch sự quá. Lỡ bả tưởng chiếc guơng đó là đồ cổ, bả bưng đi bán mất tiêu, rồi làm sao tụi mình gặp lại Sông Hương? 

Phan cũng suy nghĩ y hệt như Châu, cậu cắn môi nói:

- Tụi mình phải theo dõi dì Ngọc mới được. Tụi mình chia phiên ra theo dõi. Nếu thấy dì lẻn lên gác, tụi mình đi theo để ngăn cản dì bưng chiếc gương đi mất. Hồi nãy dì bưng qua điện thoại, là sẽ mang về thành phố một "món quà cực kỳ". Biết đâu nó là chiếc gương của tụi mình?

Châu búng tay "tróc" một cái:

- Được rồi. Tụi mình sẽ thay nhau trực chiến. Lát nữa ăn cơm tối xong, tụi mình sẽ bàn với Thùy. Con nhỏ có nhiều sáng kiến hay lắm.

Quả nhiên Thùy tán thành đề nghị chia phiên trực của Châu. Cô nói:

- Tối nay bắt đầu đi. Người nào trực sẽ bắt ghế ngồi trong phòng em. Cánh cửa phòng em vừa nhìn ra quầy tiếp tân, vừa thấy rõ phần chân cầu thang. Mỗi một động tĩnh của dì Ngọc sẽ không thoát khỏi cặp mắt của người đang ngồi trực.

Phan hỏi:

- Mỗi phiên trực mấy tiếng?

Châu trả lời:

- Một tiếng thôi. Từ 9 giờ tới 10 giờ. Từ 10 giờ tới 11 giờ. Từ 11 giờ tới nửa đêm. Mình chắc là bả không chờ tới quá nửa đêm đâu.

Rồi Châu hỏi  một câu rất quan trọng:

- Ủa, mẹ xếp cho bả căn phòng nào vậy? Mẹ có nói em biết không?

Thùy gật đầu:

- Dì Ngọc được hưởng căn phòng bìa, của dãy phòng bên hông nhà. Nếu muốn lên cầu thang, dù phải mở của trước hay cửa hậu, dì cũng phải đi vòng qua quầy tiếp tân và không thoát khỏi trạm quan sát của chúng ta.

Tối đó, tình hình hoàn toàn êm ắng như dự kiến. Ông Đặng và bà Phương khóa chặt hết cửa nẻo rồi về phòng lúc chín giờ. Thùy bắt đầu phiên trực đầu tiên. Cô tắt đèn tối thui, để mọi người tưởng là cô đã ngủ.

Lúc này, trong phòng tiếp tân chỉ còn lại một cái bóng đèn vàng thật nhỏ. Ánh sáng vàng vàng nhờ nhờ của nó đủ để người ta không va phải góc tủ, cạnh bàn, khi họ cần vào trong rest-room.

Dì Ngọc ngồi coi tivi một mình trong phòng khách chung. Dì nói đã quen thức khuya rồi, khó mà đi ngủ sớm theo thói quen của dân quê được. Nhưng thỉnh thoảng dì cầm rờ-mốt bước ra ngoài, nhìn lên cầu thang, nhìn chung quanh rồi trở vô. Thùy đếm hai lần cả thảy.

Mười giờ, Phan trực thay cho Thùy. Cậu ngồi xuống cái ghế đặt nơi cánh cửa he hé. Mắt cậu dán vào khe cửa  mở nhỏ khoảng ba phân. Tới khoảng mười ruỡi, dì Ngọc tắt tivi, bước ra ngoài. Dì đứng yên tại chỗ vài phút, nhìn lên cầu thang rồi nhẹ chân quay về phòng riêng của mình qua cánh cửa hậu.

Phan hé cửa to hơn, thò nửa mặt ra nhìn về phía đó. Đèn trong phòng dì bật sáng. Ánh sáng hắt qua khe cửa bên dưới sàn. Chắc dì đang chuẩn bị mùng mền. Khoảng năm phút sau, dì tắt đèn. Cánh của phòng dì đột ngột đen thui. Phan vội vàng rụt đầu vô và chăm chăm dán mắt về hướng quầy tiếp tân.

Mười một giờ, Châu rón rén tới trực thay cho Phan. Cậu ngồi một mình trong bóng đem. Tai cậu căng ra nghe ngóng và mắt cậu mở trừng trừng nhìn vào màu vàng lờ mờ bên ngoài. Tiếng Thùy thở nhẹ và đều đều trong góc phòng. Chắc cô bé đã ngủ say rồi.

Mười một giờ mười lăm, tiếng động nhẹ từ cánh cửa phòng dì Ngọc vọng tới. Châu chồm người ra trước. Cậu hé cánh cửa thêm vài phân. Dì Ngọc đang dáo dác bước lên cầu thang. Dì đi chân không. Ái chà, ghê gớm thật!

Châu mở rộng cánh cử hơn, cậu bắt chước bỏ dép lại, lẻn ra ngoài và lặng lẽ đi theo. Ở giữa hành lang có một ngọn đèn vàng soi sáng một khoảng không gian rộng lớn. Nhưng công tắc của nó lại được gắn nơi đầu cầu thang. Thế là đợi dì Ngọc bước hẳn lên cầu thang gỗ, Châu tắt đèn.

Vốn đã quen với trò chơi này, Châu vừa đi thoăn thoắt vừa đếm thầm bước chân trong bụng. Đếm tới con số ba mươi là chân cậu đụng phải caafiuu thang gỗ dẫn lên gác xép. Cậu nhanh nhẹn bước lên, đứng yên ở bậc thang trên cùng, nhẹ tay mở cánh cửa, nhìn vào.

Bên trong gác xép tối thui, nhưng nhờ ánh trăng soi qua khung cửa sổ. Châu thấy dì Ngọc đang đứng lom khom trên chiếc gương thời gian, cố hết sức nhấc nguyên cái đế gương bằng gỗ đặc lên.

Không biết sức người già có hạn hay vì chiếc gương không muốn lọt vào tay kẻ bất lương mà dì Ngọc không tài nào nhấc nó lên được.

Tiếng dì chửi thề nghe rõ mồn một. Rồi dì bực dọc đẩy mạnh đế gương một cái.

Đế gương trật ra khỏi cái khung hình chữa nhật cố định của nó.

Ánh sáng chói lòa chiếu ra từ những khoảng trống bị chệch đi dưới đế gương.

Ánh sáng chiếc thẳng vào đôi mắt tham lam của dì Ngọc.

Dì rú lên, giơ cả hai bàn tay lên ôm mắt, miệng bai bải:

- Ááááá... ma quỷ! Yêu tinh! Phù thủy! Nó móc mắt tui rồi! Tui mù rồi!

Dì Ngọc lao đầu chạy ra. Châu hoảng hốt nhảy ba bậc một xuống cầu thang. Cậu chạy thêm vài bước nữa thì một âm thanh rầm rầm vang lên ở phía sau lưng.

 Tì ra đi Ngọc bị hụt chân và té nhào, lăn lông lóc xuống dưới. Châu chạy hết dãy hành lang , nhanh tay bậc công tắc.

Ngọn đèn ở giữa hành lang sáng vụt lên, soi rõ  cảnh dì Ngọc nằm bẹp nơi chân cầu thang gỗ, rên rỉ khóc lóc. Vừa lúc đó, mọi người trên lầu giật mình tỉnh giấc, nghe ồn ào bèn mở cửa, chạy ra khỏi pòng ngủ coi chuyện gì đang xảy ra. Những người dưới lầu cũng ùa lên coi có ai bị gì không.

 Bà Phương nín cười, ngồi thụp xuống hỏi:

- Chị làm gì ở đây mà bị té cầu thang gỗ vào lúc nửa đêm?

Dì Ngọc không nói, cứa rên ư ử.

Châu được dịp méc:

- Dì định ăn cắp chiếc gương của tụi con trên gác xép.

Nụ cười tắt ngúm trên mặt bà Phương:

- Cái gì? Con muốn nói là dì Ngọc định lấy chiếc gương cũ xì ở trên đó?

Ông Đặng thở hắt một hơi, quay đi. Ông vừa đi vừa nói:

- Đồ của tui để ở đâu, cứa để yên ở đó đi. Từ nay, tui không muốn chị lục lọi đồ gì ở trên gác xép hết.

Dì Ngọc ''hứ" một cái, nguýt ông Đặng bằng con mắt đen thùi thấy mà ghê.

Thùy nhỏ nhẹ nói:

- Cháu đã nó với dì rồi. Chiếc gương này phải nằm yên nơi chỗ của nó. Ai bưng nó đi sẽ gặp xui xẻo. Mà đúng y chang.

 Đám khách du lịch lục tục trở vô phòng ngủ của họ. Ba bạn trẻ nhìn nhau rồi lẳng lặng bỏ đi. Bà Phương còn ngồi lại bóp bóp cái chân đau của dì Ngọc. Tiếng dì khản đặc kể lể:

- Tao tưởng nó là đồ cổ. Tao nghĩ mày quăng thí nó trên gác xép uổng quá. Nếu mày không xài thì tao xài. Tao đem đi bán cũng được mấy lượng vàng. Ngờ đâu, nó là đồ ma, đồ quỷ chớ hổng phải đồ cổ.

Ở bên dưới, Châu kể cho Phan và Thùy nghe mọi diễn biến. Cậu nhấn mạnh ánh sáng chói lòa chiếu vào mắt dì Ngọc khiến bả suýt bị mù. Cậu kết luận, chắc chắn dì Ngọc sợ rồi. Bả không dám ăn cắp lần thứ hai đâu.

Thùy nói nhỏ;

- Không được. Để ánh sáng chiếu suốt đêm không được. Em phải lên trển, đẩy cái đế gương cho nó khớp với cái khung hình chữ nhật. Cảnh giới cho em nghe.

Đợi bà Phương dìu dì Ngọc vào trong phòng ngủ của dì ta, Thùy nhanh chân chạy lên cầu thang. năm phút sau, cô xuất hiện, miệng cười tươi tắn. Cô nói:

- Nhiệm vụ đã hoàn thành. Nè, biết em nhìn thấy gì ở bển không? Chị Sông Hương đang ngủ rất say. Ui chu choa ơi, đi ngủ mà vẫn mặc áo dài!

Thùy bụm miệng cười. Phan và Châu cũng tủm tỉm cười theo.

Phan nói:

-Ngày mai, chúng ta tìm cơ hội qua bên đó chơi một chút.

Châu đồng ý.

- Ừ. Hôm nay tụi mình không qua, chắc Sông Hương chờ tụi mình lắm.

Ba anh em giơ tay ra, khẽ đập vào tay nhau rồi giường ai nấy trở về.

Thần ngủ đang quỳ tren từng cái gối, chờ đợi mọi người nằm xuống.

Phan nhắm mắt lại. Cậu thiếp ngủ ngay. Không chút mộng mị.

Phan đâu biết rằng, lúc đó, ở bên kia tấm gương thời gian, Sông Hương đang chúm chím cười trong mơ, vì cô chộ thấy mình đi dọc bờ suối với Phan, Châu và Thùy...  

Hết tập 1!!!

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Giới thiệu tập 2

Tháng bảy, dì Ngọc, một người bà con xa của gia đình Châu và Thùy đến nhà họ để nghỉ hè. Dì trạc tuổi tứ tuần tính tình phóng khoáng, thích ăn chơi và chưng diện. Sau thời gian theo dõi, dì Ngọc biết chuyện chiếc gương thời gian của ba bạn trẻ nên tìm cách chui qua chiếc gương, đột nhập vào thời đại của vua Thành Thái, định ăn cắp nhiều đồ cổ, mang về thời hiện đại bán kiếm lời. Không ngờ trong một lần ra tay hành động, tiếng sét tình yêu giáng xuống, dì quyết định ở lại ngôi làng nghèo khổ, lấy người nguyên thủy làm chồng. Tình yêu quả là điều kỳ diệu...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro