Chương 8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  Khoảng ba giờ rưỡi, Phan, Châu và Thùy dẫn đoàn khách lên đường. Lúc đầu, ông Đặng chỉ muốn hai cậu trai thay mặt ông làm nhiệm vụ thôi. Nhưng bà Phương thấy vẻ phụng phịu của Thùy bèn can thiệp: 

- Chỉ có Phan và Châu thì cũng tốt, tuy nhiên, Phan chưa quen địa phương ở đây lắm. Em nghĩ có thêm Thùy tham gia sẽ giúp ích cho hai chàng trai nhiều hơn. 

Ông Đặng ngần ngừ: 

- Việc bếp núc thì sao? Liệu một mình em lo xuể không?

 Bà Phương cười: - Xuể chứ. Không xuể thì em sẽ... réo anh.

 Thế là ông Đặng phải "duyệt" ý kiến của bà Phương.

 Đoàn người nối đuôi nhau ra cổng, sau đó cùng băng qua phía bên kia con đường rải sỏi. Họ bước vào một vườn cà phê, mỗi bề vuông vức dài khoảng năm trăm thước. Vườn cà phê này có phần hơi xơ xác. Ông chủ vườn cũng là người thành phố. Vì có ít điều kiện chăm sóc vườn cà phê nên năng suất mỗi mùa không đạt lắm. Theo dự định, có thể sang năm ông Đặng sang lại vườn cà phê này với một giá khá rẻ.

   Mấy người đàn ông đi rề rà, họ dừng lại nhiều lần để ngắm nghía những cây cà phê đang kết trái. Trái cà phê mọc dính chùm trên một nhánh dài. Mỗi cây có khoảng vài chục nhánh như vậy. Trái còn sống màu xanh. Trái chín rồi chuyển sang màu đỏ. Hoa cà phê nở bung thơm ngát cả một vùng trời.
Tiếng thằng nhỏ mười tuổi léo nhéo:

- Mẹ ơi mẹ, mình hái cà phê đem về nhà cho bố uống đi mẹ. Bố mình thích uống cà phê Trung Nguyên lắm đó.
Mẹ nó bức một trái màu đỏ đưa cho nó:
- Nè. Trái này mà uống cái gì? Người ta phải hái trái chín đem về nhà máy, rồi chế biến thì nó mới thơm phức. Chớ trái này đâu có thơm! Hửi thử coi!
Thằng nhỏ quăng trái cà phê chín xuống đất:
- Xí! Hổng thơm gì hết! Sao mẹ đưa cho con hửi?
Mất hơn nửa tiếng đồng hồ nghe thằng nhỏ lải nhải, họ mới ra khỏi vườn cà phê. Mọi người chợt dừng lại "ồ" lên hoặc "à" lên với vẻ thú vị.  

  Phải, trước mặt họ là một trũng đất thâm thấp, rộng mênh mông, với những ruộng dưa leo, ruộng cà chua, ruộng khổ qua, ruộng đậu que, ruộng ớt... nối tiếp nhau. Nơi đầu ruộng là một nhà chòi nhỏ, được dựng bằng gỗ và lợp phên tre nứa rất đơn sơ. Trong nhà chòi, hai vợ chồng chủ ruộng đang đứng chờ đón tiếp đoàn khách. Ông chồng - tên Tư Đùng - một người khá nổi tiếng về nghề trồng hoa màu ở địa phương, nói với Châu:
- Hỏi giùm coi họ có muốn thưởng thức món ăn tươi sống tại chỗ không?
Châu hỏi lại:
- Bánh tráng thịt luộc hả chú?
Ông Tư Đùng gật đầu:
- Ừ.
Châu bèn tới gần một người đàn ông, nêu ra đề xuất của chủ ruộng. Sau khi mấy người lớn hội ý nhau vài câu, họ đồng ý thưởng thức cây nhà lá vườn ngay trên bờ ruộng - vì nhà chòi tương đối nhỏ. Thế là bà vợ ông Tư Đùng tất tả chạy đi lấy thịt. Còn ông Tư Đùng lo nhóm lửa, bắt lên bếp nồi nước sôi. Sau đó, ông trải tấm ni lông bự lên bãi cỏ cạnh bụi tre mọc lơ thơ, chuẩn bị món quà xế cho khách du lịch.
Mọi người cầm rổ phấn khởi lội xuống ruộng, sau khi được ông chủ ruộng dặn kỹ là chỉ hái những sản vật chín. Nhóm đàn ông chỉ tham quan cho chiếu lệ, họ chẳng "kết" lắm những luốn dưa, những luống cà, mà họ nghi ngờ là có rất nhiều sâu róm ở trong đó. Các phụ nữ nghiêm túc hái sản vật thật sự. Họ định cân, mua để đem về Sài Gòn luôn. Họ vạch từng cành lá, sờ nắn từng trái dưa leo, lựa chọn từng trái cà chua..
Khởi đầu, mọi người còn đứng dính chùm vào nhau để phê bình, giành giật ỏm tỏi. Sau đó, họ từ từ tản ra, mỗi người độc quyền một luống để lựa chọn cho sướng.
Trong lúc đó, Phan và Châu và Thùy đứng trên bờ ruộng, quan sát và giữ an toàn cho đám con nít. Thằng nhóc mười tuổi chạy lon ton theo mẹ nó, cũng tạm đỡ lo. Hai cô bé cột tóc đuôi ngựa cứ bá vai nhau, vừa đi vừa nói chuyện nên cũng lơ là chuyện hái rau, không biết nói chuyện gì mà nói suốt cả chuyến đi! Vài người trạc tuổi Phan và Châu đủng đỉnh đếm từng bước chân, hoặc ngó trời ngó đất. Hình như các bạn trẻ thành phố còn xa lạ với khung cảnh ruộng rẫy quá.
Trong chòi, bà vợ ông Tư Đùng đang luộc mấy miếng thịt đùi nhìn rất ngon. Dù mọi người chắc chắn rằng, tới giờ này thì miếng thịt không còn tươi như hồi sáng.
Thịt chín mềm, bà vợ vớt ra, xắt từng lát, từng lát mỏng, xếp gọn vô ba, bốn cái đĩa sành.
Ông chồng đặt mấy cái dĩa thịt luộc trên tấm ni lông, nhờ Thùy coi chừng giùm, rồi thoăn thoắt lội xuống ruộng hái một rổ dưa leo. Múc nước trong lu rửa sạch rổ dưa leo xong, ông chồng xắt dọc trái dưa leo thành từng lát dài để quấn bánh tráng cho dễ.
Công việc chuẩn bị vừa xong thì đoàn người lội ruộng lục tục leo lên bờ.
Người phụ nữ trẻ nhất - mẹ thằng nhỏ mười tuổi - lại là người "có uy" nhất. Bà ấy nói to:
- Thôi, cứ để đó, để yên đó hết. Muốn cân gì thì cân sau. Bây giờ ráp lại đi, thưởng thức món ăn dân dã trên bờ ruộng. Nghe lãng mạn chưa? Ráp vô đi bà con.
Mọi người ngồi vây quanh tấm ni lông của ông Tư Đùng. Họ trải miếng bánh tráng dẻo lên lòng bàn tay trái, xếp vài lát dưa leo, rồi xếp thêm vài lát thịt luộc. Họ khéo léo quấn miếng bánh tráng chặt lại, chấm vào chén nước mắm kiệu và cho nó vô miệng cắn...
Chà! Hết biết!
Mấy người đàn ông gật gù khen ngon quá xá. Họ vừa ăn vừa bàn luận với nhau. Ở đây khung cảnh hữu tình, gió thổi mát rười rượi, tứ bề là cây lá màu xanh, chỉ thiếu mấy lon bia Tiger thôi...
Nghe nói câu này, ai nấy cười ngất.
Hết mấy dĩa thịt, mọi người đứng lên rã tiệc. Bây giờ tới phần cân sản vật để tính tiền. Ông Tư Đùng tính gộp luôn tiền bữa ăn xế vào vì nằm ngoài dự kiến chi phí của tour. Người phụ nữ trẻ nhất móc bóp ra trả tiền hết thảy. Thì ra, bà ấy "có uy" là ở chỗ đó.
Đoàn khách quay về nhà vào khoảng năm giờ. Họ sẽ được tự do sinh hoạt cho đến bảy giờ. Sau đó, họ tập trung vào phòng ăn chung và dùng bữa cơm tối cuối cùng. Thùy lè lưỡi nói nhỏ với Phan và Châu:
- Cầu trời ngày mai không có đoàn khách mới, để tụi mình qua bên nớ chơi. Chắc chị Sông Hương ngóng bọn mình lắm.
Châu đề nghị:
- Thì tối nay bọn mình lẻn qua bển một chút. Chừng một tiếng thôi.
Phan tán thành:
- Ừ. Khoảng bốn lăm phút cũng được.

  Vừa lúc đó, điện thoại rrong phòng tiếp tân reng lên. Châu nhanh chân đi tới, bốc điện thoại trả lời:

- A lô? Nhà nghỉ Thiên Nhiên đây ạ.
- ...
- Dạ, xin vui lòng đợi máy.
Châu dùng bàn tay bịt ống nghe, miệng gọi to:
- Mẹ ơi, có người cần gặp mẹ.
Đưa điện thoại cho bà Phương trả lời, Châu quay trở vào nhà bếp với Phan và Thùy. Giọng cậu ta tiu nghỉu:
- Hình như có một đoàn khách muốn đăng ký.
Thùy xịu mặt buồn bã. Phan thấy tức cười, cố gắng động viên em gái:
- Kinh doanh đắt khách mà hông chịu hả? Mỗi lần mẹ anh nhận được nhiều bản thảo để đánh máy, anh còn mừng hơn mẹ anh nữa.
Châu và Thùy cùng hỏi một lượt:
- Sao vậy?
Phan chẳng biết trả lời sao, cậu lúng túng:
- Thì... mẹ anh sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và đỡ phải lo lắng chuyện tiền nong. Nếu không có các tua du lịch, mẹ em sẽ buồn lắm đó. Tất nhiên mẹ em không nói ra, nhưng trong lòng ảm đạm vô cùng.
Thùy có vẻ cảm động, cô chơm chớp mắt, bóp mạnh cánh tay anh trai:
- Em hiểu rồi. Cảm ơn anh.
Châu vỗ mạnh vào lưng Phan:
- Cậu già dặn quá. Con trai thành phố có khác.
Bà Phương đi vào nhà bếp, nét mặt bà tươi tắn,ánh mắt sáng rực:
- Có một đoàn khách mới đăng ký với mẹ. Đoàn này cũng khoảng mười lăm người. Sáng mốt họ tới sớm.
Thùy reo lên:
- Ôi, thích quá. Vậy là ngày mai tụi con được nghỉ và ngày mốt tụi con lại có công ăn việc làm khác.
Bà Phương nhìn về phía Phan:
- Nhưng...
Biết bà Phương sắp nói câu gì, Phan ngắt lời:
- Con rất muốn giúp đỡ cô và ba con trong thời gian con ở đây. Cô đừng ngại, và cô đừng nhắc tới điều đó nữa.
Bà Phương mỉm cười:
- Vậy thì mẹ cảm ơn tất cả các con. Bây giờ thì... A lê hấp! Tất cả đi tắm rửa cho sạch sẽ đi, quần áo dính đầy bùn đất hết kìa.

  Bảy giờ tối, nhiệm vụ bồi bàn của ba bạn trẻ bắt đầu. Lần này Phan đã quen tay quen chân nên không còn lóng ngóng như mấy lần trước. Lần này nét mặt của ba bạn trẻ nhẹ nhàng thơ thới hơn, thậm chí Phan còn mỉm cười với hai cô bé cột tóc đuôi ngựa. Cô bé bạo dạn hơn ngước mặt lên hỏi cậu:
- Anh làm việc ở đây lâu chưa?
Phan lịch sự trả lời:
- Mới làm được hai ngày.
Những người gần đó ngừng nói chuyện, lắng nghe. Cô bé ngạc nhiên:
- Ủa, sao vậy? Anh mới được tuyển vô hả?
Phan lắc đầu:
-Không phải. Tôi là con trai của ông chủ.
Thế là mấy người ngồi chung quanh cười ồ lên. Cô bé hơi bị quê, bèn... cầm đũa gắp đồ ăn bỏ vào chén rồi cười lỏn lẻn một mình.
Khoảng tám giờ rưỡi tối, khi khách khứa no nê ngả người trên những chiếc ghế bành, thoải mái xem tivi trong phòng khách chung, thì Phan, Châu và Thùy lẻn lên gác xép để qua bên kia tấm gương chơi với Sông Hương.
Cô gái mừng rỡ khi thấy ba bạn trẻ:
- Tui tưởng các bạn làm việc mệt quá nên không muốn đi chơi nữa.
Thùy nói:
- Đâu có. Em soạn được mười cuốn truyện tranh, đem cho chị mượn nè. Chị cứ đọc từ từ thôi. Khi nào đọc hết em sẽ cho chị mượn những cuốn tiếp theo.
Sông Hương vuốt ve mấy cuốn truyện:
- Hình ảnh đẹp quá. Có màu nữa hỉ. Thời ni, sách truyện không đẹp như ri. Chỉ toàn một màu mực đen thui.
Phan nói:
- Sông Hương ơi, hôm nay bọn mình không ở chơi lâu được. Khoảng chín giờ bọn mình phải về để Sông Hương ngủ.
Mặt cô gái thoáng buồn, nhưng lý lẽ của Phan đúng thôi, không thể bắt bẻ được. Châu đề nghị.
- Bọn mình muốn ngắm thanh bảo kiếm một lần nữa, Sông Hương có cho phép không?
Mặt Sông Hương tươi lên:
- Được chứ. Các bạn cứ tự nhiên. Thầy tui lại đi tới nhà bạn bè chơi rồi. Mai hay mốt thầy tui mới về. Các bạn thay áo dài đi.
Thùy lưỡng lự:
- Hay là chị xuống dưới lấy và mang lên đây được không? Tụi em chỉ ở chơi vài phút, thay ra thay vô mắc công quá.
Sông Hương gật đầu:
- Được. Các bạn ngồi chờ tui ở đây hỉ.
Lát sau Sông Hương trịnh trọng cầm thanh bảo kiếm đưa cho Phan bằng hai tay. Phan đỡ lấy cũng bằng hai tay. Các bạn trẻ chụm đầu lại. Ai nấy nín thở khi Phan rút lưỡi kiếm ra khỏi cái bao có khảm hình hai con rồng uốn khúc.
Dưới ngọn đèn dầu hột vịt leo lét, lưỡi kiếm hiện ra trước mắt ba bạn trẻ và... phần nào làm họ thất vọng. Lưỡi kiếm dài đúng nửa thước. Mũi kiếm nhọn hoắt, hai lưỡi ở hai bên sống được mài bén ngót. Thép không rỉ sét, nhưng chỉ là thép thô được tôi luyện công phu.
Châu nói nhỏ:
- Nó quý giá vì nó là món đồ cổ hai trăm năm, là vật bất ly thân của phó tướng Phạm Hào, là vị phò tá của vua Quang Toản. Chớ nó hổng đẹp bằng kiếm cải lương.
Sông Hương nghe loáng thoáng, nhìn Châu hỏi:
- Bạn nói cái chi đẹp hơn? Kiếm cải lương là cái chi?
Châu cười không trả lời. Thùy giải thích qua loa:
- Cải lương là một loại hát hò đặc trưng của người Nam Bộ đó. Chị chưa vô Nam Bộ nên chị không biết về nó đâu.
Đúng rồi, tui nghe nói nhiều tới lục tỉnh Nam kỳ, nhưng tui chưa hề đi vô đó. Mà răng các bạn say mê thanh kiếm ni dữ rứa?
Phan kể:
- Hồi trưa này, ba anh em mình ngủ trưa, cùng nằm mơ thấy phó tướng Phạm Hào. Ông ấy đang quỳ trong cung vua Ông ấy dặn ba anh em.mofnh phải giữ gìn thanh kiếm Bảo Long. Vò nó sẽ thuộc về một người xứng đáng.
Sông Hượng tròn mắt lần lượt nhìn Phan, Cháu, rồi Thùy hỏi:
- Cả ba cùng nằm mơ chộ phó tướng? Cùng chộ một lúc?
Thùy gật đầu xác nhận:
- Phải. Mới đầu em tưởng có mình em nằm mơ thôi..
Ai ngờ anh Phan và anh Châu cũng nằm mơ y hệt cảnh đó. Chúng ta không thể để mặc cha chị bán thanh kiếm này được. Phải ngăn cản cha chị bằng mọi cách.
Sông Hương thở dài, giọng buồn buồn:
- Bằng cách chi? Các bạn thấy thầy tui rất " trọng nam khinh nữ". Thầy không coi ý kiến của con gái thầy ra chi hết. Tui chẳng dám nói mô.
Phan đút lưỡi kiếm vào lại trong bao kiếm, trịnh trọng trả cho Sông Hương. Cô gái đỡ lấy bằng hai tay, rồi vuốt ve con rồng uốn khúc:
- Bảo Long là bảo vệ cho minh quân. Nhưng minh quân đã bị giặc xâm lược xử chém. Hèn chi mà tổ tiên tui nhắm mắt không yên nơi suối vàng.
Rồi Sông Hương ngước mắt nhìn ba bạn trẻ, giọng tha thiết :
- Các bạn hãy giúp tui. Hãy can ngăn, hãy tìm cách nói năng làm răng cho cha tui bỏ ý định bán nó đi. Hãy thực hiện lời dặn dò của tổ tiên tui.
Ba bạn trẻ nhìn nhau. Phan nghiêm trang gật đầu:
- Tụi mình xin hứa.
Châu nhắc lại :
- Tụi mình xin hứa.
Thùy nắm lấy tay Sông Hương:
- Chị đừng lo. Tụi em sẽ cố gắng hết sức.
Đợi Sông Hương đi xuống dưới cất thanh kiếm trở lên trên lại, ba bạn trẻ tạm biệt cô gái. Tới lượt Phan nghiêng người sắp chui qua tấm gương, Sông Hương gọi:
- Phan.
Cậu quay lại. Giọng cô gái ướt rượt như suối:
- Cảm ơn bạn hỉ.
Phan mỉm cười, lắc đầu. Và hình bóng cậu mất hút vào trong mặt tấm gương .

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ai đọc rồi thấy hay cho mình xin cmt đi ạ, để mình còn có động lực mà đăng tiếp!!!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro