Chiếc remote và người đàn bà. Trang Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

rong những phim nhựa từ Âu sang Á, xem tại rạp hay trên HBO, tôi ít khi thấy chiếc điều khiển tivi (remote) xuất hiện, điều trái ngược hẳn lại với những bộ phim truyền hình dài tập hoặc hình ảnh trong đời sống thường nhật quanh ta. Có lẽ vì thế, càng hiếm có cơ hội quan sát xem, chiếc remote đó nằm trong tay đàn ông hay đàn bà.

Nhưng chiếc remote - một thứ đơn giản chỉ để chuyển kênh tivi - nằm trong tay ai, thì nào có nghĩa lý gì?

1. Remote cho thấy phụ nữ gia đình nhún nhường, phụ nữ độc thân mạnh mẽ?

Thực tế phim ảnh chỉ là một phản chiếu chủ quan về đời sống, trong đó, phim nhựa - với khá nhiều đạo diễn là đàn ông - đã để cho người phụ nữ xuất hiện ở những nơi nằm ngoài căn bếp, phòng khách, phòng ngủ, những bối cảnh quen thuộc của phim truyền hình dài tập. Vì thế, việc người phụ nữ cầm hay không cầm remote trong các tác phẩm nghệ thuật hình ảnh ấy chẳng nói lên được điều gì cả.

Đời sống không như phim ảnh! Trong đời sống, tivi là vật dụng không thể thiếu trong gia đình, và remote là thứ không thể thiếu của tivi. Kể từ khi nó lặng lẽ chiếm lĩnh một vị trí trong gia đình, nó nói lên nhiều hơn về thế giới mà chúng ta đang sống, một thế giới mà đàn bà xoay quanh đàn ông, hoặc ít nhiều chịu chi phối từ quyền lực của người đàn ông.

Bởi quyền lực ấy đâu cần phải cường điệu hóa bằng cách chồng bắt vợ phải đẻ con trai nối dõi, chồng hạn chế giao thiệp của vợ, can thiệp vào quyết định mua sắm của vợ, hay chồng đánh vợ? Cái cách mà người đàn ông bộc lộ quyền lực đôi khi tế nhị và vô hình như khi họ cầm chiếc remote điều khiển tivi, quyết định việc chọn kênh thông tin, chuyển kênh giải trí của cả người khác. Có ý kiến cho rằng, đàn ông gia đình cầm remote càng lâu, sử dụng càng nhiều sẽ tỉ lệ thuận với sự gia trưởng (đối với các gia đình châu Á) hoặc ham muốn khống chế, làm chủ (trong các gia đình Âu Mỹ), chứ chẳng phải là vì họ có bản năng ham hiểu biết, vì họ cả thèm chóng chán, hay vì họ thích sử dụng máy móc kỹ thuật gì cả.

Thật sự như vậy, bởi rất đơn giản rằng, trong một gia đình có vợ và chồng, dù họ còn son hay họ đùm đề cả con cái lẫn cha mẹ già nữa, thì cũng làm gì có gia đình nào phân công trách nhiệm cho một ai đó nhận nghĩa vụ sử dụng remote, đảm bảo việc chuyển kênh tivi cho cả gia đình xem hàng ngày? Người ta chỉ phân công người lái ô tô, người sửa xe, người lo giặt giũ cơm nước, hoặc thậm chí phân công ngầm người chi tiền cho gia đình, cho con cái, chứ có ai bận tâm tới hoạt động của một chiếc remote chạy pin chỉ nằm lọt trong lòng bàn tay?

Cho nên, bạn có tin rằng, trên thực tế bản chất của chúng ta, quan hệ giữa chúng ta lại bộc lộ ra một cách chính xác hơn, ngay tại những biểu hiện bé nhỏ và vô tình như vậy không?

Chiếc remote nằm trong tay ai, người đó quyền lực nhất trong gia đình.

Có một nghiên cứu của giáo sư David Morley từng đưa ra con số thống kê đầy hàm ý như sau: Phụ nữ, nếu ta coi họ như một khán giả bình đẳng trước tivi như mọi thành viên trong gia đình, cùng với chồng, với người già, với anh chị em ruột và con cái họ, thì khi họ ở vào lứa tuổi 24-39, hoặc cụ thể hơn là với những bà nội trợ, phụ nữ trong gia đình, thì khi tất cả các nghiên cứu viên bất ngờ bước vào các gia đình ấy, họ chưa từng bắt gặp bất kỳ một bà vợ nào đang sử dụng remote. Chiếc remote sẽ nằm trong tay ông bố của họ, ông chồng của họ, thằng con trai của họ, nằm ở trên tay ghế gần người đàn ông nhất, nằm ở trên mặt bàn gần nam giới nhất, cho dù trên tivi đang chiếu bất kỳ kênh gì, hay trong nhà có bao nhiêu cái màn hình ti vi. Còn nếu dựa vào bảng trả lời điều tra của các nghiên cứu viên, thì các bà nội trợ ấy đều nói rằng mình có sử dụng remote để chọn kênh cho mình, nhưng tỉ lệ sử dụng cũng chỉ nằm ở mức 36%, tức là chưa bằng một nửa so với giai đoạn họ chưa kết hôn.

Chỉ số ấy nói gì về sự tự chủ và quyền lựa chọn của một người phụ nữ gia đình? Hay cũng thật "tình cờ", những nghiên cứu của ngành truyền thông đã phát hiện rằng, chiếc remote âm thầm tượng trưng cho quyền lực trong các gia đình. Và quyền lực đó không thuộc về phụ nữ.

Tôi nhớ, khi trao đổi tới đây, tôi từng tranh cãi với các giáo sư rằng, phụ nữ kết hôn rồi không nhu nhược đi, họ chỉ nhún nhường đi mà thôi. Và hiện tượng "quyền lực remote" không phải là việc phụ nữ bị cướp đoạt quyền, mà thực chất là một cách phụ nữ tự nguyện vứt bỏ quyền của mình. Chúng ta từng hi sinh rất nhiều cho gia đình, đúng không, ví dụ nhan sắc và tuổi trẻ, vóc dáng và cơ hội nghề nghiệp khi chúng ta mang bầu sinh con. Chúng ta cũng đã hi sinh một số thứ vô hình khác để chấp nhận một tư thế làm tình, một quan điểm trang trí nội thất, một thói quen của đàn ông, một áp lực v.v... Và phụ nữ biết chấp nhận, biết thu xếp vẫn là người phụ nữ mạnh mẽ như thường. Không thể nói rằng một cô nàng chỉ thích làm người tình, không thích làm vợ thì sẽ mạnh mẽ hơn một bà nội trợ đẻ ba con. Cũng như không thể nói đàn bà thu nhập cao thì mạnh mẽ và giỏi giang hơn một bà vợ bỏ việc ở nhà cơm nước cho chồng con. Vì thế, càng không thể nói đàn bà từ bỏ một quyền lựa chọn nhỏ nhoi như dùng remote, bỏ kệ cho người khác điều khiển tivi, chấp nhận các kênh mình không thật ưa, thì sẽ là người đàn bà nhu nhược. Nhu nhược đi vì hôn nhân.

Giáo sư cười to và nói, cô đã lấy chồng chưa, tôi hỏi cô, vậy tại sao đàn ông không từ bỏ "quyền lực remote", trong khi cơ hội hoặc áp lực cho cả hai giới là như nhau, trong môi trường truyền thông và thông tin trong khoảng không nhỏ bé của gia đình? Tại sao lại là phụ nữ, cho dù ai cũng dễ dãi thừa nhận rằng có vẻ đàn bà gia đình xem tivi nhiều hơn, các vệt giờ vàng phim truyền hình vẫn liên tục tăng và rating của chúng vẫn cao? Hay chúng ta chấp nhận một mâu thuẫn hiển nhiên là khá nhiều bà nội trợ ở nhà nên có thời gian điền... form điều tra của các công ty quảng cáo, hoặc một lý do nữa là nhiều phụ nữ đã quá lạc quan khi ở giữa hôn nhân, lờ đi những khó khăn của bản thân mình?

Ví dụ như, các bà vẫn nói rằng họ xem tivi nhiều giờ nhất trong nhà, điều đó cũng đúng, nhưng trong thực tế, họ xem thụ động bởi bị người khác lựa chọn nội dung, họ không được xem thứ mà họ muốn xem.

Một nghiên cứu khác của khoa Nghệ thuật, Đại học Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng, phụ nữ độc thân có thu nhập cao chiếm lĩnh cái remote với tỉ lệ khá cao, xấp xỉ 70%. Khi phụ nữ cầm bánh lái của chiếc ô tô, cầm cái remote của tivi, cũng như cầm nắm những quyền lực tài chính lớn, thì dù họ ở trong hay ngoài hôn nhân, họ vẫn có nhiều lựa chọn hơn. Mà lựa chọn, nói thẳng ra chính là một thứ quyền lực của một cá nhân. Không phải là phụ nữ độc thân có nhiều quyền lực và lựa chọn cho bản thân mình hơn hay sao?

Tôi giật mình nghĩ, hóa ra bản thân mình cũng đã từng tự nguyện từ bỏ những điều gì khác trước ngưỡng cửa hôn nhân, mà tôi đã không nhận ra?

2. Từ chiếc remote tới chuyện nhận thức của một phụ nữ

Vợ chồng ít khi tranh nhau cầm remote, hoặc cãi cọ nhau vì chuyển kênh, bởi sẽ tìm được một thỏa thuận chung, nhưng ngay cả trong thỏa thuận đó, phụ nữ nằm ở thế mạnh hay thế yếu?

Nhận thức của một người phụ nữ được hình thành bởi trình độ học vấn, hoàn cảnh sống, xuất thân gia đình. Những tiêu chuẩn ấy thuộc về "kỹ năng mềm" và khó có tiêu chí tới mức, có thể cùng một ứng xử, như hiện tượng chậm chồng, người này (hoặc nhóm phụ nữ này) cho đó là kiêu hãnh và tiến bộ, người khác cho đó là kiêu căng, chảnh, ế. Cùng một hiện tượng sinh con thứ ba (tại Việt Nam), nhóm phụ nữ này gọi đó là sự hi sinh hoặc hạnh phúc làm mẹ, nhóm khác gọi đó là sự ngu muội bất lực của một cái máy đẻ.

Thực chất, nhận thức của một người phụ nữ về các vấn đề của cuộc sống đã khác biệt như thế, nhận thức của họ về bản thân mình càng nhiều chênh lệch hơn, bao gồm nhìn nhận về quyền của mình, trách nhiệm của mình, lý do của mình, và những gì mình cần. Trong thế giới của phụ nữ đã kết hôn, chúng ta đã đánh mất những điều gì mà chúng ta cứ tưởng đang được nhận?

Có một câu chuyện vui nhưng có thật trên một mạng tư vấn chứng khoán của Mỹ như sau, một chân dài cứ băn khoăn đi hỏi rằng, làm cách nào cưới được một đại gia, vì tôi chỉ xứng đáng với họ, làm vợ họ, trở thành mệnh phụ phu nhân. Nhan sắc của tôi xứng đáng với tài sản của đại gia, và trong hôn nhân chúng ta sẽ xứng với nhau.

Đại gia bèn reply (hồi âm trên forum) rằng, nhan sắc của chân dài đúng là một tài sản lớn, nhưng không xứng đáng với tiền của tôi. Bởi nếu coi nhan sắc của cô là một tài sản, thì nó đang ngày càng mất giá, mất giá trầm trọng, mà không hề sinh lời chút nào. Cô chỉ già đi theo thời gian thôi, chứ đâu có xinh đẹp hơn? Trong khi tiền của tôi luôn luôn sinh lời, càng ngày càng có lãi khi tôi đầu tư. Vậy, cô chỉ xứng làm gái bao, làm tình nhân một thời gian ngắn mà thôi, cho đến khi nhan sắc của cô... hết khấu hao tài sản!

Số đông các bà nội trợ chúng ta còn ảo tưởng hơn chân dài ấy. Chúng ta tưởng được nhận quá nhiều từ hôn nhân, được nhận tình yêu hạnh phúc và một người đàn ông cùng một gia đình, mà không nhận ra phần vốn góp của mình luôn lớn hơn "đối tác", đâu phải chỉ là tình yêu, là cuộc sống, mà đôi khi còn tự từ bỏ những quyền lực vô hình mà chúng ta xứng đáng được hưởng.

Tôi có một người bạn, sau khi li hôn cay đắng thú nhận, đàn bà chỉ lãi được đứa con. Đó là sau khi đã giành giật chán chê, đấu võ mồm lẫn giở thủ đoạn mà ông chồng cũ gọi là "thủ đoạn hèn hạ, đòn tâm lý chiến, khổ nhục kế".

Tôi nói, dẫu sao lần lựa chọn này, chị đã thành công, bởi chị không nhường nhịn chồng. Tôi định buột mồm nói rõ là "không nhường nhịn chồng như khi cầm tới cái remote điều khiển ti vi trước đây", nhưng lại sợ nói thế, người đàn bà sau hôn nhân sẽ không thể hiểu. So sánh đứa con với cái remote thực là khập khiễng, nhất là khi đâu phải ai cũng xem xét mọi khía cạnh cuộc sống từ góc độ quyền lợi của một phụ nữ? Phụ nữ, nhất là phụ nữ Việt Nam thì ai thèm quan tâm họ mất gì được gì khi vẫn còn sống cạnh chồng, giữa gia đình? Thậm chí báo chí trong nước vẫn còn đang tán dương và nêu gương những người "ba đảm đang, hi sinh vì chồng con" cơ mà, trong khi nực cười là một mặt khác, báo chí vẫn đúng hẹn 20/10 hàng năm kêu gào đòi bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ Việt?

Quay lại câu chuyện phụ nữ "quên" dùng remote, khi ở cạnh chồng con.

Phụ nữ cứ cho là kẻ mạnh trong gia đình đi, bạn nhé, cứ cho là họ không hề nhường nhịn, họ chỉ không thèm cầm cái remote lên mà thôi, thì cũng chỉ bởi lúc đó tay họ đang... bận rộn với bát đĩa, khăn lau (phục vụ gia đình), hay kem dưỡng da (bởi nguyên nhân sâu xa từ yêu cầu thẩm mỹ của giới đàn ông) nên tay họ chẳng để không, như chồng, mà cầm remote. Và như thế, thì dù họ ở thế mạnh, họ chẳng cần cầm remote, họ chỉ cần dùng lời nói ra lệnh cho đức ông chồng thừa hành, thì họ vẫn vô tình bị cuốn vào một thế giới mà giá trị quan của người đàn ông làm chủ đạo, họ đang bị bất công bởi ít thời gian rảnh hơn ông chồng. Và một lô những lý lẽ khác mà chúng ta có thể giải thích bằng lý thuyết của lĩnh vực truyền thông, bằng lý lẽ bình đẳng giới, nhưng chúng ta lại chẳng thể biện minh trong cuộc sống gia đình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro