2.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  Hoàng Sơn bị đám lính lác người Tày đuổi đến bờ suối thì ngã gục, vết lưỡi lê đâm bên mạn sườn chảy máu càng lúc càng nhiều, cơn đau lan khắp người khiến tay chân y bủn rủn, hơi thở mỗi lúc một yếu dần. Đúng lúc ấy, một tốp lính có cả Tây đen lẫn Tây trắng dẫn theo vài tay người dân tộc vạch lùm cây bên bờ suối, hùng hổ bước ra. Sơn giật đánh thót một cái, hai mắt hoa lên, nhưng vẫn cố bấu víu lấy chút tỉnh táo cuối cùng mà nín thở, nằm im không cựa quậy. Một gã người dân tộc đầu quấn khăn trắng tiến đến gần, ngón tay đen đúa chai sần đặt ngang mũi người thanh niên, đoạn đứng dậy, nói bằng thứ tiếng Kinh bập bẹ :

    - Bẩm các quan, nó đã tắt thở rồi, ta có cần đem nó về cho cụ lớn xử không ạ ?

    - Chết rồi thì để mặc đấy, mau về thôi kẻo ngài Douxe lại nổi cơn tam bành thì dở lắm. - tiếng một lính Tây đáp lại, cũng trúc trắc không kém. Sơn cố dỏng tai lên nghe ngóng, tiếng bước chân của tốp lính mỗi lần một xa, máu dưới thân chảy đầm đìa thấm cả vào đất, cả người y lạnh toát, trong óc Sơn bắt đầu quay cuồng trăm thứ, rằng y chưa kịp đưa tin về cho tổ chức, rằng y chưa kịp nhắn lại với bố nuôi dưới Tam Kim và anh trai một câu, và rằng đất Hà Nội, rằng cầu Long Biên và tháp Bút hẳn đã chẳng kịp đợi người trai như y quay lại, và cứ thế, Sơn lịm dần, lịm dần. Trong cơn mê lãng đãng, Sơn thấy mình như được ấp trong lồng ngực một người, da người ấy nóng lắm, hầm hập như một lò lửa, lại phảng phất một thứ mùi sương trắng rất lạ, vài nốt hương cỏ dại và mùi cây gỗ phong hăng hắc. Y hơi giật mình, vết thương bên mạn sườn nhói lên, đau đến vã mồ hôi lạnh. Sơn rên khẽ, bàn tay vẫn còn tê cứng vô tình đập lên vai A Thuận khiến nó tỉnh giấc, cánh tay vô tình siết chặt hơn làm y ré lên trong cơn mê, hai mắt vẫn nhắm nghiền, cả người run lẩy bẩy. A Thuận mơ màng tỉnh dậy, từ trong ánh lửa bập bùng lại trông thấy gò má người kia loang loáng hai dòng lệ chảy xuôi, môi mấp máy xem chừng đau lắm. Nó nhìn xuống tay mình, nơi bàn tay đặt trên sườn người thanh niên đã nhuốm máu. Hẳn là do ban nãy Thuận lỡ tay khiến vết thương mới băng bó vỡ ra. Thuận thở dài, đặt người ấy nằm sấp trên đệm, khơi đống lửa sau vách cho to thêm rồi mò mẫm đi tìm mớ lá thuốc ban nãy cụ Rấm để lại, đem đến bên cạnh nơi y nằm. Giở vạt áo Thái màu đen lên, Thuận mới trông rõ sáu vết thương dài chừng một lóng tay, sâu dễ đến độ bốn phân chồng chéo. Nó lắc đầu, dù trong đời nó từng lên rừng tóm hổ bắt hươu nai không biết bao lần, nhưng Thuận sống quen trên núi, đại ngàn đã tôi cho nước da nó đỏ như đồng hun, nước sông đã khiến bắp thịt trên người nó rắn như sắt đá, nên với Thuận, việc bị thương cũng bình thường như ăn cơm tối hay lên rẫy phát cỏ. Làn da dưới bàn tay thô ráp lạnh cóng, người thanh niên chốc chốc lại run nhè nhẹ, mãi đến khi Thuận đã lau sạch máu, và lấy vải quấn kín vết thương mới thở đều lại, lông mày cũng giãn ra đôi phần. A Thuận dọn dẹp sơ sơ, nghĩ bụng hồi lâu rồi mới để y gối lên vai mình, đoạn đắp kín chăn, chìm vào giấc ngủ.

  Sáng hôm sau, Sơn tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong chăn ấm sau một bức vách mỏng, bên ngoài vẫn còn một lò lửa nhỏ vẫn đang cháy âm ỉ. Cổ họng y khô rát, hai mắt nhập nhòe những đom đóm. Y còn sống. Hoàng Sơn mừng rỡ, nhưng rồi lại hốt hoảng, thế thì y đang ở đâu kia ? Trần nhà lợp cỏ gianh, tường đất sàn gỗ... là nhà của người dân bản sao ? Đúng lúc ấy, một ông già từ ngoài bước vào, mái đầu cùng bộ râu nhuốm màu tiêu muối, duy chỉ có đôi con mắt là sáng quắc lên như chim cú vọ, cổ đeo một cặp nanh thú bịt bạc, lưng đeo một bồ thuốc. Cụ Rấm chậm rãi ngồi xuống, đưa tay xoa xoa mái đầu người thanh niên, nói :

    - Tỉnh rồi đấy à, kể cũng may đấy, mạng mày lớn, số mày chưa đến nỗi tận. Thế nào, còn chảy máu không ? - vừa nói, cụ vừa giở tấm chăn lên, nắn nắn vết thương, - Ôi chà, chưa chi đã thay thuốc, hẳn là con vâm ấy làm vết thương vỡ rồi, rõ khổ...

  Sơn giương đôi mắt khó hiểu lại đề phòng lên nhìn ông già bên cạnh, bàn tay co duỗi vẻ bất an. Cụ Rấm trông thấy thì nhếch mép cười, nói :

    - Không phải sợ, tao cứu mày đấy. Liệu mà nằm yên đi. Việt Minh phải không ?

  Hoàng Sơn tròn mắt, cất tiếng, giọng khản đặc :

    - Sao ông biết, ông còn nói được cả tiếng Kinh ?

    - Bản này cũng coi như nằm xa chân núi, nếu không có việc gì thì chẳng ai đang tự nhiên ở dưới xuôi mà lặn lội lên tận đây, rồi nằm ngã bên bờ suối như thế cả. Vừa hay mấy hôm trước người của già làng mới chạy về báo, là có một đơn vị của Việt Minh đóng ở Cao Bằng vừa mất một chiến sĩ, nên tao đoán đấy là mày. Vả lại, quan Tây trên này cũng chẳng mấy khi gặp người Kinh, nhưng gặp mà bị đâm như mày thì, phải đến tám phần mười là Việt Minh. - cụ Rấm thủng thẳng đáp, vừa giúp Hoàng Sơn thay thuốc, - Số mày tốt, may sao tao cũng là Việt Minh, tao theo các chú cũng ngót ba năm rồi. Đêm qua tao vừa đi thưa chuyện với già làng, già đã dặn tao phải bắt nhà thằng Quỳ cái Mây nuôi giấu mày, kẻo lũ Tây đánh hơi được thì chúng bắt vạ cả làng. Ngoài tao và già, chẳng ai biết mày là ai hết, ai hỏi thì bảo là đi săn bị lạc được cứu về, mà không ai biết thì càng tốt. Kín cái miệng, rồi tao sẽ tìm cách giúp mày liên hệ với bên kia.

    - Ông...

    - Tin tao, - cụ Rấm nói nhỏ, dúi một đồng tiền Minh Mạng vào tay Hoàng Sơn khiến y giật mình, đúng là dấu hiệu của người trong tổ chức. Y cắn môi, đoạn siết chặt lấy tay cụ vẻ cảm kích. Ông lang già thở dài, bảo :

    - Mày ngủ đi, ngủ cho lại sức, cũng bớt lời ra lời vào. Cần gì thì nói với thằng Thuận, trừ nó ra thì đừng bảo gì ai cả. - cụ Rấm đắp lại tấm chăn cho Hoàng Sơn, đoạn quay gót đi mất hút. Hoàng Sơn cũng mau chóng thiếp đi vì mệt mỏi, mãi đến tận chiều, khi nghe thấy tiếng Thuận gánh nước trở về dưới sân mới tỉnh lại.

*****

  Sau khi giúp người thanh niên tắm rửa vào thay quần áo, Thuận khẽ khàng đặt y xuống đệm, rồi mới mang nước đi ra ngoài. Hoàng Sơn thở phào một hơi, mắt lim dim vẻ thoải mái. Đã quá lâu y không thấy cả người sung sướng đến lâng lâng như vậy. Từ ngày theo bố nuôi về với Cách mạng, chàng trai đất Hà Nội từng chưa một lần mó đến đất bùn đã phải dầm mưa đi bộ băng rừng, tắm bằng nước sông lạnh toát, ăn rau chuối và củ mài cầm hơi, và phải dùng sức của một nửa bát cơm độn khoai lang để đạp xe bốn ngày đường, dẫu gian nan đến cùng cực, nhưng thật may, Hoàng Sơn vẫn còn bố nuôi...

    - Có muốn ăn cái gì không ? - tiếng Thuận vang lên từ ngoài cửa, nó vừa đi ra ngoài dội nước mới trở vào. Hoàng Sơn gắng gượng lắc đầu, rồi chậm rãi nhắm mắt lại. A Thuận thấy thế cũng không nói gì thêm, co người ngồi thu lu bên tấm đệm cạnh đống lửa, bàn tay luồn vào tóc người đang nằm, khe khẽ vuốt ve. Sơn cười tủm tỉm, đoạn yên tâm thiếp đi. Từ sau hôm ấy, ngoại trừ A Thuận, Hoàng Sơn chỉ trông thấy hai người còn lại trong nhà có vài lần, là một người phụ nữ nhỏ nhắn, và một người đàn ông cao và gầy lêu đêu như con sếu. Họ đều chỉ nhìn Hoàng Sơn đầy ái ngại, rồi lại quay đi ngay, tuyệt không nói câu gì. Thế lại hóa hay, y nghĩ vậy. 

  Thấm thoắt đã qua gần một tháng, dưới sự chăm sóc của A Thuận, vết thương trên người Hoàng Sơn cũng dần lành lại. Tiết trời tháng ba mát mẻ, mùa hoa lê Tây Bắc cũng đã về. Cây hoa lê trong bản Rấp mọc xen kẽ với cây hoa ban trắng và ban đỏ, cao vượt hẳn lên, đóa hoa năm cánh bầu bĩnh trắng ngần có nhị hoa xanh chúm chím ấp lấy nhụy hoa mảnh như sợi chỉ, tỏa hương thơm ngát. Vẫn chưa đến vụ mùa, người làng đã lục tục kéo nhau xuống các bản người Thái trắng dưới chân núi và chợ phiên để buôn bán, nên trong làng chỉ còn người già, trẻ con cùng mấy người phụ nữ ở lại. Đã qua hơn nửa tháng, cứ hai ngày một lần, đều hơn vắt tranh, họ lại trông thấy A Thuận từ lúc tờ mờ sáng đã quảy đôi thùng đi lên thượng nguồn gánh nước, đến tận lúc mặt trời khuất núi mới trở về. Ai cũng lấy làm lạ, nhưng vì nể Quỳ, cũng chẳng ai buồn hỏi han đến. Hôm ấy, Thuận vừa về đến đầu làng đã trông thấy Lả, nó sợ, bèn tìm một con đường khác đi vòng qua phía sân sau nhà Thống lý để quay trở về nhà sàn. Trên đường đi, A Thuận trông thấy một cây lê cao ngất, vỏ xám bạc phếch, hoa trắng nở bung như cái tán ô của đám gái bản mỗi lần hội mùa. Chẳng rõ làm sao, Thuận đặt hai thùng nước xuống đất, đoạn trèo thoăn thoắt lên cây, vít lấy rồi bẻ một cành trên cao nhất, đẹp nhất, hoa nở kín cả cành. Nó cẩn thận giắt cành hoa lê vào túi đựng dao ở thắt lưng, rồi mới gánh nước về. Dưới sân nhà, Mây đang cúi mọp trên đống ngô, tẩn mẩn lọc ra những bắp to nhất, mẩy nhất để đem đi bán, đứa con gái chị, bé Tảo đứng bên cạnh, mũi thò lò, tay cầm một mảnh khăn thổ cẩm đang thêu dở. Thấy em về, Mây đứng dậy, kéo ngay Thuận lại, bảo :

    - Tao nể làng, nể cụ Rấm nên mới để cái người kia ở lại nhà mình chữa bệnh, nhưng hôm nay tự dưng có người dưới xuôi tìm lên tận đây gặp nó. Người ấy cao lắm, da thì đen, mà tóc dài thì dài thậm thượt như thầy mo* xứ Mường ấy, mặt cứ hầm hầm. Tao sợ quá nên cũng gọi nó xuống gặp, thấy hai người cứ thậm thụt với nhau cái gì, đã đi rồi. Mày giỏi tiếng Kinh, mày lên hỏi nó xem sao.

*thầy cúng, thầy bói, thầy phù thủy

    - Chị nhìn nhầm à ? - Thuận chưng hửng, - Đã đến vụ đâu mà có người dưới xuôi lên thu thuế làng ?

    - Ai bảo là thu thuế đâu, là lên gặp cái người mày đem về hồi hội làng ấy, họ nói tiếng Kinh, tao không hiểu. - Mây khẽ gắt, bấm vào bắp thịt rắn như đồng của Thuận vẻ tức tối. - Mày lên hỏi nó đi, không nói cho ra ngô ra khoai là tao đuổi nó đi đấy.

  Thấy Mây không buồn xưng chị như mọi khi, Thuận mới nhanh chóng đem hai thùng nước đổ vào ang, đoạn cởi áo leo lên nhà sàn. Người thanh niên tên Sơn nọ đã ngồi thẳng được mà không cần phải dựa dẫm, y đương nheo nheo mắt nhìn ra sân vẻ đăm chiêu. Thuận đem cành hoa lê chìa ra trước mặt Sơn, bảo :

    - Cho ấy này.

    - Hoa ban có đúng không anh ?

    - Hoa lê, tôi vừa mới hái, cành này mọc nơi cao nhất, bông hoa to mà rất khỏe khoắn, mùi lại thơm. Chị tôi bảo hoa lê là loài hoa có thứ hương giúp người ta dễ chịu, nên tôi đem về cho ấy ngửi cho khuây khỏa.

    - Úi chà, anh Thuận đi gánh nước chưa đủ mỏi mệt hay sao mà còn trèo cây lê hái hoa cho em thế. - Sơn cười tủm tỉm, vươn hai tay nhận lấy cành hoa trắng muốt, - cho em xin.

  Sơn nói vậy đấy, rồi đem cành hoa ấp lên ngực, mùi hương tản ra thoang thoảng. Thuận dè dặt hỏi :

    - Tôi thấy Mây bảo nay có người lên tìm ấy à ?

    - Hóa ra cái cô ấy tên là Mây à, nghe đáng yêu thế. - Sơn đáp, ngắt một cánh hoa thả xuống sân, rồi lại ỉm im như không. Thuận trông thấy thế thì lấy làm bực dọc, nó nhấm nhẳng :

    - Mây có chồng, có con rồi, ấy đừng có ăn nói như thế nữa.

    - Ơ kìa, sao anh Thuận lại cứ nghĩ đi đâu đâu, em nào có ý đó, - y nguýt người kia một cái dài cả cây số, phụng phịu, - người ấy là anh Kiên, là người của Việt Minh theo lệnh tổ chức lên đây tìm em. - đoạn Sơn thấp giọng, - anh đừng bảo ai, có người hỏi thì cứ bảo là cậu Ứng Kiên, người dưới Hà Đông lên tìm em trai bị lạc lúc đi săn là được, vài ngày nữa sẽ đem đón đi và mang lên cho nhà anh năm yến muối để hậu tạ, chỉ vậy thôi.

    - Việt Minh ? - Thuận thắc mắc, - nghĩa là sao ?

    - Đợi lúc thích hợp em sẽ thưa lại với anh sau, ta chắc chắn vẫn còn gặp lại. - Sơn nắm lấy tay nó, cười xòa, hai đồng điếu lờ mờ hiện ra dưới làn môi mỏng, hai y mắt sáng rỡ. Và trong ngực người trai miền núi bỗng có cái gì đó lồng lên như vó ngựa, tựa như một đàn bướm trắng lượn chập chờn trên cánh đồng hoa tam giác mạch, phá tuông một cái gì đấy trong Thuận, và làm nó chợt thấy, nếu người mẹ nó hằng thương nhớ là bông hoa mận tinh khôi nhất vùng Tây Bắc, thì người trước mặt chính là cành hoa lê năm cánh chúm chím, vừa bí mật, lại vừa xinh đẹp bội phần. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro