Chiến dịch Mãn Châu (1945)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thời gian 9 tháng 8 - 2 tháng 9 năm 1945

Địa điểm Mãn Châu, Nội Mông, Sakhalin, quần đảo Kuril và Bắc Triều Tiên

Kết quả Chiến thắng của Quân đội Liên Xô. Đạo quân Quan Đông (Nhật Bản) đầu hàng[1]

Tham chiến

Đế quốc Nhật Bản

Mãn Châu quốc

Chính phủ Liên hiệp Tự trị Mông Cương

Liên Xô

Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ

Chỉ huy

Nhật Bản

Yamada Otozō #

Mãn Châu quốc

Phổ Nghi #

Liên Xô

A.M.Vasilevsky

R. Y. Malinovsky

K. A. Meretskov

M. A. Purkayev

A. I. Danilov

A. A. Luchinsky

Các tướng khác của Liên Xô

Mông Cổ

Khorloogiin Choibalsan

Lực lượng

Đế quốc Nhật Bản:

993.000 quân,

5.360 pháo,

1.155 xe tăng,

1.800 máy bay

1.215 xe vận tải

[2]

Mãn Châu quốc:

170.000-200.000 quân[3]

Mông Cương:

10.000 quân Liên Xô:

1.500.000 quân,

hơn 29.000 pháo và súng cối,

hơn 5.200 xe tăng và pháo tự hành,

gần 5.200 máy bay[4]

Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ

18.000 kỵ binh.

Tổn thất

Số liệu của Liên Xô:

83.737 chết

594.276 bị bắt.[5]

Số liệu của Nhật Bản:

21.000 chết

[6]

12.031 chết và mất tích,

24.425 bị thương[7]

Chiến dịch Mãn Châu hay Chiến dịch Mãn Châu Lí (tiếng Nga: Манчжурская стратегическая наступательная операция, lit. Manchzurkaya Strategicheskaya Nastupatelnaya Operaciya), hay còn có một tên khác là Cuộc tấn công của Liên Xô vào Mãn Châu, là một chiến dịch quân sự của Quân đội Liên Xô nhằm vào đạo quân Quan Đông của Nhật tại khu vực Mãn Châu. Đây cũng là chiến dịch trên bộ lớn nhất trong Chiến tranh Thái Bình Dương được thực hiện theo sự thỏa thuận giữa Tam cường Đồng Minh và Trung Hoa dân quốc trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Yalta và Tuyên bố Potsdam về việc Liên Xô tham gia cùng Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc đánh bại phát xít Nhật ở Viễn Đông, bắt đầu vào ngày 9 tháng 8 năm 1945 và kết thúc ngày 2 tháng 9 với sự thắng lợi của Hồng quân.Chiến dịch Mãn Châu được thực hiện 3 tháng sau khi nước Đức Quốc xã bị đánh bại, kết thúc chiến sự tại châu Âu theo đúng cam kết của Liên Xô với các đồng minh của mình tại các Hội nghị Yalta và Postdam. Vào thời điểm đó, Phát xít Nhật đã bị các nước Đồng Minh Hoa Kỳ, Anh, Úc đánh bật khỏi nhiều vùng biển quan trọng trên Thái Bình Dương. Các hạm đội của Nhật Bản cũng chịu những thiệt hại nghiêm trọng. Hải quân Hoa Kỳ đã có mặt tại vùng biển gần Nhật Bản. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã chiếm được một số đảo nhỏ quan trọng gần các đảo lớn của Nhật Bản. Không lực Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều trận ném bom chiến lược vào các thành phố lớn trên đất Nhật. Quân đội Hoa Kỳ cũng chuẩn bị "Kế hoạch Downfall", dự kiến tiến hành hai chiến dịch Olympic và Koronet để đánh chiếm toàn bộ các đảo của Nhật Bản. Tuy nhiên, lục quân Nhật Bản vẫn còn đóng giữ nhiều vùng đất đã chiếm được tại Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và Đông Nam Á. Trong đó, đạo quân Quan Đông, bao gồm hai phương diện quân và một tập đoàn quân độc lập chiếm giữ Mãn Châu là vùng công nghiệp quan trọng tại Đông Bắc Trong Quốc. Ngay khi chiến dịch mở màn, Phương diện quân 17 của Nhật Bản tại Triều Tiên cũng được nhập vào biên chế của đạo quân này.Quân đội Liên Xô đã triển khai ba Phương diện quân và một phần Hạm đội Thái Bình Dương cho Chiến dịch Mãn Châu. Với ưu thế tương đối về binh lực, vũ khí, phương tiện và thế bất ngờ; chỉ trong 24 ngày, quân đội Liên Xô đã nhanh chóng đánh tan đạo quân Quan Đông và kiểm soát Mãn Châu, một phần Nội Mông, Bắc Triều Tiên, miền Nam đảo Sakhalin và quần đảo Kuril. Thất bại nhanh chóng của Đạo quân Quan Đông là một yếu tố quan trọng trong sự đầu hàng của Nhật Bản và chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến dịch còn cho quân đội Liên Xô một thành công ngoài mong đợi, đó là giúp người Trung Quốc lật đổ chính quyền thân Nhật ở Mãn Châu, bắt sống vua Phổ Nghi đưa về Liên Xô và sau đó trao lại cho chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cũng trong chiến dịch này, quân đội Liên Xô còn phát hiện nhiều tài liệu và một số phòng thí nghiệm vũ khí vi trùng mà "Đơn vị 731" của quân đội Nhật đang nghiên cứu và đã thử nghiệm trên cơ thể tù binh Trung Quốc; góp phần ngăn chặn một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mới hết sức nguy hiểm cho nhân loại.[8]Cùng với kết quả thắng lợi của các chiến dịch do quân đồng minh Hoa Kỳ, Anh, Úc tiến hành trên mặt trận Thái Bình Dương và sự kiện Hoa Kỳ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, kết quả của Chiến dịch Mãn Châu đã góp một phần vào việc thúc đẩy sự đầu hàng của quân đội phát xít Nhật.[9][10] Thắng lợi của quân Đồng Minh trong Chiến tranh Thái Bình Dương mà Chiến dịch Mãn Châu là chiến dịch trên bộ lớn nhất đã tạo điều kiện cho một loạt quốc gia Châu Á bị phát xít Nhật nô dịch giành được quyền độc lập tự chủ như Trung Quốc, Triều Tiên, Indonesia, Việt Nam, Myanma và nhiều nước khác.[11] Chiến dịch Mãn Châu cũng là chiến dịch trên bộ cuối cùng đánh dấu sự kết thúc toàn bộ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.[12]

Bối cảnh

Lịch sử và địa lý

Mãn Châu nằm ở Đông Bắc Trung Quốc, phía Đông và phía Bắc giáp Liên Xô, Triều Tiên, phía Tây giáp Mông Cổ, phía Đông Nam có vịnh Bột Hải, phía Tây Nam giáp các tỉnh Hà Bắc và Nội Mông của Trung Quốc. Địa hình Mãn Châu giống một bồn địa được bao quanh bởi các dãy núi Đại Hưng An ở phía Tây, Hổ Luân ở phía Bắc và Tiểu Hưng An ở phía Đông. Trên biên giới phía Bắc là sông Amur (Hắc Long Giang), phía Tây là sông Urgury. Sông Sungury (Tùng Hoa) bắt nguồn từ dãy Đại Hưng An, chảy trong nội địa Mãn Châu lên hướng Đông Bắc và đổ vào sông Amur ở gần Mikhailo Serinovskaya.Mãn Châu là nơi sinh sống lâu đời của Bộ lạc Nữ Chân, là nơi phát tích của triều đại phong kiến nhà Thanh (1644-1911). Vào thời cận đại, Mãn Châu đã có thời nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Đế quốc Nga về kinh tế. Tháng 9 năm 1931, Đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu và dựng lên chính quyền Mãn Châu Quốc do Phổ Nghi (vị vua cuối cùng của nhà Thanh) trị vì. Tuy nhiên, mọi thực quyền đều do Đế Quốc Nhật Bản nắm giữ. Mãn Châu là vùng công nghiệp phát triển sớm từ đầu thế kỷ 20. Tại đây, có các thành phố lớn đồng thời là các trung tâm công nghiệp và đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ quan trọng như Cáp Nhĩ Tân (Kharbin), Thẩm Dương (Shenyang), Trường Xuân (Changchun), Cát Lâm, Mẫu Đơn Giang, có quân cảng Đại Liên (Arthur) từng là nơi trú đóng của Hạm đội Thái Bình Dương của Đế quốc Nga. Đối với Nhật Bản, Mãn Châu và Triều Tiên trở thành một cơ sở kinh tế chiến tranh và một địa bàn chiến lược cực kì quan trọng. Các nhà máy chế tạo vũ khí và phương tiện chiến tranh được xây dựng ngày càng nhiều tại các thành phố Mãn Châu : Thẩm Dương, An Đông, Liêu Dương, Phúc Tân,... Trong giai đoạn 1944-45, ngày càng có nhiều xí nghiệp Nhật được dời sang Mãn Châu để đề phòng máy bay Hoa Kỳ ném bom.[13]Về quân sự, Mãn Châu được coi như căn cứ bàn đạp quân sự quan trọng để tấn công vùng Viễn Đông (Liên Xô). Từ vị trí sông Amur chảy vào nội địa Liên Xô tại Khabarovsk, chỉ cần tiến gần 200 km ra biển Okhotsk là có thể cô lập trên bộ vùng Primorie có hải cảng quan trọng Vladivostok với vùng Siberi. Về phòng thủ, địa hình khu vực Mãn Châu có lợi thế phòng thủ từ xa do được các dãy núi và sông lớn bao quanh.[14] Trong đó dãy Đại Hưng An ở phía Tây có điểm cao nhất đến 1.100 m. Ở đây, quân đội Nhật đã cấu trúc nhiều công trình phòng thủ bằng đá và bê tông. Ngược lại, do địa thế tự nhiên như một vòng cung kéo dài 4.500 km lồi lên hướng Đông Bắc, Mãn Châu rất dễ bị vây đánh từ ba phía nếu đối phương đủ sức vượt qua các dãy núi và các con sông bao bọc bồn địa Mãn Châu. Địa hình bồn địa Mãn Châu bên trong các dãy núi tương đối bằng phẳng. Nếu chỉ bị tấn công từ hướng Bắc và hướng Tây, quân đội Nhật có thể lùi về bán đảo Triều Tiên, lấy sông Áp Lục làm chiến tuyến tự nhiên để tiếp tục phòng thủ. Nhưng nếu đối phương cùng lúc công kích từ ba hướng và lọt vào đồng bằng Mãn Châu với lực lượng binh chủng hợp thành mạnh, quân đội Nhật rất dễ bị chia cắt.[15]Nguyên soái Alexandr Vassilevski, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô ở Viễn Đông đã nhận xét về chiến trường Mãn Châu như sau

Đây là một kế hoạch với quy mô lớn nhất, chiến sự phải trải ra trên một diện tích lớn 1,5 triệu km², với chiều sâu từ 200 đến 800 km, chính diện mặt trận dài dến 4.000 km.[16][17]

Về quân sự

Sau khi Đức đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện ở châu Âu, khối Trục chỉ còn phát xít Nhật tiếp tục cuộc chiến trong tình thế vô vọng. Nhật Bản bị cô lập hoàn toàn về chính trị, và quân đội Nhật liên tục bị mất các đảo có vị trí chiến lược ngày càng gần đất Nhật hơn.[2] Tuy vậy, Đế quốc Nhật Bản vẫn còn khoảng 4,1 triệu lính lục quân và 1,26 triệu lính Hải quân. Tổng số quân ở hải ngoại vẫn khoảng 2,3 triệu người, chủ yếu đóng ở Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và một số đảo trên Thái Bình Dương. Đạo quân Quan Đông đóng tại vùng Mãn Châu (Đông Bắc Trung Quốc) là đạo quân lớn với quân số trên dưới 1 triệu người, chiếm gần 50% lực lượng Nhật tại hải ngoại.[18]Vào thời gian trước chiến dịch, lực lượng chủ yếu của Hải quân Nhật và một phần Lục quân bị tổn thất nặng bởi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương với quân Hoa Kỳ, gần như không còn khả năng duy trì chiến tranh. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn còn hy vọng duy trì một lực lượng trên bộ để giữ được chủ quyền quốc gia và các thuộc địa Triều Tiên, Mãn Châu quốc; trong đó, đạo quân Quan Đông với quân số đông nhất, mạnh nhất, được xem là chủ lực của kế hoạch này.Tuy nhiên, trên thực tế vào thời điểm đó, tình thế của đạo quân Quan Đông đã trở nên khó khăn. Tin thất trận ở mặt trận Thái Bình Dương đã làm ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ.[19] Tại Trung Quốc, họ liên tục bị quân Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc tập kích. Vì thế, tuy binh lực không bị tổn thất lớn, nhưng thực tế quân Quan Đông đã bị suy yếu nghiêm trọng. Họ đã trở thành "đội quân mạnh nhưng đã mất tinh thần".[20]Đứng trước những thất bại khó tránh khỏi, vào cuối cuộc chiến tranh, nước Nhật đã nghiên cứu thử nghiệm một loại vũ khí mới: vũ khí sinh học. Tại Trung bộ Mãn Châu, quân đội Nhật đã thiết lập một phân bộ của Đơn vị nghiên cứu vũ khí vi trùng (bí số: Đơn vị 731).[8] Sau này, tại tòa án quốc tế truy tố các tội phạm chiến tranh Nhật Bản tại Khabarovsk, Tosihidz Nisi, một trong các chuyên gia về vũ khí vi trùng đã khai nhận:Tháng 1 năm 1945, tôi có mặt tại đơn vị 731 với tư cách là chuyên gia. Trung tá Ikari Futaki đã chỉ huy phân đội 2 cùng với các đồng nghiệp đã thử nghiệm loại thuốc gây hoại thư không thể phục hồi trên 10 tù nhân Trung Quốc. Các tù nhân này đều được gây thương tích phần mềm bằng những kíp nổ nhỏ có gắn loại thuốc gây hoại thư. Sau một tuần, tất cả họ đều chết trong những cơn đau đớn kinh khủng nhất.Ngoài ra, đơn vị 731 này còn nghiên cứu các loại vũ khí vi trùng khác để reo rắc các mầm bệnh nguy hiểm như dịch hạch, dịch tả, dịch thương hàn, bệnh than...[22] Chỉ huy đạo quân Quan Đông, tướng Yamada Otozō sau khi bị bắt cũng xác nhận tại tòa án Khabarovsk:Với việc tuyên chiến với Nhật Bản và đưa quân đội Liên Xô tấn công rất nhanh chóng vào Mãn Châu đã tước đi của chúng tôi khả năng sử dụng vũ khí sinh học đối với Liên Xô và các nước khácTuy nhiên, khi vạch kế hoạch tấn công Mãn Châu, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Viễn Đông chưa hề biết đến thứ vũ khí này. Tất cả chỉ được phát hiện sau khi thu giữ toàn bộ hồ sơ tài liệu và một số phòng thí nghiệm mà quân Nhật chưa kịp phá hủy tại Tổng hành dinh đạo quân Quan Đông tại Trường Xuân (Phụng Thiên) cùng nhiều thông tin khác do chính các tù binh là chuyên gia vũ khí vi trùng của Nhật Bản cung cấp.[23]

Thỏa thuận của các nước đồng minh tại Yalta và Potsdam

Từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 2 năm 1945, tại Yalta trên bờ biển Hắc Hải, lãnh đạo ba cường quốc đồng minh chống phát xít là Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh đã họp hội nghị để bàn về số phận của nước Đức sau chiến tranh. Tại Hội nghị này, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Edward Reily Stettinius. Jr, cố vấn an ninh Phủ tổng thống Hoa Kỳ cho biết, các tham mưu trưởng Hoa Kỳ đã thuyết phục tổng thống Franklin D. Roosevelt rằng Nhật Bản chỉ có thể đầu hàng vào năm 1947 hoặc chậm hơn, còn để tiêu diệt hoàn toàn quân đội Nhật Bản thì Hoa Kỳ phải tốn đến hơn một triệu nhân mạng nữa.[24][25] Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Henry Stimson đã viết :"Mỹ cần ít nhất là 5 triệu quân và các trận đánh chính sẽ kết thúc sớm nhất vào cuối năm 1946. Và qua các chiến dịch đó, ta phải mất ít nhất 1 triệu sinh mạng.[26]" Đại tướng Hoa Kỳ Douglas MacAthur cũng cho rằng: "Chỉ khi nào Lục quân Nhật bị tiêu diệt thì Nhật Bản mới bị đánh bại". Trong các tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Yalta ngày 11 tháng 2 năm 1945 có đoạn:

Các nhà lãnh đạo ba cường quốc Liên Xô, Mỹ, Anh thỏa thuận rằng từ hai đến ba tháng sau khi nước Đức đầu hàng và chiến tranh ở Châu Âu kết thúc, thì Liên Xô sẽ đứng về phía các nước đồng minh để tham chiến chống Nhật Bản

Tại Hội nghị Yalta, đoàn đại biểu Liên Xô đưa ra ba điều kiện bảo đảm cho mình:

•Bảo vệ sự tồn tại của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ;

•Khôi phục những quyền lợi của Nga đã bị Nhật vi phạm năm 1904 gồm: Liên Xô được thu hồi phần Nam đảo Sakhalin; quốc tế hóa cảng Đại Liên; lập lại tô giới Lữ Thuận thành quân cảng của Liên Xô; Liên Xô được cùng với Trung Quốc sử dụng các tuyến đường sắt tại Đông Bắc Trung Quốc và Nam Mãn Châu;

•Trả lại quần đảo Kuril cho Liên Xô.[28]

Các nước Đồng Minh đã chấp nhận tất cả các điều kiện nói trên.[29]Tại Hội nghị Potsdam từ ngày 16 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1945, ngay trong ngày họp đầu tiên, thành viên đoàn đại biểu Liên Xô, Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng A. I. Antonov, đã thông báo tỉ mỉ kế hoạch hoạt động quân sự của quân đội Liên Xô tại Viễn Đông để thực hiện thỏa thuận tại Yalta hồi đầu năm, xác nhận sự sẵn sàng của Liên Xô trong việc hoàn thành trách nhiệm của mình góp phần đánh bại phát xít Nhật.[30]

Lực lượng tham chiến

Quân đội Liên Xô

Quân đội Liên Xô tham chiến ở chiến dịch trước hết là lực lượng của Quân khu Viễn Đông và Quân khu Siberia. Để đảm bảo nhanh chóng đánh bại Đạo quân Quan Đông, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945, quân đội Liên Xô đã sử dụng 1.692 chuyến tàu hỏa với gần 136.000 toa xe để vận chuyển 3 tập đoàn quân binh chủng hợp thành, một tập đoàn quân xe tăng, một quân đoàn cơ giới từ chiến trường Châu Âu sang Viễn Đông. Các đơn vị hiện có tại đây cũng được bổ sung đầy đủ người, đổi mới các trang bị hiện đại nhất.[31] Trong những tháng cao điểm, tháng 6 và tháng 7, cứ 40 phút là có một chuyến tàu chạy qua. Quân nhân, quân cụ được đổ xuống Tchita, sau đó hành quân đường bộ suốt 600 km để đến điểm tập trung. Có như vậy mới tránh bị quân Nhật dòm ngó và gây tắc nghẽn giao thông.[32]Ngoài ra còn có sự tham gia của lực lượng Quân đội Cách mạng Mông Cổ, chủ yếu là kỵ binh. Do phải di chuyển nhiều đơn vị và phương tiện từ chiến trường Châu Âu sang Viễn Đông trên con đường sắt xuyên Siberi dài hơn 5.000 km, đến đầu tháng 8 năm 1945, toàn bộ quân số dự kiến sử dụng cho Chiến dịch Mãn Châu mới được tập kết trên vùng biên giới Liên Xô - Trung Quốc và Mông Cổ - Trung Quốc. Đại quân này bao gồm 1,5 triệu quân, 3.704 xe tăng, 1.852 pháo tự hành, 26.000 pháo và súng cối, 1.171 dàn phóng rocket và hơn 5.000 máy bay chiến đấu.[33] Nguyên soái Liên Xô Aleksandr Vasilievsky được Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô chỉ định làm Tổng tư lệnh Quân đội Liên Xô tại Viễn Đông, và Thượng tướng S. P. Ivanov được cử làm tham mưu trưởng của Bộ tổng tư lệnh này.[34]Binh lực quân đội Liên Xô được bố trí như sau[35][33]:

Phương diện quân Zabaikal do Nguyên soái R. Y. Malinovsky làm tư lệnh, Thượng tướng M. V. Zakharov làm tham mưu trưởng; trong biên chế có:

Tập đoàn quân 17 do Trung tướng A. I. Danilov chỉ huy là đơn vị vốn có của quân khu Zabaikal.[36]

Tập đoàn quân 36 do Thượng tướng A. A. Luchinsky chỉ huy là đơn vị vốn có của quân khu Zabaikal[37].

Tập đoàn quân 39 do Thượng tướng I. I. Liutnikov chỉ huy, được chuyển từ Intersburg (Đông Phổ) đến Zabaikan.[37]

Tập đoàn quân 53 do Thượng tướng I. M. Managarov chỉ huy được chuyển từ Hungary sang.[37]

Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 6 do Thượng tướng A. G. Kravchenko chỉ huy được chuyển từ Áo sang.[37]

Tập đoàn quân Không quân 12 do Nguyên soái Không quân M. A. Khudiakov chỉ huy;[38]

Tập đoàn quân phòng không của Phương diện quân;[38]

Tập đoàn quân kỵ binh-cơ giới Liên Xô - Mông Cổ do Thượng tướng I. A. Pliev chỉ huy.[36]

Phương diện quân này có tổng quân số 654.040 người, chiếm 41,4% tổng binh lực của quân đội Liên Xô tại Viễn Đông, hoạt động trên chính diện kéo dài đến 2.300 km.[2]

Phương diện quân Viễn Đông 1 do Nguyên soái Liên Xô K. A. Meretskov làm tư lệnh; Trung tướng A. N. Krutikov làm tham mưu trưởng; trong biên chế có:

Tập đoàn quân Cờ Đỏ 1 do thượng tướng A. P. Beloborodov chỉ huy;[37]

Tập đoàn quân 5 do Thượng tướng N. I. Krylov chỉ huy;[37]

Tập đoàn quân 25 do Trung tướng M. I. Chistiakov chỉ huy;[37]

Tập đoàn quân 35 do Trung tướng N. D. Zakhvetayev chỉ huy;[38]

Quân đoàn Cơ giới 10;[38]

Cụm tác chiến Chuguevsk do Thiếu tướng V. A. Zaitsev chỉ huy;

Tập đoàn quân phòng không của phương diện quân;

Tập đoàn quân Không quân 9 do Thiếu tướng I. M. Sokolov chỉ huy.

Phương diện quân này có tổng quân số 586.589 người, chiếm 37,2% tổng binh lực của quân đội Liên Xô tại Viễn Đông, hoạt động trên chính diện 700 km.[2]

Phương diện quân Viễn Đông 2 do Đại tướng M. A. Purkayev làm tư lệnh, Trung tướng F. I. Shevchenko làm tham mưu trưởng; trong biên chế có:

Tập đoàn quân Cờ Đỏ 2 do Trung tướng Makar Fomich Teriokhin chỉ huy.

Tập đoàn quân 15 do Thiếu tướng S. K. Mamonov chỉ huy;[39]

Tập đoàn quân 16 do Thiếu tướng L. G. Cheremisov chỉ huy.[40] (gồm cả quân đoàn bộ binh 56 được giao nhiệm vụ tác chiến tại phía Nam đảo Sakhalin);[38]

Quân đoàn Bộ binh Độc lập 5;[38]

Tập đoàn quân Không quân 10 do Thiếu tướng P. F. Zhigarev chỉ huy;

Phân Hạm đội sông Amur (Hắc Long Giang) là đơn vị phối thuộc do Phó Đô đốc N. V. Antonov chỉ huy;

Tập đoàn quân phòng không của phương diện quân.

Đây là Phương diện quân có binh lực mỏng nhất của quân đội Liên Xô tại Viễn Đông, có tổng quân số 337.096 người, chiếm 21,4% tổng binh lực nhưng lại hoạt động trên chính diện lên đến 2.130 km.[2]Trong các lực lượng bộ binh Liên Xô, nhiều đơn vị đã có kinh nghiệm đánh các tuyến phòng ngự mạnh của quân đội Đức Quốc xã được điều từ phía Tây sang.[41] Tập đoàn quân số 53, tập đoàn quân số 39 và tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 6 đã được điều đến từ Tiệp Khắc[42] trong đó tập đoàn quân 53 và tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 6 đã quen chiến đấu trong địa hình rừng núi.[41] Ngoài ra còn có tập đoàn quân số 5 từ Đông Phổ.[42]

Hạm đội Thái Bình Dương do Đô đốc Ivan Stepanovich Yumashev làm tư lệnh, có 427 tàu chiến. Trong đó có 2 tuần dương hạm, 1 soái hạm, 10 khu trục hạm, 19 tàu tuần tiễu, 78 tàu ngầm, 52 tàu gỡ mìn, 10 tàu rải mìn, 49 tàu săn tàu ngầm và 1.549 máy bay của Hải quân. Căn cứ chính tại Vladivostok và Sovietsk Gavan. Các căn cứ phụ trợ đóng tại Nakhotka, Olga, Nikolaievsk on Amur, Posiet.[35]

Giang đội Cờ Đỏ sông Amur (Hắc Long Giang): có 169 tàu chiến và 70 máy bay; được huy động thêm 106 tàu vận tải đường sông, tàu dắt và sà lan[35]. Căn cứ chính tại Khabarovsk, các căn cứ phụ trợ đóng ở Malaya Sozonka, Sretensk và Hồ Khasan. Toàn bộ lực lượng hải quân tham gia chiến dịch được dặt dưới quyền chỉ đạo chung của Đô đốc Tư lệnh Hải quân Liên Xô N. G. Kuznetsov

Quân đội Cách Mạng Mông Cổ do Nguyên soái Khorloogiin Choibalsan chỉ huy, chủ yếu là kỵ binh gồm khoảng 18.000 người. Số quân này nằm trong đội hình Tập đoàn kỵ binh-cơ giới Liên Xô-Mông Cổ[38]

Với lực lượng trên, tỷ lệ so sánh binh lực chung của Liên Xô với Nhật Bản là 1,2/1 về người, tại các địa đoạn đột phá có thể lên đến 2,2/1; 4,8/1 về xe tăng và pháo binh; 2/1 về máy bay.[2] Tài liệu khác cho số liệu Quân đội Liên Xô trội hơn Nhật Bản về người gấp 1,6 lần, về đại bác gấp 4,8 lần, về xe tăng gấp 4 lần, về máy bay gấp 1,9 lần.[43][44] Tương quan này cho phép Hồng quân thực hiện tốt những nhiệm vụ do Bộ chính trị và Bộ tổng tham mưu giao phó.

Quân đội Nhật Bản

Trú đóng trên lãnh thổ Mãn Châu là Đạo quân Quan Đông, lực lượng ưu tú và tinh nhuệ của Lục quân Đế quốc Nhật Bản, được chỉ huy bởi Tư lệnh là Đại tướng Yamada Otozō và Tham mưu trưởng là Trung tướng Hata Hikosaburo.[45] Ngoài biên chế chính thức bao gồm ba phương diện quân và năm tập đoàn quân độc lập, dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Đạo quân Quan Đông còn có các đơn vị của Mãn Châu Quốc, Nội Mông và Cụm quân Tuy Viễn của Quận vương Devan.[46][47] Cho dù được trang bị kém, số lượng các đơn vị này cũng lên đến 8 sư đoàn bộ binh, 7 sư đoàn kỵ binh và 15 lữ đoàn bộ binh và kỵ binh. Tổng số quân Nhật Bản và chư hầu có 1.217.000 người. Trong đó có 993.000 quân Nhật, 170.000 quân Mãn Châu Quốc và 44.000 quân của Quận vương De Van. Vũ khí trang bị có 1.155 xe tăng, 5.360 pháo, 1.800 máy bay[2] và 25 tàu chiến thuộc Hạm đội sông Tùng Hoa.[45]Các đơn vị quân đội Nhật Bản tham chiến[2]:

Phương diện quân 1 dã chiến Nhật Bản (còn gọi là Phương diện quân Đông Mãn Châu) do trung tướng Seiichi Kita chỉ huy; trong biên chế có hai tập đoàn quân 3 và 5; gồm 10 sư đoàn bộ binh và một lữ đoàn. Tổng quân số 222.157 người.

Phương diện quân 3 dã chiến Nhật Bản (còn gọi là Phương diện quân Tây Mãn Châu) do Đại tướng Jun Ushiroku chỉ huy; trong biên chế có hai tập đoàn quân 30 và 44; gồm 8 sư đoàn bộ binh, 3 lữ đoàn bộ binh và một lữ đoàn xe tăng. Tổng quân số 180.971 người

Tập đoàn quân độc lập 4 Nhật Bản do Trung tướng Mikio Uemura chỉ huy, gồm 3 sư đoàn và 4 lữ đoàn bộ binh. Tổng quân số 95.464 người. Trong khu vực của Tập đoàn quân độc lập 4 còn có sư đoàn bộ binh 125 và một lữ đoàn xe tăng trực thuộc Bộ Tư lệnh đạo quân Quan Đông.

Tập đoàn quân độc lập 34 Nhật Bản, do Trung tướng Senichi Kushibuchi chỉ huy, gồm 2 sư đoàn và 1 lữ đoàn bộ binh. Tổng quân số 50.104 người

Tập đoàn quân không quân 2 Nhật Bản do tướng Harada chỉ huy có trên 1.200 máy bay.

Hạm đội sông Tùng Hoa Nhật Bản có 25 tàu chiến.

Phương diện quân 17 dã chiến Nhật Bản (đóng tại Triều Tiên) do Trung tướng Yoshio Uetsuki chỉ huy, trong biên chế có hai quân đoàn 34 và 57 với 9 sư đoàn bộ binh và 2 lữ đoàn độc lập.

Tập đoàn quân không quân 5 Nhật Bản (đóng tại Triều Tiên), có 500 máy bay chiến đấu.

Một phần Phương diện quân 5 dã chiến Nhật Bản (đóng tại Nam Sakhalin và Kuril), gồm 3 sư đoàn và 1 lữ đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng độc lập;[48] với tổng cộng khoảng 100.000 người.[49]

Trong trường hợp khẩn cấp, Bộ chỉ huy Nhật Bản tại Đông Bắc Trung Quốc có thể điều động hai tập đoàn quân từ Phương diện quân Bắc gồm từ 6 đến 8 sư đoàn đóng tại khu vực Bắc Kinh để chi viện cho đạo quân Quan Đông.[50]Mặc dù thua kém về số đơn vị nhưng do một sư đoàn Nhật Bản có biên chế ban đầu đến 20.000 quân nên vẫn mạnh hơn một sư đoàn Liên Xô. Ngay cả khi bị cắt giảm quân số năm 1945, đa số các sư đoàn Nhật Bản vẫn được biên chế binh lực từ 16.000 đến 18.000 người, tương đương một sư đoàn rưỡi của quân đội Liên Xô. Tổ chức một sư đoàn Nhật Bản thời kỳ này thường gồm ba trung đoàn bộ binh (mỗi trung đoàn ba tiểu đoàn), một tiểu đoàn trinh sát, một trung đoàn pháo binh gồm ba tiểu đoàn với 36 khẩu pháo, một trung đoàn công binh, một trung đoàn vận tải, một tiểu đoàn thông tin và các đơn vị hỗ trợ khác.[2]Ngoài ra Nhật Bản còn tổ chức các đơn vị cảm tử gồm các toán hoặc cá nhân hoạt động đơn độc, tìm cách phá hủy các kho xăng hoặc giết các sĩ quan Liên Xô. Sau đó là các "Đội biệt động" ém quân lại ở những nơi mà quân Nhật phải rút đi để đánh sau lưng Hồng quân tại các nơi này.[51] Trên chiến trường do đạo quân Quan Đông phụ trách có 13.700 km đường sắt, 22.000 km đường bộ, 870 thành trì, 400 sân bay.[52]

Phương án tác chiến

Quân đội Liên Xô

Ý đồ tham chiến cùng với các lực lượng đồng minh chống phát xít Nhật ở Viễn Đông đã được hình thành từ trước khi Quân đội Liên Xô đánh chiếm Berlin khá lâu. Tại Hội nghị Teheran tháng 12 năm 1943, Liên Xô đã đồng ý về nguyên tắc sẽ tuyên chiến với Đế quốc Nhật Bản sau khi nước Đức Quốc Xã bị đánh bại.[53] Tháng 4 năm 1945, Nguyên soái A. M. Vasilevsky cùng Bộ Tổng tham mưu bắt tay xây dựng kế hoạch chiến tranh chống Nhật Bản. Khi nhận định về sự đóng quân của Nhật ở Mãn Châu và Triều Tiên, Bộ tư lệnh Liên Xô đã lưu ý về tính chất phân tán lớn của nó do đó đã nảy ra ý định dùng chiến thuật chia cắt vụn, tiêu diệt quân Nhật ở từng ô. Cách đánh này rất hay, chắc ăn nhưng quân Nhật có thời gian rút về các cảng và đưa lực lượng về nước.[54] Đến Hội nghị Potsdam cuối tháng 7, đầu tháng 8, những nét cơ bản của kế hoạch này đã được thông báo cho phía Hoa Kỳ và Anh. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 6 năm 1945, kế hoạch này mới được hoàn chỉnh một cách chi tiết và được Hội đồng quốc phòng Nhà nước Liên Xô phê duyệt. Tiến trình chiến dịch được dự kiến gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1

Trên cánh cực nam hướng Tây, Tập đoàn quân kỵ binh cơ giới Liên Xô-Mông Cổ phát động tấn công vào Đa Luân và Trương Gia Khẩu, ngăn chặn quân Nhật từ khu vực Bắc Kinh kéo lên chi viện. Trên chính diện hướng tây, Quân đội Liên Xô dự kiến mở mũi đột kích chủ yếu xuất phát từ vùng Zabaikal trên lãnh thổ Mông Cổ băng qua vùng thảo nguyên hoang vắng và vượt qua dãy núi Đại Hưng An hướng về Trung bộ Mãn Châu, đánh chiếm Vũ Bắc, Hổ Luân vào ngày N+10, đánh chiếm Trà Lan Đông, Khai Thông, Đào An vào ngày N+16, chia cắt Phương diện quân Tây Mãn Châu của Nhật Bản làm đôi. Mặc dù phải vượt qua dãy Đại Hưng An hiểm trở và có nơi cao đến trên 1.000 m nhưng Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Viễn Đông cho rằng hướng này sẽ tạo được nhiều yếu tố bất ngờ. Xuất phát từ tính toán này, Phương diện quân Zabaikal được tăng cường những lực lượng cơ giới rất mạnh. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 bố trí ở giữa "chỗ lồi" Tamsak Bulak và tập đoàn kỵ binh-cơ giới Liên Xô-Mông Cổ bố trí bên cánh phải khu vực Khulusutai Somon đều thuộc biên chế của Phương diện quân này. Yểm hộ cho cánh phải của hướng chủ yếu, tập đoàn quân 17 (Liên Xô) tấn công cánh Nam của Phương diện quân Tây Mãn Châu, đánh chiếm Đại Bàn Sơn, Linh Đan vào ngày N+16.[55][56]Trên hướng Đông, Phương diện quân Viễn Đông 1 giáng đòn đột kích theo hướng đối diện với Phương diện quân Zabaikal từ phía Bắc và Nam Hồ Khasan trên vùng Primorie, đánh chiếm các đầu cầu ở Mẫu Đơn Giang và Bốt Lợi vào ngày N+10, sau đó phát triển tấn công đến Cát Lâm và Trường Xuân ở phía Nam, đánh chiếm Cáp Nhĩ Tân ở phía bắc vào ngày N+17, chia cắt Phương diện quân Đông Mãn Châu của Nhật Bản. Cánh trái của Phương diện quân có nhiệm vụ đánh chiếm Thông Hoá, Hoa Diên (trên đất Trung Quốc), La Tân, Thanh Tân (trên đất Triều Tiên) chia cắt và ngăn chặn, không cho Phương diện quân 17 (Nhật) ở Triều Tiên tiếp ứng cho chủ lực của Đạo quân Quan Đông. Ở giữa mặt trận, Phương diện quân Viễn Đông 1 có nhiệm vụ kìm chân tập đoàn quân độc lập 4 của Nhật trên tuyến Hải Lạc Nhĩ, Tề Tề Cáp Nhĩ, Bắc An Châu và yểm hộ mặt Bắc cho mũi chủ yếu của Phương diện quân Viễn Đông 2.[57]

Giai đoạn 2

Dự kiến sau 5 đến 7 ngày, khi các trung tâm phòng ngự của Đạo quân Quan Đông tại Tây bộ và Đông bộ Mãn Châu suy yếu và sụp đổ, Phương diện quân Viễn đông 2 từ tuyến Khabarovsk - Blagovesensk tại Amur sẽ đánh đòn chia cắt Tập đoàn quân độc lập 4 của Nhật, chiếm Tề Tề Cáp Nhĩ vào ngày N+17, chiếm Bắc An Châu và Gia Mộ Tự vào ngày N+23.[58] Ở Trung bộ Mãn Châu, Phương diện quân Zabaikal mà chủ lực là tập đoàn quân xe tăng 6 tiếp tục chia làm hai cánh phát triển tấn công lên phía Bắc chiến Trường Xuân, xuống phía Nam chiếm Xích Phong, Thẩm Dương, phối hợp với tập đoàn kỵ binh cơ giới Liên Xô-Mông Cổ phát triển đến Thừa Đức, Lữ Thuận và Đại Liên. Hạm đội Thái Bình Dương và không quân của hạm đội được giao nhiệm vụ chuyên chở và yểm hộ một bộ phận của tập đoàn quân 25 (Phương diện quân Viễn Đông 1) và dùng lực lượng hải quân đánh bộ của mình đổ bộ đánh chiếm Nguyên Sơn là nơi đóng sở chỉ huy của tập đoàn quân 17 (Nhật), các cứ điểm Hàm Hưng, Hưng Nam, Uông Thanh và các cứ điểm dọc bờ biển phía Tây Triều Tiên, sau đó phát triển tấn công sang phía Đông, đánh chiếm chiếm Bình Nhưỡng, chia cắt Phương diện quân 17 (Nhật) và tiến đến vĩ tuyến 38 theo quy định của Đồng minh tại Hội nghị Yalta. Giang đoàn Amur có nhiệm vụ vận tải binh lực, vũ khí, đạn dược và phương tiện cho các Phương diện quân Viễn Đông 1 và Viễn Đông 2 vượt sông Amur, sông Urgury tấn công vào Mãn Châu; đồng thời dùng các tàu chiến của mình tấn công Giang đoàn sông Tùng Hoa của quân đội Nhật.[59]

Quân đội Nhật Bản

Hình thái chiến lược của Đạo quân Quan Đông có đặc điểm tương đối cô lập, xa chính quốc Nhật Bản. Do cách trở một biển rộng (eo Đối Mã trên Biển Nhật Bản giữa bán đảo Triều tiên và đảo Cửu Châu) nên liên lạc cũng không thuận tiện, giao thông với chính quốc bị trở ngại. Đạo quân Hoa Bắc gần nhất đóng tại khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Sơn Đông - Hà Bắc cũng còn cách trung tâm của vùng này trên dưới 800 km. Trong nội bộ khu vực Mãn Châu cũng có hai vùng rõ rệt. Vùng Tây Bộ và Bắc Bộ Mãn Châu là những nơi hoang vu, giao thông kém phát triển; trong khi đó, mạng lưới giao thông ở Đông Bộ và Nam Bộ Mãn Châu lại rất phát triển với 13.700 km đường sắt, 22.000 km đường ô tô, 400 sân bay, trong đó có 8 sân bay có đường băng bê tông hoá, 870 kho tàng quân sự lớn. Vì vậy, tướng Yamada Otozō đã sử dụng những chướng ngại thiên nhiên trên vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Mãn Châu để cấu trúc các công trình phòng thủ từ xa trên các đèo qua dãy núi Đại Hưng An, Inkhuri Alin và Tiểu Hưng An.[60].Trước một đối thủ mạnh hơn, kế hoạch tác chiến của quân đội Nhật là phòng thủ. Trên biên giới đối diện với Liên Xô và Mông Cổ, quân Nhật xây dựng 17 vùng phòng thủ mạnh kéo dài lên đến 800 km và trên 4.500 công sự hoả lực vững chắc.[49] Trong đó, đối diện với khu vực Primorie ở phía Đông có 8 khu vực phòng thủ, phía Tây có 9 khu vực phòng thủ. Vùng phòng thủ mạnh là một khu vực sâu tới trên 40 km và chính diện từ 20 đến 100 km tại các vùng phụ cận các trung tâm Fangcheng, Chihsing, Tachienchang, Lotzokou và Đồ Môn. Trong mỗi khu vực như vậy có hàng nghìn công trình các loại để sử dụng lâu dài: hỏa điểm bê tông cốt sắt có bố trí đại bác hay đại liên, công sự bọc thép, đài quan sát, hỏa điểm chìm bằng đất, đá, gỗ; rồi chiến hào bộ binh, hầm chống tăng, hàng rào dây thép gai,... Ngoài ra còn có các tiện nghi sinh hoạt như nhà ở, kho chứa, trạm phát điện, hệ thống cung cấp nước, thiết bị thông hơi,... Còn hệ thống địa đạo rộng khắp nối liền các đầu mối chống cự.[51] Các lực lượng này có thể cơ động để chiếm lĩnh các vị trí mới tại dọc theo sông Tùng Hoa và An Tư khi tuyến đầu bị tấn công. Mỗi khu vực phòng thủ thường bao gồm ít nhất ba trận địa với nhiều điểm tựa liên hoàn, có thể yểm hộ lẫn nhau, thuận lợi cho việc triển khai lực lượng để phản kích.[2] Tại Triều Tiên, quân Nhật bố trí bốn khu vực phòng thủ kiên cố dọc bờ biển phía Tây tại Nguyên Sơn, Hàm Hưng, La Tân và Thanh Tân. Trên đảo Sakhalin và quần đảo Kuril cũng có hai khu vực phòng thủ vững chắc, được bảo vệ bởi pháo bờ biển bố trí trong các công sự bê tông cốt thép. Các đơn vị đồn trú đều có công sự bê tông kiên cố.[61]Cứ điểm trung tâm "Hổ Đầu" bên sông Ussuri là căn cứ kiên cố mà đạo quân Quan Đông Nhật Bản dày công thiết kế. Họ đã sử dụng một lực lượng dân công lớn - hơn 10.000 dân công người Trung Quốc xây dựng trong 6 năm. Cứ điểm này còn được ví là "Phòng tuyến Maginot phương Đông".[62]Tuy nhiên, với một diện tích phòng thủ rộng đến 1,6 triệu km2 như ở Mãn Châu, hơn 1 triệu quân vẫn là không đủ. Quân Nhật không đủ lực lượng để tổ chức phòng thủ theo tuyến liên tục mà phải dựa vào các trung tâm đề kháng quanh các thành phố, thị trấn, hai bên các con đường tiếp cận trung tâm Mãn Châu. Dựa vào mạng lưới đường giao thông phát triển tại Đông và Nam Mãn Châu, quân Nhật có thể cơ động lực lượng đến những hướng cần ứng cứu và rút lui khi cần thiết. Phương án dự bị của tướng Yamada Otozō là nếu tình hình Mãn Châu bất lợi, có thể rút đạo quân Quan Đông khỏi Tây Bộ và Bắc Bộ Mãn Châu để kéo về vùng giáp biên giới Triều Tiên, dựa vào hai chướng ngại vật thiên nhiên là sông Áp Lục, sông Đồ Môn và dãy núi Trường Bạch để tiếp tục chiến đấu.[63]Tuy nhiên, trong việc phòng ngự Mãn Châu, người Nhật đã phạm phải nhiều sai lầm :

1.Sai lầm lớn nhất là họ cho rằng Liên Xô chỉ có ở Viễn Đông từ 30 đến 40 sư đoàn bộ binh.[51] Thực ra, khi chiến trận bùng nổ, Hồng quân Liên Xô có trên 1,5 triệu quân. Người Nhật còn cho rằng quân đội Liên Xô khi tiến công sẽ vấp phải những tổn thất lớn lao, nên không có đủ khả năng để thọc sâu.

2.Sai lầm kế đó là cho rằng Liên Xô chỉ có thể có ở mặt trận 2.000 máy bay. Đồng thời họ cũng đánh giá mức độ trang bị vũ khí, kỹ thuật, vũ khí, khí tài của các binh chủng Liên Xô thấp hơn thực tế.[54]

3.Việc dự đoán thời gian tấn công cũng sai. Người Nhật cho rằng Hồng quân không thể tiến công sớm hơn tháng 9, tháng 10 năm 1945, tức là vào hết lúc mùa mưa. Mùa mưa ở đây làm cho trăm nghìn con suối tràn ngập, những ao hồ, đầm lầy nhỏ biến thành các hồ nước lớn. Việc di chuyển quân, xe cộ tùy thuộc hoàn toàn vào tình trạng đường xá.[54] Ngoài ra họ cũng nhận định Liên Xô khó có thể đánh bại Đạo quân Quan Đông trong vòng 2 tháng (tháng 8-9), còn sang tháng 10 là sẽ sang mùa Đông nên Liên Xô chắc sẽ không lựa chọn tác chiến trong mùa Đông nên muốn phát động tấn công toàn diện cũng phải đợi đến mùa xuân sang năm.Do những phán đoán sai lầm trên mà đến đầu tháng 8 năm 1945, khi các đơn vị Liên Xô đã tập kết xong và ở trong tư thế sẵn sàng tấn công thì đạo quan Quan Đông vẫn đang ở trong tình trạng bố trí lại lực lượng.[65]

Diễn biến

Ngày 8 tháng 8, tại Moskva, đại diện chính phủ Liên Xô trao cho Đại sứ Nhật Bản bản tuyên bố chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước trung lập Xô-Nhật năm 1939, trong đó, nêu rõ rằng từ 0 giờ ngày 9 tháng 8, Liên Xô tự đặt mình vào tình trạng có chiến tranh với Nhật Bản. 0 giờ 10 phút ngày 9 tháng 8 năm 1945, cả ba phương diện quân Liên Xô đồng loạt tiến hành trinh sát chiến đấu mà không có pháo bắn chuẩn bị nhằm phát hiện những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của quân đội Nhật. Các tiểu đoàn trinh sát hầu như không gặp phải sự kháng cự, trừ khu vực phía trước chính diện của tập đoàn quân 36 Liên Xô, nơi quân Nhật bố trí một cụm phòng thủ mạnh nằm trên con đường sắt từ Daurya đi Hải Lạc Nhĩ. Lúc 3 giờ sáng, sau 15 phút pháo bắn chuẩn bị, Phương diện quân Viễn Đông 1 phát động tấn công trước Phương diện quân Zabaikal một ngày, thực hiện mũi tấn công lấy kỳ làm chính để thu hút sự chú ý của Bộ chỉ huy đạo quân Quan Đông sang hướng này.[66] Tuy nhiên, chiến dịch Mãn Châu đã mở màn trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Từ ngày 8 tháng 8, suốt từ vùng duyên hải đến Amur có mưa lớn làm mực nước sông dâng cao 4 m và các thung lũng ngập nước.[65]Cuộc tấn công bắt đầu sau nửa đêm, khi 76 máy bay ném bom IL-14 thuộc Tập đoàn quân không quân ném bom tầm xa 19 của Liên Xô vượt qua không phận biên giới. Nửa giờ sau, các tốp máy bay này đã ném bom các kho xăng của quân Nhật và nhiều mục tiêu quân sự tại các thành phố Cáp Nhĩ Tân và Trường Xuân. Máy bay của Hạm đội Thái Bình Dương cũng ném bom các cảng Yuki, Racine (La Tân) và Seishin (Thanh Tân) ở miền Bắc Triều Tiên.[9]Khi nghe tin Liên Xô tấn công, Thiên hoàng Chiêu Hòa (Hirohito) lập tức hạ chiếu chỉ ban bố tình trạng khẩn cấp, lệnh cho Bộ Chiến tranh theo dõi chặt chẽ tình hình các mặt trận, đồng thời chỉ thị họp hội đồng tối cao chỉ đạo chiến tranh vào 10 giờ sáng.[67] Bộ tổng tham mưu cũng vội vã soạn huấn thị chiến đấu cho các lực lượng vũ trang gồm 7 điểm[68]:

1.Liên Xô đã tuyên bố bắt đầu tiến hành chiến tranh chống Nhật Bản từ 0 giờ ngày 9 tháng 8 năm 1945. Quân đội Xô Viết chuyển sang thế tiến công nhưng chưa triển khai trên quy mô lớn.

2.Bộ thống soái tối cao quyết định, nhiệm vụ chủ yếu hiện nay của toàn bộ các lực lượng vũ trang trên tất cả các mặt trận là phải chặn đứng các cuộc tiến công của quân đội Xô Viết

3.Bắt đầu từ 6 giờ ngày 10 tháng 8, Phương diện quân 17 sáp nhập vào Đạo quân Quan Đông.

4.Tư lệnh Đạo quân Quan Đông có nhiệm vụ huy động mọi lực lượng ở biên giới, sẵn sàng hoạt động chống lại Liên Xô tại tất cả các khu vực chiến sự, đồng thời chuẩn bị chống lại cuộc tấn công của quân đội Hoa Kỳ ở miền Nam Triều Tiên.

5.Tư lệnh Quân viễn chinh tại Trung Quốc nhanh chóng điều động quân đội và các phương tiện chiến tranh đến miền Nam Mãn Châu để triển khai quân chống lại sự tiến công của quân đội Xô Viết.

6.Thành lập tuyến liên lạc giữa đạo quân Viễn chinh Trung Quốc với đạo quân Quan Đông, từ Sơn Hải Quan đến Mãn Châu

7.Tư lệnh phương diện quân số 5 nhanh chóng triển khai chặn quân địch ở khu vực biên giới, đồng thời chuẩn bị tiến công Liên Xô trên khắp các mặt trận.

Trong cuộc họp Hội đồng tối cao chỉ đạo chiến tranh khai mạc lúc 10 giờ 30 phút, thủ tướng Kantaro Suzuki đã thông báo tình hình :"Nước Nga đã tham gia chiến đấu bên cạnh Mỹ, Anh. Quân Nga đang tiến vào Mãn Châu xưa nay vẫn được coi là hậu phương đại an toàn của Nhật Bản, từ khi chiến tranh đến giờ chưa hề bị một trái bom nào.[69]" Sau đó, vào lúc 11 giờ và 11 giờ 30, lần lượt tình hình chiến sự với Liên Xô do Bộ tổng tham mưu tổng hợp và tin về quả bom nguyên tử thứ hai rơi xuống Nagasaki được chuyển đến. Bộ trưởng ngoại giao Shigenori Tōgō đề nghị xin hàng thì lần lượt bị Đại tướng Korechika Anami Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, Tổng Tham mưu trưởng Yoshijirō Umezu và Đô đốc Soemu Toyoda phản đối :Đảo Okinawa, chiều dài có 100 km, quãng rộng nhất có 25 km mà phải mất hơn 80 ngày quân Mỹ mới chiếm được. Trận tuyến Mãn Châu dài những 4800 km, chiều sâu gần 900 km, lại nằm trên đất liền, tiếp giáp với Triều Tiên, quân Nga chiếm sao nổi.[70]

Cuộc họp chấm dứt bằng sự bế tắc trong việc quyết định hàng hay không hàng nên thủ tướng Suzuki đề nghị vào cung xin Thiên hoàng cho ra ý kiến cuối cùng có tính quyết định.

Hướng Primorie - Mãn Châu

Phương diện quân Viễn Đông 1, dưới sự chỉ huy của Nguyên soái K. A. Meretskov, nhận nhiệm vụ tiến công theo hướng đối diện với phương diện quân Zabaikal đã vượt biên giới lúc 1 giờ ngày 9 tháng 8. Ngoại trừ trong dải tiến công của Tập đoàn quân 35 có pháo bắn chuẩn bị 15 phút, còn các cuộc chuyển quân áp sát các cứ điểm của quân Nhật do các tập đoàn quân 5 và Cờ đỏ 1 được tiến hành lặng lẽ, và vì vậy tạo được tính bất ngờ. Đến cuối ngày, Phương diện quân Viễn Đông 1 đã vượt qua tuyến phòng ngự vững chắc của quân Nhật sâu đến 10 km, có nơi sâu đến 22 km, đẩy lùi nhiều đợt phản đột kích mạnh của quân Nhật[66]. Trên cánh phải, Tập đoàn quân 35 đột kích vào Bốt Lợi, Lâm Khẩu, Mẫu Đơn Giang và hướng đòn tấn công về Cáp Nhĩ Tân. Ở cánh giữa, Tập đoàn quân 5 có Quân đoàn cơ giới 10 phối hợp tiến công Cát Lâm, An Tây, Thông Hóa và hướng đòn tấn công chính về Cát Lâm. Tập đoàn quân 25 tấn công Uông Thanh, đánh vào sở chỉ huy Tập đoàn quân 3 (Nhật), phát triển tấn công sang Diên Cát, hướng về bán đảo Triều Tiên; phối hợp với hải quân đánh bộ của Hạm đội Thái Bình Dương và quân đổ bộ đường không mở cuộc đột kích vào Phương diện quân 17 (Nhật) tại các cứ điểm ven biển trên đất Triều Tiên: Lưu Kỳ, La Tân, Thanh Tân, Nguyên Sơn, Hàm Hưng.[71] Để tăng cường cho cánh quân đánh sang đất Triều Tiên, nguyên soái K. A. Mereskov điều động Quân đoàn bộ binh 17 từ Tập đoàn quân 5 sang phối thuộc cho Tập đoàn quân 25.Ngày 9 tháng 8, thủ tướng Nhật Bản Kantarō Suzuki tuyên bố:Việc Liên Xô tham chiến sáng hôm nay đã đưa chúng ta vào một tình thế hoàn toàn không có lối thoát và làm cho chúng ta không thể tiếp tục chiến tranh được nữaNgày hôm sau, các đơn vị phái đi trước của Tập đoàn quân 5 tiến nhanh về phía tây, phía Nam hậu tuyến của Phương diện quân Đông Mãn Châu. Các đơn vị Nhật Bản bắt đầu rút sang phía tây sông Mộc Lâm, chỉ để lại Sư đoàn 124 cản hậu. Trong suốt ngày 10 tháng 8, các sư đoàn của Tập đoàn quân 5 (Liên Xô) đã tiến được từ 18 đến 30 km và mở rộng chính diện đột phá lên đến 75 km. Trên hướng chủ yếu, Quân đoàn bộ binh 65 có một lữ đoàn xe tăng mở đường đã hành tiến theo trục từ Tây Bắc Machiacho về hướng nhà ga đường sắt Cát Lâm. Các sư đoàn bộ binh của Quân đoàn 72 cũng được một lữ đoàn xe tăng yểm hộ tiến dọc theo tuyến đường sắt từ Tây Bắc hướng Hsiachengtzu trên sông Mộc Lâm. Quân đoàn bộ binh 17 di chuyển xuống phía Nam, phối hợp với Quân đoàn 39 của Tập đoàn quân 25 đánh vào phía sau cụm phòng thủ của quân Nhật ở trung tâm Liêu Minh Đài.[2]Ngày 11 tháng 8 (ngày N+2), các quân đoàn 65 và 72 đã vượt lên phía trước và bắt đầu vượt sông Mộc Lâm và đạt được mục tiêu kế hoạch của ngày N+8. Nguyên soái K. A. Mereskov hạ lệnh tăng tốc độ hành quân tiến đến Mẫu Đơn Giang (mục tiêu của ngày N+17). Ông cho lập một cụm cơ động gồm Lữ đoàn xe tăng 76 được đưa từ đội dự bị vượt lên trước, một trung đoàn pháo xe kéo và hai tiểu đoàn bộ binh để hành động ngay trong đêm 11 rạng ngày 12 tháng 8. Sáng 12 tháng 8, Sư đoàn 12 (Nhật) và hai tiểu đoàn chống tăng lấy từ Sư đoàn 135 cũng với Sư đoàn 124 mở cuộc phản kích ở Đại Mã Câu, gây thiệt hại nặng cho chi đội phái đi trước của Tập đoàn quân 5. Ngay buổi trưa hôm đó, các sư đoàn bộ binh 144 và 97 (Liên Xô) đã đến tăng viện. Sau ba phút bắn pháo dọn đường, các sư đoàn này cùng với cụm quân cơ động lâm thời đã quét sạch các lực lượng phòng thủ của quân Nhật trên chính diện 4 km và tiếp tục tiến về Mẫu Đơn Giang.[2]Ngày 13 tháng 8, Tập đoàn quân 5 tiếp tục tiến được trên một hành lang rộng 5 đến 7 km theo sau hai đơn vị phái đi trước là Sư đoàn 144 và Sư đoàn 63 đã tiến sâu đến hơn 60 km ở hai bên đường ô tô, vòng qua Sư đoàn 124 (Nhật) đã bị đánh thiệt hại nặng (ngày 22 tháng 8, sư đoàn này đầu hàng). Các sư đoàn bộ binh 126 và 135 Nhật Bản buộc phải lùi về Mẫu Đơn Giang để thiết lập khu phòng thủ mới. Nửa đêm 13 tháng 8, sau khi đẩy lùi các đơn vị phòng thủ vòng ngoài, Tập doàn quân 5 (Liên Xô) đã tiếp cận Mẫu Đơn Giang trên một chính diện rộng 12 đến 13 km.Tại cánh Bắc, Tập đoàn quân Cờ đỏ 1 bên cánh phải Tập đoàn quân 5 phải tấn công trên vùng rừng núi kéo dài từ thung lũng Tigra đến phía bắc hồ Khanka. Tại tuyến này, Sư đoàn bộ binh 135 (Nhật) đã thiết lập một chuỗi các chốt phòng thủ kiên cố, đặc biệt là các tiền đồn phía Đông khu phòng thủ Mai Sơn. Tướng A. P. Beloborodov chia tập đoàn quân thành hai cánh, Quân đoàn 26 bên cánh trái và Quân đoàn 59 bên cánh phải, thực hiện hai mũi vu hồi vào phía Bắc và phía Nam các khu phòng thủ vững chắc của quân Nhật. Số quân còn lại gồm các sư đoàn 6 và 112 tấn công kiềm chế trên chính diện từ hồ Khanka. Ngày 10 tháng 8, Quân đoàn 26 bắt đầu tấn công sau một đêm mưa làm hỏng tất cả các con đường. Lữ đoàn xe tăng 257 đột phá phía trước, hai bên sườn là các sư đoàn bộ binh 22 và 300. Cùng lúc, Quân đoàn 59 cũng phát động tấn công. Lữ đoàn xe tăng 75 ở giữa, các sư đoàn bộ binh 39 và 365 khép chặt hai bên sườn. Sau một ngày kịch chiến với quân của Sư đoàn bộ binh 126 (Nhật), đến 21 giờ Lữ đoàn xe tăng 257, các sư đoàn bộ binh 22 và 300 đã chiếm được thành phố Bắc Miên Đông và nhiều cây cầu bắc qua sông Mộc Lâm. Đến ngày 12 tháng 8, các đơn vị cơ động của quân đội Liên Xô đã tiến được 45 km trong ba ngày và bắt đầu truy kích quân đội Nhật đang rút lui dọc theo con đường từ Lý Tự Xuân đến Linh Kiều.[2]Trong các ngày 13 và 14 tháng 8, Phương diện quân Đông Mãn Châu của Nhật Bản tổ chức kháng cự đặc biệt mạnh trên tuyến Gia Mộc Tự, Đồ Môn, Bốt Lợi và phía Đông thành phố Mẫu Đơn Giang. Ngày 15 tháng 8, Tập đoàn quân 35 (Liên Xô) cắt đứt đường sắt Gia Mộc Tư đi Đồ Môn ở Bốt Lợi, bảo đảm loại trừ mối de dọa ở sườn phải của Phương diện quân Viễn Đông 1; ngăn không cho Tập đoàn quân độc lập 4 (Nhật Bản) rút về Mẫu Đơn Giang trước sức ép của Phương diện quân Viễn Đông 2. Ngày 16 tháng 8, các tập đoàn quân 5 và Cờ đỏ 1 bắt đầu công kích Mẫu Đơn Giang và chiếm được thành phố ngay buổi chiều 16 tháng 8. Cùng ngày, Tập đoàn quân 25 và Quân đoàn cơ giới 10 chiếm thành phố Uông Thanh, đầu mối đường sắt giữa Cát Lâm và vùng Bắc Triều Tiên. Cánh trái của Tập đoàn quân 25 phối hợp với hải quân đánh bộ của Hạm đội Thái Bình Dương đánh chiếm cảng Thanh Tân, cắt đứt giao thông giữa Tập đoàn quân 3 (Phương diện quân Đông Mãn Châu) với Phương diện quân 17 (Bắc Triều Tiên). Tập đoàn quân 3 (Nhật) bị tổn thất nặng trong khi Tập đoàn quân 5 (Nhật) bị đánh tan.[73]Tại cánh phải của Phương diện quân Viễn Đông 1, Tập đoàn quân 35 phối hợp với Tập đoàn quân 16 và Quân đoàn bộ binh 5 của Phương diện quân Viễn Đông 2 đã chiếm được Cáp Nhĩ Tân ngày 17 tháng 8. Ở cánh trái, Quân đoàn cơ giới 10 mở đường cho Tập đoàn quân 5 và cánh phải của Tập đoàn quân 5 vượt qua các cụm chốt của tập đoàn quân 3 (Nhật) tại Thông Hoá, An Tây, Hoa Diên và Cát Lâm, phối hợp với Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 đánh chiếm Trường Xuân ngày 17 tháng 8.

Hướng Zabaikal - Mãn Châu

Các đội tiền tiêu của phương diện quân Zabaikal vượt biên giới lúc 0 giờ 10 phút ngày 9 tháng 8 năm 1945. Cuộc tiến công này rất khác thường vì không có pháo kích mở đường.[43] Trên cánh Bắc của hướng Tây, Tập đoàn quân 39 được chia làm hai cánh. Quân đoàn bộ binh 94 ở cánh trái (gần Khalkhin Gol) phối hợp với Tập đoàn quân 36 công kích cứ điểm phòng thủ mạnh của chủ lực Tập đoàn quân độc lập 4 (Nhật) tại Hải Lạc Nhĩ (Hailar), cánh phải gồm các quân đoàn bộ binh 5 và 113 có Sư đoàn xe tăng 61 yểm hộ tấn công vào Hổ Luân do Sư đoàn bộ binh 206 (Nhật) chống giữ. Giữa hai cứ điểm này có hai trung đoàn của Sư đoàn bộ binh 107 (Nhật) phòng thủ và Lữ đoàn xe tăng 44 (Nhật) đóng tại Halung-Arkshan. Ở phía cực Bắc của Phương diện quân Zabaikal, Tập đoàn quân 36 (Liên Xô) phải vượt sông Argun trong hành tiến, chia làm hai cánh vu hồi vào cứ điểm Hải Lạc Nhĩ do Sư đoàn bộ binh 119, Lữ đoàn bộ binh độc lập 80 và Lữ đoàn xe tăng 205 (Nhật) bảo vệ. Cuộc vượt sông được thực hiện bằng 30 xe lội nước. 6 giờ sáng, các đơn vị đi trước bắt đầu tấn công Hải Lạc Nhĩ. Sau khi vượt qua các đơn vị yểm hộ vòng ngoài mỏng yếu của bộ binh Nhật Bản và kỵ binh Mãn Châu, Sư đoàn 124 (Quân đoàn 94) và Quân đoàn 5 đã tiếp cận khu phòng thủ vững chắc Halung-Arkshan. Còn chủ lực Tập đoàn quân 39 đã đi vòng qua khu phòng thủ này và tiến được 60 km trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, bộ binh và các đơn vị yểm hộ xe tăng đã bị rớt lại sau. Tư lệnh tập đoàn quân 39 quyết định dùng xe tăng chở bộ binh trên xe và kéo theo cả pháo để tăng tốc độ hành quân. Vì vậy, trong khi Sư đoàn bộ binh 107 của Nhật đang trụ lại tại khu phòng thủ Halung-Arkshan và rải các đơn vị còn lại dọc theo đường sắt thì tập đoàn quân 39 đã vượt qua núi Đại Hưng An, chiếm Hổ Luân, cắt đứt đường sắt Dauria - Cáp Nhĩ Tân ở Trà Lan Đông, không cho cánh trái của Tập đoàn quân độc lập 4 (Nhật) rút về Trung bộ Mãn Châu.[2]Ngày 10 tháng 8, kỵ binh Quân đội Cách mạng Mông Cổ từ Sain Sanda mở mũi đột kích nhanh và sâu bằng kỵ binh vào cánh quân của Quận vương De Van và cụm quân Tuy Viễn, tiến đến Trương Gia Khẩu trong ngày 10 tháng 8. Tập đoàn quân kỵ binh-cơ giới Liên Xô - Mông Cổ từ Bắc Gobi tiến đánh cánh trái của Tập đoàn quân 44 (Nhật) và chiếm được Đa Luân chiều 11 tháng 8. Đặc biệt, Lữ đoàn cơ giới 25 và Lữ đoàn xe tăng độc lập 43 đã tiến được 55 km trong ngày đầu tiên trên thảo nguyên khô cằn, nhanh chóng quét sạch các đơn vị kỵ binh của quân đội Mông Cương[2]. Tập đoàn quân 17 từ Yugozhdir Khida tiến đánh Đại Bản Sơn và cũng chiếm được địa điểm này trong ngày 11 tháng 8. Ba đòn tấn công này đe dọa cắt rời Đạo quân Quan Đông khỏi Phương diện quân Bắc của Nhật Bản đang tập trung tại khu vực Hà Bắc - Bắc Bình (Bắc Kinh), làm tiêu tan khả năng chi viện cho đạo quân Quan Đông từ phía Nam.[74]Trên chính diện hướng Tây, Tập đoàn quân 53 và Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 phát động tấn công từ Mamat trên phía Nam chỗ lồi Tamsak Bulak. Do phải vận động trên địa hình hiểm trở nên đến sáng ngày 10 tháng 8, các quân đoàn xe tăng và cơ giới mới tiếp cận được sườn phía Tây dãy núi Đại Hưng An. Quân Nhật cho rằng không ai có thể vượt qua dãy núi này đánh họ được, nhưng Nguyên soái Rodion Malinovsky sau khi cân nhắc các phương án tác chiến đã quyết định mở mũi tiến công.[75] Ô tô, pháo binh, công binh nối đuôi nhau vượt núi. Vừa đi vừa mở đường, cuối cùng họ đã vượt qua các đèo có độ cao 2.000m vào ngày 11 tháng 8. Đến sáng 11 tháng 8, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 đi trước đã vượt qua dãy Đại Hưng An và bắt đầu tấn công theo hướng Thẩm Dương, theo sát phía sau là Tập đoàn quân 53. Đây là mũi tiến công gây bất ngờ nhất cho quân đội Nhật Bản khi họ tính toán rằng rất khó sử dụng xe tăng trên địa hình núi non phức tạp này, và nếu có thể thì đối phương cũng phải mất vài ba ngày mới tiếp cận đồng bằng Mãn Châu. Vì vậy, ngoài các điểm chốt mỏng yếu ở Aru Khortsin và Vũ Bắc, không có lực lượng đáng kể của quân Nhật phòng thủ trên hướng này.[2][74]Ngay trong ngày 12 tháng 8, Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 đã chiếm Vũ Bắc, Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 chiếm Túc Xuyên. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 đã hoàn thành mục tiêu đạt được trong bốn ngày, vượt kế hoạch một ngày. Nằm trong thê đội hai của Phương diện quân Zabaikal, Tập đoàn quân 53 tiến sau Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 đã tiếp quản và bao vây nhiều nhóm quân Nhật đang mất liên lạc với chỉ huy của mình và mở rộng thêm chính diện tấn công. Trong khi đó Tập đoàn quân xe tăng 6 đang lao nhanh đến điểm giữa Thẩm Dương và Trường Xuân, hai trung tâm phòng ngự mạnh của quân Nhật ở Trung bộ Mãn Châu.[76] Tư lệnh Phương diện quân Tây Mãn Châu Jun Ushiroku quyết định rút quân về giữ phía Bắc và phía Nam Thẩm Dương. Điều này trái với phương án phòng thủ từ xa của Tổng tư lệnh Yamada Otozō và đã gây rối loạn các tuyến phòng thủ của quân Nhật.[2]Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 gặp phải vấn đề về tiếp tế nhiên liệu ngay từ ngày 12 tháng 8 khi Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 chỉ nhận được một nửa số nhiên liệu cần dùng; còn Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 thì chỉ còn 1/4 dự trữ. Quân đoàn cơ giới 9 vẫn còn nằm phải phía Tây dãy Đại Hưng An do không có nhiên liệu để xe tăng vượt đèo. Để có đủ nhiên liêu cho xe tăng và pháo tự hành, Bộ Tư lệnh Phương diện quân Zabaikal đã quyết định cho sử dụng 6.489 chiếc trong tổng số 9.491 ô tô vận tải được cấp cho phương diện quân vào việc chuyên chở nhiên liệu. Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Viễn Đông đã điều động 400 chuyến máy bay vận tải chở nhiên liệu cho Phương diện quân Zabaikal. Do đó, đến ngày 14 tháng 8, phương diện quân này đã có đủ nhiên liệu cung cấp cho các quân đoàn xe tăng và cơ giới tiếp tục cuộc tấn công sau hai ngày ngừng lại do thiếu nhiên liệu.[77]Ngày 15 tháng 8, Tập đoàn kỵ binh-cơ giới Liên Xô-Mông Cổ tiếp tục tiến công bằng hai mũi qua vùng Nội Mông do các sư đoàn 3 và 7 thuộc Quân đoàn kỵ binh 5 Nhật Bản (cụm quân Tuy Viễn) phòng thủ tại Đại Bản Sơn. Lữ đoàn kỵ binh mô tô 27 đi tiên phong đã phải cố gắng hết sức để bám sát kỵ binh Mông Cổ đã tiến xa lên phía trước. Sau hai ngày kịch chiến, cánh Nam của cụm kỵ binh cơ giới hỗn hợp Liên Xô-Mông Cổ do Pliyev chỉ huy đã đánh bại quân Mông Cương, bắt 1.635 tù binh. Ngày 18 tháng 8, cụm kỵ binh cơ giới Liên Xô-Mông Cổ đã tiến đến Kalgan (Trương Gia Khẩu). Mặc dù Bộ chỉ huy tối cao Nhật Bản công bố lệnh đầu hàng của Đạo quân Quan Đông từ ngày 18 tháng 8 nhưng các đơn vị phòng thủ phía Tây Bắc Trương Gia Khẩu vẫn tiếp tục kháng cự cho đến ngày 21 tháng 8. Trong ngày này, các đơn vị kỵ binh-cơ giới Liên Xô-Mông Cổ đã vượt qua Vạn Lý Trường Thành, tiến về hướng Bắc Kinh và hội quân với Bát Lộ Quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc.[78]Ngày 14 tháng 8, trong khi các cánh quân xe tăng và bộ binh Liên Xô đang triển khai tấn công khắp phía Tây đồng bằng Mãn Châu thì chính phủ Nhật mới tuyên bố chấp nhận những điền kiện của Tuyên bố Potsdam. Nhưng sau đó, chính phủ của thủ tướng Suzuki đổ, chính phủ Higashikuni Naruhiko lên thay và vẫn không ra lệnh cho quân đội Nhật hạ vũ khí.[79]Ngày 17 tháng 8, Tập đoàn quân 53 đã bao vây một cụm quân Nhật lớn tại khu vực Khai Thông và Đào An, tạo điều kiện cho Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 cắt đứt đường sắt Thẩm Dương - Trường Xuân ở điểm giữa tuyến này và chia làm hai cánh tấn công dọc theo đường sắt. Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 tấn công Trường Xuân, Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 tấn công Thẩm Dương[76]. Tập đoàn quân 17 hành tiến về Chihfeng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi thiếu nước, thời tiết khô nóng và địa hình sa mạc cát nhưng vẫn vượt qua được tuyến phòng thủ của Sư đoàn bộ binh 108 (Nhật), đánh tan sư đoàn này và chiếm Chihfeng ngày 17 tháng 8. Ngày 18 tháng 8, tập đoàn quân này di chuyển về hướng bờ biển, chiếm Bình Xuyên và Linh Quan, cuối cùng đã đến Sơn Hải Quan đối diện với bờ biển của bán đảo Liêu Đông. Đến ngày 20 tháng 8, chủ lực của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 cũng đã tiến đến An Sơn và Trường Xuân, tiếp tục thọc sâu về phía Đại Liên và quân cảng Lữ Thuận trên bán đảo Liêu Đông.[77]

Hướng Khabarovsk - Mãn Châu

Tấn công trên hướng thứ yếu, Phương diện quân Viễn Đông 2 dưới sự chỉ huy của Đại tướng Mikhain A. Purkaev hiệp đồng với Giang đoàn Amur vượt sông thắng lợi trên toàn bộ dải tấn công từ cửa sông Shilka đến cửa sông Deya ngày 13 tháng 8. Ở cánh phải, Tập đoàn quân Cờ đỏ 2 tấn công từ cao nguyên Bureya vượt qua dãy núi Tiểu Hưng An. Sau khi vượt sông ở phía thượng lưu Blagovetsensk, các sư đoàn bộ binh 396 và 398 có Lữ đoàn xe tăng 258 yểm hộ đã phải tổ chức đánh công kiên vào ba khu phòng thủ tại Mã Chấn, Hải Hồ và Dương Sa Sơn do ba lữ đoàn 6, 7 và 13 thuộc Tập đoàn quân độc lập 4 (Nhật) đóng giữ. Sau đó, phát triển tấn công vào phía sau cụm quân chủ lực của Tập đoàn quân độc lập 4 (Nhật). Tại hạ lưu Blagovetsensk, mũi đột kích chủ yếu của Tập đoàn quân Cờ đỏ 2 (Liên Xô) gồm các sư đoàn 3, 101, 102, có hai lữ đoàn xe tăng 73 và 74 mở đường đột kích thẳng vào các cứ điểm Ái Hưng, Truyền Hưng, Hổ Long Chinh, Sơn Vũ và Mao Lan Đông do các sư đoàn bộ binh 123, cơ giới 135 và lữ đoàn 5 đóng giữ.[80] Ngày 18 tháng 8, Tập đoàn quân cờ đỏ 2 đã giải quyết xong các cứ điểm này, cơ động đánh chiếm Bắc An Châu và sau đó, phát triển tấn công Tề Tề Cáp Nhĩ từ phía Bắc.[74]Trên chính diện Blagovetsensk - Khabarovsk (hướng chủ yếu), các chi đội tiên phong của Tập đoàn quân 15 sử dụng trên 200 phương tiện thủy của Giang đoàn Amur đánh chiếm các hòn đảo giữa sông, lập một số căn cứ đầu cầu ở bờ Nam. Đến ngày 15 tháng 8, toàn bộ Tập đoàn quân 15 đã qua sông. Cụm cứ điểm mạnh nhất trên hướng Bắc của đạo quân Quan Đông gồm ba lớp phòng thủ có chiều sâu từ 35 đến 50 km trên chính diện 270 km bố trí dọc bờ Nam sông Amur từ Ái Mộc Tự đến Đông Tùng Hoa do ba sư đoàn Nhật đóng giữ đã tan vỡ sau ba ngày chống cự[81]. Ngày 18 tháng 8, Tập đoàn quân 15 (Liên Xô) từ Berobayan mở cuộc tiến công dọc theo hai bên bờ sông Tùng Hoa, đánh chiếm Gia Mộc Tự, Bá Lực và hướng đòn tấn công tiếp về Cáp Nhĩ Tân từ phía Bắc, phối hợp với Tập đoàn quân Cờ đỏ 1 (phương diện quân Viễn Đông 1) từ Đông Nam đánh lên và Tập đoàn quân 39 (Phương diện quân Zabaikal) từ phía Tây đánh sang. Quân đoàn bộ binh độc lập 5 vượt sông Ushuri tại Bỉ Kim (Bikin), tấn công và đánh chiếm Bảo Sơn ngày 15 tháng 8.[74]

Trung bộ và Nam bộ Mãn Châu

Ngày 16 tháng 8, tướng U. Miyoky, phó tư lệnh đạo quân Quan Đông đã ra một mệnh lệnh ngắn gọn: "Theo lệnh Thiên Hoàng, các đơn vị đình chỉ các hoạt động chiến đấu". Trong mệnh lệnh này không có một chữ nào nói đến việc đầu hàng. Sở dĩ có văn bản này là do sự mâu thuẫn giữa các mệnh lệnh từ Tokyo. Ngày 14 tháng 8, chính phủ Kantarō Suzuki tuyên bố đầu hàng nhưng đã bị đổ ngay ngày hôm đó. Chính phủ mới của thủ tướng Higashikuni Naruhiko lên thay tiếp tục ra lệnh chiến đấu, mặc dù tình thế thất bại đã rõ ràng là không còn cứu vãn được nữa. Ngày 17 tháng 8, Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Viễn Đông A. M. Vasilevsky đã trực tiếp điện đàm với Tổng tư lệnh đạo quân Quan Đông Yamada Otozō yêu cầu phải có mệnh lệnh dứt khoát buộc các đơn vị đồn trú của quân đội Nhật phải hạ vũ khí đầu hàng. Ngày 18 tháng 8, Bộ Tổng tư lệnh đạo quân Quan Đông buộc phải ra lệnh đầu hàng và thông báo cho phía Liên Xô biết.[82]

Hoạt động của các đội đổ bộ và các sĩ quan đặc mệnh Liên Xô

Từ ngày 19 tháng 8, đạo quân Quan Đông của quân đội Nhật Bản lúc này đã bị cắt làm nhiều mảnh trên một diện tích rộng 0,6 triệu km2 khắp đồng bằng Mãn Châu và đã bắt đầu ra hàng. Do bị cắt đứt liên lạc, một số cứ điểm của quân Nhật tại Kuril và Sakhalin vẫn tiếp tục chống trả đến ngày 25 tháng 8. Nhằm đẩy nhanh quá trình đầu hàng của quân Nhật, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Viễn Đông quyết định sử dụng các đội đổ bộ đường không nhằm chiếm giữ các mục tiêu quan trọng tại Cáp Nhĩ Tân, An Sơn, Thẩm Dương, Trường Xuân, Cát Lâm, Đại Liên, cảng Lữ Thuận, Bình Nhưỡng, Canco, không cho Nhật kịp di dời các thiết bị công nghiệp, huỷ hoại các công trình xây dựng. Ban đầu, chỉ huy các đội đổ bộ đường không được Hội đồng quân sự các phương diện quân Liên Xô tại Viễn Đông ủy quyền đàm phán sơ bộ về sự đầu hàng của quân đội Nhật Bản tại các khu vực, tập hợp tình hình và báo cáo chi tiết để Hội đồng quân sự các phương diện quân quyết định.[9]17 giờ chiều ngày 18 tháng 8, đội đổ bộ đường không đầu tiên gồm 120 sĩ quan và binh sĩ do trung tá A. G. Zabelin chỉ huy đã đáp máy bay từ Khorol đi Cáp Nhĩ Tân. Đội này có nhiệm vụ chiếm giữ sân bay và một số mục tiêu quân sự quan trọng, bảo vệ các cây cầu qua sông Tùng Hoa và trấn giữ tại đó cho đến khi chủ lực Phương diện quân Viễn Đông 1 tiếp cận đến. Riêng thiếu tướng G. A. Shelekhov, phó tham mưu trưởng phương diện quân được giao nhiệm vụ trao cho Bộ chỉ huy Phương diện quân Đông Mãn Châu tại Cáp Nhĩ Tân một tối hậu thư buộc họ phải đầu hàng theo các điều kiện mà quân đội Liên Xô quy định. Một nhiệm vụ khác cũng được giao cho đội đổ bộ này là tìm kiếm và bảo vệ đoàn nhân viên ngoại giao Liên Xô đang bị kẹt lại trong lãnh sự quán tại Cáp Nhĩ Tân[9]. Ngay sau khi nhận được văn bản về 6 điều kiện đầu hàng của quân đội Liên Xô đặt ra đối với quân đội Nhật, tham mưu trưởng đạo quân Quan Đông, tướng Hata Hikosaburo được phía Liên Xô chấp thuận cho ba tiếng để chuẩn bị văn bản và gửi các mệnh lệnh đầu hàng đến các đơn vị. 23 giờ ngày 18 tháng 8, tướng Mikio Uemura, tư lệnh Tập đoàn quân độc lập 4 (Nhật Bản) gửi bản chấp thuận đầu hàng tới quân đội Liên Xô kèm theo danh sách các tướng lĩnh, sĩ quan trong khu vực Cáp Nhĩ Tân.[83]Sáng 19 tháng 8, một đội đổ bộ đường không khác do Đại tá đặc mệnh A. I. Aktemenko chỉ huy gồm 4 sĩ quan và 6 binh sĩ đã dùng máy bay IL-14, có 5 máy bay tiêm kích Yak-3 yểm hộ bay tới Trường Xuân (Phụng Thiên), nơi đóng bộ tổng tư lệnh và bộ tham mưu đạo quân Quan Đông. Các máy bay tiêm kích Liên Xô đã khống chế không phận bên trên sân bay và chiếm đường băng, yểm hộ cho chiếc IL-14 hạ cánh. Mặc dù trên sân bay có hơn 300 máy bay Nhật nhưng không ai dám chống cự. Đại tá A. I. Aktemenko đi thẳng đến tổng hành dinh đạo quân Quan Đông đang khi tướng Yamada Otozō còn họp với sĩ quan thuộc cấp. Sau khi đã nghe rõ các điều kiện đầu hàng của quân đội Liên Xô, tướng Yamada Otozō tháo kiếm và trao cho Đại tá đặc mệnh A. I. Aktemenko. Ngay sau đó, ông ta cùng Thủ tướng Mãn Châu Quốc Trương Cảnh Huệ ký biên bản về việc đầu hàng sơ bộ.[84] Tại sân bay Trường Xuân, đội đặc nhiệm của thiếu tá P. N. Avramenko đã đổ bộ xong, chiếm lĩnh các vị trí quan trọng và bắt đầu tước vũ khí của quân Nhật đóng tại đây. Tối 19 tháng 8, cờ Nhật Bản trên nóc nhà Bộ Tổng tư lệnh đạo quân Quan Đông bị hạ xuống, cờ Liên Xô được treo lên. Theo tục lệ Nhật Bản, đại tướng Yamada Otozō bố trí người cháu trai của mình đứng gác trước ngôi nhà mà đại tá A. I. Aktemenko nghỉ lại, coi đó như một sự bảo đảm an ninh tuyệt đối cho viên sĩ quan đặc mệnh của Liên Xô.[9]Hồi 13 giờ 15 phút ngày 19 tháng 8, đội đổ bộ đường không thứ ba dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng đặc mệnh A. D. Pritula chỉ huy gồm 225 quân thuộc các đơn vị trinh sát của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 hạ cánh xuống sân bay Thẩm Dương. Tại đây, viên giám binh Nhật và viên đại diện của hoàng đế Phổ Nghi đã ra đón các sĩ quan Liên Xô. Các sĩ quan Liên Xô tình cờ nhìn thấy Hoàng đế Mãn Châu Quốc tại một ngôi nhà cạnh sân bay. Ban đầu, với lý do bảo đảm an toàn cho bản thân, Phổ Nghi đề nghị phía Liên Xô giam ông ta lại. Tuy nhiên, Tổng tư lệnh A. M. Vasilevsky yêu cầu các đơn vị dưới quyền phải đối đãi với tất cả tù binh đối phương theo công ước Geneva. Riêng Phổ Nghi phải được coi là trường hợp ngoại lệ và phải được chăm sóc chu đáo, bảo vệ tuyệt đối an toàn.[85] Ngay sau đó, cựu hoàng Phổ Nghi đã ra lệnh cho viên thiếu tướng tùy tùng của mình soạn một bức điện gửi I. V. Stalin với nội dung như sau:

Với lòng tôn kính sâu xa ngưỡng vọng tới Đại nguyên soái Liên Xô Stalin, tôi xin bày tỏ với Ngài lòng biết ơn chân thành và chúc Ngài dồi dào sức khoẻ

Đạo quân Quan Đông đầu hàng

Cùng thời gian trên, Tổng tư lệnh Liên Xô A. M. Vasilevssky cho phép tướng Hata Hikosaburo, Tham mưu trưởng đạo quân Quan Đông, Miyakawa, Đại sứ Nhật Bản tại Mãn Châu cùng 7 tướng lĩnh dưới quyền và sĩ quan tùy tùng dùng máy bay của Liên Xô đến tổng hành dinh của mình tại Chita để bàn về việc đầu hàng toàn bộ. Các điều kiện cơ bản về đầu hàng do phía Liên Xô đưa ra đều được Hata và Miyakawa chấp nhận, gồm có:

•Quân Nhật phải ra hàng tập thể, do các sĩ quan chỉ huy các cấp đứng ra tổ chức.

•Do hệ thống hậu cần của quân Nhật không bị phá hoại và tiếp tế hậu cần của quân đội Liên Xô chưa theo kịp nên trong ba ngày đầu tiên, quân đội Nhật phải bảo đảm việc ăn uống cho người của mình bằng hệ thống kho lương thực, thực phẩm dự trữ và các bếp nấu ăn vốn được trang bị từ trước.

•Các tướng lĩnh Nhật ra hàng phải mang theo cả cần vụ và các đồ dùng cá nhân cần thiết.

•Việc đầu hàng toàn bộ và giao nộp vũ khí, phương tiện chiến tranh, kho tàng quân dụng phải tiến hành xong trước 12 giờ trưa ngày 20 tháng 8.

Các đề nghị của tướng Hata như cho phép phía Nhật được sử dụng các phương tiện thông tin, vận tải của Liên Xô, kể cả máy bay, để truyền lệnh đầu hàng đến các đơn vị Nhật cũng được phía Liên Xô chấp thuận. Riêng đề nghị cho phép các sĩ quan Nhật ở một số vùng của Triều Tiên và Mãn Châu giữ lại vũ khí cá nhân với lý do "dân ở đây không thể tin được" đã bị bác bỏ. Phía Liên Xô cam kết bảo đảm an toàn cho tất cả các tù binh Nhật.[86]Sự thất bại của đạo quân Quan Đông quá nhanh chóng đến mức người Mỹ cũng có lúc nhầm lẫn. Ngày 21 tháng 8, khi Bộ tư lệnh quân quản Thẩm Dương do thiếu tướng A. I. Kovtul-Stankevich chỉ huy đã bắt đầu hoạt động thì có hai máy bay Hoa Kỳ bay đến trung tâm thành phố rải truyền đơn gửi các sĩ quan Nhật, yêu cầu cho liên lạc với tù binh chiến tranh đồng minh đang bị Nhật giam giữ tại đây, và xin cho đại biểu của mình hạ cánh xuống Thẩm Dương để đàm phán. Truyền đơn cũng nói rõ nếu phía Nhật chấp thuận thì cho trải vải trắng hình chữ thập trên sân bay. Phía Liên Xô cho trải vải theo đúng yêu cầu. Khi hạ cánh xuống sân bay, các sĩ quan Hoa Kỳ rất kinh ngạc khi ra đón họ không phải là các "võ sĩ đạo" mà là các sĩ quan Liên Xô, và tốp sĩ quan này là những người lính đồng minh đầu tiên biết việc đạo quân Quan Đông đã bị đánh tan. Phía Liên Xô xin lỗi họ vì tình hình diễn biến quá nhanh nên chưa kịp thông báo cho đồng minh biết.[1]

Hướng Bắc Triều Tiên

Theo Kế hoạch chiến dịch Mãn Châu, Bắc Triều Tiên, Nam Sakhalin, quần đảo Kuril nằm ở phía Bắc đảo Hokkaido là các mục tiêu của quân đội Liên Xô. Đối với Bắc Triều Tiên, quân đội Liên Xô sử dụng chủ yếu hai mũi tiến công từ đất liền và từ Biển Nhật Bản. Mũi tấn công trên đất liền do cánh trái Tập đoàn quân 25 thực hiện, từ Khasan dọc theo con đường ô tô phía tây bán đảo Triều Tiên, qua La Tân (Na Jin), Thanh Tân (Chong Jin) thuộc tỉnh Hàm Hưng Bắc đến Hàm Hưng (Hamnhung), Nguyên Sơn (Wonsan) thuộc tỉnh Hàm Hưng Nam. Mũi tiến công phía biển do hải quân đánh bộ thuộc hạm đội Thái Bình Dương thực hiện cũng nhằm vào các cứ điểm trên.[2] Đêm 9 rạng ngày 9 tháng 8, máy bay của hải quân và khu khu trục hạm Liên Xô đã tấn công tàu chiến Nhật, các tuyến phòng thủ ven bờ và các công trình quan trọng khác tại các cảng Triều Tiên.[87] Kế hoạch của Bộ chỉ huy Liên Xô là trước hết nhằm chiếm 3 cảng quan trọng nhất là Yukin, La Tân và Thanh Tân ở Đông Bắc Triều Tiên bằng lực lượng thủy quân lục chiến xuất phát từ quân cảng Vladivostok. Ngay trong hai ngày đầu chiến dịch, không quân Liên Xô đã gần như làm chủ trên không và tiêu diệt được nhiều tàu vận tải Nhật.[88]Cuộc đổ quân lên Yukin bắt đầu ngày 11 tháng 8. Máy bay đánh phá ác liệt rồi lính thủy đánh bộ lên bờ. Quân Nhật mất tinh thần vội vã rút lui khỏi thành phố.[87] Ngày 12 tháng 8, Quân đoàn cơ giới 9 (Tập đoàn quân 25) vượt biên giới tại khu vực Khasan, bao vây các đơn vị tiền tiêu của Tập đoàn quân 5 (Phương diện quân 17 - Nhật Bản) tại Sơn Bông (Tây Bắc Triều Tiên), chiều 12 tháng 8, căn cứ La Tân bị hải quân đánh bộ của hạm đội Thái Bình Dương (Liên Xô) đánh chiếm, phá tan kế hoạch của người Nhật định rút quân theo đường biển.Cảng Thanh Tân là cảng lớn nhất của Bắc Triều Tiên nằm gần biên giới Liên Xô. Ngoài bến cảng, cũng như trong thành phố, người Nhật đã biến khu núi đồi xung quanh thành 120 công trình kiên cố với một mạng lưới giao thông hào chằng chịt. Lực lượng đóng tại Thanh Tân còn được tăng cường bởi những học viên trường bộ binh, các tiểu đoàn hỗn hợp bộ binh-cảnh sát và một trung đoàn kị binh.[89] Trước khi đổ bộ, Liên Xô đã cho máy bay và pháo oanh kích dữ dội. Từ ngày 13 tháng 8, quân Nhật tổ chức phòng ngự tích cực tại Thanh Tân, hai lần đánh lui các đợt công kích từ phía biển của tiểu đoàn 355, lữ đoàn 13 hải quân đánh bộ Liên Xô nhằm xóa căn cứ đầu cầu tại Thanh Tân. Nhưng đến 3 giờ chiều ngày 14 tháng 8, khi toàn bộ lữ đoàn 13 đổ quân xong và các đơn vị phái đi trước của quân đoàn cơ giới 9 tiếp cận Thanh Tân thì quân Nhật bắt đầu rút chạy về Hàm Hưng. Ngày 15 tháng 8, Lữ đoàn hải quân đánh bộ 78 (Liên Xô) bị 300 quân cảm tử Nhật Bản tập kích trên đường ô tô Thanh Tân - Hàm Hưng. Thiếu tướng S. I. Kabanov, chỉ huy bộ tư lệnh tiền phương cánh Nam của tập đoàn quân 25 (Liên Xô) điều chủ lực của mình tới Hàm Hưng gồm sư đoàn bộ binh 5, các tiểu đoàn xe tăng 178 và 678 thuộc lữ đoàn xe tăng 214, tiểu đoàn pháo tự hành 487 và tiểu đoàn pháo xe kéo 274 tham chiến ngày 14 tháng 8. Chiều 16 tháng 8, sư đoàn 393 Liên Xô đã đánh chiếm thành công cứ điểm Thanh Tân. Chiếm được Thanh Tân, Liên Xô đã cắt đứt trục đường tiếp tế của tập đoàn quân số 3 Nhật Bản, tách rời phương diện quân số 17 và phương diện quân số 1 Nhật.[90]Đến ngày 19 tháng 8, trên bờ biển miền Bắc Triều Tiên chỉ còn lại quân cảng Nguyên Sơn do quân Nhật quản lý. Mặc dù căn cứ này bố phòng vững chắc và tập trung lực lượng đông nhưng khi chiến hạm Liên Xô tiến vào cảng ngày 21 tháng 8, quân Nhật tại đây đã nhanh chóng đầu hàng.[90] Hồng quân đánh chiếm cụm cứ điểm Hàm Hưng ngày 24 tháng 8. Cũng trong ngày 24 tháng 8, đội đổ bộ đường không thứ tư của quân đội Liên Xô đã đánh chiếm những mục tiêu quan trọng tại Bình Nhưỡng.[2] Chủ lực các tập đoàn quân 34 và 58 trên cánh bắc của Phương diên quân 17 (Nhật Bản) bị quân đội Liên Xô đánh tan. Cùng thời gian trên, quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên cảng Pusan và tiến đến vĩ tuyến 38, giải giáp tàn quân còn lại của Phương diện quân 17 tại miền Nam Triều Tiên.Việc chiếm cảng Yukin, La Tân và Thanh Tân đã cắt đứt đường giao thông của Đạo quân Quan Đông với nước Nhật khiến cho quân Nhật không còn khả năng tăng viện. Đạo quân này chỉ còn trông chờ vào các cảng ở phía Nam Mãn Châu trên bán đảo Liêu Đông.[89] Đến cuối tháng 8, chiến sự ở Bắc Triều Tiên đã kết thúc với thương vong của Liên Xô là 1.500 người chết và 3.000 người bị thương.[90]

Chiến sự tại Nam Sakhalin và quần đảo Kuril

Chiến dịch tấn công phân nửa phía Nam đảo Sakhalin và quần đảo Kuril được thực hiện bởi các đơn vị của Phương diện quân Viễn Đông 2. Lực lượng được bố trí cho nhiệm vụ này là Quân đoàn Bộ binh 56 thuộc tập đoàn quân 16 phối hợp với Chi hạm đội Bắc Thái Bình Dương (Liên Xô) cùng hai sư đoàn không quân. Tại phía Nam Sakhalin, quân Nhật đã xây dựng những trận địa kiên cố nhằm mục đích kháng cự lâu dài. Sư đoàn 88 Bộ binh Nhật Bản cùng các đơn vị tăng cường được bố trí phòng ngự tại đây, với tổng quân số lên đến khoảng 20.000 người.[91]Cuộc tấn công được thực hiện vào sáng sớm ngày 11 tháng 8 năm 1945, khi lực lượng Liên Xô tấn công các vị trí tiền tiêu dẫn đến khu vực phòng thủ vững chắc của quân Nhật. Dưới sự che chở của sương mù và địa hình rừng rậm, quân Liên Xô đã vòng qua các khu vực phòng thủ vững chắc; và vào sáng hôm sau, sau một giờ rưỡi pháo kích, đã tiêu diệt các cứ điểm này bằng các đòn đột kích cả từ chính diện lẫn tập hậu; và xâm nhập vào trung tâm phòng ngự của quân Nhật.[91]Việc tiến công bên sườn phải dọc theo bờ sông Poronai tiến triển cho đến khi quân Nga chiếm được điểm cố thủ Muika, nhưng sau đó việc tiếp tục tiến quân về phía Nam bị ngưng trệ do sự đề kháng kịch liệt của quân Nhật. Quân Liên Xô, tận dụng sự bất ngờ, vượt qua vùng đầm lầy vào ban đêm, và tiến đến Koton, một đầu mối quan trọng của vành đai phòng thủ trong vùng phòng ngự của quân Nhật. Đến cuối ngày 17 tháng 8, quân Liên Xô đã thành công trong việc chia tách hệ thống phòng ngự của quân Nhật thành những ổ kháng cự độc lập, và vào ngày hôm sau, hoàn toàn dẹp tan hay buộc chúng phải đầu hàng.[91]Sau đó, lực lượng Liên Xô có thể tiến quân nhanh chóng về phía Nam. Vào ngày 16 tháng 8, trong khi Quân Đoàn 56 còn đang tấn công các khu vực cố thủ, Chi hạm đội Bắc Thái Bình Dương đã cho đổ bộ một lực lượng khoảng 140 người lên cảng Tōro. Trong hai ngày tiếp theo sau, nhiều lực lượng khác được đổ bộ, khoảng 1.400 người thuộc hai tiểu đoàn, để củng cố bàn đạp chiếm được trên bờ biển phía Nam Tōro.[92]Sang ngày 19 tháng 8, khi Chính phủ Nhật Bản công bố việc đầu hàng vô điều kiện, nhiệm vụ dành cho lực lượng Xô Viết là giải phóng toàn bộ hòn đảo để đảm bảo an toàn cho toàn thể dân cư với thiệt hại tối thiểu. Vào ngày 20 tháng 8, Lữ đoàn Bộ binh 113 cùng các đơn vị tăng cường, với lực lượng lên đến 3.400 người, đã đổ bộ và chiếm lĩnh cảng Maoka phía cực Tây Nam của hòn đảo. Cho dù bị thiệt hại nặng, quân Nhật vẫn kháng cự kịch liệt nhằm tranh thủ thời gian rút lui lực lượng và phương tiện; nhưng mọi cố gắng chống cự đều bị kết thúc vào giữa ngày 25 tháng 8, khi 18.320 quân Nhật bị bắt làm tù binh.[92]Các hoạt động đổ bộ lên các đảo thuộc quần đảo Kuril, thực hiện vào ngày 18 tháng 8, được thực hiện trong những điều kiện cực kỳ phức tạp. Nhật Bản đã bố trí trên 80.000 quân trên các đảo này. Trong chuỗi quần đảo Kuril, được phòng thủ vững chắc hơn cả là đảo Shumshu, đảo gần bán đảo Kamchatka hơn cả, có một mạng lưới được mở rộng các công sự cố định và tăng cường bằng các lô cốt đất và gỗ, ụ súng, hầm ẩn nấp. Việc phòng thủ trên các đảo khác như là Paramushir, Urup, Iturup và Kunashir cũng được bảo vệ chắc chắn.[92]Sự kiện ngoạn mục nhất trong hoạt động tại đây là cuộc tấn công đổ bộ lên đảo Shumshu. Sáng sớm ngày 15 tháng 8, Nguyên soái Vasilevsky ra lệnh cho Phương diện quân Viễn Đông 2 và Hạm đội Thái Bình Dương chuẩn bị tấn công đổ bộ lên quần đảo Kuril. Nhiệm vụ này được giao cho Khu vực Phòng thủ Kamchatka và lực lượng hải quân tại Petropavlovsk.[92] Ý tưởng căn bản của cuộc tấn công là đổ bộ bất ngờ lên khu vực phía Đông-Bắc Shumshu. Điều này sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng ngự trên các đảo phía Bắc Kuril, và Shumshu sẽ trở thành đầu cầu cho các cuộc tấn công tiếp theo sau lên các đảo Paramushir và Onekotan.[93]Ngày 18 tháng 8, sau một đợt bắn pháo vào các công sự đối phương tại phía Bắc Shumshu bởi các khẩu đội pháo duyên hải đặt tại mũi Lopatka (mỏm cực Nam bán đảo Kamchatka), những con tàu chở quân đổ bộ được che chở bởi sương mù dày đặc đã tiếp cận hòn đảo. Lực lượng phòng thủ trên đảo đã hoàn toàn bị bất ngờ; hai tuyến phòng ngự dọc bờ biển bị chiếm trong hành tiến, thậm chí quân Nhật còn chưa chiếm lĩnh trận địa. Cuộc tấn công phát triển sâu 2 km vào trong đảo mới vấp phải sự kháng cự, nhưng lúc này đã quá trễ, vì các đợt đổ bộ khác đã tiếp nối. Như sau này cho thấy, các viên sĩ quan chỉ huy Nhật Bản nghĩ rằng trước mắt họ không thể bị tấn công đổ bộ lên một nơi được phòng thủ rất mạnh, và cho là cuộc bắn pháo chỉ là một hoạt động phá rối bình thường (vốn được tiến hành thường xuyên nhiều ngày trước đó).[94]Lực lượng Nhật Bản trên các đảo Shumshu và Paramushir đầu hàng vào ngày 23 tháng 8, và trên đảo Matua vào ngày 24 tháng 8. Lực lượng Xô Viết đổ bộ lên các đảo Onekotan và Shikotan vào ngày 26 tháng 8, và trong vòng hai ngày sau đó đã giải phóng các đảo Simushir và Urup. Ngày 28 tháng 8, tàu chiến của Chi hạm đội Bắc Thái Bình Dương đổ bộ lực lượng lính hải quân lên đảo Irutup; và cuối cùng vào ngày 1 tháng 9 họ tiến đến đảo Kunashir, đảo cuối cùng của chuỗi đảo Kuril, vốn chỉ cách đảo Hokkaido bởi một eo biển hẹp, hoàn tất chiến dịch giải phóng Kuril.[94]Trong khi đó, về phía Nhật, ngày 28 tháng 8, phương diện quân số 5 của Nhật Bản tại Nam Sakhalin mới chịu hoàn toàn hạ vũ khí khi chỉ còn lại 18.000 quân và tất cả đều bị bắt làm tù binh. Tại các đảo thuộc quần đảo Kuril, việc giải giáp 47.600 quân Nhật phải kéo dài mãi đến ngày 1 tháng 9 năm 1945 mới hoàn tất.[95]

Những diễn biến chính trị trong quá trình chiến dịch

Đạo quân Quan Đông với 1/4 tổng quân lực của Lục quân Đế quốc Nhật Bản bị đánh bại tại Mãn Châu và Triều Tiên là một đòn nặng nề giáng vào ý chí tiếp tục chiến tranh của các thế lực quân phiệt Nhật Bản. Tuy nhiên, chính giới Nhật Bản ngay trong lúc sự thất bại đã trở nên rõ ràng sau hai sự kiện: Hoa Kỳ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima-Nagasaki và quân đội Liên Xô tấn công đạo quân Quan Đông, cũng vẫn chia rẽ thành hai phái: Chủ hòa và Chủ chiến. Nhiều chính khách Nhật Bản có quan điểm thực tế đã coi thất bại này không phải là sự kiện đáng sợ, mặc dầu đáng buồn. Ngay ở thời điểm bắt đầu chiến dịch Mãn Châu, cựu Thủ tướng Hoàng gia Nhật Bản Fumimaro Konoe đã phát biểu:

Không buồn bã sao được khi thừa nhận rằng Nhật Bản đã thua trong cuộc chiến tranh này. Mặc dù thất bại này có phần trách nhiệm của chúng tôi nhưng cũng không nên bi quan thái quá. Dư luận công chúng Anh và Hoa Kỳ vẫn không yêu cầu phải thay đổi hệ thống chính trị Nhật Bản. Vì vậy, từ điểm này mà xem xét, thất bại đó không có gì đáng sợ. Điều đáng chú ý là làm sao để sự thất bại này đã không tạo ra trong hệ thống chính trị của đất nước những xu hướng của một cuộc cách mạng cộng sản có thể xảy ra. Bây giờ thì quân đội Xô Viết đang tiến nhanh trên khắp các mặt trận. Nếu tiếp tục như thế họ sẽ đến đất Nhật. Do đó, vấn đề cấp thiết bây giờ là đầu hàng có điều kiện trước Hoa Kỳ và Anh QuốcNgày 10 tháng 8, sau khi nghe tin về cuộc tấn công Mãn Châu của Liên Xô và ý kiến của hai phe chủ hòa, chủ chiến, Thiên hoàng Chiêu Hòa đã phán bảo:Trẫm đã nghĩ kĩ rồi. Người Nga đã tham chiến. Nhật Bản đang lâm vào tình thế "lưỡng đầu thụ địch" cả hai mặt đều bị tiến công. Chỉ còn một giải pháp do thủ tướng Suzuki đề xuất mới có thể tìm được lối thoát.Tuy nhiên, giới quân phiệt Nhật Bản không dễ dàng chấp nhận thất bại. Cũng trong ngày 10 tháng 8, Thiên hoàng đã truyền Bộ trưởng Ngoại giao Togo thảo công hàm gửi đến tứ cường ngỏ ý chấp nhận chấm dứt chiến tranh nhưng đất nước không bị chiếm đóng và thể chế, ngôi vua được bảo vệ.[96] Sau khi thảo xong công hàm, Togo đã mời đại biện lâm thời Thụy Sĩ tới trụ sở Bộ Ngoại giao nhờ chuyển giúp công hàm đến tứ cường.[97] 14 giờ ngày 10 tháng 8, thủ tướng Suzuki họp toàn nội các, truyền đạt ý kiến Thiên hoàng nhưng giữ kín chủ trương cầu hòa.[98] Trong khi đó, đại tướng Anami lại gửi lệnh động viên quyết chiến tới toàn bộ lực lượng vũ trang Nhật Bản.Hỡi các tướng lĩnh, đô đốc, sĩ quan, hạ sĩ quan và toàn thể binh lính trong quân đội Thiên hoàng hùng mạnh ! Thế là Nga Xô đã liều lĩnh dám xâm phạm bờ cõi thiêng liêng của lãnh thổ Thiên Triều. Trước tình thế này, toàn thể quân đội và nhân dân Đại Nhật Bản chỉ có một con đường tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh, bảo vệ từng tấc đất giang sơn tổ quốc.Ngày 12 tháng 8, đài phát thanh San Francisco nhắc lại bản tuyên bố Postdam trong đó khẳng định Đồng Minh sẽ chiếm đóng Nhật Bản và hình thức cai trị của nước Nhật sẽ do nhân dân Nhật quyết định.[99] Khi Thiên hoàng ngỏ ý chấp nhận các điều kiện của Hội nghị Potsdam thì các tướng lĩnh cao cấp Nhật Bản gồm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Anami, Tổng tham mưu trưởng, tướng Umezu và Bộ trưởng Hải quân Nhật Bản, Đô đốc Toyoda đều công khai tuyên bố với chính phủ rằng các điều kiện của đồng minh về đầu hàng là không thể chấp nhận được. Đến ngày 13 tháng 8, Thứ trưởng Hải quân Nhật, Đô đốc Takijiro Onishi, người được coi là trung thành tuyệt đối với Thiên hoàng Chiêu Hòa vẫn còn phát biểu:

Hãy để cho chúng tôi lập kế hoạch và tiến hành với nỗ lực đặc biệt vì Thiên Hoàng. Nếu chúng ta hi sinh cuộc sống của 20 triệu người Nhật trong một cuộc tấn công kiểu kamikaze, chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta.Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 8, các thế lực quân phiệt Nhật còn âm mưu tổ chức tấn công nhà riêng của Thủ tướng K. Suzuki và Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Hiranuma nhưng lực lượng Cảnh binh dưới quyền chỉ huy của tướng Tanaka đã chống lại âm mưu này. 8 giờ sáng ngày 15 tháng 8, Thiên hoàng Chiêu Hòa đã đưa ra tuyên bố trên đài phát thanh Tokyo:Nhật Bản chấp nhận các điều kiện của Tuyên bố Potsdam, chúng ta vô cùng thương tiếc những người đã chết nhưng bây giờ là lúc cần phải kiềm chế cảm xúc của mình... Hãy để cho mọi người được sống với nhau như một gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác, Tổ quốc thiêng liêng luôn đặt niềm tin vĩnh cửu của mình vào họ và hãy suy nghĩ về gánh nặng của trách nhiệm trên con đường đi tới tương lai. Cần phải tập hợp tất cả lực lượng để xây dựng tương lai. Hãy đem sự trung thành vô hạn, sự giải phóng về tinh thần, sự trau dồi trí tuệ và không ngừng vượt qua khó khăn để làm sao cho sự vinh hiển của đế quốc luôn song hành với sự tiến bộ của thế giớiKhác với việc tự sát của Hitler gần 5 tháng trước đó, có thể nói Thiên hoàng Chiêu Hòa đã đưa lại cho đất nước mình một kết cục đầu hàng trong danh dự, đúng như hình ảnh của Tư lệnh Quân đoàn 18 (Nhật Bản) tại New Guinea đã giao nộp thanh gươm của mình cho Tư lệnh Sư đoàn 6 (Úc).Hai ngày sau khi quân đội Liên Xô mở chiến dịch Mãn Châu, quân đội Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Thống tướng Douglas McArthur cũng hoàn thành chiến dịch đánh chiếm đảo Okinawa và các đảo quan trọng khác ở phía Nam quần đảo Nhật Bản. Nắm được tin tức về việc Hội đồng quân sự tối cao của Hoàng gia Nhật Bản họp ngày 11 tháng 8 quyết định ra tuyên bố đầu hàng, ngày 12 tháng 8 tướng Douglas McArthur ra lệnh ngừng bắn. Phái bộ quân sự Hoa Kỳ tại Moskva gửi cho phía Liên Xô một bản sao mệnh lệnh này (đã dịch ra tiếng Nga) để Liên Xô thi hành. Lẽ dĩ nhiên là phía Liên Xô phản đối. Ngay sau đó, phía Hoa Kỳ xin lỗi vì lý do nhầm lẫn về văn bản và cải chính rằng đó chỉ là một bản thông báo.[101] Diễn biến tình hình cho thấy còn phải trải qua việc giải quyết mâu thuẫn giữa hai phái "chủ hòa" và "chủ chiến" của Nhật Bản, kể cả cuộc đảo chính hụt đêm 14 rạng ngày 15 tháng 8, mới đưa đến việc tuyên bố đầu hàng của Thiên hoàng Chiêu Hòa.

Kết quả và đánh giá

Kết quả quân sự

Từ ngày 19 đến hết ngày 20 tháng 8 năm 1945, hầu hết các đơn vị của đạo quân Quan Đông đã ra hàng và giao nộp vũ khí cho quân đội Liên Xô. Chỉ có một số đơn vị lẻ trên đảo Sakhalin, do lệnh đầu hàng đến muộn nên còn tiếp tục cầm cự đến ngày 24 và 25 tháng 8. Đến cuối tháng 8, các đội đổ bộ của Liên Xô mới đến được quần đảo Kuril và tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật tại đây.[102] Toàn bộ số quân Nhật còn sống sót ra hàng ở Mãn Châu gồm có 148 tướng lĩnh, 594.000 sĩ quan và binh sĩ. Quân đội Liên Xô thu giữ 861 máy bay, 372 xe tăng, 1.434 khẩu pháo, 379 đầu máy xe lửa, 9.129 xe quân sự, rất nhiều kho tàng lương thực, thực phẩm, thiết bị quân sự và quân nhu các loại.[5]Ở phía Nam, quân đội Liên Xô chiếm đóng cảng quân cảng Lữ Thuận, vốn là căn cứ của hạm đội Đế quốc Nga từ năm 1900 và trao trả lại cho nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1950. Một phần số vũ khí, phương tiện chiến tranh mà Liên Xô sử dụng trong chiến dịch Mãn Châu cùng với số chiến lợi phẩm mà quân đội Liên Xô tịch thu được của đạo quân Quan Đông đã được để lại cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Tất cả gồm 3.700 pháo và súng cối, 600 xe tăng, 861 máy bay, 1.200 súng máy cộng đồng và gần 680 nhà kho quân sự các loại.[103]

Kết quả chính trị

Chiến dịch kết thúc nhanh chóng với thắng lợi hoàn toàn của Hồng quân. Đạo quân Quan Đông bị giết, bị bắt sống và hoàn toàn tan rã.[9] Số phận của lực lượng quân phụ thuộc Mãn Châu quốc cũng tương tự, dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Mãn Châu quốc do Nhật bảo hộ. Hồng quân bắt về nước hai tù binh "đặc biệt" là Yamada Otozō, tư lệnh đạo quân Quan Đông và Hoàng đế Khang Đức của Mãn Châu quốc.[2]Việc quân đội Liên Xô tấn công và chiếm đóng lãnh thổ "Mãn Châu Quốc" không còn tồn tại đã đánh dấu một giai đoạn đau khổ của hơn một triệu "người Nhật" sinh sống trên đất nước bù nhìn này. Những người Mãn Châu bản địa muốn tống khứ những "người ngoại quốc" này, nhiều người trong số đó sinh ra trong giai đoạn "Mãn Châu Quốc" và chưa từng quay trở về Nhật Bản. Một số bị giết, số khác bị giam giữ tại Siberia cho đến 20 năm, và một số đã tìm cách quay trở về được Nhật Bản, nhưng cũng lại bị đối xử như những "người xa lạ".[104][105][106][107]Cùng với các đòn tấn công của quân Đồng Minh trên chiến trường Thái Bình Dương, chiến dịch Mãn Châu góp phần đẩy nhanh sự đầu hàng của Đế quốc Nhật Bản và qua đó tạo điều kiện cho nhiều nước ở châu Á bị Nhật chiếm đóng giành được độc lập.[11] Ngày 17 tháng 8 năm 1945, nước Cộng hòa Indonesia tuyên bố độc lập. Các nước khác như Myanma, Campuchia, Lào cũng thoát khỏi ánh đô hộ của Nhật Bản. Philippine được quân đội Hoa Kỳ giải phóng, Malaysia được quân đội Anh và Úc giải phóng. Miền Bắc Triều Tiên (phía trên vĩ tuyến 38) do quân đội Liên Xô giải phóng. Miền Nam Triều Tiên do quân đội Hoa Kỳ giải phóng theo lộ trình được các nước đồng minh thỏa thuận tại Tuyên bố Potsdam tháng 7-1945.[108]Trong khi đó, đối với Việt Nam, cuộc tiến quân của quân đội Xô Viết vô hình trung đã ăn nhịp một cách ngẫu nhiên với cuộc tổng khởi nghĩa tại đây.[95] Ngày 19 tháng 8, trong lúc nhân dân Việt Nam làm chủ Hà Nội cũng là lúc Hồng quân tiến vào Trường Xuân, thủ phủ Mãn Châu. Ngày 23 tháng 8, khi Huế giành chính quyền thì cũng là lúc tư lệnh quân đội Nhật trên quần đảo Kuril xin hàng. Ngày 25 tháng 8, khi Sài Gòn thiết lập chính quyền cũng là lúc quân đội Liên Xô nhảy dù chiếm lĩnh các sân bay quân sự Oshiai, Toyohara của Nhật Bản ở phía nam đảo Sakhalin. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên thiết giáp hạm Missouri đậu trên vịnh Tokyo, các lãnh đạo quân sự phe đồng minh đã chứng kiến việc ký biên bản đầu hàng không điều kiện của Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai được thực hiện bởi các ông Shighemissu, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Umezu, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nhật Bản.[109] Thống tướng Hoa Kỳ Douglas McArthur thay mặt chính phủ Hoa Kỳ, trung tướng K. N. Derevianko, đại diện chính phủ Liên Xô và các tướng lĩnh đại diện các chính phủ Anh và Trung Hoa dân quốc đã ký xác nhận sự đầu hàng này.[110]

Đánh giá

Cho đến nay, việc đánh giá vai trò, vị trí của Chiến dịch Mãn Châu đối với kết cục của cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương vẫn còn gây tranh cãi giữa các nhà sử học.Một số nhà nghiên cứu cho rằng chính việc Hoa Kỳ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 6 tháng 8 và Nagasaki ngày 9 tháng 8 là tác nhân quyết định đưa đến việc Nhật Bản phải sớm đầu hàng.[111] Lý do được đưa ra để giải thích là nếu tiến hành một cuộc chiến thông thường, quân đội Hoa Kỳ phải mất thêm gần một năm nữa mới có thể đánh bại hoàn toàn lục quân Nhật Bản.[112] Mùa xuân năm 1945, các chỉ huy cao cấp Hoa Kỳ tại mặt trận Thái Bình Dương đã cơ bản xây dựng xong bản "Kế hoạch Downfall" (Operation Downfall) đánh chiếm các đảo chính của Nhật Bản với dự kiến hai chiến dịch kế tiếp nhau là "Chiến dịch Olympic" đánh chiếm phía Nam Nhật Bản và "Chiến dịch Koronet" đánh chiếm Tokyo và vùng phụ cận để kết thúc chiến tranh. Một phần của kế hoạch đã được bắt đầu từ cuối tháng 7 năm 1945 với trận đánh chiếm Okinawa.[112]Theo kế hoạch này, việc kết thúc Chiến tranh Thái Bình Dương sớm nhất cũng không thể trước ngày 1 tháng 3 năm 1946 với số thương vong dự kiến của quân đội Hoa Kỳ có thể lên đến hàng triệu người. Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman cho rằng, việc ném bom nguyên tử là cần thiết để giảm bớt thương vong cho quân đội Hoa Kỳ.[113] Còn ông Henry Lewis Stimson, Bộ trưởng chiến tranh Hoa Kỳ thì tuyên bố: "Bom nguyên tử còn hơn cả một loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp nhất, nó là một loại vũ khí tâm lý". Ông tin rằng Nhật Bản cần phải bị 1 cú sốc lớn, nếu không lực lượng Đồng Minh sẽ phải đối đầu với 5.000.000 lính Nhật quyết tử và 5.000 máy bay. Nếu không có những quả bom nguyên tử, cần đến 5.000.000 lính Hoa Kỳ sẽ phải đổ bộ lên đất Nhật Bản và sẽ có hơn một triệu thương vong chỉ cho lực lượng Hoa Kỳ... Về phía Nhật Bản thương vong sẽ lớn hơn nhiều bởi người Nhật sẽ kháng chiến một cách cuồng tín.[114]Theo tác giả Michael Stohl cho rằng càng về sau, các ý kiến này càng bị nhiều sử gia, chính trị gia và các học giả phản đối.[115] Một số tướng lĩnh cho rằng, việc ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong khi chắc chắn rằng Liên Xô đã tham chiến tại Mãn Châu là không cần vì vấn đề Đế quốc Nhật Bản đầu hàng chỉ còn là vấn đề thời gian; do đó, về khía cạnh quân sự là không cần thiết.[116]Các nhà sử học Xô Viết cho rằng, phía Hoa Kỳ đã chịu áp lực tâm tâm lý khi quân đội Liên Xô đã sẵn sàng khởi sự và thái độ của họ khác hẳn với hồi tháng 2 năm 1945 tại Hội nghị Yalta khi họ yêu cầu Liên Xô phải đưa ra thời hạn chót cho việc tham chiến của mình chống lại Đế quốc Nhật Bản.[9] Phía Liên Xô đã đáp ứng bằng việc đẩy nhanh tốc độ vận chuyển binh lực và phương tiện chiến tranh sang Viễn Đông để sau khi nước Đức Quốc Xã đầu hàng từ hai đến ba tháng, Liên Xô có đủ lực lượng áp đảo để đánh bại lục quân Nhật Bản.[117] Còn thủ tướng Anh Quốc Wilston Churchill thì cho rằng: "Sẽ là sai lầm nếu cho rằng số phận của Nhật Bản là do những quả bom nguyên tử quyết định".[118] Điều này được chứng minh do nạn nhân của hai cuộc ném bom nói trên chủ yếu là thường dân. Nhật Bản không có các căn cứ quân sự lớn tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Đạo quân Quan Đông mạnh nhất của lục quân Nhật đóng ở Mãn Châu chiếm 1/4 binh lực lục quân Nhật Bản. Đa số lục quân Nhật tập trung tại đảo Honshu và Trung Quốc.[119]Xét về quân sự thuần túy thì việc đạo quân Quan Đông bị đánh tan tại Mãn Châu không chỉ làm giảm sút 1/4 lục quân Nhật gồm nhiều binh đoàn mạnh mà còn chia cắt các Phương diện quân Hoa Bắc, Hoa Trung và Hoa Nam của Nhật Bản, không cho họ rút về Nhật bằng con đường ngắn nhất (qua Mãn Châu và Triều Tiên). Xét trên tổng thể các khía cạnh quan hệ kinh tế - quân sự thì với việc để mất vùng công nghiệp trù phú Mãn Châu, nơi đóng nhiều công ty khai thác và chế tạo lớn của Nhật, một phần quan trọng của nền công nghiệp chiến tranh Nhật Bản, thì tiềm lực kinh tế của Đế quốc Nhật Bản đã suy giảm phân nửa so với trước tháng 8 năm 1945, đặc biệt là công nghiệp quân sự. Khi hải quân Hoa Kỳ, Anh, Úc đã phong toả tất cả các nguồn cung cấp từ đường biển thì việc để mất vùng Mãn Châu còn là một đòn chí tử giáng vào nền kinh tế Nhật Bản. Trong trường hợp cuối cùng, vùng Mãn Châu và bán đảo Triều Tiên còn đóng vai trò như một căn cứ dự bị để khi không còn sức chống cự trên các hòn đảo chính quốc, người Nhật vẫn có thể rút về đây, cố thủ và tiến hành cuộc chiến tranh sinh học tiếp tục chống lại phe đồng minh. Việc để mất Mãn Châu đã làm tiêu tan canh bạc cuối cùng mà giới quân phiệt Nhật trù tính.[8]Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu có tư duy ôn hòa hơn thì cho rằng: xét về khía cạnh quân sự thuần túy, nếu quân đội Hoa Kỳ phải mất ít nhất 8 tháng tiến hành "Kế hoạch Downfall" để đánh chiếm Nhật Bản thì quân đội Liên Xô có thể còn mất nhiều thời gian hơn thế cho một mục tiêu tương tự vì lực lượng hải quân của họ không đủ mạnh để áp đảo hải quân Nhật Bản trong các chiến dịch đổ bộ. Hơn nữa, trên các đảo Nhật Bản cũng giống như tại đất Đức, sức chống cự của quân đội Nhật sẽ còn tăng lên rất mạnh do ở gần các căn cứ dự trữ chiến lược của họ, và cộng thêm vào đó là tinh thần dân tộc của người Nhật sẽ làm cho cuộc chiến còn diễn ra ác liệt hơn tại Mãn Châu nhiều lần[24]. Do đó, tác động của Chiến dịch Mãn Châu không thể một mình nó quyết định kết cục Chiến tranh Thái Bình Dương và vẫn chỉ dừng lại ở mức cùng với các trận tấn công của quân đội Đồng Minh và vụ việc ném bom nguyên tử các ngày 6 và 9 tháng 8, đẩy nhanh tốc độ đầu hàng của Đế quốc Nhật Bản mà thôi.[9]

Những phát triển về nghệ thuật tác chiến của Liên Xô

Khi phân tích tình hình để hoạch định kế hoạch cho chiến dịch Mãn Châu, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Viễn Đông đứng trước hai sự lựa chọn. Một số sĩ quan tham mưu cho rằng nên lần lượt tấn công từ Zabaikal trước để thu hút chủ lực đạo quân Quan Đông về hướng này (kỳ binh). Sau khi quân Nhật mất 10 ngày dự kiến để điều lực lượng từ Đông bộ sang Tây Bộ Mãn Châu, quân đội Liên Xô sẽ dùng hai phương diện quân Viễn Đông đồng loạt tấn công từ hướng Primorie (chính binh). Phương án mới đầu nghe thật hấp dẫn. Tuy nhiên, không một thành viên nào trong Hội đồng quân sự Viễn Đông dám chắc quân Nhật sẽ để yếu hướng Đông Mãn Châu. Tướng M. A. Purkaev thì cho rằng tốt nhất là các Phương diện quân nên đồng loạt tấn công.[120]Sau khi thị sát Phương diện quân Zabaikal, Nguyên soái Vasilevsky quyết định chọn hướng này để mở mũi tấn công chính với hai lý do. Một là việc đưa Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 và chủ lực phương diện quân vượt qua dãy núi cao nhất trong vùng này sẽ gây bất ngờ lớn cho đạo quân Quan Đông. Hai là sau dãy núi này là các dải thảo nguyên bằng phẳng và đồng bằng Mãn Châu, nơi mà các lực lượng cơ giới, pháo binh và không quân rất thuận lợi trong việc phát huy thế mạnh về hỏa lực và sức cơ động, có thể tiến nhanh đến các mục tiêu, ít gặp phải sông suối lớn và vùng đầm lầy như ở Đông Mãn Châu. Các cuộc tập trận được tiến hành theo dự kiến này và các phương tiện vượt núi cũng được trang bị gấp cho Phương diện quân Zabaikal.[121] Trên thực tế, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 và các tập đoàn quân 53, 36, 39 chỉ cần 5 ngày để vượt núi và tiếp cận đồng bằng Mãn Châu, trước 5 ngày so với kế hoạch. Sự xuất hiện của Phương diện quân Zabaikal ở phía Tây đồng bằng Mãn Châu là một bất ngờ lớn đối với đạo quân Quan Đông. Sự kiện này làm cho quân Nhật phải điều động thêm binh lực từ hướng Đông Mãn Châu sang hướng Tây Mãn Châu và do đó, từ bỏ kế hoạch ban đầu của họ là dựa vào tuyến đường sắt Đồ Môn, Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân, Thẩm Dương để tổ chức phòng thủ.[122]Vì khi xây dựng kế hoạch tác chiến, Hiệp ước trung lập thân thiện Xô-Nhật vẫn còn hiệu lực nên vấn đề giữ bí mật tuyệt đối cho kế hoạch và các hoạt động chuẩn bị chiến dịch được chú ý đặc biệt. Kế hoạch chiến dịch vạch ra tại Moskva chỉ là kế hoạch đại thể. Còn chi tiết của kế hoạch này được hoàn chỉnh tại Sở chỉ huy Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại Viễn Đông. Đại bản doanh quân đội Liên Xô yêu cầu chỉ có tư lệnh, tham mưu trưởng và ủy viên thứ nhất hội đồng quân sự mới được xây dựng kế hoạch chung. Ngày 21 tháng 7, Nikolai Ivanovich Goluv, một sĩ quan tham mưu trong Bộ tư lệnh Viễn Đông (Liên Xô), đã ba hoa trước mấy nhà báo Liên Xô về một số biện pháp chuẩn bị chiến tranh với Nhật tại Mãn Châu. N. I. Goluv lập tức bị loại ra khỏi cơ quan tham mưu và bị cách ly cho đến khi chiến dịch kết thúc. Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô đã không báo cáo việc này với I. V. Stalin. Nếu không, số phận của viên sĩ quan này khó mà đoán trước được.[123]Các tư lệnh binh chủng và các tập đoàn quân chỉ xây dựng kế hoạch theo nhiệm vụ được giao cho họ. Các mệnh lệnh cho các tập đoàn quân được giao bằng lời nói, không dùng văn bản. Tổng tư lệnh A. M. Vasilevsky và tư lệnh các phương diện quân khi đến Viễn Đông đều là các nguyên soái nhưng không mang quân hàm này, sử dụng tên giả, không đi chung một phương tiện và không đi cùng ngày. Nguyên soái K. A. Mereskov đổi tên thành Maksimov và mang quân hàm thượng tướng; đến thành phố nhỏ Voroshilovsk ngày 29 tháng 6 bằng máy bay. Nguyên soái R. Ya. Malinovsky lấy bí danh là Morozov, cấp hàm thượng tướng và đại tướng M. V. Zakharov đổi tên thành thượng tướng Zolotov đến Chita ngày 4 tháng 7 bằng tàu hỏa với tư cách đoàn thanh tra quân đội. Nguyên soái A. M. Vasilevsky dưới tên gọi thượng tướng Vasiliev, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đến Chita bằng tàu hỏa ngày 5 tháng 7.[124] Các biện pháp giữ bí mật khác cũng được thực thi cho đến ngày khởi sự chiến dịch cũng làm cho quân Nhật bị bất ngờ hoàn toàn.Việc thực hiện hai đòn đánh khóa chặt hai hướng Tây Nam và Đông Nam Mãn Châu chia cắt Đạo quân Quan Đông với Phương diện quân Bắc và Phương diện quân 17 của quân đội Đế quốc Nhật Bản được thực hiện sớm (trước ngày 12 tháng 8) đã làm cho đạo quân này lâm vào tình trạng bị cô lập trên bộ và gần như không còn đường rút lui. Khi tấn công vào đồng bằng Mãn Châu, quân đội Liên Xô không sử dụng các mũi tấn công hợp điểm như vẫn thường sử dụng trên mặt trận Xô-Đức mà sử dụng các đòn đột kích song song từ hai phía Đông và Tây Mãn Châu, chia cắt các cụm phòng thủ của đạo quân Quan Đông thành từ dải, kết hợp với mũi đột kích từ phía Bắc xuống tiếp tục chia cắt theo chiều dọc chẳng những đã làm cho quân Nhật không thể hành động thống nhất do liên lạc bị cắt đứt mà còn ngăn chặn sự hỗ trợ, tiếp ứng lẫn nhau giữa các cụm phòng thủ, dẫn đến sự vỡ trận nhanh chóng.[

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro