Tập 1 THANH KIẾM BẢO LONG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 1

Chiếc xe đò năm mươi chỗ ngồi lao nhanh trên quốc lộ mười ba vắng vẻ. Hành khách trên xe ngưng nói chuyện rì rầm, họ bắt đầu ngủ gà ngủ gật dù xe chỉ mới rời bến chưa đến một tiếng đồng hồ. Chiếc ghế của Phan bên cạnh cửa sổ bên phải. Gió nóng mùa hè cứ ùa vào mặt, làm rối bung mái tóc của cậu, nhưng bù lại, cậu có thể ngắm cảnh bên đường thật đã mắt.

Từ lúc xe chạy vào địa phận tỉnh bình Dương, dọc theo quốc lộ mười ba chỉ toàn là ruộng xanh ruộng vàng, cò bay thẳng cánh. Nối tiếp ruộng là những vườn điều mênh mông rợp bóng mát. Mùa này, điều bắt đầu hết trái, nhưng thỉnh thoảng Phan vẫn thấy vài chùm đo đỏ hoặc vàng vàng sót lại trên nhánh cây cao. Xen kẻ với những vườn điều là các lô cao su. Những cây cao su mọc thẳng hàng, đều tăm tắp. Lá cao su rụng tạo thành một lớp dày như thảm. Có lẽ, xong mùa cạo mủ, họ mới bắt đầu cào sạch lá để bón phân.

Càng gần tới Phước Hòa, Phan cảm thấy tim cậu đập mạnh. Một cảm giác cô đơn và lo lắng mơ hồ chiếm lĩnh tâm trí cậu. Đây là lần đầu tiên, cậu đi thăm cha - người cha đã rời bỏ hai mẹ con cậu sau khi họ ly dị nhau cách đây mười lăm năm. Suốt những năm tháng dài ròng rã, mẹ cậu một mình vất vả nuôi đứa con nhỏ cho đến ngày đứa bé đó trở thành cậu học sinh cấp ba trường Lê Quý Đôn danh tiếng.

Hai tháng trước, mẹ Phan nhận được e-mail của cha Phan. Ông lập nghiệp và sống ở Bình Dương khoảng mười năm nay. Ông báo tin đã mua được được ngôi nhà có đất vườn rất rộng tại xã Phước Hòa, để làm nhà nghỉ kiêm dịch vụ du lịch. Ông mời hai mẹ con tới chơi. Họ sẽ là những người khách rất đặc biệt ở nhà nghỉ. Sau mấy tuần cân nhắc, nhân dịp bãi trường, mẹ cậu quyết định để cậu đi chơi một mình, trước là cho cậu có khoảng thời gian xả hơi, sau là cho hai cha con có dịp gặp mặt nhau.

Vì chiều ý mẹ Phan mà cậu phải ngồi đây, trên chiếc xe đang chạy giữa trời nắng nóng mùa hè, tới một nơi xa lạ để gặp những người xa lạ.

Bà già ngồi bên cạnh Phan cứ lục đục với mấy cái giỏ xách để dưới chân mãi. Bà khoảng sáu mươi tuổi, mái tóc bạc trắng được bới thành củ tỏi nhỏ xíu phía sau ót. Trên đầu bà quấn khăn rằn kiểu phụ nữ Nam bộ. Bà mặt hai lớp áo bà ba. Lớp trong màu nhạt nhạt, còn lớp ngoài màu đen, khá bạc màu. Bà già cầm cái hũ chao bọc ni lông kín mít đưa lên săm soi. Rồi bà kê sát mũi vào bao ni lông hít hít vài cái và lẩm bẩm nói gì đó. Bà nhẹ tay để nó xuống chỗ cũ, cầm một cái bọc khác lên, ngắm nghía thật lâu mới chịu đặt nó xuống. Sau đó bà ngước mặt lên nói to với người lơ xe :

- Tới Bố Lá nhớ kêu tui nghen! Đừng có chạy lố như lần trước nữa đó!

Anh lơ xe day mặt vô, trả lời oang oang:

- Được rồi. Má đừng lo. Tui nhớ mà. Còn ai xuống Bố Lá nữa hông?

Thêm hai người phụ nữ khác ngồi ở băng ghế cuối cùng cũng nhao nhao lên:

-Tui nè. Tui xuống Bố Lá nữa.

Phan không biết mấy phụ nữ này đi Bố Lá để làm gì mà đông đúc, chộn rộn dữ. Còn cậu đang ngơ ngác nhìn hết người này đến người kia thì ông già đội mũ nỉ ngồi ghế trên quay xuống bắt chuyện với bà già ngồi bên cạnh Phan:

- Xin lỗi, bà xuống Bố Lá thăm ai vậy?

Bà già ngưng tay soạn đồ, mau mắn trả lời:

- Tui đi thăm thằng con út. Nó bị nhốt ở đó sáu tháng nay rồi....

Ông già đội mũ nỉ ghế trên có một nét gì đó giống nhà văn Sơn Nam- mà Phan nhìn thấy rất nhiều lần trên ti vi, trên báo. Vóc dáng ông ấy nhỏ nhắn trong chiếc áo sơ mi dài tay hơi lùng thùng. Giọng Nam bộ của ông hơi rè rè - có lẽ vì khói thuốc ám trong cuốn phổi - nhưng đượm chút đầm ấm, dễ nghe vô cùng.

Qua câu chuyện của hai ông bà già, bây giờ Phan mới biết, Bố Lá là nơi giam giữ phạm nhân của thành phố và mấy tỉnh lân cận. Con trai bà già phạm tội cướp bóc công dân gì đó, bị kêu án tới mấy năm lận. Bà già cầu mong anh ta được ân xá vì anh ta lao động rất tốt... Phan không muốn nghe thêm nữa, cậu quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm cảnh cho qua thời giờ. Câu chuyện giữ hai ông bà già chẳng biết khi nào thì chấm dứt. Có lẽ tới khi chiếc xe dừng lại ở Bố Lá thì họ mới thôi...

Phan miên man nghĩ tới mẹ. Giờ này mẹ đang làm gì ? Chắc lại ngồi trước máy vi tính như thường lệ. Bên trái bàn phím là hình ảnh chai nước La Vie không hề thay đổi. À khoan, chỉ có vỏ chai là La Vie thôi, còn nước bên trong là nước đun sôi để nguội. Mắt mẹ không rời màn hình, hai tay gõ bàn phím thoăn thoắt, thỉnh thoảng mà dừng tay và cầm chai nước, mở nắp và uống một ngụm nhỏ.

Mẹ Phan không đẹp nhưng rất duyên dáng. Bà có đôi mắt màu nâu đậm, cái mũi thẳng, đôi môi hơi mỏng - nhưng bà lại là người cực kỳ ít nói. Hình như bà là người thích nghe hơn là nói. Bà nhận công việc đánh máy bản thảo cho các Nhà xuất bản trên mười năm nay, công việc rất cực, nhưng được một cái là mẹ thường xuyên có mặt ở nhà để chăm sóc Phan. Nhờ công việc này mà cuộc sống của hai mẹ con tương đối ổn định. Thậm chí, mẹ vừa mua một máy tính mới thưởng cho Phan, ngay sau khi cậu có tên trong danh sách trúng tuyển vào trường cấp ba Lê Quý Đôn.

Phan biết đánh máy vi tính phụ giúp mẹ từ hồi cậu mới học lớp sáu. Lúc đó, mẹ đã dạy cho cậu làm quen với cách chỉnh Font chữ, cách thực hiện các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Mỗi lần mẹ mệt hoặc chóng mặt, Phan thay mẹ ngồi trước màn hình, đánh từng chữ. Lúc đầu chậm, sau nhanh dần. Khoảng thời gian giúp đỡ mẹ là khoảng thời gian Phan ưa thích nhất. Cậu biến công việc thành niềm say mê. Cậu tự hào rằng mình đọc rất nhiều tác phẩm sắp được phát hành trước những người khác: truyện ngắn có, truyện dài có; truyện của người lớn, truyện của thiếu nhi, truyện của nhà văn trong nước, truyện dịch từ danh tác nước ngoài ... Mỗi một cuốn sách là một thế giới riêng mà Phan tự cho đôi chân mình lò dò bước vào trong đó không cần xin phép.

Mới hôm trước, cậu lang thang cùng một con thiên nga kèn biết viết chữ, thực hiện chuyến phiêu lưu từ miền đồng quê lên tới thành phố, gặp gỡ biết bao nhiêu nhân vật tốt bụng hoặc xấu bụng, thì hôm nay cậu chạy trốn trong sa mạc hoang vắng ở Ba Lan với chú bé Xtas, chia sẻ cùng chú biết bao nổi hiểm nguy, cùng chú đối mặt với những kẻ thù gian xảo. Mỗi khi mở cánh cửa bước vào trong thế giới kì diệu đó rồi, cậu chẳng muốn trở ra chút nào.

Mẹ Phan rất "tâm lý ". Mẹ không để Phan giúp đánh máy những vản thảo về khoa học xã hội hoặc luận cương chính trị khô khan, mà mẹ thường dành các bản thảo văn học cho Phan. Mẹ nói, đó cũng là cách để Phan rèn luyện mộ t tâm hồn văn chương. Đôi ba tuần, mẹ dúi vào tay Phan một cuốn sách hay và nói: "Cuốn này tuyệt vời lắm. Con đánh giúp mẹ vài trang." Nhưng từ chỗ vài trang, Phan kéo ra vài chương, và cuối cùng Phan thưởng thức trọn vẹn cuốn sách đó. Ở lứa tuổi mười lăm Phan có thể tự nhận mình đọc nhiều cuốn sách , nhiều hơn các bạn đồng trang lứa. Tất cả là nhờ có mẹ. Mẹ cậu là người phụ nữ hiền lành, nhẫn nại và hết mực hy sinh. Taị sao mười lăm năm trước, cha cậu lại đòi ly dị mẹ?

Phan thở dài nhè nhẹ. Người lớn ... khó hiểu quá. Thật ra, từ lúc đầu, khi mẹ Phan đề nghị cậu thay mặt mẹ đi Phước Hòa thăm cha, cậu đã phản đối gay gắt. Giọng cậu tức tưởi với một loạt câu hỏi "tại sao?"

- Con không biết ổng, con không quen ổng! Nếu có lòng nghĩ tới mẹ con mình, tại sao suốt mười lăm năm qua, ổng không ghé vô ngôi nhà này? mẹ con mình đâu có cần ổng! Tại sao con phải đi tìm ổng? Tại sao ổng không đi tìm con?

Mẹ Phan thở dài:

- Mẹ giải thích rồi mà con không chịu hiểu gì hết. Hồi đó, ông bà nội lỡ hứa làm xui với ông bà ngoại, thành ra ba con bị ép buộc phải cưới mẹ, chớ ba con không hề yêu mẹ. Ba con đang yêu một cô bạn học. Sở dĩ ông bà nội không chấp nhận cô bạn học đó làm dâu, vì cô ấy từng dang dở một đời chồng. Và khi con ra đời, vừa tròn một tháng thì...

Đây là lần thứ hai mẹ Phan bỏ lửng câu nói. Mười lăm năm thời gian vẫn chưa thể làm liền một miệng vết thương lòng, chỉ chờ cơ hội là nỗi đau âm ỉ lại quặn lên. Khi Phan tròn một tháng, ba ly dị mẹ để cưới cô bạn gái kia. Và một năm sau, họ có với nhau đứa con gái đầu lòng - đứa em cùng cha khác mẹ với Phan. Rồi sau đó, họ chuyển về Bình Dương và sống ở đó cho tới bây giờ.

Mẹ ngập ngừng nói thêm một điều mà cho tới bây giờ bà mới chịu hé miệng:

- Ba con không quên con đâu. Suốt mười lăm năm qua, nhiều lần ba con đòi gặp mặt con, nhưng mẹ không cho ổng gặp. Ba con thường xuyên đưa tiền cho mẹ để mẹ nuôi con, nhưng mẹ dứt khoát không lấy. Có lần mẹ quăng xấp tiền ra cửa, ba con phải lom khom lượm từng tờ một.

Chính những tiết lộ mới nhất của mẹ là lý do đầu tiên làm Phan thay đổi quyết định. Cậu bắt đầu suy nghĩ tới ba. Một người cha không hề có một tấm ảnh nào trong cuốn an-bum gia đình. Hồi lâu rồi, vài ông chú bà dì nào đó nói rằng Phan rất giống ba. Cậu không tin. Nếu giống ba thì tại sao ba không thương cậu? Tại sao ba bỏ rơi cậu ngay từ lúc cậu vừa đầy tháng xong? Mỗi lần nghĩ tới ba, trong đầu cậu chỉ có những câu hỏi tại sao và tại sao ... mà thôi.

Vì mẹ không bước thêm bước nữa nên Phan trở thành con trai một. Chỉ có ai mang thân phận con trai một mới hiểu được nỗi cô đơn của Phan. Không khí trong nhà thường rất lặng lẽ. Ngoài thời gian đi học, Phan thui thủi ở nhà học bài, làm bài, xem ti vi hoặc đọc báo Hoa Học Trò một mình. Nhiều khi tâm đắc với một bài hát hay, nhiều khi có chuyện vui muốn kể, Phan chẳng biết phải chia sẻ với ai. Suốt ngày, mẹ dính vô cái máy vi tính và mẹ không thích bị quấy rầy trong lúc đang tập trung. Những lúc đó, giá mà Phan có đứa em gái - sàn sàn tuổi cậu thì càng tốt - để hai anh em có thể trao đổi trăm ngàn câu chuyện với nhau...

Mấy đứa bạn thân của Phan đều có em gái. Em gái thằng Nhựt Tân thua nó hai tuổi. Con bé này ngoan ra phết. Phục vụ anh trai tối đa. Thằng Tân sai đi mua kem Wall, đi mua tuần san Hoa Học Trò, thậm chí đi mua bút bi,... con bé tuân lệnh răm rắp. Em gái thằng Vĩnh Đạt đang học lớp một, trường cấp một Kim Đồng. Bé được chăm bẵm kỹ nên tròn quay như hột mít luộc. Thằng Đạt khoái cõng em gái nó trên lưng lắm. Mỗi lần đi học về, nó vừa cõng em gái, vừa nhảy cà tưng cà tưng vừa hát thiệt to: "Lọc cà lọc cà lọc cà nhong nhong nhong... " Thế là bé cười lên nắc nẻ. Tiếng cười trẻ thơ nghe trong vắt, nghe thiệt đã lỗ tai. Em gái thằng Hồ Lê thua nó một tuổi. Con nhỏ học chung trường cấp hai với Phan nên "quậy" anh trai tối đa. Con nhỏ mè nheo khủng khiếp, tới nổi nhóm bạn của Phan đều rét run lên, mỗi khi nghe nói đến em gái thằng Hồ Lê. Nhưng sợ thì sợ, không đứa nào dám "tẩy chay " con nhỏ, vì con nhỏ rất xinh! Nhìn em gái thằng Đạt, em gái thằng Lê, rồi em gái thằng Tân. Phan đâm ra ước ao rằng cậu cũng có một đứa em gái. Lý do thứ hai để Phan đồng ý đi Phước Hòa là vì cô em gái cùng cha khác mẹ này. Năm nay, nó mười bốn tuổi, tức là thua cậu một tuổi. Chẳng biết nó giống cha cậu hay giống mẹ nó? Nếu giống cha cậu, thì nó sẽ giống cậu vì ai cũng bảo cậu giống cha như đúc. Phan sẽ gọi nó bằng gì đây? Phan nghe thằng Tân với thằng Hồ Lê thường hay kêu em gái bằng "mày", nhưng có lẽ cậu sẽ kêu nó bằng "em". Nó có chịu xưng "em" không? Hay nó xưng là "tao"?

Những câu hỏi về ba, về đứa em gái liên tục nảy ra trong đầu Phan suốt chặng đường dài. Giống như hàng cây xanh bên đường cứ chạy lùi, chạy lùi mãi mà không hề biết mệt mỏi ...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro